BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ
KẾ HOẠCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1975 TẠI KỲ HỌP THỨ 5,
QUỐC HỘI KHÓA IV
(Do ông Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà
nước,
trình bày, ngày 23-12-1974)
Thưa
Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến,
Thưa
Đoàn Chủ tịch.
Thưa
các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Hai năm
qua, kể từ ngày Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết, đáp lời kêu gọi của
Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhân dân và các lực lượng vũ trang miền
Bắc nước ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy năng lực lao động
cần cù, dũng cảm, thông minh và sáng tạo, ra sức hàn gắn những vết thương chiến
tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, đẩy mạnh xây dựng cơ
sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội
chủ nghĩa và đã thu được những thành tích quan trọng. Trên đà thắng lợi đó, nhân
dân miền Bắc chuẩn bị bước vào năm 1975 với một niềm phấn khởi mới, một khí thế
cách mạng mới.
Ở miền
Nam, giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính
phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã và đang lãnh đạo cuộc đấu
tranh của nhân dân miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước âm mưu
và hành động của Mỹ và tập đoàn hiếu chiến, phát xít Nguyễn Văn Thiệu phá hoại
nghiêm trọng Hiệp định Pari về Việt Nam, đồng bào và chiến sĩ ta càng kiên trì
và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính nghĩa, làm cho so sánh lực lượng biến đổi ngày
càng thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng nhằm hoàn thành độc lập và dân chủ ở miền
Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.
Thay
mặt Hội đồng Chính phủ, tôi xin trình bày trước Quốc hội phương hướng, nhiệm vụ
và những biện pháp chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1975.
Báo cáo
này gồm có ba phần:
1. Tình
hình khôi phục và phát triển kinh tế trong năm 1974.
2.
Phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1975.
3. Đẩy
mạnh việc củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng
cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, đẩy mạnh phong trào thi đua
lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH KHÔI
PHỤC
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG NĂM 1974
Tiếp
theo đà thắng lợi của năm 1973, trong năm 1974, công nhân, nông dân tập thể, cán
bộ, nhân viên các ngành, các cấp và các lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều
nỗ lực, khắc phục khó khăn, vươn lên thực hiện những nhiệm vụ mới do Hội nghị
lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và do Quốc hội
khóa IV, kỳ họp thứ 4 đề ra. Có thể nói năm 1974 là năm đạt kế hoạch khá về
nhiều mặt, tạo cơ sở thuận lợi cho năm 1975, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ khôi
phục và phát triển kinh tế, tích cực chuẩn bị cho việc phát triển mạnh mẽ nền
kinh tế quốc dân trong các năm sau.
Về
sản xuất nông nghiệp,
thắng lợi nổi bật là hai vụ lúa được mùa liên tiếp, sản lượng thóc cả năm vượt
kế hoạch 8% và tăng 21,4% so với năm trước. Tỉnh Thái Bình đạt năng suất lúa cao
nhất trên toàn miền Bắc. Nhiều tỉnh ở đồng bằng như Hải Hưng, Nam Hà, Hà Tây, Hà
Nội đều đạt năng suất cao. Số tỉnh, huyện và hợp tác xã năng suất 5 tấn/ha tăng
lên nhiều và đã xuất hiện nhiều hợp tác xã đạt 10 tấn thóc/ha. Nông nghiệp được
mùa, đời sống ở nông thôn được ổn định hơn, quần chúng phấn khởi, điều đó có ảnh
hưởng tốt đến nhiều mặt của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ta không được chủ
quan, thỏa mãn thành tích, vì còn phải phấn đấu rất nhiều về sản xuất, quản lý
và tiết kiệm lương thực, thì sau một số năm nữa mới có thể bảo đảm được nhu cầu
lương thực.
Kết quả
to lớn bước đầu về lúa trong năm 1974 là do tinh thần nỗ lực đẩy mạnh sản xuất
của đông đảo nông dân xã viên, sự cố gắng trong chỉ đạo sản xuất của các cấp, sự
đóng góp tích cực của ngành Công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Đây cũng là
kết quả của việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và thực hiện tiến bộ kỹ
thuật trong nông nghiệp từ nhiều năm nay.
Cùng
với được mùa lúa, diện tích và sản lượng khoai tây đạt cao nhất từ trước đến
nay, đã góp phần bổ sung về lương thực và cho thấy rõ khả năng phát triển khoai
tây trong vụ đông. Năng suất của một số loại rau, đậu và cây công nghiệp ngắn
ngày cũng đạt khá. Đàn lợn được giữ vững và phát triển hơn trước.
Việc
xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp đã có những tiến bộ mới.
Giai cấp nông dân tập thể đã có sự cố gắng lớn lao trong việc tiếp tục khôi phục
và hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông, san lấp ruộng đất bị bom đạn đánh phá,
khôi phục và xây dựng thêm các trạm, trại giống, khai hoang xây dựng vùng kinh
tế mới, trồng rừng, v.v.. Công tác củng cố các hợp tác xã nông nghiệp được chú ý
hơn và có những kết quả bước đầu. Nhiều hợp tác xã đã tăng cường việc quản lý
ruộng đất, thu hồi ruộng đất sử dụng trái phép, khắc phục tình trạng lãng phí
ruộng đất... Cuộc vận động tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và cải tiến một bước
quản lý nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, bắt đầu mở rộng trên một số huyện
và hợp tác xã; đại hội nông dân tập thể tiến hành ở nhiều địa phương, hàng triệu
quần chúng nông dân xã viên đã hăng hái đóng góp nhiều ý kiến tốt về sản xuất và
quản lý.
Tuy
nhiên, sự chuyển biến trong nông nghiệp vẫn chưa được toàn diện và rộng khắp.
Lúa được mùa, nhưng diện tích lúa vụ chiêm xuân không đạt kế hoạch, 16% diện
tích cấy trễ thời vụ, năng suất lúa không đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất
hoa màu và cây công nghiệp từ nhiều năm chưa được coi trọng và năm nay vẫn không
đạt kế hoạch. Việc chỉ đạo đối với ngành chăn nuôi, nhất là công tác thú y quá
yếu, dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Công tác xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật
trong nông nghiệp, tuy có cố gắng nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác khai hoang, mở rộng diện tích cũng như công tác trồng rừng đều làm
chậm; việc bảo vệ rừng làm chưa tốt. Những mặt yếu đó đã hạn chế một phần kết
quả của sản xuất nông nghiệp trong năm 1974.
Về
công nghiệp,
mặc dù có những khó khăn do nhiều cơ sở sản xuất mới được khôi phục, vừa khôi
phục vừa sản xuất nên sản xuất chưa ổn định, nhưng nhiều ngành công nghiệp quan
trọng đã ra sức phấn đấu thực hiện kế hoạch nhà nước, rõ nhất là các ngành than,
điện, hóa chất, sản xuất gạch, ngói, sản xuất muối và một số ngành công nghiệp
sản xuất hàng tiêu dùng. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp
vượt kế hoạch 4% và tăng trên 15% so với năm 1973.
Ngành Than đã tích cực thực hiện kế hoạch sản lượng, tuy chưa đạt mức sản xuất
trước chiến tranh, nhưng đã vượt kế hoạch 12% về sản lượng và 8% về bốc đất đá.
Số lượng than cung cấp cho công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu tăng nhiều so với
các năm trước.
Ngành
Điện đã tiếp tục làm tốt công tác khôi phục các nhà máy điện bị địch đánh phá
trước đây, nâng cao công suất phục vụ các yêu cầu. Sản lượng điện năm 1974 vượt
mức kế hoạch 2% và tăng 66% so với năm 1965 là năm đạt mức cao nhất trước đây.
Hai
ngành Than, Điện đạt kế hoạch khá, đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các ngành
khác đạt kế hoạch.
Ngành
Cơ khí đã bước đầu đi vào tổ chức sản xuất chuyên môn hóa, hình thành một số
nhóm sản phẩm như máy công cụ, máy phục vụ nông nghiệp, phụ tùng ôtô và máy kéo,
v.v.. Giá trị sản lượng của ngành Cơ khí tăng gấp đôi so với trước chiến tranh.
Nhiều sản phẩm quan trọng như máy cắt gọt kim loại, động cơ điện, máy kéo loại
nhỏ, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, xe ca, v.v., tăng lên đáng kể.
Nhiều sản phẩm của ngành Hóa chất như phân bón, cao su
v.v., đạt và vượt kế hoạch.
Trong
ngành Vật liệu xây dựng, sản lượng gạch, ngói vượt kế hoạch; về sản xuất xi
măng, tuy chưa bằng mức trước chiến tranh, nhưng đã cố gắng trong việc khôi phục
các lò, máy tiếp tục hoàn chỉnh các dây chuyền sản xuất, tạo điều kiện tăng sản
lượng trong năm tới.
Một số
mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng như muối, mì chính, rượu, bia, chè, thuốc
lá, diêm, xà phòng v.v., đều đạt và vượt kế hoạch.
Tiểu
công nghiệp và thủ công nghiệp, một khả năng lớn về sản xuất hàng tiêu dùng đã
được khôi phục và phát triển cao hơn so với trước chiến tranh.
Nhìn
chung, sản xuất của một số ngành công nghiệp đã bắt đầu tăng khá, nhưng ngành Cơ
khí phát triển còn chậm, ngành khai thác gỗ chưa chuyển biến mấy, ngành chế biến
lương thực và thực phẩm chưa vươn lên mạnh, một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng
đạt kế hoạch thấp. Tình hình đó đã hạn chế tác dụng của công nghiệp trong việc
phục vụ các ngành kinh tế, nhất là phục vụ nông nghiệp. Năng lực sẵn có trong
các ngành công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp còn nhiều, chưa được
phát huy tốt; việc sử dụng lao động, vật tư, thiết bị còn lãng phí, định mức sử
dụng nguyên liệu chưa chặt chẽ, giá thành còn cao và chất lượng sản phẩm chưa
tốt. Đó là những thiếu sót tồn tại của các ngành công nghiệp đòi hỏi phải nỗ lực
khắc phục trong thời gian tới.
Ngành Giao thông vận tải
đã đạt và vượt các chỉ
tiêu chủ yếu về vận chuyển hàng nhập, vận chuyển than, gỗ và phục vụ một số yêu
cầu khác. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong năm 1974 tăng 30% so với năm
1973 và tăng 60% so với năm 1964. Việc vận chuyển cho các tỉnh miền núi và liên
khu IV cũ, công tác giao thông vận tải trong nông thôn làm chưa được tốt. Công
tác quản lý giao thông vận tải đòi hỏi phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Ngành Bưu điện
đã cố gắng phục vụ các yêu cầu của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế
song chất lượng phục vụ còn thấp, cần phải cải tiến nhiều về mặt trang bị kỹ
thuật cũng như về mặt quản lý.
Về
xây dựng cơ bản, cán bộ và công nhân đã có nhiều cố gắng, vượt mọi khó
khăn, phục vụ yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, mở rộng
những xí nghiệp hiện có và xây dựng những công trình mới, đồng thời chuẩn bị cho
những năm sau.
Đến
cuối năm 1974, hầu hết các nhà máy điện đã được khôi phục; đã huy động vào sản
xuất từng phần các nhà máy điện mới như Ninh Bình, Uông Bí đợt III, tăng thêm
công suất hàng chục vạn KW so với năm 1973; tiếp tục cải tạo và xây dựng các
đường dây, trạm biến thế điện. Công nhân và cán bộ ngành than tiếp tục đẩy mạnh
việc xây dựng các mỏ than, khôi phục các nhà máy sàng rửa than, tăng thêm năng
lực cho đường vận xuất và bến cảng bốc rót than, tạo điều kiện tăng nhanh sản
lượng than trong các năm sau. Khu gang thép Thái Nguyên đã khôi phục và đi vào
sản xuất một phần. Ta đã đưa vào sản xuất 6 nhà máy cơ khí mới, tiếp tục đẩy
mạnh việc xây dựng các nhà máy cơ khí lớn, các nhà máy phân đạm và dệt... Hầu
hết các nhà máy của các ngành hóa chất, vật liệu xây dựng, công nghiệp nhẹ,
v.v., đã được khôi phục và một số cơ sở được mở rộng, tăng thêm công suất. Nhiều
bến cảng, tuyến đường đã được nhanh chóng khôi phục. Một vài cầu quan trọng đã
được khởi công xây dựng. Công nhân và quân đội đã hợp sức tháo gỡ mìn và nạo vét
luồng lạch ra vào các cảng, tàu biển có trọng tải lớn đã đi lại dễ dàng. Chúng
ta cũng đã có nhiều cố gắng trong việc khôi phục và xây dựng một khối lượng lớn
kho tàng để chứa vật tư, hàng hóa.
Việc
khôi phục, xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện được Nhà nước hết sức quan tâm;
các ngành, các cấp, cán bộ, công nhân và nhân dân ta đã có nhiều cố gắng. Trong
hai năm qua, ta đã xây dựng thêm hàng triệu mét vuông nhà ở, hàng vạn lớp học.
Nhân dân các địa phương đã dành hàng chục triệu ngày công để khôi phục, mở mang
các cơ sở sản xuất và các công trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, tốc độ sản
xuất nhà ở, trường học, bệnh viện vẫn còn thấp so với nhu cầu, cần phải tiếp tục
giải quyết nhiều trong các năm sau. Tốc độ xây dựng nói chung còn chậm và chất
lượng chưa được tốt.
Công
tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong các ngành sản
xuất như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và trong một số trường đại học, một
số viện nghiên cứu đã có những tiến bộ mới.
Công
tác lưu thông phân phối đã có cố gắng hơn trong việc phục vụ các yêu cầu
của sản xuất và đời sống, mặc dù có nhiều khó khăn sau chiến tranh và dân số
tăng với tốc độ nhanh. Năm 1974, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường
có tổ chức tuy tăng 2% so với năm 1973 nhưng đã gấp đôi năm 1965. Việc tổ chức
phân phối hàng hóa được cải tiến một bước, cố gắng bảo đảm các nhu cầu cơ bản
nhất của nhân dân; giá cả các vật phẩm tiêu dùng của thị trường có tổ chức được
giữ vững; giá cả thu mua một số mặt hàng nông sản được điều chỉnh nhằm khuyến
khích phát triển sản xuất.
Công
tác xuất khẩu có những cố gắng trong điều kiện sau chiến tranh.
Nguồn
thu trong nước của ngân sách đã bắt đầu tăng, giá thành nhiều loại sản phẩm đã
hạ xuống.
Sự
nghiệp giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, y tế, thể dục thể thao đã nhanh
chóng trở lại hoạt động bình thường và đang có những bước phát triển mới. Hiện
nay, ở miền Bắc bình quân hơn ba người dân có một người đi học. Công tác đào tạo
cán bộ và công nhân kỹ thuật, được tiếp tục mở rộng. Ở các địa phương, số giường
bệnh, cơ sở y tế, các đội vệ sinh phòng bệnh đã được khôi phục và phát triển.
Công tác đào tạo đội ngũ các cô nuôi dạy trẻ có tiến bộ. Số các cháu vào nhà trẻ
tăng thêm. Việc vận động sinh đẻ có kế hoạch được mở rộng. Các ngành văn hóa,
nghệ thuật, thông tin đã cố gắng trong các mặt công tác nhằm đáp ứng nhu cầu
tăng lên về đời sống văn hóa của nhân dân.
Mặc dầu
còn có khó khăn, Nhà nước và nhân dân ta đã cố gắng chăm lo đời sống của anh chị
em thương binh và gia đình liệt sĩ. Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm
bổ sung và cải tiến chế độ đãi ngộ đối với thương binh và đối với quân nhân
chuyển ngành.
Việc
củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa
trong hai khu vực quốc
doanh và tập thể gắn liền với việc phát triển lực lượng sản xuất, là một yêu cầu
của nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, được các ngành, các cấp coi trọng.
Nhiều cơ sở kinh tế quốc doanh đã cố gắng khắc phục tình trạng buông lỏng việc
củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Gần đây, qua cuộc vận động học tập
điều lệ hợp tác xã, họp đại hội nông dân tập thể, các cấp đã gắn liền với cuộc
vận động tổ chức lại sản xuất nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, quan hệ sản xuất
trong các hợp tác xã nông nghiệp đang được củng cố.
Công
tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế
bước đầu có tiến bộ. Việc
chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch từ Trung ương đến cơ sở được
chặt chẽ hơn trước. Chính phủ đã ban hành một số chính sách, chế độ nhằm ổn định
tình hình sản xuất, tình hình quản lý, bước đầu đưa công tác quản lý kinh tế đi
dần vào nền nếp và có tác dụng tốt thúc đẩy công cuộc khôi phục và phát triển
kinh tế.
Năng
suất lao động của các ngành công nghiệp, xây dựng, vận tải đạt kế hoạch và tăng
15 - 20% so với năm 1973. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và các chỉ tiêu chất
lượng như: năng suất lao động, hạ giá thành, giảm tiêu hao cho vật tư, tăng chất
lượng sản phẩm, v.v., đã được quan tâm hơn trước.
Chúng
ta đã và đang tiến hành cuộc đấu tranh kiên quyết chống các tệ làm ăn bất chính,
trái phép, thực hiện các biện pháp hành chính, kinh tế và giáo dục để bài trừ
những hành động xâm phạm tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã, gây rối trong
quản lý kinh tế và trật tự trị an công cộng, đồng thời đã bắt đầu quản lý tốt
hơn thị trường tự do. Việc chấp hành các chế độ, nguyên tắc về chỉ tiêu tài
chính, về sử dụng vật tư, hàng hóa có tiến bộ hơn trước. Chúng ta còn phải tiếp
tục cuộc đấu tranh này một cách mạnh mẽ hơn nữa nhằm xóa bỏ các tệ nạn không thể
dung thứ được trong xã hội ta.
Phong trào thi đua lao động, sản xuất cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội
đã được phát động ở
nhiều đơn vị cơ sở. Kỷ luật lao động, ý thức bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa có
tiến bộ hơn, đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch nhà nước và đang
có những bước phát triển mới. Trong phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều điển
hình tốt, đã phát huy nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật.
Việc mở hội nghị công nhân viên chức và ký hợp đồng tập thể đã tăng nhiều hơn so
với năm 1973; mối quan hệ giữa Nhà nước và công đoàn ở các cấp được chặt chẽ
hơn. Hàng nghìn đơn vị cơ sở đã đăng ký mức kế hoạch cao hơn kế hoạch nhà nước;
hàng vạn tổ, đội đã đăng ký phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ
nghĩa.
Hưởng ứng phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã
hội, trong năm qua quân đội ta đã đóng góp hàng triệu ngày công tham gia xây
dựng các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông vận tải, khai thác thủy sản,
khai hoang, trồng rừng, v.v..
Thưa
các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Qua hai
năm khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, đặc biệt là việc thực hiện kế
hoạch nhà nước năm 1974 đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi. Chúng ta đã
khôi phục và phát triển được một phần quan trọng năng lực sản xuất của các ngành
kinh tế; các mặt sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, v.v.,
bắt đầu tăng lên; các mặt cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân phát triển theo
hướng tích cực. Chúng ta đã thấy rõ hơn những vấn đề lớn trong nền kinh tế đã
vạch ra phương hướng giải quyết cụ thể và đã làm được ở mức độ nhất định. Toàn
bộ hoạt động của nền kinh tế miền Bắc đang đi theo phương hướng đúng đắn của
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng.
Những
thành tích đạt được trong năm 1974 thể hiện nổi bật sức sống mãnh liệt của chế
độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đánh dấu sự nỗ lực to lớn và khả năng tiềm tàng
của nhân dân ta, tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục tiến lên mạnh mẽ trong những năm
tới. Những thành tích đó khẳng định sự đúng đắn của các nghị quyết của Trung
ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự cố gắng lớn của các ngành, các cấp, sự nỗ
lực phi thường của giai cấp công nhân, nông dân tập thể, các lực lượng vũ trang
nhân dân, trí thức xã hội chủ nghĩa, đồng bào các dân tộc ở miền Bắc nước ta
đang vươn lên làm tròn nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách
mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Những thắng lợi trong việc khôi phục và phát
triển kinh tế hiện nay cũng như thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước của nhân dân ta trước đây, gắn liền với sự giúp đỡ to lớn và quý báu
của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, các lực lượng
tiến bộ trên thế giới. Những thắng lợi ấy cũng là kết quả của sự phấn đấu liên
tục, bền bỉ của nhân dân ta từ nhiều năm nay. Ngay trong những năm chiến tranh
ác liệt, nhân dân ta đã thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, đã
ra sức bảo vệ và tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đồng thời phát triển
sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, chuẩn bị
điều kiện cho việc khôi phục, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa hiện nay.
Trong
khi tích cực thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, nhân dân miền
Bắc luôn luôn hướng về miền Nam ruột thịt, cố gắng làm tròn nghĩa vụ đối với
miền Nam anh hùng. Trong năm 1974, chúng ta đã tăng cường động viên sức người,
sức của để phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng vùng giải phóng ở miền
Nam. Chúng ta đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ tiếp nhận, chữa bệnh, bồi dưỡng cho
anh chị em cán bộ, chiến sĩ miền Nam được trao trả; tích cực nuôi dưỡng, giáo
dục các cháu học sinh miền Nam trong tình thương yêu đùm bọc của đại gia đình
dân tộc Việt Nam.
Chúng
ta cần khẳng định đúng mức những thành tích đã đạt được trong năm 1974 và nhiệt
liệt biểu dương anh chị em công nhân và nông dân tập thể, anh chị em lao động
trí óc, các lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều đóng góp vào công cuộc khôi
phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa.
Mặt
khác, chúng ta cần thấy rõ những mặt yếu của nền kinh tế hiện nay, những khuyết
điểm trong công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để ra sức khắc phục và tạo
thế đi lên vững mạnh cho nền kinh tế. Mức độ thực hiện kế hoạch nhà nước năm
1974 là khá, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu tăng lên của nền kinh tế quốc
dân. Nhiều loại vật tư, hàng hóa chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi đó, khả năng
tiềm tàng còn lớn chưa được khai thác tốt. Đời sống của nhân dân, nhất là của
công nhân viên chức còn có nhiều khó khăn cần được tiếp tục giải quyết. Lực
lượng sản xuất đang được khôi phục và phát triển, nhưng việc củng cố quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa chưa được xem trọng đúng mức nên chưa phát huy được tác
dụng mạnh mẽ đối với sự phát triển sản xuất, tạo điều kiện tiến nhanh lên sản
xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Công
tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước chuyển biến chậm: trình độ tổ chức, năng
lực chỉ đạo và quản lý chưa tiến kịp yêu cầu. Công tác kế hoạch hóa nói chung
làm chưa tốt, một số mặt còn bảo thủ, chưa làm tốt việc xây dựng kế hoạch từ cơ
sở. Kế hoạch chưa phản ánh được sự vận dụng tốt quy luật phát triển nền kinh tế
miền Bắc từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Bộ máy quản lý nhà
nước, quản lý kinh tế chậm được tinh giản và củng cố. Các ngành và các địa
phương chuyển biến chưa đồng đều. Bên cạnh những đơn vị quản lý tốt, chấp hành
đúng đắn kế hoạch và các chính sách, chế độ của Nhà nước, còn có những xí
nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh
kém, hiệu quả thấp; lao động, vật tư, thiết bị, tiền vốn sử dụng còn lãng phí. Ở
một số nơi, còn có những hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, kém ý thức tổ
chức và kỷ luật trong việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, các chính sách,
chế độ, các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước, thậm chí có những trường hợp vi phạm
pháp luật, xâm phạm tài sản của Nhà nước và của tập thể. Tình trạng quan liêu,
thiếu dân chủ, hữu khuynh trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý trật
tự trị an công cộng chưa được kiên quyết khắc phục.
Phong
trào thi đua của quần chúng tuy đã có bước phát triển mới, nhưng chưa trở thành
một cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ; khí thế thi đua lao động sản xuất chưa
đều, có nơi còn nặng về hình thức, chưa có bề sâu.
Những
mặt non yếu và những khuyết điểm trên đây đã làm hạn chế bước tiến của các
ngành, các địa phương và các đơn vị cơ sở, hạn chế việc khai thác các khả năng
tiềm tàng trong nền kinh tế quốc dân. Đương nhiên, nền kinh tế miền Bắc nước ta
vốn lạc hậu lại vừa mới ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt, trong một
vài năm, chưa có thể khắc phục ngay được những hậu quả trầm trọng của nó. Năm
1975, có những yêu cầu mới và những nhiệm vụ nặng nề, to lớn đòi hỏi các ngành,
các cấp, toàn thể cán bộ và nhân dân ta phải có quyết tâm cao để khắc phục nhanh
những mặt non yếu và những thiếu sót, phát huy ưu điểm, tiến lên hoàn thành
thắng lợi nhiệm vụ của thời kỳ mới.
PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ
NHIỆM VỤ
KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1975
Thưa
các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Chúng
ta bước sang năm 1975, một năm có nhiều ý nghĩa lớn về chính trị và có một tầm
quan trọng đặc biệt về kinh tế.
Năm
1975 là năm có ba ngày kỷ niệm lớn: kỷ niệm 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa; kỷ niệm 45 ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tức là
Đảng Lao động Việt Nam hiện nay; kỷ niệm 85 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
kính mến.
Năm
1975, miền Bắc phải kết thúc thắng lợi thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến
tranh, tạo ra một thế tương đối vững mạnh để chuyển sang thời kỳ phát triển kinh
tế và văn hóa trên quy mô rộng lớn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa
xã hội chủ nghĩa, từ sản xuất nhỏ tiến nhanh lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Chúng
ta quyết đạt được trong năm 1975 những thành tích rực rỡ, xứng đáng với truyền
thống tốt đẹp của dân tộc ta, của Đảng ta và Nhà nước ta.
Bước
vào năm 1975, chúng ta có những khả năng và thuận lợi mới:
- Về
cơ sở vật chất và kỹ thuật, phần lớn các cơ sở công nghiệp bị đánh phá trong
chiến tranh đã được khôi phục, một số xí nghiệp mới được xây dựng xong và đi vào
sản xuất. So với năm 1965, năng lực sản xuất điện tăng 80%, cơ khí tăng gấp đôi;
mức khai thác than đã khôi phục bằng năm 1965... Năng lực thông qua đường sắt
bằng năm 1971, năng lực các cảng tăng 20% so với năm 1964. Trong nông nghiệp,
một số giống mới có năng suất cao đã được đưa vào sản xuất đại trà để tăng nhanh
sản lượng. Phần lớn các huyện ở vùng đồng bằng và trung du đã xây dựng được trại
lợn giống. Các cơ sở bò giống, gà giống đã bắt đầu hoạt động; các cơ sở cá giống
được tăng cường hơn. Hệ thống thủy nông hoàn chỉnh, tưới tiêu chủ động được mở
rộng. Số đầu máy kéo thực tế tăng gấp 6 lần so với năm 1965. Năng lực sản xuất
mới tăng thêm trong các ngành kinh tế đã tạo điều kiện cho chúng ta đẩy mạnh sản
xuất và xây dựng trong các năm tới.
-
Quan hệ hợp tác kinh tế và mậu dịch với nước ngoài được mở rộng bước đầu, sẽ
tạo thêm khả năng mới cho việc khôi phục và phát triển kinh tế.
-
Việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và công tác quản lý
trên một số mặt đã có tiến bộ. Những chính sách và chế độ mới ban hành sẽ dần
dần phát huy tác dụng tốt trong thời gian tới.
- Về
tư tưởng, những thành tích đạt được trong công cuộc khôi phục và phát triển
kinh tế, phát triển văn hóa ở miền Bắc, cùng với những thắng lợi của cuộc đấu
tranh cách mạng ở miền Nam, những sự kiện có ý nghĩa chính trị lớn trong năm
1975 sẽ cổ vũ, động viên mạnh mẽ nhiệt tình cách mạng của nhân dân và cán bộ,
thúc đẩy khí thế hăng hái lao động sản xuất, xây dựng đất nước.
-
Phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội
đang có đà phát triển trong các xí nghiệp, công trường và bắt đầu được đẩy mạnh
trong các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.
Tuy
nhiên, như đã trình bày ở phần trên, nền kinh tế miền Bắc, bước sang năm 1975,
vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất tuy đã phát triển với tốc độ khá cao, nhưng
chưa đáp ứng kịp yêu cầu tăng nhanh của sản xuất và đời sống nhân dân. Nhiều
loại vật tư, nguyên liệu, thiết bị, máy móc còn phải nhập khẩu với khối lượng
lớn trong khi khả năng xuất khẩu chưa tăng lên kịp. Nhiều loại hàng tiêu dùng
chưa đáp ứng kịp nhu cầu, nhất là trong tình hình dân số tăng nhanh và cơ cấu
dân số thay đổi. Đời sống nhân dân, nhất là đời sống của công nhân viên chức vẫn
còn có khó khăn. Việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chưa làm được
nhiều; những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội chưa được khắc
phục triệt để. Công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế chuyển biến chậm;
trình độ tổ chức và năng lực quản lý kinh tế chưa tiến kịp yêu cầu tổ chức lại
sản xuất theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Tình
hình nói trên đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực vượt bậc, ra sức khai thác tốt mọi
khả năng tiềm tàng và những thuận lợi mới, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, khắc
phục nhanh chóng các khuyết điểm và nhược điểm để tạo ra một sự chuyển biến mạnh
mẽ hơn nữa trong nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Kế
hoạch nhà nước năm 1975 phải quán triệt nhiệm vụ chung do Nghị quyết Hội nghị
lần thứ 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra cho miền
Bắc trong hai năm 1974-1975 là: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết
thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa,
tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; củng cố quan
hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, ổn định tình hình kinh tế và đời sống
nhân dân; củng cố quốc phòng ra sức chi viện cuộc đấu tranh cách mạng và xây
dựng vùng giải phóng của đồng bào miền Nam”.
Để thực
hiện được nhiệm vụ chung đó, các mặt công tác của miền Bắc trong năm 1975 phải
nhằm vào ba yêu cầu lớn:
1. Động
viên và tổ chức lực lượng lao động xã hội đi vào sản xuất và xây dựng với khí
thế cách mạng sôi nổi, tận dụng những khả năng tiềm tàng của nền kinh tế, ra sức
đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, đưa mức sản xuất của xã hội, của từng
ngành kinh tế, từng đơn vị kinh tế lên bằng hoặc cao hơn mức sản xuất cao nhất
đã đạt được năm 1965 hoặc năm 1971. Phấn đấu để tăng nhanh sản phẩm xã hội và
thu nhập quốc dân sản xuất, bảo đảm quỹ tiêu dùng xã hội và tăng tích lũy từ nội
bộ nền kinh tế, làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam anh hùng.
2.
Củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả hai
khu vực: quốc doanh và tập thể; kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực
trong đời sống kinh tế và xã hội.
3. Tăng
cường công tác lãnh đạo và quản lý của Nhà nước, chấn chỉnh công tác quản lý
kinh tế từ Trung ương đến cơ sở. Giải quyết tốt các vấn đề trước mắt, đồng thời
chủ động chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế và văn hóa.
Chúng
ta cần quán triệt các tư tưởng chỉ đạo sau đây:
1. Nắm
vững đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa: “Ưu tiên phát triển công nghiệp
nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; xây
dựng kinh tế Trung ương đồng thời phát triển kinh tế địa phương; kết hợp kinh tế
với quốc phòng”. Phải đẩy nhanh tốc độ khôi phục và phát triển các ngành công
nghiệp nặng, nhất là các ngành cơ khí, luyện kim, điện, than, phân bón, vật liệu
xây dựng, hóa chất để tạo điều kiện phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, công
nghiệp nhẹ, công nghiệp xây dựng và các ngành kinh tế khác. Phải ra sức phát
triển mạnh mẽ nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đi lên
sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa để tạo cơ sở vững chắc cho công nghiệp phát triển,
giải quyết tốt các yêu cầu của đời sống và xuất khẩu.
2. Khai
thác tốt mọi khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc dân, tổ chức và sử dụng tốt
lực lượng lao động xã hội, tận dụng tốt năng lực sản xuất, công suất của máy
móc, thiết bị và khả năng của ruộng đất, v.v., kết hợp lao động thủ công và cơ
giới, động viên mọi người làm việc với năng suất lao động cao. Triệt để thực
hành tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nhất vật tư, nguyên liệu, tiền vốn, chống
mọi hiện tượng lãng phí. Ra sức phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng của kế
hoạch, giảm mức tiêu hao vật chất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
3. Ra
sức củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả hai khu vực quốc doanh và
tập thể. Trước hết, phải đặc biệt coi trọng việc củng cố và tăng cường chế độ sở
hữu toàn dân và sở hữu tập thể, đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề về phân
phối; củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế tập thể. Đi đôi
với việc củng cố các cơ sở kinh tế quốc doanh, phải ra sức củng cố các hợp tác
xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, hợp tác
xã nghề muối, hợp tác xã đánh cá biển, hợp tác xã mua bán. Tích cực cải tạo xã
hội chủ nghĩa đối với những người sản xuất nhỏ và buôn bán nhỏ.
4.
Nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở,
đưa nhanh công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế đi vào nền nếp, bước đầu
xây dựng hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu tổ chức lại sản xuất đi lên sản
xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Phải kiện toàn cấp huyện để phát huy chức năng và
hiệu lực quản lý. Phải sử dụng tốt lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công
nhân giỏi tay nghề; ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng các tiến bộ kỹ thuật đẩy
mạnh hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật.
5. Nêu
cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, đồng thời tích cực tranh thủ sự
giúp đỡ quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế, kỹ thuật với nước ngoài.
Khắc
phục các tư tưởng ỷ lại, tự ty, bảo thủ, tiêu cực.
6. Nâng
cao cảnh giác cách mạng, tăng cường củng cố quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế
và quốc phòng, kết hợp các nhiệm vụ trước mắt với nhiệm vụ phát triển kinh tế
lâu dài.
7. Phát
động phong trào cách mạng của quần chúng, mạnh mẽ sâu rộng trong tất cả các
ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở, thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây
dựng chủ nghĩa xã hội, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm
1975.
*
*
*
Kế
hoạch nhà nước năm 1975 có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một
là, ra sức khai
thác mọi khả năng của nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Hai
là, hoàn thành
về căn bản nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, phát triển mạnh lực
lượng sản xuất, từng bước tổ chức lại cơ cấu của nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên
sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Ba
là, thực hiện
một bước tiến rõ rệt về giải quyết đời sống của nhân dân, nhất là đời sống của
công nhân, viên chức.
Bốn
là, giảm dần
các mặt mất cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân.
Năm
là, bảo đảm yêu
cầu của quốc phòng, chi viện cuộc đấu tranh cách mạng và xây dựng vùng giải
phóng ở miền Nam.
Sáu
là, tích cực
chuẩn bị mọi mặt cho kế hoạch 5 năm (1976-1980).
Tích
cực phấn đấu đưa tổng sản phẩm xã hội tăng 19,6% so với năm 1974, thu nhập quốc
dân sản xuất tăng 19,5%; giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 22%; giá trị
tổng sản lượng nông nghiệp tăng 8,6%. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng
41,5%; khối lượng vận tải hàng hóa trong nước tăng 22%; tổng mức lưu chuyển hàng
hóa trên thị trường có tổ chức tăng 18%; giá trị hàng xuất khẩu tăng 30%; thu
ngân sách tăng 11,1%; năng suất lao động xã hội tăng 14%; tuyển mới cho đào tạo
công nhân tăng 19%, cho đại học và trung học chuyên nghiệp tăng 14%; số học sinh
phổ thông đầu năm học tăng 4%...
Dưới
đây là nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của các ngành:
I- CÔNG NGHIỆP
Để tiếp
tục phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân năm
1975, phải phấn đấu hoàn thành việc khôi phục các cơ sở bị phá hoại trong chiến
tranh, đẩy mạnh phát triển sản xuất và xây dựng các ngành công nghiệp chủ chốt
có tác dụng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc dân như: cơ khí, gang thép, điện,
than, vật liệu xây dựng, phân bón, hóa chất, tích cực tạo ra nguồn nguyên liệu,
vật liệu, thiết bị, phụ tùng trong nước để đáp ứng các yêu cầu phát triển sản
xuất, trước hết là phát triển nông nghiệp; ra sức phát triển các ngành công
nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, các ngành tiểu công nghiệp và thủ công
nghiệp, tăng nhanh sản xuất các mặt hàng tiêu dùng phục vụ đời sống và xuất
khẩu.
Giá trị
tổng sản lượng công nghiệp năm 1975 tăng 22% so với năm 1974, trong đó nhóm A
tăng 26%, nhóm B tăng 19%, công nghiệp trung ương tăng 28%, công nghiệp địa
phương tăng 17%, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 15,3%.
Ngành Cơ khí
giữ vị trí then chốt trong việc trang bị kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân, năm
1975, phải tận dụng năng lực sản xuất đã được tăng cường trong những năm qua,
tiến hành tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý trong toàn ngành. Xác định
phương án sản xuất trước mắt và lâu dài cho từng xí nghiệp; cải tạo và mở rộng
quy mô một số nhà máy; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các xí nghiệp cơ khí
Trung ương, cơ khí địa phương, cơ khí quốc phòng và mạng lưới cơ khí của hợp tác
xã theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa theo nhóm sản phẩm. Tập trung sức
đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng đủ yêu cầu về nông cụ và công cụ lao động thông
thường, công cụ cải tiến cho các ngành nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng, v.v.;
tăng nhanh khả năng sản xuất các máy móc, thiết bị và phụ tùng cho các ngành
kinh tế và cho bản thân ngành Công nghiệp (như máy kéo 12 sức ngựa, máy bơm thủy
lợi, máy móc nông nghiệp theo sau máy kéo, máy phát lực điêden, máy cắt gọt kim
loại, máy biến thế điện, xe ca, xà lan, phục tùng ô tô...); đẩy mạnh sản xuất
hàng kim khí tiêu dùng. Tổ chức tốt việc sửa chữa và tăng năng lực sửa chữa để
nâng cao khả năng sử dụng máy móc, thiết bị của các ngành. Coi trọng việc tận
dụng các phế liệu, phế phẩm, thu hồi và sửa chữa lại các máy móc, thiết bị cũ...
Ngành Cơ khí phải làm tốt việc quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và đẩy mạnh
việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện
các máy móc, thiết bị đang sản xuất, chế tạo thêm các sản phẩm mới nhằm đáp ứng
yêu cầu của năm 1975 và chuẩn bị cho các năm sau.
Phải
đẩy mạnh tốc độ xây dựng các nhà máy cơ khí quan trọng để nhanh chóng đưa vào
sản xuất, tăng nhanh năng lực sản xuất. Vốn đầu tư cho ngành Cơ khí tăng gần gấp
đôi so với năm 1974; tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành Cơ khí trong tổng vốn đầu tư
cho công nghiệp từ 15% năm 1974 sẽ tăng lên 18% năm 1975.
Ngành Luyện kim
cần đẩy mạnh khôi phục và xây dựng nhà máy gang thép Thái Nguyên, tán thành việc
xây dựng nhà máy cán thép Gia Sàng, mở rộng các mỏ cơrômít, mỏ thiếc, v.v.; đẩy
nhanh việc xây dựng và tận dụng công suất luyện thép của các lò điện trong các
nhà máy cơ khí để tăng khả năng sản xuất thép cho ngành cơ khí chế tạo; ra sức
ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm tăng
thêm sản phẩm mới.
Ngành Điện sẽ
tăng sản lượng điện 19% so với năm 1974 và gấp đôi năm 1965. Điện phân phối cho
công nghiệp tăng 32% và cho nông nghiệp tăng 20% so với năm 1974. Ngoài việc
hoàn thành nhiệm vụ khôi phục các nhà máy điện hiện có, tiếp tục xây dựng một số
nhà máy điện mới, đẩy mạnh việc cải tạo và phát triển màng lưới dẫn điện để khắc
phục tình trạng mất cân đối giữa nguồn điện và lưới điện. Ngành Điện phải ra sức
phấn đấu tăng năng suất lao động, giảm tổn thất điện, giảm giá thành điện.
Ngành Than đứng
trước yêu cầu to lớn của trong nước và xuất khẩu, phải nâng cao hiệu suất sử
dụng máy móc, thiết bị, tổ chức tốt việc sửa chữa các phương tiện vận chuyển và
khai thác than, đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy sàng rửa than và các công
trình cầu cảng, tiếp tục cải tạo các mỏ than hiện nay và xây dựng một số mỏ than
mới. Phấn đấu đưa sản lượng than tăng hơn năm 1974 khoảng 1,5 triệu tấn, tức là
tăng 39%, tạo điều kiện tăng nhanh hơn nữa sản lượng than trong các năm sau. Cần
ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc khai thác than để tăng năng suất lao
động và hạ giá thành.
Ngành Hóa chất
phải hoàn thành việc xây dựng nhà máy phân đạm Hà Bắc để sớm đưa vào sản xuất,
tiếp tục cải tạo mỏ Apatít Lao Cai, mở rộng nhà máy phân lân Văn Điển, đẩy mạnh
sản xuất các loại phân lân, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Sản
lượng phân lân các loại tăng 24% so với năm 1974. Tích cực đẩy mạnh sản xuất săm
lốp ô tô các cỡ, săm lốp xe đạp và các phụ tùng khác bằng cao su, phát triển các
cơ sở đắp lốp, đáp ứng yêu cầu to lớn hiện nay. Khởi công xây dựng nhà máy thuốc
kháng sinh, nhà máy pin tầng, xưởng làm cứng dầu, nhà máy sản xuất các loại sản
phẩm bằng cao su, v.v.. Coi trọng việc mở rộng sản xuất các loại hóa chất mà
trong nước có khả năng giải quyết về nguyên liệu để giảm bớt nhập khẩu, tích cực
ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên
liệu, tăng thêm các sản phẩm hóa chất mới.
Ngành Vật liệu xây dựng
cần
đẩy mạnh sản xuất xi măng, gạch ngói, v.v., để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện
nay. Xúc tiến việc khôi phục, mở rộng nhà máy xi măng Hải Phòng và chấn chỉnh
công tác quản lý. Đẩy mạnh sản xuất của các nhà máy xi măng địa phương. So với
năm 1974, sản lượng xi măng phải tăng trên 40%, năng suất lao động tăng 23%.
Tích cực chuẩn bị để khởi công sớm các nhà máy xi măng lớn, đẩy mạnh xây dựng
các cơ sở sản xuất xi măng địa phương, trang bị thêm cho các nhà máy xi măng
hiện có để tăng thêm năng lực sản xuất trong các năm sau. Hoàn thành việc xây
dựng các nhà máy gạch mới, tận dụng công suất của các cơ sở sản xuất gạch, ngói
hiện có, xúc tiến việc tổ chức sản xuất gạch, ngói, vôi tại vùng mỏ và các tỉnh
lân cận để tận dụng đất, đá, thải và các loại than nhiệt lượng thấp. Sản lượng
gạch phải tăng trên 22% so với năm 1974. Hoàn thành việc xây dựng nhà máy bê
tông Uông Bí, huy động vào sản xuất từng phần nhà máy bê tông Đạo Tú. Các ngành,
các địa phương phải đẩy mạnh sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng và
các cấu kiện xây dựng được sản xuất bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
Ngành Khai thác và chế biến gỗ
phải tích cực đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng yêu cầu rất lớn của xây dựng cơ bản
và công nghiệp. Sản lượng gỗ phải tăng 22% so với năm 1974. Phải xúc tiến nhanh
việc quy hoạch các vùng khai thác gỗ, đẩy mạnh việc làm đường lâm nghiệp, bảo
đảm đủ lao động cho việc khai thác gỗ, tăng cường sửa chữa và tận dụng công suất
các máy móc, thiết bị... Phải tổ chức tốt các khâu vận xuất, chế biến gỗ, ngâm
tẩm gỗ, tận dụng gỗ cành, ngọn, gỗ tỉa thưa... Thực hiện việc thống nhất quản lý
các cơ sở xẻ gỗ và phân phối gỗ xẻ để nâng cao tỷ lệ thành phẩm, tiết kiệm gỗ.
Thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ việc phân phối gỗ cho các nhu cầu.
Các
ngành Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm
cần được phát triển mạnh
để đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân và tăng nguồn hàng xuất khẩu.
Phải
tăng cường chế biến lương thực và thực phẩm ở các địa phương để phục vụ tốt đời
sống nhân dân, bảo đảm toàn bộ yêu cầu về chế biến bột mì. Ra sức đẩy mạnh việc
chế biến các loại hoa màu để tăng thêm khả năng sản xuất lương thực, thay đổi cơ
cấu tiêu dùng lương thực và phát triển chăn nuôi. Tổ chức tốt việc chế biến rau
và các loại thực phẩm khác.
Đẩy
mạnh ngành Đánh cá biển và khai thác các nguồn hải sản khác. Đối với các
cơ sở quốc doanh đánh cá, cần tăng cường công tác quản lý, tiếp tục giải quyết
các khâu hậu cần, sửa chữa và tăng thêm trang bị. Đối với các hợp tác xã nghề
cá, phải tích cực chấn chỉnh và củng cố công tác quản lý, tăng cường giúp đỡ các
phương tiện đánh bắt, thu hút thêm lao động vào nghề đánh cá biển. Sản lượng cá
biển tăng 43% so với năm 1974. Đi đôi với tăng sản lượng cá, cần tổ chức tốt
công tác thu mua, chế biến cá.
Ngành Sản xuất muối,
trên cơ sở thành tích đã đạt được trong năm 1974, cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai
hoang và cải tạo đồng muối, tăng nhanh năng suất, phấn đấu tăng sản lượng muối
22% so với năm 1974.
Cần tổ
chức tốt công tác thu mua các loại nông sản (mía, chè, thuốc lá, rau, quả,
v.v..) để tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động với hiệu suất cao.
Ngành Dệt phải
xúc tiến việc khôi phục các nhà máy dệt Nam Định và 8-3, đẩy mạnh sản xuất của
các xí nghiệp dệt hiện có, đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy dệt Minh Phương,
đưa phân xưởng sợi vào sản xuất đúng tiến độ. Phải bảo đảm sản lượng vải tăng
19,5% so với năm 1974.
Sản
xuất giấy hiện
nay còn thấp xa so với nhu cầu, cho nên cần xúc tiến việc khôi phục và tận dụng
công suất các nhà máy giấy, xây dựng thêm một số nhà máy giấy theo quy mô nhỏ ở
các địa phương có đủ nguyên liệu. Phải tổ chức tốt việc thu mua, thu hồi các
loại giấy cũ để chế biến lại. Phấn đấu tăng sản lượng giấy 25%, trong đó giấy
viết tăng 70% so với năm 1974. Các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực
phẩm phải đặc biệt chú ý đẩy mạnh sản xuất các đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, dụng
cụ học tập, dụng cụ thể dục thể thao, các loại bột cho trẻ em, v.v..
Đối với
các hàng tiêu dùng, con đường để tăng nhanh sản xuất vẫn là phải tích cực khai
thác nguồn nguyên liệu trong nước,
thu hồi và tận dụng phế liệu, phế phẩm, tìm nguyên liệu, vật liệu thay thế.
Phải ra sức phát huy khả năng tiềm tàng của công nghiệp địa phương, nhất là tiểu
công nghiệp và thủ công nghiệp,
trước hết nhằm vào đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống
nhân dân và các mặt hàng xuất khẩu. Đối với các hợp tác xã tiểu công nghiệp và
thủ công nghiệp, cần coi trọng việc củng cố và tăng cường công tác quản lý, tiếp
tục công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong
sản xuất và kinh doanh, đồng thời phải phát huy các mặt tích cực, tổ chức tốt
việc cung cấp vật tư, nguyên liệu, tăng cường trang bị, thu hút thêm lao động
vào sản xuất cần kịp thời bổ sung các chính sách khuyến khích sản xuất, v.v..
Các ngành quản lý sản xuất công nghiệp của Nhà nước phải đi sát nắm tình hình và
giúp đỡ các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp cùng ngành nghề về các
mặt kỹ thuật, quản lý, phân công và hợp tác sản xuất, v.v.. Cần phát triển mạnh
các mặt hàng có nguồn nguyên liệu và phế liệu tại địa phương như cá, muối, hoa
màu, nông sản, thực phẩm, gỗ, sành, sứ, thủy tinh, đồ xương, trai, mây, tre,
cói, vật liệu xây dựng, sản xuất và sửa chữa công cụ lao động, v.v.. Cần tích
cực chuẩn bị đào tạo công nhân, phát triển các cơ sở sản xuất để tăng nhanh sản
xuất thảm len, thảm đay và hàng thêu ren xuất khẩu trong các năm sau.
II- NÔNG NGHIỆP
Tập
trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về
lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản cho xuất khẩu là
một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt và cấp bách hiện nay.
Theo
tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam, phương hướng chung của nông nghiệp là phải cố gắng tạo ra
được một thế cân đối mới giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa sản xuất lúa và hoa
màu, cây công nghiệp, giữa nông sản dùng trong nước và nông sản xuất khẩu,
tạo một thế mới đưa nông nghiệp từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ
nghĩa. Năm 1975, phải có một bước tiến mới trong việc phân vùng nông nghiệp,
bố trí sản xuất theo vùng chuyên canh và thâm canh, trước hết đối với các cây
trồng chủ yếu, trong việc đẩy mạnh xây dựng và sử dụng một cách có hiệu quả các
cơ sở vật chất - kỹ thuật và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, trong việc
củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và trong việc chấn chỉnh, tăng cường
công tác quản lý, chỉ đạo nông nghiệp từ Trung ương đến cơ sở, nhất là đối với
cấp huyện và hợp tác xã.
Chúng
ta phải cố gắng rất lớn trong việc đẩy mạnh thâm canh ở vùng đồng bằng, đồng
thời phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp ở trung du và miền núi.
Thực
tiễn và kinh nghiệm của những năm qua cho thấy chúng ta có khả năng phát triển
nông nghiệp với một tốc độ khá cao, do đó năm 1975, phải phấn đấu đưa giá trị
tổng sản lượng nông nghiệp tăng 8,6% so với năm 1974, trong đó ngành Trồng trọt
tăng 6,5%, ngành Chăn nuôi tăng 16%.
Về
trồng trọt, năm
1975, sản lượng lương thực phải tăng 5-6% so với năm 1974 là năm được mùa về sản
xuất lúa.
Để tăng
nhanh sản lượng lương thực, phải đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa, đồng
thời đặc biệt coi trọng việc tăng nhanh tốc độ sản xuất ngô và các loại hoa màu
khác. Năng suất lúa vụ đông xuân mấy năm nay tăng khá và đã có cơ sở đi vào thế
ổn định nên cần phấn đấu tăng nhanh diện tích lúa vụ này. Tích cực mở rộng diện
tích lúa vụ mùa, nhanh chóng đưa các giống lúa mới, có năng suất cao vào sản
xuất đại trà. Trong sản xuất lúa, phải tập trung chỉ đạo và tăng cường đầu tư
cho các vùng lúa thâm canh ở đồng bằng và trung du cũng như ở các vùng có thể
tăng nhanh tỷ suất lúa hàng hóa.
Sản
xuất hoa màu có
tầm quan trọng đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề lương thực cho người và
thức ăn cho gia súc. Cần phải khắc phục triệt để tư tưởng coi nhẹ sản xuất, chế
biến và tiêu dùng hoa màu. Năm 1975, phải chuyển biến thật mạnh trong việc sản
xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ hoa màu để tăng nhanh sản lượng lương thực.
Sản lượng hoa màu quy ra thóc phải tăng trên 40% so với năm 1974. Cần tích cực
mở rộng diện tích trồng các loại hoa màu ở tất cả các vùng, nhất là ở trung du,
miền núi, khu IV cũ và các vùng bãi ven sông; xây dựng các vùng sản xuất tập
trung và thâm canh hoa màu, đặc biệt là ngô. Tăng nhanh diện tích trồng ngô,
phấn đấu đưa năng suất ở các vùng thâm canh ngô lên 25-30 tạ/ha. Chuẩn bị đủ
giống và làm đất kịp thời vụ để mở rộng diện tích trồng khoai lang, đưa năng
suất khoai lang ở vùng trồng tập trung lên 80-100 tạ/ha. Phát triển mạnh trồng
sắn ở các tỉnh miền núi và trung du, hết sức coi trọng việc thâm canh sắn, thu
mua chế biến sắn. Mở rộng diện tích trồng dong giềng ở các tỉnh miền núi, kể cả
vùng thấp và vùng cao, để vừa giải quyết vấn đề lương thực, vừa hạn chế nạn xói
mòn đất. Đặc biệt phải phấn đấu tăng nhanh diện tích trồng khoai tây, đây là một
thứ cây đang mở ra triển vọng lớn trong việc khai thác khả năng tiềm tàng của
đất đai, khí hậu nước ta để góp phần tích cực giải quyết vấn đề lương thực.
Sản
xuất vụ đông là
khả năng tiềm tàng lớn của nông nghiệp nước ta để tăng nhanh nguồn cung cấp thực
phẩm, thức ăn cho gia súc và tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu. Ngay từ đầu năm
1975, phải tích cực chuẩn bị các điều kiện về giống, sức kéo để mở rộng hơn nữa
diện tích vụ đông và tạo điều kiện để đưa diện tích các cây vụ đông lên 30-50
vạn ha trong vài năm tới.
Phải mở
rộng diện tích trồng các loại rau, đậu, tích cực củng cố và mở rộng các vành đai
thực phẩm của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, v.v.; khẩn trương xây dựng các vùng
thực phẩm của Quảng Ninh, Bắc Thái, Vinh, v.v., và các vùng rau xuất khẩu. Cùng
với việc mở rộng diện tích, phải đặc biệt coi trọng việc thâm canh tăng năng
suất rau, bố trí hợp lý cơ cấu và thời vụ các loại rau, coi trọng việc chế biến
rau để đáp ứng yêu cầu thực phẩm của các thành phố, khu công nghiệp và cho xuất
khẩu.
Năm
1975, phải tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt trong việc mở rộng diện tích, xây
dựng và củng cố các vùng chuyên canh, thâm canh các cây công nghiệp, nhất là các
cây quan trọng, để tăng nhanh nguồn nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản xuất
khẩu.
Tích
cực củng cố và có quy hoạch mở rộng diện tích trồng đay, dâu tằm, mía, đồng thời
phải chuẩn bị các điều kiện mở rộng nhanh diện tích trồng các cây đó trong các
năm tới. Mở rộng hơn nữa diện tích trồng lạc và xây dựng một số vùng lạc thâm
canh, đưa năng suất lạc ở các vùng đó lên 18-20 tạ/ha. Đẩy mạnh sản xuất đậu
tương ở các vùng, nhất là ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Bắc, v.v..
Đối với
các cây khác như chè, cà phê, cao su, trẩu, sở, đen, thầu dầu, vừng, bông, gai,
dó, sơn; các cây tinh dầu (hồi, sản màng tang,...); các cây ăn quả (chuối, dứa,
cam,...) và các cây thuốc, đều phải đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đi dần vào các
vùng chuyên canh, chỉ đạo chặt chẽ về kỹ thuật, thu mua, chế biến sản phẩm.
Về
chăn nuôi, phải
đẩy mạnh chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và cá nước ngọt, cá nước lợ.
Trên cơ
sở đẩy mạnh sản xuất hoa màu và sản xuất vụ đông, giải quyết tốt hơn vấn đề thức
ăn, củng cố hệ thống giống, đặc biệt tăng cường công tác thú y. Năm 1975, dự
kiến đàn lợn tăng 3% so với năm 1974 nhưng sản lượng thịt lợn phải tăng 14%.
Tăng nhanh đàn lợn lai kinh tế và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để tăng
trọng lượng xuất chuồng. Phải quản lý, chăm sóc tốt đàn trâu bò trong mùa đông,
tăng số trâu bò cái sinh sản và chăm sóc tốt đàn bê nghé để phát triển đàn trâu
bò cày, chặn đứng chiều hướng giảm sút của đàn bò; tiếp tục gây dựng và phát
triển bò sữa và trâu sữa. Phát triển mạnh nuôi vịt ở vùng ven biển, vùng đồng
chiêm và nuôi vịt thời vụ ở các vùng, tăng đàn vịt nái lên trên 2 triệu con. Tổ
chức màng lưới nuôi gà theo phương pháp công nghiệp, bước đầu xây dựng các xí
nghiệp gà trứng thương phẩm ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái, Quảng Ninh, Vinh.
Phát triển mạnh nuôi cá nước ngọt và cá nước lợ để tăng nguồn thực phẩm. Năm
1975, phấn đấu tăng sản lượng cá nuôi 30% so với năm 1974.
Để đạt
được các mục tiêu nói trên và để chuẩn bị điều kiện phát triển nông nghiệp các
năm sau, phải hết sức coi trọng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật
trong nông nghiệp và phải tăng cường cung cấp vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp.
Nhiệm
vụ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh thâm canh, sản xuất
lớn xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu bức thiết đối với công tác thủy lợi. Trong
năm 1975, Nhà nước phải dành vốn và vật tư thích đáng, đồng thời phải động viên
công sức của nhân dân, tổ chức tốt lực lượng lao động của các hợp tác xã, huy
động lực lượng cán bộ, học sinh, quân đội tham gia công tác thủy lợi, phấn đấu
đến năm 1976 đạt cho được mục tiêu xây dựng các hệ thống thủy nông hoàn chỉnh,
tưới tiêu chủ động 90 vạn ha, riêng năm 1975 phải đạt và vượt 32 vạn ha. Tiếp
tục xây dựng các công trình thủy lợi mới như Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Núi Cốc,
chuẩn bị khởi công xây dựng hồ Kẻ Gỗ, v.v.; củng cố đê điều và làm tốt công tác
phòng và chống lũ, lụt; triển khai xây dựng công trình phân lũ sông Đáy,... Phải
cố gắng làm tốt việc chống úng ở các vùng trọng điểm lúa, bảo đảm sản xuất ổn
định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh, tăng nhanh sản lượng; đối với
miền núi, cần coi trọng việc xây dựng các hồ chứa nước, giếng nước, mương phai,
bảo đảm nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, chú trọng giải quyết nước
cho vùng cao.
Cần
xúc tiến công tác xây dựng đồng ruộng theo yêu cầu sản xuất lớn xã hội chủ
nghĩa, chuyên canh, thâm canh và cơ giới hóa; xây dựng tốt địa bàn cơ giới hóa
để mở rộng diện tích được cơ giới hóa ở những nơi có yêu cầu cấp bách về thâm
canh, tăng vụ, về đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc mở rộng các
ngành, nghề khác. Năm 1975, các trạm máy kéo và các nông trường quốc doanh phải
cải tiến công tác quản lý, tăng hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, mở rộng diện
tích cày bừa bằng máy chiếm khoảng 11,5% diện tích gieo trồng, tăng 25% so với
năm 1974.
Ngành Cơ khí phải bảo đảm cung cấp đủ yêu cầu của nông nghiệp về các loại công
cụ thông thường, công cụ cải tiến, xe cải tiến...
Về công
tác giống, năm 1975, phải tiếp tục xây dựng, củng cố và tiến tới hoàn chỉnh hệ
thống giống lúa, lợn, cá, v.v.; tiếp tục xây dựng các trại giống bò sữa, trâu
sữa, xây dựng các trại giống đay, thuốc lá, xúc tiến nghiên cứu xây dựng các
trại nhân giống khoai tây, lạc, dâu tằm, đậu tương, v.v..
Để bảo
đảm yêu cầu thâm canh, phải đẩy mạnh sản xuất các loại phân lân, nhập khẩu phân
đạm và đưa nhanh nhà máy phân đạm Hà Bắc vào sản xuất, tăng nhanh sản xuất vôi,
bảo đảm đủ yêu cầu vôi bón ruộng, dành trên 40 vạn tấn than làm chất đốt để giữ
rạ tại ruộng làm phân bón. Mặt khác, phải tận dụng các nguồn phân chuồng, phân
hữu cơ khác và phân xanh, nhất là bèo dâu, điền thanh, v.v.; có kế hoạch tích
cực cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Phải
hết sức tăng cường công tác thú y và bảo vệ thực vật. Trong năm 1975, phải khẩn
trương xây dựng, củng cố và chỉ đạo chặt chẽ màng lưới thú y từ Trung ương đến
cơ sở; bảo đảm cung cấp thuốc trừ sâu, tăng cường công tác dự báo sâu bệnh, kịp
thời diệt trừ sâu bệnh phá hoại mùa màng.
Nông
trường quốc doanh
phải phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh
trung du và miền núi. Trong năm 1975, phải đặc biệt coi trọng việc chấn chỉnh
công tác quản lý, xác định và ổn định phương hướng sản xuất - kinh doanh, sử
dụng tốt đất đai, đẩy mạnh công tác khai hoang và phục hóa bảo đảm tăng diện
tích gieo trồng ít nhất 26,4% so với năm 1974 và thực hiện tốt các biện pháp
thâm canh tăng năng suất đối với các loại cây trồng, phát triển chăn nuôi, tăng
giá trị tổng sản lượng nông nghiệp 15% so với năm 1974, bảo đảm đạt và vượt kế
hoạch giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.
Mở
mang các vùng kinh tế mới, tăng thêm diện tích đất trồng trọt ở tỉnh trung du,
miền núi, ven biển là một yêu cầu cấp bách đối với sự nghiệp phát triển kinh tế
và củng cố quốc phòng của nước ta. Các ngành, các cấp phải chỉ đạo chặt chẽ công
tác này, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương phải cùng với các địa phương khẩn trương
xác định các vùng đất khai hoang, xúc tiến công tác quy hoạch và thiết kế toàn
diện các vùng kinh tế mới, làm tốt công tác động viên và tổ chức lao động, giải
quyết tốt các vấn đề đời sống,
v.v., để đưa một bộ phận nhân dân ở miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở trung du và
miền núi. Trong việc khai thác đất đai ở miền núi, cần phải chỉ đạo chặt chẽ về
xây dựng ruộng nước bậc thang và kỹ thuật trồng trọt, xác định phương hướng
trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện các biện pháp thâm canh ngay từ đầu và liên
tục, bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn. Trong khi thực hiện kế
hoạch năm 1975, cần phải tích cực chuẩn bị để sang năm 1976 triển khai công tác
khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới trên quy mô lớn hơn. Cần tiếp tục đẩy
mạnh công tác định canh, định cư.
Xúc
tiến công tác trồng rừng, bảo vệ, chăm sóc và tu bổ rừng. Cần phải khẩn trương
làm tốt công tác quy hoạch thiết kế, giải quyết tốt vấn đề giống và vườn ươm,
tuyển thêm lao động cho các lâm trường, xúc tiến việc giao rừng và đất rừng cho
hợp tác xã, tổ chức các hợp tác xã trồng rừng theo quy hoạch của Nhà nước, bảo
đảm hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 1975 và tích cực chuẩn bị các điều kiện
để mở rộng hơn nữa diện tích trồng rừng trong các năm tới. Phải coi trọng công
tác bảo vệ rừng, chăm sóc và tu bổ rừng; đẩy mạnh phong trào trồng cây ở vùng
đồng bằng và trung du.
Nhiệm
vụ phát triển nông nghiệp năm 1975 và các năm tới đòi hỏi chúng ta phải có một
sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức quản lý chỉ đạo nông nghiệp, nhất
là phải coi trọng việc kiện toàn cấp huyện. Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp,
phải có cố gắng chung của nhiều ngành kinh tế và đặc biệt là phải phát huy tác
dụng của công nghiệp đối với nông nghiệp. Bởi vậy, trong năm 1975, các ngành
phải thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp theo chương trình của Hội
đồng Chính phủ và theo sự bố trí của kế hoạch nhà nước.
III- GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ
BƯU ĐIỆN
Trong
năm 1975, phải đẩy mạnh tốc độ khôi phục và phát triển các tuyến đường sắt,
đường bộ, tăng năng lực vận tải đường biển và đường sông, củng cố và tăng cường
hệ thống kho tàng, chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao năng suất các phương
tiện vận tải và bốc dỡ, v.v., bảo đảm vận chuyển đầy đủ và kịp thời cho các
ngành sản xuất, xây dựng và cho các địa phương, tăng năng lực vận chuyển hàng
nhập khẩu và xuất khẩu, cải tiến và tăng cường việc vận chuyển hành khách.
Tổng
khối lượng vận chuyển hàng hóa năm 1975 tăng 22% về tấn và 23,2% về tấn km so
với năm 1974.
Phải kịp thời đưa hàng nhập khẩu về nước, nhất là các vật tư, nguyên liệu, máy
móc, thiết bị, hàng hóa quan trọng, đồng thời tổ chức tốt việc vận chuyển các
hàng hóa xuất khẩu. Phải tăng thêm năng lực xếp dỡ, kho chứa hàng, bảo quản tốt
hàng hóa và vận chuyển nhanh, không để hàng hóa ứ đọng, nhất là ở cảng Hải
Phòng.
Năm
1975, sẽ tiếp tục cải tạo và mở rộng cảng Hải Phòng; xây dựng thêm một số cảng,
xúc tiến việc nạo vét các luồng lạch ra vào các cảng biển và cảng sông. Hoàn
thành khôi phục một số tuyến đường sắt, tiếp tục xây dựng và gia cố các cầu lớn,
hoàn thành việc nâng cấp một số tuyến đường bộ quan trọng, cải tạo đường sá ở Hà
Nội... Xây dựng thêm 6 vạn m2 kho chứa hàng cho ngành Giao thông. Xúc
tiến công tác thiết kế, chuẩn bị lực lượng thi công các tuyến đường sắt mới và
các cảng, chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn 5 năm (1976-1980). Cần làm tốt công tác
quy hoạch giao thông nông thôn và đẩy mạnh xây dựng hệ thống đường sá ở nông
thôn theo yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh việc xây dựng đường
giao thông đi đến các vùng kinh tế mới.
Coi
trọng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất vận chuyển, xây dựng
đường sá, cầu cảng, xếp dỡ và vận chuyển các hàng hóa không đóng bao.
Chấn
chỉnh và cải tiến công tác quản lý vận tải là một khâu quan trọng để bảo đảm
thực hiện tốt kế hoạch vận tải năm 1975. Phải phân công và phối hợp một cách hợp
lý các phương thức vận tải. Coi trọng vận tải đường biển, tăng cường vận tải
đường sắt, đường sông và đường ống. Thống nhất quản lý việc xếp dỡ ở các ga,
cảng. Tổ chức hợp lý hơn các ga đường sắt và tuyến và mạng lưới vận tải để tăng
tốc độ vận chuyển. Phân công một cách hợp lý giữa lực lượng vận tải của Trung
ương và của các địa phương, giữa Bộ Giao thông vận tải và các ngành, phối hợp
tốt với các lực lượng vận tải của quân đội. Tổ chức và sắp xếp lại mạng lưới vận
tải ô tô, hạn chế ô tô vận tải đường dài, bố trí ô tô vận tải theo khu vực. Tổ
chức tốt việc vận chuyển hai chiều, tăng thêm moóc. Đẩy mạnh công tác sửa chữa
để tăng mức sử dụng các phương tiện vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển, phải
hết sức coi trọng việc bảo quản và giao nhận hàng hóa.
Bằng
các biện pháp tích cực về tổ chức quản lý, về tận dụng công suất các phương tiện
vận tải, dự kiến năng suất các phương tiện vận tải sẽ tăng 10%, năng suất lao
động tăng 15% và hạ giá thành vận tải.
Ra sức
tăng cường và cải tiến công tác bưu điện để nâng cao chất lượng thông tin, tăng
cường mạng lưới thông tin kinh tế, phục vụ tốt việc điều độ, chỉ huy sản xuất và
quản lý kinh tế. Tận dụng khả năng thông tin hiện có, thống nhất quản lý các
phương tiện thông tin trong các ngành và tăng thêm thiết bị để từng bước hiện
đại hóa mạng lưới thông tin, bảo đảm phục vụ nhanh, chính xác, an toàn và tiện
lợi. Tổ chức phục vụ tốt các công tác đột xuất như chống bão, lụt và phục vụ tốt
các ngày lễ lớn.
Tăng
mức đầu tư cần thiết cho ngành bưu điện. Đẩy mạnh việc khôi phục và cải tạo
đường trục khu IV cũ, đường dây phục vụ khu mỏ Quảng Ninh; tiếp tục đặt điện
thoại tự động ở các thị xã, thị trấn lớn; mở rộng diện phục vụ, cải tiến tổ chức
và quản lý bưu điện.
Dự kiến
giá trị sản lượng nghiệp vụ bưu điện năm 1975 tăng 7,6% so với năm 1974.
IV- ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CƠ
BẢN
Để đáp
ứng yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời
sống nhân dân trong năm 1975 và các năm tới, chúng ta phải tăng cường đầu tư và
đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ bản.
Do
những khó khăn về vốn đầu tư, về vật tư, lực lượng thi công, v.v., việc bố trí
kế hoạch đầu tư năm 1975 phải cân nhắc một cách nghiêm túc và hợp lý nhất vấn đề
sử dụng vốn, đặc biệt là vốn bên ngoài, xem xét kỹ hiệu quả kinh tế của các công
trình, coi trọng đầu tư theo chiều sâu, tích cực khắc phục tình trạng phân tán,
bảo đảm hoàn thành một cách đồng bộ các công trình để có thể huy động sớm năng
lực sản xuất mới, từng bước sản xuất dần cơ cấu kinh tế của nền sản xuất lớn xã
hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ của ngành xây dựng năm 1975 là phải tập trung sức hoàn thành các công
trình khôi phục và xây dựng dở dang, khởi công xây dựng một số công trình mới để
bảo đảm nhịp độ và cơ cấu xây dựng trong các năm sau. Chú trọng các công trình
sản xuất cơ khí, luyện kim, điện, than, phân bón, sản xuất nguyên liệu, vật
liệu, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; những công trình đầu tư bổ sung;
những công trình cải tạo, mở rộng, đầu tư theo chiều sâu, vốn ít, đem lại hiệu
quả nhanh và thiết thực. Ưu tiên làm các công trình thiết bị toàn bộ đã ký nhập
của nước ngoài và có kèm theo vật liệu xây dựng. Trong việc lập kế hoạch xây
dựng, phải kiên quyết giữ nguyên tắc: có đủ điều kiện chuẩn bị ban đầu thì mới
ghi vào kế hoạch. Khuyến khích xây dựng những công trình không cần hoặc cần ít
thép, gỗ, nhưng phải bảo đảm đúng phương hướng, đúng trình tự, có thiết kế, cân
đối được lực lượng thi công và các vật liệu tại chỗ mà không ảnh hưởng đến việc
thực hiện các mục tiêu xây dựng chính của ngành hoặc của địa phương.
Đối
với các công trình dưới hạn ngạch, phải soát xét kỹ, quản lý chặt chẽ, chống các
hiện tượng đăng ký công trình dưới hạn ngạch rồi mỗi năm tăng dần lên trở thành
công trình trên hạn ngạch; khắc phục tình trạng buông lỏng trong việc xét duyệt
nhiệm vụ thiết kế, cấp phát vốn đầu tư, v.v., để bảo đảm tập trung vào các mục
tiêu chính có yêu cầu cấp bách, nhất là các công trình phục vụ sản xuất, nhà ở,
trường học, trường đào tạo công nhân, v.v..
Theo
tinh thần trên và sau khi cân đối khả năng vốn đầu tư, vật liệu xây dựng (có
tính đến yếu tố tiết kiệm và sử dụng vật liệu thay thế), lao động, thiết bị thi
công, v.v., vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các ngành kinh tế, văn hóa năm 1975
tăng 41,5% so với năm 1974, trong đó vốn xây lắp tăng 26%.
Trong tổng số vốn xây lắp, các công trình trên hạn ngạch chiếm 54%, dưới hạn
ngạch chiếm 46%; các công trình xây dựng mới chiếm 81,5%, riêng công trình mới
khởi công chiếm 26,4%. Trong tổng số vốn đầu tư, các ngành sản xuất vật chất
chiếm tỷ trọng từ 86% năm 1974 tăng lên 87,6% năm 1975; trong đó, ngành Công
nghiệp từ 34% tăng lên 40,6%; các ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi chiếm
17,7%; ngành Giao thông vận tải và bưu điện chiếm 18,2%. Các ngành không có tính
chất sản xuất chiếm 12,4%.
Trong
công nghiệp, sẽ tập trung sức hoàn thành 80 công trình, trong đó có 15 công
trình cơ khí và một số công trình lớn (các nhà máy điện Ninh Bình, Uông Bí, nhà
máy cán thép Gia Sàng, nhà máy phân đạm Hà Bắc, phân xưởng sợi và dệt của nhà
máy dệt Vĩnh Phú...). Thực hiện được các mục tiêu trên, cuối năm 1975, năng lực
sản xuất của ngành Điện tăng 32% so với năm 1974, ngành Than tăng 17,5%, gang
tăng 50%, nhà máy cán thép Gia Sàng và nhà máy phân đạm Hà Bắc đi vào sản xuất,
năng lực sản xuất xi măng tăng 17%, năng lực sản xuất gạch của các xí nghiệp
quốc doanh tăng 36%, năng lực sản xuất vải tăng 67%, năng lực sản xuất chè, mỳ
chính, chế biến bột mỳ, v.v., đều tăng khá.
Trong nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn chỉnh các hệ thống thủy nông,
khai khoang, phục hóa, trồng rừng; hoàn chỉnh và xây dựng thêm các trại giống
lúa, lợn, v.v.; tiếp tục xây dựng khu trung tâm bò giống sữa Mộc Châu, trại gà
Lương Mỹ, v.v.; triển khai xây dựng hệ thống đầu mối công trình phân lũ sông
Đáy; đẩy mạnh công tác xây dựng ở những nơi có sản phẩm hàng hóa cao... Đối với
việc xây dựng vùng kinh tế mới, phải chú ý đầu tư và xây dựng đồng bộ gồm các cơ
sở sản xuất, nhà ở, đường sá, các cơ sở phục vụ, trường học, bệnh viện, v.v..
Cần xúc tiến nhanh công tác quy hoạch, công tác thiết kế và công tác chuẩn bị
ban đầu khác để bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản trong nông nghiệp.
Trong
giao thông vận tải và bưu điện, trọng tâm là tiếp tục khôi phục các tuyến đường
sắt, cải tạo và mở rộng các bến cảng, đẩy mạnh xây dựng các kho chứa hàng, v.v.;
khôi phục khoảng 550 mét cầu đường sắt, 2.000 mét cầu đường bộ.
Dự kiến
cuối năm 1975, năng lực các tuyến đường sắt trở lại mức trước chiến tranh; năng
lực các cảng tăng 20% so với năm 1964; năng lực các kho chứa hàng cũng tăng khá,
nhưng còn phải đẩy mạnh xây dựng thêm trong các năm tới thì mới đáp ứng kịp thời
yêu cầu.
Về các
công trình không sản xuất, vốn xây lắp năm 1975 tăng 38,7% so với năm 1974 và
chiếm 17% tổng số vốn xây lắp.
Về nhà
ở, sẽ xây dựng khoảng 65 vạn mét vuông với số vốn xây lắp tăng 78,5% so với năm
1974, trong đó 40 vạn mét vuông ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung.
Cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở để giảm bớt khó khăn cho công nhân, viên
chức và nhân dân.
Về bệnh
viện, sẽ hoàn thành việc khôi phục bệnh viện Bạch Mai, tiếp tục xây dựng và khôi
phục bệnh viện của một số tỉnh và huyện. Khởi công xây dựng bệnh viện trẻ em ở
Hà Nội, bệnh viện khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), v.v..
Xây
dựng 40 vạn m2 trường, lớp và nhà ở cho học sinh. Tiếp tục xây dựng
các trường đại học xây dựng, cơ điện, mỏ và địa chất, công nghiệp nhẹ, công
nghiệp I, sư phạm Việt Bắc, y khoa Thái Bình; xây dựng 10 trường kiên cố, 25
trường, lớp nửa kiên cố và tạm cho 2 vạn công nhân kỹ thuật; xây dựng thêm
trường, lớp cho học sinh phổ thông.
Tiếp
tục xây dựng các công trình nghiên cứu khoa học khách sạn, các công trình cung
cấp nước, v.v..
Trong
năm 1975, ngành xây dựng cần coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đẩy
mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật về xây dựng nhằm tiết kiệm vật liệu
xây dựng, sử dụng các vật liệu và kết cấu xây dựng bằng nguyên liệu trong nước
hoặc sẵn có ở địa phương, nâng cao trình độ cơ giới hóa trong xây dựng, cải tiến
tổ chức quản lý để tăng năng suất lao động và giảm giá thành xây dựng.
Để thực
hiện các mục tiêu xây dựng nói trên, các ngành, các địa phương phải làm tốt công
tác chuẩn bị đầu tư là khâu rất yếu hiện nay. Nhà nước phải làm tốt công tác
giám định đầu tư. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính
các địa phương phải làm tốt kế hoạch xây dựng đi đôi với kế hoạch đầu tư. Nhanh
chóng tổ chức và sắp xếp lực lượng thi công chuyên nghiệp theo hướng chuyên môn
hóa, từng bước tập trung theo khu vực. Tăng cường công tác khảo sát, thiết kế,
soát xét lại và ban hành các thiết kế mẫu mới. Xúc tiến công tác chuẩn bị để
khởi công các công trình trong năm 1976 và các năm sau.
Cần xúc
tiến nghiên cứu để sớm ban hành các chế độ, thể lệ nhằm tăng cường quản lý đầu
tư và xây dựng.
Kế
hoạch xây dựng cơ bản năm 1975 đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các ngành, các địa
phương. Cần động viên và tổ chức tốt nhân dân, quân đội, công nhân, viên chức,
học sinh tích cực tham gia công tác xây dựng và sản xuất thêm vật liệu xây dựng.
V- XUẤT KHẨU VÀ NHẬP KHẨU
Tăng
nhanh nguồn hàng xuất khẩu là yêu cầu hết sức cấp bách để tăng khả năng nhập
khẩu, giảm nhanh tình trạng mất cân đối lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu hiện
nay. Các ngành, các cấp phải nhận thức rõ đây là một trong những nhiệm vụ hết
sức quan trọng hiện nay. Vì lợi ích của sản xuất và đời sống trước mắt, đồng
thời vì lợi ích của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trong những năm
tới, chúng ta phải tiết kiệm tiêu dùng và quản lý chặt chẽ các mặt hàng có thể
xuất khẩu để tăng thêm nguồn ngoại tệ.
Dự kiến
kim ngạch xuất khẩu năm 1975 tăng 30% so với năm 1974 và tăng 24% so với năm
1964 là năm đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trước chiến tranh.
Mức
kim ngạch xuất khẩu nói trên còn thấp xa so với yêu cầu, cho nên cần tiếp tục
nghiên cứu các biện pháp để tăng hơn nữa nguồn hàng xuất khẩu. Các ngành nông
nghiệp, nội thương, lương thực và thực phẩm, v.v., cần nghiên cứu các khả năng
đẩy mạnh sản xuất, cải tiến công tác thu mua, nắm và quản lý chặt chẽ nguồn hàng
xuất khẩu, nhất là các hàng nông sản như chè, lạc, cà phê, cói, rau, quả, v.v..
Cần nghiên cứu bổ sung chính sách giá cả nhằm tiết kiệm và hạn chế việc tiêu
dùng các mặt hàng dành cho xuất khẩu. Các ngành, các địa phương, các đơn vị sản
xuất phải bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch và hợp đồng giao nộp sản phẩm xuất khẩu
về khối lượng cũng như về chất lượng hàng. Ngành Ngoại thương phải tổ chức tốt
việc nắm, huy động và khuyến khích các mặt hàng xuất khẩu, cải tiến kinh doanh
hàng xuất khẩu.
Cần cố
gắng bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy và các cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công
nghiệp làm hàng xuất khẩu. Để tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu trong những năm
sau, cần xúc tiến việc xây dựng các nhà máy chè, rau quả hộp, đào tạo thêm công
nhân và thợ thủ công sản xuất các loại hàng thêu, thảm len, thảm đay, v.v..
Năm
1975, phải thực hiện thật tốt việc hợp tác sản xuất và gia công bằng nguyên liệu
của các nước để có thể phát triển mạnh hơn trong những năm sau.
Về nhập
khẩu, phải bảo đảm nhập khẩu về đủ, kịp thời các loại nguyên liệu, vật liệu, máy
móc, thiết bị, hàng hóa để đáp ứng yêu cầu trong nước. Cần có biện pháp tích cực
tăng mức nhập khẩu các nguyên liệu, vật liệu mà trong nước đang có yêu cầu lớn.
Việc nhập khẩu các thiết bị toàn bộ cần bố trí ăn khớp với tiến độ thi công
trong nước. Tích cực đẩy mạnh sản xuất các nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết
bị phụ tùng trong nước và nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu, vật liệu thay thế
để giảm bớt nhu cầu nhập khẩu; hết sức hạn chế việc nhập khẩu những thứ trong
nước có thể tự sản xuất được.
Giá trị
nhập khẩu năm 1975 tăng 4% so với năm 1974, trong đó tư liệu sản xuất chiếm 78%.
Năm
1975, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để trong những năm sau, có thể mở rộng hơn
nữa quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, quan hệ ngoại thương với các
nước, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm có thêm nguồn vốn và khả
năng kỹ thuật, tạo điều kiện tăng nhanh tiềm lực kinh tế, đáp ứng yêu cầu đẩy
mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn.
