Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia.
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 có 266/397 đại biểu đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo luật, một số ý kiến của các cơ quan liên quan lại cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của Bộ luật hình sự năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy- Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Phương Hoa
Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 02 phương án như sau:
Phương án 1, giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.
Phương án 2, giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Thảo luận về nội dung này, đồng tình với phương án 2, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Bến Tre cho rằng lý luận về việc không xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là đi ngược lại với chính nguyên tắc áp dụng Bộ luật hình sự được quy định tại Điều 91 của chính bộ luật này bởi “cảm giác chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa xử lý hình sự và giảm nhẹ hình phạt”. Theo đại biểu, tội phạm ở độ tuổi này có thể giảm nhẹ hình phạt chứ không thể không xử lý, nếu không sẽ dung túng cho trẻ em, trái về nguyên lý lý luận và về thực tiễn.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Quảng Bình cũng cho rằng cần cần quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với cả tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng với 3 tội danh cụ thể đã nêu theo phương án 2 bởi , bởi tội phạm gần đây đang trẻ hóa, tính chất ngày càng phức tạp, gây bức xúc lớn trong xã hội, nên phải nghiêm trị răn đe. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lý giải thêm, xử nghiêm trường hợp này để xây dựng môi trường tốt, để trẻ em trong xã hội này yên tâm hơn. Trẻ em phạm tội này là cá biệt nên cần phải xử lý, không thể vì một vài trẻ em phạm tội mà làm ảnh hưởng tới nhiều trẻ em khác, người khác trong xã hội.
Đại biểu Đinh Duy Vượt- Gia Lai cũng bày tỏ e ngại nếu không nghiêm trị những người trẻ phạm tội thì những người này sẽ “quen tay, quen tính”, nếu không bắt họ chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ là dung túng mầm họa.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII- Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại Hội nghị
Tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội khóa XIII- Trung tướng Trần Văn Độ nêu ra ba luận điểm. Thứ nhất, truy cứu trách nhiệm hình sự không có nghĩa là áp dụng hình phạt. Thứ hai, việc xác định trách nhiệm hình sự mới có căn cứ để thống kê, xác định tình hình, mức đội tội phạm trong điều kiện hiện nay. Thứ ba, nếu xử lý vi phạm hành chính đối với các em ở các tội đã nêu thì không bảo đảm công khai, minh bạch, thân thiện; nhưng đối với biện pháp xử lý tư pháp thì có thủ tục thân thiện tại Tòa, quyền lợi của các em được bảo đảm, không làm ảnh hưởng tâm lý các em và trong nhiều trường hợp hậu quả pháp lý không hề nặng nề. Vì vậy đại biểu bày tỏ tán thành với việc quy định như phương án 2.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm ủng hộ phương án 1, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh khi xây dựng quy định này cần quan tâm đến công ước quốc tế và tính khả thi của dự luật. Đại biểu Ngô Thị Minh làm rõ, các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng ít nghiêm trọng thì hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có tình trạng bạo lực học đường mỗi năm không dưới 2.000 vụ. Nguyên nhân là từ công tác giáo dục của chúng ta còn nhiều vấn đề đáng bàn, rồi công tác quản lý mạng internet… ảnh hưởng đến hành vi các em. Hơn nữa, tình trạng các em chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nơi việc tảo hôn vẫn xảy ra khá phổ biến. Vì vậy, nếu chúng ta đưa vào hình sự hóa hết thì có nên không?
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn- Hà Tĩnh thì cho rằng, tuy thực tiễn đang có tình trạng trẻ hóa tội phạm thật, nhưng có thể giải quyết phải bằng biện pháp tổng hợp, không nên đẩy sang xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy- Hậu Giang và nhiều đại biểu khác cho rằng, nếu đã lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thì cần tôn trọng ý kiến các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu.