DOANH NGHIỆP ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)

09/08/2024

Chiều 9/8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp nhiều nội dung vào dự thảo Luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi chủ trì Hội thảo.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)

GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo

Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004 và đã qua 03 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi, bổ sung không nhiều (năm 2012 chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí, năm 2018 chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch, năm 2022 chủ yếu sửa đổi quy định về chính sách phát triển điện lực và quyền, nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện), do đó, cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây (có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều) để đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trong thực tiễn thi hành hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được và cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành hiện đang thiếu cơ sở pháp lý tại Luật Điện lực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Điện lực là lĩnh vực tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Trong khi đó, Luật Điện lực được ban hành cách đây gần 20 năm nên khó tránh khỏi một số nội dung tại Luật Điện lực đã lỗi thời hoặc có sự chồng chéo với pháp luật khác. Do đó, cần rà soát quy định tại Luật Điện lực để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưu trữ điện; đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương, bao gồm 119 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực...

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với VCCI đã lắng nghe những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: mở rộng hợp đồng quyền chọn trong giao dịch mua bán điện; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưu trữ điện; đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân...

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam nêu quan điểm: Theo chủ trương của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đã được triển khai, phát triển qua hai giai đoạn là thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Ở các giai đoạn tiếp theo, cơ chế mua bán điện thông qua các hợp đồng phòng vệ rủi ro biến động giá được đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Nếu Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ quy định hợp đồng kỳ hạn mà không quy định thêm hợp đồng quyền chọn thì chưa đầy đủ các công cụ bảo hiểm giá, chưa thể triển khai một cách toàn diện mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Một số chuyên gia, tiến sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong ngành Điện lực cho rằng, thị trường điện Việt Nam không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là hợp đồng kỳ hạn, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như hợp đồng quyền chọn.

Theo ông Dương Đức Quang, với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, Dự thảo Luật cần có tính ổn định, bền vững nhất định, đồng thời cần bắt kịp với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Ông Nguyễn Ngọc Cường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư EverEV

Liên quan đến việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưu trữ điện, ông Nguyễn Ngọc Cường - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư EverEV cho biết: Ở các nước phát triển năng lượng tái tạo, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưu trữ, Chính phủ cho phép các hệ thống lưu trữ điều tần “hấp thụ năng lượng từ lưới tại thời điểm thừa năng lượng tái tạo” và hệ thống lưu trữ điều tần được trả tiền cho việc đó (giá FIT âm). Cơ chế này giúp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mạnh dạn đầu tư vào hệ thống lưu trữ, vừa tận dụng được điện năng dư thừa trong thời điểm nắng, gió cao điểm, vừa hỗ trợ lưới điện tránh được sự căng thẳng, dao động tần số khi cần.

Thêm nữa, nếu có cơ chế khuyến khích nhằm tạo ra một hệ thống “lưu trữ chia sẻ”, thiết nghĩ nhiều người dân và doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề thiếu điện trong giờ cao điểm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cường, trong Luật Điện lực (sửa đổi) cần trao quyền cho cơ quan chuyên môn trong việc quyết định các cơ chế khuyến khích đối với hoạt động tiên phong, thí điểm, thử nghiệm, làm tiền đề cho việc tiến hành đầu tư ở quy mô lớn trong lĩnh vực lưới điện thông minh quy mô nhỏ. Đây là việc không khó về mặt kỹ thuật, mà rào cản chính khiến chúng chưa phát triển được trước đây chính là vấn đề giá thành năng lượng quy mô nhỏ không cho phép mà nay đang ở ngưỡng phù hợp.

Với sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực xe điện, mỗi chiếc xe là 1 cục pin lưu trữ khổng lồ quy mô hộ gia đình. Đây là nguồn năng lượng điều tần đáng kể, quan trọng cần được tính tới trong tương lai gần. Để huy động được nguồn điện từ hệ thống xe điện không lăn bánh tại thời gian cao điểm tối, ông Nguyễn Ngọc Cường cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) cần được đề cập rõ trách nhiệm ban hành cơ chế ưu tiên cho nguồn điện thông minh này được nối lưới, hỗ trợ bán ngược điện vào lưới điện quốc gia thông qua công nghệ V2H/V2G.

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh

Nêu quan điểm về đảm bảo cung cấp điện, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, ngoài các quy định Nhà nước độc quyền theo Luật Điện lực hiện hành, cần quy định cụ thể phạm vi Nhà nước cần độc quyền trong đầu tư xây dựng các nguồn điện lớn (hiện nay được quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP). Lưới điện truyền tải Nhà nước cần đầu tư trong Luật để phân định rõ với lưới điện tư nhân đầu tư để đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, ổn định, an toàn, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp đóng góp vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Các nội dung đóng góp rất đa dạng, phong phú tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: mở rộng hợp đồng quyền chọn trong giao dịch mua bán điện; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưu trữ điện; đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân...

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến về hợp đồng kinh doanh điện, các chính sách phát triển điện gió ngoài khơi; giá điện, thị trường điện, hợp đồng mua bán điện; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới... Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu và giải trình đầy đủ với nguyên tắc vấn đề đã chín, đã rõ, đồng thuận cao sẽ được đưa vào trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, VCCI

Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ông Phạm Lê Quang - Giám đốc Phát triển dự án, Công ty Cổ phần BCG Energy

Ông Lưu Hoàng Hà - Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 

Ông Lê Bá Thành Chung - Luật sư Thành viên điều hành, Công ty Luật TNHH Xây dựng Việt Nam

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN

Bà Trương Ngọc Diệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Hội thảo và cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và giải trình đầy đủ với nguyên tắc vấn đề đã chín, đã rõ, đồng thuận cao sẽ được đưa vào trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác