BÁO CÁO CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA IV [1]
Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội từ ngày 20 đến ngày 23-02-1973 là kỳ họp đặc biệt, Quốc hội chỉ giải quyết một vấn đề là biểu thị thái độ đối với việc ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam, cho nên khi ấy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có báo cáo công tác. Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo công tác từ sau kỳ họp thứ 2, tức là từ ngày 26-3-1972 đến nay.
Trong thời gian 22 tháng qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 25 lần, thông qua 306 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên liên hệ với Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thường xuyên được phản ánh về tình hình hoạt động của các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội.
Sau đây, chúng tôi xin báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
I. VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ QUYẾT NGÀY 10-4-1965
CỦA QUỐC HỘI GIAO CHO UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI MỘT SỐ QUYỀN HẠN CỦA QUỐC HỘI
Thi hành Nghị quyết ngày 10-4-1965 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải quyết những việc sau đây:
1. Ngày 17-8-1972, thông qua phương hướng điều chỉnh kế hoạch Nhà nước năm 1972.
2. Ngày 17-8-1972, thông qua phương hướng điều chỉnh ngân sách nhà nước năm 1972.
3. Ngày 11-12-1972, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1972.
4. Ngày 09-8-1973, thông qua phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phục hồi và phát triển nền kinh tế quốc dân trong năm 1973.
5. Ngày 09-8-1973, phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1973.
6. Ngày 30-11-1973, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 1972.
Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xét và phê chuẩn các nghị quyết nói trên.
II- VỀ CÔNG TÁC PHÁP LUẬT
- Ngày 02-5-1972, theo đề nghị của Uỷ ban Dự án pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu và xây dựng Luật bổ sung Luật hôn nhân và gia đình. Việc này đang tiến hành.
- Ngày 16-8-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà cố gắng sửa chữa, nhân dịp lễ Quốc khánh lần thứ 27 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Ngày 06-9-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng. Pháp lệnh này được ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải tăng cường việc bảo vệ rừng, chống nạn phá hoại rừng, nhằm phát triển tài nguyên phong phú của rừng, phát huy tác dụng to lớn của rừng trong việc bảo vệ môi trường sinh sống, giữ nguồn nước và điều tiết nước, giữ đất, chống xói mòn, điều hòa khí hậu, hạn chế tác hại của gió, bão, lũ, lụt, hạn hán, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng và nâng cao đời sống của nhân dân.
- Ngày 17-4-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà cố gắng sửa chữa, nhân dịp mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
III- VỀ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
1. Trong phiên họp ngày 14-9-1972, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Pháp chế trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
2. Trong phiên họp ngày 14-6-1973, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Bộ Xây dựng, trên cơ sở hợp nhất Bộ Kiến trúc và Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.
3. Trong phiên họp ngày 29-01-1974, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc từ nay đặt Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
IV- VỀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC
1. Về việc khuyết Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Đồng chí Tôn Quang Phiệt, Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau một thời gian dài bị bệnh nặng, mặc dù đã được các chuyên gia y tế tận tình điều trị, nhưng vì tuổi già sức yếu, đã từ trần hồi 2 giờ 15 phút ngày 01-12-1973, thọ 73 tuổi.
Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu người giữ chức Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay đồng chí Tôn Quang Phiệt.
2. Về nhân sự của Hội đồng Chính phủ
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-4-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Phan Mỹ giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, thay đồng chí Đặng Thí thôi giữ chức vụ này để nhận công tác khác.
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14-6-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm một số thành viên của Hội đồng Chính phủ như sau:
- Đồng chí Nguyễn Côn, Phó Thủ tướng Chính phủ, thôi giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, để làm công việc của Thường vụ Hội đồng Chính phủ;
- Đồng chí Nguyễn Lam, Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nay giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thay đồng chí Nguyễn Côn;
- Đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ, nay kiêm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
- Đồng chí Bùi Quang Tạo thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Kiến trúc để nhận nhiệm vụ khác;
- Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, nay giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, thay đồng chí Hà Kế Tấn;
- Đồng chí Hà Kế Tấn thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi để giữ chức Bộ trưởng đặc trách việc xây dựng đập sông Đà.
3. Về nhân sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 03-3-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định:
- Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Quảng, tức Hồng Quang, giữ chức Uỷ viên Uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bổ nhiệm các đồng chí Nguyễn Đình Khang và Trần Trí Đức giữ chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bổ nhiệm các đồng chí có tên sau đây giữ chức Kiểm sát viên dự khuyết Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Đào Gia Khoát, Nguyễn Anh Phong, Đoàn Văn Cựu tức Vũ Bắc, Xuân Trình, Đặng Huy Phúc, Hoàng Thị Kim Thành, Hoàng Thị Tâm, Trần Thị Thái Hà, Lê Thị Kiệm, Hoàng Đức Luật, Nguyễn Văn Hội, Hà Thị Ngân Giang, Nguyễn Đình Tôn, Lê Mai, Phạm Phổ, Quản Đức Thịnh tức Thêm, Võ Văn An.
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 31-8-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm các đồng chí Huỳnh Lắm và Nguyễn Quốc Hồng giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Về việc bổ nhiệm các đại sứ
Về việc bổ nhiệm các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước, trong thời gian qua, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định:
Ngày 06-4-1972, bổ nhiệm:
- Đồng chí Nguyễn Anh Vũ giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ấn Độ;
- Đồng chí Văn Bá Kiếm giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Angiêri Dân chủ và Nhân dân, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Xênêgan, thay đồng chí Nguyễn Đức Thiệng về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Nguyễn Hữu Ngô, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Na Uy và Vương quốc Đan Mạch.
Ngày 17-10-1972, bổ nhiệm:
- Đồng chí Chu Văn Biên giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ấn Độ, thay đồng chí Nguyễn Anh Vũ được bổ nhiệm Đại sứ, nhưng bị ốm, không nhận công tác được.
- Đồng chí Dương Thiết Sơn giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Thống nhất Tandania, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Dân chủ Xômali, thay đồng chí Lê Thanh Tâm về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Vũ Hắc Bồng thôi giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ghinê, nước Cộng hòa Hồi giáo Môritani, nước Cộng hòa Mali, để giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Chilê;
- Đồng chí Trần Văn Được giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ghinê, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Hồi giáo Môritani và nước Cộng hòa Mali;
- Đồng chí Lê Trang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên bang Thụy Sĩ.
Ngày 23-5-1973, bổ nhiệm:
- Đồng chí Phạm Bảng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Na Uy, Vương quốc Đan Mạch và nước Cộng hòa Phần Lan, thay đồng chí Nguyễn Hữu Ngô về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Nguyễn Huy Thu giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ảrập Ai Cập, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước Cộng hòa Dân chủ Xuđăng, Cộng hòa Ảrập Yêmen và Cộng hòa Nhân dân Nam Yêmen, thay đồng chí Trần Văn Sở về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Hungari, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Áo, thay đồng chí Hoàng Cương về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Nguyễn Hòa giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Inđônêxia, thay đồng chí Phạm Bình về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Ngô Thuyền, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nay kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Hồi giáo Pakíxtan;
- Đồng chí Chu Văn Biên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ấn Độ, nay kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Bănglađét;
- Đồng chí Dương Thiết Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Thống nhất Tandania, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Dân chủ Xômali và nước Cộng hòa Dămbia, nay kiêm thêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Mangátsơ (2);
- Đồng chí Văn Bá Kiếm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Angiêri Dân chủ và Nhân dân, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Xênêgan, nay kiêm thêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Thống nhất Camơrun và nước Cộng hòa Ghinê Xích đạo.
Ngày 18-01-1974, bổ nhiệm đồng chí Hà Văn Lâu giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Cuba, thay đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn về nước nhận công tác khác.
V. VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG VÀ
TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG
1. Ngày 18-10-1972, nhân dịp miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000 của giặc Mỹ, theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tuyên dương công trạng của quân và dân miền Bắc anh hùng.
2. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng và tặng thưởng huân chương các loại cho nhiều địa phương, đơn vị, gia đình và bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức, cũng như cho nhiều đơn vị tàu vận tải và chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em:
- Tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 154 đơn vị và 62 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân du kích và tự vệ; và tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 16 đơn vị và 18 cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các ngành kinh tế, giáo dục và hành chính sự nghiệp đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất và công tác;
- Tặng thưởng Huân chương Quân công cho 108 đơn vị và 4 cán bộ, chiến sĩ và Huân chương Chiến công cho 2.131 đơn vị và 8.146 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân du kích, tự vệ đã có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
- Tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho 809 địa phương, 618 đơn vị, 1.500 gia đình, 462 cán bộ, công nhân, viên chức, đã có nhiều thành tích trong phong trào tòng quân, thành tích kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các gia đình có nhiều người tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân chống Mỹ, cứu nước;
- Tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho nhiều cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều thành tích phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang;
- Tặng thưởng Huân chương Lao động cho 228 đơn vị, 79 địa phương và 21 cán bộ, công nhân, viên chức, đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu và chấp hành tốt chính sách;
- Tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, 15 Huân chương Quân công, 150 Huân chương Chiến công, 70 Huân chương Kháng chiến, 56 Huân chương Lao động cho 60 đơn vị và 233 chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có công giúp Chính phủ và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
VI- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VÀ THƯ DÂN NGUYỆN
Từ sau kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa IV đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 5.177 đơn khiếu tố và thư dân nguyện của cán bộ và nhân dân và tiếp 1.205 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc.
Số đơn nhận được và số người đến trực tiếp khiếu tố nhiều nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Tây, Vĩnh Phú.
Thành phần người khiếu tố bao gồm đủ mọi tầng lớp: cán bộ, công nhân viên, bộ đội, dân tộc, tôn giáo, phạm nhân, v.v..
Các đơn khiếu tố đề cập nhiều vấn đề, nhưng tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:
a) Tố cáo cán bộ tham ô, lợi dụng, móc ngoặc, ăn hối lộ, thiếu gương mẫu, quan liêu, kém đạo đức, mất phẩm chất, thiếu dân chủ, hống hách, truy trù, đánh trói, thi hành kỷ luật không đúng chính sách, v.v..
b) Tố cáo các cơ quan, cán bộ làm sai chính sách và pháp luật:
Khám xét, đuổi nhà, bắt người, tịch thu tài sản trái pháp luật, bắt người giam lâu ngày không xét xử, quá hạn tù không tha ra;
Người bị bắt oan, khi được tha ra, không được giải quyết về quyền lợi;
Án xử không được thi hành;
Chính sách hậu phương chưa được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa công bằng hợp lý;
Không được đăng ký hộ khẩu, bị cắt hộ khẩu, cắt sổ gạo, gây khó khăn cho đời sống của dân;
Nông dân xin ra hợp tác xã không có ruộng làm;
Nông trường làm thiệt hại quyền lợi của nông dân;
v.v..
Những thư góp ý thường đề cập một số vấn đề xã hội hiện nay như: giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng, trật tự trị an, quản lý thị trường, tổ chức chính quyền ở các khu phố, v.v..
Những đơn khiếu tố đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều được nghiên cứu kỹ và kịp thời chuyển đến các cơ quan hoặc địa phương để xem xét giải quyết. Một số nơi khi nhận được đơn chuyển đến đã quan tâm giải quyết, có những việc giải quyết dứt điểm, thích đáng, gây phấn khởi, tin tưởng cho nhân dân và nhiều trường hợp nhân dân đã gửi thư đến cảm ơn Quốc hội. Nhưng kết quả đó chưa phải đều khắp. Thí dụ: năm 1973 tổng số đơn nhận được là 3.162 đơn, các ngành và các địa phương chỉ mới giải quyết được 322 đơn (tỷ lệ 10,18%).
Qua báo cáo các nơi gửi về, chúng tôi thấy có một số nơi như Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Ninh Bình, v.v., có sự quan tâm đúng mức đến công tác xét đơn khiếu tố và có những kinh nghiệm tốt trong việc giải quyết đơn khiếu tố, nhờ đó mà công tác này đạt được nhiều kết quả tốt.
Về phần Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì có nhiều trường hợp một đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc các đồng chí Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đi đến tận nơi để xem xét tình hình và bàn bạc với các cơ quan, các địa phương, góp ý kiến hoặc kiến nghị về cách giải quyết.
Về việc tiếp dân: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm làm cho công tác này ngày càng được cải tiến. Ban thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công một số đồng chí thư ký phụ trách việc tiếp dân. Cán bộ Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm công tác tiếp dân thường xuyên học tập để nắm vững các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước, và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm bồi dưỡng về nghiệp vụ. Người dân đến trình bày sự việc với Quốc hội luôn luôn được tiếp đón thỏa đáng. Có những trường hợp người khiếu tố thiếu bình tĩnh, nhưng vẫn được cán bộ kiên trì nghe và giải thích về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và những đơn khiếu tố được tiếp nhận chu đáo, do đó đương sự tin tưởng ở Nhà nước ta. Có trường hợp khi đến Quốc hội, đương sự có những ý định sai, nhưng sau khi nghe giải thích, nhận thức được đúng sai và tự nguyện rút đơn.
Trên đây là một số kết quả trong việc giải quyết đơn khiếu tố. Nhưng qua công tác xét khiếu tố ở Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi thấy:
1. Hiện nay còn nhiều ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân, cho nên tình trạng xét đơn khiếu tố nói chung còn rất trì trệ; nơi giải quyết nhiều nhất trung bình cũng chỉ mới được trên dưới 50%. Có trường hợp đương sự nhận được 24 giấy báo tin “cứ yên tâm chờ giải quyết” mà ba năm nay không được cơ quan nào giải quyết (Hà Nội). Có trường hợp đương sự đến Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết là khi đến cơ quan để yêu cầu giải quyết, thì không ai tiếp mà còn bị “đuổi như đuổi tà…”.
Tình hình trên là trái với Điều 29, Chương III của Hiến pháp: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền khiếu nại và tố cáo với bất kỳ cơ quan nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan nhà nước có quyền được bồi thường”.
2. Nhiều đại biểu Quốc hội chưa quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các đơn khiếu tố của nhân dân. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhận được một số đơn khiếu tố của cán bộ và nhân dân do đại biểu Quốc hội chuyển tới, đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có chuyển một số đơn tới đại biểu Quốc hội đề nghị đại biểu nghiên cứu, bàn với địa phương giải quyết, nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất ít nhận được giấy báo của đại biểu Quốc hội về việc nghiên cứu, theo dõi, đôn đốc và kết quả giải quyết các đơn khiếu tố đó.
3. Qua đơn khiếu tố của nhân dân, chúng tôi thấy hiện nay trong một số cơ quan và cán bộ các ngành còn có tình trạng thiếu dân chủ, chuyên quyền độc đoán, quan liêu, mệnh lệnh, chấp hành sai hoặc không chấp hành chính sách của Đảng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước, v.v., do đó mà gây khó khăn cho đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chế độ ta.
Để đề cao pháp luật của Nhà nước, đáp ứng lòng tin tưởng và mong đợi của cán bộ và nhân dân trong vấn đề xét đơn khiếu tố, yêu cầu các cơ quan ở Trung ương, các Uỷ ban hành chính địa phương cần quan tâm đúng mức, quán triệt đầy đủ nội dung Điều 29, Chương III của Hiến pháp. Các đồng chí đại biểu Quốc hội cần có sự quan tâm đúng mức đến những đòi hỏi chính đáng của cử tri, đến đơn khiếu tố của nhân dân. Nếu các ngành, các cấp, các vị đại biểu Quốc hội đều chú ý đến thì công tác xét khiếu tố chắc chắn đạt được kết quả tốt hơn.
VII- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đều đặn nhận được của Hội đồng Chính phủ những nghị quyết, nghị định, chỉ thị, các thông báo thường kỳ về các mặt hoạt động của Hội đồng Chính phủ.
Đại diện Hội đồng Chính phủ thường xuyên tham dự các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình những đề nghị, dự án cần được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét và thông qua hoặc báo cáo những vấn đề cần thiết với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
1. Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về tình hình đấu tranh ngoại giao và về ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam:
- Ngày 31-5-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Pari, báo cáo về tình hình hội nghị và hoạt động của Đoàn.
- Ngày 26-10-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, thay mặt Hội đồng Chính phủ, báo cáo về tình hình đấu tranh ngoại giao chống Mỹ, cứu nước.
- Ngày 24-01-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo kết quả cuộc đàm phán tại Pari giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy, đại diện Chính phủ ta với tiến sĩ Henry Kítxingơ, đại diện Chính phủ Mỹ.
2. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước:
- Ngày 16 và 17-8-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay mặt Hội đồng Chính phủ, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1972, về nhiệm vụ của công tác kế hoạch và ngân sách trong thời gian sắp tới, và nghe thuyết trình của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương hướng điều chỉnh kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1972 nhằm đẩy mạnh mọi mặt công tác, kịp thời đáp ứng những nhu cầu trước mắt và lâu dài của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm đời sống nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Ngày 11-12-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay mặt Hội đồng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1971 và nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội thuyết trình ý kiến của Uỷ ban về vấn đề đó.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1971.
- Ngày 08 và 09-8-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thay mặt Hội đồng Chính phủ, báo cáo về việc xây dựng kế hoạch nhà nước trong điều kiện từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, về phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch năm 1973, về tình hình thực hiện kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 1973 và những biện pháp cần thi hành trong 6 tháng cuối năm 1973 nhằm bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay mặt Hội đồng Chính phủ, báo cáo về dự án ngân sách nhà nước năm 1973, về tình hình thực hiện ngân sách trong 6 tháng đầu năm 1973, về phương hướng phấn đầu thực hiện ngân sách trong 6 tháng cuối năm 1973.
Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các báo cáo và dự án của Chính phủ về kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1973.
- Ngày 30-11-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1972 và Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội thuyết trình về vấn đề trên.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1972.
- Ngày 28-01-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thay mặt Hội đồng Chính phủ, báo cáo về phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1974.
3. Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn nghe nhiều báo cáo về các mặt công tác khác của Hội đồng Chính phủ:
- Ngày 13 và 14-9-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ tịch Uỷ ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương báo cáo về tình hình và nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, nghe đại diện một số ngành hữu quan của Chính phủ báo cáo bổ sung và đại diện Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thuyết trình ý kiến của Uỷ ban về vấn đề này.
- Ngày 09-01-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thiếu tướng Lê Hiến Mai, đại diện Bộ Quốc phòng, báo cáo về tình hình chiến đấu của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972 và nhiệm vụ trước mắt của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhiệt liệt biểu dương quân và dân ta trong 12 ngày đêm chiến đấu rất anh dũng, đã đánh bại bước leo thang chiến tranh phá hoại cực kỳ dã man, tàn bạo của địch đối với Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc nước ta và giành được thắng lợi to lớn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt khen ngợi bộ đội tên lửa, bộ đội không quân và các quân chủng, binh chủng khác của Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng dân quân, tự vệ với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, đã hợp đồng chặt chẽ, dũng cảm, mưu trí, kịp thời đánh địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần to lớn vào thắng lợi chung.
- Ngày 22-9-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo kết quả cuộc đi thăm hữu nghị chính thức của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta tại Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Hunggary, Ba Lan, Rumani và Bungari. Cuộc đi thăm này đã được thực hiện theo điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc của Người và theo nguyện vọng tha thiết của toàn dân ta.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng cuộc đi thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước quan trọng trong việc củng cố và phát triển tình hữu nghị keo sơn và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ta và nhân dân các nước anh em.
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội và nhân dân ta, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với các nước anh em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, và ngày nay vẫn tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta về mọi mặt.
VIII- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn giữ quan hệ mật thiết với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử đại diện tham dự đều đặn các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Hai cơ quan đã gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo công tác thường kỳ và các báo cáo chuyên đề. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong nhiều phiên họp đã xét một số vấn đề cụ thể và góp ý kiến về công tác xét xử của ngành Tòa án.
Tại kỳ họp này, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo riêng về công tác của mình trước
Quốc hội.
IX- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương tháng 4 năm 1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử bảy đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với các tổ chức bầu cử các cấp đi kiểm tra việc thi hành luật lệ bầu cử ở nhiều tỉnh và thành phố, kịp thời góp ý kiến sửa chữa những sai sót nhằm bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân.
Một số uỷ viên trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đi dự hội nghị Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh, thành phố, và nhân dịp này đã tìm hiểu tình hình hoạt động của các đại biểu Quốc hội ở địa phương, tình hình giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho địa phương xét và giải quyết.
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 31-10-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bãi bỏ Nghị quyết ngày
25-01-1973 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tây phục hồi chức vụ cho một Phó chủ tịch và một Uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh, vì xét rằng nghị quyết đó là không thích đáng.
X- ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI
CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM
- Nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 06-6-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử một Đoàn đại biểu Quốc hội ta, do Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Xiển dẫn đầu, vào thăm vùng giải phóng và dự lễ kỷ niệm.
- Ngày 06-10-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau khi dự Hội nghị cấp cao các nước không liên kết và thăm một số nước châu Phi, châu Âu, trên đường trở về Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lưu lại thăm miền Bắc.
XI- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
Trong thời gian hai năm qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đón tiếp một số đoàn đại biểu Quốc hội và nghị sĩ các nước và nhân những dịp đó, đã bày tỏ lập trường của Quốc hội và nhân dân ta đối với một số vấn đề quốc tế.
1. Về việc đón tiếp các đoàn đại biểu Quốc hội và nghị sĩ một số nước
- Từ ngày 04 đến ngày 11-4-1973, nhận lời mời của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta, Đoàn đại biểu Quốc hội Liên bang nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, do đồng chí Alôixơ Inđơra, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch Quốc hội Liên bang dẫn đầu, đã thăm hữu nghị chính thức nước ta.
- Từ ngày 19 đến ngày 26-12-1973, nhận lời mời của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta, Đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô, do đồng chí Niađơbêcốp Xabia Bilialôvích, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức nước ta.
Hai đoàn đại biểu nói trên đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân ta từ Trung ương đến địa phương đón tiếp rất trọng thể và nồng nhiệt, biểu thị tình cảm sâu sắc của nhân dân ta đối với nhân dân hai nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Trong thời gian ở Việt Nam, hai đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ân cần đón tiếp, đã thăm và hội đàm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã thăm Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam, dự mít tinh trọng thể của nhân dân thủ đô Hà Nội chào mừng Đoàn, đã đi thăm một số cơ sở kinh tế và văn hóa ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, đã có nhiều cuộc gặp gỡ với công nhân, nông dân và các chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc đi thăm nước ta của Đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô và Đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc đã thành công rất tốt đẹp và là những đóng góp quan trọng vào việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác anh em giữa nước ta với hai nước anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
- Từ ngày 02 đến ngày 09-6-1973, nhận lời mời của Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn nghị sĩ Nhật Bản đã đến thăm nước ta. Đoàn gồm có hai Hạ nghị sĩ: Canêcô Michưhirô, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch và Phó Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản và Xênaga Camêhirô, Chủ tịch Đảng nhân dân Ôkinaoa; hai Thượng nghị sĩ: Nisimura Canichi, Uỷ viên Uỷ ban Ngoại giao và quốc phòng của Đảng Xã hội Nhật Bản và Hôsinô Chưtômư, Uỷ viên Trung ương và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Trong thời gian ở nước ta, Đoàn đã được đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tiếp và nói chuyện thân mật. Đoàn đã đến thăm Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thăm Uỷ ban hành chính Hà Nội, Hội hữu nghị Việt - Nhật, Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thăm một số nơi ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đến đâu Đoàn cũng được đón tiếp nồng nhiệt.
Ban thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội đàm thân mật với Đoàn. Hai bên đã thông báo tình hình đấu tranh hiện nay của nhân dân nước mình và trao đổi ý kiến về việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên vui mừng nhận thấy cuộc đi thăm hữu nghị Việt Nam lần này của Đoàn nghị sĩ Nhật Bản đã đạt kết quả tốt đẹp và góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
- Ngày 18-3-1973, Ban thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp các nghị sĩ Canađa D. Camơron, D. Râulan, A. Anla trong Đoàn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canađa Misen Sácpơ đến thăm Việt Nam.
- Ngày 26-6-1973, đồng chí Trường Chinh đã tiếp Đoàn đại biểu Hội luật gia Ấn Độ do ông Cơritxna Mênon, nghị sĩ Ấn Độ, Chủ tịch Hội luật gia Ấn Độ, dẫn đầu.
- Ngày 28-8-1973, đồng chí Trần Đăng Khoa và một số đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Hạ nghị sĩ Hà Lan B. Đơgay Phoócman, Chủ tịch Đảng Chính trị cấp tiến của Hà Lan.
- Ngày 10-10-1973, Ban thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu kinh tế của Chính phủ Pháp do ông Phơrăngxoa Mítsốpphơ, nghị sĩ Quốc hội dẫn đầu.
- Ngày 21-10-1973, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Văn Hoan và một số uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu Uỷ ban Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam và Hội hữu nghị Nhật - Việt, do ông Chưtômư Hôsinô, Thượng nghị sĩ Nhật Bản, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản, dẫn đầu.
- Ngày 11-01-1974, các Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Thị Thập và một số uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn nghị sĩ Thụy Điển và đại biểu Uỷ ban Thụy Điển ủng hộ Việt Nam, trên đường đi thăm miền Nam Việt Nam và vùng giải phóng Lào, ghé lại thăm miền Bắc nước ta trong một thời gian.
- Ngày 18-01-1974, các Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Thị Thập và một Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Ý (3) - Việt Nam do bà Tulia Caréttôni, Phó Chủ tịch Thượng nghị viện Ý, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch toàn quốc Liên đoàn phụ nữ Ý, dẫn đầu, sang thăm hữu nghị Việt Nam.
2. Về việc bày tỏ lập trường của Quốc hội và nhân dân ta đối với các vấn đề quốc tế
Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc với các đoàn đại biểu Quốc hội hoặc nghị sĩ các nước đến thăm Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong những dịp Chủ tịch Trường Chinh tiếp các khách quốc tế và đại sứ các nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thường có dịp nói rõ thái độ của Quốc hội và nhân dân ta đối với những vấn đề quốc tế quan trọng.
- Ngày 27-4-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi thư cho Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hưởng ứng bức thư ngày 06-4-1973 của Hội nghị Nhân dân tối cao gửi Quốc hội và Chính phủ các nước về vấn đề đòi chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ Triều Tiên và xúc tiến việc hòa bình, tự chủ thống nhất nước Triều Tiên.
- Ngày 10-11-1972, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi điện cho Hạ nghị viện nước Cộng hòa Chilê (hồi còn cố Tổng thống Xanvađo Agienđê) hưởng ứng bức thư của Hạ nghị viện tối cáo công ty đồng của Mỹ Kennơcốt Cốppơ về hành động bao vây kinh tế và cướp đoạt sản phẩm đồng xuất khẩu của Chilê trên thị trường thế giới.
- Ngày 20-8-1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi điện cho Quốc hội nước Cộng hòa Ảrập Ai Cập bày tỏ sự phẫn nộ về việc ngày 26-7-1973, tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đại biểu Mỹ đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ dự thảo nghị quyết của các nước không liên kết đòi Ixraen phải rút khỏi các vùng đất đai của các nước Ảrập bị chúng chiếm đóng.
3. Về việc Quốc hội các nước ủng hộ ta
Trước việc đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh, ném bom bắn phá, thả mìn phong tỏa các cảng của ta năm 1972, đặc biệt trong những ngày cuối năm, trên toàn thế giới đã dấy lên một cao trào rầm rộ phản đối và lên án đế quốc Mỹ, nhiệt liệt ủng hộ nhân dân Việt Nam. Quốc hội tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa và nhiều Quốc hội các nước tư bản, bằng nhiều hình thức phong phú, đã biểu thị thái độ của mình.
Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhận được một số thông báo:
- Nghị quyết ngày 03-5-1972 và ngày 10-5-1972 của Hạ nghị viện Chilê lên án sự can thiệp vũ trang của Mỹ tại Việt Nam, lên án việc Mỹ thả mìn phong tỏa các cảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;
- Điện ngày 13-5-1972 của Quốc hội nước Cộng hòa Ảrập Ai Cập ủng hộ cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ, lên án Tổng thống Mỹ Níchxơn dùng không quân hàng ngày bắn phá các thành phố đông dân ở Việt Nam;
- Điện ngày 03-6-1972 của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Ảrập Xyri lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ chống nhân dân Việt Nam và phong tỏa bờ biển của Việt Nam.
XII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI
Trong thời gian từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa IV đến nay, kể cả thời gian chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sinh hoạt của các Uỷ ban của Quốc hội nói chung vẫn giữ được đều. Các vấn đề do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho các Uỷ ban thẩm tra và nghiên cứu hoặc do sáng kiến của các Uỷ ban đề xuất đều được các Uỷ ban tiến hành chu đáo và đã giúp cho Uỷ ban đề xuất Thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định được nhanh chóng về các vấn đề này.