VI- NỘI THƯƠNG
Trong
năm 1975, công tác thương nghiệp phải phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống
nhân dân.
Dân
số tăng nhanh, nhân khẩu phi nông nghiệp tiếp tục tăng làm cho yêu cầu hàng hóa
tăng nhanh. Trong khi đó, khả năng sản xuất mặc dù đã dự kiến tốc độ phát triển
khá cao, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu về hàng hóa. Trước tình hình đó,
phải chỉ đạo chặt chẽ công tác thu mua, tập trung với mức cao nhất nguồn hàng
vào thương nghiệp quốc doanh, củng cố và mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa;
kiên quyết thu hẹp thị trường tự do, cải tiến tổ chức quản lý kinh doanh và
phương thức phân phối; phát huy chức năng hướng dẫn tiêu dùng cho phù hợp với
tình hình thực tế hiện nay.
Trước
hết, phải đẩy mạnh công tác thu mua, nắm cho được nguồn hàng với mức cao nhất.
Các cấp, các ngành có trách nhiệm cần nhận thức rõ nhiệm vụ này, chỉ đạo chặt
chẽ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và tăng cường giáo dục, động viên nông
dân thực hiện tốt nghĩa vụ bán lương thực, thực phẩm và các nông sản khác cho
Nhà nước. Các ngành Công nghiệp, cần đẩy mạnh sản xuất tư liệu sản xuất, vật
liệu xây dựng và một số hàng hóa tiêu dùng, nhất là các hàng tiêu dùng thiết
yếu, để tạo thêm điều kiện phát triển giao lưu hàng hóa giữa công nghiệp và nông
nghiệp, tăng khả năng huy động sản phẩm nông nghiệp. Cần tăng cường biện pháp ký
kết hợp đồng hai chiều trao đổi vật tư, hàng hóa với các hợp tác xã nông nghiệp
và nông dân để Nhà nước nắm được nguồn hàng tận gốc. Thương nghiệp quốc doanh
phải mở rộng kinh doanh các loại thực phẩm: thịt, rau, cá, trứng, gà, vịt, v.v.,
để đáp ứng yêu cầu lớn hiện nay. Các nông trường quốc doanh phải bảo đảm thực
hiện nghiêm chỉnh kế hoạch và chế độ giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Các địa
phương phải thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch giao nộp sản phẩm cho Trung ương.
Đối với
hàng công nghiệp, các cơ sở sản xuất quốc doanh phải giao nộp toàn bộ sản phẩm
hàng hóa cho Nhà nước, không được tự ý để lại tiêu dùng hoặc đem bán, trao đổi
“móc ngoặc”. Ngành Thương nghiệp cần quản lý chặt và nắm được đại bộ phận hàng
tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, nhằm tăng nguồn hàng trong tay Nhà nước,
đồng thời góp phần tích cực củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong khu
vực này. Cần tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm, chống hiện tượng ăn
cắp nguyên liệu đối với các mặt hàng gia công.
Dự
kiến giá trị thực phẩm và nông sản thu mua năm 1975 tăng 40% so với năm 1974.
Giá trị hàng công nghiệp thu mua tăng 23%.
Cùng
với việc đẩy mạnh thu mua, tập trung phần lớn nguồn hàng vào tay Nhà nước, phải
cải tiến công tác phân phối, hướng dẫn nhân dân tiêu dùng phù hợp với tình hình
thực tế hiện nay. Đối với các mặt hàng thiết yếu, vẫn bảo đảm phân phối theo
tiêu chuẩn định lượng như hiện nay. Đồng thời, ngành Thương nghiệp phải tích cực
làm tốt công tác thu mua để bảo đảm tăng thêm mức cung cấp thực phẩm (rau, cá,
trứng...), nhất là cho công nhân, viên chức ở các thành phố, khu công nghiệp.
Việc phân phối hàng hóa cho nông thôn phải bảo đảm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu
của đời sống nhân dân và phải nhằm phục vụ đẩy mạnh sản xuất, tăng tỷ xuất nông
sản hàng hóa. Đối với một số hàng hóa không thuộc loại thiết yếu đối với đời
sống và khả năng cung cấp có hạn, cần phân phối đúng đối tượng và dành một phần
phân phối hoặc thưởng cho những người có thành tích trong lao động sản xuất,
hoàn thành vượt mức kế hoạch và có sáng kiến, phát minh.
Dự kiến
tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của thị trường có tổ chức tăng 18%; thị
trường không có tổ chức giảm còn 48,2%. Tăng tỷ trọng của thị trường có tổ chức
trong tổng mức bán lẻ của thị trường xã hội từ 72% năm 1974 lên 86% năm 1975.
Tăng cường quản lý, sắp xếp lại thị trường là một nhiệm vụ quan trọng trong năm
1975. Phải tổ chức lại mạng lưới thương nghiệp theo yêu cầu mới. Tích cực củng
cố và mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa, mạng lưới thương nghiệp quốc doanh để
phát huy vai trò lãnh đạo đối với toàn bộ thị trường, đấu tranh một cách có hiệu
quả với thị trường tự do. Ở nông thôn, phải tích cực củng cố và phát huy vai trò
của hợp tác xã mua bán. Trên cơ sở mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa và phối
hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế, kiên quyết thu hẹp thị trường tự do,
xóa bỏ thị trường tự do về lương thực. Phải tổ chức, sắp xếp lại và quản lý chặt
chẽ những người buôn bán nhỏ, trước hết là ngành ăn uống, may mặc, hàng nhựa,
kim khí, v.v.. Cần phối hợp hoạt động của nhiều ngành, nhiều cơ quan, kiên quyết
đấu tranh với mọi hành động làm ăn trái phép (đầu cơ, buôn lậu các thứ hàng do
Nhà nước quản lý...), gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng không tốt đến đời sống
nhân dân. Phải tăng cường quản lý nội bộ các xí nghiệp, cơ quan nhà nước, kiên
quyết không để vật tư, hàng hóa của Nhà nước lọt ra thị trường tự do.
Ngành
Thương nghiệp quốc doanh phải cải tiến tổ chức kinh doanh nhằm quản lý chặt chẽ,
tập trung thống nhất nguồn hàng, giảm nhân viên gián tiếp, tăng nhân viên bán
lẻ, thu mua, chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Thương nghiệp,
nâng cao chất lượng về mặt chính trị, nghiệp vụ và về thái độ phục vụ. Tăng
cường công tác kiểm tra, khắc phục các hiện tượng tiêu cực: tham ô, móc ngoặc,
v.v., nhất là ở các cơ sở sản xuất, các cửa hàng. Nghiêm chỉnh thi hành chế độ
trách nhiệm, chế độ thưởng phạt trong nhiệm vụ kinh doanh thương nghiệp.
Để tạo
điều kiện cho ngành Thương nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ, cần tăng cường các cơ
sở vật chất cần thiết: xây dựng thêm kho lạnh, kho tiếp cận bán lẻ, bảo đảm dụng
cụ cân, đong cho các cửa hàng...
VII- LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG,
ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT VÀ CÁN BỘ
Trọng tâm của kế hoạch lao động là phải động viên nhiệt tình và khí thế cách
mạng của quần chúng, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất và thực hành
tiết kiệm sôi nổi, rộng khắp trong các ngành, các địa phương, tìm mọi cách sử
dụng tốt nhất lực lượng lao động hiện có, làm cho mọi người phải lao động thật
sự theo đúng chế độ, có kỷ luật, có kỹ thuật và có năng suất cao. Trên cơ sở
phát triển sản xuất và xây dựng, chú trọng sắp xếp, thu hút những người đến tuổi
lao động hoặc có sức lao động mà chưa có việc làm đều tham gia lao động, sản
xuất hoặc công tác. Bảo đảm lao động cho yêu cầu của nghĩa vụ quân sự và tuyển
lao động cho các ngành Kinh tế. Xúc tiến mạnh công tác đào tạo công nhân kỹ
thuật và đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm (1976-1980).
Yêu cầu
trước mắt và lâu dài là phải có kế hoạch từng bước tổ chức lại lao động xã hội,
thực hiện sự phân công mới lao động xã hội trên quy mô cả nước.
Ở nông
thôn, phải tận dụng lao động hiện có để thâm canh tăng năng suất, gieo trồng hết
diện tích, đầu tư thêm lao động vào sản xuất hoa màu, cây công nghiệp, phát
triển vụ đông, mở rộng chăn nuôi, v.v., tìm cách phát triển các ngành, nghề để
thu hút thêm lao động và tận dụng lao động nhàn rỗi. Các huyện ở ven biển có thể
đưa lao động đi lấn biển để trồng cói, làm muối, nuôi tôm, cá. Các hợp tác xã
nghề cá cần phát triển các mặt hàng chế biến để sử dụng thêm lao động nữ. Ngoài
ra, cần sử dụng lao động nhàn rỗi vào việc xây dựng nông thôn và làm hợp đồng
theo thời vụ cho các công trường, xí nghiệp. Đi đôi với các việc trên, phải bố
trí sắp xếp lao động để năm 1975 đưa khoảng 11 vạn lao động với 22-24 vạn nhân
khẩu ở đồng bằng đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới ở trung du và miền
núi.
Ở thành
phố, cần tổ chức thêm các cơ sở sản xuất, chế biến, phát triển các ngành, nghề
thủ công, tổ chức các lực lượng xây dựng, sửa chữa, phục vụ sinh hoạt, các nhóm
giữ trẻ, v.v., nhất là những hoạt động không đòi hỏi nhiều vật tư, tiền vốn để
thu hút và tận dụng lao động xã hội. Đối với những người không chịu sự quản lý
lao động của Nhà nước, đi đôi với giáo dục chính trị, cần kiên quyết áp dụng mọi
biện pháp hành chính, tổ chức, quản lý đưa họ vào con đường làm ăn chính đáng.
Trong
khu vực nhà nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải bằng các biện pháp tổ
chức sản xuất, tổ chức lao động, quản lý chặt ngày công, giờ công, bảo đảm số
ngày công chế độ và giờ công có ích, tăng hệ số sử dụng công suất máy móc, thiết
bị, v.v, phấn đấu đạt và vượt mức năng suất lao động trước chiến tranh, coi đây
là một mục tiêu chủ yếu của tất cả các ngành.
Phải
tăng cường công tác bảo hộ lao động, hết sức bảo đảm an toàn lao động cho công
nhân.
Kiên
quyết điều chỉnh, sắp xếp lao động trong từng ngành từ nơi thừa sang nơi thiếu,
để sử dụng hết số lao động hiện có; cố gắng tinh giản biên chế, làm cho bộ máy
quản lý nhà nước, quản lý kinh tế được gọn, nhẹ, thực sự có hiệu lực; nhất thiết
không được tự ý tăng biên chế, nhất là biên chế hành chính. Các ngành, các địa
phương và cơ sở sản xuất phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để sắp xếp công tác
cho anh chị em thương binh, bệnh binh, để anh chị em tiếp tục phục vụ cho Tổ
quốc, cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Trong
năm 1975, cần lựa chọn hàng vạn cán bộ đưa về tăng cường cho các hợp tác xã nông
nghiệp và cho cấp huyện; kiên quyết chuyển số người gián tiếp sản xuất, làm việc
không có hiệu quả sang trực tiếp sản xuất hoặc đưa đi đào tạo; tổ chức việc điều
trị, điều dưỡng, bồi dưỡng sức khỏe cho số lao động ốm đau trong khu vực nhà
nước để nhanh chóng trở lại công tác.
Về tiền
lương, cần áp dụng chế độ thi tay nghề để nâng bậc cho công nhân, đồng thời áp
dụng rộng rãi chế độ tiền lương theo sản phẩm, chế độ tiền thưởng, v.v., để
khuyến khích tăng năng suất lao động. Đối với cán bộ thuộc khu vực hành chính sự
nghiệp và gián tiếp sản xuất, sẽ tăng tỷ lệ nâng bậc hàng năm lên 15% và điều
chỉnh quan hệ nâng bậc giữa các ngành. Phải xúc tiến việc tiêu chuẩn hóa cán bộ
để cải tiến chế độ nâng bậc hiện nay và khuyến khích tinh thần tích cực, nâng
cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân, viên chức.
Công
tác đào tạo công nhân kỹ thuật là một nhiệm vụ rất cấp bách, cần được đẩy mạnh
để chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn. Năm 1975, sẽ tuyển mới cho đào tạo công nhân
kỹ thuật khoảng 10,5 vạn người, tăng 19% so với năm 1974, chú trọng các ngành
xây dựng cơ bản, cơ khí, luyện kim, khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng,
lái máy kéo... Đi đôi với đào tạo mới, cần coi trọng việc bồi dưỡng, bổ túc nâng
cao tay nghề cho số công nhân hiện có. Nhanh chóng ổn định các mặt ăn, ở, học
tập, tăng thêm thiết bị và bổ sung giáo viên cho các trường đào tạo công nhân kỹ
thuật.
Trong
việc đẩy mạnh đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, cần đặc biệt coi
trọng về mặt chất lượng. Dự kiến số học sinh đại học có mặt đầu năm học
1975-1976 khoảng 65.000 người, tăng 14% so với năm học 1974-1975; số học sinh
trung học chuyên nghiệp khoảng 87.500 người, tăng 4%. Mặt khác, phải đặc biệt
coi trọng việc tổ chức học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực công tác cho số
cán bộ hiện có.
VIII- ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN
DÂN
Trước
tình hình sản xuất chưa đáp ứng kịp yêu cầu và hậu quả nặng nề của chiến tranh
chưa được khắc phục hết, đời sống của nhân dân ta nhất là đời sống của công
nhân, viên chức còn có nhiều khó khăn.
Chúng
ta phải giải quyết những vấn đề về đời sống một cách có trọng điểm, tập trung
vào những vấn đề cấp bách nhất về bữa ăn và nhà ở cho công nhân, viên chức.
Về ăn,
phải bảo đảm cho người lao động ăn đủ no và đủ nhiệt lượng tối thiểu cần thiết
để lao động sản xuất. Phải tập trung sức bảo đảm tốt hơn bữa ăn của công nhân,
trước hết là hai bữa chính, ăn sáng và bữa ăn bồi dưỡng cho công nhân làm ca 3.
Bảo đảm giữ mức cung cấp cho công nhân, viên chức theo tiêu chuẩn định lượng như
hiện nay về lương thực, thịt, chất đốt, v.v., và phải cố gắng tăng mức cung cấp
cá, trứng, bảo đảm cung cấp rau tốt hơn cho công nhân viên chức ở các thành phố
và khu công nghiệp. Ngành Mậu dịch quốc doanh ăn uống cần cải tiến và mở rộng
việc phục vụ bữa ăn sáng cho công nhân, viên chức.
Về ở,
chú trọng giải quyết nhà ở cho số công nhân viên chức đang có yêu cầu cấp bách,
nhất là ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung, các xí nghiệp mới đi vào
sản xuất. Trong số 65 vạn m2 nhà ở sẽ xây dựng trong năm 1975, dự
kiến ở Hà Nội trên 9 vạn m2, Hải Phòng 4,2 vạn m2, Quảng
Ninh 3,8 vạn m2, Bắc Thái 3,5 vạn m2... Ngoài ra, sẽ dành
thêm than để phát triển sản xuất gạch ngói, cố gắng tăng mức cung cấp vật liệu
cho xây dựng nhà ở, chú ý cung cấp vật liệu cho các xí nghiệp, cơ quan, trường
học tự xây dựng nhà ở và nhà trẻ bằng sức lao động của công nhân viên chức, học
sinh. Coi trọng việc sửa chữa nhà ở. Dành một số diện tích nhà để làm nhà trẻ.
Cố gắng
tăng mức cung cấp nước sinh hoạt ở các thành phố, phấn đấu giải quyết nước sinh
hoạt cho các khu công nghiệp. Nghiên cứu và hướng dẫn đồng bào miền núi giải
quyết vấn đề nước cho sinh hoạt và cho sản xuất.
Trong
năm 1975, yêu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng lên nhiều (do có các ngày lễ lớn,
do việc nhân dân miền xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới,...). Chúng ta sẽ cố
gắng tăng thêm một số xe khách, toa tàu chở khách. Tuy vậy, phương tiện vận
chuyển hành khách chưa đáp ứng yêu cầu. Cần sắp xếp và phân công vận tải hành
khách trên các tuyến, tăng chuyến xe, tổ chức tốt việc bán vé, thực hiện tàu xe
đi về đúng giờ. Chú trọng giải quyết việc vận chuyển hành khách ở các vùng kinh
tế mới và trong thành phố. Tăng thêm xe chở công nhân đi làm ở các khu công
nghiệp. Cố gắng tổ chức phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân trong các ngày lễ
lớn. Cần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm trật tự trị an ở các
ga, bến.
Phải tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề tiếp nhận, đào tạo nghề nghiệp và bố trí
việc làm cho thương binh, bệnh binh và quân nhân xuất ngũ. Các ngành, các địa
phương và các đơn vị cơ sở phải có trách nhiệm và phải dựa vào lực lượng của
nhân dân địa phương, phát huy tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong nhân dân,
tổ chức chăm sóc tốt đời sống của các gia đình liệt sĩ, của thương binh, trẻ mồ
côi và những người bị thương tật do chiến tranh.
IX- GIÁO DỤC, VĂN HÓA, BẢO
VỆ SỨC KHỎE
Công tác giáo dục phải quán triệt hơn nữa đường lối giáo dục của Đảng, bảo đảm
có sự chuyển biến toàn diện về chất lượng giảng dạy và học tập, phải hết sức coi
trọng đức dục, khắc phục bệnh hình thức, xu hướng đơn thuần chạy theo điểm cao,
coi nhẹ mặt giáo dục về chính trị, tư tưởng và đạo đức, phải chấp hành đúng các
chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tuyển chọn học sinh vào các trường,
lớp đào tạo. Cần phát triển công tác bổ túc văn hóa và thực hiện việc phổ cập
giáo dục cấp I đúng độ tuổi. Phải hoàn thành việc chuẩn bị và xúc tiến thực hiện
cải cách giáo dục.
Dự kiến
số học sinh có mặt trong đầu năm học 1975-1976 về bổ túc văn hóa tập trung
khoảng 40 vạn người, tăng 14% so với năm 1974-1975; mẫu giáo 48 vạn em, tăng
13%; thu nhận hết 86 vạn em ở độ tuổi học vỡ lòng; học sinh phổ thông: 5,6 triệu
em, tăng 4%, trong đó cấp I xấp xỉ bằng năm trước, cấp II và cấp III đều tăng
11%.
Năm
1975, phải đẩy mạnh việc xây dựng các trường học, bảo đảm đủ chỗ cho số học sinh
mới tăng thêm, đồng thời thay thế các trường, lớp đã hư hỏng. Nhà nước sẽ dành
một số vốn đầu tư xây dựng cơ bản và động viên nhân dân, hợp tác xã đóng góp
thêm để xây dựng 2-2,5 vạn phòng học với trên 50 vạn chỗ học. Cần động viên nhân
dân và sử dụng một phần công sức của học sinh tham gia việc xây dựng trường học.
Để nâng
cao chất lượng giảng dạy và học tập, phải tích cực giải quyết vấn đề sách giáo
khoa. Năm 1975, số sách giáo khoa xuất bản sẽ tăng 13% so với năm 1974. Phải coi
trọng việc bổ sung đồ dùng giảng dạy và học tập. Đẩy mạnh công tác đào tạo giáo
viên và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên.
Để giảm
bớt một phần khó khăn của nhân dân, bắt đầu từ năm học 1975-1976, sẽ miễn thu
học phí cho học sinh phổ thông các cấp, với số tiền hàng năm khoảng 30 triệu
đồng.
Công
tác y tế phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề vệ sinh phòng bệnh, nâng cao
chất lượng phục vụ sức khỏe của nhân dân.
Phải
đẩy mạnh phong trào vệ sinh, phòng bệnh. Tích cực động viên nhân dân thường
xuyên làm vệ sinh môi trường, xây dựng giếng nước, hố xí, v.v..; tổ chức tiêm
phòng rộng rãi, kịp thời dập tắt các bệnh dịch. Tiếp tục động viên sự đóng góp
của nhân dân và hợp tác xã, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh việc
xây dựng các cơ sở y tế xã, huyện. Sẽ xây dựng thêm một số bệnh viện tỉnh, huyện
và chú ý bổ sung dụng cụ y tế cho các bệnh viện. Tăng số giường bệnh phục vụ các
vùng kinh tế mới. Dự kiến năm 1975 tăng thêm trên 4.000 giường bệnh so với năm
1974.
Ra sức
tiếp thu tốt những thành tựu y học tiên tiến của thế giới, nâng cao trình độ y
học trong nước. Kết hợp tốt hơn nữa Tây y và Đông y trong việc sử dụng thuốc,
chữa bệnh và phát triển các cơ sở nghiên cứu. Phải coi trọng việc nghiên cứu y
học cổ truyền của dân tộc ta và sử dụng thuốc Nam.
Tổ chức
tốt việc phân phối, sử dụng thuốc, bảo đảm cung cấp đủ thuốc cấp cứu và các thứ
thuốc thông thường. Cần khai thác tốt hơn nữa nguồn dược liệu trong nước, đẩy
mạnh sản xuất các cây thuốc. Dự kiến nguyên liệu trong trước dùng để sản xuất
thuốc tăng 87% so với năm 1974, nâng tỷ trọng từ 13,8% năm 1974 lên 25% năm 1975
trong tổng số nguyên liệu. Giá trị thuốc và dụng cụ y tế bán ra tăng 4,6%.
Phải
tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bảo đảm cho chị em phụ nữ
phát huy khả năng của mình trong lao động sản xuất và công tác. Cần tăng số nhà
trẻ, bảo đảm thu nhận 50 vạn em, tăng trên 5 vạn em so với năm 1974. Các ngành
Công nghiệp, Thương nghiệp, Y tế phải cố gắng đáp ứng các yêu cầu về trang bị,
dụng cụ, thuốc men, thực phẩm cho các nhà trẻ. Phải đặc biệt coi trọng công tác
vận động sinh đẻ có kế hoạch để giữa được tốc độ hợp lý về tăng dân số.
Hoạt
động văn hóa, nghệ thuật và thông tin cần được tăng cường hơn nữa. Nâng cao chất
lượng và phát triển các hình thức hoạt động phong phú nhằm phục vụ tốt đông đảo
quần chúng, phát huy tác dụng giáo dục chính trị và tư tưởng, phục vụ tốt phong
trào thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, phục vụ tốt các ngày kỷ
niệm lớn trong năm 1975. Cần gây một không khí phấn khởi, vui tươi, lành mạnh,
chống lối sống tiêu cực, lỗi thời, chống mê tín dị đoan và các tục lệ lạc hậu
trong ma chay, cưới xin,... Xây dựng nếp sống văn minh, thương yêu giúp đỡ lẫn
nhau, kính trọng người già, tôn trọng phụ nữ, chăm sóc trẻ em.
Củng cố
và phát huy tác dụng của các cơ sở bảo tàng hiện có, bảo vệ di tích lịch sử,
phát triển hình thức bảo tàng lưu động để phục vụ đông đảo quần chúng.
Phát
triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng, củng cố và phát triển các thư
viện.
Củng cố
và phát huy tác dụng các nhà triển lãm, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin,
truyền thanh, phát triển thêm mạng lưới truyền thanh, chú trọng các khu công
nghiệp mới, các vùng kinh tế mới và các hợp tác xã nông nghiệp.
Phát
triển sâu rộng phong trào thể dục thể thao, nhất là ở các cơ sở sản xuất công
nghiệp, nông nghiệp, các trường học, v.v.. Chú trọng tổ chức các cơ sở tập luyện
và các cơ sở sản xuất dụng cụ thể dục thể thao.
Đẩy
mạnh công tác phát hành báo chí, phim điện ảnh.
Dự kiến
năm 1975, xuất bản 210 triệu bản báo chí và tập san, tăng 7% so với năm 1974;
1.750 cuốn sánh với 40 triệu bản, tăng 15%; 97 bộ phim; 56,6 vạn loa truyền
thanh, tăng 15 vạn chiếc...
X- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, KỸ
THUẬT
Công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật phải tập trung giải quyết những yêu cầu
quan trọng và cấp bách của nền kinh tế, khai thác và tìm nguyên liệu, vật liệu
thay thế, tiết kiệm vật tư sản xuất, bảo quản và chế biến lương thực, thực phẩm,
nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, tăng năng suất lao động,
v.v., thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế trong năm 1975,
đồng thời chú ý thích đáng những yêu cầu phát triển trong các năm sau.
Trong
công nghiệp, cần nghiên cứu để khai thác và sử dụng tốt nhất tài nguyên khoáng
sản trong nước nhằm thay thế các nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất các mặt hàng
mới. Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp để nâng cao trình độ công nghệ cơ bản
trong ngành Cơ khí, các biện pháp phục hồi phụ tùng chi tiết máy. Nghiên cứu
trang bị cơ giới hóa cho các ngành kinh tế, từng bước hiện đại hóa phương pháp
và quy trình công nghệ của từng ngành, từng sản phẩm. Hoàn chỉnh các biện pháp
bảo quản lương thực, chế biến hoa màu và một số mặt hàng thực phẩm quan trọng
khác...
Trong nông nghiệp, để xây dựng hệ thống giống cây trồng và gia súc, cần xác định
rõ cơ cấu giống và kỹ thuật sản xuất giống trong giai đoạn trước mắt, trước hết
là đối với lúa, ngô, rau, đậu, xuất khẩu, lợn, gà, vịt, bò, trâu sữa. Cần sớm
xác định cơ cấu cây trồng, gia súc trong từng vùng để tổ chức lại sản xuất nông
nghiệp. Đẩy mạnh việc nghiên cứu về công cụ và cơ giới hóa, về sản xuất nông
nghiệp ở các vùng kinh tế mới, triển khai việc nghiên cứu toàn diện đối với
những loại cây xuất khẩu. Tiếp tục nghiên cứu các biện pháp cải tạo đất và sử
dụng phân bón hợp lý theo yêu cầu thâm canh tăng năng suất. Nghiên cứu các biện
pháp bảo vệ cây trồng, gia súc...
Trong
xây dựng cơ bản, nghiên cứu các tiêu chuẩn về quy hoạch và thiết kế cho nông
thôn, thành phố. Nghiên cứu tiêu chuẩn hóa, điển hình hóa các cấu kiện nhà dân
dụng và nhà công nghiệp; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong thi
công, cải tiến thiết bị thi công, công cụ cầm tay trong xây dựng...
Trong
giao thông vận tải, nghiên cứu tổ chức vận chuyển hợp lý để nâng cao năng suất
các phương tiện; ứng dụng và cải tiến các phương tiện vận chuyển hàng rời...
Phải
đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm,
nhất là đối với các sản phẩm cơ khí và sản phẩm xuất khẩu; tăng cường công tác
tiêu chuẩn hóa và công tác đo lường; chú trọng hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ
thuật, coi đây là những nhiệm vụ rất quan trọng để đem lại hiệu quả kinh tế cao
và tăng năng suất lao động.
Tăng
cường hơn nữa việc chỉ đạo công tác khoa học, kỹ thuật, chú trọng sắp xếp, sử
dụng hợp lý để phát huy năng lực đến mức cao nhất đội ngũ cán bộ làm công tác
khoa học, kỹ thuật. Phải ra sức học tập khoa học, kỹ thuật của các nước ngoài
với tinh thần chủ động và sáng tạo để áp dụng thích hợp vào hoàn cảnh nước ta.
XI- TÍCH CỰC CHUẨN BỊ CHO
NĂM 1976
VÀ CHO KẾ HOẠCH 5 NĂM (1976-1980)
Đi đôi
với việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975, phải khẩn trương xúc tiến một số
công tác chuẩn bị rất cơ bản và cấp thiết cho các năm sau.
Hoàn
thành sớm việc tổng kết công tác điều tra cơ bản về điều kiện và tài nguyên đất
nước, tiếp tục hoàn chỉnh tài liệu để phục vụ công tác kế hoạch hóa; đồng thời
đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về kinh tế và xã hội, khai thác tốt kết quả
của việc điều tra dân số năm 1974, tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về dân số.
Đẩy
mạnh công tác quy hoạch và phân vùng kinh tế, phân bổ lực lượng sản xuất, làm cơ
sở cho việc xây dựng kế hoạch dài hạn. Xác định những chủ trương và biện pháp
lớn để phát triển những vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi.
Để xây
dựng tốt số kiểm tra kế hoạch 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1976, cần hoàn
thành xây dựng các căn cứ cho việc lập kế hoạch, đặc biệt là hệ thống định mức
và giá cả dùng cho kế hoạch dài hạn, hoàn chỉnh công tác tổng hợp, phân tích
tình hình cơ bản đến cuối năm 1975. Nghiên cứu các chuyên đề kinh tế, kỹ thuật
dài hạn, các đề án quy hoạch thành phố và khu công nghiệp. Xúc tiến việc đàm
phán với nước ngoài về các công trình của kế hoạch 5 năm, về kế hoạch xuất khẩu,
nhập khẩu dài hạn.
Để
chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm sắp tới, cần có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ
quản lý kinh tế, quản lý nhà nước một cách có hệ thống.
Khối
lượng công tác chuẩn bị cho năm 1976 và kế hoạch 5 năm (1976-1980) rất lớn và
phức tạp, có ý nghĩa rất trọng đại, cần phải có những tổ chức chuyên trách, bố
trí cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu thích đáng để làm tốt những công việc
đã đề ra.
Các
ngành, các cấp cần tiến hành tổng kết công tác của mình trong thời gian qua để
rút kinh nghiệm cho công tác thời gian tới.
PHẦN THỨ BA
ĐẨY MẠNH VIỆC CỦNG
CỐ QUAN HỆ SẢN XUẤT
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA; TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ KINH TẾ;
ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA LAO ĐỘNG
SẢN XUẤT, CẦN KIỆM XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Thưa
các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Kế
hoạch nhà nước năm 1975 có tầm quan trọng đặc biệt, nó đòi hỏi không những phát
triển mạnh lực lượng sản xuất, mà còn phải có sự chuyển biến mới về củng cố quan
hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sự tiến bộ rõ rệt về công tác quản lý nhà nước,
quản lý kinh tế và nâng cao không ngừng phong trào cách mạng của quần chúng. Do
đó, chúng ta cần quan tâm đến những mặt công tác lớn sau đây:
I- XÚC TIẾN VIỆC CỦNG CỐ VÀ
HOÀN THIỆN
QUAN HỆ SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Đi đôi
với phát triển lực lượng sản xuất, năm 1975 phải tiến hành tích cực và mạnh mẽ
việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả hai khu
vực kinh tế quốc doanh và tập thể, đồng thời tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa
đối với kinh tế cá thể, kiên quyết khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong đời
sống kinh tế và xã hội. Đó là một mặt hết sức quan trọng nhằm bảo đảm việc thực
hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1975 .
-
Trong khu vực kinh tế quốc doanh, phải kiên quyết bảo vệ tài sản của Nhà
nước, kiên quyết chống lại mọi hành động xâm phạm tài sản đó. Thực hiện tốt việc
phân công lao động trong nội bộ xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường,
trong từng ngành và giải quyết tốt mối quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa trong
các lĩnh vực tổ chức sản xuất và tổ chức quản lý, giữa các đơn vị kinh tế và các
ngành kinh tế. Tổ chức hợp lý việc phân công chuyên môn hóa, hợp tác và liên
hiệp giữa các xí nghiệp và các nhóm sản phẩm để phát huy năng lực sản xuất. Thi
hành nghiêm ngặt chế độ giao nộp sản phẩm, tài chính và tiền mặt cho Nhà nước,
khắc phục tình trạng cục bộ, bản vị trong các đơn vị kinh tế.
Thông
qua công tác quản lý kinh tế và pháp chế của Nhà nước mà củng cố và hoàn thiện
hơn nữa quan hệ sản xuất, làm cho kinh tế quốc doanh ngày càng phát huy vai trò
chỉ đạo và tính ưu việt trong nền kinh tế quốc dân. Thực hiện các quy chế và chế
độ công tác đối với công nhân, viên chức nhà nước. Xúc tiến việc xây dựng tiêu
chuẩn cho từng loại cán bộ, nhân viên. Phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ xã hội chủ
nghĩa của quần chúng, thực hiện tốt mối quan hệ trong lao động sản xuất và phân
phối vật chất.
-
Trong khu vực kinh tế tập thể. Phải củng cố và tăng cường chế độ sở hữu tập
thể về tư liệu sản xuất, phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên; chấn chỉnh,
kiện toàn các Ban quản trị, Ban kiểm soát; tăng cường công tác quản lý, đồng
thời coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với xã viên và sự giúp
đỡ của Nhà nước đối với hợp tác xã để phát triển sản xuất.
Đối
với hợp tác xã nông nghiệp
phải
làm tốt việc vận động học tập điều lệ hợp tác xã, mở đại hội nông dân tập thể
các cấp, phát động phong trào thi đua lao động sản xuất ở nông thôn, tổ chức lại
sản xuất nông nghiệp, cải tiến quản lý hợp tác xã nhằm từng bước đưa nông nghiệp
tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ tập
thể của xã viên, đồng thời nêu cao ý thức kỷ luật trong lao động sản xuất, trong
chấp hành chính sách, chế độ, điều lệ hợp tác xã. Tăng cường chức năng quản lý
của Nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, trước hết là khẩn trương chấn chỉnh
và cải tiến công tác quản lý nông nghiệp ở các cấp, nghiên cứu ban hành sớm Luật
quản lý ruộng đất, quản lý cây giống, con giống, hạt giống, chính sách đầu tư
vào nông nghiệp; thi hành chế độ hợp đồng hai chiều giữa Nhà nước và hợp tác xã,
thi hành chặt chẽ các chính sách, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ đóng góp cho Nhà
nước...
Đối
với hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp,
cần nghiên cứu tổ chức lại sản xuất trên cơ sở quy hoạch phát triển của từng
ngành công nghiệp. Cần tăng cường mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp quốc
doanh với các ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp nhất là về mặt phân công
và hợp tác sản xuất, giúp đỡ về trang bị kỹ thuật và cán bộ. Cần cải tiến công
tác quản lý trong nội bộ các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.
Xúc
tiến công tác kế hoạch hóa trong các ngành tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.
Nhà nước cần có các biện pháp chặt chẽ về đăng ký kinh doanh, quản lý thị
trường, quản lý khâu gia công và sản phẩm, hướng dẫn các hợp tác xã đi vào con
đường làm ăn chính đáng, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong sản xuất và kinh
doanh.
Đối
với hợp tác xã nghề cá,
chú trọng tổ chức lại sản
xuất và cải tiến quản lý, trang bị thêm thuyền, lưới và các phương tiện đánh bắt
khác; đưa phần lớn hợp tác xã lên trung bình và tiên tiến, thu hút dần vào hợp
tác xã những người đánh cá làm ăn riêng lẻ.
-
Tiếp tục hoàn thành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với người buôn bán nhỏ và
tăng cường quản lý thị trường. Đi đôi với củng cố và mở rộng thị trường xã
hội chủ nghĩa, bảo đảm vai trò lãnh đạo thị trường của thương nghiệp quốc doanh,
phải khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại thị trường tự do, cải tạo những người buôn
bán nhỏ, đưa họ vào con đường làm ăn chính đáng, có mức thu nhập hợp lý. Kiên
quyết trừng trị bọn đầu cơ, buôn bán trái phép, tham ô, móc ngoặc...
II- TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC,
QUẢN LÝ KINH TẾ
Năm
1975, phải có sự chuyển biến rõ rệt về các mặt quản lý, đưa công tác quản lý nhà
nước, quản lý kinh tế vào nền nếp và cải tiến một bước. Toàn bộ công tác quản lý
của Hội đồng Chính phủ và của các ngành, các cấp phải thực sự hướng về cơ sở,
thúc đẩy và phục vụ phong trào lao động sản xuất của quần chúng để bảo đảm hoàn
thành những mục tiêu nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Trung ương
Đảng và những nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1975.
-
Đưa công tác kế hoạch hóa vào nền nếp và cải tiến công tác lập kế hoạch.
Phải
tăng cường lãnh đạo việc lập kế hoạch từ Trung ương đến các ngành, các cấp và cơ
sở. Kế hoạch phải thể hiện tốt đường lối của Đảng và Nhà nước, quy luật phát
triển kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phải quán triệt
hơn nữa đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Cải tiến công tác kế hoạch
hóa ở các cấp nhằm phát huy mạnh mẽ khả năng tiềm tàng của các ngành, các địa
phương và đơn vị cơ sở. Phải kết hợp chặt chẽ việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch với
việc tổ chức thực hiện kế hoạch, kiên quyết khắc phục bệnh bảo thủ, quan liêu,
xa thực tế. Phải chấn chỉnh và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kế hoạch
hóa, từ trên xuống dưới.
Để
bảo đảm tính pháp lệnh của kế hoạch, một mặt phải xây dựng kế hoạch từ cơ sở
lên, phải thảo luận dân chủ; mặt khác, phải tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và kiểm
tra chặt chẽ, giải quyết kịp thời các mắc mứu, khó khăn trong khi thực hiện kế
hoạch. Đầu năm 1975, các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở cần kịp thời tổ chức
thảo luận rộng rãi trong quần chúng về các biện pháp cụ thể để bảo đảm thực hiện
thắng lợi kế hoạch, đồng thời phải tiến hành các công tác cần thiết như điều
chỉnh lại hợp đồng kinh tế, ký kết những hợp đồng còn lại, chủ động tăng cường
việc dự trữ nguyên liệu, vật tư cho từng quý và 6 tháng. Bắt đầu từ năm 1975,
không đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch vào giữa năm, trừ trường hợp có những diễn
biến đột xuất. Các cơ quan chức năng phải phát hiện kịp thời với Chính phủ về
những đơn vị không nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch để có thái độ xử
lý nghiêm khắc.
Chuẩn
bị xây dựng và phổ biến sớm số kiểm tra kế hoạch nhà nước năm 1976 để các ngành,
các địa phương và đơn vị cơ sở có thời gian xây dựng kế hoạch, bảo đảm trình tự
xây dựng kế hoạch từ cơ sở.
Xúc
tiến việc thực hiện công tác kế hoạch hoá và quản lý theo ngành và theo lãnh
thổ, tiếp tục giải quyết những mắc mứu hiện nay giữa các ngành, giữa Trung ương
và địa phương.
- Thực
hiện nghiêm ngặt chế độ kiểm kê, kiểm soát, hạch toán, chỉ đạo sát sao để huy
động tốt các năng lực sản xuất, các khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc dân.
Tiến
hành kiểm kê, kiểm soát nghiêm ngặt để nắm vững các năng lực sản xuất trong từng
đơn vị cơ sở. Soát xét lại định mức lao động, thông qua việc tổ chức lại sản
xuất, hợp lý hóa tổ chức lao động mà điều chỉnh, tăng chỉ tiêu năng suất lao
động cho thích hợp. Huy động vào sản xuất những thiết bị, máy móc, vật tư chưa
sử dụng, nâng cao hệ số sử dụng công suất thiết bị, giảm mạnh mức tiêu hao vật
tư và chi phí sản xuất, vận tải, ra sức thực hiện tiết kiệm trong sản xuất và
xây dựng.
Chấn
chỉnh hệ thống thống kê, kế toán, từ khâu ghi chép ban đầu. Phân tích, đánh giá
tình hình thực hiện kế hoạch qua từng công việc, từng thời gian nhất định.
- Thực
hiện nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ quản lý nhằm kết hợp tốt biện pháp hành
chính với biện pháp kinh tế, kỹ thuật, khuyến khích lợi ích vật chất.
Phải
kiên quyết thực hiện những chính sách, chế độ đã có, đồng thời nghiên cứu để sớm
ban hành và bổ sung những chính sách, chế độ quản lý mới.
Đối với
kinh tế quốc doanh, phải đòi hỏi và khuyến khích việc khai thác tốt các năng lực
sản xuất, các khả năng tiềm tàng, đề cao trách nhiệm quản lý, trách nhiệm phục
vụ, nâng cao các chỉ tiêu chất lượng, tăng cường quản lý kỹ thuật, thực sự thi
hành hạch toán kinh tế, mở rộng thích đáng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh
của đơn vị cơ sở.
Đối với
kinh tế tập thể (nông nghiệp, thủ công nghiệp), phải kết hợp đầy đủ các biện
pháp giáo dục, kinh tế, hành chính để phát huy mặt tích cực, sáng tạo, đẩy lùi
và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, nêu cao nghĩa vụ đóng góp của kinh tế tập thể
đối với toàn xã hội, đối với Nhà nước.
Đối với
thị trường tự do, phải huy động phần lớn những người buôn bán nhỏ vào hoạt động
dưới sự quản lý của thương nghiệp quốc doanh, theo đúng kế hoạch và luật pháp
của Nhà nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, cần có quy chế chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm ngặt về việc
chuẩn bị đầu tư và việc tính toán hiệu quả vốn đầu tư, khuyến khích tăng cường
đầu tư có hiệu quả cao và nhanh.
Động
viên, phân công lại và sử dụng lực lượng lao động xã hội, xúc tiến việc nghiên
cứu toàn diện một loạt chính sách, chế độ, đồng thời nhanh chóng tổ chức việc
làm mới để thu hút những người chưa có việc làm vào mặt trận lao động sản xuất,
khuyến khích quần chúng đi đến các vùng kinh tế mới, các khu công nghiệp mới...
Thực
hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động. Nêu cao tinh thần cần kiệm xây
dựng đất nước, nhưng phải rất coi trọng việc cải thiện đời sống của người lao
động và khuyến khích người làm chăm, làm giỏi, có năng suất cao, xử phạt người
lười, người làm kém, không có năng suất, không có hiệu quả hoặc thiếu trách
nhiệm.
- Cải
tiến tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý xí nghiệp.
Nghiên
cứu tổ chức lại sản xuất tại các đơn vị cơ sở, nơi nào cần thiết và có điều kiện
thì tổ chức hẳn lại quá trình sản xuất. Năm 1975 sẽ tổ chức lại sản xuất 5 ngành
trọng điểm: nông nghiệp ở đồng bằng và nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp ở miền
núi (chú trọng nông trường), cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải và cung ứng
vật tư, kỹ thuật. Các ngành khác phải tùy khả năng và điều kiện cụ thể mà tiến
hành với mức thích hợp.
Đẩy
mạnh việc đưa công tác quản lý xí nghiệp vào nền nếp; tiếp tục thí điểm cải tiến
quản lý ngành công nghiệp và xí nghiệp công nghiệp, hoàn thành việc nghiên cứu
và ban hành điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, lấy đó làm cơ sở để đẩy
mạnh cải tiến quản lý xí nghiệp.
- Cải
tiến bộ máy quản lý và chế độ công tác.
Phải có một bước tiến trong việc thực hiện nguyên tắc quản lý theo ngành và theo
lãnh thổ; kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các
cấp, giải quyết những vướng mắc giữa các Bộ quản lý chức năng với các Bộ quản lý
sản xuất, kinh doanh; giữa các ngành ở Trung ương với chính quyền địa phương.
Thi hành đúng điều lệ Hội đồng Chính phủ, đề cao quyền hạn và trách nhiệm của Bộ
trưởng dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò
quản lý nhà nước của các Bộ, Tổng cục đối với toàn ngành. Đồng thời phải nâng
cao vị trí, chức năng và năng lực quản lý trên lãnh thổ của chính quyền địa
phương.
Đề cao
kỷ luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng chế độ thủ trưởng và chế độ
trách nhiệm cá nhân, thi hành chế độ trách nhiệm về vật chất, không dung thứ
những hành động vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm. Phải tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát, đồng thời phát huy mạnh mẽ trách nhiệm kiểm tra của quần chúng,
của công đoàn, đối với việc thực hiện kế hoạch và các chính sách, chế độ, phải
có kết luận và giải quyết đến nơi đến chốn các vấn đề được phát hiện, có thưởng,
phạt nghiêm minh.
Cải
tiến mạnh mẽ lề lối làm việc, đi sâu, đi sát và giải quyết kịp thời các khó khăn
cho cơ sở. Các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành ở Trung ương, các đồng
chí Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, huyện phải dành nhiều thời gian để thường
xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp ở cơ sở.
III- ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO
CÁCH MẠNG
CỦA QUẦN CHÚNG THI ĐUA LAO ĐỘNG SẢN XUẤT,
CẦN KIỆM XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI,
LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG BA NGÀY KỶ NIỆM LỚN TRONG NĂM 1975
Công
cuộc khôi phục và phát triển kinh tế là sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Phải
động viên tư tưởng, chính trị sâu rộng, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần
chúng trong các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở, bảo đảm thực sự có phong
trào cách mạng của quần chúng, sôi nổi, bền bỉ để thực hiện thắng lợi kế hoạch
nhà nước năm 1975.
Yêu
cầu và nội dung chủ yếu của phong trào này là huy động và tận dụng tốt các năng
lực sản xuất, các khả năng tiềm tàng, bảo đảm cho mọi người làm việc và làm việc
với năng suất cao, tiêu hao vật chất ít, đem lại hiệu quả nhiều. Trên cơ sở đó,
cần đề ra ngay từ đầu năm 1975 việc đăng ký kế hoạch cao hơn mức của kế hoạch
nhà nước, nhưng phải làm một cách thiết thực hợp lý, sát với thực tế.
Các cơ
quan quản lý các cấp và các đoàn thể quần chúng phải phối hợp chặt chẽ và đi sát
chỉ đạo phong trào. Trong từng xí nghiệp, cơ sở, từng địa phương, từng ngành
phải có kế hoạch chỉ đạo thiết thực, cụ thể, giải quyết kịp thời mọi yêu cầu để
bảo đảm cho phong trào quần chúng liên tục tiến lên mạnh mẽ và rộng khắp, không
những trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội...
Tăng
cường hơn nữa mối quan hệ giữa Nhà nước với công đoàn và các đoàn thể thanh
niên, phụ nữ trong việc tổ chức và chỉ đạo phong trào quần chúng; đẩy mạnh việc
ký kết và thực hiện hợp đồng tập thể ở xí nghiệp, làm tốt hội nghị công nhân
viên chức, đại hội xã viên hợp tác xã nông nghiệp, theo dõi sát diễn biến của
phong trào, kịp thời khen thưởng, phát huy và phổ biến những thành tích, kinh
nghiệm.
Trong
sinh hoạt của Công đoàn, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ
nữ và các đoàn thể khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần lấy nội dung của
các nhiệm vụ kinh tế, của phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây
dựng chủ nghĩa xã hội mà động viên giáo dục quần chúng.
*
* *
Thưa
Đoàn Chủ tịch,
Thưa
các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Năm
1974, nhân dân miền Bắc nước ta đã giành được những thắng lợi quan trọng trong
việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế.
Bước
vào năm 1975, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa lại càng nặng nề, to lớn.
Trước mắt, chúng ta còn có nhiều khó khăn, song cũng có những thuận lợi cơ bản.
Dự án kế hoạch nhà nước năm 1975 được xây dựng trên tinh thần tích cực và hiện
thực. Tuy nhiên, khả năng tiềm tàng của các ngành, các cấp và đơn vị cơ sở còn
lớn. Trong quá tình thực hiện kế hoạch, các ngành, các cấp, các đơn vị cần chủ
động phát huy với mức cao nhất những tiềm lực có sẵn để bảo đảm hoàn thành toàn
diện và vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1975.
Thực
hiện thắng lợi kế hoạch này, nền kinh tế miền Bắc sẽ có một bước chuyển biến
quan trọng: chúng ta sẽ hoàn thành về căn bản nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau
chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất phát triển, bước đầu thay đổi cơ cấu của nền kinh
tế từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; thu nhập quốc dân sản
xuất bảo đảm được quỹ tiêu dùng xã hội; tình hình đời sống vật chất và văn hóa,
xã hội được ổn định hơn và cải thiện một bước; việc củng cố quan hệ sản xuất xã
hội chủ nghĩa và công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước sẽ chuyển biến rõ
rệt. Những điều đó sẽ tạo đà phấn khởi mới trong nhân dân, chuẩn bị điều kiện
đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong các năm sau.
Phấn
khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào thế lực vững mạnh của
cách mạng nước ta, vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng và năng lực lao động sáng
tạo của nhân dân, chúng ta hãy ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ
tịch kính yêu, phát huy thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, tiếp tục chuyển khí thế chiến thắng vào mặt trận kinh tế, vững bước tiến
lên khắc phục mọi khó khăn trở ngại, thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế
hoạch nhà nước năm 1975 để chào mừng ba ngày kỷ niệm lớn, ra sức xây dựng và bảo
vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi yêu cầu của đồng bào và chiến sĩ miền
Nam đang anh dũng đấu tranh hoàn thành độc lập, dân chủ và tiến tới hòa bình
thống nhất nước nhà.
Nhất
định nhân dân ta sẽ giành được những thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trong sự
nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền
Bắc!
Tổ quốc
ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà!
Lưu tại Trung tâm Lưu
trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.