Bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc

07/10/2024

Chiều 7/10, tại Nhà Quốc hội, phát biểu bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau hai ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm và nghiêm túc, Phiên họp đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra.

Hội đồng Dân tộc thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm và nghiêm túc, Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra.

“Phiên họp có sự tham dự cơ bản đầy đủ của các thành viên Hội đồng Dân tộc, các đại biểu là đại diện các cơ quan có liên quan, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các đồng chí đối với công tác của Hội đồng Dân tộc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.

Tại Phiên họp này, Hội đồng Dân tộc đã tập trung thực hiện các nội dung quan trọng chủ yếu như sau:

(1) Về thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 và Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Qua Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng như thảo luận của các đại biểu, các ý kiến cơ bản ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói chung và cụ thể đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030.

Tại Phiên họp này, các đại biểu đã có nhiều ý kiến quan trọng đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó, tập trung vào các vấn đề tồn tại, vướng mắc hiện nay, từ hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đến các điều kiện bảo đảm thi hành các văn bản hướng dẫn tại các địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu bế mạc Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu về hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; điều kiện triển khai và xác định đối tượng ở địa phương; các yêu cầu bảo đảm hiệu quả cho xây dựng Chương trình giai đoạn tiếp theo… Tiếp tục rà soát, đôn đốc việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Chính phủ và các địa phương. Bên cạnh đó, rà soát kỹ và đánh giá thực chất kết quả thực hiện các chỉ tiêu, vì từ thực tế, đời sống, sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số đang còn gặp rất nhiều khó khăn; kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Đồng thời xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, địa phương chưa thực hiện hoặc đang triển khai thực hiện chậm các dự án của CTMTQG. Tăng cường công tác truyền thông và quan tâm ý kiến của đối tượng thụ hưởng, có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy hiệu quả, tiến độ thực hiện CTMTQG.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc phân công Tiểu ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng Dân tộc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc gửi tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội theo quy định.

Về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, tuy đây không phải là tài liệu trình Kỳ họp của Quốc hội nhưng rất quan trọng, đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp để có thêm thông tin, cơ sở thực hiện nhiệm vụ này. Đề nghị các đại biểu là thành viên Hội đồng Dân tộc nắm bắt, nghiên cứu thông tin phục vụ thảo luận tại nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến thảo luận tổ vào ngày 23/10 và thảo luận tại Hội trường vào ngày 30/10).

(2) Về giám sát của Hội đồng Dân tộc chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2030”

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, qua giám sát trực tiếp các địa phương trong thời gian qua, các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ DTTS đã được thể chế hóa tương đối toàn diện, các địa phương triển khai cơ bản đúng theo quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ được bộ, ngành và các địa phương quan tâm, có cơ cấu, tính đến nguồn cán bộ DTTS. Một số địa phương có thêm chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cán bộ cấp xã vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ là người DTTS rất ít người.

Các đại biểu dự Phiên họp

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, công tác cán bộ DTTS còn một số vấn đề tồn tại cần được nghiên cứu, làm rõ và đưa ra phương án giải quyết, như: trong thể chế hóa chủ trương “tuyển dụng công chức, viên chức đối với dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” tại Kết luận 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này; vấn đề quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ DTTS trong các cơ quan nhà nước; vấn đề tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là người DTTS…

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Tổ giúp việc Đoàn Giám sát tổng hợp, tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, thể hiện rõ, cụ thể, trọng tâm các nội dung vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình giám sát; chú trọng các đề xuất, kiến nghị có tính khả thi cao.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, nghiên cứu, tham mưu và chuẩn bị đầy đủ nội dung để tiến hành làm việc với Chính phủ vào thời điểm phù hợp. Sau Kỳ họp thứ 8, giao Vụ Dân tộc tiếp tục tham mưu các hoạt động hội nghị, hội thảo để tham vấn ý kiến và thúc đẩy việc thực hiện kiến nghị qua giám sát của Hội đồng Dân tộc.

(3) Nghe Báo cáo tiến độ xây dựng và nội dung cơ bản của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tham tra thẩm tra dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật theo ý kiến Kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 38, gửi các vị đại biểu Quốc hội theo đúng quy định. Theo đó, tại Phiên họp thứ 38, UBTVQH đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật và nỗ lực của Hội đồng Dân tộc trong đảm nhiệm vai trò cơ quan lập đề nghị xây dựng và chủ trì soạn thảo dự án Luật. UBTVQH thống nhất Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu bế mạc Phiên họp

Đồng thời giao các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc có liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu tại Phiên họp này, hoàn thiện Báo cáo tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Điện lực (sửa đổi) gửi Cơ quan chủ trì thẩm tra để tổng hợp.

(4) Đối với các nhiệm vụ trọng tâm khác từ nay đến cuối năm 2024

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Ban Soan thảo Đề án về rà soát, hệ thống hóa chính sách dân tộc theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề án theo đúng kết luận của Đảng đoàn Quốc hội, trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 12/2024.

Đồng thời giao Vụ Dân tộc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc tại Phiên họp này, hoàn thiện Báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, năm 2024 là thời điểm tăng tốc để Hội đồng Dân tộc hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ phát triển KT-XH còn nhiều khó khăn, điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao về trách nhiệm, chất lượng trong công tác của Hội đồng Dân tộc nói riêng và các cơ quan liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc nói chung.

“Thời gian từ nay đến hết năm chỉ còn chưa đầy 03 tháng, tôi đề nghị Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị các thành viên Hội đồng Dân tộc tham gia đầy đủ, trách nhiệm Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; tích cực phản ánh đầy đủ, kịp thời các thông tin, kết quả thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phát huy vai trò trong tham gia xây dựng pháp luật, tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác