BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA IV
(Do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày,
ngày
20-3-1972)
Kính thưa Chủ
tịch Tôn Đức Thắng,
Kính thưa Đoàn
Chủ tịch,
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Sự
nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam ta đã phát triển đến
một giai đoạn có những thuận lợi rất đáng phấn khởi, chứa đựng nhiều nhân tố
quyết định những thắng lợi rất to lớn. Sự nghiệp đó là cuộc chiến đấu lâu
dài, gian khổ và tất thắng chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ,
cuộc chiến tranh thuộc địa tàn bạo nhất trong lịch sử nhằm thực hiện những
âm mưu không hề thay đổi của đế quốc Mỹ đối với nước ta: biến miền Nam thành
thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Quá
trình cuộc chiến đấu ngoan cường, luôn luôn chủ động và tiến công của nhân
dân ta đã lần lượt làm thất bại những kế hoạch quân sự và chính trị của đế
quốc Mỹ mà lúc đầu nhiều người tưởng chừng không thể đánh được và thắng
được. Nhìn lại quá trình này, những thắng lợi của ta và thất bại của địch,
có thể thấy nổi bật phương hướng chiến lược của bọn xâm lược Mỹ: bắt đầu
chúng tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt, chủ yếu dựa vào lực lượng của
ngụy, nhưng chúng đã thất bại. Hòng giành một thắng lợi quân sự lớn, chúng
động viên những lực lượng hùng hậu của Mỹ cộng với lực lượng nhiều nước chư
hầu, đánh cả miền Nam lẫn miền Bắc. Đây không phải là một cuộc chiến tranh
"hạn chế", mà là một cuộc chiến tranh lớn của đế quốc Mỹ, nhưng chúng lại
thất bại càng nặng hơn. Bắt buộc phải rút dần khỏi một cuộc chiến tranh hao
người tốn của quá mức chịu đựng của chúng, nhưng vẫn tiếp tục và còn tìm
cách tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược, chúng lại dựa mạnh vào bọn ngụy,
cố gắng tăng cường đến mức cao khả năng của ngụy quân và ngụy quyền đẩy mạnh
cái gọi là "Việt Nam hóa" chiến tranh, đồng thời mở rộng chiến tranh ra
Campuchia và Lào. Tuy nhiên, chúng vẫn
không cứu vãn được tình hình. Đến nay, sự thất bại của kế hoạch "Việt
Nam hóa" chiến tranh và học thuyết Níchxơn đã rõ rệt, và chắc chắn đế quốc
Mỹ không thể tránh được sự thất bại hoàn toàn! Đó là quy luật của cuộc chiến
tranh.
Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ là một cuộc chiến tranh phi nghĩa,
đầy tội ác, không những bị nhân dân ta chống lại quyết liệt, mà còn bị nhân
dân thế giới và nhân dân Mỹ phản đối ngày càng mạnh mẽ. Còn cuộc kháng chiến
của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh giải phóng miền
Nam và bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến tranh nhân dân thiên biến vạn hóa, cuộc
chiến đấu thiêng liêng của mọi người Việt Nam; đó là cuộc chiến đấu có ý
nghĩa quốc tế sâu rộng, cuộc chiến đấu của thời đại được cả loài người tiến
bộ nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ. Quá trình một cuộc chiến tranh như vậy là
sự diễn biến trái ngược nhau giữa ta và địch: ta thắng, địch thua, ta mạnh
lên, địch yếu dần, đưa đến sự thay đổi về so sánh lực lượng ngày càng có lợi
cho ta, không có lợi cho địch, và đây là quá trình không thể nào đảo ngược
được, mặc dù những cố gắng điên cuồng của địch. Kết quả tất yếu là cuối cùng
địch phải thua, ta nhất định thắng, và mặc dù địch có xoay trở như thế nào,
chúng không thể thoát khỏi số phận của chúng, không thoát khỏi bàn tay của
nhân dân ta! Kết quả tất yếu đó là sự thất bại hoàn toàn của âm mưu cơ bản
của đế quốc Mỹ hòng biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ
quân sự của Mỹ, chia cắt lâu dài nước ta; và thắng lợi hoàn toàn của nhân
dân ta là giải phóng miền Nam: quét sạch quân xâm lược, đánh tan ngụy quân
và ngụy quyền, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiền đồn bất khả
xâm phạm của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, tiến tới thực hiện hòa bình
thống nhất Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Nắm vững và vận
dụng quy luật chung của cuộc chiến tranh, chúng ta đã và đương nắm vững và
vận dụng một cách sáng tạo quy luật đó trong từng giai đoạn của cuộc chiến
đấu; và từ trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt này mà nhân dân ta ngày càng
biết ta, biết địch, biết đánh và thắng chúng trong từng giai đoạn của cuộc
chiến tranh; và cũng từ đó mà càng lớn mạnh, càng sung sức, tiến lên giành
thắng lợi to lớn cho đến thắng lợi hoàn toàn, chứng minh chân lý của thời
đại: đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân thế
giới, đối với chúng phải đánh và đánh được, phải thắng và thắng lớn !
Điểm lại quá
trình của cuộc chiến tranh đã trình bày như trên chính là để nhìn thấy tình
hình hiện nay với con mắt và tầm vóc của người chiến thắng !
Đặc điểm của
toàn bộ tình hình hiện nay là: ta thắng, địch thua; ta mạnh, địch yếu; ta có
nhiều thuận lợi, địch khốn quẫn trong những khó khăn trùng điệp; thế của ta
là đi lên, thế của địch là đi xuống. Như vậy, ta càng có khả năng chủ động
tiến công địch, vững chắc tiến tới giành những thắng lợi ngày càng to lớn
hơn. Đó là những thuận lợi mà cả dân tộc Việt Nam ta, mọi người Việt Nam ta
phải thấy hết ý nghĩa và cố gắng hết sức mình nhằm thực hiện Di chúc của Hồ
Chủ tịch, thực hiện ý chí của dân tộc.
Chúng ta phải
cảnh giác và đề phòng mọi âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ. Càng thua chúng
càng tàn bạo và xảo quyệt, càng phiêu lưu, mạo hiểm. Ở miền Nam cũng như ở
miền Bắc chúng ta phải càng tỉnh táo và sẵn sàng. Nhưng vỏ quýt dày đã có
móng tay nhọn! Vỏ quýt chúng còn dày bao nhiêu? Còn móng tay ta, tức là cuộc
chiến tranh cách mạng của nhân dân, giàu chiến công, giàu kinh nghiệm, giàu
sức chiến đấu và tài năng sáng tạo nhất định sẽ tiến lên đánh chúng cho đến
lúc chúng phải chịu thua, không thể chối cãi được!
Tình hình này
rất thuận lợi ở chỗ nó thúc đẩy diễn biến cách mạng trong các tầng lớp nhân
dân ở miền Nam, càng thúc đẩy sự phát triển lực lượng kháng chiến và nhiệt
tình chống Mỹ, cứu nước của đồng bào và chiến sĩ ta, đồng thời càng làm suy
yếu nhanh chóng và toàn diện lực lượng của Mỹ và ngụy, lực lượng quân sự và
chính trị. Rõ ràng, bọn chúng đứng trước một cuộc khủng hoảng rất sâu sắc về
mọi mặt làm đội ngũ của chúng ngày càng bị phân hóa, mâu thuẫn trong nội bộ
chúng ngày thêm trầm trọng, tinh thần của chúng bạc nhược trông thấy. Rõ
ràng, chúng đứng trước một sự thất bại không thể cứu vãn được, bản thân
chúng cũng hiểu như vậy, và dưới nhiều hình thức, bộc lộ tinh thần của kẻ
bại trận. Tình hình này càng tạo cơ hội cho cuộc chiến đấu của đồng bào và
chiến sĩ ta càng phát huy thế mạnh, thế thắng, thế chủ động tiến công, khoét
sâu những chỗ yếu cơ bản của địch để đánh và thắng chúng.
Trên mặt trận
quân sự, những trận đánh lớn trên đường 9 và những trận đánh tiếp theo là
một cái mốc đánh dấu quá trình diễn biến trình bày trên đây. Ở đây, những
lực lượng tinh nhuệ nhất của ngụy với sự giúp sức ồ ạt của quân Mỹ đã bị
đánh tan tác, tổn thất rất nặng, tinh thần suy sụp. Đó là một thất bại có ý
nghĩa chiến lược sâu xa của kế hoạch "Việt Nam hóa" chiến tranh về mặt quân
sự. Trong lúc đó, lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam lớn mạnh hẳn lên
về lượng, về chất và tinh thần, cả ba thứ quân và ở khắp các chiến trường từ
Trị - Thiên đến mũi Cà Mau.
Trên mặt trận
chính trị, cuộc chiến đấu đã và đương diễn ra rất ác liệt và thể hiện một
cách sâu sắc diễn biến của toàn bộ tình hình, nhất là sau thắng lợi to lớn
của ta ở đường số 9. Chống và phá "kế hoạch bình định", cơ sở của
"Việt Nam hóa" chiến tranh, tức là chống và phá hệ thống kìm kẹp của địch,
hệ thống quân sự và chính trị của chúng ở nông thôn, từ trong phá ra, từ
ngoài đánh vào, làm tan rã từng mảng bộ máy đàn áp của chúng, xác lập quyền
làm chủ của nhân dân, thành lập các tổ chức của Mặt trận và
của chính quyền cách mạng, xây dựng và củng cố những cơ sở vững chắc của
cuộc kháng chiến đương trên đà phát triển. Ở các thành phố, nơi rất
nhạy cảm với diễn biến của tình hình, nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu càng phơi
bày bản chất bán nước hại dân, công cụ cực kỳ khốn nạn của chiến tranh xâm
lược của Mỹ dưới hình thức "Việt Nam hóa" chiến tranh. Ở đấy,
phong trào đấu tranh vừa đi vào bề sâu trong quần chúng nhân dân lao động,
trong thanh niên và học sinh, lại vừa phát triển rộng rãi ở các tầng lớp
nhân dân, các tổ chức chính trị và tôn giáo. Ở đấy, ngay trong lòng của
địch, người Việt Nam nhìn thấy càng rõ rệt những tội ác không thể dung thứ
được của xâm lược Mỹ và bè lũ Nguyễn Văn Thiệu, nhằm hủy diệt và nô dịch dân
tộc Việt Nam ta; người Việt Nam nào còn có lương tâm không thể không
xúc động sâu sắc trước những tội ác "trời không dung, đất không tha" của
quân thù đối với dân tộc và đất nước. Từ nhận thức đó, mọi người Việt Nam
đều thấy nghĩa vụ của mình là phải tham gia cuộc đấu tranh. Những chính sách
mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với ngụy
quân và ngụy quyền càng thúc đẩy cuộc đấu tranh chính trị phát triển rộng
khắp và mạnh mẽ ở các thành phố miền Nam.
Tóm lại, ở miền
Nam nước ta đương diễn ra một quá trình diễn biến cách mạng rất sâu rộng. Đó
là cơ hội thuận lợi đầy ý nghĩa cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của
chúng ta.
Trên mặt trận
ngoại giao, chúng ta khẳng định thái độ tích cực của nhân dân Việt Nam ta
đối với cuộc nói chuyện ở Pari trên cơ sở giải pháp 7 điểm của Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và 9 điểm của Chính phủ nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự giải thích mới đây về 2 điểm chủ yếu mà mọi
người đều biết. Chúng ta rất vui mừng về sự đồng tình và ủng hộ vang dội của
nhân dân thế giới đối với giải pháp 7 điểm, mà dư luận quốc tế đều coi là cơ
sở đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam. Chúng ta cực lực lên án những thủ
đoạn bỉ ổi của phía Mỹ nhằm phá hoại và xuyên tạc cuộc nói chuyện đó.
Chúng ta kiên
quyết bác bỏ cái gọi là "kế hoạch hòa bình 8 điểm" của Tổng thống Mỹ
R. Níchxơn: đó là trò bịp bợm nhằm che đậy cuộc chiến tranh xâm lược miền
Nam Việt Nam và các nước khác ở Đông Dương. Thực chất kế hoạch đó là âm mưu
thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, ở Campuchia và
Lào. Nhưng chúng quyết không lừa dối được ai! Đế quốc Mỹ còn tiến hành chiến
tranh xâm lược ở miền Nam nước ta, còn xâm phạm nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa thì nhân dân Việt Nam còn chiến đấu và càng chiến đấu mạnh mẽ, nhằm thực
hiện những quyền dân tộc cơ bản của mình. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc
chiến tranh xâm lược, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với hai miền
nước ta bất cứ dưới hình thức nào và từ đâu đến, phải rút toàn bộ và không
điều kiện quân Mỹ, quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; phải triệt
phá các căn cứ quân sự của Mỹ; phải chấm dứt "Việt Nam hóa" chiến tranh, một
hình thức của chiến tranh xâm lược và chấm dứt mọi sự ủng hộ, mọi sự "cam
kết" đối với ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, công cụ của chiến tranh xâm lược.
Có như vậy mới thật sự có quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, mới có hòa
bình chân chính. Đó là yêu cầu chủ yếu trong giải pháp 7 điểm, một giải pháp
toàn bộ, một thể thống nhất, không thể chia cắt được. Đó cũng là những điều
khoản cơ bản của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam trên cơ sở tình hình
hiện nay ở miền Nam Việt Nam.
Trước đây cũng
như bây giờ, bọn xâm lược Mỹ thường có luận điệu: đàm phán thì "mỗi bên phải
đi nửa đường", 7 điểm phải dung hòa với 8 điểm, v.v.. Đó là luận điệu của kẻ
cướp. Ở đây phải phân biệt rõ ràng, chính nghĩa và phi nghĩa, trắng và đen,
không thể mơ hồ. Và quyết không thể có thỏa hiệp trái với những quyền cơ bản
của dân tộc Việt Nam ta, trái với đạo lý thông thường của mọi dân tộc trên
thế giới.
Chúng ta phải
tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa lập trường chính nghĩa của
chúng ta trên mặt trận ngoại giao.
Giải pháp 7 điểm
của chúng ta có sức mạnh áp đảo, sức mạnh của một cuộc chiến đấu vĩ đại, một
cuộc chiến đấu vinh quang, một cuộc chiến đấu tất thắng.
Toàn thể dân tộc
Việt Nam ta với khối đoàn kết toàn dân vững như thép, với khí thế của những
người chiến thắng, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu
nước trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao cho đến thắng lợi
hoàn toàn, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,
thực hiện ý chí sắt đá của dân tộc. Miền Nam Việt Nam là của dân tộc Việt
Nam, toàn bộ đất nước Việt Nam là của dân tộc Việt Nam. Nhất định nhân dân
Việt Nam ta sẽ giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc thân yêu của mình.
Không có một sức mạnh tàn bạo nào, không có một âm mưu xảo quyệt nào có thể
ngăn chặn nhân dân ta tiến tới đích cuối cùng của cuộc chiến đấu này. Chúng
ta biết rõ đế quốc Mỹ, chúng ta phải cảnh giác. Song chúng ta không hề sợ
chúng! Chúng ta đã từng vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để đánh và thắng
chúng, chúng ta quyết sẽ vượt qua những gian khổ, hy sinh to lớn hơn nữa để
đánh chúng mạnh mẽ hơn nữa và giành những thắng lợi vẻ vang hơn nữa.
Ở miền Nam nước
ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt
Nam đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, đồng bào và chiến
sĩ ta đương phấn khởi tiến lên, đạp bằng mọi chông gai, trở ngại, chịu đựng
mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu quên mình, quyết giành thắng lợi hoàn toàn.
Uy tín và ảnh hưởng của Mặt trận và của Chính phủ Cách mạng lâm thời vang
dội rộng rãi khắp nơi trên thế giới cùng với những chiến công kỳ diệu của
đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam, những con người anh dũng và thông minh
tuyệt vời, những người đang viết những trang sử vô cùng oanh liệt của thời
đại. Nhân dân thế giới đã thừa nhận Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời
là những người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam, những người đã và
đang lãnh đạo nhân dân miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và
cuối cùng sẽ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và hiếu chiến, góp phần cống
hiến rất to lớn vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
Hôm nay, với
niềm tự hào vô hạn đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam "Thành đồng Tổ
quốc", với tình cảm ruột thịt Nam Bắc một nhà, đồng bào miền Bắc xã hội chủ
nghĩa nguyện làm tròn, làm tốt hơn bao giờ hết nghĩa vụ thiêng liêng của hậu
phương lớn đối với tiền tuyến lớn anh hùng, đó là nhiệm vụ cách mạng hàng
đầu, trước hết và trên hết của mọi người Việt Nam ở nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Hồ Chủ tịch nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi!".
Toàn thể dân tộc Việt Nam ta nguyện phấn đấu hết sức mình làm cho chân lý đó
trở thành sự thật!
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Một thuận lợi có
ý nghĩa rất lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước của mình là sự đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân
Campuchia anh hùng trên chiến trường các nước Đông Dương. Đế quốc Mỹ tưởng
rằng có thể làm một công đôi việc trong lúc chúng mở rộng và tăng cường cuộc
chiến tranh xâm lược của chúng ra các nước Đông Dương, thực hiện học thuyết
Níchxơn và chủ nghĩa thực dân mới của chúng khắp các nước Đông Dương. Chính
chúng đã tạo những nhân tố thuận lợi mới cho sự nghiệp cách mạng của nhân
dân Việt Nam cũng như của nhân dân hai nước láng giềng anh em. Trong cuộc
chiến đấu ác liệt chống kẻ thù chung vì những lợi ích sống còn và tương lai
của dân tộc mình, nhân dân Việt Nam ta một lòng kề vai sát cánh với nhân dân
Lào và nhân dân Campuchia, đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ và giúp đỡ nhau, phối
hợp chiến đấu nhịp nhàng trên các mặt trận, từ đó mà giành những thắng lợi
ngày càng to lớn. Tình đoàn kết chiến đấu vĩ đại này giúp nhân dân ba nước
ngày càng hiểu biết nhau, thương yêu nhau, tôn trọng nhau, học tập nhau theo
tinh thần Hội nghị Cấp cao nhân dân Đông Dương tháng 4 năm 1970.
Về phần mình,
nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nguyện trước
sau như một, ủng hộ kiên quyết giải pháp chính trị 5 điểm ngày 6 tháng 3 năm
1970 của Mặt trận Lào yêu nước do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch. Đó là
cơ sở đúng đắn để giải quyết hòa bình vấn đề Lào. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt
can thiệp và xâm lược, chấm dứt cuộc chiến tranh "đặc biệt" của Mỹ ở Lào,
rút ngay toàn bộ và không điều kiện cố vấn, nhân viên quân sự, phương tiện
chiến tranh của Mỹ, rút hết quân đội Thái Lan ra khỏi nước Lào; trước mắt
phải chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom của Mỹ, ngụy Sài Gòn
và Viêng Chăn trên toàn bộ lãnh thổ Lào, để các bên hữu quan Lào tự giải
quyết lấy công việc nội bộ của Lào, phù hợp với Hiệp định Giơnevơ năm 1962
và tình hình thực tế hiện nay ở Lào.
Nhân dân Việt Nam
và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nguyện trước sau như một, ủng hộ
kiên quyết bản tuyên cáo 5 điểm ngày 23 tháng 3 năm 1970 của Quốc trưởng
Nôrôđôm Xihanúc, người đại diện hợp pháp, chân chính và liên tục của Nhà
nước Campuchia, ủng hộ kiên quyết Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc
Campuchia, do Xămđéc Pen Nút làm Thủ tướng và ông Khiêu Xămphon làm Phó Thủ
tướng. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt xâm lược, chấm dứt chính sách "Khơme hóa"
chiến tranh, phải rút ngay, toàn bộ và không điều kiện cố vấn và nhân viên
quân sự của Mỹ và chư hầu, các lực lượng vũ trang của Sài Gòn và Băng Cốc ra
khỏi Campuchia, chấm dứt việc ném bom và bắn phá lãnh thổ Campuchia bằng
không quân, pháo binh và hải quân của Mỹ, của ngụy quyền Sài Gòn và Băng
Cốc; chấm dứt mọi sự viện trợ và ủng hộ đối với bọn bán nước Lon Non Xirích
Matắc, Sơn Ngọc Thành, chấm dứt mọi hành động chiến tranh và khiêu khích
khác chống Campuchia, để nhân dân Campuchia tự giải quyết lấy công việc nội
bộ của mình, không có sự can thiệp của nước ngoài.
Tình đoàn kết
chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, hàng ngày, hàng giờ, phát huy tác
dụng to lớn trên chiến trường, cũng được thể hiện một cách sáng tỏ trong
những cuộc tiếp xúc thân mật giữa những người lãnh đạo nhân dân ba nước.
Chúng ta luôn ghi nhớ cuộc đi thăm đẹp đẽ ở nước ta của Hoàng thân
Xuphanuvông, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, vị lãnh tụ kính yêu của nhân
dân Lào, người tượng trưng tương lai tươi sáng của nước Lào, và bản Tuyên bố
chung ký kết giữa hai bên nhân dịp đó. Vừa rồi chúng ta đã nồng nhiệt tiếp
đón Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, vị Quốc trưởng kính yêu của Vương quốc
Campuchia, Chủ tịch Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia. Trong bản Tuyên
bố chung kết thúc cuộc đi thăm đẹp đẽ này có đoạn viết: "Mối tình đoàn kết
chiến đấu gắn bó nhân dân ba nước Đông Dương thật là vĩ đại! Đế quốc Mỹ
quyết không thể lay chuyển được mối tình son sắt đó cũng như không thể làm
thay đổi hoặc đảo ngược dòng sông Cửu Long hùng vĩ đời đời mang lại phồn
vinh và hạnh phúc cho nhân dân ba nước Đông Đương. Nhân dân Việt Nam, nhân
dân Campuchia và nhân dân Lào đoàn kết một lòng nhất định sẽ thắng lợi hoàn
toàn".
Dựa vào sức mình
là chính, đồng thời phát huy đến mức cao nhất sức đoàn kết chiến đấu giữa
nhân dân ba nước Đông Dương, lại được sự đồng tình và ủng hộ ngày càng mạnh
mẽ của nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân Lào
và nhân dân Campuchia nhất định sẽ chiến thắng vẻ vang.
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Miền Bắc xã hội
chủ nghĩa, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn anh hùng, trong khói lửa của
chiến tranh ác liệt, từ nhiều năm qua vẫn vững bước tiến lên trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế và văn hóa, cải thiện từng
bước đời sống của nhân dân.
Năm 1971
chúng ta đã phấn đấu bền bỉ, đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước và
tạo nên những chuyển biến tốt cho nền kinh tế quốc dân.
Trên mặt trận
nông nghiệp, thắng lợi rất có ý nghĩa của vụ lúa đông xuân năm 1971 với năng
suất, diện tích và sản lượng cao nhất từ trước đến nay đã chỉ rõ những khả
năng tiềm tàng trong sản xuất lương thực và các ngành khác trong nông
nghiệp, mở ra những triển vọng to lớn cho việc cải tạo cơ cấu cây trồng, cải
tiến việc sử dụng ruộng đất, sức lao động và các cơ sở vật chất kỹ thuật
trong nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn thóc/1 ha
chứng minh khả năng hiện thực của mục tiêu phấn đấu đạt 5 tấn/ha bình quân
trên toàn miền Bắc. Vừa qua nhân dân miền Bắc đã chiến đấu vô cùng anh dũng
và đã chiến thắng một nạn lụt rất lớn, và ngay sau đó, nông dân tập thể ở
những vùng bị nạn, với tinh thần lao động cần cù, lại được sự giúp đỡ tích
cực của Nhà nước, đã khắc phục những hậu quả của thiên tai, đẩy mạnh sản
xuất và ổn định đời sống. Ở nhiều nơi diện tích các loại cây công nghiệp
quan trọng như chè, thuốc lá, cói, lạc… được mở rộng hơn các năm trước.
Phong trào chăn nuôi lợn tập thể và chăn nuôi gia đình, phong trào nuôi lợn
lai kinh tế, các cơ sở chăn nuôi bò giống, gà giống, các cơ sở chế biến thức
ăn cho gia súc đã và đang được xây dựng, đó là những nhân tố mới rất thuận
lợi cho việc đưa chăn nuôi từng bước thành ngành sản xuất chính.
Trong công
nghiệp, năng lực sản xuất của nhiều ngành đã được khôi phục và tăng lên đáng
kể, thúc đẩy đà phát triển nhanh hơn hẳn mấy năm gần đây, nhất là các ngành
than, điện, cơ khí, vật liệu xây dựng… Việc phát triển khai thác than
và sản xuất điện tạo ra những điều kiện thuận lợi mới cho sự phát triển của
các ngành công nghiệp khác. Ngành Cơ khí đang mạnh dạn triển khai hoạt động,
vươn lên làm nhiệm vụ đổi mới từng bước thiết bị cho các ngành kinh tế, nhất
là cho nông nghiệp, thủy lợi, giao
thông... Nhìn chung, kế hoạch nhà nước năm 1971 của các ngành công nghiệp
đều được thực hiện tốt, giá trị tổng sản lượng năm 1971 vượt 14% so với năm
1970, có một số sản phẩm vượt mức sản xuất của thời kỳ trước chiến tranh phá
hoại. Các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, công nghiệp địa
phương và thủ công nghiệp đều có những bước phát triển với mức độ khác nhau
nhằm đáp ứng ngày càng tốt các nhu cầu của đời sống nhân dân.
Luôn luôn là mục
tiêu đánh phá chủ yếu của không quân địch, ngành Giao thông vận tải đã dũng
cảm khắc phục những khó khăn, đảm bảo chi viện cho tiền tuyến. Nhờ khôi phục
và phát triển nhanh chóng các tuyến đường bị lũ, lụt phá hủy, và nhờ những
tiến bộ trong việc quản lý, trong việc sử dụng phương tiện, ngành Giao thông
vận tải đang tiếp tục vươn lên đáp ứng ngày càng tốt các nhu cầu của quốc
phòng, của xây dựng kinh tế và của đời sống nhân dân.
Với vị trí trọng
yếu trong nền kinh tế quốc dân, ngành Xây dựng cơ bản do Trung ương và địa
phương quản lý, trong năm 1971, đã tăng khối lượng xây lắp 23% so với năm
1970. Chú ý tập trung lực lượng vào những công trình trọng điểm, giải quyết
dứt điểm các vấn đề thiết kế, vật liệu xây dựng, chúng ta đã hoàn thành đúng
hạn các công trình thủy điện Thác Bà, các mỏ than lộ thiên và hầm lò...
Do sản xuất được
đẩy mạnh, đồng thời do việc thi hành các chính sách về giá cả và cải tiến
việc phân phối hàng hóa, trong năm qua chúng ta đã làm cho thị trường thêm
phong phú và giá cả thêm ổn định. Đặc biệt là cuối năm và trong dịp Tết Nhâm
Tý, những tiến bộ của công tác lưu thông phân phối đã góp phần tạo nên bầu
không khí hân hoan, phấn khởi cho mọi tầng lớp nhân dân lúc đầu xuân.
Cùng với việc đẩy
mạnh các hoạt động kinh tế, chúng ta rất coi trọng việc tăng cường và cải
tiến quản lý kinh tế. Kinh qua những cuộc vận động, dựa vào những biện pháp
ổn định sản xuất, cải tiến một bước công tác kế hoạch, định mức, kế toán,
tăng cường quản lý lao động, vật tư, tiền vốn, và bước đầu chấn chỉnh tổ
chức, một phong trào lao động sản xuất theo kế hoạch, có kỷ luật, có kỹ
thuật, có hạch toán đang hình thành trong các xí nghiệp làm thí điểm cải
tiến quản lý kinh tế và dần dần được mở rộng.
Đi đôi với những
chuyển biến bước đầu của nền kinh tế quốc dân, các công tác giáo dục, văn
hóa, nghệ thuật tiếp tục phát triển đều đặn. Số học sinh các cấp tiếp tục
tăng nhanh với trên 7 triệu trẻ em từ lớp vỡ lòng đến cấp III phổ thông.
Những đơn vị giáo dục tiên tiến như Trường phổ thông cấp II Bắc Lý, Trường
Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, hệ thống giáo dục xã Cẩm
Bình, v.v., đang là những tấm gương sáng, những mục tiêu phấn đấu của phong
trào giáo dục ở miền Bắc. Cùng với giáo dục phổ thông, công cuộc đào tạo cán
bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân kỹ thuật đang triển khai mạnh
mẽ. Việc nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý nền kinh tế quốc dân từ
xí nghiệp trở lên đã đạt những kết quả bước đầu, và sẽ được triển khai rộng
rãi.
Các ngành Văn
hoá, Nghệ thuật, với nhiều cố gắng mới, đang phục vụ thiết thực sự nghiệp
chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực
vào việc nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, vào việc bồi dưỡng tư
tưởng quyết chiến, quyết thắng, tinh thần lao động quên mình, ý chí phấn đấu
tăng năng suất lao động, ý thức tận dụng những khả năng to lớn về nhân, tài,
vật lực của miền Bắc, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bằng những hình
thức phong phú và động viên lực lượng của quần chúng, ngành Y tế đã ra sức
phục vụ thiết thực việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân, nhất là ở vùng vừa bị
lũ lụt, thúc đẩy phong trào lao động sản xuất. Công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ
em đang chuyển biến tốt, bắt đầu được các cấp, các ngành, các địa phương
quan tâm đúng mức. Công tác thể dục thể thao đã có đôi cố gắng đáng khuyến
khích.
Tóm lại, trong
năm 1971 chúng ta đã ghi những tiến bộ đáng phấn khởi trong việc khôi phục
và phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc, nhằm xây dựng hậu phương vững
mạnh, tiếp tục phục vụ đắc lực tiền tuyến.
Tuy nhiên, đứng
trước những yêu cầu rất to lớn và cấp bách của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước
và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không thỏa mãn với những
thành tích và tiến bộ bước đầu kể trên.
Trong năm
1972, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta còn đòi hỏi gấp bội ở miền Bắc xã
hội chủ nghĩa. Trước những hành động điên cuồng của đế quốc Mỹ xâm phạm nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta cực lực lên án chúng, nghiêm khắc tố cáo
chúng trước nhân dân thế giới và dư luận quốc tế, đồng thời kiên quyết trừng
trị chúng một cách đích đáng nhất. Bảo vệ miền Bắc phải đi đôi với tăng
cường lực lượng của miền Bắc về mọi mặt, nhất là về mặt kinh tế. Chúng ta
phải triển khai nhiều công tác có tính chất quyết định của thời kỳ khôi phục
và phát triển kinh tế, tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn thành xuất
sắc những nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1972 và chuẩn bị thật tốt cho
những năm tiếp theo. Mục tiêu cấp bách của chúng ta trên mặt trận kinh tế là
ra sức tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, đáp ứng nhu cầu tiêu
dùng của xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu và có tích lũy ngày càng lớn từ trong
nội bộ nền kinh tế quốc dân, từ đó đẩy mạnh tái sản xuất mở rộng và từng
bước cải thiện đời sống của nhân dân. Để đạt mục tiêu cách mạng cấp bách ấy,
những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1972 1à:
1. Bảo đảm kịp
thời và đầy đủ nhất các yêu cầu về sức người, sức của chi viện cho tiền
tuyến.
