Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954 đánh dấu thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Theo Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi hoàn toàn giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế và văn hoá theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất đất nước. Song đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, lập ra chế độ "Việt Nam cộng hoà", hòng chia cắt lâu dài đất nước, biến Miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Lợi dụng sự thất bại không tránh khỏi của Pháp, Mỹ đã gây sức ép buộc Bảo Đại ký Sắc lệnh số 38-QT ngày 16-6-1954 chỉ định Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng Chính phủ để lập nội các mới. Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Sài Gòn và ngày 7-7-1954 chính thức lên làm Thủ tướng thay Bửu Lộc. Tháng 9-1954, Mỹ quyết định viện trợ trực tiếp cho Ngô Đình Diệm. Ngày 29-12-1954, Pháp lại ký hiệp ước trao quyền hành chính ở miền Nam cho Ngô Đình Diệm. Giữa năm 1955, Pháp tuyên bố chấm dứt chế độ cao uỷ ở miền Nam, rũ bỏ trách nhiệm một bên phải thi hành Hiệp định Giơnevơ. Ngày 16-7 và ngày 9-8-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm chính thức tuyên bố từ chối hiệp thương tổng tuyển cử và Hiệp định Giơnevơ.
Sau khi dẹp tan các lực lượng chống đối trước mắt là các lực lượng thân Pháp, các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, ngày 23-10-1955, Diệm bày tỏ "trưng cầu dân ý" phế truất Bảo Đại, công bố "Hiến ước tạm thời" (26-11-1955) về việc thành lập một "Uỷ ban soạn thảo dự án Hiến pháp của quốc gia Việt Nam" âm mưu biến miền Nam thành quốc gia riêng biệt; tuyên bố thành lập chế độ cộng hoà và lên làm Tổng thống, thâu tóm toàn bộ quyền hành trong tay gia đình họ hàng thân tín. Ngày 4-3-1956, Ngô Đình Diệm tổ chức bầu "Quốc hội" riêng rẽ và ngày 26-10-1956, công bố "Hiến pháp nước Việt Nam cộng hoà". Rõ ràng việc tổng tuyển cử bầu "Quốc hội" riêng và sự tồn tại của "Việt Nam cộng hoà" là hoàn toàn bất hợp pháp, trái với tinh thần và lời văn của Hiệp định Giơnevơ. Điều 7 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ ghi rõ: "Hội nghị tuyên bố là về phần Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sẽ làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, đảm bảo trong một chế độ dân chủ thành lập do tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín" và ở Việt Nam "Cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956..., kể từ ngày 20-7-1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó".
Mặc dù đế quốc Mỹ và tay sai ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, song Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn kiên trì bảo vệ Hiệp định, đấu tranh với Nhà đương cục ở miền Nam Việt Nam phải cùng với miền Bắc tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử trong cả nước. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do toàn dân bầu năm 1946 là Quốc hội thống nhất của cả nước vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đấu tranh để thống nhất đất nước, vừa ra sức khôi phục kinh tế, hoàn thành công cuộc cải cách ruộng đất, bắt đầu xây dựng miền Bắc trong điều kiện hoà bình.
Sau khi hoà bình được lập lại, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã về thủ đô. Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh bắt đầu thực hiện ở miền Bắc. Quốc hội có điều kiện họp thường xuyên theo định kỳ. Nội dung hoạt động của Quốc hội phong phú và toàn diện hơn nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền đất nước.
Từ ngày 20-3 đến 26-3-1955, Quốc hội đã họp kỳ thứ tư tại Nhà hát lớn Hà Nội. "Khoá họp này là khoá họp đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơnevơ, để đẩy mạnh cải cách ruộng đất, để phục hồi và phát triển kinh tế, để nâng cao đời sống nhân dân, để củng cố chính quyền, củng cố Quân đội nhân dân, tiến lên thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước". Đó cũng là kỳ họp thứ nhất trong hoà bình thắng lợi, giữa thủ đô giải phóng.
Dự kỳ họp có 206 đại biểu Quốc hội của cả nước, trong đó Bắc Bộ có 102 đại biểu, Trung Bộ có 61 đại biểu, Nam bộ có 37 đại biểu, 6 đại biểu được "truy nhận"; 37 đại biểu vắng mặt vì lý do đau ốm hoặc đang đảm nhiệm những công tác không thể đến được. Phần lớn các đại biểu nói trên đang công tác trong các ngành, các giới và nhiều đại biểu đảm nhiệm những trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tại kỳ họp này, nhiều đại biểu miền Nam lần đầu tiên tham gia kỳ họp của Quốc hội vì trong các kỳ họp trước do hoàn cảnh công tác và kháng chiến không thể có mặt. So với kỳ họp đầu tiên, số đại biểu có mặt tại kỳ họp này giảm tới 1/3 trên tổng số đại biểu chính thức được bầu trước đây. 39 vị đã từ trần, trong đó có Phạm Bá Trực, đại biểu Hà Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một vị linh mục kính chúa yêu nước mất ngày 5-10-1954, là người "đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam...; đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng".
Quốc hội đã nghe lời chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội và báo cáo của Chính phủ.
Báo cáo của Chính phủ đã khái quát thành tích của nhân dân ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến kháng chiến chống Pháp thắng lợi và từ ngày hoà bình lập lại, đồng thời nêu rõ nhiệm vụ trước mắt của nhân dân ta trong giai đoạn mới. Quốc hội còn nghe, thảo luận các báo cáo và ra các nghị quyết quan trọng về vấn đề thi hành Hiệp định Giơnevơ, về cải cách ruộng đất, về kinh tế tài chính, các chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, văn hoá xã hội.
Kỳ họp thứ tư của Quốc hội được coi như kỳ họp tổng kết, đánh giá một thời kỳ lịch sử 10 năm của dân tộc từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công và xác định một loạt phương hướng, nhiệm vụ, chính sách lớn để Chính phủ thực thi trong giai đoạn cách mạng mới.
Nghị quyết của Quốc hội khẳng định:
"Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hoàn toàn tán thành toàn bộ chính sách và công tác của Chính phủ kể từ ngày bắt đầu kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nhân dân ta đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi Giơnevơ và tỏ lời nhiệt liệt hoan nghênh Chính phủ đã thu được kết quả tốt đẹp trong công tác".
"Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyệt đối tín nhiệm và triệt để ủng hộ Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã điều khiển cuộc kháng chiến đến thắng lợi ngày nay. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tỏ lòng tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, cuộc đấu tranh gay go gian khổ và phức tạp của nhân dân ta để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, trước hết và căn bản là củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất bằng Tổng tuyển cử tự do, chống âm mưu của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm tay sai của chúng phá hoại hoà bình, chia cắt đất nước, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn".
Kỳ họp thứ tư cũng như trong tất cả các kỳ họp và các hoạt động của mình, Quốc hội đều dành phần quan tâm đặc biệt tới cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam vì sự nghiệp hoà bình thống nhất Tổ quốc. Trong lời chào mừng Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Miền Nam là ruột thịt, xương máu của chúng ta. Miền Nam oanh liệt nêu cao ngọn cờ kháng chiến đầu tiên và đã chiến đấu anh dũng cho đến khi có lệnh ngừng bắn để thi hành Hiệp định Giơnevơ. Miền Nam một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc, với dân tộc. Tất cả tâm hồn và nghị lực miền Nam hướng về miền Bắc, về Thủ đô, về Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, về Trung ương Đảng Lao động.
Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi.
Phiên họp này lại nêu cao ý chí đó: Quyết tâm đấu tranh và quyết tâm giành thắng lợi.
Từ phiên họp đầu tiên tại nơi này cách đây chín năm, Quốc hội đã cùng Chính phủ và sát cánh với nhân dân, đoàn kết và chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quốc hội đã góp phần rất to lớn vào thắng lợi của kháng chiến. Thắng lợi ấy đã đưa đến lập lại hoà bình trên đất nước yêu quý của chúng ta.
Hôm nay, tại Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội lại họp để tiếp tục cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc".
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và Tiểu ban ngoại giao về hiệp định đình chiến, Quốc hội đã ra quyết nghị về vấn đề hiệp định đình chiến. Bản quyết nghị viết:
"Quốc hội tỏ rõ ý chí của toàn dân kiên quyết thi hành triệt để Hiệp định Giơnevơ, ủng hộ đường lối thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ.
Quốc hội tỏ lòng căm phẫn và tố cáo trước nhân dân thế giới những tội ác của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và Ngô Đình Diệm phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, uy hiếp hoà bình ở Đông Dương, ở Đông Nam á và thế giới.
Quốc hội kêu gọi toàn dân từ Bắc đến Nam đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi xung quanh Hồ Chủ Tịch, kiên quyết phấn đấu cho hoà bình và thống nhất".
Cùng với cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước, công cuộc khôi phục kinh tế, củng cố và xây dựng miền Bắc vững mạnh được coi là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Để xây dựng và củng cố miền Bắc, một nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề được Quốc hội đặc biệt quan tâm là việc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế văn hoá, ổn định và cải thiện đời sống của các tầng lớp lao động ở nông thôn và thành thị. Quốc hội khẳng định nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế quốc dân bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, làm giảm bớt đời sống khó khăn của nhân dân là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, và theo phương châm: khôi phục và phát triển nông nghiệp, khôi phục công nghiệp, điều chỉnh thương nghiệp đều hướng về phục vụ nhân sinh, phục vụ cho sản xuất của nhân dân và công cuộc kiến thiết nước nhà. Khôi phục và phát triển kinh tế được cọi là nền tảng của toàn bộ công tác củng cố miền Bắc, bởi vì chỉ trên cơ sở nền kinh tế được khôi phục và phát triển, chúng ta mới củng cố được miền Bắc về mọi mặt: chính trị, quốc phòng, văn hoá, giáo dục, ngoại giao. Vì thế, ngay sau khi hoà bình vừa lập lại, việc khôi phục kinh tế đã được triển khai, có những việc bắt tay ngay sau khi tiếng súng vừa ngừng nổ như làm lại đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, xây dựng lại các công trình thuỷ lợi bị tàn phá trong chiến tranh. Sau khi tiếp quản Hà Nội và phần lớn vùng đồng bằng Bắc Bộ, việc khôi phục kinh tế đã được mở rộng và tiến hành trên quy mô lớn. Đầu năm 1955, Chính phủ đã đề ra chương trình hai năm khôi phục kinh tế mà những nét lớn đã được Kỳ họp thứ tư của Quốc hội thông qua. Chương trình kinh tế đó của Chính phủ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm. Quốc hội nhấn mạnh: "Nhiệm vụ chung của việc khôi phục kinh tế là dựa vào sức lực của nhân dân ta, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của các nước bạn - sức ta là chính - nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với cải cách ruộng đất; khôi phục và phát triển sản xuất thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và công nghiệp; khôi phục thương nghiệp và bình ổn vật giá; củng cố nền tài chính quốc gia; khôi phục giao thông vận tải".
Song song với nhiêm vụ khôi phục kinh tế, phát triền văn hoá, nhiệm vụ xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân là một trong những vấn đề được Quốc hội quan tâm đặc biệt. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khẳng định: "... Củng cố quốc phòng, củng cố quân đội nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ và của nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những ý nghĩ vì hoà bình đã trở lại mà coi nhẹ nhiệm vụ ấy đều hoàn toàn sai lầm.
... Hiện nay nhiệm vụ của quân đội nhân dân rất nặng nề: bảo vệ hoà bình, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn biên cương, đảm bảo trật tự và an ninh chung. Quân đội nhân dân cũng là một đội công tác, bất cứ ở đâu, lúc nào, đều vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ và nhân dân, khôi phục kinh tế, tiếp quản vùng giải phóng, v.v...
Trong lúc kháng chiến, nhân dân và Chính phủ quý mến và ra sức săn sóc bộ đội, bây giờ và sau này, nhân dân và Chính phủ luôn phải làm việc đó. Phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội. Đồng thời phải giáo dục bộ đội yêu thương nhân dân, một lòng trung thành với Tổ quốc, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, tôn trọng và tuân theo pháp luật của Chính phủ". Quốc hội đã thông qua chính sách "củng cố quốc phòng, củng cố quân đội" do Chính phủ đề ra nhằm xây dựng quân đội tiến dần lên theo hướng chính quy hiện đại.
Về vấn đề tôn giáo, nghị quyết của Quốc hội đề ra 6 nguyên tắc nhằm bảo đảm tự do tín ngưỡng:
1. Mọi công dân của nước Việt Nam đều được quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng. Các nhà tu hành được quyền tự do giảng đạo ở trong các cơ quan tôn giáo. Sách báo, tài liệu về tôn giáo được xuất bản theo đúng luật lệ của Chính phủ.
2. Các nhà tu hành, các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm nghĩa vụ người công dân Việt Nam, song có châm chước thích đáng về mặt thi hành nghĩa vụ người công dân để cho các nhà tu hành có điều kiện làm nghề tôn giáo.
3. Các nhà thờ, chùa, thánh thất được tôn trọng và bảo vệ.
4. Các cơ quan giáo lý, văn hoá, xã hội, các tổ chức công thương nghiệp của tôn giáo được bảo hộ.
5. Khi thi hành Luật cải cách ruộng đất, các tôn giáo sẽ có sự chiếu cố.
6. Những kẻ mượn danh nghĩa hoặc vin cớ tôn giáo để phá hoại hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phá hoại đoàn kết, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng của người khác hoặc làm trái pháp luật sẽ bị trừng trị.
Dựa trên 6 nguyên tắc đó, ngày 14-5-1955, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 234/SL về chính sách tôn giáo. Đến tháng 8-1955, Phủ thủ tướng ra Nghị định số 566/TTg thành lập các Ban tôn giáo ở Trung ương, khu và tỉnh.
Việt Nam là một nước có nhiều dân tộc. Một chính sách dân tộc đúng đã trở thành vẫn đề trọng yếu trong toàn bộ chính sách nội trị của Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách dân tộc trong kháng chiến và chính sách khu vực tự trị do Lê Văn Lương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đọc đã đề nghị Quốc hội quyết định chính sách lập các khu tự trị của các dân tộc thiểu số. Ngày 25-3-1955, Quốc hội đã quyết định thông qua chính sách khu vực tự trị của các dân tộc do Chính phủ đề ra. Trên cơ sở đó, ngày 29-4-1955, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 229/SL về chính sách dân tộc và Sắc lệnh số 230/SL quy định việc thành lập Khu tự trị Thái Mèo (Tây Bắc). Khu tự trị Tây Bắc được thành lập gồm 16 châu: Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên, Văn Chấn, Than Uyên, Phong Thổ, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, Mường Lay, Mường Tè, và Sình Hồ. Tiếp đến ngày 1-7-1956, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 268/SL quy định việc thành lập Khu tự trị Việt Bắc. Khu tự trị Việt Bắc gồm 5 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Thực hiện nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, tạo điều kiện đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, yêu cầu trước mắt là hoàn thành cải cách ruộng đất. Đến tháng 3-1955, đã thực hiện được 7 đợt giảm tô trong phạm vi 1352 xã thuộc 19 tỉnh trên miền Bắc gồm 5,7 triệu nhân khẩu; cải cách ruộng đất đang ở đợt 3, cả ba đợt cải cách ruộng đất đã diễn ra trong phạm vi 735 xã thuộc 7 tỉnh gồm 1,5 triệu nhân khẩu. Như vậy, kế hoạch giảm tô mới thực hiện được khoảng 40% số xã và cải cách ruộng đất mới đạt khoảng 20% số xã ở đồng bằng và trung du.
Tiếp tục thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất trong tình hình kháng chiến đã kết thúc, đất nước tạm thời chia làm hai miền, nên Chính phủ đã sửa đổi và bổ sung một số chính sách. Tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội thông qua Nghị quyết tán thành những điều bổ sung về cải cách ruộng đất của Chính phủ nhằm đặt cơ sở pháp lý cho việc triển khai cải cách ruộng đất trên quy mô lớn ở miền Bắc trong điều kiện mới. Những điểm bổ sung đó là: dùng hình thức Toà án thay cho những cuộc đại hội đấu tranh của nông dân, thu hẹp diện trưng thu, mở rộng diện trưng mua, quy định việc hiến ruộng, chiếu cố những địa chủ kháng chiến và gia đình địa chủ có con đi bộ đội, cán bộ, viên chức cách mạng, chiếu cố các nhà công thương kiêm địa chủ và những người tu hành.
Quốc hội cũng bày tỏ tín nhiệm Ban thường trực Quốc hội cũ và bổ sung thêm 3 uỷ viên mới là đại biểu miền Nam. Ban thường trực Quốc hội gồm:
Trưởng ban: Bùi Bằng Đoàn
Phó trưởng ban: Tôn Đức Thắng
Tôn Qung Phiệt
Uỷ viên chính thức: Trần Văn Cung
Dương Đức Hiền
Hoàng Văn Hoan
Nguyễn Văn Hưởng
Lê Tư Lành
Trần Huy Liệu
YNgông Niêk Đam
Cao Triều Phát
Nguyễn Đình Thi
Trần Tấn Thọ
Nguyễn Trí
Nguyễn Thị Thục Viên
Lê Thị Xuyến
Kỳ họp thứ năm của Quốc hội tiến hành từ ngày 15 đến 20-9-1955. Tham dự có 211 đại biểu. Kỳ họp này diễn ra trong hoàn cảnh miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất đang mở rộng vào vùng mới giải phóng, việc khôi phục kinh tế đang được đẩy mạnh. ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã công khai tuyên bố từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Chúng tiếp tục thi hành chính sách độc tài, phát xít dã man. Việc thi hành Hiệp định Giơnevơ chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ giải quyết vấn đề chính trị, đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Ngày 6-6-1955, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã tuyên bố "sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với những nhà đương cục có thẩm quyền ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20-7-1955 để bàn về vấn đề tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng 7-1956". Ngày 19-7-1955, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ công hoà kiêm Thủ tướng Chính phủ đã gửi công hàm cho Quốc trưởng và Thủ tướng Chính phủ miền Nam Việt Nam đặt vấn đề hiệp thương một cách thiết thực: "Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà chúng tôi đề nghị cùng các ông cử đại biểu để cùng đại biểu chúng tôi mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955 như đã định trong Hiệp định Giơnevơ, tại một địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam do hai bên cùng thoả thuận, để cùng nhau bàn về vấn đề thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc".
Kỳ họp thứ năm của Quốc hội đã:
"1. Vạch ra đường lối, phương châm phấn đấu để thi hành hiệp định Giơnevơ, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, theo phương pháp hoà bình.
2. Vạch ra những đường lối, phương châm khôi phục kinh tế để củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh của toàn dân, để củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất đất nước".
Quốc hội đã tố cáo và lên án những hành động phá hoại Hiệp định Giơnevơ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi các nước có liên quan phải tôn trọng và bảo đảm việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ. Nghị quyết của Quốc hội xác định:
"Hiện nay, tình hình chính trị và xã hội ở miền Bắc và miền Nam khác nhau. Muốn thực hiện một cách thuận lợi việc thống nhất Tổ quốc, phải chiếu cố đến lợi ích và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, dùng cách hiệp thương đi đến tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thực hiện thống nhất.
Dựa trên bản Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ đã vạch rõ đường lối đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình.
Cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà sẽ tiến hành trong toàn quốc theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bí mật. Mục đích của cuộc tổng tuyển cử tự do này là bầu một Quốc hội thống nhất để cử một Chính phủ liên hợp duy nhất cho toàn nước Việt Nam. Việc thành lập Chính phủ liên hợp sẽ tăng cường đoàn kết giữa các đảng phái, các tầng lớp, các dân tộc, các miền trên toàn cõi Việt Nam. Để chiếu cố tình hình khác nhau giữa hai miền, địa phương có quyền ra những luật lệ địa phương thích hợp với đặc điểm của địa phương và không trái với pháp luật chung của Nhà nước".
Bản nghị quyết nhấn mạnh: "Nhân dân ta bước vào một thời kỳ đấu tranh mới, rất gay go, gian khổ, phức tạp nhưng nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi, cũng như chúng ta đã thắng lợi trong cuộc kháng chiến 8, 9 năm qua. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kêu gọi nhân dân miền Bắc hãy ra sức đẩy mạnh củng cố miền Bắc về mọi mặt. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kêu gọi đồng bào miền Nam hãy đoàn kết đấu tranh chặt chẽ và rộng rãi trong Mặt trận Tổ quốc nhằm giữ gìn quyền lợi hằng ngày của mình và giành hoà bình, thống nhất cho Tổ quốc".
Quốc hội đã quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước, Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua quyết định mở rộng và bổ sung Chính phủ: Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng được cử làm Thủ tướng Chính phủ, và hai Phó Thủ tướng: Phan Kế Toại kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Võ Nguyên Giáp kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ Công thương chia làm hai bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp; Bộ Giao thông công chính chia làm hai bộ: Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc. Đặt thêm Bộ Cứu tế. Bộ Tuyên truyền đổi là Bộ Văn hoá và cử Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
Với quyết định mở rộng và bổ sung Chính phủ của Quốc hội (20-9-1955) nên thành phần Chính phủ gồm có:
Chủ tịch: Hồ Chí Minh
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao: Phạm Văn Đồng
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phan Kế Toại
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Võ Nguyên Giáp
Bộ trưởng Bộ Công an: Trần Quốc Hoàn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Nguyễn Văn Huyên
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Lê Văn Hiến
Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện: Nguyễn Văn Trân
Bộ trưởng Bộ Thuỷ Lợi và Kiến trúc: Trần Đăng Khoa
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp: Lê Thanh Nghị
Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp: Phan Anh
Bộ trưởng Bộ Y tế: Hoàng Tích Trí
Bộ trưởng Bộ Lao động: Nguyễn Văn Tạo
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Đình Hoè
Bộ trưởng Bộ Văn hoá: Hoàng Minh Giám
Bộ trưởng Bộ Thương binh: Vũ Đình Tụng
Bộ trưởng Bộ Cứu tế: Nguyễn Xiển
Bộ trưởng Bộ Nông lâm: Nghiêm Xuân Yêm
Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Phạm Hùng
Về Quốc kỳ, Quốc hội quyết định vẫn giữ nguyên lá cờ đỏ sao vàng lich sử như Sắc lệnh ngày 5-9-1945 của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và quyết định của Quốc hội kỳ họp thứ hai trước đây, nhưng mũi ngôi sao thon lại, năm góc thẳng đều nhau trông đẹp hơn, khoẻ hơn so với những cánh sao góc rộng. Cũng như quốc kỳ, để tôn trọng tính chất lịch sử, Quốc ca vẫn là bài "Tiến quân ca", giữ nguyên phần nhạc chỉ sửa lại phần lời cho phù hợp.
Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, vẫn chưa có quốc huy.
Vì vậy, cần phải có quốc huy để tượng trưng cho Nước. Sau khi cân nhắc nhiều mẫu, Quốc hội đã nhất trí chọn mẫu Quốc huy do Chính phủ đệ trình. Quốc huy hình tròn: nền đỏ sao vàng là tượng trưng cho lịch sử cách mạng và tiền đồ sán lạn của dân tộc cũng như cho chính thể dân chủ cộng hoà; bông lúa vàng bao quanh tượng trưng cho nông nghiệp; bánh xe tượng trưng cho công nghiệp.
Quốc hội bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ trần ngày 13-4-1955. Cụ Bùi Bằng Đoàn là một thân sĩ, đại biểu Hà Đông được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trong mấy năm bị ốm nặng, cụ vẫn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội diễn ra từ ngày 29-12-1956 đến 25-1-1957, có 230 đại biểu về dự họp. Đây là kỳ họp dài nhất của Quốc hội khoá I và diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Cải cách ruộng đất đã hoàn thành căn bản ở các vùng đồng bằng, trung du và đã thu được những thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Những sai lầm này diễn ra trong bối cảnh một số vụ biến động chính trị nảy sinh ở một vài nước xã hội chủ nghiã Đông Âu đã gây thêm những xao xuyến trong nhân dân. Vì vậy, kỳ họp này của Quốc hội nhằm "kiểm điểm công tác nội trị và ngoại giao của Chính phủ trong năm qua, xác định các thành tích đã đạt được, phê phán các sai lầm và thiếu sót, nhận định tình hình trong nước và thế giới, để quyết định các đường lối và chủ trương mới".
Quốc hội một lần nữa khẳng định lập trường của nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là kiên quyết nêu cao ngọn cờ hoà bình thống nhất, tiếp tục cuộc đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân chủ bằng phương pháp hoà bình, và coi đó là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Quốc hội nhất trí các chủ trương của Chính phủ về tiếp tục củng cố miền Bắc, giữ vững và phát triển phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, trước mắt là tăng cường đấu tranh để khôi phục và phát triển quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc. Đồng thời, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo về tư tưởng và tổ chức cho cuộc đấu tranh đó: Tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về đường lối đấu tranh thống nhất sâu rộng trong toàn dân hai miền Nam - Bắc, khắc phục những tư tưởng sai lầm như nôn nóng, chủ quan hoặc bàng quan, xây dựng và bổ sung các chính sách cụ thể, nhất là các chính sách về quan hệ hai miền Nam - Bắc, kiện toàn các cơ quan làm nhiệm vụ trên về cán bộ, phương tiện để làm nhiệm vụ. Quốc hội nêu rõ: "Để đoàn kết toàn dân trên cơ sở bản Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hoan nghênh mọi cố gắng, mọi cống hiến của tất cả những người Việt Nam yêu nước cho sự nghiệp thống nhất nước nhà; hoan nghênh mọi sự tiếp xúc, trao đổi ý kiến giữa các cá nhân, các đoàn thể ở miền Bắc, miền Nam, trong nước, ngoài nước, nhằm thống nhất hành động chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, phấn đấu cho một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 30-5-1957, Hội đồng Chính phủ đã sáp nhập Ban Thống nhất và Ban Quan hệ Bắc - Nam thành Ban Thống nhất Trung ương để tăng cường và tập trung chỉ đạo đấu tranh.
Quốc hội đã theo dõi từng bước cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tai sai. Quốc hội đã nhiều lần bày tỏ kịp thời thái độ của mình đối với diễn biến tình hình chính trị miền Nam như lên án chính sách đàn áp khủng bố dã man của Mỹ - Diệm và ủng hộ đồng bào miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng. Trên diễn đàn của tất cả các kỳ họp Quốc hội từ sau hoà bình, những báo cáo và tham luận về tình hình miền Nam và đấu tranh thống nhất Tổ quốc luôn luôn là tiếng nói xúc động sâu xa mạnh mẽ nhất. Quốc hội dành phần ưu ái quan tâm đặc biệt tới đồng bào, chiến sĩ và con em miền Nam tập kết ra Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em về mọi mặt công tác, học tập, sinh hoạt để ngày càng tiến bộ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp củng cố miền Bắc. Đồng bào miền Nam chẳng những quan tâm tới những thành tựu của miền Bắc về chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, thể hiện tính ưu việt của chế độ miền Bắc so với chế độ thực dân mới ở miền Nam, mà còn rất chú ý tới sự đóng góp của anh em miền Nam tập kết ra Bắc trong công cuộc kiến thiết miền Bắc. Miền Nam theo dõi công tác, sinh hoạt và bước trưởng thành của con em mình để đặt tin tưởng vào miền Bắc. Trên thực tế, anh chị em tập kết đã tích cực và có nhiều cống hiến xây dựng miền Bắc. Báo cáo của Chính phủ về tình hình đấu tranh thống nhất trước Kỳ họp thứ bẩy của Quốc hội đã nêu ra một vài con số cụ thể. Tính về số lượng thì có trên 6000 cán bộ, công nhân viên quê ở miền Nam trong ngành công nghiệp tham gia phục hồi và phát triển các hệ thống nông giang và ngành vận tải thuỷ. ở nhiều ngành công tác, thành phần lãnh đạo và kỹ thuật, anh chị em miền Nam chiếm một tỷ lệ quan trọng, như cảng Hải Phòng chiếm tỷ lệ 95%. Anh chị em đã có nhiều cố gắng trong công tác. Sự trưởng thành và đóng góp của anh chị em miền Nam tập kết đã thường xuyên được Quốc hội quan tâm theo dõi và động viên, khích lệ.
Đối với công tác cải cách ruộng đất, Quốc hội đã dành phần chú ý đặc biệt để đánh giá kết quả và sai lầm.
Trước những sai lầm nghiêm trọng trong công tác thực hiện cải cách ruộng đất, nhất là các đợt 4 và 5, ngay từ tháng 9-1956, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 10, nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm trong lãnh đạo, đã công khai tự phê bình trước toàn Đảng, toàn dân, vạch kế hoạch kiên quyết lãnh đạo sửa sai và đã xử lý kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo của Đảng giữ vai trò chủ yếu trong chỉ đạo cải cách ruộng đất.
Vào hạ tuần tháng 10-1956, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiểm điểm việc thi hành Luật cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức, quyết định những chính sách cụ thể để sửa sai lầm. Hội đồng Chính phủ quyết định các Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương và địa phương không có quyền chỉ đạo mà chỉ là những cơ quan nghiên cứu trực thuộc chính quyền các cấp, quyết định bãi bỏ các Toà án nhân dân đặc biệt; quyết định kỷ luật những cán bộ trực tiếp chỉ đạo cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã phạm sai lầm nghiêm trọng.
Báo cáo của Chính phủ trước Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc ngày 2-1-1957, kiểm điểm về công tác cải cách ruộng đất đã nêu rõ: Cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã căn bản hoàn thành, giai cấp địa chủ đã căn bản bị đánh đổ, chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất bị xoá bỏ. Nông dân đã làm chủ nông thôn, nguyện vọng lâu đời của người nông dân là người cày có ruộng đã được thực hiện. Sức sản xuất ở nông thôn đã được giải phóng, đời sống nhân dân bước đầu đã được cải thiện, mở đường cho việc phát triển công thương nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển kinh tế và văn hoá. Đó là những thành tích căn bản.
Đồng thời báo cáo của Chính phủ cũng kiểm điểm những sai lầm nghiêm trọng phạm phải trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất. Trước hết đó là những sai lầm trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ở nông thôn. Từ đó dẫn đến những sai lầm trong việc phân định thành phần, đưa nhiều nông dân lao động lên địa chủ. Ngay trong nông dân, việc phân định thành phần cũng có nhiều trường hợp không đúng, làm cho nhiều trung nông bị đả kích, thậm chí một số bần cố nông cũng bị xử lý sai. Đối phú nông thì không liên hiệp mà là cô lập bao vây, đối xử gần như địa chủ. Đối với địa chủ thì thiếu sự phân biệt đối đãi, không chiếu cố đúng mức địa chủ kháng chiến, gia đình địa chủ có con em đi bộ đội, làm cán bộ, gia đình địa chủ có công với cách mạng. Việc chấp hành chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc trong cải cách ruộng đất cũng phạm phải nhiều thiếu sót, sai lầm. Đặc biệt nghiêm trọng là sai lầm trong việc chấp hành "đánh địch" và công tác chỉnh đốn tổ chức; không tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách đoàn kết của mặt trận, dẫn đến đánh tràn lan, đánh vào địch đồng thời cũng đánh cả vào ta, dùng truy bức, bắt bớ, xử trí khiến một số người vô tội bị thiệt mạng.
Những sai lầm trên có nhiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan và nguồn gốc sâu xa, trong đó có những vấn đề cơ bản như chưa nhận thức đầy đủ những đặc điểm của xã hội nước ta, mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp ở Việt Nam. Đó là những sai lầm trong tư tưởng chỉ đạo, tả huynh, áp dụng máy móc những kinh nghiệm nước ngoài. Việc tổ chức thực hiện đã có những thiếu sót rất nghiêm trọng. Các cơ quan cải cách ruộng đất tổ chức thành một hệ thống riêng từ trên xuống dưới với những quyền hạn quá rộng, vượt ra ngoài pháp luật của Nhà nước. Hiện tượng độc đoán, chuyên quyền đã trở nên trầm trọng, chủ quan, tự mãn, trấn áp, xử lý bừa bãi, đàn áp ý kiến và thúc ép làm theo ý mình; quan liêu, thoát ly thực tế, không lắng nghe ý kiến quần chúng, không quan tâm đến lợi ích quần chúng, thiếu kiểm tra đúng đắn kịp thời, buông lỏng lãnh đạo, theo đuổi quần chúng nên càng làm cho những sai lầm kéo dài, mãi tới khi trầm trọng mới được phát hiện. Báo cáo của Chính phủ viết:
"Những sai lầm nghiêm trọng ấy đã gây thiệt hại cho chúng ta, đau thương cho đồng bào về tính mệnh, tài sản, tinh thần, tình cảm, gây tình hình căng thẳng ở nông thôn, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, tinh thần phấn khởi sản xuất và lòng tin tưởng của nhân dân.
Trước những sai lầm nghiêm trọng đã phạm trong công tác cải cách ruộng đất, trước những hậu quả của sai lầm ấy, Chính phủ vô cùng thông cảm với mọi nỗi đau xót và lo lắng của đồng bào, thành khẩn nhận trách nhiệm của mình với đồng bào".
Sau khi nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm thiếu sót, Chính phủ đã đề ra một kế hoạch sửa chữa sai lầm gồm ba bước cụ thể, với tinh thần kiên quyết, khẩn trương, thận trọng, từng bước có trọng điểm, có kế hoạch chu đáo, có lãnh đạo chặt chẽ và cảnh giác trước sự phá hoại của địch.
Quốc hội đã nghe và thảo luận nội dung báo cáo trên của Chính phủ. Cuộc thảo luận diễn ra rất sôi nổi, nhiều khi căng thẳng nhưng chân tình xây dựng và đầy tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội đã nhất trí ra Nghị quyết về công tác cải cách ruộng đất, tán thành đánh giá của Chính phủ về thành tích và khuyết điểm sai lầm trong cải cách ruộng đất và những biện pháp sửa sai. Đồng thời Quốc hội đồng ý với Chính phủ thi hành kỷ luật một số cán bộ có trách nhiệm chính trong việc phạm sai lầm này.
Về phần mình, với tư cách là cơ quan lập pháp, Quốc hội đã khẳng định "Luật cải cách ruộng đất và các chính sách bổ sung mà Quốc hội đã thông qua căn bản là chính xác". Những sai lầm và thiếu sót nêu trên hoàn toàn xa lạ với luật pháp và chính sách của Nhà nước xét cả về mục tiêu, nhiệm vụ, phương châm tiến hành và những nguyên tắc cơ bản đề ra trong giảm tô và cải cách ruộng đất.
Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng của cuộc vận động cải cách ruộng đất là "trái với một số điều đã ghi trong Luật cải cách ruộng đất mà Quốc hội đã thông qua, trái với chế độ pháp trị dân chủ của Nhà nước, với chính sách của Mặt trận Tổ quốc".
Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và Ban Thường trực Quốc hội với tư cách là cơ quan thường vụ của Quốc hội, còn có quyền giám sát việc thi hành luật pháp, xét và đề ra để Chính phủ sửa đổi hoặc huỷ bỏ những sắc lệnh, nghị định không phù hợp. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân về sai lầm trong giảm tô và cải cách ruộng đất đã sớm được phản ánh lên Quốc hội. Song Ban Thường trực Quốc hội đã không đi sát nhân dân, tìm hiểu nguyên nhân, không kịp thời góp ý kiến với Chính phủ để việc sửa chữa được thực hiện sớm. Đứng về mặt này mà xét, Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội cũng chịu một phần trách nhiệm về những sai lầm kéo dài và trầm trọng trên đây. Ban thường trực Quốc hội đã kiểm điểm, tự phê bình và nhận phần trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước nhân dân.
Nghị quyết trên của Quốc hội thể hiện quyết tâm cao của Nhà nước trong việc sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất .
Nhiệm vụ sửa chữa sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã được tiến hành khẩn trương và thận trọng, từng bước có trọng điểm.
Nhân dân, cán bộ, đảng viên cũng như các đại biểu Quốc hội bị xử lý oan, bị xâm phạm danh dự, tài sản trong cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức đã thể hiện tinh thần yêu nước và thái độ xây dựng, đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng lên trên hết. Và từ khi được trả lại tự do và danh dự, phần lớn đã tham gia ngay vào việc sửa sai, góp phần ổn định nông thôn và lòng dân, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới.
Riêng đối với những trường hợp một số đại biểu Quốc hội bị xử lý sai trong cải cách ruộng đất, ngày 20-9-1956, Ban Thường trực Quốc hội đã cùng Thủ tướng Chính phủ thành lập một Ban điều tra gồm năm người do Uỷ viên Thường trực Quốc hội Trần Huy Liệu làm Trưởng ban, có nhiệm vụ xem xét vấn đề này và báo cáo trước kỳ họp cuối năm 1956 của Quốc hội. Sau khi nghiêm túc điều tra, sáu đại biểu Quốc hội bị bắt giam và xử lý trong cải cách ruộng đất, đã được trả lại tự do, danh dự, tài sản và công quyền.
Sự thành khẩn và nghiêm khắc thừa nhận sai lầm đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trước nhân dân, làm cho nhân dân yên tâm, tin tưởng, đồng tình và ủng hộ chính sách sửa sai của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó mà kế hoạch sửa sai đã nhanh chóng được hoàn thành tốt.
Quốc hội đã thảo luận đánh giá toàn bộ các hoạt động nội trị, ngoại giao của Chính phủ và kết luận: "Nhìn chung thì thành tích là chủ yếu, là căn bản và nhất định ngày càng được phát huy thêm; sai lầm khuyết điểm là bộ phận, là tạm thời, nhất định khắc phục được và hiện đang được khắc phuc. Quốc hội nhất trí quyết nghị nhiệt liệt hoan nghênh và hoàn toàn tín nhiệm Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo" .
Việc xây dựng một hệ thống pháp luật nhằm thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân và đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trên quy mô ngày càng lớn đã trở thành yêu cầu bức thiết.
Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do hoàn cảnh chiến tranh, việc xây dựng luật pháp của Nhà nước ta còn chậm trễ. Cho đến Kỳ họp thứ sáu, trải qua hơn 10 năm hoạt động, ngoài bản Hiến pháp năm 1946, Quốc hội chỉ thông qua dự án Luật lao động (11-1946) và Luật cải cách ruộng đất (12-1953).
Dưới chế độ dân chủ cộng hoà, quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam đã dần dần được nâng cao. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, một số quyền bị hạn chế như quyền ứng cử, bầu cử vào các cơ quan chính quyền địa phương, quyền tự do thân thể... Giờ đây, trong điều kiện hoà bình, những biện pháp đặc biệt của thời kỳ kháng chiến cần được sửa đổi. Hơn nữa, các sắc lệnh đã ban hành về các quyền tự do dân chủ, có chỗ không còn phù hợp, có chỗ cần phải thống nhất lại thành một đạo luật để việc áp dụng được dễ dàng thuận lợi. Về hình thức cũng có nhiều luật không được xây dựng theo đúng các nguyên tắc pháp chế. Nhiều quy định cần phải do sắc lệnh đề ra thì lại để thông tư hay nghị định làm thay. Vì vậy, cùng với việc giáo dục cán bộ, nhân dân tôn trọng pháp luật, cần phải quy định bằng luật các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Kỳ họp thứ sáu đánh dấu bước phát triển mới trong chức năng lập pháp của Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua bốn luật: về quyền tự do hội họp; quyền lập hội; về bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân; về chế độ báo chí.
Luật quy định quyền tự do hội họp có 10 điều. Luật khẳng định "Quyền tự do hội họp của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp" (Điều 1).
"Người nào lợi dụng quyền tự do hội họp để hoạt động trái pháp luật, chống lại chế độ, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, chia rẽ dân tộc, phá tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tuyên truyền chiến tranh, âm mưu phá hoại sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, hành động có phương hại đến trật tự an ninh chung, hoặc đến thuần phong mỹ tục, sẽ bị truy tố trước Toà án và xử lý theo luật lệ hiện hành, và cuộc hội họp sẽ bị cấm hoặc bị giải tán" (Điều 7).
Luật quy định quyền lập hội có 12 điều ghi rõ: "Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích của nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta" (Điều 1). "Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp và có quyền tự do ra hội" (Điều 2).
Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân có 5 chương gồm 19 điều. Luật quy định: "Quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm các quyền ấy" (Điều 1). Việc bắt giam người phạm đến pháp luật Nhà nước, việc khám người, nhà ở, đồ vật, thư tín phải theo thủ tục quy định chặt chẽ.
Các luật về bảo đảm tự do thân thể và các quyền tự do dân chủ nói trên đã được phổ biến rộng rãi, góp phần làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ chủ trương mở rộng và bảo đảm quyền dân chủ là phù hợp với lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của nhân dân.
Luật về chế độ báo chí có 3 chương gồm 19 điều. Luật "bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí và ngăn cấm những kẻ lợi dụng quyền ấy để làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà" (Điều 1). "Báo chí dưới chế độ ta, bất kỳ là của một cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, ủng hộ chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà" (Điều 2).
Quốc hội đã thảo luận và ra nghị quyết về các vấn đề kinh tế, tài chính ngân sách, văn hoá xã hội, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đưa Quân đội nhân dân tiến dần lên chính quy và hiện đại, công tác dân tộc, ngoại giao, sửa đổi Hiến pháp, tổ chức Quốc hội, v.v...
Về việc sửa đổi Hiến pháp, nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ: xã hội Việt Nam đã có những biến chuyển quan trọng, miền Bắc đang xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, từng bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, cho nên Hiến pháp năm 1946 cần phải sửa đổi và bổ sung để phản ánh đúng thực tế xã hội, những thắng lợi của cách mạng và nêu rõ định hướng tiến lên của cách mạng. Vì vậy, Quốc hội đã tán thành đề nghị của Ban Thường trực về việc cần sửa đổi Hiến pháp 1946 và phải cử ra một ban phụ trách việc nghiên cứu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ngày 23-1-1957, Quốc hội đã bầu ra Ban sửa đổi Hiến pháp gồm 29 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
Về tổ chức, Quốc hội quyết định sẽ tổ chức tuyển cử bổ sung để bầu một số đại biểu thay thế cho số đại biểu đã khuyết, quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội là phải giữ sự liên hệ mật thiết với nhân dân ở các địa phương đã bầu ra mình hoặc là ở một nơi thuận lợi, quy định số lượng và quyền hạn của Ban Thường trực giữa hai kỳ họp Quốc hội.
Quốc hội quy định giữa hai kỳ họp của Quốc hội, Ban Thường trực có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Triệu tập Quốc hội và giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội;
- Biểu quyết sắc luật do Chính phủ đề ra. Những sắc luật đó đều đem trình Quốc hội vào kỳ họp gần nhất. Những sắc luật được Quốc hội chuẩn y trở thành những đạo luật của Nhà nước;
- Xét và đề ra để Chính phủ sửa đổi hoặc huỷ bỏ những sắc lệnh và nghị định không phù hợp với những đạo luật và sắc luật;
- Thoả thuận với Chính phủ về cử người thay thế hoặc bổ sung Bộ trưởng. Danh sách những Bộ trưởng được cử sẽ đệ trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất;
- Thoả thuận với Chính phủ về việc thi hành những hiệp ước ký với nước ngoài. Những hiệp ước này phải đưa trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Ban Thường trực Quốc hội có 15 Uỷ viên chính thức và ba Uỷ viên dự khuyết, gồm một Trưởng ban, một Phó ban, một Thư ký và các Uỷ viên. Các Uỷ viên trong Ban thường trực Quốc hội không giữ chức vụ trong Chính phủ.
Quốc hội sẽ họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ; trong trường hợp cần thiết sẽ họp bất thường.
Về hoạt động của các đại biểu Quốc hội, bản nghị quyết kiến nghị giải quyết một số vấn đề cụ thể để các đại biểu làm tròn nhiệm vụ và nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội phải giữ liên hệ với nhân dân địa phương đã bầu ra mình hay là một nơi thuận lợi với hoàn cảnh cư trú. Những chủ trương và biện pháp cụ thể về tổ chức trên đây đã giúp cho Ban thường trực và các đại biểu Quốc hội hoạt động có kết quả, kịp thời và tăng cường được mối liên hệ với nhân dân.
Quốc hội đã bầu Ban Thường trực mới gồm:
Trưởng ban: Tôn Đức Thắng
Phó trưởng ban: Tôn Quang Phiệt
Uỷ viên thư ký: Trần Đình Tri
Uỷ viên chính thức: Hoàng Văn Hoan
Trần Huy Liệu
YNgông Niêk Đam
Xuân Thuỷ
Nguyễn Văn Hưởng
Dương Bạch Mai
Trần Mạnh Quỳ
Nguyễn Thị Thục Viên
Dương Đức Hiền
Lê Huy Vân
Bồ Xuân Luật
Hoàng Văn Đức
Uỷ viên dự khuyết: Ngô Tử Hạ
Nguyễn Sơn Hà
Nông Văn Lạc
Sau kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ đã đẩy mạnh công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Kế hoạch khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hoá, ổn định đời sống nhân dân tiếp tục tiến triển tốt. Chính quyền, nền Quốc phòng toàn dân, an ninh chính trị được củng cố. Các Nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu đã đẩy mạnh thêm một bước các sinh hoạt dân chủ của nhân dân, hướng dẫn đúng đắn các hoạt động của Nhà nước, tăng cường các hoạt động của Quốc hội. Về mặt lập pháp, Quốc hội quy định: các chính sách lớn của Nhà nước về mặt pháp lý phải được quy định bằng những đạo luật do Quốc hội biểu quyết. Khi Quốc hội chưa họp được thì phải được quy định bằng những sắc luật do Chính phủ đề nghị và Ban Thường trực Quốc hội biểu quyết. Các sắc luật đó phải được Quốc hội thông qua trong kỳ họp gần nhất. Vì vậy, biểu quyết các sắc luật của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban thường trực Quốc hội.
Tiểu ban Luật pháp của Ban Thường trực Quốc hội được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu các dự án sắc luật, trao đổi với các cơ quan pháp chế của Chính phủ để có sự thống nhất ý kiến trước khi đưa ra Ban Thường trực Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Ban Thường trực Quốc hội đã xem xét và biểu quyết bốn sắc luật để đệ trình tại kỳ họp thứ bảy sắp tới. Đó là Sắc luật cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế; Sắc luật về chế độ xuất bản; Sắc luật quy định những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp được ghi ở Điều 4 đạo luật về tự do thân thể; Sắc luật quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.
Ban Thường trực Quốc hội cũng thường xuyên theo dõi và nghiên cứu các sắc lệnh, nghị định của Chính phủ nhằm bảo đảm cho các văn bản ấy không trái với các đạo luật hiện hành; liên hệ, tiếp xúc với nhân dân, nhất là với cử tri của mình để báo cáo trước nhân dân về kết quả của kỳ họp, phổ biến nghị quyết của Quốc hội; lắng nghe ý kiến của nhân dân, những khiếu tố của dân là một nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với dân là một đặc tính thuộc về bản chất của Quốc hội của dân, do dân và vì dân. Sau kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, chỉ trong vòng một tháng đã có 180 đại biểu về tiếp xúc với nhân dân, tổ chức hơn 620 cuộc nói chuyện trước 60 vạn người từ Trung ương đến địa phương, trong các xí nghiệp, nông trường, đơn vị bộ đội, trường học. Quốc hội đã cử các đoàn đại biểu về động viên nhân dân Mai Lâm chống lụt năm 1957 và nhân dân 14 tỉnh chống hạn đầu năm 1958, v.v.. Ban Thường trực Quốc hội đã cử một số Uỷ viên Thường trực và đại biểu gia nhập các phái đoàn Quốc hội, hay phái đoàn của Chính phủ, Mặt trận đi công tác ở các địa phương. Các đơn từ phản ánh tình hình, các yêu cầu khiếu nại của nhân dân gửi lên Ban Thường trực Quốc hội đã được Tiểu ban dân nguyện nghiên cứu và tuỳ từng trường hợp phối hợp với các cơ quan Chính phủ giải quyết thích đáng. Ban Thường trực Quốc hội, qua công tác điều tra, căn cứ vào phản ánh của đại biểu Quốc hội và đơn từ của nhân dân, đã góp ý với Chính phủ để giải quyết tích cực và cụ thể. Mối quan hệ của Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ ngày càng chặt chẽ và tăng cường. Chính phủ hết sức coi trọng việc thực hiện chu đáo các nghị quyết của Quốc hội.
Đối với tham luận của các đại biểu đọc trước Quốc hội, các đề nghị và nhận xét của đại biểu Quốc hội phản ánh tình hình địa phương đều được các Bộ, Ban chú ý nghiên cứu khai thác. Nhiều đề nghị xác đáng được ghi vào trong chương trình hoạt động của các ngành. Trong mối quan hệ hàng ngày, Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội liên lạc với nhau mật thiết. Sau mỗi cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, mỗi khi có những quyết định quan trọng, Chính phủ đều cử đại diện đến báo cáo trước hội nghị Ban Thường trực Quốc hội. Do đó, Ban Thường trực Quốc hội có điều kiện góp ý vào những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng của đất nước. Ngoài ra, để Ban Thường trực Quốc hội theo dõi được tình hình chung, nắm được tình hình hoạt động của Chính phủ và cũng để Chính phủ biết được hoạt động của Ban thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Phủ Thủ tướng và Văn phòng Ban thường trực Quốc hội đã thường xuyên trao đổi tài liệu, tin tức, chương trình công tác. Mối quan hệ giữa Ban thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội được tăng cường hơn thông qua việc liên hệ thường xuyên, trao đổi thư từ, cung cấp tài liệu, tổ chức gặp gỡ để các đại biểu hiểu rõ được tình hình hoạt động của các cơ quan nhà nước, theo dõi được việc thi hành các nghị quyết của Quốc hội. Ngược lại, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ cũng nắm vững hơn tình hình các địa phương, nguyện vọng của nhân dân và việc chấp hành các chủ trương, chính sách ở từng ngành, từng địa phương một cách cụ thể.
Về mặt kiện toàn tổ chức, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định tăng thêm số lượng các Uỷ viên chuyên trách, tăng cường các bộ phận giúp việc về hành chính và nghiên cứu của Ban. Ba Tiểu ban nghiên cứu đã được thành lập: Tiểu ban luật pháp phụ trách nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến công tác pháp luật, Tiểu ban tuyển cử bổ sung phụ trách nghiên cứu việc chuẩn bị thực hiện nghị quyết tuyển cử bổ sung, Tiểu ban dân nguyện phụ trách việc nghiên cứu các đơn từ, nguyện vọng, các ý kiến của nhân dân đề đạt lên Quốc hội. Mỗi tiểu ban đều có Uỷ viên thường trực phụ trách và một số cán bộ giúp việc.
Nhờ kiện toàn tổ chức, nên Ban Thường trực Quốc hội bảo đảm tốt hơn các nhiệm vụ được Quốc hội giao phó.
Ban sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội quyết định thành lập ngày 23-1-1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban đã làm việc khẩn trương và thận trọng theo kế hoạch ba bước: Bước thứ nhất, nghiên cứu bản Hiến pháp năm 1946, tham khảo Hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa và Hiến pháp một số nước tư bản có tính chất điển hình, dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Bước thứ hai, đưa ra trưng cầu ý kiến của nhân dân một cách có tổ chức. Bước thứ ba, hoàn chỉnh bản dự thảo để trình Quốc hội.
Quan hệ với Quốc hội các nước trên thế giới dần dần được mở rộng. Quốc hội đã cử đại biểu tham gia các đoàn đại biểu của Chính phủ đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa. Từ 6-7 đến 30-8-1957, đoàn đại biểu của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đi thăm: Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hoà dân chủ Đức, Hunggari, Anbani, Rumani, và Cộng hoà liên bang Nam Tư. Cuộc đi thăm này đã phát triển và củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa; nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam, tăng cường sự hợp tác kinh tế và văn hoá của Việt Nam với các nước bạn, v.v.. Quốc hội chưa có điều kiện để cử các phái đoàn đi thăm các nước, song đã cố gắng đặt quan hệ trao đổi thư từ, tài liệu với Quốc hội Triều Tiên, Anbani, Trung Quốc, Rumani, Bungari, Tiệp khắc. Quốc hội Việt Nam cũng đã tỏ rõ thái độ ủng hộ của mình với Quốc hội Inđônêxia, Ai Cập.
Quốc hội và Chính phủ đã đón đoàn đại biểu do Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô Vôrôsilốp sang thăm Việt nam (5-1957).
Thượng tuần tháng 8-1957, Ban Thường trực Quốc hội đã đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia do bác sĩ Xactônô đến thăm Việt Nam. Tiếp theo, Ban Thường trực Quốc hội lại đón đoàn đại biểu Quốc hội Miến Điện gồm 12 nghị sĩ của hai viện: Viện Dân tộc và Viện Đại biểu do Thakim Thein Maung, Phó Chủ tịch Viện Dân tộc liên bang, dẫn đầu đến thăm Việt Nam. Được tiếp xúc với các chính khách, đại biểu các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân, Đoàn đại biểu Inđônêxia và Liên bang Miến Điện đều cảm thấy nhân dân Việt Nam tha thiết yêu chuộng hoà bình, chân thành mong muốn quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực.
Ban Thường trực Quốc hội cũng có cuộc tiếp xúc với một số hạ nghị sĩ Anh đến thăm Việt Nam, giúp cho các vị khách hiểu đúng đắn về việc thi hành Hiệp định Giơnevơ và việc kiến thiết miền Bắc của nhân dân Việt Nam.
Các hoạt động đối ngoại của Ban Thường trực Quốc hội đã góp phần nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hoà bình, hữu nghị và hợp tác với Quốc hội và nhân dân các nước nói trên, có lợi cho công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Mùa thu năm 1957, Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội được triệu tập, họp từ ngày 10 đến ngày 19-9-1957. Tham dự kỳ họp có 217 đại biểu. Sau khi nghe diễn văn khai mạc kỳ họp của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đi thăm chín nước xã hội chủ nghĩa; báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội do Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Quang Phiệt trình bày hoạt động của Ban về các vấn đề lập pháp, vấn đề liên hệ với nhân dân, vấn đề chuẩn bị tuyển cử bổ sung, vấn đề quan hệ với Quốc hội các nước, vấn đề kiện toàn tổ chức; báo cáo của Trần Huy Liệu về công tác sửa đổi Hiến pháp; báo cáo của Phạm Hùng về tình hình đấu tranh thống nhất.
Quốc hội đã thông qua bốn Sắc luật và Luật công đoàn do Chính phủ trình.
Sắc luật về chế độ xuất bản, có 4 chương, gồm 21 điều. Sắc luật này đề ra nhằm tôn trọng và "Bảo đảm quyền tự do xuất bản của nhân dân và ngăn ngừa sự lợi dụng các quyền tự do ấy để làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà" (Điều 2). "Tất cả các xuất bản phẩm đều không phải kiểm duyệt trước khi xuất bản, trừ trong tình thế khẩn cấp, nếu Chính phủ xét cần" (Điều 1). Cùng với Luật báo chí, Sắc luật quy định chế độ xuất bản đã phòng ngừa được những hành động phá hoại và bảo đảm thực sự quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Nó đã tạo cho Nhà nước cơ sở pháp lý, nắm vững việc lãnh đạo công tác xuất bản từ Trung ương đến địa phương, bước đầu nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân. Đó là công cụ sắc bén đấu tranh bảo vệ nền văn hoá dân tộc, tiến bộ, lành mạnh, ngăn chặn bọn đầu cơ chính trị, văn hoá, lợi dụng quyền tự do dân chủ để tuyên truyền xuyên tạc, đầu độc nhân dân.
Sắc luật về những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp có 4 điều nhằm kịp thời giữ kẻ phạm pháp đã gây thiệt hại đến sự an toàn và tài sản của Nhà nước, đến trật tự xã hội, tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong những trường hợp cụ thể, luật ghi rõ bất kể công dân nào cũng có quyền bắt và giải ngay tới chính quyền, công an có quyền bắt giữ trước khi có lệnh viết của cơ quan tư pháp cấp tỉnh, thành phố hoặc Toà án binh.
Sắc luật về cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế có 8 điều nhằm mục đích bảo đảm bình ổn vật giá, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước, khôi phục và phát triển kinh tế quốc dân, bảo hộ và khuyến khích những người kinh doanh chính đáng, nâng cao đời sống của nhân dân. Mặc dầu Nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng nạn đầu cơ tích trữ cho đến lúc này vẫn còn tồn tại. Vả lại tâm lý đầu cơ chưa phải có thể gột rửa được trong một thời gian ngắn. Vì vậy, Sắc luật này còn có tác dụng lâu dài trong công cuộc kiến thiết miền Bắc.
Sắc luật về quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp có 5 chương gồm 70 điều. Sắc luật quy định bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín. Tất cả mọi công dân Việt Nam, kể cả trong Quân đội, không phân biệt dân tộc, gái trai, nghề nghiệp, giàu nghèo, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, thời hạn cư trú (trừ trường hợp phạm pháp và người mất trí) từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Sắc luật này nhằm bảo đảm thực hiện quyền tự do bầu cử, ứng cử của nhân dân, trong khi chờ đợi Hiến pháp mới. Những quy định của sắc luật góp phần thực hiện việc mở rộng sinh hoạt dân chủ, phát huy tính tích cực và năng lực sáng tạo của nhân dân, tăng cường mối liên hệ giữa chính quyền với nhân dân, củng cố và phát triển chính quyền dân chủ nhân dân để củng cố miền Bắc ngày càng vững mạnh.
Luật công đoàn gồm 4 chương với 22 điều. Luật định rõ: "Công đoàn là tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân tự nguyện lập ra. Tất cả những người lao động chân tay và lao động trí óc làm công ăn lương đều có quyền gia nhập công đoàn" (Điều 1). Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công đoàn là "tổ chức giáo dục, đoàn kết thống nhất lực lượng lao động chân tay và lao động trí óc, làm trụ cột của chính quyền dân chủ nhân dân và Mặt trận dân tộc thống nhất" (Điều 4). Công đoàn có nhiệm vụ động viên lao động chân tay và trí óc, phát huy tinh thần yêu nước, tích cực lao động sản xuất, nâng cao ý thức làm chủ đất nước, bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống công nhân viên chức, đoàn kết ủng hộ lao động và đồng bào miền Nam, nâng cao tinh thần quốc tế vô sản. Việc quy định rõ rệt bằng một đạo luật vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức công đoàn, những quan hệ giữa công đoàn và các cơ quan chính quyền, giữa công đoàn và xí nghiệp Nhà nước, xí nghiệp tư bản tư doanh; bảo đảm bằng một đạo luật những phương tiện hoạt động của công đoàn, quyền tham gia quản lý sản xuất và quyền giám sát của quần chúng lao động, có một ý nghĩa rất lớn. Đó là một bảo đảm chắc chắn để người lao động Việt Nam làm chủ đất nước mình.
Ngoài việc thông qua bốn Sắc luật và Luật công đoàn, Quốc hội đã quyết toán ngân sách năm 1956, bàn kỹ kế hoạch nhà nước năm 1957. Trong quá trình thảo luận về kế hoạch nhà nước và ngân sách, Quốc hội đã nhấn mạnh ba vấn đề cấp bách là vấn đề đời sống của công nhân viên chức, vấn đề giảm nhẹ biên chế và vấn đề chống lãng phí. Nét nổi bật của kỳ họp này là Quốc hội đã thẳng thắn nêu các nhược điểm, khuyết điểm của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành đường lối, chính sách mà Quốc hội đã thông qua. Các hiện tượng lãng phí, quan liêu, trì trệ trong công tác đã bị phê phán nghiêm khắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ "thành thật tiếp thu những ý kiến phê bình của các vị đại biểu Quốc hội và quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm của mình".
Trong thời gian Quốc hội đang họp, Đoàn đại biểu ấn Độ do bác sĩ Xavapali Radacrisan, Phó Tổng thống đã đến thăm Việt Nam. Nhân dịp này, đoàn đã đến thăm Quốc hội. Trong lời chào Phó Tổng thống ấn Độ, Trưởng ban Thường trực Tôn Đức Thắng đã nói rõ: Nhân dân hai nước Việt Nam và ấn Độ cùng chung một mục đích là đấu tranh cho độc lập, dân chủ, hoà bình. Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang phát triển. Việt Nam coi ấn Độ là một người bạn đã có những đóng góp lớn trong việc giữ gìn hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, ấn Độ đã và đang góp phần quan trọng trong việc lập lại và củng cố hoà bình ở Đông Dương. Việt Nam mong muốn và sẽ cố gắng làm cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước thêm bền chặt.
Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội diễn ra trong tháng 9-1957, năm cuối của kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hoá, hoàn thành cải cách ruộng đất, đẩy mạnh cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hoạt động trong hoàn cảnh hoà bình xây dựng đất nước, Quốc hội có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai ngày càng sâu rộng mọi hoạt động của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; đã quyết định các quyết sách trọng đại của quốc gia, triển khai nhiệm vụ lập pháp, thực hiện có hiệu lực hơn chức năng của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, của nhân dân.