VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ II

(Do ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch kiêm
Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình bày,
ngày 12-4-1961)

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội thân ái chào các vị, và báo cáo với các vị công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội được bầu ra trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa II, đến nay đã được tám tháng. Trong tám tháng qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp 15 phiên họp để thảo luận và giải quyết các việc gồm mấy mặt như sau:

1- Về việc phổ biến các nghị quyết của Quốc hội.

Trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng: thông qua các đạo luật tổ chức Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; thông qua nghị quyết về công tác của Chính phủ; bầu cử các cơ quan lãnh đạo Nhà nước,

Sau kỳ họp, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đem kết quả tốt đẹp của kỳ họp về phổ biến rộng rãi trong nhân dân. 29 Đoàn đại biểu Quốc hội đã về các địa phương tổ chức gần 300 cuộc nói chuyện cho trên 20 vạn người nghe tại các xí nghiệp, nông trường, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã, hoặc tại các cuộc hội nghị cán bộ của các ngành.

Các Đoàn đại biểu đã gửi báo cáo về Uỷ ban thường vụ Quốc hội phản ánh sự vui mừng phấn khởi của nhân dân trước kết quả của kỳ họp Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được nhiều kiến nghị, thư quyết tâm của các cuộc hội nghị, các cuộc mít tinh hoan nghênh thắng lợi của kỳ họp, tỏ lòng tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, của Hồ Chủ tịch và hứa tích cực và nghiêm chỉnh chấp hành mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước.

Trong khi đi báo cáo với nhân dân về những nghị quyết của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã có thêm cơ hội tìm hiểu tình hình thi hành những chủ trương chính sách của Nhà nước, tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân. Một số đại biểu Quốc hội đã gửi thư về Uỷ ban thường vụ Quốc hội phản ánh những yêu cầu chính đáng của nhân dân, góp ý kiến cụ thể về việc thực hiện một số chính sách. Đối với những ý kiến đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xét và đã chuyển đến các cơ quan, các ngành có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết.

Sau khi kỳ họp thứ nhất của Quốc hội bế mạc, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã làm ngay những thủ tục cần thiết để những luật mà Quốc hội đã thông qua được công bố đúng thời hạn quy định.

2- Về công tác luật pháp.

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua: Pháp lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương.

- Pháp lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp được thay thế cho Sắc luật 004-SLt ngày 20-7-1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp, vì Sắc luật này được ban hành trước khi có Hiến pháp mới, đã có một số điểm không phù hợp với tình hình cụ thể hiện nay. Pháp lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đã dựa vào tinh thần Hiếp pháp mới và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đúc kết những kinh nghiệm về công tác bầu cử Hội đồng nhân dân đã qua; đã căn cứ vào tình hình hiện tại của xã hội ta mà sửa đổi những quy định của Sắc luật 004-SLt không còn phù hợp nữa, và quy định thêm những vấn đề cụ thể về bầu cử Hội đồng nhân dân huyện và khu phố.

Pháp lệnh này do Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho bộ phận nghiên cứu pháp luật của Uỷ ban phối hợp với Văn phòng Nội chính của Phủ Thủ tướng dự thảo, sau đó do Uỷ ban dự án pháp luật thẩm tra, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận, và thông qua hôm 18-01-1961. Trước khi thông qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã trưng cầu ý kiến các Uỷ ban hành chính của các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Khu tự trị Thái - Mèo, và của trên 10 tỉnh miền núi và đồng bằng.

- Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của Toà án nhân dân địa phương đã căn cứ theo Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân do Quốc hội thông qua ngày 14-7-1960, mà quy định cụ thể hơn việc tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao, thẩm quyền của các Toà án nhân dân địa phương các cấp, việc bầu cử thẩm phán và bầu cử hội thẩm nhân dân, nhằm thực hiện một cách đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc xét xử tập thể, nguyên tắc xử độc lập, nguyên tắc hai cấp xét xử, để bảo đảm việc xét xử thận trọng và chính xác đúng pháp luật, đúng chính sách của Nhà nước.

Pháp lệnh này do Tòa án nhân dân tối cao dự thảo, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã giao cho Uỷ ban dự án pháp luật thẩm tra, rồi thảo luận nhiều lần và thông qua ngày 23 tháng 3 năm 1961.

Về công tác pháp luật trong thời gian qua, ngoài việc thông qua hai pháp lệnh trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình.

Trong phiên họp thứ 13, ngày 9-3-1961, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe ông Xuân Thuỷ, Trưởng Ban trung ương tuyên truyền vận động thi hành Luật hôn nhân và gia đình báo cáo về tình hình thi hành luật này.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhận định rằng: “Từ ngày Luật hôn nhân và gia đình được công bố, những tệ hại của chế độ hôn nhân và gia đình cũ đã được giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên trong nhân dân vẫn còn khá nhiều hiện tượng vi phạm, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Điều đó một mặt là do việc tuyên truyền phổ biến Luật chưa thật sâu rộng, mặt khác là do một số cơ quan Nhà nước chưa có đầy đủ ý thức và tinh thần trách nhiệm trong việc nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ Nhà nước”.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra thông cáo nhắc cán bộ, các ngành các cấp nêu cao ý thức chấp hành và giúp đỡ người khác chấp hành Luật hôn nhân và gia đình; nhắc các Uỷ ban hành chính, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp làm đầy đủ nhiệm vụ của mình trong việc chấp hành pháp luật Nhà nước; nhắc các Hội đồng nhân dân quan tâm theo dõi phong trào, thi hành việc giám sát, đôn đốc các cơ quan hành chính và tư pháp thuộc phạm vi mình; nhắc các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tích cực tuyên truyền vận động, và góp ý kiến với các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan Nhà nước, để thúc đẩy việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình được thực hiện tốt đẹp.

3- Về việc bổ nhiệm các nhân viên cao cấp và việc tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trong thời gian qua Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có những quyết định về việc bổ nhiệm các nhân viên cao cấp và việc tổ chức bộ máy Nhà nước như sau :

a) Về Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội.

- Cử ông Trần Đình Tri làm Uỷ viên thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

- Thông qua việc Uỷ ban dự án pháp luật cử ông Trương Tấn Phát làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban này.

- Thông qua việc Uỷ ban kế hoạch và ngân sách cử ông Đoàn Trọng Truyến làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban này.

b) Về Hội đồng Chính phủ.

- Phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tách Cục Thống kê ra khỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, và đặt thành Tổng cục Thống kê trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tách Cục Lương thực ra khỏi Bộ Nội thương và đặt thành Tổng cục Lương thực trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện và đặt thành Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Thông qua về nguyên tắc chủ trương và kế hoạch dự kiến của Hội đồng Chính phủ về việc mở rộng thành phố Hà Nội để Chính phủ có thể bắt tay vào việc chuẩn bị bộ máy, bố trí cán bộ, chuẩn bị kế hoạch 5 năm và kế hoạch 1961. Trong kỳ họp này Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc phân vạch địa giới giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh tiếp cận.

- Thông qua việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng thôi kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, và quyết định bổ nhiệm ông Ung Văn Khiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Thông qua nghị quyết của Hội đồng Chính phủ cử ông Nguyễn Thanh Bình giữ chức vụ quyền Bộ trưởng Bộ Nội thương.

- Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, quyết định bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại hai nước Cộng hoà Mali, và Cộng hoà Cuba là hai nước mới vừa giành được độc lập dân tộc, và mới đặt quan hệ ngoại giao với nước ta trong năm 1960;

- Cũng theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, quyết định bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của ta tại các nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc, Cộng hoà Nhân dân Bungari, Cộng hoà Nhân dân Hunggari, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ, thay cho các vị đại sứ trước được điều động lĩnh nhiệm vụ khác.

c) Về Tòa án nhân dân tối cao.

- Bổ nhiệm ông Nguyễn Trác và ông Lê Giản làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

d) Về Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Bổ nhiệm ông Trần Công Tường và ông Trần Hiệu làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

4- Về công tác đối ngoại.

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nhiều lần nghe Chính phủ báo cáo về tình hình và các hoạt động ngoại giao của Chính phủ, nhằm củng cố và mở rộng quan hệ giữa nước ta với các nước khác, đặc biệt củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác anh em với các nước xã hội chủ nghĩa. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định:

- Phê chuẩn việc Chính phủ ta đặt quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Mali và nước Cộng hoà Cuba.

- Phê chuẩn các hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ ta và Chính phủ nước Cộng hoà Cuba. Các hiệp định này gồm có:

a- Hiệp định đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa hai nước.

b- Hiệp định thương mại 5 năm dành cho nhau những điều khoản tối huệ về thuế quan.

c- Hiệp định thanh toán.

d- Hiệp định dài hạn về trao đổi văn hoá, khoa học và kỹ thuật.

- Phê chuẩn quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc cử các Đoàn đại biểu đàm phán về kinh tế và thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa, và thông qua danh sách các đoàn này.

- Về phía Quốc hội thì đầu năm nay, nhận lời mời của Quốc hội Liên bang Miến Điện1, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cử một Đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm hữu nghị Liên bang Miến Điện. Đoàn do Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Xuân Thuỷ dẫn đầu, và các đoàn viên gồm có bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, ông Dương Đức Hiền, ông Trần Đình Tri, pháp sư Thích Trí Độ, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ông Trần Văn Luân, đại biểu Quốc hội.

Cuộc đi thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã thu được kết quả tốt đẹp, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị sẵn có giữa Quốc hội và nhân dân hai nước. Ở Miến Điện Đoàn đại biểu ta đã được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Miến Điện đón tiếp rất nhiệt tình và đặc biệt trọng thể. Đoàn đã có dịp trao đổi quan điểm với các vị lãnh đạo Nhà nước, tiếp xúc với các nhà chính trị, với đại biểu các tầng lớp nhân dân Miến Điện, Đoàn đã nhận thấy rõ rằng Nhà nước và nhân dân Miến Điện có cảm tình sâu sắc đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, có thái độ kiên quyết chống chủ nghĩa thực dân, chống chiến tranh, ủng hộ chủ trương chung sống hoà bình. Hai vị Viện trưởng Viện dân tộc và Viện dân biểu Liên bang, thay mặt cho hai Viện của Quốc hội Liên bang Miến Điện đã nhờ Đoàn chuyển đến Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lời chúc mừng của Quốc hội và nhân dân Liên bang Miến Điện.

Sự phát triển về mặt đối ngoại như các điểm đã kể trên là một cổ vũ rất lớn đối với chúng ta và đối với toàn thể nhân dân ta.

5- Về những thư từ của nhân dân gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nhận được 230 bức thư của nhân dân. Trong số đó, có những thư phát hiện sự phạm pháp, phạm kỷ luật, quan liêu của cán bộ, có những thư khiếu nại về việc xét xử của Toà án, có những thư phản ánh tình hình chấp hành chính sách, góp ý kiến đối với chính sách của Nhà nước, có những thư yêu cầu giải thích pháp luật.

Một số thư đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội trực tiếp giải quyết; còn phần lớn đều đã được chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương hoặc đến Uỷ ban hành chính các tỉnh, các thành phố hay khu tự trị để giải quyết. Đối với những thư khiếu nại và những thư đề nguyện vọng của nhân dân, các cơ quan, các cấp có chú ý nghiên cứu điều tra và giải quyết tốt. Nhưng cũng có một số cơ quan, một số địa phương chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề đó. Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy cần nhắc lại Điều 29 của Hiến pháp ghi rõ quyền khiếu nại và tố cáo của nhân dân như sau: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan Nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng”. Các cơ quan, các địa phương cần có sự quan tâm thích đáng đối với những thư từ của nhân dân gửi đến. Đó là nghĩa vụ thi hành Hiến pháp, đó cũng là một biểu hiện cụ thể của tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, ý thức tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân.

6- Về quan hệ giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với các Hội đồng nhân dân địa phương.

Điều 53 của Hiến pháp quy định: “Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, và giải tán các Hội đồng nhân dân nói trên trong trường hợp các Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng”.

Để thi hành được tốt nhiệm vụ đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông tri cho các địa phương mỗi khi triệu tập Hội nghị Hội đồng nhân dân đều có báo cáo lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đều có gửi báo cáo, biên bản, nghị quyết lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Về phần các đại biểu Quốc hội, thì sau khi tham dự Hội nghị Hội đồng nhân dân ở địa phương mình, cũng có phản ánh lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội một số tình hình của các Hội đồng nhân dân. Nhờ đó mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã theo dõi được hoạt động của các Hội đồng nhân dân.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng các Hội đồng nhân dân địa phương nói chung đã làm đúng trách nhiệm và quyền hạn của mình; nhưng có nơi, có lúc đã không phát huy hết tác dụng của một cơ quan quyền lực Nhà nước. Đối với vấn đề này, chúng tôi thấy rằng rồi đây các bộ phận hữu quan cần có sự cố gắng làm cho công tác của Hội đồng nhân dân các địa phương được tiến thêm một bước cao hơn nữa.

7- Về quan hệ giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội với các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và các đại biểu Quốc hội.

Điều 3 Luật tổ chức Quốc hội có ghi: “Giữa hai kỳ họp của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội giữ quan hệ với Uỷ ban thường vụ Quốc hội”. Tuy chưa có quy định cụ thể, nhưng trong thời gian qua nhiều Đoàn đại biểu địa phương, và một số đại biểu Quốc hội cũng đã thường gửi thư hoặc trực tiếp phản ánh với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các hoạt động của mình, về tình hình ở địa phương mình, góp ý kiến đối với các chính sách của Nhà nước, và đối với việc thi hành các chính sách đó.

Tuy các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương mới được thành lập từ kỳ họp trước, chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động, nhưng một số Đoàn đại biểu đã có tác dụng thiết thực trong việc liên lạc, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc công tác giữa các đại biểu Quốc hội cùng một địa phương, trong quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân và các cơ quan chính quyền địa phương. Các Đoàn đã phân công tham dự các Hội nghị của Hội đồng nhân dân, góp ý kiến với địa phương về việc thi hành các chính sách của Nhà nước.

Trong phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Nam, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là Đoàn đại biểu của các tỉnh thuộc Liên khu V và Đoàn đại biểu Nam Bộ đã có tác dụng tích cực, làm cho nội dung việc kết nghĩa được cụ thể và phong phú thêm.

Nhiều đại biểu Quốc hội, trong các ngành, đã kết hợp làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội trong khi làm công tác chuyên môn của ngành mình. Các đại biểu đó đã liên hệ với thực tế trong ngành, nêu lên những nhận xét, những đề nghị cụ thể đối với một số chính sách, nhằm làm cho sự quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân được tốt hơn. Những nhận xét và đề nghị cụ thể đó đều đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết.

Nhưng cũng phải nhận rằng sự hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội không đều. Trong thời gian tới, chúng ta cần cố gắng xây dựng được một nền nếp công tác của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, để làm cho hoạt động Quốc hội của chúng ta giữa hai kỳ họp được tăng cường hơn.

8- Về vấn đề tặng thưởng Huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, để biểu dương những công lao và thành tích to lớn của nhân dân ta trong suốt tám, chín năm kháng chiến, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tiến hành việc khen thưởng cho cán bộ và đồng bào có công lao và thành tích trong kháng chiến; đồng thời quyết định việc đặt ra Huy chương kháng chiến để khen thưởng những thành tích dưới mức Huân chương kháng chiến. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua bản Điều lệ quy định cụ thể về việc khen thưởng nói trên. Cho đến nay, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 2.954 Huân chương kháng chiến, trong đó có 190 Huân chương kháng chiến hạng nhất, 554 Huân chương kháng chiến hạng nhì và 2.210 Huân chương kháng chiến hạng ba. Hiện nay việc xét công lao và thành tích kháng chiến để tặng thưởng đương tiếp tục tiến hành.

Ngoài việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, trong thời gian từ kỳ họp trước đến nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xét và quyết định tặng thưởng 178 Huân chương Lao động, trong đó có 10 Huân chương Lao động hạng nhất, 26 Huân chương Lao động hạng nhì, 142 Huân chương Lao động hạng ba, cho các cá nhân, đơn vị, đoàn thể và địa phương có công lao và thành tích trong xây dựng hoà bình.

9- Về vấn đề đặc xá.

Cũng trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định đặc xá cho những phạm nhân thuộc loại hình sự thường đã ở tù một thời gian và đã thật sự cải tạo.

10- Về đề nghị thành lập Uỷ ban dân tộc của Quốc hội.

Trong phiên họp thứ 13, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Chu Văn Tấn trình bày sự cần thiết thành lập Uỷ ban dân tộc để giúp Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội thấy rằng việc lập một Uỷ ban dân tộc của Quốc hội trong lúc này là hợp thời. Hiện nay, Hội đồng Chính phủ đã có Uỷ ban dân tộc trung ương, Uỷ ban này nghiên cứu các chính sách và việc thi hành chính sách ở các khu vực dân tộc để giúp Hội đồng Chính phủ. Quốc hội cần có một Uỷ ban dân tộc của Quốc hội để giúp Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải quyết những vấn đề có quan hệ đến các dân tộc. Chẳng hạn như vấn đề lập pháp, nếu Quốc hội không có một Uỷ ban dân tộc để giúp việc cho Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thì những luật pháp của Nhà nước sẽ không phản ánh được hết nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các dân tộc anh em. Thí dụ như Luật hôn nhân và gia đình đã công bố từ lâu, nhưng một số vùng dân tộc thiểu số thấy có những điều khoản chưa thích hợp với tình hình địa phương mình, nên chưa áp dụng một cách toàn bộ và phổ biến.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận vấn đề này, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Chu Văn Tấn và quyết định trong kỳ họp này đề nghị với Quốc hội thành lập Uỷ ban dân tộc của Quốc hội để giúp Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc nghiên cứu các vấn đề luật pháp có quan hệ đến quyền tự trị, đến đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của các dân tộc thiểu số.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cố gắng làm việc theo tinh thần những quy định của Hiến pháp mới về nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và về quan hệ giữa các cơ quan cao cấp Nhà nước. Nhờ có sự cố gắng chung của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của các cơ quan Nhà nước khác, công tác đó đã tiến hành được tốt, quan hệ giữa các cơ quan cao cấp Nhà nước đã dần dần đi vào nề nếp và ngày càng chặt chẽ.

Trong thời gian qua, Hội đồng Chính phủ đã 31 lần gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội các đề án và đề nghị về các vấn đề, có những vấn đề quan trọng thì cử đại diện đến trực tiếp trình bày ở Hội nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Hội đồng Chính phủ cũng như Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội những báo cáo thường kỳ và báo cáo về những vấn đề riêng biệt. Trong các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đại diện của Hội đồng Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều có đến dự.

Uỷ ban dự án pháp luật, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách cũng đã phát huy tác dụng của mình và đã góp phần vào kết quả công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Sự quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan cao cấp Nhà nước như đã nói trên là một tiến bộ quan trọng trong việc kiện toàn bộ máy Nhà nước, trong việc bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

1. Nay là Mianma (BT).