ĐẠI HỘI LIÊN CHI HỘI NHÀ BÁO VĂN PHÒNG QUỐC HỘI: NHẬN DIỆN CÔNG CHÚNG ĐƯƠNG ĐẠI VÀ NHU CẦU VỀ SẢN PHẨM BÁO CHÍ MỚI

14/10/2020

Tại Đại hội Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội, nhà báo Phạm Thanh Hòa - Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề cập về vấn đề: Nhận diện công chúng đương đại và nhu cầu về sản phẩm báo chí mới.

Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới và bầu Ban chấp hành Liên chi hội mới có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo Liên chi hội.

Tại Đại hội Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội, nhà báo Phạm Thanh Hòa - Truyền hình Quốc hội Việt Nam khẳng định: Nhìn từ góc độ nghiệp vụ báo chí, công chúng là lực lượng quan trọng, quyết định vai trò, vị thế, uy tín và sức mạnh xã hội của báo chí. Không ai có thể phong tặng danh hiệu với đầy đủ sức mạnh và uy tín bền vững lâu dài cho báo chí và nhà báo bằng công chúng và dư luận xã hội. Còn xét ở góc độ kinh tế báo chí, công chúng - với vai trò là người tiêu thụ sản phẩm báo chí. Chính họ - với sự quan tâm, với nhu cầu của mình sẽ quyết định “mua” sản phẩm đó. Vì vậy, trong dòng chảy của đời sống xã hội, bám sát và nắm bắt nhu cầu của công chúng là yêu cầu đặt ra với báo chí.


Nhà báo Phạm Thanh Hòa -Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Theo thống kê, tại Việt Nam, lượng người sử dụng Internet năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Đến năm 2019, người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. Thống kê cũng cho thấy, người dùng Việt Nam trung bình dành 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến và dùng 1 giờ 11 phút để nghe nhạc. Tất cả những con số trên đã phác họa một thực tế là công chúng hiện đại ngày càng gắn chặt vào các thiết bị số và ứng dụng công nghệ. Nghiện smartphone và mạng xã hội trở thành “căn bệnh” của giới trẻ. Không những vậy, từ người cao tuổi, người lao động, bà nội trợ, trẻ em cũng đều tiếp cận và hưởng thụ thông tin qua internet. Internet đã đi vào mọi góc cạnh của đời sống.

Một thống kê khác của Hiệp hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), chỉ ra, những trang web được xem nhiều nhất thế giới hiện nay là: Google, YouTube, Facebook, Wikipedia, Yahoo, Amazon. Nhìn vào danh sách này chúng ta nhận thấy có: Các kênh tiếp nhận, tìm kiếm thông tin tổng hợp, có mạng xã hội, có kênh giải trí và tương tác video, kênh thương mại điện tử, tức là chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính, hoặc mở máy tính bảng, điện thoại thông minh (smartphone), người dùng có thể thoả mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân. Với những điều kiện đó, nhu cầu bắt buộc phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như phát thanh qua radio, truyền hình xem qua tivi hay đọc báo giấy dường như đã lạc hậu.

Nhà báo Phạm Thanh Hòa cho rằng: Nếu như ngày trước, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của mọi người, nhà nhà là vặn radio để đón nhận thông tin, thì ngày nay, tìm kiếm điện thoại thông minh để lướt facebook và các trang báo mạng là thói quen bắt đầu một ngày mới của phần lớn công chúng. Nếu như ngày trước, công chúng đón chờ nghe Đài “từ vươn thở đến tiếng thơ”, xem Đài “từ Những bông hoa nhỏ cho đến Cây cao bóng cả” (thậm chí chỉ cần nghe nhạc hiệu chương trình là biết mấy giờ) thì ngày nay họ còn nhiều hoạt động khác để lựa chọn như cafe, shopping...

Thói quen thay đổi dẫn tới nhu cầu của công chúng cũng đã khác xưa. Thay vì tiếp nhận thông tin báo chí một chiều và thụ động. Công chúng ngày nay có sự thay đổi về nhận thức xã hội, trình độ hiểu biết và nhu cầu hưởng thụ gia tăng. Họ có xu hướng xem, đọc những thứ họ thích, họ cần – nói một cách khác là chủ động tìm kiếm thông tin, chương trình họ muốn xem qua Internet. Vì vậy, báo chí hiện đại phải đáp ứng được nhu cầu đó, nếu như không muốn bị bỏ lại trong cuộc chạy đua giữa báo chí nói chung với truyền thông xã hội. Nói một cách khác là cần phải có các sản phẩm báo chí mới để phù hợp với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại, phù hợp với những giá trị mới. Đặc biệt là thu hút, đáp ứng được nhu cầu của một lượng công chúng mới. Đó là lớp “khán giả trẻ” - những người không có bất cứ một sợi dây liên hệ nào trong kí ức về việc ngồi trước một chiếc tivi đen trắng - đã từng là niềm hạnh phúc, là ước mơ của thế hệ ông bà, cha mẹ trước đó. Bởi họ sinh ra đã được hưởng thụ những thành tựu của khoa học công nghệ. Đó là chiếc ipad cho một em bé vừa xem, vừa ăn bột. Là chiếc smartphone cho những cô cậu học trò say sưa lướt web, xem facebook. Điều đó cho thấy, việc ra đời các sản phẩm báo chí mới là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng được nhu cầu của của công chúng đương đại. Theo nhà báo Phạm Thanh Hòa, những nhu cầu của công chúng đương đại gồm:

Thứ nhất, đó là nhu cầu xem, nghe, đọc, nói một cách khác, điều mà công chúng đương đại cần đó là những sản phẩm báo chí đa phương tiện. Một sự kiện diễn ra không thể chỉ truyền tải thông tin qua những con chữ khô khốc mà còn cần phải có video, có âm thanh sống động từ hiện trường, có đồ họa để so sánh, đối chiếu, bóc tách vấn đề. Có sự tung hứng, tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp với công chúng. Tất cả những yếu tố đa phương tiện đó góp phần tạo nên một sản phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn và thu hút khán giả.


Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ chụp ảnh lưu niệm với Ban Chấp hành Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Thứ hai, công chúng đương đại không thuộc truyền thông đại chúng mà là công chúng chuyên biệt. Vì vậy các sản phẩm báo chí mới cũng phải hướng tới tính chuyên biệt. Nếu như thập niên 80, VTV có chương trình Những Bông Hoa Nhỏ (có thể coi là chuyên biệt cho thiếu nhi) nhưng thời điểm đó chỉ coi là đối tượng truyền thông, bởi vì công chúng khi đó không có sự lựa chọn nào khác. Song đến nay, mọi thứ đã thay đổi. Vì vậy, các sản phẩm báo chí mới phải tập trung vào các nhóm công chúng, hướng tới tính chuyên biệt để phù hợp với từng đối tượng.

Thứ ba, công chúng hiện nay rất thiếu kiên nhẫn, vì vậy việc mong chờ họ xem hết một chương trình trên truyền hình hay một chuyên trang trên báo in là rất khó. Vì vậy một sản phẩm báo chí mới phải đạt yếu tố hấp dẫn từ hình thức đến nội dung ngay từ những phút ban đầu. Những thông tin hấp dẫn, nóng hỏi, những fomat chương trình mới có chất lượng phải đưa lên đầu trang nếu không muốn khán giả dễ dàng chuyển kênh hoặc chuyển sang trang khác.

Thứ tư, công chúng thời nay (ở lát cắt đồng đại này) rất thích thú với hoạt động cầm, nắm, bấm, trượt. Đó là một thế hệ gắn chặt với các thiết bị số cầm tay. Thậm chí, chỉ cần 1 chiếc smartphone có nối mạng internet, bất cứ ai cũng có thể trở thành một “nhà báo công dân”. Vì thế, công chúng ngày nay tiếp cận sản phẩm báo chí không chỉ theo cách truyền thống như xem chương trình truyền hình qua tivi, nghe phát thanh qua radio mà họ tiêu thụ các sản phẩm báo chí qua thiết bị số. Vì vậy, các nhà Đài, các tòa soạn cần tính đến việc sản xuất các sản phẩm báo chí cho nền tảng số. Ví dụ một tin cho truyền hình phát trên tivi truyền thống thì cũng cần một video clip cho smartphone, 1 tin cho báo mạng điện tử (ngay cả khi với báo mạng điện tử thì công chúng vẫn xem trên smartphone). Bởi mỗi nền tảng sẽ cần một sản phẩm tương thích cùng những yêu cầu sản xuất khác nhau chứ không thể bê nguyên sản phẩm truyền thống sang. Ví dụ: một tin phát sóng trên truyền hình cần có cảnh toàn nhưng khi chuyển sang thiết bị số cần tính toán, thậm chí là cắt bỏ vì tỉ lệ màn hình nhỏ của các thiết bị số gây khó cho công chúng trong tiếp nhận. Hoặc là thời lượng cũng phải ngắn gọn, cô đọng vì như đã nói công chúng ngày nay thiếu kiên nhẫn.

