VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA IV
[1]
 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian từ sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa IV (tháng 2-1974) đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 11 lần, thông qua 106 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.

Sau đây, chúng tôi xin báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội.

I- VỀ VẤN ĐỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA V

Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là bốn năm và hai tháng trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì phải bầu xong Quốc hội mới.

Nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IV bắt đầu từ ngày họp kỳ thứ nhất ngày 06-6-1971 và sẽ chấm dứt khi Quốc hội khóa V họp kỳ thứ nhất trong tháng 6-1975.

Nếu không có tình hình gì đặc biệt thì kỳ họp này là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa IV.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa mới, trong phiên họp ngày 19-11-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội khóa V vào ngày Chủ nhật mùng 06-4-1975.

Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội quyết định việc sửa đổi một số điều khoản trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội có liên quan đến số lượng đại biểu cho phù hợp với tình hình dân số hiện nay của miền Bắc.

II- VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ QUYẾT NGÀY 10-4-1965
CỦA QUỐC HỘI GIAO CHO UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI MỘT SỐ QUYỀN HẠN CỦA QUỐC HỘI

Thi hành Nghị quyết ngày 10-4-1965 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải quyết những việc sau đây:

1. Ngày 21-8-1974, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 1973;

2. Ngày 26-9-1974, sửa đổi các điều lệ:

a) Thuế hàng hóa,

b) Thuế công thương nghiệp,

c) Thuế sát sinh.

- Chế độ thuế hàng hóa được ban hành trước đây có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình mới về các mặt đối tượng đánh thuế, danh mục hàng chịu thuế cũng như về thuế suất. Điều lệ sửa đổi quy định lại chế độ thuế hàng hóa sẽ có tác dụng khuyến khích các ngành tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển theo đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hướng dẫn nhân dân tiêu dùng hợp lý và tăng cường quản lý thị trường, ổn định vật giá.

- Về thuế công thương nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi tỷ lệ huy động vào phần lợi tức vượt mức nhằm điều tiết những thu nhập quá đáng do kinh doanh không chính đáng mà có.

- Về thuế sát sinh, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi thuế suất để cho sát với tình hình giá cả, yêu cầu hạn chế lạm sát và tăng cường hỗ trợ việc thu mua của thương nghiệp quốc doanh.

Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xét và phê chuẩn các nghị quyết nói trên.

III- VỀ CÔNG TÁC PHÁP LUẬT

Ngày 21-8-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà cố gắng sửa chữa, nhân dịp lễ Quốc khánh lần thứ 29 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

IV- VỀ TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA NHÀ NƯỚC

1. Về tổ chức và nhân sự của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

a) Ngày 28-3-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử đồng chí Hoàng Mậu, Uỷ viên dự khuyết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, làm Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay đồng chí Tôn Quang Phiệt, thành viên chính thức của Uỷ ban đã từ trần.

b) Ngày 28-3-1974, theo đề nghị của Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đặt chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để giúp Tổng Thư ký trong việc điều khiển và quản lý Văn phòng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm đồng chí Trần Đình Tri, Uỷ viên thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kiêm giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

2. Về tổ chức của Hội đồng Chính phủ

Ngày 16-12-1974, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Ban quản lý xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, gọi tắt là Ban quản lý xây dựng công trình sông Đà.

Ban quản lý xây dựng công trình sông Đà là một cơ quan ngang Bộ do Bộ trưởng đặc trách việc xây dựng công trình sông Đà làm Trưởng ban.

3. Về nhân sự của Hội đồng Chính phủ

Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định về nhân sự của Hội đồng Chính phủ như sau:

a) Ngày 28-3-1974, quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các đồng chí sau đây:

- Đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước;

- Đồng chí Nguyễn Côn, Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim;

- Đồng chí Trần Hữu Dực giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng;

- Đồng chí Phan Trọng Tuệ thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Đồng chí Đặng Việt Châu thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính để giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Đồng chí Nguyễn Văn Lộc thôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương để giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ;

- Đồng chí Đặng Thí giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất của Chính phủ;

- Đồng chí Dương Bạch Liên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Đồng chí Đinh Đức Thiện thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện Kim để nhận nhiệm vụ khác;

- Đồng chí Nguyễn Lam thôi giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước để nhận nhiệm vụ khác.

b) Ngày 26-4-1974, quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các đồng chí sau đây:

- Đồng chí Hoàng Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ, thôi kiêm chức chủ nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương;

- Đồng chí Nguyễn Thọ Chân giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động thay đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu thôi giữ chức vụ này để nhận nhiệm vụ khác;

- Đồng chí Nguyễn Hữu Mai thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện và Than để nhận nhiệm vụ khác.

c) Ngày 19-6-1974, quyết định để đồng chí Nguyễn Văn Kha thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để nhận nhiệm vụ khác.

d) Ngày 19-11-1974, quyết định bổ nhiệm đồng chí Võ Thúc Đồng giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương.

