SỚM ĐƯA CÁC NGUỒN LỰC DO SAI PHẠM, LÃNG PHÍ VÀO KHAI THÁC, SỬ DỤNG MỘT CÁCH HIỆU QUẢ

11/07/2022

“Tiếp tục đôn đốc, tổ chức cá nhân vi phạm nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sớm đưa các nguồn lực do sai phạm, lãng phí hoặc còn ách tồn đọng vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách hiệu quả và bền vững.…. ” là một trong những yêu cầu được nêu rõ tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Kiểm toán Nhà nước.

 

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Kiểm toán Nhà nước

Còn độ trễ trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến tài chính ngân sách hàng năm, lũy kế giai đoạn 2016 -2020 và tỷ lệ thực hiện các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ chính sách của kiểm toán nhà nước hàng năm, lũy kế giai đoạn 2016 -2020 vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Trong đó, về kiến nghị xử lý tài chính: Trong giai đoạn 2016 -2020, kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính là  hơn 272.000 tỷ đồng/374.000 tỷ đồng tổng kiến nghị xử lý tài chính, hơn 70%.

Đồng thời, trong giai đoạn này, tổng kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ cơ chế, chính sách của Kiểm toán Nhà nước  là 872 văn bản, đã có 281 văn bản được Chính phủ và các bộ ngành, địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra 281 văn bản đã được thực hiện, có 46 văn bản các đơn vị được kiểm toán đang có phản hồi với ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước đang trong quá trình xem xét, xử lý theo quy định; 11 văn bản các đơn vị đã thực hiện nhưng Kiểm toán Nhà nước đang trong quá trình xem xét, xác nhận kết quả thực hiện; 580 văn bản chưa có báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước hoặc đang được cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung theo quy định về ban hành văn bản hiện hành chưa được các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thực hiện.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh 

Cho biết về nguyên nhân chủ yếu của việc chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Một số bộ, ngành, địa phương sau khi được kiểm tra không tiếp tục tích cực đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, do chưa có chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện nên còn tình trạng đơn vị được kiểm toán không tiếp tục thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, dẫn đến kiến nghị xử lý về tài chính kéo dài qua nhiều năm.

Một số đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính; không còn hoạt động trên địa bàn hoặc dừng hoạt động; chưa tập hợp đủ hồ sơ, tài liệu để Kiểm toán Nhà nước ghi nhận đã thực hiện kiến nghị kiểm toán; chưa thực hiện các thủ tục có liên quan làm điều kiện để thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Riêng năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến một số đơn vị được kiểm toán không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, một số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được đơn vị được kiểm toán thống nhất; hoặc phải chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện; hoặc còn vướng mắc về cơ chế trong quá trình thực hiện; còn có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu; một số dự án chưa được bố trí vốn để thanh toán hoặc chưa được phê duyệt quyết toán, thanh toán….

Về nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị đối với cơ chế, chính sách, Kiểm toán Nhà nước cho biết, do đơn vị chưa báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về Kiểm toán; đơn vị đang tổ chức nghiên cứu, xem xét xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị.

Xác định cụ thể những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện

Cho ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao những kết quả tích cực của hoạt động Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng,  số liệu báo cáo về phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý thu hồi - kết quả thực hiện kết luận kiểm toán cho cả giai đoạn 2016-2021 cần được rà soát để chuẩn hóa, đồng bộ và khớp nối với nhau. Từ đó, xác định cụ thể những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đến ngày 31/12/2021 và đến hiện nay (nếu có) để Đoàn Giám sát có cơ sở kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục đôn đốc, tổ chức cá nhân vi phạm nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sớm đưa các nguồn lực do sai phạm, lãng phí hoặc còn ách tồn đọng vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Cùng với đó, báo cáo cần thêm các số liệu, dẫn chứng phân loại theo nhóm vấn đề để đưa ra nhận định.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn – Thành viên Đoàn Giám sát, những kết luận, kiến nghị kiểm toán mới chỉ phản ánh được số lượng chứ không thể cung cấp được thông tin chi tiết về nội dung của các kết luận, kiến nghị cụ thể; kết quả kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cũng chưa được cụ thể, chi tiết hóa. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Kiểm toán nhà nước cung cấp kết quả kiểm toán theo chuyên đề dễ theo dõi.

Các thành viên, chuyên gia tham gia Đoàn Giám sát

Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh kiểm toán cả quá trình hoạt động quản lý, hạn chế mức thấp nhất xảy ra vi phạm. Cho rằng, số lượng vụ việc Kiểm toán Nhà nước chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ còn hạn chế số hàng loạt các vụ việc được phản ánh thời gian qua, ông Bùi Đức Thụ - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước cần có phát hiện sớm, tránh để xảy ra hậu quả mới kiểm toán như vậy mới không để xảy ra lãng phí, thất thoát. Do đó, rất cần kiểm toán cả trong quá trình, nếu thấy hiệu quả kém, gây lãng phí thì kiến nghị dừng hoạt động.

Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia tham gia đoàn Giám sát cũng nêu thực trạng, việc xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm kéo dài (thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước) chưa được xử lý dứt điểm, cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực. Vì vậy, đề nghị cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này, kịp thời đưa các nguồn lực do sai phạm, lãng phí còn tồn đọng vào khai thác, sử dụng một cách hợp lý; các bộ, ngành cũng phải có giải pháp để kịp thời ngăn chặn hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây thiệt hại,…/.

Lê Anh