Nâng cao cảnh
giác, tăng cường lực lượng vũ trang, chuẩn bị tốt, sẵn sàng chiến đấu và
chiến đấu giỏi nhằm đập tan mọi âm mưu và hành động của địch xâm phạm nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Phát huy mọi
khả năng về thiết bị, vật tư, sức lao động, tài chính, đẩy mạnh sản xuất và
xây dựng ở Trung ương và địa phương. Ra sức phát triển nông nghiệp. Có tổ
chức, có kế hoạch thiết thực đưa nông nghiệp tiến nhanh, tiến mạnh, tiến
vững chắc lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa
phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ra sức khôi phục và phát triển công
nghiệp và thủ công nghiệp. Rất coi trọng phát triển ngành cơ khí, tích cực
trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp và cho các ngành kinh tế khác. Đẩy mạnh
giao thông vận tải phục vụ tiền tuyến, phục vụ công cuộc khôi phục và phát
triển kinh tế, phục vụ sự đi lại của nhân dân.
Trên cơ sở đẩy
mạnh sản xuất, ra sức cải tiến lưu thông phân phối, từng bước cải thiện đời
sống của nhân dân. Chúng ta phải hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tình
cảm của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân với tất
cả lương tâm và nhiệt tình của chúng ta.
3. Đẩy mạnh xây
dựng cơ bản, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của kinh tế Trung ương và
kinh tế địa phương, bảo đảm yêu cầu trước mắt và lâu dài của việc phát triển
kinh tế, bảo đảm phục vụ quốc phòng và các nhu cầu cấp thiết của đời sống
nhân dân, tích cực chuẩn bị để đẩy mạnh xây dựng cơ bản theo quy mô lớn
trong những năm sau.
4. Nghiên cứu và
thảo luận kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế. Chấn chỉnh và xúc tiến công
tác điều tra cơ bản, phân vùng kinh tế, quy hoạch các ngành sản xuất, kế
hoạch nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, kế hoạch đào tạo cán bộ và công nhân
kỹ thuật.
5. Ra sức làm tốt
công tác tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, đồng thời
phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phát động mạnh mẽ
phong trào quần chúng thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước.
Nhiệm vụ cụ thể
của những ngành chính là:
Về nông
nghiệp, trong năm 1972, phấn đấu đưa giá trị tổng sản lượng tăng 8,6% so
với bình quân hai năm 1970 - 1971. Công tác thủy lợi phải được đặc biệt coi
trọng, phải hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông, từ đó mà tạo điều kiện cho
việc thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Khẩn trương thực hiện hàng loạt
biện pháp nhằm chủ động phòng lũ, lụt, đảm bảo chống được mức lũ cao nhất.
Phải xúc tiến quy hoạch và phát triển các vùng kinh tế mới, các vùng sản
xuất tập trung và chuyên môn hóa; đẩy mạnh sản xuất lương thực và các nông
sản xuất khẩu; chú ý đúng mức việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện
tốt việc định cư định canh ở miền núi; sớm đưa chăn nuôi lên thành một ngành
chính. Ra sức củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố các hợp tác
xã nông nghiệp; chú trọng việc cải tiến quản lý trong các nông trường quốc
doanh, bảo đảm các nông trường quốc doanh kinh doanh có lãi. Ra sức tăng
cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp. Tập trung sự cố gắng của
các ngành phục vụ cho nông nghiệp phát triển, tích cực đưa nông nghiệp tiến
dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Về công
nghiệp, trong năm 1972 phải đưa giá trị tổng sản lượng công nghiệp
tăng trên 17% so với năm 1971, trong đó công nghiệp quốc doanh Trung
ương tăng 22%, công nghiệp quốc doanh địa phương tăng 13,7% và thủ công
nghiệp tăng 11%. Đó là những tốc độ khá cao so với các năm gần đây, nhưng
chúng ta hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Cùng với đà phát triển các
nguồn năng lượng điện và than, phải đặc biệt coi trọng việc phát
triển cơ khí và chú ý giúp đỡ các ngành còn yếu như lâm nghiệp, thủy sản…Các
ngành sản xuất công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp địa
phương và tiểu, thủ công nghiệp cần tận dụng khả năng tiềm tàng rất lớn để
làm ra các mặt hàng tiêu dùng phục vụ ngày càng đầy đủ đời sống vật chất và
văn hóa của nhân dân và phục vụ xuất khẩu. Phải phấn đấu kiên quyết nhằm
nâng cao chất lượng sản phẩm; phải nghiên cứu nhu cầu của tiêu dùng để có kế
hoạch sản xuất và tiêu thụ khớp nhau.
Về giao
thông vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa năm 1972 tăng lên 20% so
với năm 1971. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề ấy, ngành Giao thông
vận tải phải ra sức tận dụng công suất hiện có của thiết bị và phương tiện,
phải tăng cường, bổ sung trang bị và khắc phục những chỗ yếu hiện nay trong
việc sửa chữa phương tiện, trong việc tổ chức và quản lý kinh doanh. Cùng
với việc làm tốt các nhiệm vụ trước mắt, ngành Giao thông vận tải phải tạo
những điều kiện cần thiết về mọi mặt để sẵn sàng phục vụ cho sự phát triển
mới của các ngành kinh tế quốc dân. Giao thông vận tải phải cố gắng đi trước
một bước nhằm phục vụ kịp thời sự phát triển này, và cũng từ đó mà giúp hạ
giá thành của sản xuất.
Về xây dựng cơ
bản, khối lượng xây lắp năm 1972 phải tăng khoảng 44% so với năm 1971.
Đó là tốc độ phát triển cao, tuy vậy vẫn chưa thỏa mãn được những yêu
cầu về nhiều mặt rất to lớn của việc khôi phục các cơ sở kinh tế bị chiến
tranh tàn phá, của sự nghiệp xây dựng cơ cấu kinh tế mới, phát triển kinh tế
một cách cân đối và vững chắc theo hướng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phải có những cố gắng gấp bội, lại phải biết tập trung năng lực và
phương tiện giải quyết dứt điểm những công trình quan trọng như các nhà máy
điện, các mỏ than, các nhà máy cơ khí, các nhà máy phân bón, các công trình
thủy lợi; các công trình dân dụng và nhà ở, nhất là ở các thành phố, v.v..
Để triển khai quy mô xây dựng với tốc độ ngày càng nhanh, ngành Xây dựng cơ
bản phải rất chú trọng tăng nhanh việc sản xuất vật liệu xây dựng, tăng
nhanh lực lượng thiết kế và thi công, kiện toàn tổ chức xây dựng theo hướng
tập trung chuyên môn hóa, không ngừng tăng cường và cải tiến công tác kế
hoạch hóa đầu tư, kế hoạch hóa xây dựng và cải tiến quản lý… Các cơ
quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương phải suy nghĩ, nghiên cứu,
học tập, cố gắng hết sức mình nhằm đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ bản bảo đảm
đưa công trình vào sản xuất đúng thời hạn, đi đôi với nâng cao chất lượng
xây dựng và hạ giá thành.
Về mặt lưu
thông phân phối, phải thực hiện tốt nghĩa vụ của hợp tác xã đối với Nhà
nước, tổ chức tốt công tác thu mua lương thực, thực phẩm và các loại nông
sản khác, đồng thời mở rộng mạng lưới thương nghiệp phục vụ và mạng lưới ăn
uống công cộng, bao gồm cả mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua
bán ở các thành phố và khu công nghiệp, các vùng nông thôn và miền núi, các
công trường xây dựng, các vùng kinh tế mới. Phải tăng cường quản lý thị
trường, kịp thời cải tiến phương thức phân phối hàng hóa và chỉ đạo tốt giá
cả, đẩy mạnh sự phát triển của thị trường xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt cho
sản xuất và đời sống của nhân dân.
Đi đôi với nỗ lực
phấn đấu hoàn thành vượt mức và toàn diện kế hoạch nhà nước năm 1972, chúng
ta phải chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển kinh tế của năm 1973 và những
năm tiếp theo: phải làm tốt công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên
nhiên, phải nghiên cứu sớm quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch phát
triển khoa học và kỹ thuật và quy hoạch đào tạo cán bộ.
Để thực hiện
thắng lợi các nhiệm vụ kể trên, chúng ta phải nhanh chóng đưa hoạt động kinh
tế đi vào nền nếp, vào thế phát triển cân đối với tốc độ nhanh. Muốn vậy,
một biện pháp cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt là phải tăng cường và
cải tiến quản lý kinh tế đúng với Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 20 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng.
Phương hướng
cơ bản của việc tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế là xóa bỏ lối
quản lý hành chính, bao cấp; thực hiện quản lý theo phương thức kinh doanh
xã hội chủ nghĩa, khắc phục lề lối quản lý của sản xuất nhỏ, góp phần thúc
đẩy quá trình của nền kinh tế quốc dân từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn
xã hội chủ nghĩa.
Theo phương hướng
cơ bản ấy, công tác tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế phải nhằm từng
bước xây dựng hệ thống quản lý kinh tế phù hợp với những điều kiện cụ thể
của nước ta. Đó là nhiệm vụ trọng yếu của tất cả các ngành, các cấp, các đơn
vị cơ sở, trong khu vực kinh tế quốc doanh và khu vực kinh tế tập
thể, bao gồm việc tăng cường và cải tiến quản lý ở tất cả các khâu quan
trọng như kế hoạch hóa, thực hiện hạch toán kinh tế và vận dụng đầy đủ hệ
thống đòn bẩy kinh tế, rất coi trọng quản lý kỹ thuật, cải tiến tổ chức bộ
máy quản lý, bồi dưỡng cán bộ về quản lý kinh tế nhằm đạt đến sự chuyển biến
đồng bộ, ăn khớp giữa các ngành từ trên xuống dưới và có kết quả thiết thực.
Cải tiến công tác
kế hoạch hóa là việc cấp bách nhất và quan trọng nhất trong công tác tăng
cường và cải tiến quản lý kinh tế. Chúng ta phải sớm thực hiện những sự
chuyển biến mạnh mẽ trong phương pháp kế hoạch hóa, làm cho kế hoạch thể
hiện đúng đắn phương hướng và nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, thực
sự là công cụ chủ yếu để quản lý nền kinh tế quốc dân. Phải kết hợp chặt chẽ
việc kế hoạch hóa tập trung thống nhất của Nhà nước với việc tăng cường
trách nhiệm và nâng cao quyền hạn về kế hoạch hóa của các ngành, các địa
phương, các đơn vị cơ sở. Phải cải tiến kế hoạch hóa theo ngành tuỳ theo
trình độ phát triển của sức sản xuất và đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của các
ngành và các địa phương. Đi đôi với kế hoạch hóa theo ngành, quản lý theo
ngành, phải tạo điều kiện cho cấp tỉnh trở thành một cấp kế hoạch toàn diện,
với trách nhiệm đầy đủ của một cấp chính quyền địa phương trong việc xây
dựng kế hoạch toàn diện của địa phương và tổ chức thực hiện kế hoạch ấy.
Phải xây dựng cấp huyện thành cấp trực tiếp chỉ đạo toàn bộ hoạt động ở nông
thôn, chủ yếu về nông nghiệp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Trong việc xây
dựng và thực hiện kế hoạch nhà nước, các ngành và các cấp, từ Trung ương đến
cơ sở, phải rất coi trọng tính toán hiệu quả kinh tế, từng bước thực hiện
chế độ hạch toán kinh tế, luôn luôn phấn đấu nhằm tăng năng suất lao động,
hạ chi phí sản xuất và kinh doanh có lãi, đem lại hiệu quả ngày càng nhiều
cho nền kinh tế quốc dân, cho từng đơn vị và cho người lao động. Muốn vậy,
phải xây dựng và hoàn chỉnh các định mức, phải ra sức phát huy vai trò quan
trọng của hệ thống các đòn bẩy kinh tế (lợi nhuận, giá cả, tiền lương, tín
dụng, hợp đồng kinh tế…). Do đó, việc nghiên cứu và ban hành kịp thời các
chính sách và quy định của Nhà nước về các loại đòn bẩy này, kịp thời sửa
đổi và bổ sung các chính sách và quy định đó là những việc làm có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là căn cứ để hạch toán kinh tế.
Phải tăng cường
quản lý kỹ thuật gắn liền với quản lý kế hoạch. Chỉ tiêu của kế hoạch phải
kèm theo biện pháp kỹ thuật cũng như biện pháp kinh tế. Đây là chỗ yếu rất
lớn của chúng ta cần ra sức phấn đấu để khắc phục. Trước mắt phải tận dụng
hiểu biết và khả năng kỹ thuật sẵn có, luôn luôn chăm lo cải tiến kỹ thuật,
hợp lý hóa sản xuất, chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm kỹ
thuật, kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Phải sử dụng và bồi dưỡng tốt
đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân kỹ thuật, đây là vốn
rất quý của chúng ta, chúng ta phải biết phát huy đến mức cao nhất năng lực
và nhiệt tình của những người mà chúng ta đã mất biết bao công sức mới rèn
luyện thành những người có kiến thức, có tay nghề. Đồng thời, luôn luôn chăm
lo đào tạo mới, tăng nhanh đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân
kỹ thuật kịp thời thỏa mãn những yêu cầu vô cùng to lớn của nền kinh tế quốc
dân đương trên đà phát triển.
Cơ sở sản xuất,
xí nghiệp, công trường và hợp tác xã là tế bào của nền kinh tế quốc dân, là
tiền tuyến trên mặt trận kinh tế. Các ngành, các cấp phải nêu cao
trách nhiệm và quyết tâm làm tốt việc tăng cường và cải tiến quản lý ở cơ
sở, từ đó mà bảo đảm việc hoàn thành kế hoạch nhà nước, tạo tiền đề cho
những bước phát triển mới lớn hơn những năm sau. Để làm tốt mọi công việc ở
cơ sở, chủ yếu là thực hiện kế hoạch nhà nước, phải động viên quần chúng lao
động: công nhân, nông dân tập thể, thanh niên, phụ nữ, v.v., phấn
đấu với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; phải động viên nhiệt
tình cách mạng và sức lao động sáng tạo của mọi người, gây thành phong trào
chiến đấu, sản xuất và tiết kiệm sôi nổi và liên tục. Đây là cách thiết thực
nhất để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa
ở cơ sở.
Đại hội công nhân
và viên chức ở cơ sở, tiến tới Đại hội Công đoàn là cơ hội rất thuận lợi cho
chúng ta làm tốt những công việc trên đây, đồng thời xây dựng tổ chức Công
đoàn vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng với vai trò cực kỳ quan trọng của giai
cấp công nhân ở miền Bắc nước ta.
Nhà nước ta, Nhà
nước xã hội chủ nghĩa phải có trình độ tổ chức và kỷ luật cao. Nhà nước quản
lý mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, nội chính, xã hội, v.v., thông qua những
pháp luật, pháp lệnh và mọi quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền,
nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân lao động, phát huy khả năng của mọi người,
đồng thời ngăn ngừa và trừng trị mọi sự vi phạm đối với lợi ích của Nhà nước
và của nhân dân. Tóm lại, Nhà nước quản lý toàn bộ đời sống xã hội thông qua
pháp chế xã hội chủ nghĩa, pháp chế đó quy định nghĩa vụ, chức trách và hoạt
động của mọi tổ chức, mọi người một cách hợp lý nhất, phù hợp với lợi ích
của xã hội và phù hợp với lợi ích của tổ chức đó cho đến mọi người lao động.
Cho nên, pháp chế xã hội chủ nghĩa phải được mọi người trong xã hội thi hành
một cách đầy đủ và nghiêm ngặt, vì lợi ích chung của xã hội và lợi ích của
bản thân mình. Để bảo đảm việc thi hành đúng đắn pháp chế xã hội chủ nghĩa
phải coi trọng và tăng cường công tác thanh tra của Nhà nước.
Quản lý kinh tế,
quản lý văn hóa, quản lý trật tự trị an, v.v., quản lý mọi hoạt động của xã
hội đòi hỏi chúng ta phải coi trọng việc xây dựng pháp chế, đồng thời đòi
hỏi chúng ta phấn đấu nhằm giáo dục, hướng dẫn, thuyết phục mọi người tuân
thủ pháp chế.
Thưa các đồng
chí đại biểu Quốc hội,
Trong thời gian
dài, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam ta đã diễn ra trong tình hình
thế giới rất thuận lợi, lúc ba dòng thác cách mạng không ngừng
lớn lên và liên tiếp đánh vào chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ,
liên tiếp giành những thắng lợi rất có ý nghĩa, đẩy nhanh quá trình
suy yếu của chúng và đưa chúng đến cuộc khủng hoảng rất trầm trọng về mọi
mặt. Như vậy, quá trình lớn mạnh và thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng
của nhân dân ta, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, gắn liền với
quá trình lớn mạnh và thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân
thế giới. Hôm nay, một lần nữa nhân dân Việt Nam ta bày tỏ với nhân dân Liên
Xô, nhân dân Trung Quốc, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa khác, với Phong
trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, với các dân tộc của thế giới thứ ba đang
đấu tranh để tự giải phóng, với cả loài người tiến bộ trong đó có nhân dân
tiến bộ Mỹ, những tình cảm nồng nhiệt, lòng biết ơn chân thành và sâu sắc
của mình đối với sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn và quý báu của nhân
dân thế giới. Đồng thời, nhân dân Việt Nam ta cũng nhìn thấy một cách sáng
tỏ rằng sự lớn mạnh và những thắng lợi vang dội của mình, nhất là của cuộc
chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, là những đóng góp rất có ý nghĩa đối với sự
nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Một lòng trung thành với nghĩa vụ
quốc tế của mình, nhân dân Việt Nam tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ quốc tế
ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ để giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong
cuộc chiến đấu của mình và từ đó mà góp phần cống hiến có ý nghĩa sâu xa hơn
nữa vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập
dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Kề vai sát cánh
với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia nhân dân Việt Nam ta quyết kiên trì
và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên ba mặt trận quân sự,
chính trị, ngoại giao, quyết giành những thắng lợi to lớn hơn nữa cho đến
thắng lợi hoàn toàn: giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội
chủ nghĩa tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam
hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, góp phần bảo vệ hòa
bình ở Đông Nam Á và thế giới. Mặc dầu đế quốc Mỹ, với bản chất xâm lược và
hiếu chiến không bao giờ thay đổi của chúng, có những cố gắng điên cuồng,
những âm mưu và thủ đoạn tàn bạo và xảo quyệt như thế nào, chúng cũng không
thể thoát khỏi thế thất bại tất yếu của chúng. Trước đây, với những lực
lượng to lớn hơn bao giờ hết, chúng đã tiến hành một cuộc chiến tranh vô
cùng ác liệt chống nhân dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, nhưng chúng
đã vấp phải những thất bại thảm hại như mọi người đã biết. Ngày nay, so sánh
lực lượng giữa ta và địch đã biến đổi rõ rệt, ta thắng địch thua, ta mạnh
địch yếu, ta chủ động, địch bị động, ta tiến lên phía trước, địch suy sụp và
xuống dốc, ta phấn khởi và tin tưởng, địch lo sợ và hoang mang. Thắng lợi
cuối cùng nhất định thuộc về nhân dân ta.
Hỡi đồng bào và
chiến sĩ, hãy giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí
Minh vĩ đại:
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về
ta!