VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP IV 1971 - 1976

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA V (1)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian từ sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa V (tháng 6 năm 1975 đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 8 lần, thông qua 64 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.

Sau đây, chúng tôi xin báo cáo về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của các Uỷ ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội.

I- VỀ HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ
THỐNG NHẤT TỔ QUỐC

Ngày 27 tháng 10 năm 1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày chủ trương hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, và nghe Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày đề án về những biện pháp cụ thể để thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành đề nghị của Chính phủ và của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, và quyết định thành lập một đoàn đại biểu miền Bắc để hiệp thương với Đoàn đại biểu miền Nam, nhằm tiến tới thực hiện Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu ra Quốc hội và các cơ quan lãnh đạo nhà nước chung của nước Việt Nam thống nhất.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo riêng trình Quốc hội xét.

II- VỀ CÔNG TÁC PHÁP LUẬT

Ngày 04 tháng 8 năm 1975, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà cố gắng sửa chữa, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và năm lịch sử đánh dấu chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

III- VỀ TỔ CHỨC CỦA NHÀ NƯỚC

Ngày 20 tháng 8 năm 1975, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Tổng cục Dầu, khí Việt Nam) trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

IV- VỀ KHEN THƯỞNG
VÀ TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu Anh hùng và tặng thưởng Huân chương các loại cho nhiều địa phương, đơn vị và bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức, và chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em:

- Tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 59 đơn vị và 6 cá nhân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

- Tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 3 chuyên gia Liên Xô đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc giúp Chính phủ ta giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng
của Người.

- Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho các lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc.

- Truy tặng Huân chương Độc lập cho một cán bộ cao cấp đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Tặng thưởng Huân chương Quân công cho 2 đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều thành tích về chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

- Tặng thưởng Huân chương Chiến công cho 23 đơn vị và 1.884 cán bộ và chiến sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang, bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân công, đã có nhiều thành tích về chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

- Tặng thưởng Huân chương Chiến thắng cho 3 cán bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Tặng thưởng Huân chương Lao động cho 300 đơn vị và 11 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác trong năm 1974.

- Tặng thưởng Huân chương Kháng chiến cho 1.002 gia đình đã có nhiều người tham gia các lực lượng vũ trang chống Mỹ, cứu nước.

- Tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho nhiều cán bộ và chiến sĩ đã có nhiều thành tích phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân vũ trang.

- Tặng thưởng 106 Huân chương Lao động và 4 Huân chương Kháng chiến cho các đơn vị chuyên gia, cán bộ, sĩ quan và công nhân viên của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đã có công giúp Chính phủ và nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

V- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
VÀ THƯ DÂN NGUYỆN CỦA NHÂN DÂN

Từ sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa V đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 2.649 đơn khiếu nại, tố cáo và thư góp ý kiến, đề đạt nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, và đã tiếp 539 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc. Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được trên 50 thư và đơn của cán bộ và đồng bào ở miền Nam.

Số thư yêu cầu và đề đạt nguyện vọng thường đề cập những vấn đề như: xin ân giảm, ân xá; xin công việc làm, xin thuê nhà ở, xin đăng ký hộ khẩu; xin trợ cấp khó khăn; xin chuyển công tác về quê ở miền Nam, v.v..

Các đơn tố cáo đề cập tình hình một số cán bộ thoái hóa, mất phẩm chất, đạo đức cách mạng, biểu hiện như: tham ô công quỹ; ăn hối lộ; hủ hóa, dâm ô, khai man lý lịch, lấy vợ lẽ ở miền Bắc phụ bạc vợ chính thức ở miền Nam, lấn chiếm ruộng đất, độc đoán chuyên quyền, bao che, khám nhà bắt người, giam người, tịch thu tài sản trái pháp luật…

Các đơn khiếu nại bao gồm các vấn đề: bị thi hành kỷ luật oan, sai; bị đánh trói, bị giam giữ lâu ngày không xét xử; cơ quan và địa phương thi hành sai chính sách đối với các thương binh, gia đình bộ đội và gia đình liệt sĩ; giải quyết thiếu khẩn trương và không kịp thời các vụ tranh chấp nhà ở, v.v..

Cho đến nay, tình trạng các cơ quan và địa phương ít quan tâm đến việc giải quyết khiếu tố của nhân dân vẫn còn nặng. Có nhiều người đã gửi rất nhiều đơn khiếu tố, nhưng vẫn không được xét, có trường hợp đương sự còn bị truy trù, trả thù. Có cán bộ tự thấy mình có sai lầm trong việc giải quyết đơn của nhân dân, nhưng không chịu sửa vì sợ mất uy tín cá nhân. Số đơn khiếu tố ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ số đơn được giải quyết rất thấp, chỉ khoảng 10% mỗi năm. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhân dân và đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.

Một lần nữa, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan nhà nước và các địa phương hãy quan tâm đúng mức đến công tác xét và giải quyết đơn từ của cán bộ và nhân dân. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội có sự chú ý thích đáng sử dụng chức năng của người đại biểu Quốc hội, bàn bạc, nhắc nhở thúc đẩy các cơ quan nghiêm chỉnh thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tích cực giải quyết những yêu cầu và khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ xúc tiến việc hoàn thành dự thảo pháp lệnh quy định trách nhiệm về việc xét, giải quyết các đơn khiếu tố của nhân dân.

VI- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ luôn luôn có quan hệ mật thiết. Những nghị quyết, nghị định, chỉ thị, các thông báo thường kỳ về các mặt hoạt động của Chính phủ được gửi đều đặn đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đại diện Hội đồng Chính phủ thường xuyên tham dự các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

1. Ngày 04 tháng 8 năm 1975, đại diện Hội đồng Chính phủ đã báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Ngày 27 tháng 10 năm 1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, tạo điều kiện để nhanh chóng hoàn thành thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thể theo nguyện vọng tha thiết của đồng bào ta.

VII- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn giữ quan hệ mật thiết với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đại diện của hai cơ quan nói trên thường xuyên tham dự các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định một số vấn đề về công tác xét xử của ngành Tòa án.

Tại kỳ họp này, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo riêng về công tác của ngành mình trước Quốc hội.

VIII- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI

Nhận lời mời của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một Đoàn đại biểu nghị sĩ Ấn Độ do ông G.S. Đilơn, Chủ tịch Hạ nghị viện Ấn Độ, Chủ tịch Liên minh Quốc hội các nước, làm Trưởng đoàn, đã thăm hữu nghị chính thức nước ta, từ ngày 23 tháng 6 đến ngày 01 tháng 7 năm 1975.

Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã thân mật tiếp Đoàn. Đoàn đã tọa đàm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đi thăm một số cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục và một số nơi khác ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Cuộc đi thăm của Đoàn ở nước ta đã thu được kết quả tốt đẹp, góp phần vào việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Ấn Độ. Đoàn rất cảm kích trước sự đón tiếp trọng thể, nhiệt tình của cán bộ và nhân dân các nơi Đoàn đến thăm, được các đồng chí lãnh đạo Nhà nước tiếp thân mật; đặc biệt trong lúc tình hình chính trị ở Ấn Độ đang có sự phức tạp, việc Đoàn đón tiếp trọng thể, nhiệt tình, nói lên sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân ta đối với Chính phủ của bà Thủ tướng Ganđi, làm cho Đoàn rất phấn khởi.

IX- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Sau khi được Quốc hội khóa V bầu ra, các Uỷ ban của Quốc hội đã họp để bàn chức năng, nhiệm vụ và cách làm việc của Uỷ ban; cử Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban.

Dưới đây là danh sách Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban do các Uỷ ban đã bầu ra:

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dự án pháp luật: Trương Tấn Phát

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách: Đoàn Trọng Truyến

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: Lâm Phái

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội: Trần Đình Thọ và Nguyễn Cao Luyện

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại: Trần Đình Tri.

Các Uỷ ban còn có sinh hoạt và hoạt động sau đây:

Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội

Đã họp để thảo luận về nhiệm vụ hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội

Đã họp để:

- Nghe thông báo về tình hình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ở các vùng đồng bào dân tộc, chú trọng chính sách đối với đồng bào vùng rẻo cao;

- Nghiên cứu phương hướng công tác dân tộc năm 1976, đề xuất bổ sung một số chính sách đối với đồng bào đã định canh định cư, đồng bào và cán bộ miền xuôi đi xây dựng khu kinh tế mới ở vùng núi.

Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội

Đã họp để:

- Thẩm tra  quyết toán ngân sách nhà nước năm 1974;

- Thẩm tra  dự toán ngân sách nhà nước năm 1976;

- Thẩm tra dự án kế hoạch nhà nước năm 1976;

Uỷ ban đã chuẩn bị những ý kiến để thuyết trình về các vấn đề nói trên trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa V.

Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội

Đã họp nhiều lần để bàn về nhiệm vụ của Uỷ ban, về nhiệm vụ công tác đối ngoại hiện nay và để nhận định về tình hình quốc tế.

X- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa V, các đại biểu Quốc hội các địa phương đã có kế hoạch phân công kịp thời đi báo cáo rộng rãi về kỳ họp tại các cơ sở, đơn vị bầu cử. Nhiều đại biểu công tác ở trung ương đã dành thì giờ về các địa phương báo cáo và tiếp xúc với cử tri.

Trong những dịp lễ mừng Chiến thắng và lễ Quốc khánh, một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức đi thăm một số xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã, trường học, đơn vị bộ đội, trại an dưỡng, gia đình anh hùng, thương binh, liệt sĩ, đồng bào tôn giáo… Qua tiếp xúc, các Đoàn đã thu thập những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban hành chính tỉnh, góp ý kiến với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải quyết.

Phần lớn các đại biểu đều có tham dự các cuộc họp Hội đồng nhân dân địa phương. Và nhân dịp về họp Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội thường tổ chức họp Đoàn để thảo luận về công tác của Đoàn.

Một số ít đại biểu đã cùng chính quyền và cơ quan hữu quan theo dõi, đôn đốc giải quyết các đơn khiếu tố của nhân dân do Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển về.

Sau cơn bão số 5 và những trận lũ lụt tiếp theo, nhiều Đoàn đại biểu như đoàn Nam Hà, Thanh Hóa, v.v., đã kịp thời cùng với Uỷ ban Hành chính tỉnh và các ngành, tổ chức đi thăm hỏi động viên đồng bào và tích cực tìm mọi biện pháp khắc phục những hậu quả của bão, lụt.

Những hoạt động trên đây của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu đã có tác dụng góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu Quốc hội, giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, và nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân.

*

*     *

Trên đây là tình hình về các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong thời gian từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa V đến nay.

Xin báo cáo để Quốc hội biết.


 

1. Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, không trình bày tại kỳ họp Quốc hội (BT).

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.