“Cải thiện tình trạng bất bình đẳng: Hành động nhằm đảm bảo nhân phẩm và an sinh cho mọi người”
Thưa Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới,
Thưa Ngài Tổng Thư ký,
Thưa Chủ tịch Đại hội đồng 136,
Thưa quý bà, quý ông,
Trước hết, cho phép tôi thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam gửi tới Ngài Chủ tịch, Ngài Tổng Thư ký cùng các quý vị đại biểu tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 136 lời chào trân trọng. Cảm ơn Bà Chủ tịch Quốc hội Băng-la-đét đã dành sự đón tiếp nồng hậu cho Đoàn chúng tôi, với kinh nghiệm tổ chức đăng cai hội nghị, tin rằng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Thưa quý vị,
Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI này, chúng ta đang chứng kiến hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển trên thế giới là xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 đã thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thời cơ thì mỗi quốc gia cũng đang phải đối phó với các vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống và cả vấn đề bất bình đẳng về chính trị, kinh tế và xã hội.
Đối mặt với thực trạng đó, chúng ta đã và đang nỗ lực hết mình, tiếp tục đoàn kết, đề ra các biện pháp và kế hoạch nhằm thực hiện cam kết “sẽ không bỏ ai lại phía sau”. Chúng ta đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ từ năm 2000-2015 và tháng 9/2015, thông qua Chương trình nghị sự phát triển 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu số 10 về giảm thiểu bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia. Chỉ khi nào cải thiện được bất bình đẳng, thì chúng ta mới có thể đảm bảo tốt nhất nhân phẩm và an sinh cho mọi người.
Thưa quý vị,
Tôi đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU-136 lần này và những bài phát biểu của các quý vị. Tôi vui mừng khi thấy vai trò của Ngài Chủ tịch, Ngài Tổng thư ký và IPU cũng như các Nghị viện thành viên ngày càng gia tăng, ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu bất bình đẳng và quyết tâm xây dựng các kế hoạch thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc đặt ra.
Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tại Đại hội đồng IPU-136 Ảnh: Huy Bình
Là một quốc gia đang phát triển, vượt qua những khó khăn trong lịch sử, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi luôn nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải luôn chú trọng tới đảm bảo bình đẳng, công bằng cho người dân. Nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ (MDGs), đặc biệt, hoàn thành 3/8 mục tiêu trước thời hạn (2015), đó là xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học và tăng cường bình đẳng nam nữ, nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam đang tích cực xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đưa ra những chính sách cụ thể thực hiện Mục tiêu 10, dành riêng cho nhóm dân số nghèo nhất được tiếp cận tín dụng ưu đãi, tăng cường chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cơ hội bình đẳng và giảm bất bình đẳng trong hưởng lợi cho tất cả mọi người.
Quốc hội Việt Nam đã xây dựng Hiến pháp 2013, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp cụ thể hóa Hiến pháp như Luật bảo hiểm y tế, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật bình đẳng giới, Luật công đoàn, Bộ luật lao động, Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin, Luật thanh niên, Luật người khuyết tật, Luật người cao tuổi, Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật tín ngưỡng, tôn giáo… đặc biệt đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho các dân tộc thiểu số, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, phân công nhân sự điều hành các lĩnh vực bảo đảm thực hiện các chính sách ưu việt này, nay Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi các bộ luật cần thiết và giám sát các cơ quan Chính phủ trong việc thực hiện các chương trình này.
Tuy nhiên, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế về nguồn lực cho các lĩnh vực xã hội, trình độ phát triển các vùng không đồng đều v.v. Do đó, Việt Nam rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong quản lý và điều hành nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Thưa quý vị,
Nhằm góp phần quan trọng cải thiện bất bình đẳng, có nhiều hành động tích cực hơn nhằm đảm bảo nhân phẩm và an sinh cho mọi người là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Với tinh thần mỗi quốc gia phải tiếp tục đóng góp vào nhiệm vụ quan trọng này, tôi xin nêu một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, ở cấp độ toàn cầu cần tăng cường vai trò của LHQ, đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong Mục tiêu phát triển bền vững số 10 ở mỗi nước. Phát huy vai trò và đổi mới hoạt động, chương trình nghị sự của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính đa phương nhằm đảm bảo tạo cơ hội có tiếng nói của các nước đang phát triển trong các thể chế kinh tế - tài chính toàn cầu.
Thứ hai, ở cấp độ khu vực cần xây dựng mạng lưới kết nối các tổ chức khu vực nhằm phối hợp hành động ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng hoặc dập tắt dịch bệnh, khắc phục thảm họa thiên tai trong trường hợp khẩn cấp, nhằm đảm bảo an sinh, an toàn cho mọi người dân.
Thứ ba, ở cấp độ quốc gia, tuy thể chế chính trị khác nhau nhưng mỗi nước đều có điểm chung là hướng về người dân, mong muốn xây dựng đất nước phồn vinh, do đó đề nghị các nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạch định chính sách và quản trị đất nước, nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng; xóa bỏ các điều luật mang tính phân biệt đối xử, đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tư, tại diễn đàn quan trọng này chúng ta kêu gọi các nước phát triển tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ nguồn lực đối với các nước đang phát triển, chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết, chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường theo hướng bền vững, đảm bảo cơ hội hưởng thụ cho mọi người dân.
Thứ năm, khuyến khích các nước xây dựng bộ công cụ đánh giá tình trạng bình đẳng và bất bình đẳng, trong đó có những tiêu chí cụ thể đối với từng nhóm người trong xã hội; từ đó xác định được mức độ bất bình đẳng về kinh tế, chính trị và xã hội để có những ưu tiên chính sách trong từng giai đoạn phát triển đất nước.
Thứ sáu, đề nghị các Nghị viện, Quốc hội các nước phát huy chức năng lập pháp, giám sát đối với Chính phủ, ủng hộ Chính phủ các nước trong thực hiện mục tiêu giảm bất bình đẳng đến năm 2030.
Thứ bảy, đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới tiếp tục phát huy các cơ chế hợp tác giữa IPU-LHQ hoặc các tổ chức quốc tế với các Nghị viện thành viên trong việc trao đổi kinh nghiệm phát triển và giảm thiểu bất bình đẳng.
Thứ tám, tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao hiểu biết của mọi người dân về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, giúp đỡ và sẻ chia vì sự bình đẳng trong xã hội.
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch và toàn thể quý vị.