GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)

06/08/2024

Chiều 6/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung đóng góp ý kiến về quy hoạch điện lực, tính đồng bộ giữa Luật Điện lực (sửa đổi) với các luật khác; an toàn trong sử dụng điện; phát triển năng lượng tái tạo; phương thức tính giá điện...

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)

THỐNG NHẤT VIỆC RÀ SOÁT LUẬT ĐIỆN LỰC VÀ LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

Tham dự Hội thảo có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cùng một số đại biểu đại diện cho các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Công Thương và các chuyên gia, nhà khoa học. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi điều hành Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và Luật Giá năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024)) đã xây dựng được khuông khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 04 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023; trong đó lần sửa đổi năm 2023 về vấn đề giá điện mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 nên chưa đủ cơ sở để đánh giá thực tiễn thi hành), đến giai đoạn hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu phải để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy, còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung như: Quy hoạch điện lực, tính đồng bộ giữa Luật Điện lực (sửa đổi) với các luật khác; an toàn trong sử dụng điện; phát triển năng lượng tái tạo; phương thức tính giá điện...

Đề cập về an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ quy định tại Điều 108, ông Vũ Thanh Hải - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, trong Khoản 1 đã nêu: Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ phải thực  hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong sử dụng điện; Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn đối với hệ thống, thiết bị điện sau công tơ do mình sở hữu hoặc quản lý, sử dụng.

Với quy định trên, ông Vũ Thanh Hải cho rằng, hiện nay tại các khu dân cư đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí  Minh và một số thành phố khác vẫn còn tồn tại một khối lượng lớn các công tơ điện sinh hoạt được lắp đặt tập trung tại trụ điện cách xa các hộ gia đình, có nơi tới hàng trăm mét. Điều này gây mất mỹ quan đô thị và có nguy cơ gây mất an toàn khi mà chủ hộ sử dụng điện trong nhiều trường hợp không thể kiểm soát (tức không thể chịu  trách nhiệm) được tình trạng vận hành của các đường cáp đấu nối sau công tơ với hộ gia đình.

Ông Vũ Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (Viện Năng lượng)

Trước bất cập trên, ông Vũ Thanh Hải đề xuất phương án là tại Khoản 2 về trách nhiệm của đơn vị cung cấp, bán điện cần bổ sung một điểm về lắp đặt công tơ: đơn vị cung cấp, bán điện có trách nhiệm  lắp đặt công tơ ngay tại chân công trình, nhà ở (trừ trường hợp bất khả kháng và phải  có được sự thỏa thuận đồng ý của tổ chức, cá nhân sử dụng điện).

Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh phải được cấp có thẩm quyền Trung ương, địa phương phê duyệt

Liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nêu quan điểm: Theo Khoản 9 Điều 3 Luật Quy hoạch thì Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Vì Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia cho từng tỉnh, vùng nên nó phải được coi là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Quy hoạch kinh tế-xã hội tỉnh là quy hoạch chung, trong khi Quy hoạch điện lực tỉnh lại là quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, có những đặc thù riêng nên rất khó đạt được chất lượng cao khi tích hợp chung. Quy hoạch kinh tế-xã hội tỉnh xây dựng danh mục dự án quan trọng tỉnh, sắp xếp thứ tự và phân kỳ thực hiện dự án. Vì vậy, Quy hoạch tỉnh chỉ xem xét các vấn đề tổng thể về kinh tế-xã hội của tỉnh và chỉ đề xuất Chính phủ phê duyệt các dự án quan trọng, ưu tiên của tỉnh, các dự án còn lại sẽ được xem xét tại các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi quy hoạch điện tỉnh đã bị bỏ, thay bằng Phương án phát triển mạng lưới cấp điện (PACĐ). 

Ông Nguyễn Đức Hạnh -  Phó Viện trưởng Viện Năng lượng 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, nguồn lực và thời gian giành cho PACĐ không đủ nên chất lượng của các PACĐ này nói chung rất kém, phần lớn là sao chép lại các kết quả của Quy hoạch điện tỉnh thời kỳ trước (quy hoạch giai đoạn 2016-2025, có xét tới năm 2035). Hiện tại, chưa xảy ra hệ quả lớn của việc này do sử dụng kết quả quy hoạch cũ, hệ thống  điện còn dự phòng và tăng trưởng điện các năm 2020-2023 thấp. Tuy nhiên, nếu không khắc phục thì sẽ dẫn tới những hậu quả lớn hơn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Do tích hợp chung vào quy hoạch tỉnh nên phần PACĐ thường không do những đơn  vị tư vấn chuyên ngành điện, có truyền thống và chuyên nghiệp thực hiện, cá biệt có  nơi lại do cá nhân thực hiện nên chất lượng không đảm bào. Quá trình phê duyệt lại không có các ý kiến thẩm tra, thẩm định của các đơn vị chuyên ngành điện (EVN,  truyền tải, công ty điện lực,...) nên PACĐ thường không đảm bảo chất lượng.

Phương án cấp điện tỉnh có ý nghĩa rất hạn hẹp, thường áp dụng cho một dự án cụ thể, không mang tính tổng thể như quy hoạch nên các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật  sẽ rất hạn hẹp dẫn tới vấn đề giành quỹ đất, vốn đầu tư, chính sách đền bù giải phóng  mặt bằng sẽ không được quan tâm như một ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Với những lý do nêu trên, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông và phải được cấp có thẩm quyền Trung ương, địa phương phê duyệt mới có hiệu lực pháp lý cao.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đóng góp ý kiến

Cho ý kiến về phương pháp tính giá điện, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phương pháp tính giá điện phải được xem xét kỹ lưỡng dựa trên thu nhập và mức sống của đa phần người dân, tránh sự ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và yếu tố xã hội khác. Nếu người dân, hộ gia đình nào sử dụng nhiều điện thì nên được xem xét giảm giá. 

Thay mặt cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cho dự thảo Luật. Các ý kiến, đề xuất tập trung vào việc phát triển năng lượng, quy hoạch điện lực trong tương lai, chính sách, trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với phát triển điện lực, an toàn mạng lưới điện.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật là căn cứ rất quan trọng để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo Luật sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp để phục vụ cho quá trình thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tại Phiên họp tháng 8 trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo Luật sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp để phục vụ cho quá trình thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tại Phiên họp tháng 8 trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác