ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ, TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, PHÒNG CHỐNG HẠN MẶN
Thống kê từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai, thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.300 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…
Quan tâm đến vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai được ngày càng kịp thời, hiệu quả, bền vững, cần tăng cường tính phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo sẵn sàng trước mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh. Các ý kiến chỉ rõ, trong bối cảnh nhiều loại hình thiên tai tác động ngày càng sâu rộng, nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Tham gia ý kiến về vấn đề phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ ngày 1/7/2024, khi Luật Phòng thủ dân sự bắt đầu có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai được quy về một Ban chỉ đạo duy nhất là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, thay vì hệ thống các Ban Chỉ đạo như trước đây, bao gồm: Ban chỉ đạo dân sự quốc gia; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia khắc phục sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Để Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng thủ dân sự hoạt động hiệu quả, đại biểu đề nghị cần chuẩn bị thật kỹ về tổ chức bộ máy, về phân công trách nhiệm, phát huy tối đa hiệu quả chuyên môn của các cơ quan thành viên để có thể đưa công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, phòng thủ dân sự của đất nước tiếp tục phát huy được vai trò, vị trí của mình.
Đại biểu cũng đề nghị, các bộ, ngành và các tỉnh tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ, xuyên suốt để việc quy hoạch, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như xây dựng, thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần đặc biệt lưu ý lồng ghép các nội dung của công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Chú trọng xây dựng kịch bản dự phòng, kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai, các sự cố nghiêm trọng và đặc biệt là các tình huống thảm họa kép là thiên tai đi kèm với dịch bệnh.
Cần phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo để ứng phó kịp thời và hiệu quả với thiên tai
Đại biểu cho rằng, trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai thì lực lượng quan trọng nhất là lực lượng tại cơ sở. Đặc biệt, nhận thức và ý thức của người dân ở cơ sở là hết sức quan trọng. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thắng lợi phương châm “bốn tại chỗ”. Do vậy, việc tăng cường cho lực lượng cơ sở là hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng. Đại biểu đề nghị cần có những chỉ đạo mạnh mẽ để tạo điều kiện cho sự tham gia một cách hiệu quả, xuyên suốt và đồng bộ của toàn hệ thống chính trị và nhất là phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Trong đó, có Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ của công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, đặc biệt là tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 553 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 về xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và Quyết định số 342 của Thủ tướng năm 2022 về kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đây là những nội dung cần phải có sự tham gia rất tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của các tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tăng cường hợp tác quốc tế để có thể khai thác, sử dụng, chia sẻ các dữ liệu dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn nước ngoài và quốc tế để đảm bảo ngưỡng cảnh báo được chính xác, ngưỡng cảnh báo là điều kiện tiên quyết hết sức quan trọng để chúng ta quyết định triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực hành động sớm, qua đó thực hiện tốt các mô hình phòng, chống thiên tai địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Đề cập đến tình hình sạt lở đối với đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, mặc dù chúng ta đã xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng trong giải pháp của Chính phủ đưa ra lần này mới đề cập đến việc xây dựng đề án để phòng, chống sạt lở thiên tai. Đại biểu nhấn mạnh, nhiều năm nay, chúng ta đã có nhận thức được vấn đề này, nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã công bố thiên tai, sạt lở, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Vì thế, đến nay mới đưa ra giải pháp là quá chậm. Đại biểu chỉ rõ, việc chậm triển khai các giải pháp sẽ gây thiệt hại lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm, có hướng chỉ đạo tốt hơn trong thời gian tới để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định về an ninh quốc phòng.
Liên quan đến ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chỉ rõ, vừa qua có những tác động có thể ảnh hưởng đến tình trạng ngập mặn vốn đã ngày càng khó khăn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cần có sự tập trung từ sớm, đưa ra những chính sách hiệu quả, phù hợp, những giải pháp mang tính khoa học để có thể chủ động, tránh bị bất lợi từ bất kỳ tác động nào, kể cả từ thiên tai hoặc từ dòng chảy, ví dụ như các biện pháp ngăn xâm ngập mặn hiệu quả và kiểm soát được dòng nước ngọt. Theo đại biểu, việc này cũng phải có một nguồn đầu tư rất lớn và cũng phải sớm triển khai, tiến hành, do đó các bộ, ngành cần chủ động và phối hợp hiệu quả.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, tình hình thiên tai, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu xảy ra trên diện rộng với nhiều hình thái khác nhau, ngày càng gay gắt, tác động lớn đến đời sống sản xuất của nhân dân, cần có các giải pháp kịp thời, căn cơ trong trước mắt và lâu dài. Đối với những vấn đề này, đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm tháo gỡ để khơi thông những điểm nghẽn, những vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng chúng ta tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các mô hình phòng, chống thiên tai tiên tiến, hiệu quả mà đã được nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia áp dụng. Đặc biệt là mô hình hành động sớm. Các mô hình hành động sớm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất hiệu quả trong phòng, chống thiên tai và khẳng định tính hiệu quả rõ rệt.
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta đã đưa ra chủ trương và phương châm hành động sớm. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể chế hóa được cụ thể các văn bản quy định, các hướng dẫn cũng như là quy trình về hành động sớm để các ngành, các địa phương có căn cứ phối hợp triển khai thực hiện. Do vậy, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm thể chế hóa các văn bản để chúng ta có thể cụ thể hóa các hướng dẫn, các quy trình, các quy định liên quan đến hành động sớm để chúng ta có thể áp dụng ngay trong năm nay.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh sớm hoàn tất việc ban hành quy chế phối hợp giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và hỗ trợ đoàn tỉnh về thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trên địa bàn theo quy định tại khoản 8, Điều 25 Nghị định số 93 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là một quy chế phối hợp rất quan trọng, nhưng hiện nay có rất ít các tỉnh đã ký và ban hành./.