GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH CỦA CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI DƯỚI GÓC ĐỘ CỦA CƠ QUAN CHỊU SỰ GIÁM SÁT

06/09/2023

Cho rằng thời gian qua, hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được tăng cường và có bước đột phá về số lượng cũng như chất lượng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này dưới góc nhìn của cơ quan chịu sự giám sát.

LỰA CHỌN VẤN ĐỀ GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI CẦN ĐẢM BẢO CÁC TIÊU CHÍ CỤ THỂ 

PHÁT HUY VAI TRÒ CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC TRONG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI 

Phiên giải trình về "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em" do  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức

Sôi nổi, nhiều cải tiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã bắt đầu được triển khai từ những năm cuối của Quốc hội khóa XII với tên gọi là các Phiên giải trình.

Thông qua phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề giám sát, trong đó, có thông tin quan trọng từ đối tượng thụ hưởng chính sách. Sau mỗi phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ ban hành Kết luận phiên giải trình. Trong đó, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đối với vấn đề được yêu cầu giải trình. Đồng thời, cũng nêu rõ những yêu cầu, kiến nghị cụ thể đối với cơ quan, người có trách nhiệm giải trình và các cơ quan, tổ chức có liên quan về việc thực hiện các giải pháp cụ thể để khắc phục bất cập.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Phiên giải trình về "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em" do  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức

Thời gian gần đây, hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã được tăng cường và có bước đột phá về số lượng cũng như chất lượng. Nội dung các phiên giải trình ngày càng đa dạng, phong phú, chủ yếu tập trung vào các vấn đề đang được dư luận xã hội và cử tri quan tâm. Trong năm 2022 - 2023, hình thức giám sát này tiếp tục được phát huy với các phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nhiều cải tiến, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

Vai trò của hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội với các lĩnh vực ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid – 19, trước những diễn biến và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đối với nền kinh tế và người dân, người lao động và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh không để dứt gãy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn; triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm không đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 gói chính sách lớn hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các chính sách được ban hành kịp thời, nhanh chóng đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch…

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người"

Có được những kết quả trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính, thì vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát tối cao các lĩnh vực của Ngành được tiến hành qua một số phiên giải trình, tập trung vào những nội dung mang tính thời sự mà được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như: phòng, chống bạo lực trẻ em; chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Cụ thể, trước tình hình một số vụ bạo hành trẻ em liên liên tục xảy ra, vào tháng 2/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em". Kết luận Phiên giải trình được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống bạo lực trẻ em; Trước tình hình tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 8/5/2023, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người". Thông qua Phiên giải trình, thực trạng cũng như nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người đã được nêu rõ. Từ đó các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất có các giải pháp thực hiện các kiến nghị mà Ủy ban kết luận…

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng tại Phiên giải trình về "Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người" do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tại các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các vấn đề được nêu ra một cách thẳng thắn, trực diện không né tránh. Điểm mới của các phiên giải trình thời gian gần đây là đã có sự góp mặt, tham gia của đối tượng chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi chính sách; sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực chất vấn.

Đặc biệt, tính phản biện, tranh luận trong mỗi phiên giải trình đã được tăng cường, qua đó, giúp làm rõ vấn đề/nội dung giải trình, đề xuất những giải pháp khả thi, sát với thực tế,  kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Kết quả các phiên giải trình đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, nổi cộm trong xã, đặc biệt sau giải trình đã tạo chuyển biến đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời cũng là cơ sở để góp phần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, giúp giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình của các cơ quan của Quốc hội

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động báo cáo, giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong thời gian tới, dưới góc độ là cơ quan chịu sự giám sát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị một số các giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, đẩy mạnh tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi về giải trình trong hoạt động của Quốc hội, cũng như của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội để thấy được vị trí, vai trò của các Phiên giải trình – là một công cụ hữu hiệu trong việc giám sát, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh...

Thứ hai, tăng cường số lượng, chất lượng các phiên giải trình, nội dung các phiên giải trình cần trải rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước và những vấn đề cử tri quan tâm, đặc biệt các vấn đề lựa chọn để giải trình cần thiết thực, đi sâu vào những vấn đề  sát với thực tế đang bức xúc, những vấn đề “nóng” trong cuộc sống. Nghiên cứu mở rộng phạm vi vấn đề được giải trình không nên coi hình thức giải trình chỉ phục vụ hoạt động giám sát mà còn có thể phục vụ hoạt động lập pháp. Việc lựa chọn đúng vấn đề để giải trình mang lại nhiều ý nghĩa. Một là giải trình sẽ hối thúc các Bộ ngành tích cực, nỗ lực hơn trong việc giải quyết vấn đề đặt ra. Hai là giải trình giúp chính các Bộ ngành có thêm thông tin, giải pháp để tháo gỡ vấn đề đang đặt ra. Ba là giải trình giúp tháo gỡ những bức xúc trong xã hội về vấn đề được giải trình.

Thứ ba, quan tâm thường xuyên mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của vấn đề tham dự các Phiên giải trình có liên quan để đối thoại, lắng nghe ý kiến, trao đổi tăng chất lượng các Phiên giải trình./.

Thu Phương

Các bài viết khác