UỶ BAN KINH TẾ CHO Ý KIẾN VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2045, TẦM NHÌN 2065

31/05/2024

Cuối giờ chiều ngày 31/5, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Uỷ ban Kinh tế tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 15 để cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065.

UỶ BAN KINH TẾ THẨM TRA DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC – NAM PHÍA TÂY ĐOẠN GIA NGHĨA – CHƠN THÀNH

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cùng các bộ ngành liên quan.

Tờ trình Chính phủ cho thấy, đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi đây là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô. Theo đó, tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065 là Thành phố “ Văn hiến – Văn minh - Hiện đại”, Trung tâm động lực thúc đẩy pháy triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, thành phố kết nối toàn cầu.

Với tinh thần đó, khi thực hiện việc kế thừa và điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2011, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã điều chỉnh các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, điều chỉnh dự báo phát triển, kế thừa và điều chỉnh mô hình cấu trúc đô thị; Kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn; Điều chỉnh bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh. Cải tạo và tái thiết đô thị, nông thôn. Theo đó, Thành phố Hà Nội cũng đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm như phát triển liên kết vùng, phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát triển vị trí hai bên sông Hồng như biểu tượng phát triển thủ đô, áp dụng mô hình “ Thành phố trong Thủ đô”, phát triển Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; thực hiện chiến lược hàng lang xanh, cải thiên môi trường, hành động thực hiện quy hoạch.

Từ đó, Thủ đô Hà Nội sẽ định hướng phát triển không gian theo mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế, tạo động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Các trung tâm cấp quốc gia tại phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng Quốc tế tại phía bắc sông Hồng; Trung tâm Chính trị, hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm thành phố Hà Nội tại khu vực Hồ Gươm; phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển lan toả vùng và Quốc gia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Cụ thể, Thủ đô Hà Nội sẽ dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía Tây và phía Bắc, phát triển mở rộng đô thị trung tâm về phía Tây và phía Nam gắn với trục đô thị theo hành lang vành đai 4. Tại các khu vực phát triển đô thị mở rộng thuộc đô thị trung tâm và các trục đô thị hướng tâm, trục đô thị dọc vành đai 4, trục đô thị phía Bắc sông Hồng, phát triển mô hình đô thị tập trung gắn với các đầu mối giao thông công cộng, trung tâm dịch vụ, văn hoá thể thao, gắn với các không gian dịch vụ, việc làm và các tiện ích công cộng đô thị.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Cho ý kiến về đồ án này, đa số các đại biểu đồng tình và đánh giá cao quan điểm, phát triển mục tiêu thời kỳ tầm nhìn quy hoạch Thủ đô. Đồ án phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về Quy hoạch xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và phù hợp với định hướng về phát triển kinh tế xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, xét theo thực trạng, tồn tại, hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải, các đại biểu cũng đặt vấn đề về tính khả thi trong thực hiện đồ án này, trong đó có các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường, hạ tầng, kỹ thuật thiếu đồng bộ. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ về nguồn lực, đề xuất cơ chế đặc thù phát triển để đảm bảo tính khả thi của đồ án.

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 đã được Thành phố Hà Nội cầu thị, tiếp thu ý kiến từ rất nhiều chuyên gia, nhà Khoa học, Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan và xin ý kiến Bộ Chính trị. Do đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá theo 5 quan điểm phát triển chung, 3 quan điểm tổ chức phát triển không gian, xây dựng 3 kịch bản để xác định mục tiêu tổng quát tổng thể đến 2030. Thành phố Hà Nội cũng đề tính toán đề xuất các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được xây dựng chất lượng, công phu với khối lượng thông tin lớn, phức tạp, bám sát được các quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tuy nhiên với thực trạng, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nguyên nhân cụ thể không chỉ của từng ngành, lĩnh vực mà còn trong mối quan hệ, sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực với nhau, đặc biệt là xung đột, thiếu đồng bộ trong tổ chức không gian. Do đó, cần làm rõ hơn đặc điểm chuyên ngành và tính thống nhất của quy hoạch theo thứ tự đã ban hành tại Luật Quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ của các Quy hoạch.

Cùng với đó cần rà soát các quy hoạch cấp quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định/phê duyệt; bổ sung thuyết minh cụ thể hơn đối với các phương án, định hướng phát triển, bảo đảm nội dung của Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cụ thể hóa đầy đủ hơn để phù hợp, thống nhất với các quy hoạch cấp cao hơn trong hệ thống quy hoạch. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận phiên họp

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, cần bổ sung, làm rõ các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể và các tiêu chí đánh giá mang tính định lượng. Từ đó, đề xuất các phương án phát triển khả thi, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tổng quát đã đề ra và có cơ sở để đánh giá quá trình triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung kinh nghiệm lập quy hoạch thủ đô, đô thị của một số nước có trình độ phát triển và đặc điểm tự nhiên, xã hội tương đồng với Thủ đô Hà Nội để có thể áp dụng phù hợp với tình hình thực tế với vai trò, vị thế của Thủ đô trong khu vực và quốc tế thời kỳ tới. 

Sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tập hợp các ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo đối với Tờ trình số 173 và Báo cáo ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp giữa 02 đợt họp và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ 7./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận phiên họp

Hải Yến - Minh Thành