Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Chính sách xã hội

04/08/2010

Ngày 3.8, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã làm việc với Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Chính sách xã hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 500.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo các cơ quan đại diện chưa thành lập Ban Quản lý lao động chủ động thực hiện công tác bảo hộ, giúp đỡ người lao động ở nước ngoài khi người lao động liên hệ, yêu cầu. Theo Bộ Ngoại giao, hiện có hàng nghìn người Việt Nam nhập cảnh bằng nhiều con đường khác nhau để lao động bất hợp pháp. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài rất khó quản lý số lao động này; cần tạo hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động ở nước ngoài và chia sẻ với các cơ quan liên quan…

 

Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, sau 7 năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã có 81.807 lao động được tạo việc làm nhờ vay vốn đi xuất khẩu lao động với số tiền 1.694 tỷ đồng. Ước tính trên 50% hộ gia đình vay vốn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện Ngân hàng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài vay vốn theo nhiều chương trình, chính sách khác nhau, do đó còn có sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, lãi suất cho vay; mức cho vay còn thấp. Ngân hàng kiến nghị, Chính phủ cần rà soát các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tránh chồng chéo và thống nhất một đầu mối quản lý xuất khẩu lao động là Bộ LĐ, TB và XH; mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay; có cơ chế xử lý rủi ro đối với trường hợp người lao động phải về nước trước hạn…

 

Đoàn giám sát cho rằng, Bộ Ngoại giao cần chủ động hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ở nước ngoài để làm tốt hơn trách nhiệm bảo hộ công dân; thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu thị trường...

 

Đoàn giám sát đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cần kiến nghị cụ thể hơn về mức cho vay; dự báo và cân đối được khả năng tài chính khi nâng mức cho vay, mở rộng đối tượng cho vay; đề xuất những sáng kiến để kết hợp, lồng ghép các chính sách cho người đi lao động nước ngoài vay vốn...

H.Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)