TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

28/06/2024

Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính sáng 28/6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ: Việc xây dựng dự án Luật Quản và đầu tư vốn Nhà nước nhằm tạo một cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng, là điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước có thể chủ động triển khai đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ VÀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP VÀO CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2024

Sáng 28/6, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc triển khai Kế hoạch xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh chủ trì cuộc làm việc.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc triển khai Kế hoạch xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Thực hiện nhiệm vụ phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Dự thảo Luật bám sát nội dung 06 nhóm chính sách trong hồ sơ khi đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và được Quốc hội thông qua để quy định cụ thể nội dung tại các Chương, Điều, khoản cụ thể.

Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13. Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Lãnh đạo và chuyên viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách tham dự cuộc làm việc với Bộ Tài chính

Việc xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nhằm đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu). Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế. Ngoài ra, việc xây dựng Luật cũng nhằm huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Khẳng định đây là một đạo luật lớn, quan trọng và rất khó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều mong muốn triển khai sớm thẩm tra dự án Luật này.

Đại diện cán bộ, chuyên viên Bộ Tài chính tham dự cuộc làm việc.

Về phía cơ quan soạn thảo, thống nhất với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là một đạo luật có tác động lớn đến phát triển kinh tế  - xã hội của nước ta nên Bộ Tài chính cố gắng thiết kế dự án Luật có chất lượng cao nhất. Trong đó, Bộ Tài chính chú trọng triển khai công tác lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến các chuyên gia về doanh nghiệp Nhà nước, cũng như chính doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị, tổ chức, hiệp hội liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, yêu cầu khi soạn thảo dự thảo Luật Quản và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là làm thế nào phát huy được dòng vốn tại doanh nghiệp; tập trung vào để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quyền của người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; xác định sẽ quản lý xuyên suốt theo dòng tiền của Nhà nước hay quản lý theo cấp hành chính; phương thức quản lý phần vốn Nhà nước ở công ty cổ phần có vốn góp dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu

Tại phiên họp, các đại biểu đều ghi nhận, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động để xây dựng dự thảo Luật, chủ động thẩm tra từ sớm, từ xa. Trong đó, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp với Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức thành công 2 hội thảo (tháng 1/2024 và tháng 3/2024) lấy ý kiến về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phối hợp với Uỷ ban Pháp luật và Bộ Tài chính thẩm tra, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; tham dự một số tọa đàm lấy ý kiến về dự án Luật.

Các đại biểu cũng ghi nhận, dự thảo Luật Quản và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đã có bước tiến khá lớn so với dự thảo Luật trước đó. Để vừa bảo đảm chất lượng dự thảo Luật, tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát kế hoạch thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tài chính – Ngân sách; phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động khảo sát tại doanh nghiệp Nhà nước, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh đóng góp ý kiến

Ngoài ra, các đại biểu cũng mong muốn với tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần nỗ lực hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, không để xảy ra tình trạng gửi chậm, muộn tài liệu; tích cực phối hợp hơn nữa để thực hiện tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn, hoàn thiện dự thảo Luật sau lần đầu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới… Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự phiên làm việc cũng thống nhất thời gian tổ chức các cuộc tọa đàm lấy ý kiến; cách thức phối hợp thực hiện tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật; thời gian tổ chức các cuộc đi học tập kinh nghiệm ở một số quốc gia có cùng điều kiện với nước ta; đề nghị lãnh đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách và lãnh đạo Bộ Tài chính có chủ trương, định hướng ngay từ đầu về quá trình xây dựng dự án Luật, nhất là về tên gọi dự án luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là rất cần thiết, nhằm tạo một cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước có thể chủ động triển khai đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu kết luận cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng lưu ý, bên cạnh thiết kế các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh thì tại dự án Luật cũng cần quy định các cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát để không thất thoát tài sản vốn của Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần chú ý xây dựng dự thảo Luật bám sát nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ khi đề nghị xây dựng dự án Luật để quy định cụ thể nội dung tại các Chương, Điều, khoản cụ thể.

Cơ bản thống nhất với kế hoạch soạn thảo dự thảo Luật Quản và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ mời đại diện các cơ quan tham gia đầy đủ các tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng sẽ sẵn sàng phối hợp Bộ Tài chính trong việc mời đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, những doanh nghiệp… để có nhiều nhất các ý kiến góp ý hữu ích cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật./.

Bích Lan - Phương Thủy