Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân tại Lai Châu

15/03/2012

Ngày 14.3, Đoàn giám sát của UBTVQH do Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Lai Châu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

 

Cùng đi có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân Nguyễn Văn Giàu và đại diện một số Ủy ban của QH.

 

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, dân tộc thiểu số chiếm 87,3% dân số toàn tỉnh. Tỉnh có 7 đơn vị hành chính, trong đó, có 5 huyện 30a. Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được ban hành khá đầy đủ. Tổng vốn đầu tư công trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2006 - 2010 là hơn 2.031 tỷ đồng, bằng 29% tổng vốn đầu tư công cho các lĩnh vực; năm 2011 là hơn 574 tỷ đồng, bằng 23,4% tổng đầu tư công cho các lĩnh vực. Các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình bổ sung có mục tiêu được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Do đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những thay đổi đáng kể: 101/103 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 70% số bản có đường xe máy đi thuận lợi; đến năm 2010 có 1.115 công trình thủy lợi, hơn 1.600km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho 23.000ha cây vụ mùa và đông xuân; 80% số hộ được sử dụng điện lưới, nước hợp vệ sinh; 100% xã có trạm y tế… Đến hết năm 2011, Lai Châu cơ bản xóa xong nhà tạm cho các hộ nghèo theo tiêu chí cũ. Số hộ nghèo giảm xuống còn 16.677 hộ vào cuối năm 2010. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,6 triệu đồng, dự kiến tăng lên 13 triệu đồng vào năm 2012.

 

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, nhiều chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn chưa sát với thực tiễn từng vùng, miền. Nội dung một số văn bản chưa rõ ràng nên cần phải có thêm nhiều văn bản hướng dẫn đi kèm. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn thấp. Mặc dù tỉnh đã huy động các nguồn vốn khác nhau để lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân tuy nhiên việc lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn do chính sách, cơ chế quản lý từng nguồn vốn khác nhau, chưa có những quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép… Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu trầm trọng. Tỉnh đề nghị QH, Chính phủ điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư cho tam nông; xem xét, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su tại Tây Bắc và phát triển rừng sản xuất. Trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cần ưu tiên bố trí vốn và có cơ chế đặc thù với những tỉnh nghèo, trong đó có Lai Châu, vì những địa phương này rất khó huy động nguồn lực tại chỗ…

 

Các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, tồn tại của Lai Châu trong việc thực thi các chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như các kiến nghị của tỉnh.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hạ tầng giao thông của tỉnh rất khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo, điểm xuất phát thấp…, nhưng trên cơ sở mặt bằng chính sách chung, Lai Châu đã có sự bứt phá, thu nhập và đời sống của nhân dân từ khi chia tách tỉnh đến nay đã có nhiều thay đổi rõ nét. Điều đó cho thấy sự cố gắng của Đảng bộ và nhân dân Lai Châu. Phó chủ tịch QH khẳng định, Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ nghiên cứu, phản ánh trong Báo cáo kết quả giám sát, dự kiến trình QH giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ Ba tới.

 

+ Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Tin và ảnh: H. Loan

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác