BÁO CÁO SỐ 607-QP NGÀY 06-12-1974 CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH XUẤT NGŨ
(Trình bày tại phiên họp ngày 20-01-1975 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội)
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội, động viên tiền tuyến, cổ vũ người đi chiến đấu và tăng cường đoàn kết, củng cố hậu phương, Đảng và Chính phủ đã ban hành những chính sách, chế độ đãi ngộ về tinh thần và vật chất đối với thương binh, bệnh binh.
Tinh thần nội dung các chính sách đó là:
"Phục hồi nhanh chóng sức khỏe và khả năng lao động của anh chị em, đào tạo bồi dưỡng anh chị em thành những người có chuyên môn kỹ thuật, sắp xếp công việc làm thích hợp với sức khỏe giúp anh chị em giải quyết tốt những vấn đề thuộc về gia đình riêng và nhanh chóng thích nghi với mọi hoạt động trong xã hội.
Phương châm giải quyết là vừa để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Đảng và Nhà nước, vừa phải dựa vào nhân dân, động viên nhân dân hết lòng chăm sóc thương binh, bệnh binh, đồng thời phải động viên anh chị em thương binh, bệnh binh nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh để xây dựng đời sống của mình và tiếp tục phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Phương hướng và biện pháp giải quyết đối với thương binh, bệnh binh còn khả năng lao động là sắp xếp để anh chị em tham gia sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, hoặc tùy theo yêu cầu phát triển kinh tế văn hóa mà sắp xếp anh chị em vào làm việc trong các cơ quan xí nghiệp của Nhà nước, nhất thiết không để một thương binh, bệnh binh nào không có việc làm.
Mỗi cơ quan xí nghiệp phải thu nhận thương binh, bệnh binh theo tỷ lệ 5% biên chế của mình. Bộ Nội vụ, Bộ Lao động nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ duyệt danh sách những công việc sẽ dành hẳn cho thương binh, bệnh binh làm.
Các trường bổ túc văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn của các ngành, các địa phương phải dành mỗi khóa một số chỗ để nhận thương binh, bệnh binh vào học. Để bảo đảm cho thương binh, bệnh binh vào học có kết quả, các trường cần tổ chức phụ đạo thêm, nhất là những năm đầu và những khi anh chị em phải nghỉ học một thời gian vì vết thương, bệnh cũ tái phát và phải bảo đảm thuốc men cho anh chị em.
Các ngành ở Trung ương, Uỷ ban Hành chính tỉnh, thành phố phải đầu tư cán bộ, tài chính vào việc bồi dưỡng thêm văn hóa, chuyên môn kỹ thuật cho thương binh, bệnh binh trước khi đưa anh chị em về sản xuất, công tác.
Hàng năm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ lập kế hoạch phân phối thương binh, bệnh binh cho các nhu cầu của các ngành ở Trung ương - địa phương”.
(Trích Thông tư 51-TTg ngày 17-5-1965, Quyết định 243-TTg ngày 03-9-1971, Nghị quyết 196-CP ngày 16-10-1972 của Hội đồng Chính phủ).
Các chính sách chế độ đó đã được các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội cũng như nhân dân các địa phương tích cực thực hiện nên đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, sắp xếp công việc cho anh chị em, góp phần tích cực vào việc động viên tiền tuyến, cổ vũ chiến đấu, đoàn kết, xây dựng hậu phương.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm.
Dưới đây, Bộ Quốc phòng xin báo cáo những việc đã làm được, những vấn đề còn tồn tại và những yêu cầu cần tiếp tục giải quyết trong việc chấp hành chính sách đối với thương binh, bệnh binh.
I- NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM ĐƯỢC
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 đến tháng 6 năm 1974, miền Bắc đã tiếp nhận một số lượng lớn thương binh, bệnh binh từ các chiến trường đưa về. Trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, quyết liệt cũng như trong hoàn cảnh đời sống nhân dân ta còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh gặp nhiều thiếu thốn về các mặt như lương thực, thực phẩm, nhà ở, giường chiếu, thuốc men, v.v.. nhưng nhờ được sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, quân đội đã khắc phục được nhiều khó khăn, tổ chức được một hệ thống các trạm chuyển thương từ chiến trường về hậu phương, hệ thống các đoàn an dưỡng, điều dưỡng, đội điều trị, viện quân y, bảo đảm việc vận chuyển thương binh, bệnh binh nhanh chóng về phía sau, cấp cứu kịp thời và điều trị nuôi dưỡng anh chị em ngày càng tốt hơn.
Đi đôi với việc điều trị, nuôi dưỡng, thương binh, bệnh binh quân đội đã tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong anh chị em nhằm giữ vững và phát huy ý chí chiến đấu, tinh thần tấn công cách mạng của thương binh, bệnh binh.
Nhờ đó, đã động viên được một lực lượng lớn thương binh, bệnh binh mà sức khỏe đã hồi phục và còn khả năng chiến đấu kịp thời bổ sung trở lại các đơn vị chiến đấu. (Trong những năm qua, đã bổ sung trở lại cho các đơn vị quân đội được 38% trong tổng số thương binh, bệnh binh).
Đối với những anh chị em không còn đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ trong quân đội, đã tổ chức cho anh chị em học tập một chương trình chính trị riêng, nhằm làm cho anh chị em nhận rõ bản chất, truyền thống quân đội, tình hình nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội, của địa phương, nhiệm vụ của bản thân trong hoàn cảnh mới, động viên mọi người sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công. Đến nay, đã chuyển ra ngoài quân đội được 55,5% tổng số thương binh, bệnh binh, theo các hướng:
- Phục viên 64,4% tổng số thương binh, bệnh binh xuất ngũ trong đó có 48,6% về nông thôn, 15,8% về nơi công tác cũ.
- Chuyển ngành: 8,5% tổng số thương binh, bệnh binh xuất ngũ.
- Chuyển sang thương binh xã hội 20,7% tổng số thương binh, bệnh binh xuất ngũ.
- Về hưu trí, mất sức 6,4% tổng số thương binh, bệnh binh xuất ngũ.
Các địa phương đã đón tiếp anh chị em trở về và tùy theo sức khỏe, khả năng mà đưa vào công tác, hoặc lao động sản xuất. Được sự giúp đỡ của địa phương, nhiều thương binh, bệnh binh đã phát huy được bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội, gương mẫu trong sản xuất và chấp hành chính sách, trở thành những lực lượng nòng cốt của địa phương.
Đến nay, theo thống kê của 4 tỉnh Hà Bắc, Thái Bình, Hải Hưng, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng thuộc Quân khu Tả Ngạn thì trong thương binh, bệnh binh phục viên có 35,4% là đảng viên, 37,49% là đoàn viên, 89% tích cực tham gia sản xuất, công tác, trong đó có khoảng 8% là cán bộ chủ chốt của địa phương (Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên, Uỷ viên Uỷ ban hành chính xã…).
Việc chuyển thương binh, bệnh binh về cơ quan xí nghiệp cũ trước đây có nhiều khó khăn, nhưng hai năm gần đây có tiến bộ hơn. Nói chung các cơ quan, xí nghiệp đều tiếp nhận số công nhân, cán bộ của mình đi bộ đội bị thương, bị bệnh trở về và còn đủ sức khỏe để công tác, lao động sản xuất.
Số lượng thương binh, bệnh binh chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan, xí nghiệp nhà nước không nhiều 8,5%. Nhưng hầu hết đều cố gắng học tập, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ, có trách nhiệm trong việc xây dựng cơ quan, xí nghiệp. Nhiều đồng chí đã phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, nâng cao năng suất công tác, như ở các cơ quan Trung ương có 1.443 thương binh, bệnh binh đi học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, bằng khoảng 34% tổng số thương binh, bệnh binh công tác ở các cơ quan Trung ương, trong đó có 863 anh chị em đã tốt nghiệp và 580 đang học.
Trong số thương binh, bệnh binh vào học ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, nhờ sự giúp đỡ của nhà trường, đa số cần cù, chăm chỉ học tập; nhiều anh chị em ngoài nhiệm vụ học tập còn làm tốt các công tác chung của lớp, trường, được sinh viên tín nhiệm, như ở 3 trường: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế kế hoạch, Đại học Nông nghiệp I có 554 sinh viên là thương binh, bệnh binh, bằng 8,09% so với tổng số sinh viên của 3 trường thì có 119 đồng chí, bằng 21,48% học khá, giỏi; 390 đồng chí, bằng 70,88% học trung bình; 42 đồng chí, bằng 7,58% học yếu; có 23% tham gia công tác chung ở trường, lớp (bí thư chi bộ, bí thư chi đoàn, trưởng lớp…).
Đối với thương binh, bệnh binh có vết thương, bệnh tật đặc biệt, không thể công tác ở cơ quan, xí nghiệp nhà nước mà cũng không lao động được ở các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp thì Bộ Nội vụ và Uỷ ban hành chính một số địa phương đã cố gắng tổ chức được một số cơ sở sản xuất riêng cho anh chị em, đến nay đã có 7 cơ sở thuộc khu vực quốc doanh và 50 cơ sở thuộc khu kinh tế tập thể do các tỉnh, huyện tổ chức, thu nhận được 3.526 thương binh, bệnh binh. Một số cơ sở đã có thu nhập khá như:
- Cơ sở sản xuất que hàn điện Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) có 63 thương binh, bệnh binh, với vốn lưu động 1 triệu rưỡi đồng, bảo đảm lương tối thiểu cho một thương binh, bệnh binh bằng 42 đồng/tháng.
Cơ sở sản xuất đồ thủy tinh (huyện Nam Ninh, Nam Hà) có 16 thương binh, bệnh binh, năm 1973 đã thu được 27.828 đồng. Thu nhập bình quân mỗi thương binh, bệnh binh bằng 50 đồng/tháng.
- Cơ sở sản xuất sứ cách điện Thanh Trì (Hà Nội), sau chiến tranh phá hoại, đã nhanh chóng xây dựng lại toàn bộ nhà cửa, phục hồi sản xuất - đưa năng suất cao hơn trước. Xí nghiệp này đã được khen thưởng Huân chương Lao động hạng 3, thu nhập bình quân mỗi thương binh, bệnh binh bằng 50 đồng/tháng.
Thương binh, bệnh binh nặng (không còn khả năng lao động hoặc còn ít khả năng lao động, phải nuôi dưỡng lâu dài) hiện có 3.578 gồm 1.578 ở các cơ sở thuộc Bộ Nội vụ; và 2.000 quân đội đang nuôi dưỡng để chuẩn bị về tư tưởng và những điều kiện cần thiết khác để chuyển anh em, chị em ra. Một số thương binh, bệnh binh nặng ở các trại của Bộ Nội vụ đã được học nghề, tham gia lao động sản xuất vừa để chữa bệnh, vừa để cải thiện đời sống; một số anh chị em đã được giúp đỡ xây dựng gia đình, v.v..
Tóm lại, đối với thương binh, bệnh binh không còn đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ quân đội phải chuyển ra ngoài, trong thời gian qua tuy có nhiều khó khăn, nhưng các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc sắp xếp việc làm, giúp đỡ khi ốm đau nên nói chung, đời sống nhiều anh chị em dần dần được ổn định; anh chị em đã tích cực tham gia sản xuất, công tác, nhiều người trở thành cốt cán trong các phong trào ở địa phương.
II- NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI
Tuy vậy, trong công tác đối với thương binh, bệnh binh chuyển ra ngoài quân đội hiện nay còn nhiều việc phải giải quyết, tập trung vào hai vấn đề lớn là sức khỏe và việc làm:
1. Về sức khỏe:
a) Thương binh trong kháng chiến chống Pháp nói chung đã có cơ sở sinh hoạt ổn định. Nhưng số đông do tuổi đã cao, sức yếu và có một số đời sống khó khăn nên vết thương, bệnh cũ thường hay tái phát.
b) Thương binh trong kháng chiến chống Mỹ số lượng đông, vết thương, bệnh tật có những đặc điểm khác trước do:
- Chiến đấu ác liệt, nhiều loại vũ khí mới rất dã man của địch như bom bi, bon lân tinh, chất độc hóa học, nhất là các loại bom lớn có sức ép và chấn động mạnh gây nên những vết thương phức tạp, khó chữa; nhiều trường hợp bên ngoài xem như nhẹ nhưng thực chất bên trong thì nặng nhiều người bị các bệnh tâm thần.
- Chiến tranh kéo dài, bộ đội phải chiến đấu, sinh hoạt trong những điều kiện rất căng thẳng, thiếu thốn nên cán bộ, chiến sĩ mắc nhiều bệnh khó chữa như: viêm gan, khớp, tê phù và các bệnh kinh niên mãn tính khác về đường tiêu hóa, đường hô hấp v.v..
Quân đội đã cố gắng chạy chữa nhưng những trường hợp nặng, phức tạp thì chỉ mới có thể điều trị ở mức độ ổn định; di chứng của nó còn lâu dài, trong điều kiện sinh hoạt khó khăn thì dễ tái phát. Tỷ lệ tái phát đối với anh chị em phục viên khoảng 14%, trong đó khoảng 25% là thương binh, 75% là bệnh binh. Trong 34.000 thương binh, bệnh binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ phục viên về ba tỉnh Thanh Hóa, Nam Hà, Thái Bình có khoảng 5.000 thương binh, bệnh binh có vết thương, bệnh cũ tái phát, trong đó có khoảng 1-3 là thương binh, 2-3 là bệnh binh và khoảng 150 đồng chí thỉnh thoảng lên cơn thần kinh.
Theo quy định của Nhà nước, anh chị em được khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở y tế địa phương, nhưng hiện nay các cơ sở này không đủ giường bệnh, ngân sách, nên không giải quyết được bao nhiêu, do đó anh chị em và gia đình có nhiều khó khăn.
c) Việc giải quyết nhà ở cho thương binh, bệnh binh ở các cơ sở điều trị, an dưỡng tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn. Hiện nay phần lớn thương binh, bệnh binh còn phải ở nhà dân. Thương binh, bệnh binh nặng cũng chưa đủ chỗ ở. Thời gian ở nhà dân kéo dài gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt của nhân dân và công…….* khó khăn. Nguyên nhân chính là do số lượng thương binh, bệnh binh quá lớn mà việc sắp xếp công việc cho anh chị em sau khi sức khỏe đã hồi phục làm còn chậm, nên số thương binh, bệnh binh ở các đoàn an dưỡng bị dồn lại, có lúc tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với lưu lượng quy định.
d) Các hình thức, các tổ chức để hồi phục khả năng lao động cho thương binh, bệnh binh còn đơn giản, thiếu thốn, xí nghiệp chỉnh hình chưa có; xí nghiệp làm chân tay giả chỉ mới đáp ứng được 1-3 yêu cầu của thương binh nhưng làm còn rất chậm và chất lượng còn thấp. Một số phương tiện sinh hoạt cần thiết hàng ngày cho thương binh, bệnh binh như: xe đẩy cho người cụt hoặc liệt hai chân, máy nghe cho người điếc, v.v., cũng chưa đủ (hiện có 777 thương binh cụt và liệt nhưng mới có 179 người được cấp xe đẩy, có 2.200 thương binh điếc nhưng mới cấp được 230 máy nghe); bệnh viện điều dưỡng anh chị em bị tâm thần chưa có đủ nên còn nhiều trường hợp phải để ở lẫn với thương binh, bệnh binh khác hoặc để ở gia đình.
2. Về việc làm: giải quyết việc làm đối với thương binh, bệnh binh là một vấn đề rất căn bản để tạo điều kiện cho anh chị em có đời sống ổn định lâu dài.
Muốn vậy, phải ra sức đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, sắp xếp việc làm phù hợp với sức khỏe của anh chị em. Hiện nay, nhu cầu lao động ở các ngành rất lớn, nhưng đòi hỏi sức khỏe và trình độ chuyên môn, kỹ thuật; trong khi đó thương binh, bệnh binh không có đủ sức khỏe bảo đảm công việc, không có nghề nghiệp, hoặc có nghề nhưng do đi bộ đội lâu ngày nên không còn thành thạo nữa. Để giúp cho thương binh, bệnh binh khắc phục nhược điểm này, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ đã có những chỉ thị, quyết định về việc đào tạo nghề nghiệp, sắp xếp việc làm cho những anh chị em còn khả năng lao động nhưng trong việc thực hiện cụ thể thì còn nhiều khó khăn;
a) Số thương binh, bệnh binh đưa vào khu vực nhà nước nói chung chưa đạt tỷ lệ 5% biên chế theo thông tư của Hội đồng Chính phủ, nhiều nơi chỉ đạt 2% hoặc 3%. Trong hai năm 1973-1974, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có quy định chỉ tiêu phân phối thương binh, bệnh binh cho các Bộ, các ngành nhưng quy định đó không được thực hiện. Theo kế hoạch chung của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã hiệp đồng với một số Bộ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cho thương binh, bệnh binh. Các lớp này do quân đội tổ chức, quản lý, đài thọ các khoản chi phí và tuyển chọn thương binh, bệnh binh có đủ điều kiện khả năng về học; Bộ chủ quản bên ngoài cử người đến dạy, khi thương binh, bệnh binh thành nghề sẽ sắp xếp, sử dụng. Nhưng đến nay, có lớp đã đào tạo xong mà có Bộ vẫn chưa tiếp nhận số thương binh, bệnh binh đã được đào tạo đó.
Một số thương binh, bệnh binh nguyên là cán bộ, công nhân viên nhà nước đi bộ đội nay trở về cơ sở cũ, tuy đã được tiếp nhận lại, nhưng chưa được sắp xếp công tác vì việc cũ đã có người khác làm, việc mới, anh em chưa biết, hoặc do sức yếu không tiếp tục đảm đương được, hoặc vì trình độ chuyên môn, kỹ thuật không còn thành thạo do đi bộ đội lâu ngày nhưng việc bồi dưỡng để nâng tay nghề cho anh chị em chưa tổ chức được (như ở nhà máy sứ Hải Dương, từ năm 1970 đến 1974 tiếp nhận về 32 thương binh, bệnh binh nguyên là cán bộ, công nhân cũ của xí nghiệp, mới sắp xếp được 26, còn 6 đồng chí chưa sắp xếp).
Những công việc ở khu vực hành chính hợp với sức khỏe, thương tật của thương binh, bệnh binh ít, những ngành nghề dành riêng để sắp xếp cho thương binh, bệnh binh theo như Nghị định của Hội đồng Chính phủ chưa được quy định cụ thể. Do đó, việc sắp xếp việc làm cũng có khó khăn.
b) Thương binh, bệnh binh chuyển về khu vực kinh tế tập thể đông, nên việc sắp xếp việc làm cho anh chị em cũng có khó khăn vì những việc làm phù hợp với sức khỏe thương binh, bệnh binh hiện nay không nhiều, ngành nghề phụ ở hợp tác xã chưa phát triển, lực lượng lao động của xã viên ở nhiều nơi cũng chưa sử dụng hết.
Ví dụ ở ba tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Hà, mới có khoảng 60% thương binh, bệnh binh phục viên tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, hoặc làm các công tác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, còn khoảng 40%, do sức yếu, không lao động sản xuất thường xuyên như xã viên khác được mà công việc nhẹ hơn thì không còn, nên chưa có việc làm ổn định. Về đời sống, khoảng 30% có mức sống dưới mức trung bình của xã viên địa phương, trong đó khoảng 6% có khó khăn.
Thương binh, bệnh binh về thành phố, thị xã nói chung đời sống có khó khăn hơn, nhất là đối với những người chưa có nghề nghiệp như ở thành phố Hà Nội, Hải Phòng có khoảng 35% thương binh, bệnh binh đời sống khó khăn, trong đó có hơn một nửa là quá khó khăn, thu nhập bình quân dưới 10 đồng/tháng, cơ quan thương binh, xã hội phải trợ cấp thường xuyên.
c) Thương binh, bệnh binh có vết thương đặc biệt hoặc bệnh đặc biệt, nếu chuyển ngành, phục viên thì không thể làm công tác hoặc lao động để tự nuôi sống được. Cần có tổ chức dạy nghề, tổ chức các cơ sở sản xuất riêng thích hợp với khả năng lao động của anh chị em. Nhưng do có nhiều khó khăn về ngành nghề, nguyên liệu, ngân sách, vật tư, trang bị, nhà cửa, mặt hàng sản xuất, v.v., nên hiện nay có gần 10.000 anh chị em sức khỏe đã hồi phục lâu ngày nhưng chưa có công việc làm (trong quân đội còn 2.000, ngành Thương binh xã hội hiện có khoảng 8.000).
d) Thương binh, bệnh binh có cơ sở sinh hoạt ở miền Nam: hiện có 7.828 (trong quân đội có 3.700, ở các cơ sở thuộc Bộ Nội vụ có 4.128), trong đó có 1.100 nữ. Đa số còn chờ đợi hoặc chỉ học văn hóa ở các trạm, trường, chưa có phương hướng và ngành nghề để đào tạo hoặc sắp xếp công việc. Ngoài ra còn có trên 300 thương binh, bệnh binh người dân tộc quê miền Nam đã chờ gần 2 năm nhưng chưa được Ban Dân tộc Trung ương tiếp nhận để đào tạo theo Thông tư 51-TTg của Hội đồng Chính phủ.
e) Thương binh, bệnh binh nặng hiện có 3.571 (trong quân đội có 2.000, ở các trại Bộ Nội vụ có 1.571): chỗ ăn, ở còn nhiều khó khăn; phương tiện sinh hoạt còn thiếu thốn. Đối với số anh chị em này, nhiệm vụ chủ yếu là điều dưỡng nhưng do chưa tổ chức được các hình thức vui chơi, giải trí, học tập, lao động phù hợp với sức khỏe, thương tật của anh chị em nên đời sống tinh thần, vật chất của anh chị em chưa được cải thiện nhiều.
3. Về quản lý giáo dục thương binh, bệnh binh
Số lượng thương binh, bệnh binh ở tiền tuyến và hậu phương đều đông (kể cả số đang điều trị, nuôi dưỡng, chờ đợi sắp xếp công tác ở trong quân đội, trong các cơ sở thuộc ngành Thương binh - Xã hội và thương binh, bệnh binh đã đưa về địa phương), vết thương, bệnh tật rất phức tạp. Phải tổ chức việc điều trị, nuôi dưỡng và thực hiện nhiều chế độ, tiêu chuẩn khác nhau nhưng điều kiện vật chất như nhà ở, thuốc men, trang bị, phương tiện, v.v., thiếu thốn. Thương binh, bệnh binh từ các chiến trường về gồm nhiều thành phần: quê ở miền Nam, ở miền Bắc, nam, nữ, dân tộc, chất lượng nói chung là tốt nhưng cũng không đều nhau. Một số ít, khi động viên vào quân đội không được chọn lọc kỹ; lại chưa được giáo dục cải tạo nhiều đã đi chiến đấu bị thương, bị bệnh trở về. Cũng có một số anh em bị ảnh hưởng chiến tranh tâm lý và văn hóa lạc hậu của địch, có những lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng và trong sinh hoạt, v.v..
Trong khi đó, việc tổ chức, quản lý, giáo dục thương binh, bệnh binh còn có chỗ chưa chặt chẽ nên một số thương binh, bệnh binh vì không được bồi dưỡng giáo dục tốt hoặc vì vết thương, bệnh tật gây ra có những thay đổi bất thường về tâm lý, sinh lý; cũng có trường hợp vì khó khăn trong đời sống hoặc có mất mát về hạnh phúc gia đình trong thời gian đi chiến đấu xa, cũng có trường hợp vì bất bình với cách giải quyết thiếu hợp tình, hợp lý một số vấn đề về chính sách của một số cơ quan có trách nhiệm. Vì vậy, một số người có những hành động thiếu kỷ luật; một số ít bị những phần tử xấu lợi dụng, kích động, gây ra những sự việc sai trái, có việc nghiêm trọng.
Tóm lại, trong thời gian qua, các chính sách đối với thương binh, bệnh binh đã được các cấp, các ngành chú ý thực hiện tốt. Tuy vậy, vẫn còn nhiều thiếu sót phải khắc phục, còn nhiều vấn đề lớn phải được nghiên cứu giải quyết tốt trong thời gian tới.
Sở dĩ có tình hình trên là do:
- Điều kiện vật chất để thực hiện chính sách quá khó khăn: nhà ở, giường nằm thiếu; nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày như thuốc hút, xà phòng, v.v., không được cung cấp đủ; các tiêu chuẩn, chế độ về sinh hoạt tuy có quy định nhưng thực tế không được bảo đảm. Cán bộ chuyên môn, phương tiện phục vụ cho việc chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe, v.v., trong các cơ sở của ngành Thương binh - Xã hội còn thiếu thốn. Thương binh, bệnh binh phục viên có vết thương, bệnh cũ tái phát ở nhiều nơi không có thuốc chữa, không có chỗ nằm điều trị.
- Nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác thương binh, bệnh binh còn nhiều chỗ chưa sâu, chưa đầy đủ. Cụ thể là: chưa thấy rõ tính chất lâu dài, phức tạp của công tác thương binh, bệnh binh, nhất là sau một cuộc chiến tranh lâu dài, quyết liệt và trong tình hình đất nước còn tạm chia làm hai miền, miền Bắc có hòa bình, miền Nam đang có chiến tranh, miền Bắc vừa xây dựng, vừa phải giải quyết hậu quả chiến tranh, vừa tiếp tục động viên người ra tiền tuyến. Việc giải quyết hậu quả của những năm chiến tranh trước đây phải hết sức tích cực, khẩn trương mới sớm ổn định được tình hình đồng thời lại phải kiên trì, làm trong nhiều năm mới có kết quả. Mặt khác, ở các cấp, các ngành cũng chưa thấy rõ, thấy hết nội dung những công việc lớn và rất cấp thiết phải tập trung làm để giải quyết một cách cơ bản vấn đề thương binh, bệnh binh như: việc nghiên cứu tâm lý, sinh lý thương binh, bệnh binh, nghiên cứu các biện pháp để khôi phục một cách có hiệu quả sức lao động cho thương binh, bệnh binh, phương hướng, nội dung, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật, nghiệp vụ và sắp xếp việc làm cho thương binh, bệnh binh.
- Về chính sách, có những điểm chưa thật phù hợp cần được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi như việc chia hạng thương binh, mức phụ cấp thương tật của thương binh đang công tác và thương binh phục viên, chính sách đối với bệnh binh, v.v., trong nội dung chính sách, chế độ, quy định đã có, cũng còn có chỗ chưa thể hiện được tính chất công bằng hợp lý; do đó, hiện nay có tình hình là cùng lứa tuổi, cùng trình độ văn hóa, người không làm nghĩa vụ quân sự thì có sức khỏe, được đi học, có ngành nghề, có công việc làm – người đi bộ đội bị thương, bị bệnh trở về sức yếu, không có nghề nghiệp, đời sống khó khăn. Cho nên, trong thương binh, bệnh binh, có những thắc mắc chưa được giải quyết.
- Trách nhiệm ở một số nơi trong việc tổ chức thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh cũng còn có chỗ chưa đầy đủ, như không tìm hết biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách, chế độ theo đúng quy định đã có.
Để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, chấp hành tốt chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thể hiện đầy đủ hơn nữa sự tận tình chăm sóc của Đảng và Nhà nước đối với anh chị em, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đã phối hợp với nhau để chấn chỉnh những thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện và cùng với các ngành có liên quan, các địa phương nghiên cứu tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định đã có của Hội đồng Chính phủ, đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm những chính sách, quy định cụ thể cho việc đào tạo nghề nghiệp và chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh. Trước mắt, cần nghiên cứu cách giải quyết những vấn đề như sau:
1. Tăng thêm điều kiện vật chất và lực lượng chuyên môn, kỹ thuật phục vụ cho việc chữa bệnh của thương binh, bệnh binh
- Cố gắng bảo đảm cho thương binh, bệnh binh đang an dưỡng, điều trị có đủ nhà ở.
- Bổ sung thêm bác sĩ, y sĩ, nhân viên phục vụ và những trang bị cần thiết ở các trại nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh.
- Tăng thêm tiền thuốc ở xã, huyện để chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh phục viên có vết thương, bệnh cũ tái phát.
- Có cơ sở chỉnh hình tối thiểu để phục vụ cho thương binh, bệnh binh, đồng thời mở thêm và củng cố xí nghiệp làm các phương tiện giả có chất lượng để cung cấp kịp cho nhu cầu của thương binh, bệnh binh.
- Cấp đủ xe đẩy cho thương binh, bệnh binh cụt hai chân hoặc bại liệt, máy nghe cho thương binh, bệnh binh điếc nhằm giảm bớt khó khăn cho anh, chị em trong sinh hoạt hàng ngày.
2. Nhanh chóng phân phối, sắp xếp cho thương binh, bệnh binh có công việc làm thích hợp
Để thực hiện Nghị quyết 196-CP của Hội đồng Chính phủ: "đối với thương binh, bệnh binh còn khả năng lao động, nhất thiết không để một anh chị em nào không có việc làm", cần:
- Nghiên cứu những chính sách cụ thể bảo đảm cho việc tổ chức các cơ sở sản xuất cho thương binh, bệnh binh, bao gồm các vấn đề về cấp vốn, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, tiêu thụ sản phẩm và các chính sách ưu tiên khác làm cho các cơ sở này có thể hoạt động được.
- Tổ chức rộng rãi ở các địa phương các trường dạy nghề để tạo nghề nghiệp cho thương binh, bệnh binh xuất ngũ về các địa phương.
- Quy định rõ và sớm danh mục những ngành nghề dành riêng cho thương binh, bệnh binh và có tổ chức, có chính sách cụ thể bồi dưỡng cho thương binh, bệnh binh có thể làm được những nghề đã quy định.
Để thực hiện được những vấn đề trên, về tổ chức thực hiện,
đề nghị:
1. Có ngân sách riêng, kể cả ngoại tệ, đủ để mở trường dạy nghề và tổ chức thêm các cơ sở sản xuất cho thương binh, bệnh binh, giúp đỡ cho thương binh, bệnh binh lao động sản xuất trong thời gian dài, và để đặt mua (kể cả mua ở nước ngoài như máy điếc, xe đẩy…) các phương tiện phục vụ cho yêu cầu sinh hoạt của thương binh, bệnh binh nặng.
2. Sớm tổ chức cơ quan chuyên môn để nghiên cứu tâm lý, sinh lý thương binh, bệnh binh, chỉ đạo việc giám định và việc khôi phục sức khỏe và khả năng lao động của thương binh, bệnh binh.
3. Ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, cần có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, đầy đủ cho một hoặc một số cơ quan làm nhiệm vụ nghiên cứu chỉ đạo và giải quyết có hiệu quả việc làm cho thương binh, bệnh binh và quân nhân xuất ngũ.
4. Nghiên cứu ban hành một số chế độ chính sách cho phù hợp với tình hình mới như: chính sách đối với bệnh binh, chính sách đối với thương binh, bệnh binh đi lao động sản xuất, v.v.; những chế độ quy định khuyến khích và những chế độ quy định bắt buộc mọi cấp, mọi ngành, mọi người theo chức năng của mình, tổ chức thực hiện chu đáo chính sách đối với thương binh, bệnh binh. Kiểm tra, biểu dương khen thưởng những nơi, những người làm tốt, phê bình và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm chính sách đối với thương binh, bệnh binh.
5. Kiện toàn bộ máy chuyên trách công tác thương binh, bệnh binh. Tăng cường những cán bộ tốt, có năng lực để lãnh đạo, chỉ huy, đồng thời có đủ cán bộ chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ để chỉ đạo và hướng dẫn giải quyết những vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật - nghiệp vụ.
Nghiên cứu một hình thức tổ chức thích hợp để phục vụ yêu cầu quản lý giáo dục và phát huy mặt tích cực của thương binh, bệnh binh và quân nhân xuất ngũ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Thứ trưởng
Trung tướng TRẦN QUÝ HAI