Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế

07/03/2013

Chiều 6.3, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012 đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc làm việc. Tin và ảnh: Quang Khánh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tới dự và chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH; đại diện một số bộ, ngành liên quan.

Luật Bảo hiểm y tế được QH Khóa XII thông qua, có hiệu lực từ ngày 1.7.2009 và được triển khai đầy đủ từ ngày 1.1.2010. Luật Bảo hiểm y tế là cơ sở pháp lý cao nhất, khẳng định quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả thông qua bảo hiểm y tế toàn dân. Những quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã góp phần tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, góp phần phát triển các cơ sở khám chữa bệnh. Nhìn chung, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế được ban hành tương đối đầy đủ, có chất lượng, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm y tế. Sau 3 năm thực hiện, số người tham gia bảo hiểm y tế của TP Hà Nội năm sau cao hơn năm trước. Tính đến ngày 31.12.2012, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là gần 4,8 triệu người, chiếm hơn 69% dân số, tăng hơn 1,4 triệu người và tăng hơn 44% so với năm 2009. Về kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trong 4 năm qua là trên 2.600 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Thủ đô.

Theo UBND TP Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Bảo hiểm y tế còn những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Cụ thể, trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, một số đối tượng có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế và được hỗ trợ mức đóng nhưng số tham gia còn thấp như: đối với người lao động trong các doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên. Trong tổ chức khám chữa bệnh, một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; tinh thần, thái độ, trách nhiệm, y đức của một số cán bộ y tế chưa cao, gây phiền hà cho người dân khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng biểu dương các kết quả của TP Hà Nội trong việc tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; đánh giá cao sự chủ động và chất lượng công tác triển khai tuyên truyền pháp luật của TP Hà Nội, bảo đảm thực hiện đúng lộ trình đề ra. Phó chủ tịch QH nêu rõ, việc phát triển và mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế của TP Hà Nội đã đạt kết quả tốt, thể hiện qua việc dân số Thủ đô tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, điều kiện hạ tầng và các trang thiết bị của các cơ sở y tế ngày một nâng cao… Kết quả này có sự phối hợp và cố gắng lớn của TP Hà Nội và các bộ, ban, ngành liên quan.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần quan tâm đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội và chiến lược của Bộ Y tế. TP Hà Nội cần quan tâm, phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn người dân mua bảo hiểm y tế tại các địa phương, cơ sở.

Tin và ảnh: Quang Khánh

(http://www.daibieunhandan.vn)