BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI (1)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trong thời gian từ sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa IV (tháng 12 năm 1974) đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 6 lần, thông qua 44 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.
Sau đây, chúng tôi xin báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội.
I- VỀ VIỆC TUYỂN CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA V
Công tác quan trọng nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian vừa qua là chủ trì việc tuyển cử đại biểu Quốc hội khóa V.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo riêng trình Quốc hội xét.
II- VỀ VIỆC BỔ NHIỆM CÁC NHÂN VIÊN CAO CẤP
CỦA NHÀ NƯỚC
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 31 tháng 5 năm 1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm:
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thông giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc thay đồng chí Dương Đức Hà về nước nhận công tác khác. Đồng chí Thông còn kiêm nhiệm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Áchentina;
- Đồng chí Nguyễn Văn Hồng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Bungari thay đồng chí Đinh Thị Ngọc Tảo về nước nhận công tác khác;
- Đồng chí Mai Văn Bộ giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ý (2);
- Đồng chí Nguyễn Quang Tạo giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên bang Úc (3);
- Đồng chí Trần Văn Hưng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Uganđa kiêm nhiệm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Burunđi;
- Đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu, hiện Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết, nay kiêm nhiệm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ápganixtan.
III- VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng Huân chương các loại cho nhiều địa phương, đơn vị, gia đình và cá nhân:
- Truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho hai đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
- Tặng thưởng Huân chương Chiến công cho 96 đơn vị và 6.671 cán bộ và chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang, công nhân quốc phòng, dân quân tự vệ và dân công đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
- Tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho 973 địa phương đã có nhiều thành tích trong phong trào tòng quân chống Mỹ, cứu nước, và 174 gia đình có nhiều người tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tặng thưởng Huân chương Lao động cho 5 địa phương và 24 đơn vị đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác, giảng dạy và học tập.
- Tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công và 63 Huân chương Lao động cho 66 chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có công giúp Chính phủ và nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
IV- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VÀ THƯ DÂN NGUYỆN CỦA NHÂN DÂN
Từ sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa IV đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 1.882 đơn khiếu nại, tố cáo và dân nguyện của cán bộ và nhân dân và đã tiếp 484 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc.
Số đơn yêu cầu và đề đạt nguyện vọng chiếm 1/3 tổng số đơn đã nhận được và đề cập đến những vấn đề như: xin ân giảm, ân xá, xin công việc làm, xin thuê nhà ở, xin trợ cấp khó khăn, v.v., và góp ý kiến về các chính sách hậu phương quân đội, tuyển sinh, nghĩa vụ quân sự..
Nội dung các vấn đề tố cáo đều có quan hệ đến việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đến phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ như: tham ô công quỹ, ăn hối lộ, hủ hóa, dâm ô, lấn chiếm ruộng đất, độc đoán, chuyên quyền, khám nhà, bắt người, giam người, tịch thu tài sản trái pháp luật, đánh người thành thương, v.v..
Nội dung các đơn khiếu nại bao gồm các vấn đề: bị thi hành kỷ luật oan, kỷ luật quá nặng, cơ quan và địa phương thi hành sai chính sách hậu phương quân đội, thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự không công bằng, phân phối nhà ở không đúng, v.v..
Tình trạng quyền tự do dân chủ của nhân dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa bị vi phạm có trường hợp nghiêm trọng đã gây tác hại cho những người bị oan ức và ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Việc giải quyết của các cơ quan và địa phương còn trì trệ, số đơn còn bị ứ đọng nhiều. Hằng năm số vụ được giải quyết rất ít, khoảng trên 10% so với tổng số đơn nhận được. Có người đã gửi hàng trăm đơn khiếu tố tới nhiều cơ quan từ địa phương tới Trung ương, nhưng vẫn không được xét và giải quyết. Có hiện tượng chuyển đơn vòng quanh từ cơ quan này tới cơ quan khác rồi cuối cùng lại chuyển tới cơ quan bị khiếu tố hoặc đến người bị khiếu tố, cho nên đơn không được xét giải quyết mà người khiếu tố lại bị truy, trù.
