THÚC ĐẨY ĐĂNG KÝ BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CHO DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN MIỀN NÚI, DÂN TỘC THIỂU SỐ

25/03/2022

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Tiến Trung cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, qua đó thúc đẩy đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, người dân miền núi, dân tộc thiểu số.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Tiến Trung báo cáo

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Tiến Trung cho biết, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Khoa học và Công nghệ có liên quan đến công tác dân tộc được triển khai kịp thời, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020” tại Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành Thông tư số 17/2017/TT-BKHCN ngày 29/12/2017 quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư số 14/2019/TT-BTC ngày 15/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và ngày 11/6/2021 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN quy định về quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành Thông tư quy định quản lý tài chính đối với Chương trình đến năm 2030.

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2016-2021 Bộ đã ban hành và phối hợp ban hành đầy đủ các văn bản thực hiện việc quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2030.

Cũng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 tập trung vào hỗ trợ bảo hộ, quản lý, phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của địa phương, vùng miền, sản phẩm làng nghề. Chương trình đến nay đã được triển khai đồng bộ và cơ bản đã hoàn thành Mục tiêu, nội dung được phê duyệt. Triển khai thực hiện Chương trình đạt được một số kết quả khả quan, thúc đẩy đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, người dân, trong đó bao gồm nhiều doanh nghiệp, người dân sinh sống tại vùng núi, vùng dân tộc ít người.

Toàn cảnh cuộc làm việc 

Cụ thể, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã giúp nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại địa phương. Theo đó, có tới 1.148 sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm nông nghiệp theo chỉ dẫn địa lý, đặc biệt sản phẩm OCOP đã được Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Chương trình cũng giúp nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động bảo hộ, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ dân sinh.

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền nhân dân địa phương, đạt hiệu quả và nhân rộng ra các địa phương khác. Tất cả các địa phương đều ban hành văn bản quy định về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, làng nghề, hiệp hội, hộ kinh doanh bảo hộ, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định về nguồn lực đầu tư cho Chương trình, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp và các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khác. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, Chương trình chủ yếu tập trung hỗ trợ các hoạt động mang tính truyền thống như tuyên truyền, đào tạo, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương chưa được phát triển như kỳ vọng cả về số lượng và chất lượng.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thẳng thắn thừa nhận Chương trình chưa thực sự đáp ứng được những mong muốn của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và người dân quan tâm về mô hình, phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý; xác định chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng....

Đề khắc phục những tồn tại, vướng mắc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nghiên cứu, đề xuất các quy định để khắc phục những hạn chế nêu trên trong quá trình xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030./.

Minh Hùng