CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 9 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
Toàn cảnh Phiên họp
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 9, sáng 4/5, các thành viên Hội đồng Dân tộc, các chuyên gia thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận.
Tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã chuẩn bị đầy đủ, công phu hồ sơ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Về hình thức, danh mục hồ sơ đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời thống nhất với cơ sở pháp lý, sự cần thiết của việc xây dựng Luật do Chính phủ nêu trong Tờ trình.
Việc Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để cụ thể hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và khắc phục những tồn tại, hạn chế, còn thiết sót chưa được đề cập trong các Luật liên quan hiện hành nhằm tạo hành lang, pháp lý, không gian phát triển bền vững các đô thị và nông thôn ở nước ta là rất cần thiết và cấp bách.
Qua thảo luận, các ý kiến đề nghị Chính phủ trong Tờ trình cần bổ sung làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn với Luật Quy hoạch, Luật xây dựng và Luật Quản lý phát triển đô thị (dự kiến trình) để tránh chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống văn bản pháp luật, phát sinh những thủ tục hành chính mới, cản trở sự phát triển.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp
Một số ý kiến thành viên Hội đồng Dân tộc cho rằng, nên xem xét lại cách tiếp cận trong xây dựng Luật này. Nên tách riêng vấn đề quy hoạch đô thị và nông thôn. Quy hoạch đô thị nên tích hợp là một phần trong Luật Quản lý phát triển đô thị; quy hoạch nông thôn nên cụ thể hóa một số nội dung trong Luật Quy hoạch (vì liên quan đến quy hoạch tỉnh, huyện, xã) và làm rõ những quy định liên quan đến quy hoạch nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về quy định tiêu chí cơ bản để phân loại đô thị (Điều 4), dự thảo đưa ra 05 tiêu chí để phân loại đô thị. Các đại biểu cho rằng, các tiêu chí như dự thảo quy định còn khá chung chung, đây có thể xem là những nguyên tắc thì phù hợp hơn. Vì tiêu chí cần được lượng hóa cụ thể để có thể thực hiện được, nhất là việc phân loại đô thị. Nếu Luật này giao cho Chính phủ cụ thể hóa các tiêu chí thì cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật.
Quy hoạch đô thị ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số có tính chất, đặc điểm khác với vùng đồng bằng. Vì vậy, các ý kiến đề nghị cần phải bổ sung thêm tiêu chí về yếu tố văn hóa, đặc điểm tự nhiên, địa hình, nhất là khu vực miền núi, vùng cao.
Các đại biểu dự Phiên họp
Về nội dung quy hoạch nông thôn, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm yêu cầu quy hoạch nông thôn phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Nhất là ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số cần phải có yêu cầu về bảo vệ rừng, địa hình, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Đồng thời bổ sung yêu cầu phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn điều kiện đặc điểm từng vùng miền. Nhất là đặc điểm khác biệt về điều kiện tự nhiên của các vùng miền núi, vùng cao, tôn trọng và phù hợp văn hóa các dân tộc. Không nên áp chung quy hoạch đô thị và nông thôn ở vùng đồng bằng đối với miền núi. Vì quy hoạch để phát triển, nhưng phải bảo đảm bền vững, giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc từng vùng, miền.
Các đại biểu cũng cho rằng cần phải nhìn nhận, tiếp cận sự phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào cư trú ở miền núi theo hướng phát triển bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, cộng đồng. Vì vậy có thể quy hoạch đối với các vùng này không cần đầu tư quá lớn về hạ tầng, tập trung đông dân cư, nhưng quy hoạch theo hướng hình thành các trung tâm đô thị gắn với bản sắc văn hóa vùng miền, xuất phát từ nội lực của chính người dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại Phiên họp
Cùng với đó, cần cân nhắc bổ sung thêm quy định về sự phù hợp của quy hoạch cấp dưới với quy hoạch cấp trên để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổng thể chung quy hoạch của quốc gia, nhất là các dự án đã được phê duyệt có thời gian thực hiện dài…
Đối với các quy hoạch cụ thể (huyện, xã) từ các Điều 26 - Điều 28, một số ý kiến đề nghị cần phải tính toán, bổ sung các yêu cầu trên để bảo đảm quy hoạch các vùng đô thị và nông thôn phù hợp với các yếu tố vùng, miền, văn hóa… nhất là vùng đồng bằng, miền núi.
Để đảm bảo quy hoạch vùng đô thị và nông thôn phù hợp với đặc điểm vùng miền, điều kiện tự nhiên của từng địa phương như yêu cầu trên (Điều 25), một số ý kiến cho rằng, cần phải tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, trách nhiệm cho các địa phương trong việc lập, phê duyệt quy hoạch, quản lý nhà nước về công tác quy hoạch đô thi và nông thôn trên địa bàn.
Cũng trong sáng nay, các thành viên Hội đồng Dân tộc thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); đồng thời nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cung cấp thông tin về việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Theo dự kiến chương trình chiều nay (4/5), Hội đồng Dân tộc sẽ thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; cho ý kiến về Kế hoạch, đề cương giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023”…
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đề cập về thực tiễn triển khai chính sách pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, từ đó khuyến nghị một số vấn đề cho dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Phạm Thị Nhâm trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó góp ý về vấn đề liên quan đến nông thôn, miền núi và việc bảo đảm chính sách dân tộc.
Đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận
Các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn