Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại Lạng Sơn

07/03/2013

Từ ngày 4 - 6.3, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông làm việc tại Lạng Sơn.

Là một tỉnh biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, giáo dục ở Lạng Sơn đã phát triển và có tiến bộ. Mạng lưới trường lớp về cơ bản bảo đảm cho con em các dân tộc được học tập ngay tại xã, thôn, bản. Việc củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và tăng chỉ tiêu cử tuyển đã tạo thêm điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm học 2012 - 2013, Lạng Sơn có tổng số 697 trường của 4 cấp học, với 173.543 học sinh, trong đó có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, 33 trường phổ thông dân tộc bán trú, 2 trường ngoài công lập. Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn liên kết đào tạo chương trình 2 + 1 (2 năm học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, 1 năm học tại Học viện Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc), từ năm 2007 - 2012 đã có 229 sinh viên thực tập tốt nghiệp tại Trung Quốc. Trong số 7.448 phòng học hiện nay, có 4.826 phòng kiên cố (chiếm 64,8%), 1.804 phòng học bán kiên cố, còn 818 phòng tạm và 647 phòng phải học nhờ, mượn...

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên; cơ cấu chi ngân sách giáo dục chưa hợp lý; chưa có chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào giáo dục. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận còn thấp. Trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy và học tập còn thiếu thốn. Điều kiện phục vụ việc dạy và học của nhiều trường học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới... Lạng Sơn đề nghị điều chỉnh phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc và vùng khó khăn, thực hiện chính sách xã hội, hỗ trợ con em các gia đình nghèo và các chương trình mục tiêu ưu tiên khác; hoàn thiện, cải tiến chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện luân chuyển giáo viên để giải quyết chính sách đối với giáo viên ở vùng sâu, cùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Về chương trình, sách giáo khoa hiện hành, lãnh đạo Sở GD - ĐT Lạng Sơn cho rằng, một số nội dung còn cao so với khả năng tiếp thu của học sinh những vùng kinh tế, xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, có thể tính đến phương án có 1 chương trình chung cho toàn quốc và nên có 2 bộ sách giáo khoa, 1 cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, 1 cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cụ thể hóa những kiến nghị về chính sách đối với giáo dục vùng miền núi, biên giới, đặc biệt là chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. Về việc dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, cần nghiên cứu sâu thêm, có thể xem xét dạy tiếng Trung Quốc, thay cho tiếng Anh, để phù hợp với điều kiện phát triển của một tỉnh giáp Trung Quốc. Tỉnh cũng cần tính toán đội ngũ giáo viên giữa các cấp học, môn học và từng địa bàn, từ đó có quy hoạch đào tạo giáo viên phù hợp, tránh nơi thừa, nơi thiếu...

Sau khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn giám sát đi khảo sát tại một số cơ sở giáo dục thuộc nhiều loại hình khác nhau trên địa bàn, đặc biệt là mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

Ng. Anh

(http://www.daibieunhandan.vn)