TIẾP TỤC RÀ SOÁT, LÀM RÕ CÁC NỘI DUNG DỰ THẢO LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO PHÙ HỢP, THỐNG NHẤT

01/04/2024

Phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, làm rõ các nội dung để đảm bảo phù hợp và thống nhất.

CẦN QUY ĐỊNH RÕ CƠ QUAN BAN HÀNH TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG

Các đại biểu tại Phiên họp

Làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm

Một trong những nội dung được quy định rất cụ thể trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi) lần này là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, tại Điều 7 của dự thảo Luật quy định rõ: Nghiêm cấm công chứng viên thực hiện các hành vi: tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích hoặc nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác; Công chứng giao dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông bà nội, ông bà ngoại; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi; từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng.

Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm công chứng viên nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng; ép buộc người khác sử dụng dịch vụ của mình; cấu kết, thông đồng với người khác làm sai lệch nội dung của hồ sơ yêu cầu công chứng, hồ sơ công chứng; chi tiền hoặc lợi ích khác, gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình trong việc hành nghề công chứng.

Toàn cảnh Phiên họp

Đặc biệt là việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác và cung cấp dịch vụ không liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực; đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên; làm việc theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác; giữ chức danh lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoặc tham gia các công việc mà thường xuyên phải làm việc trong giờ hành chính; tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong giao dịch mà mình nhận công chứng; cho người khác sử dụng quyết định bổ nhiệm công chứng viên, Thẻ công chứng viên của mình; đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn với công chứng viên khác để thành lập, nhận chuyển nhượng hoặc duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng mà không tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng đó; góp vốn, nhận vốn góp, hợp tác với tổ chức, cá nhân không phải là công chứng viên để thành lập, nhận chuyển nhượng hoặc duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng.

Bên cạnh đó, nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi: chi tiền hoặc lợi ích khác, gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho công chứng viên của tổ chức mình trong việc hành nghề công chứng; mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; cho người không đủ điều kiện hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng, chứng thực tại tổ chức mình; cho công chứng viên chưa được cấp Thẻ công chứng viên tại tổ chức mình, công chứng viên đang bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoặc đang bị tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình.

Đồng thời nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi: giả mạo công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; tiết lộ hoặc sử dụng thông tin mà mình biết được trong hoạt động công chứng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng; có hành vi gian dối, không trung thực trong quá trình yêu cầu công chứng, làm chứng, phiên dịch; cản trở hoạt động công chứng; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc công chứng trái quy định của pháp luật; từ chối thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến giao dịch được công chứng mà không có lý do chính đáng; đầu tư toàn bộ, góp vốn, nhận góp vốn, liên kết, hợp tác chia lợi nhuận trong hoạt động công chứng; cung cấp dịch vụ công chứng; đặt tên tổ chức, doanh nghiệp, treo biển quảng cáo hoặc thực hiện các hành vi quảng cáo có nội dung cung cấp dịch vụ công chứng hoặc nội dung dịch vụ gây nhầm lẫn với dịch vụ công chứng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Đối với các quy định hành vi cấm tại Điều 7, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cơ quan soạn thảo cần rà soát các nội dung của Điều này để đảm bảo khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể như các quy định về cấm công chứng viên: Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng...; Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý... . Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, những nội dung này cần phải rà soát thật kỹ và làm rõ hơn.

Rà soát quy định về đào tạo hành nghề, nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề đảm bảo phù hợp, thống nhất

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết,  để nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). Do vậy, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của Luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng, như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long 

Tại dự thảo luật cũng quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để bảo đảm sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm công chứng viên có kiến thức, kỹ năng cập nhật.

Liên quan đến quy định về thời gian đào tạo, tập sự hành nghề công chứng quy định tại Điều 9 dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời gian quy định 12 tháng như dự thảo Luật là quá dài. Do vậy, cần nên rà soát lại quy định này sao cho đảm bảo phù hợp với thực tiễn, giảm được chi phí cho xã hội. “Bên cạnh đó cũng cần làm rõ các quy định về kiểm tra, quy định đạt yêu cầu…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Đối với quy định về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là tại Khoản 1 Điều 17, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng chưa đảm bảo rõ ràng. Cụ thể, dự thảo Luật đang quy định, việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng các giao dịch của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố (sau đây gọi là địa bàn cấp huyện) nơi dự kiến thành lập.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nội dung này cũng cần phải quy định cho cụ thể, rõ ràng hơn, để đảm bảo khả thi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cân nhắc, đối chiếu với quy định tại Điều 42 về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản để tránh mâu thuẫn và đảm bảo phù hợp.

Ngoài ra, về nội dung quy định con dấu của các văn phòng công chứng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát để đảm bảo thống nhất với Luật Doanh nghiệp…/.

Thu Phương - Nghĩa Đức