VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

 

BÁO CÁO CỦA BỘ QUỐC PHÒNG VỀ TÌNH HÌNH QUÂN SỰ
(Do ông Nguyễn Đôn, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa IV, ngày 05-02-1974)


 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Lần này Quốc hội họp vào đầu xuân mới, giữa lúc nhân dân cả nước ta đang hăng hái tiến lên, ra sức thi đua làm tròn mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thay mặt các lực lượng vũ trang nhân dân tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu Quốc hội và xin chúc kỳ họp lần này của Quốc hội thành công tốt đẹp.

Tôi xin thay mặt Bộ Quốc phòng báo cáo trước Quốc hội về tình hình quân sự.

Báo cáo của tôi gồm hai phần sau đây:

1. Diễn biến tình hình trong năm vừa qua, thắng lợi của ta và thất bại của địch.

2. Triển vọng của tình hình và nhiệm vụ quân sự.

 

*

*            *

Thưa các đồng chí và các vị,

Cách đây hơn một năm, vào đầu xuân 1973, trên đất nước ta đã diễn ra một sự kiện vô cùng lớn lao. Cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta chống lại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và tàn bạo nhất của tên đế quốc đầu sỏ trên thế giới đã giành được thắng lợi vĩ đại. Chính phủ Mỹ đã phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đáng lẽ ra từ đó đến nay nhân dân cả nước ta đã được sống trong cảnh hòa bình. Nhưng tình hình thực tế đã diễn ra trái ngược với nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.

Tuy Mỹ đã buộc phải thực hiện một số điều khoản của Hiệp định Pari về Việt Nam, rút đội quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chấm dứt hoạt động trực tiếp của các lực lượng vũ trang Mỹ đối với cả hai miền Nam - Bắc nước ta, trao trả các nhân viên quân sự và một số nhỏ nhân viên dân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà họ bắt và giam giữ, thi hành một phần nghĩa vụ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy mìn mà Mỹ đã thả ở vùng biển, các cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam. Nhưng Mỹ và tay sai đã vi phạm, phá hoại toàn diện, có hệ thống và rất nghiêm trọng những điều khoản cơ bản của Hiệp định. Nghiêm trọng nhất là Mỹ không chịu chấm dứt dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, Mỹ và tay sai không chịu thực hiện ngừng bắn, vẫn duy trì tình trạng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Âm mưu của Mỹ là tiếp tục thực hiện học thuyết Níchxơn, tiếp tục duy trì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam hòng thủ tiêu từng bước những thành quả cách mạng của nhân dân ta, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Để thực hiện âm mưu đó, Mỹ ra sức tăng cường lực lượng cho quân ngụy Sài Gòn; dùng quân ngụy Sài Gòn tiến hành các cuộc hành quân lấn chiếm; ném bom bắn phá nhiều vùng giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; liên tiếp tiến hành các kế hoạch bình định như trong thời kỳ chiến tranh trước đây để đàn áp, khủng bố, tàn sát, vơ vét tài sản của nhân dân trong vùng chúng kiểm soát.

Nhân dân ta luôn luôn tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, nhưng nhân dân ta kiên quyết đánh trả những hành động chiến tranh của địch, kiên quyết bảo vệ những thắng lợi đã giành được.

Trong năm qua, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam ta chống lại âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mới của Mỹ và tay sai đã diễn ra vô cùng quyết liệt.

 

Thưa các đồng chí và các vị,

Bây giờ tôi xin báo cáo với Quốc hội một số nét chính về diễn biến của tình hình trong năm qua, những thất bại của địch và những thắng lợi mà nhân dân miền Nam ta đã giành được.

Trước khi ký Hiệp định mấy ngày, với kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, địch mở một số cuộc hành quân có trọng điểm vào những khu vực quan trọng vùng giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời hòng giành thế lợi cho chúng khi có Hiệp định Pari. Nhưng các cuộc hành quân của chúng đều bị thất bại. Nhân dân miền Nam ta vẫn giữ vững được vùng giải phóng đã mở ra trong cuộc tấn công chiến lược năm 1972. Kế hoạch tràn ngập lãnh thổ của địch bị thất bại hoàn toàn.

Từ sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực đến nay, địch ra sức phá hoại Hiệp định, ra sức hoạt động về mọi mặt hòng cải thiện thế trận của chúng trên chiến trường.

Chính quyền Sài Gòn đã ráo riết phá hoại ngừng bắn. Họ đã đưa hầu hết lực lượng hải, lục, không quân mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Mục đích các cuộc hành quân ấy nhằm giành lại những vùng ta mới giải phóng trước ngày 28-01-1973, ngày Hiệp định Pari có hiệu lực, khai thông các đường giao thông quan trọng, phá các căn cứ lõm của ta hòng xóa bỏ hình thái xen kẽ, hoàn chỉnh vùng chúng kiểm soát, cải thiện thế phòng thủ của chúng nhất là ở vùng đồng bằng, đi tới phân tuyến, phân vùng, từng bước thu hẹp vùng kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Điển hình là ở các khu vực sau đây:

- Ở đồng bằng khu V: Sa Huỳnh, Tây Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Tây Đại Lộc (Quảng Nam), Tam Quan, Hoài Nhơn (Bình Định).

- Ở đồng bằng sông Cửu Long: vùng nam - bắc đường số 4, Cai Lậy (Mỹ Tho), Gò Quao, Long Mỹ (Chương Thiện).

- Ở miền Đông Nam bộ: Thạnh Đức (Tây Ninh), Phước Vĩnh, Đồng Xoài (Bình Phước).

- Ở Tây Nguyên: tây và nam thị xã Kon Tum, nam Buôn Hồ (Gia Lai).

- Ở Trị Thiên: nam Cửa Việt (Quảng Trị), Bạch Mã (Nam Thừa Thiên) , Khe Thai (bắc đường số 12).

Những vùng chúng tập trung quân lớn và liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân đánh phá ác liệt là đồng bằng sông Cửu Long (có lúc địch tập trung tới 70 tiểu đoàn) và đồng bằng khu V.

Đối với các vùng giải phóng lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, địch đã dùng máy bay ném bom, bắn phá nhiều khu vực, đặc biệt từ tháng 10-1973 trở đi chúng còn ném bom, bắn phá nhiều khu vực nằm sâu trong vùng giải phóng, hòng phá hoại các căn cứ hậu phương và các đường giao thông quan trọng.

Đi đôi với kế hoạch lấn chiếm nói trên, địch tập trung đẩy mạnh kế hoạch bình định với những thủ đoạn hết sức tàn bạo và xảo quyệt để kìm kẹp đàn áp nhân dân trong vùng chúng kiểm soát. Chúng đã mở hàng vạn cuộc hành quân cảnh sát, hành quân càn quét để khủng bố, bắt bớ, tàn sát nhân dân, đánh phá các tổ chức hoạt động cách mạng, đàn áp tự do dân chủ, cướp lúa gạo, tài sản của đồng bào, gom dân, bắt lính nhất là ở đồng bằng khu V và đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền Sài Gòn đã bắt giam và tra tấn hàng vạn người yêu nước cướp đoạt hàng vạn tấn lúa gạo, hàng trăm tỷ bạc miền Nam và dồn thêm gần một triệu người vào trại tập trung.

Mặt khác, chúng tìm mọi cách tăng cường lực lượng quân ngụy Sài Gòn, đồng thời ra sức kìm kẹp binh lính để giữ cho quân ngụy khỏi tan rã. Chúng tiếp tục dồn quân, bắt lính với số lượng lớn. Cho đến nay, quân ngụy Sài Gòn (kể cả chính quy và địa phương) lên tới 70 vạn tên (tăng hàng vạn tên so với khi Hiệp định Pari có hiệu lực). Chúng ra sức chấn chỉnh các đơn vị chủ lực, củng cố và phát triển các binh chủng kỹ thuật, nhất là không quân. Đặc biệt, chúng ra sức phát triển các lực lượng địa phương, bắt thêm hàng chục vạn người vào phòng vệ dân sự đưa tổng số phòng vệ dân sự lên 1 triệu 50 vạn (có 40 vạn có vũ trang).

Mỹ đã để lại và lén lút đưa vào miền Nam Việt Nam khoảng hơn 25.000 nhân viên quân sự [1] đội lốt dân sự dưới các danh nghĩa ngoại giao, dưới các tổ chức trá hình như: tổ chức DAO là cơ quan Tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn nhưng thực tế là thay thế cho tổ chức MACV cũ, tổ chức SAAFO là cơ quan trợ lý đặc biệt cho đại sứ Mỹ về các hoạt động nông thôn thực tế là để tiếp tục điều khiển chương trình bình định đặt 4 tổng lãnh sự quán ở Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, Cần Thơ và 44 lãnh sự quán ở các tỉnh nhưng thực tế là làm nhiệm vụ thay thế các bộ chỉ huy của Mỹ ở các quân khu và các tỉnh trước đây. Các tổ chức trên thực tế là bộ máy chỉ huy quân sự trá hình của Mỹ để điều khiển các kế hoạch chiến tranh và chỉ huy quân ngụy.

Quân Mỹ và chư hầu của Mỹ rút nhưng không mang theo vũ khí và phương tiện chiến tranh theo như Hiệp định Pari quy định mà để lại cho quân đội Sài Gòn 220.000 tấn, không phá bỏ căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu ở miền Nam mà lại chuyển giao cho quân đội Sài Gòn. Không những thế, sau khi đã có Hiệp định Pari, Mỹ đã đưa trái phép vào miền Nam Việt Nam mỗi tháng khoảng 24 vạn tấn vũ khí và dụng cụ chiến tranh, trang bị thêm cho quân ngụy 600 máy bay trong đó có hơn 200 máy bay chiến đấu, 600 xe tăng, xe bọc thép, 600 khẩu đại bác, 200 tàu thuyền chiến đấu. Ngoài ra còn đưa vào 2 triệu tấn trang bị, vật chất khác.

Chính những số liệu ghi trong biên bản của Uỷ ban Quân lực Thượng nghị viện Hoa Kỳ cũng đã nói rõ trong hơn 4 tỷ đôla viện trợ của Mỹ dành cho Đông Nam Á trong năm 1973 thì riêng khoản chi cho việc sử dụng bảo quản, mua sắm vũ khí cho miền Nam Việt Nam chiếm 3,2 tỷ đôla là mức cao hơn trong thời kỳ chiến tranh trước đây. Đó là chưa kể 650 triệu đôla viện trợ về kinh tế và những khoản chi về quân sự khác được che giấu dưới những mục khác và tiền viện trợ cho tổ chức cảnh sát và nhà tù ở miền Nam Việt Nam.

Tuy quân ngụy Sài Gòn có số quân đông và được Mỹ tăng cường cho nhiều vũ khí và dụng cụ chiến tranh như trên, tuy đã huy động hầu như toàn bộ lực lượng hải, lục, không quân để thực hiện các mưu đồ của chúng nhưng về cơ bản chúng đã không đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra mà còn bị thiệt hại nặng nề.

Chúng không xóa bỏ được các căn cứ lõm, không tiêu diệt nổi các tổ chức hoạt động cách mạng và phong trào đấu tranh của quần chúng, không xóa bỏ được hình thái xen kẽ, không thay đổi được cục diện đang bất lợi cho chúng. Từ ngày 28-01-1973 đến ngày 31-12-1973 địch bị loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 160.000 tên. Số đào ngũ, rã ngũ hơn 130.000 tên (trung bình mỗi tháng khoảng 12.000 tên), xấp xỉ mức đào, rã ngũ một tháng trong thời kỳ chiến tranh trước đây.

Để bảo vệ Hiệp định Pari, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào, quân và dân miền Nam ta đã kiên quyết đánh trả các hành động chiến tranh của địch và đã giành được thắng lợi quan trọng.

Với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, quân và dân miền Nam ta đã đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, trong đó có những cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn của quân ngụy Sài Gòn.

Quân và dân miền Nam ta đã giữ vững vùng giải phóng lớn liên hoàn từ Trị Thiên, Tây Nguyên đến Đông Nam bộ, thu hồi nhiều vùng mới mở ra trước ngày 28-01-1973 mà địch lấn chiếm. Nói chung quân và dân miền Nam ta giữ được các vùng tranh chấp ở đồng bằng Trung Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long, giữ được hình thái xen kẽ, giữ được các căn cứ lõm. Một số vùng địch mới lấn chiếm, tuy còn đồn địch nhưng ta vẫn giữ vững các tổ chức hoạt động cách mạng và phong trào đấu tranh của quần chúng, bám đánh địch, cài thế xen kẽ, chia cắt địch.

Ở Trị Thiên: Khi Hiệp định Pari vừa có hiệu lực, địch đã mở cuộc hành quân ra nam Cửa Việt và vùng Bạch Mã (Đông Nam Huế) đã bị quân và dân Trị Thiên đánh bại, loại ra khỏi vòng chiến đấu một lữ đoàn đặc nhiệm gồm 2.300 tên, thu và phá hủy 120 xe tăng, xe bọc thép ở nam Cửa Việt. Sau đó quân và dân Trị Thiên đánh trả địch ở nam Thừa Thiên, thu hồi vùng giải phóng Bạch Mã, đánh lùi cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở Khe Thai (Bắc đường số 12) tây Huế.

Ở khu V: Trong năm 1972 đến trước ngày 28-01-1973, ngày Hiệp định Pari có hiệu lực, quân và dân khu V mở ra nhiều vùng rộng lớn nhưng chưa kịp củng cố. Địch đã lợi dụng tình hình đó tập trung lực lượng lấn chiếm và tiếp theo lại lợi dụng bão lụt, lấn đất, giành dân. Từ tháng 7 năm 1973, quân và dân khu V đã đẩy hoạt động lên tương đối đều khắp và đang đẩy lùi từng bước. Nhìn chung, khu V vẫn giữ vững được cơ sở chính trị, cơ sở vũ trang, giữ vững được vùng giải phóng xen kẽ với địch ở đồng bằng. Còn ở vùng núi thì tình hình tương đối ổn định và ngày càng củng cố vững chắc.

Ở Tây Nguyên: Địch lấn ra tây bắc, tây nam Kon Tum, nam Buôn Hồ (Gia Lai) chủ yếu là để cải thiện thế phòng thủ của chúng ở Kon Tum và Plâycu. Quân và dân Tây Nguyên đã kiên quyết giáng trả địch nhiều đòn đau ở các khu vực trên, đánh địch ở Chư Nghé (Lộ Minh) và ở tây Plâycu, đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Ở Đông Nam bộ: Địch mở một số cuộc hành quân ra Thạch Đức (Tây Ninh) Phước Vĩnh - Đồng Xoài (Bình Phước) nhằm nối đường giao thông và tiếp tế cho một số căn cứ của chúng bị cô lập. Nhưng chúng đã bị đánh bại, một tiểu đoàn và hơn 1.000 tên đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Tiếp đó Quân giải phóng đã đánh địch ở khu vực Bù Bông - Tuy Đức, giành lại một vùng giải phóng rộng trên 400 km2, loại ra vòng chiến đấu một trung đoàn và 5 tiểu đoàn địch. Ở vùng sâu và vùng ven Sài Gòn, quân và dân miền Đông tiếp tục chống lấn chiếm và các cuộc hành quân bình định của chúng.

Ở đồng bằng sông Cửu Long: Lúc đầu địch tập trung lực lượng lấn chiếm lại những vùng ta mới mở ra trước ngày có Hiệp định ở nam - bắc đường số 4 (Cai Lậy - Mỹ Tho) thuộc khu VIII. Quân và dân khu VIII đã kiên quyết đánh trả, lấy lại được nhiều vùng. Đến nay, về cơ bản tình hình trở lại như trước ngày 28-01-1973. Phong trào quần chúng có chỗ lên mạnh như thời kỳ Tết Mậu Thân 1968. Ở khu IX, mặc dù địch huy động 3 sư đoàn, tập trung lực lượng gấp đôi so với trước khi có Hiệp định để càn quét và lấn chiếm, nhưng quân và dân khu IX đã kiên quyết đánh trả ngay từ đầu và đánh rất tốt. Quân và dân khu IX đã giữ vững vùng giải phóng mà còn đẩy mạnh hoạt động đấu tranh ở nhiều vùng, xây dựng được cơ sở ở khắp nơi.

Để trừng trị các hoạt động chiến tranh của địch, đi đôi với việc đánh trả chúng tại chỗ, quân và dân miền Nam ta đã tiến công đánh thẳng vào các căn cứ xuất phát những cuộc hành quân và các căn cứ hậu phương của địch. Pháo binh Quân giải phóng đã bắn súng lớn vào các sân bay Biên Hòa và Cù Hanh phá hủy 20 máy bay, diệt nhiều giặc lái và nhân viên kỹ thuật, tiến công căn cứ hải thuyền Xảo Rô (Rạch Giá) bắn chìm và bắn cháy 12 tàu, tiến công kho xăng Nhà Bè đốt cháy hàng trăm triệu lít xăng.

Trong các vùng dưới quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn và các vùng tranh chấp, ở nhiều nơi đồng bào ta đã nắm vững pháp lý của Hiệp định Pari, vận dụng nhiều phương thức thích hợp trong tình hình mới, đoàn kết đấu tranh đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc, đòi quyền tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, đòi bung về làng cũ làm ăn, chống bắt lính, gom dân, chống địch vơ vét lúa gạo, tài sản, giành quyền làm chủ, diệt và bức rút gần một ngàn đồn bốt địch.

