Theo đánh giá chung, từ khi ra đời đến nay, Luật Xuất bản đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tế của ngành, quy định cơ chế quản lý chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản. Đặc biệt, Luật Xuất bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản chủ động trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu phục vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật Xuất bản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như khó quản lý việc in nối bản, nở rộ các cơ sở in tư nhân, nộp lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia chưa thực hiện tốt, năng lực nhiều nhà xuất bản còn yếu do thiếu vốn... Nguyên nhân chính là do nhiều nhà xuất bản hiện sống bằng việc bán giấy phép cho các đơn vị liên kết xuất bản sách trong khi việc thẩm định đề tài, nội dung còn dễ dãi. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, một số ý kiến đề xuất nên thành lập hội đồng thẩm định trước khi phát hành sách ra thị trường, đặc biệt đối với các sách phục vụ cho học sinh, sinh viên... Hay như việc in lậu sách hiện vẫn chỉ dừng lại ở việc nếu có phát hiện chỉ xử phạt hành chính. Trong khi muốn xử lý dứt điểm tình trạng này cần phải diệt tận gốc là các cơ sở in lậu, đại diện NXB Đại học quốc gia đề xuất.
Theo đó, các đơn vị xuất bản đề xuất việc sửa đổi Luật Xuất bản lần này cần chú ý đến việc chi tiết và cụ thể hơn các điều khoản trong luật. Qua đó sẽ tạo hành lang pháp lý cũng như các chế tài đủ mạnh để giải quyết những tồn tại, bất cập trong hoạt động xuất bản hiện nay.