Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Phòng, chống dịch bệnh gắn liền với bảo đảm đời sống người dân
Cho biết về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 01/2022, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình nêu rõ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã được đông đảo cử tri quan tâm, ghi nhận. Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, cử tri tin tưởng đây là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội. Cử tri kỳ vọng quyết sách này sẽ là nền tảng vững chắc để phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, trong dịp Tết đến xuân về, cử tri cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, chúc Tết gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, bác sỹ, nhân viên y tế, người lao động làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, tạo sự lan tỏa, ấm áp toàn xã hội. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước ổn định.
Đánh giá cao những thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong những tháng vừa qua với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tuy nhiên nhiều cử tri bày tỏ lo ngại trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp căn cơ, hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát trở lại.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường, cử tri còn lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trường mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, nhiều giáo viên gặp khó khăn buộc phải xin nghỉ hẳn, chuyển sang làm nghề khác. Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế ban hành và thực hiện tốt các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi cho học sinh đi học, nhằm giúp cho phụ huynh và học sinh an tâm.
Bên cạnh đó, cử tri và dư luận hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng trẻ em này.
Cần khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, xử lý sai phạm
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề nóng đang gây nhiều bức xúc, cụ thể như những hành vi sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước trong tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, cử tri và dư luận rất bức xúc với những hành vi sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Cử tri cho rằng những hành vi trục lợi cần phải lên án và xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ ngành hữu quan khẩn trương, quyết liệt trong việc điều tra, truy tố, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại hình tội phạm sử dụng mạng xã hội để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả.
Một vấn đề khác nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Về vấn đề này, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan kịp thời có những giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
Ngoài ra, cử tri bức xúc việc nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe môtô, ôtô; giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định; biển số xe; giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất. Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại hình tội phạm này./.