Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và dự kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sở hữu trí tuệ được xem là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được kỳ vọng là sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các kết quả nghiên cứu được nhà nước đầu tư, thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, gia tăng hoạt động chuyển giao công nghệ, qua đó mà nhiều giá trị kinh tế, lợi ích cho xã hội được mang lại.
Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đề trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Xin ông cho biết việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật này cho đến nay được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Ngay sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ với tư cách là Thường trực Tổ biên tập, đã cùng với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thông qua các buổi làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Đến nay, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 vào ngày 15/02/2022.
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Phóng viên: Thưa ông, nhiều quan điểm của các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc sửa đổi Luật cần phát huy vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vậy Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận những ý kiến này và có những đề xuất lên cơ quan chức năng ra sao để việc sửa đổi Luật thực sự hữu ích, thiết thực cho các cá nhân, doanh nghiệp và tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với vấn đề sở hữu trí tuệ?
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Về vấn đề này, tôi xin khẳng định rằng ngay từ giai đoạn lập đề nghị chính sách đến giai đoạn xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã xác định mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là nhằm hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Mục đích này được thể hiện cụ thể qua 07 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, bao gồm:
Một là, đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan;
Hai là, khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước, thông qua quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì.
Ba là, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp;
Bốn là, bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
Năm là, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ;
Sáu là, nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo đó, các quy định liên quan sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, các quy định về bảo vệ quyền trong môi trường số như quy định về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu...;
Bảy là, bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam, điển hình là bổ sung quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan của cơ quan hải quan...
Trong quá trình tham vấn xây dựng dự thảo Luật, Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan có liên quan đã ghi nhận và giải trình, tiếp thu đầy đủ tất cả ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên cơ sở 07 nhóm chính sách nêu trên, từ đó đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật và đã được các cơ quan chức năng nhất trí với phần lớn nội dung này.
Phóng viên: Khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý xem xét, bổ sung nội dung chuyển đổi số cần quy định trong Luật. Trong đó có một số thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến, cơ sở dữ liệu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp trực tuyến được cập nhật nhanh nhất. Quan điểm của ông và sự quan tâm của Cục đối với lưu ý trên như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước được xem là xu thế bắt buộc bởi chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho mọi mặt từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến điều hành quản lý, nghiên cứu,… Nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Cục Sở hữu trí tuệ, trong những năm qua cũng đã tích cực thực hiện chuyển đổi sổ ở một số khía cạnh:
Về “đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến”, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cho phép việc nộp đơn sở hữu công nghiệp trực tuyến tại Điều 89. Trên thực tế, Cục Sở hữu trí tuệ đã duy trì ổn định hệ thống nộp đơn điện tử đăng ký sở hữu công nghiệp ở cấp độ 4.
Về “tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến”, cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp, trong đó có nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đều đã được công khai trực tuyến trên mạng Internet tại địa chỉ http://iplib.ipvietnam.gov.vn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, từ năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai bổ sung thêm công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish với nhiều tính năng ưu việt và đồng bộ với thế giới khi hệ thống này được Tổ chức Sở hữu trí tuệ hỗ trợ triển khai tại nhiều quốc gia. Địa chỉ công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish tại http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/. Dựa trên kết quả tra cứu, cá nhân, tổ chức có thể đánh giá khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế mà mình có nhu cầu đăng ký bảo hộ. Để có cơ sở cập nhật nhanh nhất cơ sở dữ liệu, dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 110, theo đó hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu chưa được chấp nhận đơn hợp lệ được công khai ngay sau khi được tiếp nhận (thay vì được công bố trong vòng 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ như quy định hiện hành).
Phóng viên: Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong dự án Luật này, ông quan tâm đến những vấn đề nào nhất và kỳ vọng gì ở việc Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật trong Kỳ họp tới?
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các quy định thuộc 7 nhóm chính sách. Một trong những chính sách quan trọng được Chính phủ nêu ra và xin ý kiến Quốc hội trong Kỳ họp Quốc hội tháng 10 vừa qua đó là các quy định liên quan đến việc khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước (bổ sung thêm giống cây trồng theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội). Các quy định liên quan đến chính sách này đã nhận được nhiều sự đồng thuận, ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và sự quan tâm các tổ chức, chủ thể liên quan trực tiếp đến quy định, như viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,…
Cụ thể, dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung quy định các tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu khi được cấp văn bằng bảo hộ. Quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này được đánh giá là còn nhiều vướng mắc, thực tiễn thi hành phản ánh nhiều kết quả nghiên cứu do nhà nước tài trợ không được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, không thể đưa vào khai thác thương mại hóa, dẫn đến hiện trạng đầu tư của nhà nước cho thực hiện khoa học công nghệ trở nên kém hiệu quả. Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung các quy định về phân chia lợi ích hợp lý giữa các chủ thể liên quan như quyền của Nhà nước, của tác giả, tổ chức chủ trì, bảo đảm thực sự khuyến khích được việc thương mại hóa các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng được tạo ra từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sở hữu trí tuệ được xem là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo kỳ vọng là sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các kết quả nghiên cứu được nhà nước đầu tư, thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, gia tăng hoạt động chuyển giao công nghệ, qua đó mà nhiều giá trị kinh tế, lợi ích cho xã hội được mang lại.
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã sớm có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!