ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH NINH BÌNH

18/09/2023

Sáng 18/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội do đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN), đầu tư công và một số nghị quyết của Quốc hội.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH LÀM VIỆC VỚI TỔNG CỤC THUẾ VỀ THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoàng Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng đã báo cáo với Đoàn giám sát các nội dung chính, gồm: Tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; tình hình triển khai thực hiện đầu tư công năm 2023, kế hoạch đầu tư công năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm (2021-2025) về tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn; tình hình triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đầu tư công tại buổi làm việc.

Theo đó, năm 2023, Ninh Bình được Trung ương giao dự toán thu NSNN là trên 21 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm; sự sụt giảm mạnh về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất và kinh doanh xi măng... Bên cạnh đó là ảnh hưởng của chính sách tài khóa nên thu NSNN 8 tháng đầu năm trên địa bàn đạt thấp so với tiến độ dự toán, dự kiến thu cả năm không đạt dự toán. Hiện có 8/16 khoản thu chưa đạt tiến độ so với dự toán Trung ương và dự toán HĐND tỉnh giao.

Về công tác giao dự toán chi ngân sách được thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật, đảm bảo kiểm soát chi chặt chẽ, đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, công khai. Căn cứ kết quả đánh giá ước thực hiện thu NSNN năm 2023, dự kiến tình hình kinh tế, xã hội năm 2024, tỉnh đã xây dựng dự toán NSNN năm 2024 báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Về tình hình giải ngân Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong năm 2022 và năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương để triển khai thực hiện, qua đó góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện.

Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung triển khai phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công chi tiết theo hạng mục và mức độ vốn của từng dự án; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư công. Nhờ vậy, dự kiến tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu của Chính phủ (tỷ lệ giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch giao)...

Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc trên các lĩnh vực và có nhiều chuyển biến tích cực. Các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm; việc quản lý sử dụng tài sản và kinh phí từ NSNN cơ bản theo chế độ định mức, đúng quy định đã đề ra...

Tỉnh Ninh Bình kiến nghị việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương hàng năm cần thực hiện sớm hơn; đẩy mạnh phân cấp quản lý NSNN về cho địa phương...

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát cùng các đại biểu trao đổi, thảo luận làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác thu chi ngân sách, nguyên nhân ảnh hưởng đến số thu ngân sách năm 2023 của Ninh Bình cũng như tín bền vững, chủ động trong thu chi ngân sách của địa phương; công tác thu hồi nợ đọng thuế; nợ đầu tư xây dựng cơ bản; cơ sở để xây dựng dự toán thu chi NSNN năm 2024... Đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tiễn mà tỉnh đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Trong đó, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng 2 năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế Ninh Bình vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng khá, kinh tế - xã hội ổn định, cuộc sống, việc làm của người dân được đảm bảo. Ninh Bình đang tập trung cho bảo tồn phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên để trở thành trung tâm du lịch của Quốc gia... chuyển đổi phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Tuy nhiên, với những khó khăn trước mắt, tỉnh đang nỗ lực tính toán, xây dựng kế hoạch điều hành thu chi ngân sách để đáp ứng các quy định và sự phát triển kinh tế.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cảm ơn Đoàn giám sát đã dành thời gian lắng nghe những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn của địa phương để từ đó tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sớm tháo gỡ, giải quyết, tạo đà cho sự phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu kết luận buổi giám sát.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện dự toán NSNN 8 tháng đầu năm. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan có rất nhiều các yếu tố liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến việc giảm thu. Đồng chí đề nghị tỉnh rà soát, chính xác hóa toàn bộ nội dung, số liệu trong các báo cáo để Đoàn giám sát có căn cứ pháp lý tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đánh giá rất cao công tác quản lý thuế, thực hành thu; công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí mong tỉnh đánh giá, rà soát thận trọng toàn bộ nguồn thu, khai thác thêm dư địa để tăng thu.

Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng lập dự toán ngân sách, đảm bảo sát với thực tế; giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xây dựng cơ bản; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo tốt việc cân đối thu, chi cho ngân sách địa phương; rà soát, nghiên cứu điều chỉnh lại danh mục, cơ cấu đầu tư công cho phù hợp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư...

(Theo Báo điện tử Ninh Bình)

Các bài viết khác