HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CÔNG VỤ VÀ CHẾ TÀI XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM CÔNG VỤ

20/04/2022

Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm công vụ và chế tài xử lý trách nhiệm công vụ của người bị kiện.

 

Đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại phiên họp

Báo cáo thực trạng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội bị khiếu kiện với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Tư pháp, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, các Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021 bị khiếu kiện là 4.930 quyết định.

Các quyết định hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố thường bị khởi kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và trật tự xây dựng như: Quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án; quyết định về việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án; quyết định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định về việc giải quyết khiếu nại; quyết định về huỷ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án; quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và quyết định biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý về trật tự xây dựng.

Đánh giá về tình hình ban hành quyết định hành chính, tiến hành hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quy chế làm việc của Uỷ ban nhân dân và quy định của pháp luật chuyên ngành đối với từng vụ việc cụ thể trong từng lĩnh vực, trên nguyên tắc đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Các quyết định hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân cơ bản được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà  nước theo ngành, lĩnh vực do pháp luật quy định. Nội dung quyết định hành chính đảm bảo tính khả thi có hiệu lực thi hành trong thực tiễn.

Đặc biệt, các quyết định hành chính được ban hành đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, lợi ích tậo thể và cá nhân. Các quyết định hành chính có tính cụ thể, phù hợp với từng vấn đề, với các đối tượng và xác định các nhiệm vụ cụ thể, thời gian cụ thể, phương tiện thực hiện; ngôn ngữ quyết định trình bày rõ ràng, dễ hiểu và hình thức tuân theo hướng dẫn thể thức trình bày văn bản hành chính tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại việc ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các văn bản quy phạm pháp luật quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến việc ban hành các quyết định hành chính khó khả thi. Một số văn bản của Bộ, ngành ban hành chưa kịp thời để hướng dẫn những quy định mới của Luật, Pháp lệnh dẫn đến khó khăn trong ban hành văn bản áp dụng hoặc tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hàn liên quan đến một số ngành, lĩnh vực chưa thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trên địa bàn thành phố. Một số quyết định hành chính về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức bồi thường chưa thoả đáng, hợp lý so với thực tế. Cùng với đó là sự buông lỏng quản lý nhà nước ở một số địa phương, nhất là quản lý nhà nước về đất đai dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất và sử dụng đất công nhưng chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý không kịp thời.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp về “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân giai đoạn 2019-2021” làm việc với các cơ quan của Thành phố Hà Nội

Liên quan tới tình hình khiếu kiện tại địa phương đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân trên địa bàn thành phố, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hoá nhanh, địa bàn có nhiều dự án của Trung ương, thành phố; công tác thu hồi đất hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện một số dự án đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận của một số hộ gia đình, cá nhân dẫn đến thư khiếu kiện, khởi kiện đòi quyền lợi.

Bên cạnh đó, địa bàn các quận nội thành tập trung đông dân cư, mật độ dân số cao, nhu cầu xây dựng, cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà của người dân để buôn bán, kinh doanh về sinh hoạt là rất lớn. Trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà dễ dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện giữa các hộ gia đình. Mặc dù các tranh chấp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng trình tự thủ tục nhưng do chưa thoả mãn các yêu cầu lợi ích cá nhân, nhiều người dân vẫn tiếp tục thực hiện khiếu kiện các quyết định hành chính.

Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng cần nâng cao nhân thức, về tầm quan trọng của việc ban hành quyết định hành chính và chấp hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính tới chính quyền các cấp, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong việc tham mưu các quyết định hành của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, hạn chế tối đa các vụ việc hành chính bị khởi kiện ra Toà án góp phần ổn định chính trị, giảm bức xúc cho người dân.

Cùng với đó thực hiện tốt công tác kiến nghị rút kinh nghiệm khắc phục vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính về quản lý đất đai. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ chấp hành viên để nâng cao chất lượng theo dõi việc thi hành các bản án hành chính, đặc biệt là các bản án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Đồng thời cần cá thể hoá trách nhiệm của người bị kiện, pháp luật cán bộ, công chức cần bổ sung, hoàn thiện quy định về trách nhiệm công vụ và chế tài xử lý trách nhiệm công vụ của người bị kiện./.

Minh Thành

Các bài viết khác