Quốc hội khóa VI (1976-1981) là Quốc hội chung của cả nước, hoạt động trong bối cảnh đất nước hòa bình, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong niềm vui lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, nhân dân ta đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, lao động sáng tạo, dũng cảm để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu. Hòa bình chưa được bao lâu, nhân dân ta đã phải đương đầu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh biên giới để bảo vệ Tổ quốc. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), nhân dân ta đã phấn đấu quên mình thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm (1976-1980), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tập 5, Văn kiện Quốc hội toàn tập bao gồm các văn kiện của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số báo cáo quan trọng của Chính phủ trình tại các kỳ họp của Quốc hội.
Quốc hội khóa VI đã họp 7 kỳ để xem xét, thông qua nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch nhà nước hàng năm, nhiệm vụ cơ bản và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước 5 năm 1976-1980; phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước và tổng quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm… Ngoài ra, Quốc hội còn thông qua các Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất; Nghị quyết phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới hành chính thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác; Nghị quyết về việc thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương…
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã tập trung trí tuệ và công sức để thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980[1]. Đây là đạo luật cơ bản của Nhà nước ta, nhằm tổng kết những thành quả cách mạng, xác định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước và nghĩa vụ của công dân…trong thời kỳ mới. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Quốc hội còn thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và một số văn bản có nội dung quy phạm pháp luật.
Trong nhiệm kỳ này, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 5 pháp lệnh: Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều, khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh; Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ; Pháp lệnh về việc xin ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình.
Trong Tập 5, cách bố cục sắp xếp văn kiện và nội dung các Bản chú thích, Bản chỉ dẫn tên người cũng giống như các Tập 1, 2, 3, 4 đã được ấn hành. Phần Phụ lục ở cuối cuốn sách, bao gồm một số tài liệu và 2 bản Danh mục Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI về công tác thi đua, khen thưởng: phong tặng Huân chương, tuyên dương Anh hùng; về công tác tư pháp: bác đơn hoặc ân giảm tội tử hình. Ngoài ra, do khối lượng lớn tham luận trình bày tại kỳ họp Quốc hội, nên bắt đầu từ Tập 5 có đăng bản Danh mục tham luận của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội.
Trong quá trình biên soạn và xuất bản Tập 5, Văn kiện Quốc hội toàn tập, Ban xây dựng bản thảo Văn kiện Quốc hội của Văn phòng Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Viện Sử học Việt Nam và một số nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong việc sưu tầm, phân loại, thẩm định và biên tập. Tuy nhiên, với một khối lượng lớn tài liệu, nên khó tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.
Tháng 10 năm 2008
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 4, ngày 22-12-1988 đã thông qua Nghị quyết về việc sửa Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kỳ họp thứ 5, ngày 30-6-1989 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.