Một hướng khác là khai thác sản phẩm qua truyền hình OTT hoặc qua các ứng dụng trên internet. Ví dụ: khai thác qua Youtube vì đây là đơn vị có chính sách kinh doanh tốt, có sẵn lượng người xem. Khuyến khích việc sản xuất các sản phẩm phái sinh. Từ đó khán giả có xu hướng quay trở lại xem chương trình gốc trên truyền hình. Tương tư như vậy, trong lĩnh vực phát thanh, xu hướng của người nghe trên thế giới không còn bó buộc vào các kênh radio phát qua sóng FM hay AM truyền thống/cổ điển. Tháng 1/2017, Na Uy trở thành nước đầu tiên trên thế giới chính thức bỏ phát sóng phát thanh qua sóng FM mà hướng tới chuyển 100% sang công nghệ số.

Nhà báo Phạm Thanh Hòa cho rằng: Các lý do chính được đưa ra cho sự chuyển đổi sang công nghệ số là: Chất lượng âm thanh tốt hơn; Tích hợp và đồng bộ hoá được radio với các loại hình truyền thông khác như chạy text, hình ảnh, web; Khả năng phát podcast; Chi phí vận hành rẻ hơn nhiều lần (trong trường hợp ở Na Uy là rẻ hơn 8 lần) so với phát sóng truyền thống. Vì vậy các sản phẩm số đang là xu hướng và dự báo cho thấy, nhờ đòn bẩy của internet, trong vòng 5 năm tới, sản phẩm số sẽ thống lĩnh các thị trường.

Thứ năm, công chúng đương đại còn có nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin ngay thời điểm tiếp nhận một sản phẩm báo chí. Vì vậy, các sản phẩm báo chí mới cần sự chắt lọc, “gói ghém” bằng các từ khóa, các tag, đường link, để công chúng có thể mở rộng, tìm kiếm thông tin liên quan, thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Mặt khác, việc chọn đúng các từ khóa, các tag còn có ý nghĩa quan trọng vì khi google sao các từ khóa đó sẽ dẫn công chúng không chủ đích về với sản phẩm của chúng ta và cũng nhờ các từ khóa này công chúng không chỉ xem mà còn tìm kiếm, tra cứu những thông tin liên quan. Vì vậy, một sản phẩm báo chí dù tốt nhưng lựa chọn sai từ khóa, các tag cũng có nghĩa là đã thất bại ngay ở khâu phân phối tới công chúng.

Thứ sáu, công chúng đương đại có nhu cầu tương tác, trò chuyện và đối thoại với báo chí nhiều. Vì vậy các sản phẩm báo chí mới phải làm thế nào phải khơi dậy mong muốn, thôi thúc, khích lệ nhu cầu đó. Đây cũng là cách để giữ chân công chúng với tờ báo. Xu hướng báo chí thế giới hiện nay cũng đang theo hướng tư vấn, chỉ dẫn vì đó là các thể loại chương trình thu hút sự quan tâm của công chúng.

Để minh chứng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm cũng như nhu cầu của công chúng đương đại để đạt được thành công, có thể kể tới trường hợp đài BBC. Thành công của Đài trong kỷ nguyên số chính là sự đa dạng hóa về nội dung nhưng phục vụ dưới nhiều loại hình khác nhau, phù hợp với mọi loại thiết bị. Khán giả có thể truy cập bất kỳ lúc nào và từ đó gia tăng giá trị cạnh tranh cho các chương trình. Sự thành công của BBC chính là đã tiếp thu và thích ứng một cách nhanh chóng với những thay đổi chóng mặt của công nghệ, của thị trường truyền thông, của hành vi tiêu thụ thông tin từ công chúng bằng cách đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu của họ, cung cấp các dịch vụ online và tập trung xây dựng các trang web của BBC, cùng với việc giới thiệu và thử nghiệm nhiều dự án truyền thông mới như Truyền hình Web địa phương  (Local Web TV) với sự tham gia đánh giá tính hiệu quả của công chúng.

Điều đó cho thấy xã hội ngày càng phát triển thì việc giải đáp nhu cầu của công chúng là vô cùng quan trọng với mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn, để từ đó trang bị cho mình những công cụ, kỹ năng. Đặc biệt là một tư duy mới trên hành trình tìm đến với khán giả. Trên hành trình đó, báo chí cần phải bám sát dòng chảy của đời sống xã hội nói chung, của khoa học công nghệ nói riêng để nắm bắt nhu cầu, thói quen của công chúng, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu đó. Mặt khác, thay vì cạnh tranh với internet, với mạng xã hội, báo chí cũng cần phải học cách “sống chung, sống cùng”, tận dụng Internet các phương tiện kỹ thuật để phát huy thế mạnh của mình, từ đó đưa các sản phẩm đến với nhiều đối tượng công chúng. Bởi xét đến cùng, công chúng không chỉ là nguồn cảm hứng, nguồn lực sáng tạo mà chính họ là người quyết định vị trí, sự tồn tại và phát triển của một tờ báo./.

Bích Lan