Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện các huyện cho biết, qua cải cách, tổ chức các cơ quan chuyên môn được tổ chức bảo đảm bao quát, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, không có trường hợp nào vượt số lượng cấp phó phòng; cơ cấu biên chế công chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn. Việc phân cấp quản lý, kể cả phân cấp quản lý đơn vị sự nghiệp tại địa phương cơ bản hợp lý. Việc thực hiện tinh giản biên chế cơ bản đạt được yêu cầu.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân một số huyện thuộc tỉnh Nghệ An
Tuy nhiên, qua triển khai thực thực hiện, việc tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của các huyện có khó khăn. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự ý thức đầy đủ ý nghĩa của cải cách bộ máy hành chính nhà nước đối với sự phát triển toàn diện của địa phương. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm còn mang tính định lượng, khó xác định khối lượng công việc theo từng đầu mối được giao, một số đơn vị theo từng nhiệm vụ hoặc ghép một số nhiệm vụ được giao lại để xác định vị trí việc làm nên khi xây dựng vị trí việc làm thường biên chế đều tăng so với biên chế được giao. Ở lĩnh vực y tế cấp huyện, gồm Phòng y tế, Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý.
Các địa phương kiến nghị, không tổ chức phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thực hiện mô hình sáp nhập Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý, Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý. Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 115/2010 về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Để giảm gánh nặng ngân sách thì cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công. Liên quan đến việc tinh giản biên chế, các địa phương đề nghị nên giao tinh giản biên chế về cho địa phương, nhưng tinh giản như thế nào, bộ phận nào thì tùy tình hình cụ thể của địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả công việc này.
Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước trên địa bàn các huyện; song từ thực tế, đề nghị các địa phương làm rõ, việc quy định “cứng” mỗi huyện có 12 phòng có phù hợp không? Việc đề nghị không tổ chức phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện thì chức năng quản lý nhà nước sẽ như thế nào? Việc quản lý nhà nước về vấn đề y tế ở huyện sẽ do ai quản lý?
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn giám sát Trần Văn Túy nêu rõ, mặc dù chủ trương là tinh giản bộ máy, nhưng tổ chức vẫn bị phình, mục tiêu cải cách chưa đạt yêu cầu. Để nâng cao hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy, các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện phân cấp mạnh hơn; chú trọng gắn hiệu quả công việc với trách nhiệm cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân; giảm khâu trung gian, đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu.