VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP V 1976 - 1981

 

CHÚ THÍCH
 

CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ NGÀY 25-4-1976
BẦU QUỐC HỘI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC

Ngày 25-4-1976 nhân dân cả nước đã nô nức thực hiện nghĩa vụ công dân một cách rất tự giác và hoàn toàn tự do, sáng suốt “tìm mặt gửi vàng”, lựa chọn những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của cả nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước hòa bình, Tổ quốc ta được thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội, sau 30 năm chiến đấu gian khổ và anh dũng chống các thế lực đế quốc xâm lược, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Có thể nói, cuộc Tổng tuyển cử này là một cuộc động viên chính trị sâu rộng, thật sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Tỷ lệ cử tri trong cả nước đi bầu rất cao, chiếm 98,77% (miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%). Kết quả là trên 23 triệu cử tri cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu Quốc hội, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.

Cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Thắng lợi đó khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân ta quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".

HIẾN PHÁP
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
NĂM 1980

Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta. Tháng 12-1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra đường lối, chính sách để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và  chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, nước ta cần phải có một bản Hiến pháp mới để khẳng định thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đại hội IV của Đảng, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ đắc lực cho việc đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước, hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

Ngày 3-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban.

Đầu năm 1978, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Dự thảo Hiến pháp đã cùng các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ tổ chức thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong cán bộ và nhân dân. Có thể nói cuộc thảo luận đã thật sự là một đợt sinh hoạt chính trị và vận động dân chủ xã hội chủ nghĩa sâu rộng trong nhân dân cả nước. Gần 20 triệu người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội đã tích cực tham gia thảo luận, xây dựng Hiến pháp. ý kiến chung của cán bộ và nhân dân là tán thành Dự thảo Hiến pháp và cho rằng Dự thảo đã phản ánh trung thành đường lối của Đại hội lần thứ IV của Đảng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân ta, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân, dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội khóa VI thông qua tại kỳ họp thứ 7 (18-12-1980) đã được Ủy ban Dự thảo Hiến pháp tiếp thu hoàn chỉnh, có thêm chương, điều và đã có những sửa đổi, bổ sung vào 138 điều trên tổng số 147 điều của dự thảo.

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 là Hiến pháp của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Nó kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng.

Với bản Hiến pháp năm 1980, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, càng có thêm cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và  chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ IV CỦA ĐẢNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã họp từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976 tại Thủ đô Hà Nội.

1.008 đại biểu thay mặt cho hơn 1,5 triệu đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội.

Đại hội đã nghe và thảo luận các văn kiện quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như: Báo cáo Chính trị; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ 2 (1976-1980); Báo cáo tổng kết công tác Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội đã tổng kết những kinh nghiệm phong phú của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội đã quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nghị quyết của Đại hội đã chỉ rõ ba đặc điểm lớn của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là:

- Nước ta đang trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

- Tổ quốc ta đã hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội với nhiều thuận lợi rất lớn, song cũng còn nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh và tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới gây ra.

- Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được tiến hành trong hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, song cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa thế lực cách mạng và thế lực phản cách mạng trên thế giới còn gay go, quyết liệt.

Đại hội đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói riêng. Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ 2 (1976-1980).

Nghị quyết của Đại hội đã nêu rõ những phương châm để tiến hành công tác xây dựng Đảng.

Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, gồm 101 Ủy viên chính thức, 32 Ủy viên dự khuyết.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đã bầu Bộ Chính trị, gồm 14 Ủy viên chính thức và 3 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ IV của Đảng có ý nghĩa lịch sử rất trọng đại. Đây là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đại hội đánh dấu một bước phát triển mới của cách mạng nước ta, một cái mốc quan trọng trên tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi rực rỡ của Đại hội đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc phấn đấu mới "xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.