BÁO CÁO CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ
TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA V
TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHOÁ V
(Do ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày, ngày 03-6-1975)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V tiến hành ngày 06-4-1975 đã thành công tốt đẹp.
Ngày 08-5-1975, Hội đồng bầu cử đã chuyển đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biên bản tổng kết và các hồ sơ, tài liệu về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu nói trên và nhất trí tán thành hoạt động và những nhận xét, kết luận của Hội đồng bầu cử.
Trong kỳ họp đầu tiên này của Quốc hội khóa V, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về tình hình và kết quả cuộc bầu cử, đồng thời trình toàn bộ hồ sơ về cuộc bầu cử để Quốc hội xét và giao cho Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu nghiên cứu và trình Quốc hội quyết định.
Về tình hình tiến hành bầu cử, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí tán thành sự đánh giá của Hội đồng bầu cử là: Nhờ sự nhiệt liệt tham gia của nhân dân, nhờ sự cố gắng của các ngành có liên quan, của cán bộ làm công tác bầu cử, hai yêu cầu cơ bản của cuộc bầu cử là thật sự dân chủ và đúng luật lệ của Nhà nước đã được bảo đảm.
Việc lập và niêm yết danh sách cử tri được làm chu đáo và gặp nhiều thuận lợi, vì vừa qua ta đã hoàn thành cuộc tổng điều tra dân số và sau đó Thủ tướng Chính phủ lại có những hướng dẫn cụ thể về những trường hợp không có quyền bầu cử và ứng cử. Hội đồng bầu cử có nhận được 3 đơn khiếu nại về việc địa phương không cho bầu cử. Hội đồng đã xét và sau đó cả 3 người đều được tham gia bầu cử.
Việc giới thiệu người ra ứng cử, nói chung, các địa phương đều làm tốt. Quyền dân chủ cơ bản của nhân dân đã được các cơ quan và cán bộ có trách nhiệm về bầu cử tôn trọng thật sự:
1. Để chuẩn bị cho việc giới thiệu người ra ứng cử, ở tất cả các địa phương, Mặt trận Tổ quốc đã cùng với các đoàn thể nhân dân trao đổi ý kiến về việc lựa chọn người xứng đáng ra ứng cử. Một số địa phương, như Hà Nội, còn hỏi ý kiến nhân dân nơi trú quán hay sinh quán về tư cách của người được chọn, trước khi đưa ra Mặt trận hiệp thương và giới thiệu người ra ứng cử lần cuối cùng.
2. Trừ Lai Châu và Bắc Thái, các địa phương đều giới thiệu ứng cử viên nhiều hơn số người được bầu 1 hay 2 người để cử tri có thể lựa chọn.
3. Ở tất cả các địa phương, Mặt trận và chính quyền đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri, đặt cơ sở cho quan hệ sau này giữa người đi bầu và người được bầu.
Cách chọn và giới thiệu người ra ứng cử trên đây của các tỉnh và thành phố vừa bảo đảm tìm được người xứng đáng, được cử tri tín nhiệm, vừa thể hiện được quyền dân chủ cơ bản của nhân dân, vừa làm cho cả người trúng cử lẫn người không trúng cử đều hồ hởi, vui vẻ.
Việc chia các khu vực bỏ phiếu ở các địa phương đều nhằm bảo đảm cho cử tri đi bỏ phiếu được thuận tiện và đã được tổ chức xong trước ngày 25-2-1975; ba vạn một nghìn bốn trăm linh hai (31.402) tổ bầu cử phụ trách các khu vực bỏ phiếu trên toàn miền Bắc đã được thành lập trước ngày 17-3-1975, là thời hạn do luật định.
Việc tuyên truyền cổ động cho cuộc bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do. Nhà nước đã đài thọ mọi phí tổn về tuyên truyền, cổ động cho người do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu cũng như cho người tự ra ứng cử.
Việc bỏ phiếu, ở hầu hết các khu vực đều bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày Chủ nhật 06-4-1975, trừ một số ít nơi khai mạc từ 6 giờ để thuận tiện cho công tác và sản xuất ở địa phương. Đặc biệt ở Thanh Hóa, có nơi khai mạc từ 3 giờ sáng theo yêu cầu của cử tri là ngư dân muốn đi đánh cá sớm.
Các phòng bỏ phiếu nói chung đều được trang trí đường hoàng, đẹp đẽ. Các hòm phiếu đều được niêm phong cẩn thận. Trật tự trong lúc bỏ phiếu rất tốt.
Nhiệt tình của nhân dân thể hiện rất cao trong lúc tham gia bầu cử. Ba, bốn tiếng đồng hồ sau khi bắt đầu, đã có 80, 90% cử tri đi bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bầu trên toàn miền Bắc đạt 98,26%. Thái Bình đạt tỷ lệ cao nhất với 99,72% và Lạng Sơn là tỉnh đạt tỷ lệ thấp nhất cũng được 93,89%. Một số huyện và nhiều xã đạt 100%. Phiếu bầu rất tập trung. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều dẫn đầu về tỷ lệ phiếu bầu ở các đơn vị bầu cử. Không đơn vị nào phải bầu thêm hoặc bầu lại.
Việc kiểm phiếu ở các tổ, việc lập biên bản ghi kết quả bầu cử ở 85 đơn vị, việc tổng kết cuộc bầu cử ở Trung ương đều được tiến hành đúng theo luật định và với tinh thần tích cực, khẩn trương, Tuy nhiên, vì giao thông liên lạc ở các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, cho nên đến 21-4-1975 Hội đồng bầu cử mới nhận được tất cả các biên bản bầu cử. Kết quả bầu cử ở từng địa phương đã được lần lượt công bố trên báo chí và Đài tiếng nói Việt Nam từ ngày 09-4 đến ngày 22-4-1975.
Về tổng số đại biểu Quốc hội khóa V, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định là 425 người. Nhưng gần sát ngày bầu cử, ở Bắc Thái có một đồng chí, vì điều kiện riêng, xin rút đơn ứng cử. Việc rút đơn đột ngột này dẫn đến việc Bắc Thái, là nơi giới thiệu danh sách tròn, phải bầu hụt một đại biểu và yêu cầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho miễn bầu bổ sung. Sau khi hỏi ý kiến Hội đồng bầu cử Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Bắc Thái. Vì vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa V hiện nay là 424 người.
Ngày 25-4-1975, Hội đồng bầu cử Trung ương đã ra thông
cáo chính thức về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V như sau:
- Tổng số đơn vị bầu cử được quy định là 85
- Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 424
- Tổng số người ứng cử là 527
- Tỷ lệ tổng số cử tri đã đi bầu so với tổng số cử tri ghi trong danh sách là 98,26%
- Tỷ lệ tổng số phiếu hợp lệ so với tổng số phiếu bầu là 99,00%
- Tỷ lệ số phiếu không hợp lệ so với tổng số phiếu bầu là 0,93%
- Tỷ lệ số phiếu trắng so với tổng số phiếu bầu là 0,06%
- Tổng số đại biểu trúng cử là 424
Trong số đại biểu trúng cử có:
- 93 đại biểu là công nhân,
- 90 đại biểu là nông dân tập thể,
- 93 đại biểu là trí thức xã hội chủ nghĩa,
- 28 đại biểu là quân nhân,
- 7 đại biểu làm nghề thủ công,
- 8 đại biểu là người lãnh đạo tôn giáo (đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài),
- 137 đại biểu nữ,
- 142 đại biểu từ 21 đến 35 tuổi,
- 71 đại biểu người dân tộc thiểu số,
- 27 đại biểu là Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tất cả các người trúng cử đều do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu, trong đó có một vị đại biểu cao tuổi nhất là 87 tuổi, một vị đại biểu trẻ tuổi nhất là 21 tuổi.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Qua những nét lớn về tình hình và kết quả nêu trên đây, chúng ta có thể nói là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.
Trong bản thông cáo ngày 25-4-1975, Hội đồng bầu cử đã nhận định:
“1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V ở tất cả các địa phương đã được tiến hành đúng luật pháp. Quyền dân chủ cơ bản của nhân dân và quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã thật sự được tôn trọng.
“Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở trung ương cũng như địa phương đã làm tốt việc hiệp thương để giới thiệu người ra ứng cử.
“Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã tích cực giúp đỡ các Ban bầu cử và các Tổ bầu cử hoạt động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân sử dụng đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử của mình.
“Các cán bộ làm công tác bầu cử từ trung ương đến cơ sở đều
có tinh thần trách nhiệm và đã chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ bầu cử.
“Việc tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do và đúng pháp luật.
“2. Toàn dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc bầu cử. Việc ghi danh sách cử tri ở tất cả các địa phương đều đúng luật định. Tuyệt đại đa số cử tri đã đi bầu và đã hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn những người mà mình cho là xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
“3. Ở tất cả các đơn vị bầu cử, số người đi bầu đều quá nửa số cử tri ghi trong danh sách. Những người trúng cử đều do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu và được bầu với số phiếu rất cao. Không có đơn vị nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.
“Kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V, một lần nữa, chứng minh hùng hồn sự nhất trí cao về chính trị và tinh thần của xã hội nước ta; nói lên lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và sự tín nhiệm hoàn toàn của nhân dân ta đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Nhận định trên đây của Hội đồng bầu cử là hoàn toàn chính xác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn nhất trí với nhận định đó.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V; nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trên toàn miền Bắc; nhiệt liệt hoan nghênh sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp; nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần tận tụy với nhiệm vụ của các cán bộ làm công tác bầu cử từ trung ương đến cơ sở.
Sau đây, chúng tôi xin trình danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa V đã được Hội đồng bầu cử chính thức xác nhận. Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao danh sách này và toàn bộ hồ sơ về cuộc bầu cử cho Uỷ ban Thẩm tra tư cách đại biểu thẩm tra lại để trình Quốc hội xét và quyết định.