THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI
VỀ VẤN ĐỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH XUẤT NGŨ
(Do ông Trần Duy Hưng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội
của Quốc hội trình bày tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20-01-1975)
Thưa đồng chí Chủ tịch,
Thưa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,
Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã nghiên cứu và thảo luận Báo cáo ngày 06-12-1974 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh xuất ngũ.
Sau đây, Uỷ ban chúng tôi xin trình bày ý kiến về báo cáo đó:
Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhất trí với nội dung của báo cáo và nhất trí nhận định vấn đề thương binh, bệnh binh xuất ngũ là một vấn đề lớn có tính chất toàn dân, toàn diện và lâu dài.
Vấn đề thương binh, bệnh binh xuất ngũ có tính chất toàn dân vì thương binh, bệnh binh thuộc mọi lực lượng vũ trang nhân dân là con em của nhân dân. Việc giải quyết nó có quan hệ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến đời sống, tâm tư, tình cảm của hàng triệu người, hàng chục vạn gia đình, của mọi thành viên trong xã hội. Là căn cứ địa cách mạng của cả nước, miền Bắc có nghĩa vụ góp phần tích cực cùng miền Nam giải quyết kịp thời, chu đáo vấn đề thương binh, bệnh binh của tiền tuyến lớn.
Giải quyết tốt vấn đề thương binh, bệnh binh xuất ngũ là giải quyết một phần quan trọng của vấn đề hậu phương quân đội, làm cho nhân dân ta nói chung, bộ đội và thương binh, bệnh binh nói riêng, phấn khởi thi đua sản xuất, công tác và chiến đấu, góp phần thúc đẩy việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta hiện nay.
Vấn đề thương binh, bệnh binh xuất ngũ là một vấn đề toàn diện, vì muốn giải quyết tốt, chúng ta phải đề cập nhiều vấn đề khác về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội. Chúng ta có trách nhiệm làm cho anh chị em không những "yên ổn về vật chất" mà còn "vui vẻ về tinh thần", từ lúc anh chị em được cấp cứu ở chiến trường, điều trị ở bệnh viện cho đến khi về hậu phương sản xuất, công tác, hay về an dưỡng ở trại thương binh hay ở gia đình. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh không chỉ cốt cứu chữa vết thương hay bệnh tật mà còn nhằm phục hồi cơ năng, khả năng lao động; anh chị em không những cần được nuôi dưỡng, trợ cấp, mà còn phải được giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, đạo đức, văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật. Đồng thời với việc sắp xếp việc làm cho thương binh, bệnh binh, chúng ta đặc biệt coi trọng việc chăm sóc đời sống tinh thần và tình cảm, trong đó có việc gây dựng hạnh phúc riêng cho anh chị em. Vì đây là những con người, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, còn có những tâm tư, những yêu cầu về tình cảm không có vật chất nào bù đắp được.
Vấn đề thương binh, bệnh binh xuất ngũ còn là một vấn đề lâu dài. Quy mô to lớn, tính chất trường kỳ và quyết liệt của hai cuộc kháng chiến, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ cách mạng miền Nam hiện nay, làm cho vấn đề thương binh, bệnh binh (đó là chưa nói đến liệt sĩ) vừa lớn, vừa hết sức phức tạp không thể đòi hỏi giản đơn giải quyết dứt điểm và hoàn chỉnh trong một thời gian ngắn. Hàng vạn thương binh, bệnh binh hiện nay còn đang cần được săn sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Trong số thương binh, bệnh binh của cuộc chiến tranh đang tiếp diễn, rất nhiều anh chị em chỉ mới ở tuổi 18, đôi mươi. Họ có cả một cuộc đời, cả một tương lai ký thác vào sự lo toan, chăm sóc của Nhà nước và xã hội. Do đó, chúng ta cần thấy trước nhiệm vụ chăm lo, săn sóc, giải quyết những vấn đề trước mắt và các vấn đề tiếp theo sau này là một nhiệm vụ lâu dài.
*
* *
Đứng trước một công tác to lớn, phức tạp và lâu dài như vậy, nhận định rõ quy mô và tính chất của vấn đề, Đảng và Nhà nước ta, ngay trong lúc kháng chiến cũng như sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, đã lần lượt ban hành một loạt chính sách, chế độ có liên quan đến vấn đề hậu phương quân đội, trong đó có chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh xuất ngũ, với những phương châm, biện pháp thực hiện ngày càng được thực tế chứng minh là chu đáo và đúng đắn. Các chính sách và chế độ ấy lại không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ của các giai đoạn cách mạng, điều kiện và khả năng của đất nước.
Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trước nay vẫn dành cho vấn đề thương binh, bệnh binh sự quan tâm đặc biệt. Hồ Chủ tịch nói: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy".
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, đi đôi với sự cố gắng của Đảng và Nhà nước, nhân dân cả nước ta đã và đang nỗ lực đóng góp công, của - và có khi cả xương máu - để chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ thương binh, bệnh binh. Nhiều phong trào quần chúng được phát động: phong trào "đền ơn trả nghĩa", phong trào "làm nhà cho thương binh, bệnh binh", phong trào "tháng thăm một lần, tuần giúp một việc", phong trào "đón thương binh về làng", phong trào của thiếu niên nhi đồng "biết ơn chú bộ đội" và các hội "Mẹ chiến sĩ", v.v..
Đến nay, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các hợp tác xã và nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tích trong việc chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh. Và rất nhiều thương binh, bệnh binh và gia đình anh chị em đã tích cực phát huy tinh thần phấn đấu cách mạng, nêu gương tốt trên nhiều mặt công tác ở hậu phương và đã được biểu dương trong các "Đại hội thương binh tích cực". Có nhiều xã, nhiều địa phương được khen thưởng về công tác chăm lo săn sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân.
*
* *
Những thành tích đạt được có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, đặc biệt là về việc động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và anh chị em thương binh, bệnh binh trong việc góp phần củng cố hậu phương và làm tròn nhiệm vụ đối với tiền tuyến.
Trong khi đánh giá đúng mức các thành tích đã đạt được, Uỷ ban Văn hóa và Xã hội chúng tôi cũng thấy rõ và nhất trí với báo cáo của Chính phủ về những mặt yếu, những khuyết điểm, nhược điểm của công tác thương binh, bệnh binh đặc biệt là trong việc tổ chức thực hiện các chính sách và chế độ đã được ban hành.
Chủ trương, chính sách của Đảng ta, Nhà nước ta đối với thương binh, bệnh binh là đúng, nhưng không tránh còn có chỗ chưa thật phù hợp cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi để được công bằng, hợp lý hơn. Đó là việc Chính phủ đang làm và sẽ làm khẩn trương, nhưng cũng cần có thời gian mới hoàn chỉnh được. Theo ý kiến của Uỷ ban chúng tôi, thì vấn đề cấp bách trong tình hình hiện nay là tăng cường tổ chức và chỉ đạo tốt hơn nữa việc thực hiện các chính sách và chế độ hiện hành. Xuất phát từ quan điểm này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những đề nghị trong báo cáo của Chính phủ nhằm cải tiến công tác thương binh, bệnh binh. Sau đây chúng tôi xin phép nói rõ và nhấn mạnh thêm một số điểm mà chúng tôi cho là cần thiết:
1. Trong việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh còn khả năng lao động, sự trợ cấp vật chất là cần thiết, nhưng chủ yếu là việc sắp xếp việc làm cho anh chị em
Trong thực tế, hầu hết thương binh, bệnh binh khi trở về hậu phương đều tỏ ra yêu sản xuất, yêu lao động, hăng say công tác. Được thực tế chiến đấu giáo dục và kỷ luật quân đội rèn luyện, nói chung anh chị em đã tỏ ra thông minh, có óc sáng tạo, tháo vát, không ngại khó, không ngại khổ, có ý thức trách nhiệm, ý thức kỷ luật, tinh thần tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh cao, tác phong làm việc khẩn trương, và có nhiều khả năng nghề nghiệp tiềm tàng. Lao động để phục vụ cách mạng và tự giải quyết một phần vấn đề đời sống, đối với thương binh, bệnh binh, kể cả những anh chị em mù cả hai mắt, cụt cả hai tay, hai chân, vẫn là một niềm vui, là tâm tư và nguyện vọng tha thiết.
Do đó, nội dung cơ bản của chính sách thương binh, bệnh binh xuất ngũ là "nhất thiết không để một thương binh, bệnh binh nào còn có khả năng lao động (dù ít) không có việc làm". Để biến chủ trương này thành hành động, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp thực hiện, nhưng tiếc thay, những biện pháp này còn có nhiều cơ quan nhà nước, nhiều địa phương chưa thi hành hoặc thi hành không triệt để.
Uỷ ban chúng tôi kiến nghị với Chính phủ, trong một thời gian ngắn, tổ chức việc kiểm tra thật chặt chẽ, để các biện pháp nói trên được thực hiện, thực hiện đồng bộ và nghiêm chỉnh.
Cụ thể:
- Chính phủ cần ban hành sớm "chính sách, chế độ đối với thương binh và quân nhân xuất ngũ tham gia sản xuất", vì thiếu chính sách, chế độ này, các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã không thể mạnh dạn thu nhận thương binh, bệnh binh vì ngại tụt năng suất, tăng giá thành, không bảo đảm hoàn thành kế hoạch, không bảo đảm những yêu cầu hạch toán kinh tế, v.v..
- Chính phủ cần ban hành sớm danh mục hành nghề dành cho thương binh, bệnh binh ở các cơ quan, xí nghiệp. Sau khi ban hành, đề nghị Chính phủ có những biện pháp có hiệu lực để các cấp, các ngành hữu quan thi hành nghiêm chỉnh, không có cơ quan hay xí nghiệp nào được phép tuyển dụng những người không phải là thương binh, bệnh binh vào làm những ngành nghề, những công tác đã dành riêng cho thương binh, bệnh binh; trong điều kiện có thể, cần có những sự điều chỉnh cần thiết như chuyển những người làm các nghề dành cho thương binh, bệnh binh sang công tác khác… Cần mạnh dạn sắp xếp cho anh chị em làm những ngành nghề mà trước đây tưởng như không thích hợp với thương binh, nhưng qua thực tế và bồi dưỡng về năng lực, đã thấy là anh chị em có thể đảm nhận được với nhiều uy tín, nhiều khả năng như: giáo dục, tòa án, kiểm sát, mỹ nghệ xuất khẩu, v.v..
- Chính phủ cần kiểm tra, nắm cụ thể và có biện pháp uốn nắn kịp thời và kiên quyết đối với các cơ quan, xí nghiệp chưa nhận hay nhận chưa đạt tỷ lệ 5% biên chế dành cho thương binh, bệnh binh hoặc từ chối việc tiếp nhận, hoặc tiếp nhận mà không sắp xếp việc làm thích hợp cho anh chị em trở về cơ sở cũ, cũng như đối với Bộ chủ quản nào chưa tiếp nhận số thương binh, bệnh binh do Bộ đó đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đào tạo xong về chuyên môn và kỹ thuật.
- Trong khả năng tài chính cho phép, Chính phủ cần đầu tư thêm vào việc tổ chức các cơ sở sản xuất để tiếp nhận một số thương binh và bệnh binh, đi đôi với việc xây dựng và phát triển các hợp tác xã sản xuất của thương binh, bệnh binh xuất ngũ. Đồng thời, cần làm cho các Uỷ ban hành chính các cấp và các hợp tác xã thấy rõ nhiệm vụ của mình trong việc giúp đỡ sắp xếp việc làm cho những anh chị em trở về nông thôn. Có kế hoạch để hướng dẫn các hợp tác xã phát triển các ngành nghề phụ và dành cho thương binh, bệnh binh những nghề phù hợp với khả năng lao động của anh chị em. Đưa thương binh, bệnh binh về tham gia sản xuất ở nông thôn là điều đặc biệt quan trọng, vì số thương binh, bệnh binh được tiếp nhận vào các cơ quan, xí nghiệp không nhiều và đại bộ phận phải về cơ sở tham gia sản xuất nông nghiệp.
- Đối với thương binh, bệnh binh, cần tổ chức chu đáo hơn nữa việc bồi dưỡng chính trị, văn hóa, chuyên môn và kỹ thuật. Mở những lớp đặc biệt dành cho anh chị em và có chế độ kèm cặp cần thiết. Cần chú trọng mở thêm nhiều trường dạy nghề bằng nhiều hình thức cho thương binh, bệnh binh. Thương binh, bệnh binh không có văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật ở mức độ nhất định thì việc các cơ quan và các xí nghiệp ngần ngại thu nhận là có cơ sở.
- Đối với anh chị em thương binh, bệnh binh dân tộc thiểu số miền Nam, Chính phủ cần có sự kiểm tra, đôn đốc để cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, đào tạo anh chị em khẩn trương và tích cực hơn, chuẩn bị cho lực lượng cán bộ dân tộc sau này.
2. Chính phủ cần kiện toàn bộ máy phụ trách công tác thương binh, bệnh binh: tăng cường các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu về vấn đề thương binh, bệnh binh; thành lập một tổ chức có tính chất hội đồng gồm đại biểu các cơ quan hữu quan như quốc phòng, y tế, giáo dục, lao động, các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, v.v., để làm cố vấn cho Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề thương binh, bệnh binh, tuyển chọn, điều động thêm cán bộ có nhiệt tình, năng lực, kinh nghiệm để phụ trách công tác thương binh, bệnh binh.
Cần có cán bộ chuyên trách kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách thương binh, bệnh binh và khi phát hiện những trường hợp chưa đúng, thì cần có biện pháp sửa chữa tích cực, tránh tình trạng thấy sai nhưng không chịu sửa. Đi đôi với khen thưởng kịp thời, cần có thái độ nghiêm khắc và hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cơ quan nhà nước, những tập thể hoặc cá nhân vi phạm hoặc không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh.
3. Chính phủ cần tăng cường công tác tư tưởng, tăng cường quản lý và giáo dục thương binh, bệnh binh
Thực tế cho thấy hầu hết thương binh, bệnh binh xuất ngũ đều là những công dân tốt đã trải qua thử thách và được rèn luyện trong đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, lập trường, quan điểm, thái độ chính trị vững, công tác và sản xuất tích cực. Đồng thời với việc biểu dương, khen thưởng kịp thời cần bồi dưỡng cho anh chị em thêm về đạo đức, về ý thức trách nhiệm, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về truyền thống anh dũng, chịu đựng gian khổ của quân đội ta để luôn xứng đáng là những người con trung hiếu của Đảng và của nhân dân. Chúng tôi thấy đề cao vinh dự phải luôn luôn đi đôi với nhắc nhở trách nhiệm, phát huy truyền thống. Đây là hai mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau, nếu tách rời, không những không đi đến kết quả mong muốn mà, trái lại, còn tạo điều kiện cho những tư tưởng, nhận thức và cả những hành động lệch lạc, sai trái, phát sinh và phát triển.
Đối với số rất ít phần tử xấu không chịu tiếp thu giáo dục, cố tình lợi dụng danh nghĩa thương binh để tuyên truyền xuyên tạc, gây rối, cần trừng trị thích đáng và kịp thời.
4. Chính phủ cần phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân gây thành một phong trào rộng rãi toàn dân học tập và thực hiện chính sách thương binh, bệnh binh
Trách nhiệm giải quyết vấn đề thương binh, bệnh binh xuất ngũ là của Nhà nước, nhưng cũng là của toàn dân, cho nên mục đích của phong trào này là làm cho mọi cán bộ và công dân đều nhận thức sâu sắc là vấn đề thương binh, bệnh binh (cũng như vấn đề liệt sĩ) phải được đặt ra và giải quyết từ quan điểm cách mạng; chính sách đối với thương binh, bệnh binh vừa bắt nguồn từ chế độ ưu việt của ta vừa từ truyền thống đạo đức "thủy chung như nhất" tốt đẹp của dân tộc ta. Thực hiện đầy đủ chính sách thương binh, bệnh binh (và liệt sĩ) là vấn đề đền ơn, trả nghĩa đối với những người đã không tiếc xương máu vì sự nghiệp cách mạng chung, vì độc lập cho Tổ quốc, vì hạnh phúc cho toàn dân. Có nhận thức được như vậy, việc chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước về thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội và gia đình liệt sĩ mới có tính chất tự giác cao và biến thành nề nếp sinh hoạt hàng ngày của mỗi cán bộ, công dân và cả đối với thanh, thiếu niên nữa.
Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch và các đồng chí.