Gần một năm tạm hoà hoãn, chính quyền cách mạng đã được củng cố và phát triển lực lượng. Việt Nam cần hoà bình để xây dựng đất nước, song, thực dân pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và gây hấn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, Việt Nam vẫn kiên trì hoà bình. Ngày 30-11-1946, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định thông báo cho Quốc hội Pháp biết về cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi và yêu cầu Quốc hội Pháp cử một phái đoàn sang điều tra tại chỗ. Ngày 6-12-1946, qua đài phát thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã "thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp việc cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài" . Ngày 7-12-1946, Khi tiếp nhà báo Pháp Bécna Đranbê (Bernard Dranber) của tờ Pari - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi. Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do. Dù sao, tôi mong rằng chúng ta sẽ không đi tới cách giải quyết ấy. Cả nước Pháp lẫn nước Việt Nam đều không thể phí sức gây một cuộc chiến tranh khốc hại, và nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại" . Chính Moóclie (Morlière), sau khi gặp Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam đầu tháng 12-1946, cũng phải ghi nhân: "Nguyện vọng của Việt Nam là không mở rộng cuộc xung đột Hà Nội và không tấn công nhưng cũng quyết tâm tự vệ chống lại mọi khiêu khích mới". Đáp lại thiện chí hoà bình của Việt Nam, thực dân Pháp, tiêu biểu là lực lượng phản động ở Đông Dương đứng đầu là Đácgiăngliơ (D'Argenlieu) đã tiếp tục lấn tới trắng trợn hơn, đẩy cuộc chiến tranh đi tới bùng nổ, quyết chinh phục Việt Nam bằng vũ lực lần thứ hai.
Tình thế khẩn trương đang đòi hỏi phải có một quyết định chiến lược, một quốc sách có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Tổ quốc, tự do của nhân dân và chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam.
Sáng ngày 17-12-1946, Hội đồng Chính phủ đã họp với sự có mặt của trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo về tình hình quân sự diễn ra ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng, v.v...
Theo Điều 38 của Hiến Pháp nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà vừa mới được Quốc hội thông qua có ghi rõ: "Khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến" và Điều 49, điểm k quy định Chủ tịch nước có quyền "tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định". Hồ Chí Minh đã báo cáo với Hội đồng Chính phủ và thường trực Quốc Hội để thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước.
Ngày 18 và 19-12-1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Hồ chí Minh chủ toạ, đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước và chủ trương kháng chiến của Đảng.
Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
"Hỡi đồng bào toàn quốc !
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !
Không ! chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào !
Chúng ta phải đứng lên !
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân !
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta !" .
Cả nước đã đứng lên. Toàn dân chiến đấu với một niềm tin "kháng chiến nhất định thắng lợi ".
Bản chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" ngày 22-12-1946 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nêu rõ cơ quan lãnh đạo kháng chiến là Đảng và Chính phủ. Về chính quyền, ở bên trên có Chính phủ kháng chiến, Ban Thường vụ Quốc hội, ở dưới có Uỷ ban kháng chiến các khu, các tỉnh, v.v. gồm đại biểu quân, dân, chính hợp thành.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá... Để sự lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Song, do chiến tranh diễn ra quyết liệt nên việc triệu tập toàn Ban Thường trực Quốc hội sẽ rất khó khăn. Vì thế cuối tháng 12-1946, Ban thường trực Quốc hội họp ở một địa điểm tại Hà Đông đã quyết định:
a. Trong thời kỳ kháng chiến vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện;
b. Các đại biểu Quốc hội sẽ tuỳ năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến;
c. Ban Thường trực thay mặt toàn thể Quốc hội hiệu triệu và nhận các ý nguyện của nhân dân, sửa soạn triệu tập Quốc hội .
Theo quyết định trên, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đã luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Đây là một nét đặc biệt của Quốc hội Việt Nam - Quốc hội kháng chiến.
Bộ máy kháng chiến đã từng bước ổn định và củng cố. Năm 1947, Chính phủ đã được cải tổ. Một số nhân sĩ, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ một số ghế trong Chính phủ nhằm thực hiện tính liên hiệp quốc dân rộng rãi hơn. Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ kinh tế; Hoàng Minh Giám giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đặng Văn Hướng giữ chức Bộ trưởng không giữ Bộ nào. Sau khi Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời, tháng 11-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội Vụ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng tháng 1-1948 nhấn mạnh: phải củng cố chính quyền dân chủ kháng chiến, nêu cao danh nghĩa và uy tín của Chính phủ và Ban thường trực Quốc hội. Vì hoàn cảnh kháng chiến chưa họp được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở rải rác khắp nơi cũng phải họp ở từng khu, hay từng tỉnh để cùng nhau xem xét tình hình nhân dân, để đạt ý nguyện của dân lên Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ, giúp đỡ Chính phủ và Uỷ ban kháng chiến điều hành công cuộc kháng chiến.
Mặt trận quân sự giữ vai trò quyết định hàng đầu trong kháng chiến. Chính phủ và Quốc hội rất coi trọng vấn đề quản lý và chỉ huy các lực lượng vũ trang. Ngày 20-1-1948, sau khi được Hội đồng Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội nhất trí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110/SL thụ cấp Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Và đến tháng 7-1948, Võ Nguyên Giáp lại giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Tiếp đến ngày 19-8-1948, Chủ tịch Hồ chí Minh ký Sắc lệnh 206/SL thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao gồm có: Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, Phó Chủ Tịch và các uỷ viên là Phan Kế Toại, quyền Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Phan Anh, Bộ trưởng Bộ kinh tế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Một số cán bộ quân sự đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thụ cấp thiếu tướng. Về Chính phủ, ngày 25-7-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Phạm Văn Đồng giữ chức Phó Thủ tướng và được bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao. Ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Việt Nam Công an vụ, một ngành bảo vệ an ninh quốc gia có hệ thống trong toàn quốc đã được thành lập năm 1946. Do yêu cầu đòi hỏi của kháng chiến, ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 141/SL thành lập Thứ bộ công an và đến tháng 6-1953, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị quyết đổi Thứ bộ công an thành Bộ Công an. Trần Quốc Hoàn được cử giữ chức Bộ trưởng. Tháng 3-1954, Nghiêm Xuân Yêm được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông.
Bộ máy chính quyền các cấp dần dần được củng cố và kiện toàn.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã cũng được bầu lại.
Chính quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là "Chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công dân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ... Chính quyền đó dựa vào mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo... Cơ quan chính quyền tối cao toàn quốc là Quốc hội và Hội đồng Chính phủ".
Trong quá trình kiện toàn bộ máy kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà nước - người trực tiếp thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ và tiếp xúc với quần chúng nhân dân. Nhà nước của chúng ta có thực sự dân chủ, vì dân hay không một phần không nhỏ do cán bộ quyết định. Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đồng chí Bắc Bộ, gửi các đồng chí Trung Bộ, và thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ năm 1947 đều nhằm mục tiêu góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà nước. Trong thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ, Người nói: "Trường kỳ kháng chiến là một viên đá thử vàng đối với mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ. Vì vậy, chúng ta:
Phải tuyệt đối giữ kỷ luật.
Phải tuyệt đối giữ bí mật.
Đối với đồng sự, phải đoàn kết chặt chẽ, khuyên nhau, giúp nhau.
Đối với dân chúng, phải thân cận, phải giúp đỡ họ mọi việc, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu" .
Qua thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (và thư gửi các đồng chí Trung Bộ), Người nói: "Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ tối cao. Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ xuất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm."
Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây: địa phương chủ nghĩa; óc bè phái; óc quân phiệt quan liêu; óc hẹp hòi; ham chuộng hình thức; làm việc lối bàn giấy; vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm; ích kỷ, hủ hoá... Cán bộ và nhân viên của Đảng và Nhà nước phải "mang toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái kháng chiến để đi đến thắng lợi vẻ vang".
Mặt trận dân tộc thống nhất cũng được củng cố và từng bước tiến dần tới thống nhất Việt Minh và Liên Việt từ cơ sở đến trung ương nhằm thực hiện khẩu hiệu một dân tộc, một mặt trận. Các mặt hoạt động khác của cuộc kháng chiến, đặc biệt là mặt trận quân sự ngày càng có những bước tiến mới, nhất là sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947.
Để đối lập với Quốc hội và Chính phủ kháng chiến của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thực dân Pháp đã tìm cách chia rẽ dân tộc, tập hợp những phần tử đối lập, chống phá kháng chiến để làm tay sai cho chúng. Chúng đã dựng lên các "chính phủ" bất hợp pháp hoạt động trong vùng tạm bị chiếm do chúng điều khiển.
Nhiệm vụ chủ yếu của kháng chiến là đánh giặc cứu nước. Do hoàn cảnh chiến tranh, chiến trường thường bị chia cắt, công tác kháng chiến trên mọi mặt trận rất khẩn trương cho nên Quốc hội không có điều kiện để họp định kỳ như trong thời bình. Quyền lực tập trung vào Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội tuỳ theo cương vị của mình tiếp tục hoạt động ở địa phương hoặc các cơ quan nhà nước trung ương. Trong tiến trình kháng chiến, trừ một số đã rời bỏ hàng ngũ, trong đó đông đảo nhất là các đại biểu của Việt Quốc và Việt Cách (phái Nguyễn Hải Thần), còn phần đông đại biểu Quốc hội, trên cương vị cụ thể của mình đã gánh vác trọng trách trong mọi nhiệm vụ của kháng chiến, thực sự là những đại biểu ưu tú của nhân dân, do dân lựa chọn, vì quyền lợi của cả dân tộc mà phấn đấu. Cho đến tháng 12-1953, có 58 đại biểu tham dự công tác chính quyền, 24 đại biểu công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân, 75 đại biểu công tác ở các ngành chuyên môn, 69 đại biểu ở các đoàn thể nhân dân, 5 đại biểu công tác ở nước ngoài.
Một số đại biểu đã hy sinh oanh liệt, nêu cao ý chí "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Đó là: Lý Chính Thắng, đại biểu Sài Gòn-Chợ Lớn, bị giặc bắt và bắn ở chợ Rẫy năm 1946.
Thái Văn Lung, đại biểu Gia Định, Khu phó quân khu 7, bị giặc giết ngày 1-7-1946 ở Nam Bộ.
Siểng, đại biểu Biên Hoà, người dân tộc Khơ Me, bị giặc giết ở Xuân Lộc năm 1947.
Nguyễn Văn Luyện, bác sĩ, đại biểu Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội, đã bị giặc giết ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô (12-1946).
Nguyễn Văn Tố, một nhà trí thức yêu nước, đại biểu Nam định, Trưởng ban đầu tiên của Ban Thường trực Quốc hội (và là Bộ trưởng), bị giặc bắt và giết hại năm 1947 ở Bắc Cạn.
Trần Kim Xuyến, đại biểu Bắc Giang, Phó Giám đốc Nha thông tin, bị giặc bắn chết ở Chúc Sơn năm 1947.
Lê Thế Hiếu, đại biểu Quảng Trị bị giặc Pháp bắt ở Triệu Phong, bất khuất trước kẻ thù, bị giặc giết tháng 5-1947.
Nguyễn Văn Triết, đại biểu thủ Dầu Một, bị giặc giết tháng 4-1948.
Huỳnh Bá Nhung, đại biểu Rạch Giá, bị giặc giết tháng 11-1953...
"Đối với các vị ấy, nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều mến yêu mãi mãi. Các vị đại biểu kể trên đã từ trần vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến, thiệt xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng".
Trong tiến trình kháng chiến, Ban thường trực Quốc Hội đã vượt qua mọi trở ngại của chiến tranh, đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Tại cuộc họp của Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1950, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu rõ: "Ban Thường trực Quốc hội và Chính Phủ luôn luôn mật thiết liên lạc, mật thiết công tác trong mọi công việc lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc".
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các Uỷ viên trong Ban thường trực được phân đi các địa phương ở Liên Khu III, Liên khu Việt Bắc động viên nhân dân kháng chiến. Sau đó các uỷ viên tuỳ theo khả năng và yêu cầu mà tham gia hoạt động kháng chiến ở địa phương, như Uỷ ban kháng chiến hành chính, làm phái viên của Chính phủ ở các khu... Bùi Bằng Đoàn được phân công sát bên cạnh Chính phủ để tiếp tục nhiệm vụ của Ban Thường trực. Các uỷ viên liên lạc với Trưởng ban thường trực bằng điện và thư. Tôn Đức Thắng và linh mục Phạm Bá Trực được mời về cùng Trưởng ban điều hành công việc của Ban. Năm 1948, Bùi Bằng Đoàn ốm phải đi chữa bệnh. Tôn Đức Thắng giữ chức quyền trưởng ban Thường trực Quốc hội, Tháng 2-1950, Ban Thường trực họp đã bầu bổ sung, ba uỷ viên dự khuyết đã được bầu làm uỷ viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội là Nguyên Thị Thục Viên, Lê Tư Lành và Trần Tấn Thọ thay cho Nguyễn Văn Luyện và Hoàng Minh Châu từ trần, Cung Đình Quỳ đã chạy theo Pháp. Ban Thường trực đã bầu ra một Ban Thường vụ mới gồm có Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Tôn Quang Phiệt, Phạm Bá Trực, Dương Đức Hiền và Trần Huy Liệu thay mặt Ban Thường trực để giải quyết công việc hằng ngày cũng như liên lạc với Chính phủ. Cũng tại kỳ họp này, Ban Thường trực Quốc hội đã ấn định chương trình hoạt động năm 1950, những phương sách cộng tác với Chính phủ, liên lạc với các đại biểu Quốc hội trong toàn quốc và liên hệ với nhân dân nhằm thực hiện tổng động viên đẩy mạnh kháng chiến; Ban cũng đã quyết định vấn đề dự thảo Bộ luật về dân chủ Việt Nam; quyết định bãi bỏ quyền bất khả xâm phạm của những đại biểu Quốc hội rời bỏ hàng ngũ kháng chiến.
Các chính sách lớn của Chính phủ như chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, phát động quần chúng giảm tô, giảm tức, chính sách ruộng đất... đều được Ban Thường vụ góp ý xây dựng.
Từ tháng 12-1946 đến tháng 7-1954, dựa vào Hiến pháp được Quốc hội thông qua tháng 11-1946 và thực tiễn kháng chiến, Chính phủ đã ban hành khoảng 400 sắc lệnh và nhiều nghị định, thông tư để điều hành kháng chiến. Các sắc lệnh của Chính phủ được ban hành đều có sự thoả thuận của Ban Thường trực Quốc hội. Ban cũng đã góp ý kiến với Chính phủ về các nghị quyết và chương trình công tác quan trọng.
Ban Thường vụ rất quan tâm nghiên cứu để dự thảo một số luật và tu chỉnh Hiến pháp. Ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 72/SL lập ra Hội đồng tu luật gồm có đại biểu Chính phủ, đại biểu đoàn thể nhân dân và đại diện Ban Thường trực Quốc hội do Bộ Tư pháp chủ trì. Từ năm 1950, Hội đồng tu luật đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội họp tháng 2-1951 đặt vấn đề nghiên cứu việc tu chỉnh Hiến pháp, làm bản dự thảo để khi có điều kiện đệ trình Quốc hội, song không thực hiện được.
Ban Thường trực Quốc hội đã cố gắng tìm cách liên hệ với các đại biểu địa phương. ở Liên khu III và Liên khu V, các đại biểu Quốc hội đã có sáng kiến đặt phòng liên lạc để vừa phối hợp công tác với Uỷ ban kháng chiến hành chính địa phương, vừa liên lạc với Ban thường trực Quốc hội.
Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ đã duy trì mối quan hệ trực tiếp với nhân dân và chính quyền các cấp ở địa phương. Tháng 9-1949, Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ do Lê Đình Thám dẫn đầu ra báo cáo với Trung ương về tình hình kháng chiến ở địa phương.
Đầu tháng 10-1949, Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ làm việc với Đoàn đại biểu Nam Bộ, gồm các uỷ viên kháng chiến hành chính, các uỷ viên quân sự và đại biểu các đoàn thể quần chúng do Phạm Hùng dẫn đầu ra báo cáo với Chính phủ về tình hình kháng chiến của nhân dân Nam Bộ - "Thành đồng Tổ quốc". Ban Thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ đã tổ chức nhiều phái đoàn đi về các địa phương phổ biến đường lối, chủ trương và chính sách của Chính phủ trong kháng chiến, như chủ trương và chính sách thuế nông nghiệp, phát triển thuỷ nông, chuyển hướng canh tác, vận động sản xuất và tiết kiệm, động viên tinh thần kháng chiến của các tầng lớp nhân dân. Năm 1951, một phái đoàn của Chính phủ do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn và Trần Huy Liệu đại diện Ban Thường trực Quốc hội đã đi Liên khu Việt Bắc và một phái đoàn do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên dẫn đầu cùng với Bộ trưởng Bồ Xuân Luật và Tôn Quang Phiệt đại diện Ban Thường trực Quốc hội đi Liên khu III và Liên khu IV để giải thích các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là chính sách thuế nông nghiệp theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 1-5-1951.
Quân đội nhân dân là lực lượng giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt địch trên chiến trường, đã được Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận đặc biệt quan tâm động viên và xây dựng. Ban Thường trực Quốc hội đã đỡ đầu Trung đoàn 101 - một đơn vị chủ lực chiến đấu trên chiến trường Trị - Thiên đau thương anh dũng và kiên cường. Tháng 8-1949, Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được thành lập. Mặt trận nhận đỡ đầu Đại đoàn. Trong 3 tháng đầu sau khi thành lập, Đại đoàn đã lập được nhiều chiến công mới. Tổng bộ Việt Minh đã biểu dương và tặng Đại đoàn thanh kiếm mang tên "Dân tộc", còn Quốc hội tặng thanh kiếm "Mã đáo thành công". Sau các thắng lợi ở các chiến dịch Biên giới, Tây Bắc..., Ban Thường trực đã cử phái đoàn đi khen ngợi các đơn vị quân đội đã lập chiến công và uý lạo đồng bào vùng mới giải phóng. Ban Thường trực Quốc hội đề nghị Hội đồng Chính phủ xét công trạng để khen thưởng các đơn vị, các chiến sĩ và cán bộ lập được chiến công xuất sắc. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới mùa thu năm 1950 đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của cuộc kháng chiến. Tại phiên họp giữa tháng 11-1950, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị tuyên dương khen ngợi quân đội và nhân dân đã hăng hái chiến đấu giết giặc lập công. Đặc biệt, Chính phủ tỏ lời khen ngợi cuộc chiến đấu rất anh dũng của quân đội và nhân dân trong chiến dịch giải phóng biên giới và thể theo ý kiến của Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng 3 cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp để ghi công của Đại tướng trong thắng lợi mùa thu 1950. Hội đồng Chính phủ cũng đã tán thành việc khen thưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên giới.
Về đối ngoại, từ năm 1950 sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu, Ban Thường trực Quốc hội đã có quan hệ với Quốc hội nhiều nước đó. Năm 1951, nhân dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày quốc khánh nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Việt Nam đã cử một phái đoàn đi dự lễ do Hoàng Quốc Việt dẫn đầu. Đoàn gồm có Tôn Đức Thắng đại diện Quốc hội và Mặt trận, Vũ Đình Hoè đại diện Chính phủ, Lê Đình Thám đại diện Hội đồng bảo vệ hoà bình Việt Nam, Nguyễn Thị Thục Viên đại diện phụ nữ, Xuân Thuỷ đại diện báo chí. Đoàn đại biểu Việt Nam là thượng khách của Uỷ ban Chính trị hiệp thương của Trung Hoa. Phái đoàn Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với nhân dân Trung Hoa. Tiếp đến, Tôn Đức Thắng đã dẫn Đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Về mặt kinh tế, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng nền kinh tế kháng chiến có tính chất dân chủ mới, đặc biệt là chính sách ruộng đất nhằm từng bước đem lại ruộng đất cho nông dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng ruộng đất trong tiến trình kháng chiến. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng là dùng phương pháp cải cách mà dần dần thu hẹp phạm vi bóc lột của địa chủ phong kiến Việt Nam, đồng thời sửa đổi chế độ ruộng đất trong phạm vi không có hại cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là cách của Việt Nam thực hiện cách mạng ruộng đất bằng một đường lối riêng biệt . Đó là một đường lối đúng phù hợp với thực tiễn của cách mạng ở Việt Nam.
Được sự đồng tình vủa Ban Thường trực Quốc hội, từ năm 1949 trở đi, Chính phủ đã ban hành nhiều sắc lệnh, nghị định và thông tư về chính sách ruộng đất, về giảm tô, giảm tức. Đó là Sắc lệnh 78/SL ngày 14-7-1949 ấn định mức địa tô và thành lập ở mỗi tỉnh một Hội đồng giảm tô; Sắc lệnh số 88/SL ngày 22-5-1950 quy định thể lệ lĩnh canh ruộng đất; Sắc lệnh số 89/SL ngày 22-5-1950 quy định việc giảm lãi, xoá nợ, hoãn nợ... Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện giảm tô 25% cho nông dân, đã tịch thu ruộng đất của bọn thực dân và lấy ruộng đất của Việt gian đem chia cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng, tạm cấp ruộng đất vắng chủ, chia lại ruộng công cho công bằng hợp lý, v.v... Tính đến năm 1953, ở Nam Bộ, chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân 410.000 hécta ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ phản động. Theo số liệu tính toán từ tài liệu của 3.035 xã ở miền Bắc đã thực hiện cải cách ruộng đất, từ 1945 đến tháng 10-1953 đối với các xã vùng tự do và đến tháng 7-1954 đối với các xã vùng mới giải phóng có 475.900 hécta ruộng đất đã về tay nông dân. Như vậy là quá nửa diện tích ruộng đất do địa chủ chiếm hữu đã được chia cho nông dân. Đây là một thành quả lớn của Nhà nước ta trong việc thực hiện từng bước chính sách ruộng đất.
Tháng 2-1951, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp quyết định tách Đảng để lập ra ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương một đảng cách mạng riêng. Đảng bộ Đảng Cộng sản ở Việt Nam được chuyển thành Đảng Lao động Việt Nam và ra công khai trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xoá bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, làm cho nước Việt Nam độc lập và thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội lần thứ II của Đảng là Đại hội kháng chiến thắng lợi. Từ sau Đại hội, mọi mặt kháng chiến đã phát triển mạnh mẽ. Quân và dân Việt Nam giành được những thắng lợi ngày càng to lớn. Cho đến mùa thu năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và toàn Đông Dương đã có những biến đổi quan trọng. Lực lượng vũ trang đã lớn mạnh về cả chất lượng và số lượng, đã giữ vững được quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Hậu phương kháng chiến được mở rộng và củng cố về mọi mặt, vùng tự do khá ổn định. Chính quyền dân chủ nhân dân được kiện toàn. Khối đoàn kết toàn dân được củng cố và phát triền. Điều kiện để giành thắng lợi lớn hơn, thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến ngày càng tăng lên rõ rệt. Quân và dân cả nước đang có những nỗ lực mới để bước vào một thời kỳ đấu tranh quyết liệt. Yêu cầu động viên sức người sức của cho kháng chiến đang đặt ra những đòi hỏi to lớn. Do đó, vấn đề cải thiện đời sống, bồi dưỡng sức dân mà đông đảo là nông dân cũng cần được nâng cao.
Căn cứ vào các nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và yêu cầu cấp bách của việc bồi dưỡng sức dân, củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến..., Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1953 đã quyết định phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô giảm tức và cải cách ruộng đất ngay ở các vùng tự do.
Đầu năm 1953, theo đề nghị của Chính phủ, cuộc Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Mặt trận Liên Việt toàn quốc triệu tập để thảo luận bản đề án "Phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức" của Đảng Lao động Việt Nam. Hội nghị đã nhất trí với bản đề án của Đảng và hiệu triệu quốc dân tích cực thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ.
Tháng 11-1953, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng đã nhất trí thông qua cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruông đất.
Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử đó, theo đề nghị của Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội đã quyết định triệu tập Quốc hội họp kỳ họp thứ ba tại Việt Bắc từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953. Trong hoàn cảnh chiến tranh, các đại biểu Quốc hội phải vượt qua nhiều khó khăn mới về được Việt Bắc để họp. Đoàn đại biểu Quốc hội Nam Bộ và đoàn đại biểu Liên Khu V đã vượt qua bao nhiêu núi cao, sông sâu, đồn bốt địch để đến được Việt Bắc. Tổng số đại biểu vể dự kỳ họp là 166 người, trong đó Bắc Bộ có 94 đại biểu, Trung Bộ có 62 đại biểu, Nam Bộ 10 đại biểu.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng nêu rõ Quốc hội họp trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, "thế ta mạnh hơn thế giặc", ta đang tiến tới một giai đoạn mới, đòi hỏi nhân dân phải có một nỗ lực phi thường. Do đó, Chính phủ đã đề ra dự án Luật cải cách ruộng đất. Đó là một quyết sách để bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi, là một nhiệm vụ căn bản của cách mạng dân tộc dân chủ của chúng ta. Với tầm quan trọng đó, quyết sách này phải được Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao thay mặt toàn dân thông qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội bản báo cáo "Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất". Người nêu rõ: "Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt. Chỉ có phát động quần chúng cải cách ruộng đất, ta mới tiến hành những công việc đó được thuận lợi".
Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đọc báo cáo của Chính phủ về thành tích kháng chiến và dự thảo về Luật cải cách ruộng đất.
Trần Mạnh Quỳ, đại biểu Quảng Trị; Nguyễn Đình Thi, đại biểu Hải Phòng; Nguyễn Xuân Như, đại biểu Bình Định; Nguyễn Xiển, đại biểu Kiến An; Hoàng Văn Đức, đại biểu Hà Nội; Lê Thị Xuyến, đại biểu Quảng Nam; Phạm Khắc Minh và Sa Văn Minh, đại biểu Sơn Tây; Nguyễn Khánh Kim, đại biểu Cao Bằng; Nguyễn Văn Tây, đại biểu Trà Vinh; Nguyễn Sơn Hà, đại biểu Hải Phòng; Trần Huy Liệu, đại biểu Nam Định; Nguyễn Huy Tưởng, đại biểu Bắc Ninh; Vương Đình Lương, đại biểu Hà Tĩnh; Ngô Thế Phúc, đại biểu Bắc Ninh đã lần lượt tham luận và tán thành bản dự án Luật cải cách ruộng đất.
Tham luận của Hoàng Văn Đức, đại biểu Hà Nội đã nhấn mạnh: "Lịch sử thất bại đau đớn của những người tư sản tiến bộ đã từng theo đuổi ý chí xây dựng một nền công nghệ thương nghệp chân chính dân tộc, chứng minh rằng dưới chế độ thực dân và phong kiến tiền đồ của các tầng lớp tiểu tư sản, tư sản là tối tăm... Các tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc căm thù chế độ thực dân, căm ghét chế độ phong kiến... Họ thiết tha mong được đem tài sức, tiền của, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, một nền kinh tế quốc gia... Cải cách ruộng đất mở cho công thương nghiệp một triển vọng tốt đẹp, đem lại cho các người tiểu tư sản, tư sản dân tộc một cơ hội tốt để đem tài sức ra phục vụ nông dân, phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Đại diện cho nhóm đại biểu dân chủ trong Quốc hội... chúng tôi hoàn toàn tán thành và hoan nghênh bản đề án Luật cải cách ruộng đất...". Nguyễn Xiển, đại biểu Kiến An, thay mặt nhóm đại biểu Đảng Xã hội Việt Nam trong Quốc hội tuyên bố "hoàn toàn công nhận cải cách ruộng đất trong giai đoạn kháng chiến hiện tại là một nhiệm vụ căn bản và cấp thiết... là hợp lý, là hợp thời, không thể trì hoãn được... Toàn thể Đảng viên Đảng Xã hội Việt Nam, nguyện đứng hẳn về phía phe nông dân lao động để tranh đấu thực hiện Luật cải cách ruộng đất..., tích cực vận động tầng lớp trí thức quyết tâm ủng hộ cuộc đấu tranh của nông dân, cuộc đấu tranh có đủ lý, lợi, tình....
Đỗ Đức Dục, Trưởng tiểu ban xét dự án Luật cải cách ruộng đất đã đọc báo cáo và đề nghị Quốc hội thông qua toàn bộ Luật cải cách ruộng đất vì nó phù hợp với lợi ích của kháng chiến, hợp với nguyện vọng của nhân dân, thuận với sự vận động khách quan của xã hội Việt Nam. "Thông qua Luật cải cách ruộng đất trong kháng chiến và rồi đây thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến, điều đó chứng tỏ rằng lực lượng kháng chiến của nhân dân ta đã mạnh... ý chí sắt đá của nhân dân ta kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng".
Ngày 4-12-1953, toàn thể Quốc hội biểu quyết nhất trí tán thành Luật cải cách ruộng đất. Quốc hội đã lần lượt thông qua Nghị quyết tín nhiệm Chính phủ; Nghị quyết biểu dương các đại biểu Quốc hội đã từ trần vì nước; Nghị quyết truất quyền đại biểu Quốc hội của những đại biểu rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến.
Ngày 19-12-1953, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 197/SL ban bố "Luật cải cách ruộng đất".
Luật có 5 chương, 38 điều khoản. Điều 1 đã ghi rõ "mục đích và ý nghĩa cải cách ruộng đất là:
"Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ:
Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân;
Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển;
Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân - lực lượng của kháng chiến;
Để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc".
Luật cải cách ruộng đất đã quy định các điều khoản về tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất; về cách chia ruộng đất; về cơ quan chấp hành và phương pháp thực hiện cải cách ruộng đất; và điều khoản thi hành.
Luật cải cách ruộng đất được ban hành là cơ cở và sức mạnh pháp lý để thực hiện triệt để khẩu hiệu người cày có ruộng. Phát biểu tại Kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lý hợp tình chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ. Ngoài ra chúng ta cũng chiếu cố đến đồng bào công thương nghiệp, chiếu cố cán bộ, công nhân, nông dân lao động khác và đồng bào tản cư. Chúng ta cũng chiếu cố các chiến sĩ hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước, chúng ta cũng chiếu cố các chiến sĩ đã hy sinh một phần xương máu hay tính mạng cho Tổ quốc, đó là thương binh và gia đình tử sĩ" .
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội đã nhận được 1.108 bức điện văn của các đảng phái, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, các đơn vị dân công, của các chiến sĩ thi đua, các nhóm phụ lão, các nhóm nhi đồng... gửi chào mừng Quốc hội và hứa sẽ tích cực thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là vấn đề cải cách ruộng đất.
Ngày 4-12-1953, kỳ họp của Quốc hội đã bế mạc. Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Thể theo ý chí, nguyện vọng của nông dân, Quốc hội đã quyết định một quốc sách quan hệ đến thắng lợi của kháng chiến, đến hạnh phúc của toàn dân là thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến, đưa "chiếc xe lịch sử dân tộc ta sẽ tiến lên giai đoạn mới vẻ vang. Quốc hội ta là người thợ đóng xe, nhân dân ta là động lực của xe. Chính phủ ta là người lái xe". Điều đó càng nổi bật lên hình ảnh của Quốc hội ta là "Quốc hội cách mạng, Quốc hội kháng chiến, Quốc hội cải cách ruộng đất".
Thực hiện Luật cải cách ruộng đất, cuộc cải cách ruộng đất đã được tổ chức thí điểm trong phạm vi 6 xã thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (từ 25-12-1953 đến 30-2-1954) và đợt I của cải cách ruộng đất được tiến hành ở 47 xã thuộc tỉnh Thái Nguyên và 6 xã tỉnh Thanh Hoá (từ tháng 5 đến tháng 9-1954). Kể từ tháng 4-1953 đến tháng 9-1954, đã tiến hành được 5 đợt giảm tô và 1 đợt cải cách ruộng đất trong vùng tự do. Tuy phạm vi thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất còn hẹp, song có ảnh hưởng tích cực rộng lớn trong cả nước. Quần chúng nông dân được phát động mạnh mẽ, hăng hái đóng góp sức người sức của cho kháng chiến. Mọi hoạt động của kháng chiến đều được đẩy mạnh. Tiền tuyến được tiếp thêm sức mạnh mới.
Giữa lúc cuộc vận động thực hiện triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất đang diễn ra, trên mặt trận quân sự, quân và dân Việt Nam tiến công mạnh mẽ khắp toàn chiến trường Đông Dương, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Điện Biên phủ là trận tiêu diệt chiến lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, "mãi mãi tiêu biểu cho tinh thần quật cường của dân tộc ta, đem sức mạnh đoàn kết phấn đấu, đem tinh thần anh dũng và tài thao lược của một dân tộc nhỏ, của một quân đội nhân dân còn non trẻ mà chống chọi với quân đội hiện đại của một nước đế quốc".
Thắng lợi của mặt trận quân sự trên toàn chiến trường trong Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là cơ sở để Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà mở cuộc tiến công trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, thực hiện đàm phán tại Giơnevơ năm 1954. Sau khi hội nghị giữa bốn cường quốc họp ở Beclin đã đồng ý với đề nghị của Liên Xô triệu tập Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, Ban Thường trực Quốc hội đã thảo luận và thống nhất với Hội đồng Chính phủ cử Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà do Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi dự Hội nghị Giơnevơ.
Căn cứ vào tình hình mới đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương mở rộng tháng 7-1954 đã quyết định dùng phương pháp thương lượng để lập lại hoà bình ở Đông Dương. Phương châm, sách lược đấu tranh của ta trong giai đoạn mới là: Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hoà bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và thực hiện dân chủ trong toàn quốc. Khẩu hiệu của ta là: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ .
Ban Thường trực Quốc hội cùng Chính phủ theo dõi diễn biến của hội nghị để có ý kiến chỉ đạo thích hợp và cùng Chính phủ quyết định việc ký hiệp định đình chiến lập lại hoà bình ở Đông Dương. Hiệp định Giơnevơ đã ghi nhận quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia.
Hoà bình được lập lại ở Đông Dương. Miền Bắc Việt Nam từ sông Bến Hải trở ra đã hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Việt Nam có cơ sở để tiến tới thống nhất Tổ quốc bằng tổng tuyển cử tự do trong cả nước.
"Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to".
Một tuần lễ sau ngày ký hiệp nghị, ngày 27-7-1954, vì chưa đủ điều kiện, thời gian để triệu tập Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội tổ chức hội nghị mở rộng của Ban Thường trực Quốc hội, với một số đại biểu có mặt ở Việt Bắc để thảo luận bản hiệp định đình chiến và nhất trí nhận định việc "ký hiệp nghị Giơnevơ là một thắng lợi lớn", đã gửi điện tỏ lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua nghị quyết và lời hiệu triệu gửi cho các vị đại biểu và toàn thể nhân dân.
Thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao ở Giơnevơ của nhân dân Việt Nam đã phản ảnh xu thế giải quyết chung các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng hoà bình và tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Đông Dương trong bối cảnh cụ thể của phe xã hội chủ nghĩa thế giới lúc đó.
Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (12-1946) đến khi hoà bình lập lại ở Đông Dương (7-1954), cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã trải qua 8 năm. Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đã tổ chức toàn dân đoàn kết chiến đấu, đã giữ trọn lời thề độc lập năm 1945, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đưa kháng chiến đến thắng lợi. Quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, của nhân dân hai nước Lào và Campuchia đã được Chính phủ Pháp và các nước dự Hội nghị Giơnevơ long trọng thừa nhận.
Đất nước Việt Nam chuyển sang một thời kỳ đấu tranh mới.
Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội của cả nước, Quốc hội dân tộc thống nhất tiếp tục gánh vác trọng trách đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương Tổng tuyển cử trong cả nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, ra sức xây dựng miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.