ĐẠI HỘI LIÊN CHI HỘI NHÀ BÁO VĂN PHÒNG QUỐC HỘI: RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP NGƯỜI LÀM BÁO TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ

14/10/2020

Tại Đại hội Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội, nhà báo Nguyễn Lệ Thủy - Chi hội Nhà báo Báo Đại biểu Nhân dân đã đề cập về việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời đại kỹ thuật số.

Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới và bầu Ban chấp hành Liên chi hội mới có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo Liên chi hội. Tại Đại hội, nhà báo Nguyễn Lệ Thủy - Chi hội Nhà báo Báo Đại biểu Nhân dân đã có bài tham luận với chủ đề: “Rèn luyện đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời đại kỹ thuật số”.

Theo nhà báo Nguyễn Lệ Thủy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi thế giới và cách chúng ta nhìn nhận, trong đó có truyền thông. Môi trường truyền thông số xuất hiện đang là sự bổ sung, thay thế cho môi trường truyền thông truyền thống. Chính nó đã giúp cho những người làm báo rất nhiều về cách làm báo trong thời đại kỹ thuật số. Công nghệ là nhân tố rất quan trọng nhưng đó vẫn chỉ là phương tiện thu thập, truyền tải, thể hiện nội dung. Linh hồn của các tác phẩm báo chí vẫn là thông điệp từ nhận thức, tư tưởng và đạo đức mà người cầm bút muốn chuyển tải đến người đọc qua tác phẩm là gì và thể hiện đạo đức, tri thức, trách nhiệm xã hội của nhà báo.


Đại hội Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vậy đạo đức là gì? Nó có phải là những điều khô cứng, giáo điều? Và tại sao nó lại quan trọng, nhất là với người cầm bút? Theo từ điển Việt Nam, đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Làm bất cứ công việc gì cũng phải có đạo đức. Nói cách khác, tương ứng với mỗi nghề trong xã hội sẽ có những quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp điều chỉnh hành vi, hoạt động của những người làm nghề. Đạo đức nghề nghiệp hiểu một cách giản đơn là những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội có tính đặc trưng của nghề nghiệp, đòi hỏi phải tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp.

Trong khi đó, nghề báo trong xã hội là một nghề mang tính đặc thù, mỗi thông tin trên báo chí đều có ảnh hưởng nhất định tới dư luận xã hội; và nếu thông tin khi xuất hiện trên mặt báo không chuẩn xác thì có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tập thể, một cộng đồng và cả lợi ích quốc gia. Tất nhiên khi để xảy ra hiện tượng đó, tờ báo ấy, người đứng đầu tờ báo ấy, tập thể những con người hoạt động tại tờ báo ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí phải trả giá; và cái giá lớn nhất, đau đớn nhất ấy chính là uy tín, là niềm tin của độc giả. Vì thế, đạo đức nghề nghiệp- trách nhiệm xã hội của nhà báo, là điều cốt tử đối với hoạt động báo chí. Đạo đức nhà báo, đạo đức nghề nghiệp còn là sự lựa chọn sáng suốt của tri thức, nếu thiếu nó nhà báo sẽ mất phương hướng, không đủ sức mạnh và độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội. Bởi vậy, ngoài những yếu tố về năng lực nghiệp vụ, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh vững vàng, có lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng.

Với báo Đại biểu Nhân dân- Tiếng nói của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri cả nước, việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp luôn được Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Báo quan tâm, coi đó là việc làm liên tục, thường xuyên, và được Chi hội Nhà Báo Báo Đại biểu Nhân dân, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Báo đưa vào sinh hoạt chuyên đề của Đảng hay từng hoạt động chuyên môn cụ thể của mỗi nhà báo.

Vậy thách thức đối với vấn đề rèn luyện đạo đức của người làm báo nghị trường thể hiện ở đâu? Báo chí nói chung và Báo Đại biểu Nhân dân nói riêng đang đứng trước thách thức rất lớn trong hoạt động thông tin kịp thời và phản ánh được những đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của bộ máy Nhà nước, của đại biểu Quốc hội và yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, thường xuyên, nhiệt huyết của cử tri đối với hoạt động của cơ quan dân cử. Những vấn đề về phân tích chính sách trên từng lĩnh vực, giám sát thực hiện pháp luật và ý kiến, nguyện vọng của cử tri cần được chuyển tải kịp thời, khách quan, toàn diện và đầy đủ. Đây là thách thức lớn của nhà báo nghị trường. Đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà báo thúc đẩy chúng ta dấn thân vào thực tiễn, nâng cao tri thức không chỉ là sự truyền tải thông thường giữa cử tri và đại biểu Quốc hội, cử tri tới nghị trường mà mang được hơi thở cuộc sống, mong mỏi của cử tri đi vào mỗi điều luật, mỗi nghị quyết, mỗi kết luận giám sát. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ, háo hức của mạng xã hội bộc lộ một số mặt hạn chế trong cách thông tin thiếu kiểm soát, nhiều khi định kiến và xuyên tạc dẫn tới thông tin nhiều khi thiếu sự chuẩn xác và có cả những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, phá hoại chế độ chính trị của ta. Một số cơ quan báo chí, nhà báo có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp; đưa tin bài thiếu tính nhân văn; chạy theo xu hướng giật gân câu khách; công bố thông tin thiếu nhạy cảm chính trị; thiếu hụt tri thức, dễ dãi khi trích nguồn; ảo tưởng về quyền lực của báo chí và vai trò của nhà báo, hình thành nhóm nhà báo chuyên “đánh đấm”,… từ đó tự mình suy thoái bằng hành vi trục lợi, về hùa hoặc để “nhóm lợi ích” chi phối mà có hành vi vi phạm pháp luật.


 Nhà báo Nguyễn Lệ Thủy - Chi hội Nhà báo Báo Đại biểu Nhân dân.

Theo nhà báo Nguyễn Lệ Thủy, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa đã dẫn đến áp lực cạnh tranh mạnh thông tin mẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông trong nước. Các phương tiện truyền thông đang mất dần vị trí độc quyền về thông tin trong xã hội. Tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ” diễn ra với một số báo điện tử chạy theo thị trường đã gây không ít bức xúc đối với bạn đọc và dư luận xã hội. Một số người làm báo đã bị đồng tiền thao túng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Nguyên nhân chính xuất phát từ nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức người làm báo trong điều kiện thu nhập của họ không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một nguyên nhân nữa phải nhắc tới đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị - văn hóa, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một bộ phận người làm báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí. Điều này cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho người làm báo chính trị.

Thực tế cho thấy, người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại thuộc về tư chất cá nhân, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo. Và sâu xa hơn nữa, là sự lựa chọn của tri thức sâu sắc, khoa học. “Viết cho ai? Viết để làm gì? Và viết như thế nào? chính là sự lựa chọn, là đạo đức cách mạng của nhà báo mà bác Hồ căn dặn. Điều đáng nói là những yếu tố này phải là quá trình rèn luyện thường xuyên, tích cực và chỉ có thể hình thành trên cơ sở nhận thức và ý thức của người làm báo.

Nhà báo Nguyễn Lệ Thủy cho rằng: Để tạo dựng niềm tin bền vững với công chúng, trước hết, mỗi nhà báo cần có những ứng xử phù hợp với qui tắc đạo đức xã hội, qui tắc đạo đức người làm báo và thể hiện nó trong mỗi tác phẩm báo chí của mình. Bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp không chỉ là việc làm tự thân của mỗi nhà báo mà còn là trách nhiệm của mỗi tờ báo trong đó có vai trò quan trọng của  Liên chi hội. Tìm kiếm, bổ sung cách làm hay, thực tế và thiết thực như có những cuộc trao đổi thường niên về nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo; đặc biệt, là đối với các nhà báo trẻ. Tổ chức thường xuyên các cuộc Về nguồn, thâm nhập thực tế và viết bài cho các phóng viên làm báo nghị trường. Thúc đẩy các hội viên tích cực tham gia các giải báo chí cũng chính là cơ hội rèn luyện cho các nhà báo. Quan trọng hơn là sự dìu dắt, chỉ bảo của thế hệ đi trước với thế hệ kế tiếp sự nghiệp.

Một trong những chức năng cơ bản của báo chí là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức. Nhà báo là nhà giáo dục bằng thông tin. Nói như Các-Mác “Nhà giáo dục lại rất cần được giáo dục”. Mong muốn Liên chi hội cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí có những hoạt động thiết thực tuyên truyền, giáo dục từng hội viên, nhà báo trẻ thực hiện nghiêm túc “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Đặc biệt, cụ thể hoá Điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, quy định nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”. Hiệu quả công việc và uy tín của mỗi người làm báo chính là sự kết hợp hài hòa giữa trình độ, tri thức và đạo đức cùng với sự say mê nghề nghiệp trên mỗi tác phẩm báo chí./.

Bích Lan