1. Uỷ ban Dự án pháp luật của Quốc hội
Trong thời gian qua, Uỷ ban Dự án pháp luật đã họp bốn lần để:
- Trao đổi ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban quy định trong Điều 35 của Luật tổ chức Quốc hội;
- Tiếp tục trao đổi ý kiến về nội dung công tác của Uỷ ban;
- Thẩm tra dự án Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng;
- Nghe báo cáo của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ và góp ý kiến về chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ trong hai năm 1974-1975.
2. Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã họp 5 lần để:
- Thẩm tra phương hướng điều chỉnh kế hoạch nhà nước
năm 1972;
- Thẩm tra phương hướng điều chỉnh ngân sách nhà nước
năm 1972;
- Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 1971;
- Thẩm tra phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1973;
- Thẩm tra dự án ngân sách nhà nước năm 1973;
- Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 1972;
- Thẩm tra phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1974;
- Thẩm tra dự án ngân sách nhà nước năm 1974.
Sau khi thẩm tra, Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã thuyết trình những ý kiến của mình về tất cả các vấn đề trên đây trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội.
3. Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội đã họp bốn lần để:
- Nghe thông báo tình hình thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vùng dân tộc;
- Thành lập Đoàn đại biểu của Uỷ ban đi thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang vào cuối năm 1972 và thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng vào cuối năm 1973;
- Nghe Đoàn đại biểu của Uỷ ban đi thăm tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng báo cáo về tình hình các mặt mà Đoàn đã nắm được và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Chính phủ giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân các dân tộc và các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng.
4. Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội đã họp 14 lần để:
a) Ra tuyên bố hoặc thông báo:
- Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tố cáo và lên án đế quốc Mỹ ồ ạt đưa máy bay kể cả máy bay B.52 ném bom bắn phá thành phố Hải Phòng và ngoại thành Hà Nội ngày 16-4-1972;
- Hưởng ứng Tuyên bố ngày 10-5-1972 của Chính phủ ta tố cáo và lên án đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc và thả mìn phong tỏa các hải cảng của ta;
- Tố cáo và lên án đế quốc Mỹ liên tiếp phá hoại Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 18 ngày ký kết Hiệp định này;
- Hưởng ứng Tuyên bố ngày 14-9-1972 của Chính phủ ta và Tuyên bố ngày 11-9-1972 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tố cáo đế quốc Mỹ gây lại chiến tranh với quy mô lớn ở miền Bắc, đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, lập lại hòa bình ở Việt Nam;
- Hưởng ứng Tuyên bố ngày 26-10-1972 của Chính phủ ta về tình hình cuộc đàm phán về Việt Nam ở Hội nghị Pari;
- Hưởng ứng Tuyên bố ngày 07-12-1972 của Chính phủ ta và Tuyên bố ngày 03-12-1972 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tố cáo và lên án Mỹ-ngụy đàn áp, khủng bố, thủ tiêu những người yêu nước, yêu hòa bình ở miền Nam Việt Nam;
- Hoan nghênh dự thảo Hiệp định của Phái đoàn ta ở Hội nghị Pari về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam;
- Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân dịp ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam;
- Tố cáo và lên án Mỹ-Thiệu trắng trợn vi phạm Hiệp định Pari về Việt Nam và thông cáo chung ngày 13-6-1973 và hoan nghênh đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã anh dũng bảo vệ vùng giải phóng, kiên quyết đánh trả những cuộc tấn công của địch lấn chiếm vùng giải phóng;
- Hưởng ứng Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 25-01-1974 và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 24-01-1974 nhân dịp một năm ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam.
b) Kỷ niệm lần thứ 12 và kỷ niệm lần thứ 13 ngày thành lập Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
c) Kỷ niệm lần thứ 3 và kỷ niệm lần thứ 4 ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội còn tổ chức các buổi họp, có các đại biểu Quốc hội có mặt ở Hà Nội dự để nghe thông báo tình hình miền Nam trong từng thời gian và tổ chức các đoàn đại biểu đến chúc mừng Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của nhân dân miền Nam hoặc nhân dịp những sự kiện mới, thắng lợi mới ở miền Nam Việt Nam.
5. Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã họp hai lần và tổ chức ba cuộc đi thăm cơ sở:
- Kiểm điểm công tác đã qua và bàn chương trình công tác năm 1973;
- Nghe giới thiệu và nghiên cứu thảo luận công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và đã trình bày ý kiến về vấn đề này với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
- Nghe giới thiệu và nghiên cứu thảo luận công tác thể dục thể thao;
- Cử đoàn đại biểu của Uỷ ban đi thăm các cơ sở thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, gia đình quân nhân ở nội thành và ngoại thành Hà Nội, thăm một đơn vị bộ đội, thương binh ở Tuyên Quang nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ;
- Cử đoàn đại biểu của Uỷ ban đi thăm và nghiên cứu việc tổ chức, quản lý, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại một số cơ sở ở Hà Nội và Hà Tĩnh và tìm hiểu việc thi hành chính sách hậu phương quân đội ở Hà Tĩnh.
XIII- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Trước khi họp Quốc hội kỳ này, Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được báo cáo của 19 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Quảng Ninh, Hà Tây, Hải Hưng, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Sau đây là một số nét về hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội qua sự phản ánh của các đoàn:
Trước khi về họp Quốc hội, những Đoàn Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phú, v.v., đã tổ chức họp Đoàn để nghe Uỷ ban hành chính tỉnh báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và các mặt công tác khác ở địa phương để các đại biểu nắm được tình hình chung trong tỉnh; trên cơ sở đó, các đại biểu đã bàn bạc, phản ánh tình hình và nguyện vọng của nhân dân, chuẩn bị ý kiến, chuẩn bị tham luận, đóng góp phần tích cực của mình vào sự thành công của kỳ họp Quốc hội.
Sau các kỳ họp, được sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp ở địa phương, các Đoàn đã tổ chức báo cáo nội dung và kết quả của các kỳ họp được kịp thời và rộng rãi. Những Đoàn Vĩnh Phú, Quảng Ninh đã tổ chức những điểm báo cáo chung, rút kinh nghiệm và phân công công tác đại biểu về báo cáo tại các huyện, thị xã, đơn vị…
Nhiều Đoàn phân công đi thăm các xí nghiệp, đơn vị bộ đội, hợp tác xã, trường học, trại an dưỡng, gia đình thương binh, liệt sĩ, v.v., trực tiếp nghe phản ánh tình hình chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước, góp ý kiến với chính quyền địa phương và thu thập những nguyện vọng và kiến nghị của cử tri để phản ánh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Sau cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của giặc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác hồi cuối năm 1972, 8 Đoàn đại biểu Quốc hội đã đi thăm hỏi động viên đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Sau những cơn bão số 5 và số 6 năm 1973, Đoàn đại biểu Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh, v.v., đã đến những nơi bị bão lụt thăm hỏi, kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào nơi bị nạn. Một số đại biểu các tỉnh công tác ở Hà Nội không có điều kiện về thăm trực tiếp đồng bào, đã viết thư về tỉnh thăm hỏi, động viên đồng bào khắc phục hậu quả của bão lụt, đoàn kết, giúp đỡ nhau, mau chóng ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất.
Các đại biểu Quốc hội đã chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước, xung phong, gương mẫu trong lao động, sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu, bám sát cơ sở, được cán bộ và nhân dân tin yêu, mến phục, được bầu là chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến; một số đại biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động như các đồng chí: Nguyễn Hữu Tùng (Nghệ An), Đinh Thị Thu Hiệp (Quảng Bình), Vũ Hồng Út (Thanh Hóa), Trương Quang Thâm (Nghệ An), Hà Văn Dân (Thanh Hóa), Lê Văn Thiêm (Vĩnh Phú).
Một số Đoàn và một số đại biểu Quốc hội đã gửi thư đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoặc trực tiếp phản ánh với Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với các Uỷ ban của Quốc hội về tình hình địa phương, nơi mình công tác hoặc của địa phương mà đại biểu đến tìm hiểu và có một số kiến nghị thiết thực.
Nhiều đại biểu đã tham gia Hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương để tìm hiểu tình hình, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và biết được chủ trương công tác của địa phương, vận động cán bộ, nhân dân cùng thực hiện.
Mỗi khi về dự họp các cuộc hội nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, các đại biểu Quốc hội thường kết hợp tổ chức họp Đoàn để trao đổi kinh nghiệm hoạt động, bàn bạc về công tác của Đoàn, về quan hệ giữa Đoàn với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở các đơn vị mình.
Nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã liên hệ với cấp ủy Đảng, Mặt trận, chính quyền, đề đạt ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Các đoàn đại biểu Vĩnh Phú, Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hải Phòng đã chú ý liên hệ với Uỷ ban hành chính, các cơ quan thanh tra và các cơ quan hữu quan khác nghiên cứu, giải quyết những đơn từ khiếu nại của cán bộ và nhân dân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển về, đồng thời cũng đã quan tâm tìm hiểu việc giải quyết những đơn khiếu nại ở địa phương.
Những hoạt động trên đây của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, giữa các đại biểu Quốc hội với nhân dân địa phương và nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, cũng có những Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương rất ít sinh hoạt Đoàn, hoặc có sinh hoạt mà không báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Có những đại biểu Quốc hội ngoài công việc chuyên môn của mình ít quan tâm đến việc thực hiện những nhiệm vụ khác của người đại biểu Quốc hội.
Kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy nếu các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chú ý nghiên cứu, vận dụng tốt bài của đồng chí Trường Chinh “Một số vấn đề về công tác Quốc hội” và các công thư của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước đây đã gửi cho các đại biểu Quốc hội, thì trong hoàn cảnh hiện nay các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có nhiều khả năng phát huy hơn nữa tác dụng tích cực của người đại biểu nhân dân trong việc phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.