Để bảo đảm cho việc khiếu nại và tố cáo của nhân dân được giải quyết nhanh chóng theo Điều 29 của Hiến pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm đúng mức đến công tác này. Các đồng chí đại biểu Quốc hội cần chú ý tham gia ý kiến với các cơ quan hữu quan nơi mình đang công tác hoặc ở đơn vị ứng cử của mình để góp phần giải quyết tốt các nguyện vọng và các việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và các đồng chí đại biểu Quốc hội giữ trách nhiệm lãnh đạo trong các cơ quan, xí nghiệp ở Trung ương chú ý đôn đốc và giám sát việc cán bộ, nhân viên thuộc ngành mình nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân. Mặt khác, cần kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết những yêu cầu và khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
V- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ vẫn thường xuyên giữ quan hệ mật thiết. Những nghị quyết, nghị định, chỉ thị, các thông báo thường kỳ về các mặt hoạt động của Chính phủ vẫn được gửi đều đặn đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến Chính phủ những ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong các phiên họp tổ và tham luận trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Chính phủ đã nghiên cứu và lần lượt trả lời các đại biểu. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị cho nhiều Bộ và địa phương tiến hành một số công tác quan trọng và cấp bách do các đại biểu Quốc hội nêu ra trong kỳ họp vừa qua.
Chính phủ đã cử một đoàn cán bộ của các ngành có liên quan đi kiểm tra nông trường Ba Vì và trung tâm bò giống Ba Vì (Hà Tây) về việc để bò chết hoặc què vì thiếu chăm sóc, cán bộ phụ trách quan liêu, độc đoán không chịu nghe ý kiến của công nhân; và một đoàn cán bộ đi Hà Giang để kiểm tra một số vấn đề về lâm nghiệp, về văn hóa, giáo dục. Sau khi đi kiểm tra, hai đoàn này đã có kết luận, báo cáo với Chính phủ và Chính phủ đã có biện pháp giải quyết. Một số Bộ, ngành như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Tổ chức của Chính phủ, Bộ Lao động, Bộ Điện và Than, Bộ Lương thực và Thực phẩm, Bộ Y tế, Liên hiệp Hợp tác xã Trung ương, Tổng cục Hóa chất v.v… đã có thư trả lời những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu ra tại kỳ họp vừa qua.
Đại diện Hội đồng Chính phủ thường xuyên tham dự các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
1. Ngày 20-01-1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Dương Quốc Chính, thay mặt Hội đồng Chính phủ, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh xuất ngũ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự đánh giá của Chính phủ về những thành tích và những cố gắng của các cơ quan nhà nước, của các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của nhân dân ta trong việc chăm sóc thương binh, bệnh binh đã xuất ngũ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị với Chính phủ một số biện pháp thiết thực nhằm làm cho công tác thương binh, bệnh binh đem lại kết quả tốt hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
2. Ngày 8-4-1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, báo cáo về cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, nhằm đánh đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, tay sai của đế quốc Mỹ, đánh đổ chế độ thực dân mới của Mỹ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệt liệt chào mừng thắng lợi cực kỳ to lớn của quân và dân ta ở miền Nam. Thắng lợi đó đang làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo nên thời cơ mới vô cùng thuận lợi để quân và dân ta ở miền Nam tiếp tục tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
VI- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn giữ quan hệ mật thiết với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện của hai cơ quan nói trên tham dự.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiều phiên họp, đã quyết định một số vấn đề về công tác xét xử của ngành Tòa án.
VII- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
1. Nhận lời mời của các nghị sĩ Ý trong Uỷ ban Đoàn kết Ý - Việt Nam và được sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một nhóm đại biểu Quốc hội ta do đồng chí Nguyễn Văn Trân, đại biểu Quốc hội, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, dẫn đầu, đã thăm hữu nghị nước Cộng hòa Ý (4) từ ngày 20 đến ngày 29 tháng 01 năm 1975.
Trong thời gian ở Ý, các đại biểu Quốc hội ta đã được các vị Chủ tịch thượng nghị viện, Chủ tịch hạ nghị viện và nhiều thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái tiếp. Các đại biểu đã đi thăm thủ đô Rôma và các thành phố Milan, Bôlônha, Phơlôrăng (5). Tại các nước này, những đại biểu Quốc hội ta đã được nhiều nghị sĩ, nhiều nhà hoạt động chính trị, đại biểu đảng phái và nhân dân đón tiếp nồng nhiệt. Các đại biểu ta còn đến thăm Tòa thánh Vaticăng và một số tổ chức xã hội, chính trị và cơ sở sản xuất.
