Có giải pháp đột phá, giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

07/10/2024

Chiều 7/10, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2024. Đồng thời, tham gia ý kiến dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp.

Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Toàn cảnh Phiên họp

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chuẩn bị của Quốc hội và Chính phủ đối với nội dung Chương trình Kỳ họp thứ 8

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chuẩn bị của Quốc hội và Chính phủ về các nội dung quan trọng của chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; quan tâm đến việc triển khai năm học mới 2024 – 2025. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Cử tri và Nhân dân mong ngành giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: “Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết, kỷ cương”; đặc biệt cần quan tâm định hướng, phổ biến cụ thể phương án, hình thức phù hợp cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 - 2025.

Cử tri và Nhân dân cũng lo lắng tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân; tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân;…

 Chất lượng trả lời các kiến nghị ngày càng được nâng lên

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình 

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, trên cơ sở Báo cáo của các Đoàn ĐBQH, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.289 kiến nghị cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đến nay, 1.942 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 84,8%. "Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm. Nhiều kiến nghị đã được trả lời trước thời hạn, số kiến nghị của cử tri được tiếp thu, giải quyết xong ngay giữa hai kỳ họp đã tăng so với kỳ họp trước, chất lượng trả lời các kiến nghị ngày càng được nâng lên...", Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong kỳ báo cáo, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với kỳ trước. Tuy nhiên, tình trạng các công dân khiếu kiện đơn lẻ, kéo dài tại Hà Nội hàng ngày vẫn tập trung đông người, đến các cơ quan ở Trung ương,…

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, trong kỳ báo cáo năm 2024, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã tiếp 4.703 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 4.337 vụ việc và có 233 lượt đoàn đông người; đã nhận được tổng số 31.934 đơn thư của công dân gửi đến. Qua nghiên cứu 9.493 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 4.136 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời công dân đối với 1.328 đơn; thực hiện các hoạt động giám sát việc giải quyết đối với 252 vụ việc…

Hỗ trợ Nhân dân vùng bị thiệt hại tái thiết cuộc sống

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước (từ sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đến nay) qua nắm bắt tình hình Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, thành viên của Mặt trận; thông qua tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị: Đảng, Nhà nước sớm dành nguồn lực gói hỗ trợ lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để Nhân dân vùng bị thiệt hại có điều kiện tái thiết lại cuộc sống; đề nghị cấp có thẩm quyền nhất là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện, phát huy dân chủ, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huy động sức mạnh của toàn dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội;…

Khắc phục tồn tại, có giải pháp đột phá đối với những vấn đề liên quan tới nhiều bộ ngành

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các báo cáo cần tiếp tục rà soát, đầu tư, gia công thêm để làm rõ hơn nội dung trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đối với Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cách thức thể hiện cần tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ; thể hiện rõ được góc nhìn, tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Đối với một số nội dung bất cập chưa được giải quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế cần chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp hữu hiệu khắc phục vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế; có kế hoạch triển khai đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, dự kiến được sửa đổi, bổ sung; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thủ tục hành chính khi khám, chữa bệnh,… Đối với tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mặc dù được thực hiện hiệu quả, có chiều hướng giảm so với năm 2023 tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, không được chủ quan, các cơ quan, bộ ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ đảm bảo giải quyết triệt để, thấu đáo.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với các Báo cáo của Ban nguyện, dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8. Để hoàn thiện các Báo cáo, các ý kiến tập trung thảo luận, đề nghị làm rõ một số nội dung trong tâm liên quan đến kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền; tình hình khiếu nại, tố cáo; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn; giải pháp khắc phục những tồn tại/vướng mắc đối với những kiến nghị chưa được xử lý; vấn đề thực hiện chủ trương nhà ở xã hội; chế độ, chính sách đối với giáo viên; tình trạng xâm hại trẻ em; cháy nổ;… Đồng thời, đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu, giải trình nội dung liên quan đến việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ tính giá dịch vụ y tế; việc ban hành chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung các báo cáo do Ban Dân nguyện chủ trì xây dựng, và dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 8. Các báo cáo đã nêu được các vấn đề tương đối toàn diện, xác đáng, có số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ.

Uỷ ban Thường vụ cũng ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành trong giải quyết các kiến nghị của cử tri và người dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Theo đó, nhiều vấn đề đã được giải quyết, sửa đổi bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên thực tế; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nhiều kết quả tốt đẹp.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đối với 3 báo cáo của Ban Dân nguyện, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành báo cáo giải trình, làm rõ thêm 07 nội dung nổi lên, 10 vấn đề cử tri kiến nghị và các ý kiến nêu tại phiên họp xung quanh một số nội dung như: cơ chế, chính sách đột phá nhưng thủ tục vẫn theo quy định hiện hành; vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực y tế, giáo dục,… Đề nghị tiếp tục rà soát 23 nhóm kiến nghị của Ban Dân nguyện; yêu cầu các Bộ ngành tham mưu Chính phủ thực hiện đầy đủ các kiến nghị được nêu tại báo cáo.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, tiếp tục tập trung chỉ đạo các vấn đề còn tồn tại, sớm khắc phục triệt để, có giải pháp đột phá nhất là vấn đề liên quan tới nhiều bộ ngành; các bộ ngành tiến hành đổi mới cách thức trả lời kiến nghị của cử tri đảm bảo trả lời đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, rõ trách nhiệm của bộ, ngành;…

Về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với một số nội dung cơ bản trong dự thảo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuẩn bị. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, chủ động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Dự thảo Báo cáo đã bao quát được toàn diện tình hình kinh tế - xã hội cũng như nêu được dư luận xã hội, nhiều nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân;.. Tuy nhiên, để hoàn thiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các nội dung trong báo cáo, trên cơ sở ý kiến tại phiên họp phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên họp

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thị Kim Chi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận Phiên họp./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác