VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

 

DIỄN VĂN CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG SAU KHI QUỐC HỘI
THÔNG QUA DANH SÁCH THÀNH VIÊN CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHOÁ IV, NGÀY 10-6-1971


 

Kính thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Quốc hội vừa bầu chúng tôi giữ những chức vụ rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Chúng tôi coi đó là một sự tín nhiệm mà chúng tôi phải thấy hết ý nghĩa. Ý nghĩa đó là sự đòi hỏi nghiêm khắc tập thể Hội đồng Chính phủ và mỗi thành viên, những người thủ trưởng của những ngành trong bộ máy nhà nước, phải làm tròn chức trách của mình, nghĩa vụ của mình đối với Quốc hội, nghĩa là đối với nhân dân. Chúng tôi coi đó là vấn đề trách nhiệm, vấn đề kỷ luật.

Đó cũng là nhận thức của chúng tôi trước tình hình và nhiệm vụ mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cái mới trong tình hình và nhiệm vụ là những thắng lợi có ý nghĩa cơ bản và toàn diện của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta: sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thắng lợi đó càng thúc đẩy nhân dân ta vươn lên khắc phục những khó khăn to lớn hơn trước đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên giành những thắng lợi càng vĩ đại hơn.

Để làm tròn chức trách và nghĩa vụ của mình, chúng tôi phải quán triệt trong tư tưởng và tình cảm, để thể hiện bằng việc làm, một điều mà Hồ Chủ tịch thường căn dặn toàn Đảng, toàn quân, những người trong bộ máy nhà nước và các tổ chức quần chúng, Bác căn dặn tất cả chúng ta phải là "Người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, làm việc quên mình.

Đối với chúng tôi, trước hết và chủ yếu, đó là việc quản lý nền kinh tế quốc dân, đi đôi với quản lý văn hóa, quản lý trị an, quản lý đời sống. Làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, tức là cố gắng không ngừng nâng cao trình độ và năng lực quản lý của mình, nâng cao chất lượng và hiệu quả thiết thực của toàn bộ hoạt động của mình, phục vụ đắc lực lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Tóm lại, làm người đầy tớ của nhân dân là biết quản lý, quản lý giỏi công việc của nhân dân, những người chủ chân chính làm nên tất cả, người anh hùng tập thể vĩ đại nhất. Theo tinh thần đó, Hội đồng Chính phủ chúng tôi phải làm cho bộ máy nhà nước trở thành hệ thống quản lý có hiệu lực, thông suốt từ trên xuống và dưới lên, chú trọng quản lý kinh tế, đồng thời coi trọng các mặt quản lý khác.

Điều 4 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: 'Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân"… và Điều 6: "Tất cả cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân".

Chúng ta là người cách mạng được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đó là chân lý phổ biến khắp mọi nơi. Ở nước ta từ hơn 40 năm nay, nghĩa là từ khi có Đảng: đó là chân lý sinh động và sáng tỏ với những biểu hiện phong phú và đẹp đẽ vô cùng. Từ xưa, nhân dân Việt Nam ta vốn là người không ngừng phấn đấu để làm chủ vận mệnh của đất nước và của dân tộc. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta trở nên người làm chủ có ý thức và khả năng quyết định vận mệnh của mình. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do !". Và phải có độc lập, tự do để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện lý tưởng cao đẹp nhất của xã hội loài người. Được Hồ Chủ tịch và Đảng ta dày công giáo dục, nhân dân ta đã có những bước tiến nhanh chóng lạ thường trải qua biết bao cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ và anh dũng không sao nói hết, từ đó đã lớn mạnh về mọi mặt: giác ngộ chính trị, nhiệt tình cách mạng, ý chí đấu tranh, lao động cần cù; đó là sức mạnh của sự đoàn kết và đấu tranh của những người rất dũng cảm và thông minh, giàu óc sáng tạo, rất tin tưởng và tự hào ở sức mạnh và tài năng của mình, lúc gặp khó khăn gian khổ, thì càng vươn lên phát huy sức mạnh và tài năng vô cùng vô tận đó để chiến đấu và chiến thắng. Tình hình và nhiệm vụ mới cùng với sự trưởng thành của nhân dân ta càng đòi hỏi chúng tôi cố gắng hết sức nhằm nâng cao nhanh chóng năng lực của mình về mọi mặt, chủ yếu trong quản lý kinh tế, góp phần tăng cường lực lượng của miền Bắc và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân, xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Nhân dân ta rất vĩ đại. Quản lý giỏi là phát huy khả năng cực kỳ to lớn của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế và trong các lĩnh vực khác, là phát huy nhiệt tình cách mạng và sức lao động sáng tạo của nhân dân lao động và của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đồng thời sử dụng một cách hợp lý nhất lực lượng sản xuất, khai thác những tài nguyên phong phú của đất nước. Đó là vấn đề hiệu quả kinh tế và năng suất lao động mà chúng ta còn phải cố gắng nhiều, cố gắng liên tục và bền bỉ để giải quyết tốt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, phải biết vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo ba cuộc cách mạng nhằm phát huy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, bố trí lực lượng sản xuất (lực lượng lao động, lực lượng kỹ thuật và lực lượng vật chất: thiết bị, vật tư) một cách cân đối trong cả nước cũng như ở từng ngành và từng địa phương cho đến cơ sở là nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã, nơi làm ra của cải vật chất, nơi làm ra sản phẩm xã hội, mục tiêu phấn đấu và thước đo của toàn bộ hệ thống quản lý nền kinh tế quốc dân. Chúng ta đòi hỏi các ngành, các cấp làm hết sức mình để phục vụ tốt cơ sở. Ngược lại, chúng ta đòi hỏi cơ sở ra sức phấn đấu nhằm hoàn thành mọi trách nhiệm của mình, thực hiện và thực hiện vượt mức kế hoạch của Nhà nước, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân, đồng thời làm tròn nghĩa vụ đóng góp của mình đối với Nhà nước.

Trên đây nhấn mạnh về quản lý kinh tế. Trong lúc nhân dân ta đang chống Mỹ, cứu nước, thì quản lý kinh tế phải phục vụ cuộc chiến đấu thần thánh này theo khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".

Điều 21 của Hiến pháp nêu rõ: "Lao động là cơ sở để phát triển kinh tế quốc dân và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân".

"Lao động là nghĩa vụ và vinh dự của người công dân".

Điều 42 của Hiến pháp nêu rõ: "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc".

Sắp tới, Nhà nước ta phải nghiên cứu để quy định một cách hợp lý và chặt chẽ bổn phận của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm tròn nghĩa vụ của mình là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả của cách mạng và lao động hăng say, lao động hết sức mình, lao động với năng suất cao và hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhằm tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của bản thân mình, vì sự phồn vinh của đất nước và vì những thế hệ mai sau.

Sau thắng lợi của đấu tranh cách mạng đem lại độc lập và tự do, chế độ xã hội chủ nghĩa chứng tỏ tính ưu việt của nó bằng cách giải phóng sức lao động khỏi mọi sự áp bức và bóc lột, biến nhân dân lao động, người làm thuê trước đây, thành người làm chủ vận mệnh của mình, trên phạm vi cả nước và ở từng cơ sở là hợp tác xã và xí nghiệp, từ đó mà xây dựng đời sống mới, xã hội chủ nghĩa của mình. Đó là thực chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, lao động trở thành nghĩa vụ, kỷ luật, bản năng, lẽ sống, nguồn giầu có và niềm phấn khởi. Đó là điều mà hiện nay cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa cần chú trọng hàng đầu: "Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa".

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Từ đầu năm 1971 đến nay, cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ của nhân dân Việt Nam ta cũng như của nhân dân ba nước Đông Dương đã giành được những thắng lợi to lớn, đưa đến những biến chuyển rõ rệt ở miền Nam nước ta cũng như ở Campuchia và ở Lào, nổi bật nhất là chiến thắng trên đường 9 từ Khe Sanh đến Nam Lào, tiếp theo là những chiến thắng ở Tây Nguyên (Ngọc Rinh Rua), ở biên giới Campuchia - miền Nam Việt Nam (Xnun) Đây là những trận đánh rất lớn về nhiều mặt mà báo chí ở nước ta cũng như dư luận quốc tế đã đưa tin và bình luận khá đầy đủ. Và cũng như những trận đánh lớn trong các cuộc chiến tranh, ảnh hưởng và hậu quả về mọi mặt của những chiến thắng của nhân dân ba nước Đông Dương trong thời gian vừa qua còn diễn ra lâu dài và sâu xa đối với toàn bộ tình hình ở miền Nam, ở Lào cũng như ở Campuchia, đồng thời tiếp tục vang dội sâu rộng ở nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Trước đây, chúng ta đã từng khẳng định rằng chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" nhất định phải thất bại. Đến nay, sự thật đã chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn của lời tiên đoán đó. Sau thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Tết Mậu Thân và những sự kiện tiếp theo cho đến năm 1969, chính sách của đế quốc Mỹ nhằm kéo dài, tăng cường và mở rộng chiến tranh bằng "Việt Nam hóa chiến tranh" và "học thuyết Níchxơn" hòng đảo ngược lại tình hình, biến thế thua thành thắng lợi, chỉ là một tham vọng điên rồ. Lôgích của chính sách đó là, sau khi đã thấy nguy ở miền Nam Việt Nam, thì nhảy sang Campuchia, rồi sau khi thấy càng nguy cơ cả ở miền Nam Việt Nam và Campuchia thì nhảy lên Hạ Lào và phía Nam khu phi quân sự. Tham vọng của chúng càng ngông cuồng thì thất bại của chúng càng thảm hại. Đây cũng là cái lô-gích tất yếu của cuộc chiến tranh này. Như mọi người đều biết, chúng đã chuẩn bị chiến dịch Hạ Lào và đường số 9 công phu và chu đáo như thế nào, tập trung ở đây những lực lượng to lớn và tinh nhuệ như thế nào và tuyên bố huyênh hoang như thế nào. Nhưng vỏ quýt dày thì đã có móng tay nhọn. Lực lượng vũ trang của nhân dân Việt Nam ta cùng lực lượng vũ trang của nhân dân Lào đã sẵn sàng đón chúng và đã đánh cho chúng một trận thất điên bát đảo, một trận đánh tiêu diệt, không chỉ làm phá sản những mưu đồ phiêu liêu của chúng, mà còn đánh bại nhiều loại vũ khí và chiến thuật mà chúng thường khoe khoang: khắp chiến trường, trực thăng của chúng rụng như sung; nhiều cụm pháo chưa bắn đã bị đánh tê liệt; xe tăng và thiết giáp vừa xuất kích đã bị chặn đánh, tiến không được mà chạy cũng không thoát, cuối cùng toàn bộ bị tiêu diệt hoặc bị bắt; các đơn vị gọi là thiện chiến nhất của chúng: dù, biệt động, thủy quân lục chiến, sư đoàn I, phần rất lớn đều bị bao vây, chia cắt, bị đánh tả tơi, một số rất ít chạy thoát được đã trở thành cái loa truyền khắp miền Nam những trận đánh khủng khiếp và sự thất bại không thể cứu vãn được của quân Mỹ và quân ngụy, làm rung chuyển cả miền Nam.

Ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" bị lung lay đến tận gốc. Đây là cơ hội rất thuận lợi thúc đẩy đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam càng tăng cường cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự và chính trị, từ rừng núi đến đồng bằng, ngay ở các đô thị, nhằm dồn địch vào thế nguy khốn hơn nữa. Ngụy quân và ngụy quyền hoang mang cao độ, mâu thuẫn trong nội bộ chúng gay gắt hẳn lên; mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy bộc lộ rõ rệt; ngụy quân và ngụy quyền đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng; hiện tượng phản chiến có xu thế phát triển trong hàng ngũ binh sĩ Mỹ; đồng bào ta ở miền Nam hơn lúc nào hết, tin tưởng ở thắng lợi và phấn khởi đẩy mạnh cuộc chiến đấu; ở nông thôn từ rừng núi đến đồng bằng, từ Trị Thiên đến mũi Cà Mau, phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và chính trị, đồng bào ta tiếp tục vùng lên mạnh mẽ, đánh phá "kế hoạch bình định" của địch; ở các thành phố: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế v.v.; đông đảo nhân dân lao động hăng hái tham gia đấu tranh cùng với học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, đồng bào theo đạo Phật và các tôn giáo khác, trí thức, nhà báo, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, ngay cả những người trong bộ máy ngụy quyền và ngụy quân… Uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên cao, tượng trưng cho thắng lợi.

Ở Lào, tình hình đương phát triển tốt. Nhân dân và các lực lượng vũ trang giải phóng Lào ra sức phát huy những thắng lợi vừa qua, đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở nhiều nơi, củng cố và xây dựng vùng giải phóng ngày càng vững chắc, mở rộng cuộc đấu tranh nhằm đánh bại bọn xâm lược Mỹ và tay sai.

Ở Campuchia, nơi mà phong trào yêu nước và cuộc chiến tranh nhân dân phát triển với tốc độ rất nhanh, từ đầu năm đến nay, nhiều chiến dịch liên tiếp đã diễn ra và đem lại cho lực lượng vũ trang giải phóng của nhân dân Khơme những thắng lợi rất lớn, nhất là ở vùng Đông Nam, Tây Nam, làm chấn động Thủ đô Phnôm Pênh, đẩy cái chính quyền què quặt và chắp vá của bọn Lon Non - Xirích Matắc vào tình trạng khốn quẫn hơn bao giờ hết.

Ở miền Bắc, đồng bào và chiến sĩ ta, rút những kinh nghiệm phong phú của cuộc chiến đấu thắng lợi chống cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ, không ngừng tăng cường lực lượng quốc phòng và mọi lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra sức chuẩn bị và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi nhằm đập tan mọi hành động xâm phạm miền Bắc bất cứ từ đâu đến.

Đế quốc xâm lược Mỹ muốn biến Đông Dương thành một chiến trường. Đó là chiến trường rất thuận lợi: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, để nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết, chiến đấu và chiến thắng.

Ở nước Mỹ, nơi mà dư luận rất nhạy cảm đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, bởi vì người ta đã dần dần thấy rõ nguy cơ của nó đối với nước Mỹ, diễn biến của chiến trường Đông Dương đã gây một phong trào rộng rãi chống chiến tranh xâm lược với những khẩu hiệu dứt khoát và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay: "Chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược"; "Định thời hạn rút toàn bộ quân Mỹ"; "Mặc xác bọn Thiệu - Kỳ - Khiêm thối nát"; "Hòa bình và hữu nghị với nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương". Hàng vạn người biểu tình ở Oasinhtơn hô to: "Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh" và mang cờ của Mặt trận biểu thị tình đoàn kết với nhân dân
Việt Nam ta.

Nhân dân Việt Nam ta nhiệt liệt hoan nghênh nhân dân tiến bộ Mỹ, các tổ chức quần chúng, các giới chính trị, tôn giáo, văn học, khoa học, các giới kinh doanh, đã không ngừng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược đầy tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương, vì lợi ích và danh dự của nước Mỹ, vì hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân Mỹ và nhân dân các nước Đông Dương.

Cuộc đấu tranh từ bên này đến bên kia Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn, bởi vì bọn cầm quyền ở Nhà trắng và Lầu năm góc vẫn ngoan cố và hiếu chiến, mặc dù thất bại liên tiếp và nặng nề trên mặt trận, mặc dù những khó khăn dồn dập về mọi mặt chưa từng thấy ở nước Mỹ, từ quân sự, chính trị đến kinh tế, tài chính, tiền tệ, từ tình hình trong nước đến quan hệ quốc tế, mặc dù số đông nhân dân Mỹ đã biểu thị rõ rệt thái độ chống chiến tranh xâm lược và chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh". Trong tình hình như vậy, nhân dân Việt Nam ta quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu với khí thế hùng mạnh hơn bao giờ hết; bởi vì chúng ta đương thắng lớn và lực lượng về mọi mặt của chúng ta không ngừng phát triển; bởi vì chúng ta đương tăng cường sức đoàn kết và chiến đấu giữa nhân dân ba nước trên chiến trường Đông Dương; bởi vì chúng ta ngày càng tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân toàn thế giới. Chúng ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Về mặt đấu tranh ngoại giao, tại cuộc nói chuyện ở Pari, lập trường về một giải pháp toàn bộ cho vấn đề Việt Nam của chúng ta vẫn còn nguyên ở đó, chưa được bàn đến, vì phía bên kia muốn theo đuổi chiến tranh, chạy theo cái ảo ảnh "thắng lợi quân sự". Ở đây cũng như trên chiến trường, lập trường chính nghĩa và tính kiên trì của chúng ta càng có sức thuyết phục dư luận rộng rãi trên thế giới.

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Cuộc đấu tranh chính nghĩa, lâu dài, gian khổ và tất thắng của nhân dân Việt Nam ta cùng với nhân dân hai nước Lào và Campuchia dần dần đã phát huy tác dụng sâu rộng đối với tình hình quốc tế, đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới, đối với biến chuyển của lịch sử. Đó là một trong những sự kiện chính trị có ý nghĩa thời đại sau thế giới đại chiến thứ II1. Có tình hình như vậy là vì trong cuộc đọ sức ghê gớm này, trải qua một thời gian dài, đế quốc Mỹ lần lượt bộc lộ một cách rõ rệt bản chất xâm lược và hiếu chiến của nó, những chính sách chiến tranh cực kỳ man rợ của nó, những tội ác làm xúc động sâu sắc lương tâm của mọi người. Đồng thời, cũng trong thời gian đó, nhân dân ta cùng với nhân dân Đông Dương đã chiến đấu bền bỉ và kiên cường, anh dũng và thông minh, vượt qua những hy sinh gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua được và đã giành được những thắng lợi ngày càng có ý nghĩa, càng đánh càng thắng và càng mạnh hẳn lên. Cuộc chiến tranh này còn có một tác dụng quan trọng nữa, ở chỗ chính sách can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ là nguy cơ trực tiếp đối với hầu hết các nước và các dân tộc ở hầu khắp mọi nơi: Đó là chiến lược toàn cầu của chúng mà phương án mới nhất là "học thuyết Níchxơn". Chiến lược này tất nhiên dẫn đến cuộc đấu tranh vô cùng sâu sắc và rộng lớn của nhân dân thế giới, của cả loài người tiến bộ chống chủ nghĩa đế quốc tàn bạo nhất từ trước đến nay, vì quyền sống, vì độc lập tự do, vì những giá trị cao quý của con người. Đây là một quá trình nhận thức rất có ý nghĩa của hàng trăm triệu người, đưa đến sự hình thành mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương. Sức mạnh và sự tất thắng của chúng ta bắt nguồn từ đó và đó cũng là điều mà bọn xâm lược Mỹ không thể hiểu được, và cũng chính vì vậy mà chúng nhất định thất bại.

Là bộ phận của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân thế giới, chúng ta được sự ủng hộ mạnh mẽ và quý giá vô cùng của Liên Xô, của Trung Quốc và của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác cũng như của nhân dân thế giới. Ngược lại, chúng ta cũng có những cống hiến rất xứng đáng, góp phần tạo nên những biến đổi trong lực lượng so sánh trên thế giới có lợi cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập và tự do của mọi dân tộc, và tạo nên những biến đổi trong nhận thức, trong lương tâm của nhiều người.

Về phần chúng ta, nhân dân Việt Nam ta mãi mãi ghi nhớ trong lòng tình cảm nồng nhiệt và sự biết ơn chân thành của chúng ta đối với những người đồng chí, người anh em, người bạn chiến đấu đã luôn luôn đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ chúng ta chiến đấu và chiến thắng, vì sự nghiệp cách mạng thiêng liêng của chúng ta và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân thế giới. Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn khó khăn, gian khổ, nhưng chúng ta đang tiến nhanh trên con đường thắng lợi và nhất định sẽ tiến đến đích cuối cùng, và đó sẽ là một thắng lợi có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Chúng ta càng tin tưởng sâu sắc rằng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới, mặc dù con đường có chỗ quanh co, khúc khuỷu, nhất định cũng sẽ tiến tới theo xu thế của thời đại, từng bước đánh bại đế quốc xâm lược Mỹ và tiến lên giành những thắng lợi ngày càng to lớn vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Tất cả những điều trên đây chứng tỏ sự sáng suốt của đường lối quốc tế và chính sách ngoại giao của Đảng ta và Nhà nước ta: tăng cường sự đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em với các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; tăng cường sự đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ latinh vì lợi ích của sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đứng đầu là đế quốc Mỹ; mở rộng quan hệ hợp tác về mọi mặt với các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình; ra sức phấn đấu vì lợi ích của sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới và hòa bình thế giới.

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong tình hình có những thuận lợi mới, nhân dân Việt Nam ta càng tăng cường cuộc đấu tranh, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết giành những thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Trước hết toàn thể dân tộc Việt Nam, một lòng đoàn kết, ra sức kiên trì và đẩy mạnh cuộc chống Mỹ, cứu nước. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", mọi người Việt Nam ta quyết làm hết sức mình để thực hiện một cách vẻ vang lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu để quét sạch nó đi", nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, biến lời nói thiết tha của Bác: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", thành sự thật sinh động, thực hiện ý nguyện muôn đời của đất nước và dân tộc Việt Nam ta. Đồng thời, dân tộc Việt Nam ta càng đoàn kết chặt chẽ với dân tộc Lào và dân tộc Campuchia, càng ủng hộ và giúp đỡ nhau, càng phối hợp chiến đấu tốt trên chiến trường Đông Dương, nhằm giải phóng toàn cõi Đông Dương, góp phần tích cực của nhân dân ba nước Đông Dương vào việc bảo vệ quyền dân tộc, hòa bình và an ninh của các nước Đông Nam Á, góp phần bảo vệ hòa bình ở châu Á và thế giới.

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước gắn liền với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, với việc tăng cường tiềm lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát huy những thành tựu rất to lớn đã giành được trong những năm chiến tranh phá hoại, phát huy những tiến bộ bước đầu rất có ý nghĩa trong việc khôi phục và phát triển kinh tế từ năm 1970, hiện nay nhân dân miền Bắc nước ta, đồng thời với việc nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu quyết đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm của địch đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đang phấn đấu để thực hiện và thực hiện vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1971, thực hiện một cách vững chắc và có chất lượng cao Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện đi đôi với thâm canh, chuyên canh, trên cơ sở phân vùng, đi dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; khôi phục và phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; khôi phục và phát triển những ngành công nghiệp nặng chủ chốt, trước mắt nhằm phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng; khôi phục và phát triển giao thông vận tải phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sản xuất, xây dựng và đời sống.

Điều quyết định thắng lợi của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế nói trên là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, tăng cường năng lực quản lý kinh tế của Nhà nước, động viên phong trào quần chúng chiến đấu, sản xuất và tiết kiệm. Về quản lý, yêu cầu trước mắt là ổn định và cải tiến một bước công tác quản lý, làm cho hoạt động của nền kinh tế quốc dân đi dần vào nền nếp, phát triển đều đặn và nhịp nhàng. Để đạt mục tiêu ấy, phải tăng cường sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, và, trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các ngành, các địa phương cho tới cơ sở làm chủ tốt, quản lý tốt công việc của mình.

Ở tất cả các ngành, các cấp, cho đến cơ sở, nội dung của việc ổn định và cải tiến một bước công tác quản lý kinh tế là: cải tiến kế hoạch hóa, xem kế hoạch là công cụ quản lý chủ yếu; thực hiện hạch toán kinh tế, vận dụng đúng mức các đòn bẩy kinh tế; phát huy tác dụng của kỹ thuật và khoa học; kết hợp chặt chẽ giáo dục tư tưởng, pháp chế xã hội chủ nghĩa và khuyến khích vật chất. Tất cả những biện pháp trên đây liên quan mật thiết với nhau và hỗ trợ lẫn nhau, nhằm đưa đến một kết quả: mọi người hăng hái làm việc, mọi người lao động sản xuất, với ý thức kỷ luật chặt chẽ, với chức trách rõ ràng, nhằm tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao vật chất, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trước một cách rõ rệt. Chúng ta quyết đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho bước phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn trong những năm sau theo những phương hướng lớn mà đồng chí Lê Duẩn đã vạch ra trong bài văn "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới" nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải hướng theo đó mà tiến bước với đầy đủ nghị lực, nhiệt tình và phấn khởi!

Ra sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tăng cường sức mạnh và tiềm lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mọi mặt, từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân miền Bắc chính là để miền Bắc làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng, nơi mà từ hơn một phần tư thế kỷ nay, đồng bào và chiến sĩ ta đã không ngừng chiến đấu với tinh thần anh dũng vô song, quyết đánh bại kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh", giành thắng lợi hoàn toàn. Mọi người chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn nữa, đóng góp phần cống hiến cao quý nhất của mình, làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với miền Nam "Thành đồng của Tổ quốc", đối với miền Nam ruột thịt, một nửa người của mọi người chúng ta, miền Nam anh dũng và kiên cường, miền Nam chiến đấu, miền Nam chiến thắng ! Đồng thời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải không ngừng lớn mạnh để làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhân dân hai nước láng giềng anh em: đó là nghĩa vụ quốc tế trong sáng, một lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân, theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân Việt Nam ta và nhân dân ba nước Đông Dương! 


 

1. Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.