Quân và dân miền Nam ta đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh trong vùng địch kiểm soát ở nông thôn và cả ở thành thị, chống những cuộc đàn áp khủng bố và đòi chúng phải thi hành Hiệp định Pari. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển khá sâu, khá rộng và lực lượng ngày càng vững chắc làm cho tình hình chính trị của địch ở các vùng chúng kiểm soát không ổn định. Đồng bào ta ở các địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn, nói rõ thắng lợi của Hiệp định Pari, chính sách hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tâm lý chán ghét chiến tranh ngày càng lan rộng trong quân ngụy, phong trào bỏ ngũ trở về nhà làm ăn sinh sống, chống lệnh hành quân, phản chiến trong quân đội Sài Gòn ngày càng phát triển. Tinh thần quân ngụy Sài Gòn suy yếu hơn nhiều so với trước khi có Hiệp định Pari.

Đi đôi với việc chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm và bình định của địch, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng đã ra sức xây dựng củng cố và phát triển lực lượng. Đã bổ sung quân số, tăng cường trang bị, huấn luyện quân sự, chính trị. Dân quân du kích ở các địa phương cũng được phát triển một bước. Việc bảo đảm vật chất hậu cần được giữ vững. Quân giải phóng còn tiến hành tốt việc tăng gia sản xuất, tự túc một phần lương thực.

Quân và dân miền Nam còn ra sức xây dựng, củng cố căn cứ địa, củng cố vùng giải phóng, sửa chữa hệ thống đường sá, sân bay, khôi phục sản xuất, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa.

Nhìn chung, trong năm qua, kể từ khi Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết và có hiệu lực đến nay, do những âm mưu và hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, ở miền Nam nước ta, chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn trên nhiều vùng với mức độ khác nhau.

Hình thái chiến tranh chủ yếu diễn ra là: địch bình định, quân và dân miền Nam ta kiên quyết phá bình định, địch lấn chiếm quân và dân miền Nam ta kiên quyết chống lấn chiếm.

Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của tình hình chiến tranh hiện nay ở miền Nam Việt Nam chính là do đế quốc Mỹ gây nên. Mỹ là kẻ chủ mưu và chính quyền Sài Gòn là kẻ trực tiếp thực hiện theo lệnh của Mỹ.

Mặc dầu Mỹ và tay sai đã tập trung mọi cố gắng chiến tranh như trên đã nói nhưng chúng đã không thể nào xoay chuyển được cục diện có lợi cho chúng. Chúng đã vấp phải cuộc đấu tranh kiên quyết và anh dũng của đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam và chuốc lấy những thất bại nặng nề.

Quân và dân miền Nam ta đã giành được thắng lợi quan trọng, đánh bại một bước những âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mới của địch, giữ vững và phát huy những thắng lợi đã giành được.

 

Thưa các đồng chí và các vị,

Sau một năm đấu tranh thắng lợi, thế và lực của cách mạng miền Nam ngày càng mạnh.

Quân và dân miền Nam ta đang ở thế thắng và trên đà tiến lên mạnh mẽ, có đầy đủ điều kiện và khả năng đưa cách mạng tiến lên từng bước cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Quân và dân miền Nam ta đang ra sức bảo vệ và củng cố vùng giải phóng ngày vững mạnh về mọi mặt. Vùng giải phóng miền Nam đã hoàn chỉnh nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tiếp giáp với vùng giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia anh em hình thành thế liên hoàn vững chắc.

Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam không ngừng lớn mạnh có sức chiến đấu ngày càng cao.

Trên chiến trường miền Nam ta, chưa lúc nào ta lại có một sức mạnh quân sự to lớn như hiện nay, có một bộ đội chủ lực mạnh, mạnh hơn hẳn so với quân chủ lực của ngụy Sài Gòn trên những địa bàn chiến lược quan trọng, có lực lượng địa phương rộng khắp và mạnh mẽ. Đó là một ưu thế to lớn và rõ rệt.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày càng có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong nước và trên thế giới, đang là người đại diện chân chính, duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Chủ trương hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phù hợp với nguyện vọng sâu xa của đồng bào ta nhất định sẽ được đông đảo quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng kể cả binh sĩ, sĩ quan, viên chức thuộc chính quyền Sài Gòn.

Nhân dân miền Nam ta lại có cơ sở pháp lý rất quan trọng là Hiệp định Pari về Việt Nam.

Nhân dân thế giới ngày càng đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ ở miền Nam.

Phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam ta nhất định ngày càng lớn mạnh và cách mạng miền Nam nhất định đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong khi đó, tình hình cách mạng Lào và Campuchia tiếp tục phát triển ngày càng tốt hơn.

Ở Lào, nếu trước đây chính quyền và quân đội phản động Lào đã có lúc kiểm soát phần lớn lãnh thổ thì ngày nay dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Lào yêu nước, cách mạng Lào đã giành được thắng lợi rất to lớn, vùng giải phóng Lào đã được củng cố vững chắc và mở rộng nối liền từ Bắc đến Nam Lào, bao gồm các địa bàn chiến lược quan trọng, tiếp giáp với biên giới Việt Nam, chiếm 2/3 đất đai và 1/2 số dân, Quân đội giải phóng nhân dân Lào ngày càng lớn mạnh có sức chiến đấu ngày càng cao. Cục diện đó, với thắng lợi của Hiệp định về lập lại hòa bình thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (tháng 2 năm 1973) và các Nghị định thư của Hiệp định sẽ mở ra những triển vọng rất tốt đẹp cho cách mạng Lào.

Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia đã có những bước phát triển nhảy vọt. Chỉ trong vòng hơn ba năm, các lực lượng yêu nước Campuchia đã phát triển nhanh chóng giành những thắng lợi cực kỳ to lớn. Hiện nay, vùng giải phóng đã bao gồm 4/5 đất đai và hơn 2/3 số dân. Lực lượng vũ trang cách mạng của Campuchia phát triển nhanh và lớn mạnh vượt bậc, ngày càng có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trong lúc đó, phạm vi kiểm soát của chính quyền tay sai phản động Lon Non bị thu hẹp vào một số thành thị lớn và đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Tình hình chính trị, kinh tế của chúng rất nguy khốn. Cách mạng Campuchia đang đứng trước những triển vọng vô cùng tốt đẹp.

Ngày nay, thế và lực cách mạng của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia mạnh mẽ, vững chắc hơn bao giờ hết. Nhân dân ba nước đã đoàn kết chiến đấu và phối hợp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ thắng lợi, giờ đây càng đoàn kết chặt chẽ hơn. Tình đoàn kết vĩ đại đó là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân mỗi nước đấu tranh nhằm thực hiện những quyền dân tộc thiêng liêng của mình theo đúng bản tuyên bố của Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương đã vạch ra để bảo vệ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Thế và lực của đế quốc Mỹ và bọn tay sai suy yếu hơn trước. Mỹ đã thua ở Việt Nam, phải rút quân đội viễn chinh về nước. Thất bại nặng nề của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã tác động sâu sắc đến tình hình mọi mặt của nước Mỹ về cả chính trị, quân sự và kinh tế, về đối nội lẫn đối ngoại. Mỹ còn dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam thì càng bị nhân dân ta kiên quyết đánh lại, càng bị nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới phản đối mạnh mẽ, càng bị cô lập và lại buộc vào cổ Mỹ một cái thòng lọng mới. Mỹ không rút hẳn ra khỏi vũng lầy của chiến tranh Việt Nam thì chỉ càng chuốc lấy những thất bại mới thảm hại hơn nữa mà thôi.

Quân đội Sài Gòn sức chiến đấu vốn đã thấp kém, nay quân Mỹ rút đi mất chỗ dựa nên sức chiến đấu suy yếu rõ rệt, mặc dầu vẫn được Mỹ tiếp tục ra sức viện trợ. Tinh thần binh lính sa sút, chán nghét chiến tranh. Hiện tượng chống lệnh, đi hành quân không chịu càn quét là phổ biến. Tình hình đào, rã ngũ ngày càng tăng. Chính quyền Sài Gòn đang gặp nhiều khó khăn chồng chất về chính trị và kinh tế. Càng tiếp tục chiến tranh, chính quyền Sài Gòn lại càng khó khăn thêm. Ngân sách năm 1973 bội chi 200 tỉ tiền miền Nam Việt Nam, đồng bạc miền Nam phá giá 10 lần, vật giá rất đắt đỏ, nhiều thứ hàng giá tăng lên 200%-300%. Tình hình chính trị của chúng không ổn định. Càng tăng cường biện pháp cực đoan phát xít, chính quyền Sài Gòn càng bị các tầng lớp nhân dân phản đối, nội bộ càng mâu thuẫn sâu sắc, tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu càng bị cô lập.

Với cục diện trên, cách mạng miền Nam đang ở thế thắng, thế mạnh, thế đi lên vững chắc. Đế quốc Mỹ và tay sai đang ở thế thua, thế yếu, thế đi xuống rõ rệt.

Ngày nay không có một mưu đồ xâm lược nào, không có một thế lực phản động hiếu chiến nào, không có thủ đoạn tàn bạo và xảo quyệt nào có thể ngăn cản nổi xu thế tất yếu lịch sử đó, ngăn cản được đà tiến lên của dân tộc ta trên con đường thực hiện những quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình.

 

Thưa các đồng chí và các vị,

Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam ta với đế quốc Mỹ và tay sai còn diễn ra quyết liệt và phức tạp. Tình hình đó có thể phát triển theo hai khả năng: hoặc hòa bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam có những phát triển mới hoặc chiến tranh trở lại.

Trước sức đấu tranh kiên cường và mạnh mẽ của nhân dân miền Nam ta trên các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp lý, binh vận, địch bị thất bại nặng, không thực hiện được âm mưu và kế hoạch của chúng, đến lúc nào đó chúng buộc phải đi vào nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, tôn trọng một tình thế hòa bình, tôn trọng thực tế hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát ở miền Nam; hoặc chúng liều lĩnh, ngoan cố gây lại chiến tranh toàn diện.

Hiện nay, Mỹ không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh như trước đây vì chúng đã bị thua ở Việt Nam, phải ký Hiệp định Pari và phải rút quân về nước. Tác động sâu xa của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đối với Mỹ và tình thế khó khăn về nhiều mặt của Mỹ hiện nay không cho phép Mỹ bất cứ lúc nào có thể gây trở lại chiến tranh lớn được. Nhưng Mỹ còn rất ngoan cố, chúng chưa chịu từ bỏ những mưu đồ đen tối của chúng.

Thời gian tới, địch sẽ vẫn tiếp tục thực hiện chương trình bình định, tiếp tục lấn chiếm và bao vây kinh tế đối với vùng giải phóng hòng phá hoại và làm suy yếu lực lượng cách mạng miền Nam. Vì vậy trong bất cứ tình huống nào, quân và dân miền Nam ta cũng phải có lực lượng mạnh, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu và kế hoạch của địch, buộc chúng phải đi vào thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, lập lại hòa bình thực sự ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời phải luôn luôn nêu cao cảnh giác, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu gây lại chiến tranh của địch.

Thưa các đồng chí và các vị,

Hiện nay miền Bắc nước ta đã có hòa bình, trong khi đó ở miền Nam nước ta, chính quyền Sài Gòn vẫn còn tiếp tục chiến tranh. Tình hình Lào đi vào giải pháp chính trị. Ở Campuchia, đế quốc Mỹ và tay sai đang đẩy mạnh chiến tranh. Nếu tình hình ở miền Nam nước ta, ở Lào và Campuchia ngày càng ổn định thì hòa bình ở miền Bắc sẽ được củng cố.

Nếu ngược lại, tình hình ở miền Nam, Lào, Campuchia trở nên khẩn trương thì địch có thể có những hành động chiến tranh đối với miền Bắc.

Đứng về lâu dài mà nói, đi đôi với công cuộc đẩy mạnh xây dựng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải tăng cường củng cố quốc phòng, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu xâm lược của chủ nghĩa
đế quốc
.

Trước tình hình đó, các lực lượng vũ trang nhân dân quyết cùng với toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là: đoàn kết toàn dân, đấu tranh giữ vững hòa bình, ra sức tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, xây dựng miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, nâng cao cảnh giác sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, ra sức làm tròn nghĩa vụ của mình trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia.

Các lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng nâng cao trình độ chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động chiến tranh của địch đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân chính quy hiện đại, phát triển dân quân tự vệ và lực lượng hậu bị mạnh mẽ và vững chắc, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, cơ sở hậu phương của quân đội, tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên các lực lượng vũ trang nhân dân cần tiến hành một số công tác lớn sau đây:

1. Nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu, đánh bại mọi hành động xâm lược của Mỹ và tay sai, kiên quyết bảo vệ vùng trời, vùng biển và toàn bộ lãnh thổ nhất là vùng biên giới, ven biển, hải đảo. Chuẩn bị cho đất nước và cho lực lượng vũ trang về mọi mặt, nhằm tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong trường hợp chủ nghĩa đế quốc liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược với bất cứ hình thức nào và quy mô nào.

2. Xây dựng quân đội nhân dân chính quy, hiện đại có chất lượng chiến đấu cao, có đủ các binh chủng, quân chủng mạnh, cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đều phải chính quy, hiện đại; đẩy mạnh công tác quân sự địa phương, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp và mạnh mẽ, thực hiện việc tổ chức những đơn vị dân quân tự vệ vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng lực lượng hậu bị hùng hậu, thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, động viên toàn dân nêu cao ý thức và trách nhiệm xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.

3. Xây dựng hậu phương quân đội, xây dựng hậu phương miền Bắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp nhà nước, xây dựng mạnh giao thông vận chuyển, cùng với các ngành của Nhà nước có kế hoạch bảo đảm nhu cầu xây dựng và tác chiến cho quân đội; tham gia lao động sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội theo sự phân công của Nhà nước; xây dựng cơ sở hậu phương, cơ sở vật chất của quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo đảm tác chiến và bảo đảm kỹ thuật cho một quân đội hiện đại.

4. Tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến bảo đảm cho tiền tuyến đánh thắng và xây dựng lực lượng vững mạnh.

5. Thực hiện tốt các chính sách nhất là các chính sách cần giải quyết sau chiến tranh như: chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, tử sĩ, chính sách phục viên, chuyển ngành, chính sách khen thưởng, v.v., đồng thời cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới nhằm cổ vũ tiền tuyến và hậu phương, góp phần tích cực vào việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng.

Quân và dân miền Nam ta kết hợp đấu tranh các mặt, đẩy mạnh đấu tranh chính trị rộng lớn của quần chúng ở nông thôn cũng như ở thành thị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, qua đó từng bước làm thất bại mọi hành động vi phạm, phá hoại Hiệp định của địch, từng bước buộc chúng phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định. Đồng thời, kiên quyết đánh bại chúng nếu chúng tiếp tục chiến tranh.

Để thực hiện chủ trương trên, vấn đề quan trọng của nhân dân miền Nam ta hiện nay là phải luôn luôn có lực lượng mạnh, cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, xây dựng củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng và củng cố vùng giải phóng về mọi mặt, từng bước làm chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta.

 

Thưa các đồng chí và các vị,

Cuộc đấu tranh của quân và dân ta ở miền Nam tuy còn khó khăn gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.

Địch có âm mưu mới, thủ đoạn chiến lược mới để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng. Quân và dân miền Nam ta có chủ trương đúng, có lực lượng mạnh để đấu tranh thắng lợi làm thất bại mọi âm mưu mới của địch.

Trước đây quân đội viễn chinh Mỹ, chư hầu và tay sai gồm
hơn 1 triệu 20 vạn tên có vũ khí và trang bị hiện đại nhất nhưng nhân dân ta đã đánh thắng.

Ngày nay, Mỹ đã phải rút, lực lượng quân sự của ngụy còn đông nhưng rõ ràng yếu hơn trước, nhân dân miền Nam ta nhất định sẽ đưa cuộc đấu tranh đến toàn thắng.

Các lực lượng vũ trang nhân dân quyết cùng với nhân dân miền Bắc phát huy thuận lợi trong tình hình và điều kiện mới, anh dũng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố quốc phòng hùng mạnh làm căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước, kiên quyết làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt, sát cánh cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam đấu tranh cho đến thắng lợi hoàn toàn, và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả của nhân dân ta nhất là đối với nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em.

Các lực lượng vũ trang nhân dân xin hứa với Quốc hội quyết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, cùng với quân và dân cả nước ta thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính mến: Đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

 


 

[1]. - 50 tuỳ viên quân sự.

- 160 lính thủy đánh bộ gác Sứ quán Mỹ.

- 1.060 người trong 4 bộ chỉ huy dã chiến các Quân khu và các tỉnh.

- 1.300 cố vấn ở Bộ Quốc phòng ngụy.

- 9.000 cố vấn trong các quân binh chủng.

- 7.770 cố vấn tình báo, bình định, chính trị, phượng hoàng.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.