THÔNG CÁO CỦA HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ
THỐNG NHẤT TỔ QUỐC, NGÀY 21-11-1975
Từ 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu miền Bắc và Đoàn đại biểu miền Nam đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương chính trị để bàn về vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt nhà nước.
Đoàn miền Bắc gồm 25 đại biểu, do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làm Trưởng đoàn; các đồng chí Hoàng Văn Hoan, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Trần Hữu Dực, Uỷ viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làm Phó Trưởng đoàn.
Đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu, do đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam, đại diện Đảng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Trưởng đoàn; các ông: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm Phó Trưởng đoàn.
Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí vô cùng phấn khởi thắm tình ruột thịt, đoàn kết Bắc - Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã long trọng khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc, và đồng chí Phạm Hùng, Trưởng đoàn miền Nam, đã đọc hai bản báo cáo chính trị quan trọng.
Hội nghị vô cùng xúc động nhớ tới công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân.
Hội nghị tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh vì nước, nêu cao truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc.
Hội nghị đã thảo luận hào hứng, sôi nổi, dân chủ và đã đi sâu phân tích những vấn đề được nêu lên trong chương trình nghị sự.
Hội nghị đã hoàn toàn nhất trí về tất cả các vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi và biện pháp nhằm thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thể hiện ý chí sắt đá và nguyện vọng tha thiết của toàn dân ta.
*
* *
Hội nghị khẳng định rằng nước Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta vốn thống nhất. Từ đời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, dân tộc Việt Nam ta đã trải qua những thời kỳ đấu tranh oanh liệt để giữ gìn độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây, ngày nay là Đảng Lao động Việt Nam, toàn dân ta đã làm Cách mạng tháng Tám thành công, phá tan xiềng xích của bọn đế quốc và phong kiến. Ngày 02 tháng 9 năm 1945, trước nhân dân cả nước và nhân dân toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" lịch sử, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Đó là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á có Quốc hội thống nhất của cả nước, có Chính phủ Trung ương và Chính quyền địa phương các cấp từ Bắc chí Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Toàn thể dân tộc ta đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đứng lên kháng chiến gần 9 năm, cuối cùng đã giành được thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhưng đế quốc Mỹ ngoan cố không từ bỏ âm mưu can thiệp vào Đông Dương, thay chân thực dân Pháp, đi sâu vào con đường xâm lược, hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, dùng miền Nam làm bàn đạp để tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội phát triển xuống Đông Nam Á và phá hoại phong trào giải phóng dân tộc đang cuồn cuộn dâng lên ở Đông Dương.
Đồng bào cả nước đã anh dũng chiến đấu chống lại âm mưu thâm độc đó của đế quốc Mỹ. Miền Bắc nước ta được giải phóng đã tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của cả nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong 20 năm, được các nước xã hội chủ nghĩa anh em hết lòng giúp đỡ, được nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ nhiệt liệt ủng hộ, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari năm 1973, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, rút quân đội Mỹ và quân đội chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta.
Song vừa ký kết, đế quốc Mỹ và tay sai liền phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Pari về Việt Nam. Vì vậy, nhân dân ta đã liên tục chiến đấu, đẩy chúng vào tình thế ngày càng thất bại và suy yếu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giáng cho chúng những đòn chí tử, giành được thắng lợi vẻ vang, đập tan chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước ta đã được độc lập hoàn toàn và trên thực tế hai miền Nam - Bắc đã thống nhất về nhiều mặt. Hiện nay, vấn đề hoàn thành thống nhất nước nhà đã trở nên cấp bách và hết sức quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc ta và tiền đồ của Tổ quốc ta.
Hội nghị Hiệp thương chính trị nhất trí nhận định rằng cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cùng làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn và vững chắc nhất.
Độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội gắn chặt với nhau. Chủ nghĩa xã hội là phương hướng tiến lên và xu thế tất yếu của xã hội Việt Nam, là con đường duy nhất để vĩnh viễn giữ gìn độc lập và thống nhất, xây dựng nước ta giàu mạnh, có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hóa và khoa học tiên tiến, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của chúng ta ngày nay và của con cháu muôn đời mai sau.
Hội nghị nhất trí nhận định rằng hiện nay, trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thực hiện sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đó là điều kiện cơ bản để đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, để không ngừng tăng cường quyền làm chủ tập thể của nhân dân ta, để phát triển kinh tế và văn hóa có kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi miền nước ta, để xây dựng xã hội mới, con người mới trong cả nước.
Hội nghị nhất trí khẳng định rằng cần tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và xã hội chủ nghĩa, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.
Cuộc tổng tuyển cử sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976, theo đúng nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Số đại biểu Quốc hội sẽ tính theo số dân. Khoảng 100.000 dân được bầu một đại biểu.
Phụ trách công tác bầu cử chung trong cả nước là Hội đồng bầu cử toàn quốc, bao gồm đại biểu của hai miền với số lượng ngang nhau, Hội đồng bầu cử toàn quốc có nhiệm vụ giám sát cuộc bỏ phiếu trong phạm vi cả nước, tổng kết bầu cử, tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử, cấp giấy chứng nhận cho các đại biểu trúng cử và báo cáo kết quả bầu cử trước Quốc hội. Ở mỗi miền, sẽ tổ chức cơ quan phụ trách việc bầu cử của miền.
Cơ quan chủ trì cuộc bầu cử ở miền Bắc là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ở miền Nam là Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việc triệu tập Quốc hội và chủ tọa phiên họp đầu tiên của Quốc hội, trước khi bầu ra Đoàn Chủ tịch của kỳ họp, sẽ do Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đảm nhiệm.
Ngoài những vấn đề lớn mà Hội nghị đã định, những vấn đề cụ thể của việc bầu cử ở mỗi miền sẽ do cơ quan có trách nhiệm của mỗi miền quy định.
*
* *
Sau một tuần làm việc, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã thành công tốt đẹp. Đó là một thắng lợi chính trị quan trọng của toàn dân ta. Hội nghị đã nêu cao quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi".
Trong thời gian Hội nghị Hiệp thương chính trị họp đồng bào ở hai miền Nam, Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài đã gửi điện, tổ chức mít tinh, tuần hành rầm rộ để hoan nghênh Hội nghị, nguyện đem hết sức mình lập thành tích về mọi mặt chào mừng Hội nghị.
Để phát huy kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, toàn thể cán bộ và nhân dân ta, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hãy giương cao hơn nữa ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết một lòng, ra sức phát huy thắng lợi, đẩy mạnh thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải tiến công tác, bám sát thực tế, quan tâm đến lợi ích của quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, quyết tâm phấn đấu để cuộc tổng tuyển cử tới đây đạt kết quả tốt và thật sự là một ngày hội lớn của đồng bào cả nước.
Nhân dân ta đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ của đế quốc Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU MIỀN BẮC
Trưởng đoàn
TRƯỜNG CHINH
|
TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU MIỀN NAM
Trưởng đoàn
PHẠM HÙNG
|