Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã nghiên cứu các bản báo cáo của Chính phủ về dự án kế hoạch nhà nước năm 1976, dự án ngân sách nhà nước năm 1976 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 1974.
Chúng tôi xin trình bày với Quốc hội những ý kiến của Uỷ ban chúng tôi về những vấn đề nói trên.
I- VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1975 VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1975
Uỷ ban chúng tôi nhất trí với sự đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975 và ngân sách nhà nước năm 1975.
Năm 1975, miền Bắc đã huy động một lực lượng rất lớn nhân, tài, vật lực phục vụ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau giải phóng, miền Bắc lại cùng miền Nam tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách do hậu quả của chế độ thực dân kiểu mới và chiến tranh để lại.
Trong hoàn cảnh đó ở miền Bắc, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ khá.
Thu và chi ngân sách nhà nước đều đạt xấp xỉ dự toán, ngân sách nhà nước thăng bằng.
Đời sống của nhân dân, nhất là của công nhân, viên chức, mấy tháng cuối năm được giải quyết tốt hơn so với đầu năm, tiêu chuẩn cung cấp một số nhu yếu phẩm được tăng thêm.
Đó là một thắng lợi rất lớn, chứng minh sự nỗ lực mạnh mẽ của quân và dân ta trên hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng hoàn toàn đất nước.
Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà quân và dân ta đã đạt được trong năm 1975.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975 cũng còn nhiều mặt yếu và kém.
Uỷ ban chúng tôi đồng ý những nhận xét nêu trong báo cáo của Chính phủ và xin nhấn mạnh hai điểm:
1. Một số yêu cầu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng chưa đạt được hoàn toàn, công tác quản lý kinh tế chưa được vào nền nếp, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội chưa xóa bỏ được nhiều.
2. Một số chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch, nhất là sản xuất lương thực và đầu tư xây dựng cơ bản, ảnh hưởng không tốt đến các năm sau. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như năng suất lao động, giá thành, chất lượng sản phẩm tiến bộ chậm, và nói chung chưa đạt được mức những năm cao nhất trước chiến tranh.
Đó là những vấn đề mà kế hoạch năm 1976 và công tác tổ chức quản lý trong thời gian tới phải giải quyết.
II- VỀ DỰ ÁN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1976
Uỷ ban chúng tôi nhất trí với phương hướng nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1976, và xin lưu ý một số điểm sau đây:
1. Năm 1976 là năm đầu của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980. Cần sớm xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm: đi đôi với việc tiếp tục khắc phục những hậu quả của chiến tranh, ổn định các mặt đời sống xã hội, nhất là về mặt kinh tế, cần phải tập trung sức xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nền kinh tế, tạo điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế của cả nước, nhất là sau khi nước nhà được thống nhất về mặt Nhà nước. Muốn vậy, điều trước tiên là cần phải sớm xúc tiến việc điều tra cơ bản, khảo sát, quy hoạch, v.v., để trên cơ sở đó bố trí và xây dựng một cơ cấu kinh tế quốc dân hợp lý theo đúng đường lối phát triển kinh tế của Đảng. Việc quán triệt đường lối ấy vào dự án kế hoạch 1976 tập trung vào hai vấn đề lớn: kế hoạch phân bổ vốn đầu tư và kế hoạch phân bổ sức lao động xã hội, đúng hướng và thích đáng vào các ngành và các vùng khác nhau, nhằm khai thác tốt những tài nguyên của đất nước, sử dụng lực lượng lao động xã hội, phát huy nhanh chóng thế mạnh của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp nhẹ, và thế mạnh của các vùng khác nhau; đồng thời dành lực lượng thích đáng cho những cơ sở công nghiệp nặng, trước tiên là những cơ sở công nghiệp nặng phục vụ cho nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến hướng đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp, đầu tư cho những vùng kinh tế mới có khả năng mang lại hiệu quả nhanh, đầu tư cho những ngành và những vùng có khả năng thu hút được nhiều lực lượng lao động, đầu tư cho những ngành sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư vào việc hoàn chỉnh, bổ sung làm cho đồng bộ hơn thiết bị máy móc và tổ chức sản xuất để phát huy tốt hơn công suất hiện có. Dĩ nhiên, đề nghị ấy không trái với hướng đầu tư theo đường lối chung là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, và đầu tư xây dựng mới vẫn chiếm phần vốn lớn nhất.
Uỷ ban chúng tôi cũng xin đề nghị chú ý hơn nữa đầu tư cho kết cấu hạ tầng (kho tàng, bến bãi, nhà ở, v.v..) cho sản xuất, cho thương nghiệp và cho đời sống, đặc biệt là ở những khu công nghiệp tập trung và những khu kinh tế mới.
Để khắc phục những lãng phí nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư, cần cải tiến một cách cơ bản, nhưng từng bước vững chắc toàn bộ chế độ quản lý xây dựng cơ bản từ khâu kế hoạch đầu tư, chuẩn bị đầu tư, kế hoạch xây dựng, bảo đảm cân đối, nhất là cân đối vật liệu xây dựng, và cải tiến các tổ chức của ngành xây dựng. Cần thay đổi chế độ cấp phát xây dựng cơ bản là xây dựng giá dự toán ổn định và có căn cứ vững chắc; chỉ cấp phát theo giá trị sử dụng của các công trình, thanh toán theo khối lượng các công trình đã thực hiện và đưa vào sản xuất theo kế hoạch, kiên quyết xóa bỏ từng bước lối thanh toán theo thực chi thực thanh.
2. Trong công nghiệp nặng hiện nay ngành Điện là ngành cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Những năm vừa qua do không cân đối về mạng lưới tải điện, do việc tổ chức cung cấp than cho ngành điện không tốt; do việc bố trí phân phối điện cho các nơi tiêu thụ chưa hợp lý, v.v., nên điện vốn đã thiếu càng thêm thiếu nhiều, ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch sản xuất công, nông nghiệp và kế hoạch xây dựng.
Để nhanh chóng tăng thêm nguồn điện, Uỷ ban chúng tôi đề nghị:
- Tập trung sức đẩy mạnh xây dựng đường dây, trạm biến thế, chấn chỉnh và cải tiến việc vận hành.
- Đẩy mạnh tốc độ khôi phục và xây dựng các nhà máy điện đang xây dựng để sớm đưa vào sản xuất. Bắt tay ngay vào việc chuẩn bị để xây dựng một số nhà máy điện lớn.
- Trước mắt cần phải điều hòa máy điêden để phục vụ kịp thời cho sản xuất.
- Cung cấp than cho ngành điện phải đúng tiêu chuẩn thiết kế.
- Gấp rút xây dựng đường dây cho những nơi hiện thiếu điện nghiêm trọng: đường Thanh Hóa, Vinh; nhà máy cán thép Gia Sàng ở Thái Nguyên, nhà máy phân đạm ở Hà Bắc…
Ngành Cơ khí cần được chú ý phát triển nhanh hơn nữa. Trong kế hoạch 5 năm tới, phải vừa hết sức xem trọng việc xây dựng mới đưa một số nhà máy cơ khí mới vào sản xuất; mặt khác phải phát huy công suất theo thiết kế và các năng lực chế tạo hiện có của các nhà máy đã xây dựng. Trước mắt, phải chế tạo các loại máy kéo, máy bơm cỡ lớn, tàu đánh cá, thiết bị để sản xuất gạch ngói v.v. nhằm phục vụ tốt cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp v.v..
Uỷ ban chúng tôi cho rằng, hiện nay phải kiên quyết tổ chức lại toàn ngành cơ khí theo nguyên tắc chuyên môn hóa, hợp tác, liên hợp sản xuất thì mới phát huy tốt năng lực hiện có. Với phương hướng, quy hoạch đúng đắn, Uỷ ban chúng tôi cho rằng nên nghiên cứu tăng tỷ lệ đầu tư vốn cho ngành cơ khí hơn nữa, và nếu năm 1976 chưa có điều kiện làm được thì cũng phải ráo riết chuẩn bị cho kế hoạch những năm sau trong toàn bộ kế hoạch 5 năm 1976 - 1980.
Theo chỉ tiêu dự kiến về công cụ cải tiến thì còn thiếu nhiều (khoảng 1/3 nhu cầu). Uỷ ban chúng tôi đề nghị xét nâng cao chỉ tiêu này, bằng mọi cách tổ chức sản xuất và cung cấp đủ công cụ cải tiến cho người lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, v.v..
