CHÚ THÍCH
ĐÁNH THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI
LẦN THỨ 2 CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1972)
Tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất (1964-1968) đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã liên tiếp gặp thất bại nặng nề. Trong hơn 4 năm đó, các lực lượng phòng không miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay (có 6 máy bay B52 và 3 máy bay F111), bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến Mỹ.
Đầu năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta trên chiến trường miền Nam đã đập vỡ tuyến phòng ngự cơ bản vòng ngoài trên các địa bàn trọng yếu của địch. Trước tình hình ấy, ngày 6-4-1972 đế quốc Mỹ đã huy động không quân và hải quân “leo thang” đánh phá trở lại, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Một lần nữa, miền Bắc lại chuyển toàn bộ hoạt động sang thời chiến, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại điên cuồng của địch.
Trước thất bại thảm hại trên cả hai miền Nam, Bắc, dưới sức ép của dư luận trong nước và trên thế giới, ngày 23-10-1972, chính quyền Níchxơn buộc phải tuyên bố ngừng các hoạt động đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhằm tranh thủ cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống (tháng 11-1972), tập trung lực lượng ngăn chặn quyết liệt “Việt Cộng” từ vĩ tuyến 20 trở vào Nam.
Sau khi Níchxơn tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, lập tức chính quyền Mỹ ồ ạt đưa vào miền Nam một khối lượng vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh lớn cho quân đội ngụy Sài Gòn và hỗ trợ cho chúng phản kích, hòng chiếm lại những nơi đã bị Quân Giải phóng chiếm giữ. Ở miền Bắc, Mỹ tăng cường đánh phá trên địa bàn Khu 4, đồng thời ráo riết thực hiện các hoạt động trinh sát đường không vùng trời Hà Nội, Hải Phòng.
Ngày 27-11-1972, Quân ủy Trung ương nhận định: “Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B.52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng các đầu mối giao thông, các vùng đông dân, dùng hải quân đánh phá tăng cường bờ biển”. Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân đã gấp rút hoàn chỉnh phương án, điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận đánh địch, sẵn sàng chủ động đánh thắng “pháo đài bay B.52” của Mỹ.
Đúng như dự đoán của ta, trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực lân cận (từ đêm 18 đến hết ngày 29-12-1972), địch đã sử dụng 726 lần chiếc máy bay B.52, gần 2.000 lần chiếc máy bay chiến thuật trút xuống mặt đất hơn 100.000 tấn bom, phá hủy nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bệnh viện, trường học, v.v., giết hại 2.380 người, làm bị thương 1.355 người. Chúng đã bị quân, dân ta giáng trả đích đáng, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Tổng kết lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, miền Bắc đã bắn rơi 735 máy bay, trong đó có 61 máy bay chiến lược B.52 và 10 máy bay phản lực F.111, bắt sống hơn 1.000 giặc lái, bắn cháy, bắn chìm 125 tàu chiến, tàu biệt kích.
Thắng lợi quyết định đó đã góp phần quan trọng buộc chính quyền Mỹ bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 30-12-1972 phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị Việt Nam nối lại cuộc đàm phán Pari. Đến ngày 15-01-1973, chính quyền Mỹ tuyên bố ngừng hoàn toàn các hoạt động chống, phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 27-1-1973 Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-01-1973…
ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC
“VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta ở miền Nam đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Sau thất bại của chiến lược này, Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “Việt Nam hóa”, do Tổng thống Níchxơn đề xướng (7-1969 - 4-1975), bằng ba biện pháp chiến lược: “chiến tranh giành dân”, “chiến tranh hủy diệt”, “chiến tranh bóp nghẹt”, nhằm “bình định, lấn chiếm đất đai” và kết hợp với hoạt động ngoại giao để kìm chế sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc đối với Việt Nam.
Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, về cơ bản, đó là cuộc chiến tranh giữa những người Việt Nam với nhau. Âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ vẫn là “dùng người Việt đánh người Việt”, với vũ khí, đô la Mỹ, do Mỹ chỉ huy. Trong thời kỳ đầu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, lực lượng quân Mỹ giữ vai trò chính, quân đội chính quyền Sài Gòn chỉ làm công cụ chủ yếu để thực hiện chiến lược đó. Đế quốc Mỹ ồ ạt đổ tiền, của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân ngụy; ráo riết bắt lính, đôn quân, tăng lực lượng vũ trang ở cơ sở để trực tiếp khống chế nhân dân, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, v.v., đồng thời tiếp tục các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam.
Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã gây nhiều khó khăn cho nhân dân Việt Nam, nhưng bằng những đòn tiến công chiến lược của quân, dân ta trong năm 1972 ở chiến trường miền Nam và đánh bại cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ ở miền Bắc đã buộc chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam.
