VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHOÁ IV  (1)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian qua từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa III (tháng 3-1971) đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp năm lần và thông qua ba mươi tám nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.              

Sau đây, chúng tôi xin báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

I- VỀ VIỆC TUYỂN CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA IV

Công tác quan trọng nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua là tuyên bố và chủ trì việc tuyển cử đại biểu Quốc hội khóa IV.

Về công tác này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo riêng.

II- VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ QUYẾT NGÀY 10-4-1965 CỦA QUỐC HỘI GIAO CHO UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI MỘT SỐ QUYỀN HẠN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thi hành Nghị quyết ngày 10-4-1965 của Quốc hội giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số quyền hạn trong tình hình mới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra những nghị quyết sau đây:

1. Nghị quyết ngày 27 tháng 4 năm 1971 thông qua phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân trong năm 1971.

2. Nghị quyết ngày 27 tháng 4 năm 1971 phê chuẩn dự toán ngân sách Nhà nước năm 1971.

Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xét và phê chuẩn những nghị quyết nói trên.

III- VỀ CÔNG TÁC PHÁP LUẬT

Ngày 06 tháng 5 năm 1971, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết phê chuẩn Nghị quyết ngày 30 tháng 10 năm 1970 của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Việt Bắc về việc thi hành Pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái phép trong Khu tự trị Việt Bắc.

Về nội dung, nghị quyết của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Việt Bắc thể hiện đúng tinh thần cơ bản của pháp lệnh là nghiêm cấm tệ nấu rượu trái phép, nhằm tiết kiệm lương thực và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, tăng cường quản lý lao động trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; đồng thời có chiếu cố thích đáng đến điều kiện đặc biệt của các vùng dân tộc thiểu số ở những nơi xa xôi, hẻo lánh.

IV- VỀ TỔ CHỨC CỦA NHÀ NƯỚC

- Trong phiên họp ngày 01 tháng 4 năm 1971, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Thành phần của Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương gồm có Chủ nhiệm, một số Phó Chủ nhiệm thường trực, một số Phó Chủ nhiệm là Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có liên quan kiêm nhiệm, và một số ủy viên.

- Trong phiên họp ngày 06 tháng 5 năm 1971, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

V- VỀ VIỆC BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM
CÁC THÀNH VIÊN CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

- Theo đề nghị  của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01 tháng 4 năm 1971, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm:

+ Đồng chí Hoàng Anh giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương.

+ Đồng chí Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng giữ chức Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương.

+ Đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Bộ trưởng giữ chức Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương.

- Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16 tháng 4 năm 1971, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định:

+ Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng để kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.

+ Đồng chí Trần Quang Huy thôi giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng để giữ chức Bộ trưởng Chính phủ.

+ Đồng chí Đặng Thí, Bộ trưởng, thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng.

+ Đồng chí Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thôi kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.

VI- VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng huân chương cho nhiều đơn vị và cá nhân.

- Tặng thưởng chín Huân chương Quân công và 1.039 Huân chương Chiến công cho 1.048 đơn vị, cán bộ và chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân, tự vệ, đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

- Tặng thưởng 118 Huân chương Kháng chiến cho nhiều đơn vị đã có nhiều thành tích trong phong trào tòng quân chống Mỹ, cứu nước, cho hai đội chèo xung kích đã có nhiều thành tích trong thời gian đi phục vụ tiền phương, và cho một số gia đình có nhiều người tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng thưởng Huân chương Lao động cho 17 đơn vị đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất nông nghiệp, đã lập nhiều thành tích trong công tác phát triển giao thông vận tải nông thôn phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân.

- Tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động cho 15 chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã giúp ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Tiếp tục tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho nhiều cán bộ và chiến sĩ thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

VII- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ CỦA NHÂN DÂN

Từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa III đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 841 đơn do cán bộ, công nhân, nhân dân gửi đến (có 38 đơn không ký tên và đơn tập thể ký tên). Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp 251 lần người đến cơ quan trình bày sự việc.

Đối tượng bị khiếu tố thường là cán bộ hợp tác xã, cán bộ cơ quan, xí nghiệp, một số cán bộ lãnh đạo, có hành động tham ô, lãng phí, hủ hóa, bè phái, thành kiến, truy trù, vi phạm chính sách, chế độ, pháp luật nhà nước, v.v..

Đáng chú ý là có nhiều đơn của thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội, khiếu nại về việc không thi hành đúng chính sách đối với họ, có nhiều cơ quan xí nghiệp không thu nhận lại anh em bộ đội đã xuất ngũ; có cán bộ tham ô tiền trợ cấp của các gia đình bộ đội đi chiến đấu ở chiến trường xa, tham ô tiền tuất của gia đình liệt sĩ, v.v..

Phần lớn đơn khiếu tố của nhân dân đều nói lên sự thật, ngay cả những đơn giấu tên cũng phản ánh được một số tình hình khách quan. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm theo dõi, nhắc nhở việc giải quyết thỏa đáng những yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Việc giải quyết đơn khiếu tố của các cơ quan và địa phương do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển tới, bước đầu đã có sự quan tâm hơn của lãnh đạo các cấp, các ngành, nên số vụ được giải quyết có tăng lên và việc giải quyết có chất lượng hơn. Tuy nhiên, sự tiến bộ ấy còn chậm chạp và rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

VIII- VỀ VIỆC LIÊN HỆ VỚI CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ CÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Sau kỳ họp thứ 7, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo kết quả kỳ họp và nội dung bản Tuyên bố của Quốc hội với nhân dân ở các địa phương. Một số Đoàn đại biểu đã tham gia sinh hoạt với các Hội đồng nhân dân địa phương, và phổ biến nghị quyết của Quốc hội, nêu ý nghĩa, mục đích của cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần động viên nhân dân và cán bộ ra sức thi đua thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 19 và tích cực hưởng ứng Tuyên bố của Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ 7.

Một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã kiểm điểm và rút kinh nghiệm về hoạt động của mình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa III.

Một số đại biểu đã gửi thư hoặc trực tiếp phản ánh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề cụ thể về tình hình thiếu tinh thần trách nhiệm trong sản xuất, bảo quản và phân phối sản phẩm ở một số hợp tác xã. Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển đến các cơ quan hữu quan giải quyết các vấn đề nói trên và trả lời cho các đại biểu.

IX- VỀ VIỆC QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện của Chính phủ đến dự, trình bày những đề nghị, dự án hoặc báo cáo những vấn đề cần thiết. Trong phiên họp ngày 16 tháng 4 năm 1971 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã báo cáo về kết quả các cuộc đàm phán với các nước xã hội chủ nghĩa anh em về viện trợ kinh tế và quân sự năm 1971.

Chính phủ vẫn thường xuyên gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các nghị quyết, nghị định, chỉ thị của Chính phủ, các thông báo thường kỳ về các mặt hoạt động của Chính phủ để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo dõi.

Trong quá trình xem xét các vấn đề do Hội đồng Chính phủ trình bày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị nhiều vấn đề để Hội đồng Chính phủ nghiên cứu và thực hiện.

X- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Các đại diện Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tham dự đều đặn các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã dự Hội nghị tổng kết công tác bốn năm đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của ngành Tòa án. Trong nhiều phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xét một số vấn đề cụ thể về công tác xét xử của ngành Tòa án. 

*

*        *

Trên đây là những công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian ba tháng qua, từ kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa III đến nay.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xét và phê chuẩn các nghị quyết mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua theo sự ủy nhiệm của Quốc hội.

 


1. Báo cáo này được phát cho các vị đại biểu Quốc hội, không trình bày trước Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.