3. Vấn đề sản xuất lương thực, trong kế hoạch năm 1976 sản xuất lương thực có một vị trí cực kỳ quan trọng, muốn đạt được mục tiêu về sản xuất lương thực bao gồm cả thóc và màu, phải có các biện pháp rất tích cực nhằm bảo đảm các chỉ tiêu đã đề ra. Uỷ ban chúng tôi đề nghị:
- Đẩy mạnh việc hoàn chỉnh thủy nông, chỉ tính là hoàn thành khối lượng sau khi nghiệm thu, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm công suất và hiệu ích của công trình.
- Cung cấp đủ điện và các máy bơm cỡ lớn cho nông nghiệp đủ sức tiêu nước trong lúc gặp thiên tai, ghi thành chỉ tiêu pháp lệnh cho các Bộ cung cấp, và cho các Uỷ ban hành chính tỉnh.
- Tổ chức tốt hệ thống nghiên cứu, phổ biến và cung cấp giống tốt (các loại giống cây, con) cho các hợp tác xã và nông trường; tăng cường đầu tư cho khâu giống và có chính sách khuyến khích mạnh mẽ việc sản xuất giống tốt.
- Nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện các mặt để đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp, làm thử để rút kinh nghiệm ở một số huyện đồng bằng, trung du, và vùng kinh tế mới.
Trong vấn đề lương thực, vấn đề sản xuất màu và công nghiệp chế biến màu có một vị trí rất quan trọng. Phải tập trung chú ý chế biến lương thực và thực phẩm, đặc biệt chú ý chế biến màu. Đây là một thiếu sót đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn, và hiện đang là một trong những nguyên nhân quan trọng hạn chế việc phát triển hoa màu. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm và chỉ đạo, đôn đốc những cơ quan có liên quan tới các khâu trồng trọt, chế biến, thu mua, vận chuyển, giá cả, tiêu thụ, v.v..
Trên tinh thần đó Uỷ ban chúng tôi đề nghị Chính phủ phải sớm quy hoạch những vùng trồng màu tập trung, kế hoạch nhà nước phải ghi rõ các chỉ tiêu pháp lệnh giao cho Bộ và các Uỷ ban hành chính tỉnh, xác định rõ không những chỉ tiêu pháp lệnh về sản xuất màu, mà cả chỉ tiêu pháp lệnh về thu mua, về chế biến màu, và phải định rõ các biện pháp chính sách, tổ chức.
4. Trong lâm nghiệp, việc thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước về vấn đề trồng rừng, vấn đề giao rừng và đất rừng cho hợp tác xã kinh doanh theo kế hoạch thống nhất của Nhà nước rất chậm chạp. Đó là một nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự trì trệ trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng.
Uỷ ban chúng tôi đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Tổng cục Lâm nghiệp và các cấp chính quyền địa phương tích cực và nghiêm chỉnh thi hành nghị quyết. Chúng tôi cũng đề nghị xét lại chỉ tiêu trồng rừng trên tinh thần mạnh dạn nâng cao chỉ tiêu trồng rừng của hợp tác xã và nhân dân, và đôn đốc các cơ quan hữu quan chỉ đạo xây dựng hợp tác xã nông, lâm nghiệp ở miền núi.
5. Giao thông vận tải có tầm quan trọng đặc biệt trong toàn bộ kết cấu hạ tầng cho sản xuất.
Năm vừa qua ngành Vận tải đã đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển cho chiến đấu, nhưng vận tải cho sản xuất và đời sống còn quá yếu so với nhu cầu. Nhiều xí nghiệp và địa phương đều nhất trí phản ánh do giao thông vận tải yếu nên đã phá vỡ nhiều mặt cân đối của kế hoạch sản xuất và lưu thông. Uỷ ban chúng tôi đề nghị:
- Sắp xếp lại mạng lưới và hệ thống tổ chức vận tải cho phù hợp với tình hình, bảo đảm vận tải cho sản xuất và đời sống ở từng vùng và cho nền kinh tế chung; tổ chức tốt việc vận tải liên vận, phục vụ đi lại của nhân dân được nhanh chóng, thuận tiện.
- Tăng cường năng lực vận tải giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, và có thể trong thực tế nhu cầu sẽ còn cao hơn chỉ tiêu ấy.
- Tổ chức tốt hơn việc vận tải cho miền núi, và cho khu 4 cũ, từ Nghệ Tĩnh đến Bình Trị Thiên.
- Thực hiện cân đối giữa vận tải với bốc xếp, xem bốc xếp là khâu rất yếu hiện nay đang trở ngại lớn, cân đối giữa vận tải với sửa chữa, và cân đối các phương tiện vận tải chuyên dùng.
- Đặt nhiệm vụ cho Bộ Giao thông - Vận tải phấn đấu trở lại các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật trước chiến tranh và nâng cao hệ số sử dụng các năng lực vận tải hiện có.
6. Về khoa học - kỹ thuật
Uỷ ban chúng tôi tán thành rằng trong dự án kế hoạch nhà nước có dành một mục quan trọng trong phần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Đó là một bộ phận cực kỳ quan trọng của kế hoạch nhà nước, một nhân tố quan trọng của việc tăng năng suất lao động.
Trong đời sống kinh tế của ta, có thể nói có vô số công việc rất cần thiết và hoàn toàn có khả năng cải tiến kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - kỹ thuật có rất nhiều việc phải làm. Số kinh phí ta dành cho công việc này chưa phải nhiều so với yêu cầu. Tuy nhiên, kết quả sử dụng các kinh phí này hằng năm còn rất thấp, hiệu quả tính bằng năng suất lao động tăng và giá thành giảm bớt, không rõ ràng. Vấn đề là tổ chức.
Uỷ ban chúng tôi đề nghị phải hết sức quan tâm việc chấn chỉnh tổ chức nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, sử dụng tốt hơn
đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật - một lực lượng không nhỏ hiện nay - gắn công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật hơn nữa với
sản xuất.
7. Vấn đề lao động
Nhà nước cần chỉ đạo chặt chẽ đối với các ngành và các cấp trong việc thực hiện chủ trương phân bố sức lao động và tuyển lựa lao động vào các cơ quan nhà nước. Uỷ ban chúng tôi xin lưu ý mấy điểm sau đây:
- Cần xúc tiến mạnh vấn đề quy hoạch các vùng kinh tế, trên cơ sở đó tổ chức việc phân bố lại lao động và dân cư đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trong vấn đề này, cần hết sức xem trọng khâu chuẩn bị, tổ chức, chăm sóc và ổn định đời sống cho dân. Chỉ tiêu đầu tư cho khu kinh tế mới phải tính toán kỹ không những cho khai hoang, sản xuất, mà cả cho việc tổ chức đời sống thì mới bảo đảm thành công.
- Để kết hợp tốt xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng trong hoàn cảnh mới về mặt phân bố và sử dụng lực lượng lao động xã hội, đề nghị chú ý tổ chức tốt việc các đơn vị quân đội tham gia xây dựng kinh tế.
- Phải hạn chế hơn nữa việc tăng biên chế hành chính nhà nước. Đề nghị xét lại chỉ tiêu tăng biên chế hành chính trong dự án kế hoạch, vì nó vẫn cho phép tăng biên chế theo tốc độ của những năm trước, và như vậy là chưa có chuyển biến và cải tiến gì đáng kể trong việc tinh giản bộ máy hành chính nhà nước.
- Phải chú trọng cải tiến việc phân phối lương thực ở nông thôn hiện nay làm sao cho nó không gây trở ngại mà lại thúc đẩy sự phân công lao động mới, phân bố sức lao động trong nông nghiệp vào các ngành nghề mới như lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, v.v..
- Đề nghị các cơ quan nhà nước và xí nghiệp quyết tâm sắp xếp lại tổ chức trong xí nghiệp, đưa số người mất sức lao động và không có năng lực sản xuất ra khỏi dây chuyền sản xuất bằng cách tổ chức đưa họ đi điều dưỡng, nếu không thì không cải tiến được tổ chức lao động và tăng năng suất lao động.
8. Vấn đề đời sống
Uỷ ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với phương hướng, mục tiêu và cải thiện đời sống nhân dân mà Chính phủ đã nêu trong dự án kế hoạch nhà nước năm 1976. Đối tượng cần quan tâm trước tiên phải là những người lao động trong lĩnh vực sản xuất, làm việc nặng nhọc và có tính chất độc hại.
Trước mắt, Uỷ ban chúng tôi đề nghị tập trung giải quyết hai vấn đề cơ bản là ăn và ở.
Về ăn: Yêu cầu bảo đảm mức cung cấp các loại thực phẩm chính cho công nhân viên chức đủ tiêu chuẩn hàng tháng là 18 đồng một người. Việc cung cấp này phải được bảo đảm đều hàng tháng và đều khắp các địa phương (không phải chỉ có ở các thành phố lớn). Cần bảo đảm cung cấp đủ tiêu chuẩn hiện vật để bồi dưỡng tại chỗ cho công nhân.
Phải tăng cường hơn nữa việc bán một số thực phẩm (nước mắm, cá, mì chính…) cho nông dân, nhất là các vùng rẻo cao. Chú ý phục vụ trong dịp chuẩn bị mùa màng.
Về ở: Yêu cầu chú ý đầu tư thích đáng vào việc xây dựng nhà ở cho các thành phố, cho những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng, và cho những khu công nghiệp mới, những khu kinh tế mới. Với chỉ tiêu nêu trong dự án kế hoạch hiện nay, và với tốc độ xây dựng trong những năm qua (hầu như không năm nào hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà ở), Uỷ ban chúng tôi e rằng sẽ rất chậm giải quyết được vấn đề nhà ở ở thành phố và khu công nghiệp, và sẽ không bảo đảm điều kiện cho việc đưa dân lên xây dựng những vùng kinh tế mới một cách có kết quả.
Ngoài hai vấn đề lớn là ăn và ở, đề nghị giải quyết một số vấn đề bức thiết liên quan đến cuộc sống bình thường của nhân dân.
- Cần dành một số vật tư để sản xuất đồ dùng gia đình bán cho nhân dân, công nhân, viên chức (giường, bàn, ghế, tủ v.v..).
- Chú ý bảo đảm chế độ thuốc men bồi dưỡng sức khỏe cho những người lao động nói chung, đặc biệt đối với những người làm lao động nặng nhọc, có tính chất độc hại.
- Chú ý tăng cường sự phối hợp giữa kiểm tra và thanh tra của các cơ quan nhà nước với kiểm tra của quần chúng thông qua các tổ chức và đoàn thể nhân dân, đặc biệt chú ý kiểm tra các ngành, các cơ sở phục vụ đời sống. Kinh nghiệm năm vừa qua cho thấy một số nơi làm có kết quả tốt, nhưng cũng còn rất hạn chế, và nhất là việc xử lý không nghiêm minh, không dứt khoát, cho nên phát hiện khuyết điểm thì được nhiều, nhưng chuyển biến tình hình thì chậm. Cần chú trọng các biện pháp tổ chức, chỉnh đốn, và cải tiến các ngành phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ngành thương nghiệp, y tế, vận tải hành khách… Kiên quyết khắc phục tệ nạn cửa quyền, tham ô, móc ngoặc trong các ngành phục vụ; giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng các đơn khiếu nại của dân.
9. Một số vấn đề chính sách
a) Vấn đề tiền lương: Trong việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1976, phải vận dụng tốt hơn nữa quy luật phân phối theo lao động, phải làm cho tiền lương thực sự trở thành đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển ngay trong năm 1976. Về vấn đề này, Uỷ ban chúng tôi xin đề nghị:
- Tăng lương và cải tiến tiền lương phải gắn chặt với tăng năng suất lao động, tăng lương chủ yếu cho những người có năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, tăng lương phải gắn liền với việc tăng cường quản lý lao động, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong tổ chức lao động và thù lao lao động.
- Tăng lương phải đi đôi với ổn định giá cả, đấu tranh giảm giá thị trường tự do.
Phần cung cấp và nửa cung cấp hiện nay có tính chất tiền lương, nên chuyển dần vào lương (tức là bỏ chế độ cung cấp và nửa cung cấp trong tiền lương), nhưng phần này phải tính riêng, không gồm trong số tiền tăng quỹ lương dự trù trong kế hoạch nhà nước năm 1976.
b) Về chính sách lương thực, Uỷ ban chúng tôi đề nghị:
- Nghiên cứu sớm ban hành chính sách mới ổn định nghĩa vụ và thu mua về lương thực, về thịt lợn (chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực ban hành kỳ trước đã hết hạn năm 1974).
- Quan tâm đến mức ăn của nông dân trong tình hình mới, mức ăn bình quân như hiện nay của nhiều hợp tác xã nói chung còn thấp, và cách phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã còn mang tính chất bình quân, hạn chế tính tích cực của người sản xuất.
c) Vấn đề giá: Giá là một vấn đề tổng hợp, có mối quan hệ rộng, rất phức tạp. Hiện có nhiều ngành, nhiều địa phương phản ánh: có nhiều loại nông sản định giá chưa thích hợp, kém tác dụng khuyến khích sản xuất. Uỷ ban chúng tôi đề nghị:
- Phải có sự tổng kết đánh giá lại toàn bộ chính sách giá. Nghiên cứu lại chính sách giá mua lương thực (thóc, màu) thịt lợn (đồng thời với chính sách giá bán lẻ và vấn đề cải tiến chế độ tiền lương).
- Điều chỉnh ngay một số giá trở nên không hợp lý do nâng giá than và gỗ, như giá các loại nông cụ làm bằng gỗ, giá vôi, gạch, giá các loại thuyền đánh cá và ngư cụ, v.v..
- Định giá hàng xuất khẩu có tác dụng khuyến khích rõ rệt sản xuất các mặt hàng xuất khẩu hơn nữa.
- Bảo đảm chất lượng hàng hóa, sớm phục hồi chất lượng hàng hóa đã đạt được, vì một hàng hóa chất lượng kém hơn hẳn trước mà vẫn bán giá như cũ thực tế là một cách tăng giá.
d) Vấn đề xuất khẩu:
Đây cũng là vấn đề mấu chốt của kế hoạch năm 1976. Phải có sự chuyển biến rất mạnh về vấn đề xuất khẩu. Hiện nay, xuất còn quá ít so với nhập, nên không cân đối được ngoại tệ.
Để tăng nhiều nguồn hàng xuất khẩu, tăng khối lượng và chất lượng hàng xuất khẩu, Uỷ ban chúng tôi đề nghị:
- Các chỉ tiêu kế hoạch về hàng xuất khẩu và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng xuất khẩu giao cho các Bộ và các xí nghiệp phải được coi là chỉ tiêu pháp lệnh.
- Nghiên cứu điều chỉnh giá thu mua một số loại hàng xuất khẩu.
- Thi hành chính sách trợ cấp, hoặc tiền thưởng cho xuất khẩu, chính sách khen thưởng cho xí nghiệp bằng một tỷ lệ số ngoại tệ thu được bằng xuất khẩu thuộc sở hữu của xí nghiệp.
đ) Đối với miền núi và các vùng bị chiến tranh tàn phá ác liệt:
Uỷ ban chúng tôi đề nghị trong điều kiện mới, Nhà nước cần chú ý giải quyết tốt hơn một số vấn đề trong đời sống nhân dân ở miền núi, và ở những vùng bị chiến tranh tàn phá ác liệt.
Trong chiến tranh nhiều trường học bị đánh phá. Đến nay cần gấp rút xây dựng trường sở, bảo đảm cho các cháu có chỗ học tốt.
Để nhanh chóng phát triển kinh tế, nâng cao mức sống về vật chất cũng như trình độ văn hóa của nhân dân miền núi, cần có chính sách và phương án kế hoạch đầu tư thích đáng, phát huy ba thế mạnh của miền núi; kết hợp đầu tư xây dựng vùng kinh tế mới với công tác định cư định canh; ban hành những chính sách mới về nghề rừng và tổ chức lại các lâm trường và tổ chức lâm nghiệp nói chung (hiện nay có nhiều điều bất hợp lý); cần chú ý đầu tư vào việc xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân (trường học, đường sá, bệnh viện, rạp hát) v.v., cải tiến gấp chính sách đối với cán bộ công tác ở miền núi, làm cho cán bộ yên tâm công tác lâu dài.
10. Cuối cùng, Uỷ ban chúng tôi đặc biệt lưu ý vấn đề biện pháp quản lý và tổ chức thực hiện kế hoạch.
Đây là một nhược điểm lớn trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch không phải chỉ của kế hoạch năm 1975 mà của cả nhiều năm kế hoạch trước nữa.
Hồ Chủ tịch đã từng căn dặn: “Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần thiết, nhưng đó chỉ là bước đầu, kế hoạch 10 phần, thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện phải 30 phần”.
Những vấn đề tổ chức và quản lý chủ yếu phải làm trong năm 1976 là:
a) Ổn định tổ chức sản xuất, chấn chỉnh tổ chức, làm cho tổ chức sản xuất ở một xí nghiệp, một khu công nghiệp, một hợp tác xã, một ngành, v.v., được đồng bộ, có điều kiện tương đối ổn định để bảo đảm cho sản xuất được đều đặn, không bị gián đoạn, không bị xáo trộn. Muốn vậy, phải hết sức chú trọng vấn đề bảo đảm cung cấp đủ vật tư cho xí nghiệp và hợp tác xã, và để bảo đảm vật tư, phải giải quyết 3 vấn đề chính:
- Kế hoạch phải cân đối về vật tư.
- Chỉnh đốn và cải tiến các tổ chức cung cấp vật tư, khắc phục tệ nạn quan liêu, cửa quyền, móc ngoặc…
- Bảo đảm vận tải.
b) Giải quyết một số chính sách theo yêu cầu của tình hình mới chuyển từ thời chiến sang thời bình, mà nội dung chủ yếu là thực hiện đúng đắn và mạnh dạn nguyên tắc phân phối theo lao động, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, theo khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất”, như một số chính sách mà Uỷ ban chúng tôi đã đề cập ở trên.
c) Đối tượng chủ yếu của quản lý là làm sao cho các đơn vị cơ sở (xí nghiệp, hợp tác xã) và người lao động có điều kiện tương đối ổn định cho sản xuất, tức là bảo đảm:
- Cung cấp đủ vật tư, năng lượng, công cụ…
- Cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Chấn chỉnh và cải tiến nhanh chóng và kiên quyết các ngành, các tổ chức, các cơ sở phục vụ đời sống và phục vụ nhân dân; chống cửa quyền, tham ô, móc ngoặc, chống quan liêu và tệ giấy tờ, thủ tục quá phiền phức, gây quá nhiều sự phiền nhiễu cho nhân dân, làm mất nhiều thì giờ và nhiều khi vi phạm những quyền tự do, dân chủ của dân.
- Đưa những công việc quản lý có tính chất sơ đẳng (như kiểm kê, kế toán, định mức, kỷ luật lao động…) vào nền nếp.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua của quần chúng ở cơ sở, đảm bảo điều kiện lao động, sản xuất để quần chúng lao động có thể thi đua được tốt.
- Từng bước thực hiện chế độ hạch toán kinh tế ở cơ sở.
d) Các cơ quan nhà nước Trung ương cũng như địa phương phải nhằm đối tượng là cơ sở (xí nghiệp, hợp tác xã) và người lao động mà phục vụ. Muốn vậy, phải nhanh chóng chỉnh đốn và cải tiến tổ chức bộ máy nhà nước, làm cho nó là một bộ máy có hiệu lực thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Tất cả điều nói trên đều nhằm:
- Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh và người lao động là tăng năng suất lao động, nhân tố quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước.
- Đối với cơ quan nhà nước là làm việc có hiệu suất, phục vụ tốt sản xuất và đời sống.
Uỷ ban chúng tôi đồng ý với những biện pháp tổ chức và quản lý đề ra trong báo cáo kế hoạch. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Muốn bảo đảm tổ chức thực hiện, ngoài những vấn đề chính sách và chế độ quản lý nói ở các điểm trên, chúng tôi cho rằng hai vấn đề mấu chốt phải kiên quyết thi hành.
- Một là: định rõ và thi hành nghiêm túc chế độ chức trách, chế độ trách nhiệm cá nhân, chế độ thủ trưởng và kỷ luật nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
- Hai là: vấn đề thực hiện Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 23 của Trung ương Đảng về vấn đề cán bộ.
Đó là hai vấn đề then chốt của vấn đề tổ chức mà lâu nay các cơ quan nhà nước không làm đến nơi đến chốn, cho nên nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa được thực hiện tốt, và bộ máy nhà nước trở nên kém hiệu lực.
III- VỀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1976
1. Ngân sách nhà nước năm 1976 bảo đảm thăng bằng thu chi. Uỷ ban chúng tôi cho rằng ngân sách nhà nước năm 1976 cần được thăng bằng theo hướng tích cực hơn nữa, nghĩa là phải có dự bị phí tương đối khá, vì trong bước chuyển giai đoạn của cách mạng sẽ có những khoản chi tiêu mới và đột xuất mà chưa dự kiến được hết trong dự án ngân sách.