4. Về việc bổ nhiệm các Đại sức đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước như sau:

a) Ngày 26-02-1974, quyết định bổ nhiệm:

- Đồng chí Hoàng Tú giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức, thay đồng chí Nguyễn Song Tùng về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Nguyễn Thanh Hà giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Rumani, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư, thay đồng chí Nguyễn Đăng Hành về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Long Thuận Phước giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ảrập Xyri, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Irắc, thay đồng chí Hoàng Đức Phong về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Nguyễn Ngọc Uyển giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên bang Thụy Sĩ, thay đồng chí Lê Trang về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Nguyễn Xuân Hòe giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, thay đồng chí Đỗ Quốc Cường về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Chu Văn Biên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ấn Độ và tại nước Cộng hòa Nhân dân Bănglađét, kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Xri Lanka, thay đồng chí Hoàng Thành Trai về nước nhận công tác khác.

b) Ngày 26-4-1974, quyết định bổ nhiệm:

- Đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết, thay đồng chí Võ Thúc Đồng về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thay đồng chí Ngô Thuyền về nước nhận công tác khác.

c) Ngày 21-8-1974, quyết định bổ nhiệm:

- Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kiêm thêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại nước Cộng hòa Hồi giáo Pakíxtan;

- Đồng chí Trần Văn Được, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ghinê kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Mali và nước Cộng hòa Hồi giáo Môritani, kiêm thêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ghinê Bítxô (2);

- Đồng chí Võ Văn Sung giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Pháp kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Bỉ, Vương quốc Hà Lan và Đại công quốc Luýchxămbua;

- Đồng chí Lê Quang Khải giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thay đồng chí Lê Đông về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Nguyễn Việt giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Na Uy, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Phần Lan, thay đồng chí Phạm Bảng về nước nhận công tác khác;

- Đồng chí Hà Văn Lâu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Cuba, kiêm thêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Áchentina;

- Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari và tại nước Cộng hòa Áo, kiêm thêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Irăng (3).

5. Về nhân sự của Tòa án nhân dân tối cao

a) Ngày 28-3-1974, căn cứ vào sự giới thiệu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử các đồng chí Nguyễn Cảnh và Nguyễn Thị Linh làm Hội thẩm nhân dân; các đồng chí Nguyễn Bá Học và Nguyễn Thị Tỵ làm Hội thẩm nhân dân dự khuyết, để tham gia một phiên tòa do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì.

b) Ngày 17-10-1974, theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã:

- Bổ nhiệm các đồng chí có tên sau đây giữ chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Nguyễn Ngọc Khanh, Lê Phương Hằng, Đào Duy Khánh, Phạm Công, Trần Sang, Trần Văn Kỳ, Đặng Thanh, Vũ Thụy Châu, Vương Đăng Bôi, Hoàng Vĩnh Thạnh và Nguyễn Bá Kim.

- Bổ nhiệm các đồng chí có tên sau đây làm Thẩm phán dự khuyết Tòa án nhân dân tối cao: Dương Đình Ngạnh, Nguyễn Hữu, Phạm Cán, Hồ Trinh, Lê Nguyên Anh và Hoàng Thị Trâm.

V- VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng huân chương các loại cho nhiều địa phương, đơn vị, gia đình và cá nhân.

- Tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua 30 năm xây dựng và liên tục chiến đấu, lớn mạnh không ngừng, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, lập nên những chiến công oanh liệt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

- Tặng thưởng 3 Huân chương Hồ Chí Minh cho các phong trào và các tổ chức của Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đã lập được nhiều thành tích to lớn trong sản xuất và chiến đấu.

- Tặng thưởng Huân chương Quân công cho 17 đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, đã lập được những chiến công đặc biệt trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

- Tặng thưởng Huân chương Chiến công cho 647 đơn vị, 2.320 cán bộ và chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, dân quân tự vệ và dân công, đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

- Tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho nhiều cán bộ và chiến sĩ đã có nhiều thành tích phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân vũ trang.

- Tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho 94 địa phương, 141 đơn vị, 146 gia đình, 108 cán bộ, công nhân, viên chức đã có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, và trong phong trào tòng quân.

- Tặng thưởng Huân chương Lao động cho 4 địa phương, 35 đơn vị và 3 cán bộ, công nhân, viên chức đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu và chấp hành tốt các chính sách.

- Tặng thưởng 3 Huân chương Quân công, 36 Huân chương Chiến công, 1 Huân chương Kháng chiến, 20 Huân chương Lao động cho 4 đơn vị và 36 chuyên gia của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đã có công giúp Chính phủ và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong phiên họp ngày 17-10-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về công tác khen thưởng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá thành tích, ưu điểm, khuyết điểm của công tác này trong thời gian qua.

Nói chung, công tác khen thưởng đã bám sát được các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng và đã góp phần cổ vũ, động viên, giáo dục cán bộ, bộ đội và nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thi đua chiến đấu và công tác, góp tài góp sức vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Việc khen thưởng nhiều chuyên gia, nhiều đoàn nghệ thuật, tập thể đơn vị tàu vận tải của các nước anh em đến giúp đỡ ta đã có tác dụng tăng cường tinh thần quốc tế vô sản và tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước anh em.

Bên cạnh những thành tích, ưu điểm nói trên, công tác khen thưởng của ta còn có những khuyết điểm, như:

- Một số cán bộ phụ trách các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tác dụng của công tác khen thưởng.

- Việc khen thưởng còn có một số nơi làm chậm, chưa kịp thời, chưa phản ánh đúng phong trào, có nơi ít chú ý đến khen thưởng hoặc hẹp hòi bỏ sót thành tích, ngược lại có nơi đề nghị khen thưởng rộng, thiếu chính xác, nên tác dụng khen thưởng còn bị hạn chế.

- Về chính sách, chế độ, quy chế, tiêu chuẩn khen thưởng có nhiều cái chưa được quy định hoặc đã quy định nhưng chưa cụ thể, chưa được bổ sung, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu động viên thi đua trong giai đoạn mới.

- Về tổ chức làm công tác khen thưởng nói chung còn yếu, có nơi thiếu hẳn, hệ thống tổ chức chưa được kiện toàn.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác khen thưởng trong thời gian tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với bản báo cáo của Hội đồng Chính phủ.

VI- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VÀ THƯ DÂN NGUYỆN

Từ sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa IV đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 3.914 đơn khiếu tố và thư dân nguyện của cán bộ và nhân dân, ngoại kiều và tiếp 1.081 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc.

Số thư dân nguyện chiếm tỷ lệ 1/4 số đơn và thư nhận được và đề cập đến những vấn đề như: xin ân giảm ân xá, xin công việc làm, xin thuê nhà, xin đi học ở nước ngoài..., góp ý bổ sung một số chính sách về giáo dục thanh niên, thiếu niên, về trật tự vệ sinh ở thành phố, v.v..

Số đơn khiếu nại và tố cáo nhận được trong 10 tháng qua đã tăng 752 đơn so với số đơn nhận được trong cả năm 1973.

Đối tượng bị khiếu tố phần lớn là cán bộ lãnh đạo từ cơ sở đến các cơ quan xí nghiệp ở Trung ương. Nội dung các vấn đề nêu trong các đơn có quan hệ đến việc chấp hành chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đến phẩm chất đạo đức cách mạng, như:

a) Tố cáo cán bộ lợi dụng chức quyền tham ô, móc ngoặc, bao che, ăn hối lộ, lấn chiếm ruộng đất của hợp tác xã, gò ép đổi ruộng, quan liêu, hống hách, độc đoán chuyên quyền.

Tố cáo cơ quan, cán bộ khám xét, bắt người, tịch thu tài sản trái pháp luật, đánh người thành thương, bắt người giam lâu ngày nhưng không xét xử, quá hạn tù không tha, người bị bắt oan khi được tha không được giải quyết quyền lợi, án xử có hiệu lực nhưng không được thi hành, có vụ để kéo dài hàng chục năm...

b) Khiếu nại vì bị cơ quan và địa phương thi hành kỷ luật sai chính sách đối với cán bộ, công nhân vì động cơ truy trù, trả thù, chưa chấp hành nghiêm chỉnh chính sách hậu phương quân đội, thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự chưa công bằng hợp lý. Nhân dân và cán bộ ở Hà Nội gửi nhiều đơn khiếu nại về việc không được đăng ký hộ khẩu và về việc cơ quan quản lý nhà đất phân phối nhà ở thiếu công bằng hoặc cơ quan và cán bộ lấn chiếm nhà của nhân dân.

Tình hình quyền tự do dân chủ của nhân dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa bị vi phạm như vậy đã gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho người bị oan ức và ảnh hưởng không tốt đến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có người đã gửi nhiều đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan từ tỉnh đến Trung ương, nhưng chưa được giải quyết, mà còn có trường hợp bị truy trù, trả thù.

Những đơn khiếu tố đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều được nghiên cứu và chuyển cho các cơ quan và địa phương hữu quan xét giải quyết. Các đồng chí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương nơi xảy ra sự việc được thông báo để theo dõi và góp ý kiến về việc giải quyết. Một số đồng chí trong Ban Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đi xem xét tại chỗ một số việc có tính chất nghiêm trọng hoặc để kéo dài, đương sự phải khiếu tố nhiều lần.

Việc tiếp dân ở Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được coi trọng. Ngoài số cán bộ chuyên trách của Văn phòng, Ban Thư ký có phân công một số đồng chí trong Ban trực tiếp tiếp dân, lắng nghe ý kiến và sự việc của cán bộ và nhân dân trình bày. Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong thời gian qua đối với số đơn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển về, các cơ quan và địa phương đã giải quyết được 420 vụ khiếu tố (tỷ lệ 10,7%). Với kết quả trên thì sự giải quyết chưa được bao nhiêu, số đơn còn bị ứ đọng nhiều, chứng tỏ các cơ quan và địa phương chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu của công tác xét giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đồng chí đại biểu Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc tham gia ý kiến với các cơ quan hữu quan nơi mình đang công tác hoặc địa phương đơn vị ứng cử của mình để góp phần giải quyết tốt các nguyện vọng và các việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Các đồng chí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các đồng chí đại biểu Quốc hội giữ trách nhiệm lãnh đạo nên chú ý hơn nữa đến việc giáo dục cán bộ tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, đồng thời kiểm tra đôn đốc cơ quan và địa phương để khắc phục tình trạng buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu, kiến nghị và khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

VII- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đều đặn nhận được của Hội đồng Chính phủ những nghị quyết, nghị định, chỉ thị, các thông báo thường kỳ về các mặt hoạt động của Hội đồng Chính phủ.

Đại diện Hội đồng Chính phủ thường xuyên tham dự các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

1. Trước tình hình thiếu đói xảy ra ở nông thôn hồi giáp hạt đầu năm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về tình hình đời sống của nhân dân (ngày 04-4-1974 và ngày 09-5-1974).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Hội đồng Chính phủ về nhận định tình hình, góp thêm một số ý kiến và kiến nghị về phương châm, biện pháp cứu đói.

2. Ngày 20-8-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm 1974 và những biện pháp để hoàn thành kế hoạch nhà nước trong 6 tháng cuối năm 1974.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vui mừng nhận thấy rằng trong 6 tháng đầu năm 1974, mặc dù trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn phải khắc phục những hậu quả của chiến tranh phá hoại ác liệt do Mỹ gây ra, kế hoạch nhà nước đã được tích cực thực hiện và đạt nhiều tiến bộ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có một số ý kiến nhấn mạnh về từng mặt công tác để lưu ý Hội đồng Chính phủ nghiên cứu và giải quyết.

3. Ngày 20-8-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1973 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1974.

Sau khi nghe thuyết trình ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 1973.

4. Ngày 16-12-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Hội đồng Chính phủ báo cáo về dự án kế hoạch nhà nước năm 1975 mà Chính phủ sẽ trình trước Quốc hội.

VIII- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn giữ quan hệ mật thiết với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện của hai cơ quan nói trên tham dự.

Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thường kỳ và báo cáo chuyên đề về công tác của ngành mình.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiều phiên họp, đã quyết định một số vấn đề về công tác xét xử của ngành Tòa án và đã góp ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm cải tiến công tác của hai ngành tòa án và kiểm sát.

IX- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 05-5-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội nhắc các đại biểu hãy tích cực tham gia vận động cuộc bầu cử và đã cử 4 đoàn đại biểu Quốc hội, phối hợp với các tổ bầu cử các cấp, đi kiểm tra việc thi hành Luật bầu cử ở nhiều tỉnh và thành phố, để bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân và thực hiện đúng Luật bầu cử Hội đồng nhân dân.

Một số uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đi dự hội nghị Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh, thành phố và nhân dịp này đã tìm hiểu thêm tình hình hoạt động của các đại biểu Quốc hội ở địa phương về tình hình giải quyết đơn khiếu tố mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho địa phương xét và giải quyết.

X- ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI
CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM

Nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 06-6-1974, Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và Quân đội nhân dân Việt Nam đã vào thăm vùng giải phóng và dự lễ kỷ niệm.

Ngày 19-6-1974, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của đoàn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất vui mừng phấn khởi trước những thắng lợi mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời và đồng bào vùng giải phóng miền Nam đã đạt được trong năm qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Những thắng lợi đó nói lên tính ưu việt của chế độ dân chủ ở vùng giải phóng và làm tăng thêm lòng tin tưởng tuyệt đối của đồng bào miền Nam vào những bước đường tiến lên của cách mạng miền Nam.

XI- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

1. Nhận lời mời của Quốc hội Liên bang nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc và Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Hunggary, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử một Đoàn đại biểu Quốc hội do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn, đi thăm hữu nghị chính thức hai nước nói trên, từ ngày 14-5 đến 12-6-1974.

Cuộc đi thăm này của Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã góp phần tích cực trong việc tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân, Quốc hội ta với nhân dân, Quốc hội Tiệp Khắc và Hunggary.

Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã được các đồng chí lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân ở hai nước anh em tiếp đón nhiệt tình và trọng thể. Các đồng chí lãnh đạo và nhân dân hai nước anh em đã đánh giá cao thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam. Các đồng chí tỏ lòng tin tưởng sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta nhất định thắng lợi và khẳng định lại tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam.

Đoàn đã chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân hai nước đã đồng tình và ủng hộ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây và vẫn tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ trong giai đoạn cách mạng mới.

2. Nhận lời mời của Uỷ ban đón tiếp của các nghị sĩ thuộc 5 chính đảng lớn ở Nhật và được sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một nhóm đại biểu Quốc hội ta do đồng chí Trần Danh Tuyên, đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản dẫn đầu, đã thăm hữu nghị Nhật Bản từ ngày 20 đến 27-5-1974.

Các đại biểu Quốc hội ta đã được các nghị sĩ trong Uỷ ban đón tiếp, các đoàn nghị sĩ các đảng và nhiều nghị sĩ khác trong Quốc hội Nhật, Chủ tịch hai viện, nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ Nhật, các đoàn thể dân chủ Nhật đón tiếp trọng thể và nhiệt tình.

Ngay sau khi cuộc đi thăm Nhật Bản của các đại biểu Quốc hội ta kết thúc, ở Nhật đã thành lập Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam bao gồm hơn 300 nghị sĩ với mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị và góp sức vào việc khôi phục kinh tế đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ủng hộ Hiệp định Pari về Việt Nam; công nhận và xúc tiến việc lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

3. Về việc tiếp các đoàn khách quốc tế:

Ngày 28-10-1974, đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu Tòa án tối cao nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari do đồng chí Chánh án Tòa án tối cao làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam.

Ngày 28-11-1974, đồng chí Hoàng Văn Hoan, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta tiếp Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Xri Lanca - Việt Nam, do luật sư Tennixơn Êđirixuriya, đại biểu Quốc hội Xri Lanca làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam.

Ngày 30-11-1974, đồng chí Hoàng Văn Hoan đã thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta tiếp đoàn Đại biểu Hội hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, do Trung tướng Dammian dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

XII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Trong thời gian qua, các Uỷ ban của Quốc hội đều có sinh hoạt và đã có những hoạt động như sau:

1. Uỷ ban Dự án pháp luật của Quốc hội:

Ngày 17-8-1974, Uỷ ban Dự án pháp luật của Quốc hội đã họp để thẩm tra các dự án nghị quyết về việc sửa đổi các điều lệ thuế hàng hóa, thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh.

2. Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội:

Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã họp để:

- Xem xét việc thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1974 và nghiên cứu các biện pháp của Chính phủ đề ra cho 6 tháng cuối năm 1974, nhằm bảo đảm việc hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1974 và thực hiện ngân sách nhà nước năm 1974.

- Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 1973.

- Thẩm tra các điều lệ sửa đổi về thuế hàng hóa, thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh.

- Thẩm tra phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1975 và thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước năm 1975.

3. Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội:

Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội đã họp để:

- Ra tuyên bố nhân dịp kỷ niệm một năm ngày ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam, tố cáo và lên án Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống Hiệp định Pari và Thông cáo chung ngày 13-6-1973.

- Ra tuyên bố nhiệt liệt hoan nghênh Tuyên bố ngày 22-3-1974 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc thực hiện hòa bình và hòa hợp dân tộc ở miền Nam Việt Nam và hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố ngày 23-3-1974 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề này, kiên quyết đòi Chính phủ Hoa Kỳ phải chấm dứt hoàn toàn sự dính líu quân sự và sự can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, phải chấm dứt việc dùng chính quyền Sài Gòn làm công cụ để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, đòi chính quyền Sài Gòn phải từ bỏ con đường chiến tranh, chấm dứt những hành động vi phạm Hiệp định Pari, đáp ứng nghiêm chỉnh đề nghị sáu điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

- Kỷ niệm lần thứ 5 ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (06-6-1974).

- Ra tuyên bố ủng hộ Tuyên bố ngày 11-10-1974 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tuyên bố ngày 08-10-1974 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đòi Mỹ phải chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam đòi đánh đổ Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh thành lập ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình hòa hợp dân tộc, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari.

4. Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội:

Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội đã họp để:

- Xem xét việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vùng dân tộc, chú trọng chính sách đối với đồng bào rẻo cao.

- Nghiên cứu đề xuất bổ sung một số chính sách đối với đồng bào và cán bộ miền xuôi lên xây dựng miền núi.

5. Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội:

- Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã họp để nghe đại diện của Chính phủ báo cáo về công tác thể dục thể thao và sau đó đã báo cáo lại với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

- Uỷ ban đã nghiên cứu, thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh xuất ngũ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

6. Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội:

- Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp 5 lần để bàn về công tác của Uỷ ban, trao đổi về thời sự có liên quan đến Việt Nam, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc cử các đoàn đại biểu Quốc hội ta đi thăm hữu nghị nước ngoài và đón tiếp các đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm nước ta theo lời mời của Quốc hội ta.

- Ngày 19-10-1974, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã gửi điện cho Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Vênêduêla, ủng hộ Chính phủ Vênêduêla bác bỏ việc Tổng thống Mỹ G.Pho dùng vấn đề lương thực làm áp lực để đe dọa Vênêduêla không tán thành hạ giá dầu hỏa.

XIII- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Sau khi dự kỳ họp thứ 4 khóa IV về, được sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp ở địa phương, các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đã tổ chức báo cáo nội dung và kết quả của kỳ họp được kịp thời và rộng rãi, kết hợp chặt chẽ với việc phổ biến Nghị quyết lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với tình hình thực tế của địa phương để động viên, nhắc nhở, góp phần thúc đẩy tinh thần hào hứng phấn khởi trong nhân dân. Những đoàn Hải Phòng, Nghĩa Lộ, Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hải Hưng, Ninh Bình, Nghệ An, v.v., đã có kế hoạch cụ thể từng thời gian cho các đại biểu về báo cáo tại các huyện, thị xã, hợp tác xã, v.v., có một số đại biểu dành thì giờ hơn một tháng để làm công tác Quốc hội.

Một số đoàn có dành nhiều thì giờ thăm hỏi các xí nghiệp, đơn vị bộ đội, hợp tác xã, trường học, trại an dưỡng, gia đình thương binh liệt sĩ..., trực tiếp nghe phản ánh tình hình chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước, góp ý kiến với Chính phủ và thu thập những nguyện vọng và kiến nghị của cử tri để phản ánh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Một số đoàn và một số đại biểu Quốc hội đã gửi thư đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc trực tiếp phản ánh với Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với các Uỷ ban của Quốc hội, về tình hình địa phương, nơi mình công tác hoặc của địa phương mà đại biểu đến tìm hiểu và có một số kiến nghị thiết thực.

Nhiều đại biểu đã tham gia hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương để tìm hiểu tình hình, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và biết được chủ trương công tác của địa phương, vận động cán bộ, nhân dân cùng thực hiện.

Trong cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 5-1974, nhiều đại biểu đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban hành chính, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân địa phương, động viên giáo dục nhân dân về ý nghĩa cuộc bầu cử và tổ chức tốt cho nhân dân tham gia cuộc bầu cử, góp phần làm cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt.

Những hoạt động trên đây của các đoàn đại biểu Quốc hội đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân.

Trên đây là báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IV đến nay.

Xin trình Quốc hội xét và đề nghị Quốc hội phê chuẩn các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề mà Quốc hội đã ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải quyết.

 


 

[1]. Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, không trình bày tại kỳ họp Quốc hội (BT).

2. Ghinê Bítxao (BT).

3. Iran (BT).


 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.

 

   
Về trang mục lục

Trở về đầu trang