Trong hai năm 1973-1974, miền Bắc vừa ra sức khôi phục các cơ sở kinh tế, các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, v.v., bị địch đánh phá, vừa tập trung chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Nguồn chi viện to lớn này của miền Bắc đã tăng cường nhanh chóng lực lượng cách mạng trên chiến trường miền Nam, thiết thực chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cục diện tình hình miền Nam đã có những bước biến chuyển mới. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, do ngụy tiến hành ngày càng bị sa lầy, thất bại nặng nề, ngụy quân ngày càng suy yếu rõ rệt, nước Mỹ khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng. Lực lượng của ta ngày càng mạnh hẳn lên. Chúng ta đã có đủ điều kiện thuận lợi mới để tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước. Từ cuối tháng 9-1974 đến tháng 1-1975, Bộ Chính trị đã liên tiếp họp bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, trong đó nhấn mạnh: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975, hoàn thành sự nghiệp giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG
VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN NĂM 1975
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta có thể chia thành ba chiến dịch sau đây:
- Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 đến ngày 24-3-1975),
- Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21-3 đến ngày 3-4-1975),
- Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975).
Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu từ ngày 04-3-1975, cắt đứt đường số 19, đánh một số mục tiêu của địch ở Plâycu để nghi binh, tạo thế cho chiến dịch. Hai giờ sáng ngày 10-3, ta bắt đầu đánh chiếm thị xã Buôn Mê Thuột, đến ngày 24-3 ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Đây là trận điểm huyệt vào hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng Tây Nguyên, khởi đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Tiếp đến chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng là sự phát triển tiến công và nổi dậy kịp thời, táo bạo, đầy sáng tạo, có hiệu quả lớn, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân ngụy ở các tỉnh đồng bằng ven biển, không cho địch co cụm về Sài Gòn, giải phóng miền Trung và quần đảo Trường Sa, tạo ra thế và lực mới.
Trong quá trình chỉ đạo, Bộ Chính trị đã kịp thời nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, trước mùa mưa, không để chậm. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được tiến hành với phương châm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”. Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch này là giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 3 và Quân khu III của quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Đông Nam bộ, tạo ra chấn động cực kỳ dữ dội đến đồng bằng sông Cửu Long. Trong hai ngày 30-4 và 1-5, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh đồng bằng Nam bộ, kết hợp tiến công với nổi dậy hoặc nổi dậy với tiến công đã tiêu diệt một bộ phận, bắt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 4 và Quân khu IV của địch, giải phóng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chế độ thực dân kiểu mới mà đế quốc Mỹ đã dày công xây dựng ở miền Nam qua 5 đời tổng thống đã bị đập tan và hoàn toàn sụp đổ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân, dân ta đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự nghiệp đấu tranh cách mạng của cả nước ta để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã hoàn thành, sau 30 năm quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược. Nối tiếp truyền thống lịch sử từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa đến Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975 đã ghi thêm một chiến công hiển hách vào pho sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ
THỐNG NHẤT TỔ QUỐC
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng (30-4-1975) đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối. Thực tế là hai miền Nam, Bắc đã thống nhất và giống nhau về nhiều mặt, nhưng thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước thì chưa làm được. Vì vậy, thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước là khâu then chốt, tạo điều kiện để hoàn thành thống nhất nước nhà về các mặt khác một cách thuận lợi. Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước tức là chính thức hóa sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã bàn bạc, nhất trí với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam về chương trình ba điểm sau:
1. Tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Nam, Bắc.
2. Tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước vào cùng một ngày trong thời gian nửa đầu năm 1976 để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất.
3. Triệu tập kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung của cả nước để báo cáo kết quả cuộc Tổng tuyển cử, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa mới và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Theo chương trình nói trên, đầu tháng 11-1975, ở miền Nam, Hội nghị liên tịch (mở rộng) gồm đại biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ…đã họp để thảo luận và cử Đoàn đại biểu miền Nam dự Hội nghị Hiệp thương với miền Bắc.
Từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975 tại thành phố Sài Gòn, Đoàn đại biểu miền Bắc do ông Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm Trưởng đoàn và các Phó Trưởng đoàn là các ông Hoàng Văn Hoan, Trần Hữu Dực và Đoàn đại biểu miền Nam do ông Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam làm Trưởng đoàn và các Phó Trưởng đoàn là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, luật sư Trịnh Đình Thảo đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn vấn đề thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Hội nghị đã thảo luận và nhất trí khẳng định: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn và vững chắc nhất…”. Hội nghị nhấn mạnh: “Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước, theo nguyên tắc dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.
Thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc là một thắng lợi chính trị quan trọng của nhân dân cả nước, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn thể đồng bào ta ở cả hai miền là sớm thành lập một Nhà nước chung, nhằm phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.