CHƯA RÕ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

20/03/2022

Đánh giá về các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin truyền thông giai đoạn 2016-2021, nhiều đại biểu cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa làm rõ tác động của chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã chủ trì soạn thảo Luật Báo chí và đã được Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016. Từ đó hành lang pháp lý quan trọng cho thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc và hoạt động báo chí của người dân tộc được bảo đảm, phát huy. Các quy định của Luật Báo chí bảo đảm nguyên tắc trong Hiến pháp năm 2013 về các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc; phát huy phong tục tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Ngoài ra, Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 2269/QĐ-Ttg phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, các thôn, bản đều được trang bị các dịch vụ viễn thông công ích theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có dịch vụ viễn thông với mục tiêu đến năm 2025, các thôn, bản sẽ có dịch vụ viễn thông và dịch vụ truy cập internet. Đặc biệt, trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ cho 400.00 hộ gia đình có thành viên đang học tại các cơ sở giáo dục theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Giai đoạn 2016-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó có chính sách về hỗ trợ 10.000 hộ gia đình có phương tiện nghe và xem nhằm giảm nghèo về thông tin. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTTT về hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo nhằm hướng dẫn hình thức, kế hoạch hỗ trợ, nội dung hỗ trợ để thực hiện hỗ trợ thông tin, tuyên truyền đối với đồng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, các văn bản do Bộ ban hành đều phù hợp với Hiến pháp, Luật, Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nội dung của các văn bản phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, hiện nay, các văn bản do Bộ ban hành liên quan đến công tác dân tộc vẫn đảm bảo sự thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành của Bộ.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cho ý kiến về nội dung này, Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ việc tham mưu Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản cụ thể hoá các điều, khoản, điểm của Luật để tạo điều kiện, khuyến khích đối tượng vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Đại biểu Lê Nhật Thành chỉ ra rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn báo cáo chưa đầy đủ những văn bản liên quan đến trách nhiệm của Bộ. Đơn cử, tại khoản 6 Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin quy định Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định, đối với đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân; tại khoản 3 Điều 46 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ, Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp cho trẻ em dân tộc thiểu số. Nhấn mạnh đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin, đại biểu đề nghị Bộ giải trình làm rõ đã tham mưu Chính phủ chưa, nếu có chỉ rõ văn bản nào, và trách nhiệm của Bộ nếu chưa tham mưu về vấn đề này.

Theo đại biểu Lê Nhật Thành, điểm 10 mục 4 Điều 1 Nghị quyết 88/2019/QH14 quy định “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình” có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội đã chậm hơn 2 năm. Đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ trách nhiệm trong việc tham mưu Chính phủ ban hành văn bản để cụ thể hoá nội dung quy trên. Nêu rõ đối tượng là học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải học trực tuyến trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ đã tham mưu cho Chính phủ những biện pháp nào để đáp ứng việc học, nhu cầu, quyền học tập chính đáng của học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành

Đánh giá về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn đang xuôi chiều, thụ động theo hướng liệt kê những gì Bộ đã và đang làm chứ chưa nhìn từ góc độ tác động, ảnh hưởng của chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi để từ đó có cơ sở đánh giá, đề xuất ý tưởng tháo gỡ vướng mắc. Chuyên gia mong muốn, trong quá trình thực hiện chính sách và đưa chính sách vào thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình thay đổi liên tục tại những vùng khó khăn, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nhìn nhận rõ hơn những vấn đề phát sinh để có những kiến nghị sát với thực tiễn.

Dẫn chứng việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhưng “không nhớ”, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh cho rằng, đối với công tác dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông không nên làm theo cách “làm từ thiện”, bởi “làm từ thiện” là không có kế hoạch, có điều kiện thì làm mà không có thì không nhớ. Khẳng định đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng dễ bị tổn thương và có nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin so với các vùng khác trên cả nước, đại biểu Bế Trung Anh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại các chính sách, từ đó có những giải pháp căn cơ, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong vấn đề tiếp cận thông tin để đồng bào được là một “thực thể sống” chứ không chỉ “tồn tại”.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các chương trình, chính sách dành cho dân tộc thiểu số, miền núi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số,… đều liên quan đến trách nhiệm trong công tác truyền thông, giáo dục, tuyên truyền. Đại biểu cho rằng, chức năng nhiệm vụ của Bộ dành cho dân tộc thiểu số, miền núi còn mơ hồ, chưa rõ ràng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, việc gửi báo cáo của Bộ về Đoàn Giám sát còn chậm, mang tính thụ động, chưa rõ nội dung chính sách của Bộ có tác động như nào đến đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều nội dung có liên quan đến dân tộc thiểu số trong Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Bộ chưa được chỉ ra....Do đó, để nghiêm túc thực hiện kế hoạch của Đoàn Giám sát, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ trong việc tham mưu triển khai thực hiện vấn đề này bổ sung vào báo cáo giám sát; tiếp tục đối chiếu với đề cương yêu cầu của Đoàn Giám sát; đồng thời rà soát, xây dựng báo cáo đánh giá một cách nghiêm túc về việc triển khai công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác dân tộc, làm rõ tác động, những nguyên nhân, bất cập để làm rõ trách nhiệm có liên quan./.

Minh Thành

Các bài viết khác