2. Cần chú trọng hơn nữa vấn đề tăng năng suất lao động, khai thác hết khả năng và nâng cao hệ số sử dụng công suất thiết bị hiện có, thực hành tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm để tăng nguồn thu quốc doanh.
3. Bản dự án về cân đối thu chi ngoại tệ năm 1976 còn gặp nhiều khó khăn. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Chính phủ phải soát xét lại bảng cân đối ấy, tích cực tăng nguồn thu và tiết kiệm chi hơn nữa, và điều chỉnh lại một số chỉ tiêu kế hoạch nhà nước cho khớp với khả năng hiện thực và khớp với bảng cân đối thu chi ngoại tệ, bảo đảm tính hiện thực và cân đối vững chắc của kế hoạch nhà nước.
4. Nhanh chóng khắc phục tình trạng rối ren trong quản lý các tài sản ở các vùng mới giải phóng; sớm tổ chức kiểm kê và quản lý chặt chẽ tài sản đã thu được do thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đem lại; có biện pháp thanh lý vật tư và sử dụng có hiệu quả các máy móc, vật tư đưa vào sản xuất, v.v.; nghiêm khắc chống hành động tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, v.v., nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
5. Phải tăng cường sự thống nhất quản lý tài chính nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo tập trung của Nhà nước, Trung ương đối với ngân sách nhà nước. Đồng thời phải chú trọng quyền chủ động của chính quyền địa phương. Uỷ ban chúng tôi đồng ý hướng cải tiến chế độ ngân sách tỉnh, thành phố, trong giai đoạn mới, quán triệt tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ.
6. Tăng cường quản lý tiền mặt, cải tiến nhanh chóng các chính sách và nghiệp vụ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt của ngân hàng nhằm phục vụ và thúc đẩy tốt sản xuất, lưu thông, khắc phục những bệnh quan liêu, hành chính cung cấp, thủ tục giấy tờ rườm rà và gây rất nhiều trở ngại cho sản xuất, lưu thông và đời sống của nhân dân.
IV- VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1974
Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ tình hình chấp hành ngân sách nhà nước.
Năm 1974 là năm thứ hai của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, nền kinh tế của miền Bắc vẫn còn nhiều khó khăn do chiến tranh phá hoại của địch để lại. Nguồn thu, nhất là nguồn thu từ viện trợ nước ngoài bị giảm đi, trong khi đó nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến và làm nghĩa vụ quốc tế lại hết sức nặng nề. Ngân sách nhà nước năm 1974 đã được Quốc hội khóa IV thông qua trong kỳ họp thứ 4 với tổng số thu, chi thăng bằng (5.930 triệu đồng).
Uỷ ban chúng tôi đã thẩm tra bản quyết toán của Chính phủ đã trình ra Quốc hội:
- Tổng số thu quyết toán 5.984 triệu đồng, đạt 100,9% dự toán và tăng 20,5% so với năm 1973.
- Tổng số chi quyết toán 5.975,3 triệu đồng, đạt 100,7% dự toán và tăng 14,9% so với năm 1973.
- Số bội thu ngân sách nhà nước là 8,7 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bội chi 55,4 triệu đồng, ngân sách các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương bội thu 64,1 triệu đồng.
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đại biểu Quốc hội,
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Trung ương Đảng, kế hoạch nhà nước năm 1976 và ngân sách nhà nước năm 1976 đã được xây dựng với tinh thần tích cực, đã đề cập nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của kế hoạch nhà nước, nhằm đưa nền kinh tế quốc dân phát triển với tốc độ cao, vững chắc, làm tiền đề cho kế hoạch các năm sau.
Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội:
1. Thông qua phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1976.
2. Phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1976 với:
- Tổng số thu là 7.650 triệu đồng,
- Tổng số chi là 7.650 triệu đồng.
3. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 1974 với:
- Tổng số thu là 5.984 triệu đồng,
- Tổng số chi là 5.975,3 triệu đồng.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, được sự cổ vũ của kết quả Hội nghị Hiệp thương tiến tới thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, nhân dân ta sẽ biến tinh thần phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc và khí thế cách mạng thành sức mạnh vật chất, thực hiện tốt khẩu hiệu: “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”. Uỷ ban chúng tôi tin tưởng rằng kế hoạch nhà nước năm 1976 và ngân sách nhà nước năm 1976 sẽ được hoàn thành thắng lợi.