Cuộc đi thăm hữu nghị của các đại biểu Quốc hội ta tại nước Cộng hòa ý đã góp phần tích cực vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đã tranh thủ thêm được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Ý, của các nghị sĩ tiến bộ, các đoàn thể dân chủ Ý đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
2. Từ ngày 22 đến ngày 28-3-1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Quốc gia chính trị Liên hiệp Lào do Hoàng thân Xixumang Xixalợmxắc, Phó Chủ tịch Hội đồng, làm Trưởng đoàn sang thăm hữu nghị nước ta.
Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thân mật tiếp Đoàn. Đoàn đã tọa đàm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã đi thăm một số cơ sở công nghiệp, văn hóa, giáo dục và một số nơi khác ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Cuộc đón tiếp đã thu được kết quả tốt đẹp, góp phần vào việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Vương quốc Lào.
3. Từ ngày 20 đến ngày 24-5-1975, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiếp Đoàn nghị sĩ của Nghị viện nước Cộng hòa Mêhicô do ông Hôxê Murét dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta.
Đây là Đoàn đại biểu nghị sĩ đầu tiên của châu Mỹ latinh đến thăm nước ta. Đoàn đã được Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tiếp và nói chuyện thân mật. Đoàn đã tọa đàm với Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội; và thăm một số nơi ở Hà Nội và Hải Phòng.
Cuộc đi thăm của Đoàn thành công tốt đẹp đã góp phần làm cho mối quan hệ bước đầu giữa hai nước phát triển thuận lợi.
VIII- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI
Trong thời gian từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa IV đến nay, các Uỷ ban của Quốc hội đã có sinh hoạt và những hoạt động như sau:
1. Các Uỷ ban đều dành một phiên họp riêng để trao đổi và góp ý kiến về dự thảo quy chế hoạt động của các Uỷ ban của Quốc hội.
2. Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã họp để nghe giới thiệu và thảo luận về vấn đề thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh xuất ngũ. Uỷ ban đã thuyết trình những ý kiến của mình về vấn đề này trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
3. Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội đã họp hai lần để:
- Hưởng ứng Tuyên bố ngày 21-3-1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về tình hình miền Nam Việt Nam.
- Tố cáo và lên án Mỹ - Thiệu tiếp tục vi phạm Hiệp định Pari về Việt Nam, khủng bố và cưỡng ép đồng bào di cư, bắt cóc trẻ em miền Nam đưa sang Mỹ.
Ngoài ra, Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội còn tổ chức các buổi họp, có các đại biểu Quốc hội ở Hà Nội dự, để nghe thông báo về tình hình chiến thắng của quân và dân ta ở miền Nam; và tổ chức các đoàn đại biểu đến chúc mừng Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 14 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và chúc mừng miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
IX- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa IV, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức báo cáo nội dung và kết quả của kỳ họp, kết hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm động viên cán bộ, nhân dân ra sức hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1975 và thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách lương thực, Luật nghĩa vụ quân sự… Kết hợp các buổi đi báo cáo này, nhiều đại biểu đã tiếp xúc với cử tri, thu thập những kiến nghị, nguyện vọng của cử tri, và góp ý kiến với các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương giải quyết kịp thời (Vĩnh Phú, Nghĩa Lộ).
Các đoàn đã họp để tổng kết các hoạt động của mình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV và thảo luận, góp ý kiến về dự thảo quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đến nay, Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được báo cáo của 19 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành: Tuyên Quang, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Thái Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Nam Hà, Bắc Thái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tây, Nghệ An, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cao Bằng, Nghĩa Lộ.
Trên cơ sở nhất trí với các bản dự thảo quy chế, các đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến cụ thể và thiết thực nhằm làm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội đạt kết quả tốt hơn.
Hiện nay, Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang nghiên cứu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội để sửa chữa, bổ sung các bản dự thảo quy chế trước khi trình Quốc hội quyết định trong một kỳ họp sau.
*
* *
Trên đây là báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa IV đến nay.