VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

 

BÁO CÁO CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VĂN HOÁ NĂM 1961
(Do ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm
Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước trình bày
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá II, ngày 12-4-1961)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Miền Bắc nước ta đã kết thúc thắng lợi kế hoạch 3 năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá (1958-1960). Từ năm 1961, chúng ta bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa đồng thời hoàn thành cuộc cải tạo chủ nghĩa xã hội.

Kế hoạch Nhà nước năm 1961 được xây dựng trên cơ sở những thành tích đã đạt được trong thời kỳ vừa qua, đồng thời dựa trên những nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, với tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, đưa các ngành kinh tế và văn hoá tiến lên những bước mới, để đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá năm 1961.

Bản báo cáo này gồm có ba phần:

1. Những điểm cơ bản về tình hình kinh tế miền Bắc sau kế hoạch 3 năm (1958-1960).

2. Phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1961.

3. Những vấn đề cụ thể của kế hoạch nhà nước năm 1961.

 

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG ĐIỂM CƠ BẢN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ
MIỀN BẮC SAU KẾ HOẠCH BA NĂM 1958-1960

Quốc hội khoá I kỳ họp thứ 9 (tháng 12 năm 1958) đã thông qua những nhiệm vụ của kế hoặc 3 năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá (1958-1960). Những nhiệm vụ đó là:

"1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất  nông nghiệp và công nghiệp lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính, chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời rất chú trọng sản xuất công nghiệp, hết sức tăng thêm các tư liệu sản xuất và giải quyết phần lớn hàng tiêu dùng.

2. Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp; đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh.

3. Trên cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhất là của nhân dân lao động và tăng cường củng cố quốc phòng".

Trọng tâm của toàn bộ nhiệm vụ ấy là cải tạo và phát triển nông nghiệp, trước hết nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Đi đôi với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, phải ra sức phát triển công nghiệp, hướng công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chú trọng tăng thêm các tư liệu sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng.

Sau kế hoạch 3 năm, miền Bắc chúng ta đã có những tiến bộ to lớn về mọi mặt. Sự nghiệp phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá đều tiến lên với nhịp độ nhanh. Chúng ta đã có những khả năng mới, dồi dào hơn trước, để vững bước tiến vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

1. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa giành được những thắng lợi có ý nghĩa quyết định; thành phần kinh tế quốc doanh được mở rộng và tăng cường

Ba năm qua, những chuyển biến lớn đã diễn ra trên nông thôn miền Bắc nước ta: đại bộ phận nông dân đã đi vào con đường làm ăn tập thể, bộ mặt nông thôn đang ngày càng đổi mới. Chỉ trong vòng hai năm từ năm 1958 đến cuối năm 1960, ta đã căn bản hoàn thành hợp tác hoá bậc thấp: từ 4.824 hợp tác xã với 4,74% nông hộ tham gia cuối năm 1958, nay đã có 41.400 hợp tác xã, thu hút 85,8% nông hộ và 76% diện tích canh tác toàn miền Bắc. Hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, đến cuối năm 1960, đã bao gồm 11,8% nông hộ.

Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đã phát triển nhanh, lành mạnh và tốt. Dựa vào sức mạnh tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đã bước đầu phát huy tác dụng của quan hệ sản xuất mới; một số khá đông hợp tác xã đã đạt được những năng suất cao trước đây chưa từng có: như đạt tới bình quân 30 tạ, 40 tạ, có nơi đạt 50 tạ, 60 tạ một ha. Phong trào tăng vụ và khai hoang đã bắt đầu được tổ chức và tỏ ra có nhiều khả năng. Việc phát triển sản xuất nhiều ngành, nghề trong hợp tác xã cũng đã được coi trọng. Điều đáng chú ý là ở khắp nơi hợp tác xã đã dẫn đầu trong việc chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thắng lợi của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp chứng tỏ tinh thần cách mạng to lớn của nông dân lao động nước ta, đồng thời chứng tỏ chủ trương, đường lối, phương châm hợp tác hoá được Quốc hội khoá I trong kỳ họp thứ 10 (tháng 5 năm 1959) thông qua là đúng.

Ở nông thôn miền Bắc hiện nay, chế độ người bóc lột người căn bản đã bị xoá bỏ. Quan hệ sản xuất mới đang phát huy năng lực lao động sáng tạo dồi dào của xã viên. Khẩu hiệu "đuổi kịp mức sống trung nông lớp trên" đang trở thành mục tiêu phấn đấu cụ thể cổ vũ mọi người tăng vụ, khai hoang, tăng năng suất và tăng số ngày công lao động hàng năm. Rõ ràng là hợp tác hoá nông nghiệp căn bản hoàn thành đang đưa lại một sức sống mới trong nền kinh tế và trong sinh hoạt chính trị tư tưởng ở nông thôn. Cùng với hàng triệu nông dân lao động đi vào con đường làm ăn tập thể, tinh thần của chủ nghĩa tập thể, thái độ lao động mới, tư tưởng, tình cảm mới đang dần dần được xây dựng. Chúng ta hoan nghênh đông đảo nông dân lao động nước ta đã hăng hái tiến lên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, khắc phục mọi khó khăn, để xây dựng hợp tác xã, tăng gia sản xuất, tăng thêm thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Về hợp tác hoá thủ công nghiệp đã có 87,8% số thợ thủ công thành thị và vùng thủ công nghiệp tập trung vào các tổ chức hợp tác, trong đó số gia nhập các hợp tác xã đã chiếm 66%. Mặc dù mới được tổ chức lại, nhiều hợp tác xã đã cố gắng thực hiện cần kiệm xây dựng hợp tác xã, bước đầu đẩy mạnh phong trào cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động. Nhờ cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất và hạ giá thành, thu nhập hợp tác xã và vốn tích luỹ có tăng thêm, đời sống xã viên có được cải thiện.

Về cải tạo thương nghiệp nhỏ, kể cả số người đã chuyển sang sản xuất và số người làm kinh tiêu, đại lý cho thương nghiệp quốc doanh từ mấy năm trước, thì số người buôn bán nhỏ được cải tạo đã chiếm tới 82% tổng số. Việc cải tạo thương nghiệp nhỏ đã có tác dụng tích cực trong việc quản lý thị trường, trong việc phân phối hàng hoá. Một số người đã được chuyển sang sản xuất. Sau khi hợp tác, ý thức kinh doanh tập thể của những người buôn bán nhỏ được nâng cao thêm một bước, thu nhập ổn định hơn trước.

Chính sách của Đảng và Nhà nước hoà bình cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh đã đem lại kết quả tốt. Đến nay, toàn bộ các cơ sở đã được cải tạo theo hình thức công tư hợp doanh (và một số theo hình thức xí nghiệp hợp tác). Qua cuộc vận động cải tạo, hàng vạn công nhân được giải phóng khỏi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đang lao động với một tinh thần mới. Các nhà tư sản cũng đã được cải tạo tư tưởng bước đầu. Sản xuất của các xí nghiệp công tư hợp doanh và xí nghiệp hợp tác đã tăng rõ rệt, một số xí nghiệp đã chế tạo được những mặt hàng mới, chế tạo được một số loại máy móc như máy công cụ, máy xay, v.v..

Cùng với cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh chóng, thành phần kinh tế quốc doanh ngày càng lớn mạnh.

Trong công nghiệp, năm 1957 công nghiệp quốc doanh mới chiếm 66% giá trị sản lượng công nghiệp (không kể thủ công nghiệp), năm 1960, đã chiếm tới 89,9%.

Trong nông nghiệp, năm 1957 ta mới có 16 nông trường, cuối năm 1960 ta đã có 59 nông trường. Diện tích trồng trọt được mở rộng, và nông trường được củng cố hơn trước.

Trong ngành giao thông vận tải 1957, vận tải quốc doanh mới chiếm 50,2% tổng khối lượng vận tải hàng hoá tính theo tấn/cây số; năm 1960, vận tải quốc doanh đã chiếm tới 79,7%.

Trong tổng mức bán lẻ của bộ máy thương nghiệp thuần tuý, năm 1957 thương nghiệp quốc doanh chiếm 25,8%, nếu kể cả thương nghiệp hợp tác xã và tư bản nhà nước thì chiếm 38,4%; đến năm 1960 riêng thương nghiệp quốc doanh đã chiếm tới 49,5% nếu kể cả thương nghiệp hợp tác xã và tư bản nhà nước thì chiếm tới 91%.

Thành phần kinh tế quốc doanh chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân, đã tăng cường ngày càng rõ rệt tác dụng lãnh đạo của mình, hướng các ngành kinh tế phát triển theo kế hoạch nhà nước.

2. Nền kinh tế quốc dân đã phát triển với nhịp độ nhanh, cơ cấu của các ngành kinh tế đã được bước đầu điều chỉnh cân đối hơn trước

Trong kế hoạch ba năm, chúng ta chủ trương lấy nông nghiệp làm khâu chính của kế hoạch. Đảng và Nhà nước đã có những cố gắng lớn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Hằng năm Nhà nước đã giành một số tiền lớn để xây dựng các công trình thuỷ lợi, giúp nông dân tiền vốn, nông cụ, trâu bò, phân bón. Nhờ tinh thần anh dũng phấn đấu của nông dân ta, chúng ta đã vượt được nhiều khó khăn lớn trên mặt trận nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển theo phương châm toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Từ năm 1957 đến năm 1960, trung bình sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 5,6% mỗi năm. Nếu không tính năm 1960 là năm gặp thiên tai lớn, thì từ năm 1955 đến năm 1959, nông nghiệp tăng mỗi năm 11,2%.  Trong điều kiện nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nhịp độ tăng như vậy là nhanh.

Cơ cấu của nông nghiệp bước đầu được điều chỉnh: giữa các ngành trong nông nghiệp, tuy lương thực vẫn chiếm phần lớn, nhưng cây công nghiệp và chăn nuôi đã được phát triển nhanh hơn để phục vụ yêu cầu của sản xuất công nghiệp tăng nguồn hàng xuất khẩu và nâng cao mức sống của nhân dân. Nghề rừng, nghề cá đều tiến bộ nhanh.

Về lương thực, năm 1959, miền Bắc đã đạt được 5 triệu 193 nghìn tấn thóc, 147.000 tấn ngô, 718.000 tấn khoai và 264.000 tấn sắn. Như vậy riêng về thóc, chúng ta đã sản xuất được gấp trên 2 lần mức sản xuất năm 1939 là năm cao nhất trước chiến tranh. năm 1960 vì thiên tai nặng, thu hoạch có sút kém: tính chung cả các loại cây lương thực thì đạt được khoảng 5.580.000 tấn; sản lượng ấy dĩ nhiên là sút kém nhiều so với năm 1959, nhưng vẫn vượt sản lượng trung bình hàng năm từ 1955 đến 1957 tới trên 60 vạn tấn.

Ba năm qua phong trào cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ. Nhiều điển hình và năng suất cao mở ra triển vọng tốt về mặt thâm canh, tăng năng suất trên những diện tích rộng lớn. Phong trào tăng vụ, khai hoang cũng đã bước đầu mở rộng.

Tóm lại, sau kế hoạch ba năm, nông nghiệp miền Bắc nước ta đã có những bước tiến bộ mới. Chúng ta ngày càng nhận thức rõ thêm về vị trí của nông nghiệp trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và đặc điểm của nông nghiệp miền Bắc, một nền nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, bình quân đầu người về diện tích rất thấp, nhưng lại là nền nông nghiệp - nhiệt đới, có nhiều sản phẩm, có thể sản xuất quanh năm và có khả năng mở rộng diện tích trồng trọt. Qua quá trình khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm để đẩy mạnh nông nghiệp phát triển trong những năm tới.

Về công nghiệp, trong ba năm qua, sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp đã phát triển với nhịp độ nhanh. Từ năm 1957 đến 1960, bình quân hàng năm tăng 21,7% trong đó công nghiệp quốc doanh tăng nhanh nhất: bình quân hàng năm tăng 49,6%. Riêng năm 1960, công nghiệp quốc doanh vượt kế hoạch 12,6% và tăng 32,3% so với năm 1959. Đáng chú ý là công nghiệp địa phương đang có đà phát triển mạnh mẽ, năm 1960 tăng gấp 10 lần năm 1957.

Chúng ta đã có nhiều sản phẩm mới như gang, máy công cụ, máy móc xây dựng, máy xay gạo, gỗ dán, gạch chịu lửa, axítsunfuríc, thuốc trừ sâu, các loại xà phòng, đồ sắt tráng men, đồ dùng văn phòng, len, hàng dệt kim, đường kính...

Điều đáng chú ý là cơ cấu của công nghiệp miền Bắc đã tiến bộ hơn trước. Trong 3 năm, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất đã được phát triển mạnh, cơ sở công nghiệp nặng đã bước đầu được xây dựng. Từ năm 1957 đến năm 1960, nhóm A tăng 145% bình quân hàng năm tăng 34,8%, do đó, tỷ trọng nhóm A trong giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp đã tăng lên nhanh chóng; năm 1957 chiếm 23,5%, đến năm 1960 đã chiếm tới 32%. Trong sản xuất tư liệu sản xuất, những ngành chủ chốt như điện lực, chế tạo máy móc, vật liệu xây dựng... được phát triển khá nhanh. Công nghiệp cơ khí miền Bắc trước kia chỉ làm được việc sửa chữa, nay đã chế tạo được một số loại máy công cụ loại nhỏ và loại vừa, máy phát điện cỡ nhỏ, tàu kéo, canô, toa xe, một số loại máy thi công và một số máy nông nghiệp loại nhỏ.

Trong 3 năm qua, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm tiếp tục phát triển mạnh mẽ: từ năm 1957 đến 1960 tăng 60,4% bình quân hàng năm tăng 17,1%; nhờ đó, từ chỗ trước đây chúng ta phải nhập hầu hết hàng tiêu dùng, nay chúng ta đã tự cung cấp được phần lớn hàng tiêu dùng chủ yếu cần thiết cho nhân dân và có một số hàng có phẩm chất tốt để xuất khẩu.

Trong điều kiện kinh tế lạc hậu, vốn ít, kỹ thuật còn thấp kém, ta đã tích cực mở rộng xây dựng cơ bản để xây dựng từng bước cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Hàng năm số vốn
bỏ vào xây dựng cơ bản chiếm tới khoảng một nửa ngân sách
nhà nước.

Trong 3 năm tổng số vốn đầu tư về xây dựng kinh tế và văn hoá lên tới 1.544 triệu đồng, tăng 129% so với 3 năm khôi phục kinh tế. Riêng năm 1960 vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 41,7% so với năm 1959. Ba năm qua, ta đã xây dựng được thêm 175 công trình trên hạn ngạch, trong đó có 124 công trình đã hoàn thành. Một số công trình quan trọng về công nghiệp đã được hoàn thành trong thời kỳ kế hoạch 3 năm, như nhà máy điện Vinh, điện Lào Cai, mỏ Apatít (mở rộng đợt II), các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá ở Hà Nội, nhà máy sứ Hải Dương... Những công trình đó là những cơ sở để đẩy nhanh nhịp độ phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, và các ngành kinh tế khác; tăng thêm nhiều trường học, nhà thương và các công trình phúc lợi để cải thiện đời sống nhân dân.

Các ngành kinh tế khác cũng đều phát triển song song với nhịp độ phát của nông nghiệp và công nghiệp.

Giao thông vận tải đã phát triển nhanh để phục vụ nhu cầu sản xuất, xây dựng, lưu thông hàng hoá và phục vụ việc đi lại của nhân dân. Trong ba năm, chúng ta đã sửa sang đường sá, xây dựng cầu cống, đóng thêm phương tiện vận chuyển, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng bình quân hàng năm 35,7%. Ngành đường sắt năm 1960 đã vận chuyển khối lượng hàng hoá gấp bốn lần năm 1957. Công tác phục vụ hành khách đã có nhiều tiến bộ.

Công tác thương nghiệp được mở rộng và tăng cường, trong 3 năm, mức bán ra của mậu dịch quốc doanh tăng 142%. Khối lượng thu mua năm 1960 đã tăng 170% so với năm 1957. Giá hàng công nghiệp được ổn định trên cơ sở vững chắc hơn trước. Về giá các loại hàng nông sản, do ảnh hưởng của mùa màng, năm 1960 giá một số mặt hàng lương thực và thực phẩm trên thị trường tự do tăng lên cao hơn giá chỉ đạo của Nhà nước. Về ngoại thương tổng giá trị hàng xuất và nhập năm 1960 tăng hơn năm 1957 là 38,4%. Chúng ta đã cố gắng tăng mức xuất khẩu đồng thời nhập những máy móc, thiết bị cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Số thu của tài chính năm 1960 đã tăng 56,7% so với năm 1957 trong đó thu về xí nghiệp và sự nghiệp ngày càng chiếm một tỷ lệ quan trọng và tăng với nhịp độ nhanh: Năm 1960 đã tăng 260% so với mức thu năm 1957. Nhà nước đã đẩy mạnh việc cho vay vốn để phát triển sản xuất, đồng thời động viên nhân dân tham gia gửi tiền vào quỹ tiết kiệm. Tiền tệ của ta ngày càng được củng cố vững chắc.

Tóm lại, từ khi hoà bình lập lại đến nay, nền kinh tế quốc dân miền Bắc đã được khôi phục và phát triển với nhịp độ nhanh theo con đường xã hội chủ nghĩa. Dựa trên quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đang mở rộng và tăng cường, các ngành kinh tế đều có những bước phát triển mới, cơ cấu của nền kinh tế quốc dân được điều chỉnh cân đối hơn trước. Kế hoạch 3 năm được thực hiện thắng lợi đã tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

3. Trên cơ sở sản xuất phát triển, mức sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động đã được nâng cao một bước rõ rệt

Trong vòng 6 năm, từ năm 1955 đến 1960, thu nhập quốc dân tính theo đầu người đã tăng gấp đôi, sức mua của xã hội tăng 70%. Lương thực tế của công nhân viên chức cán bộ năm 1960 đã tăng 35,2% so với năm 1955 và tăng 28,1% so với năm 1957. Ở nông thôn, thu nhập thực tế của một nhân khẩu bần nông năm 1959 đã gấp hơn 2 lần hồi Pháp thuộc và bằng 90% thu nhập của trung nông.

Đi đôi với sự phát triển nhanh chóng của các ngành sản xuất, xây dựng, hàng năm số người đến tuổi lao động được thu xếp việc làm tăng thêm, số người có việc làm thường xuyên trong các gia đình công nhân, viên chức cũng có việc làm thường xuyên trong các gia đình công nhân, viên chức cũng ngày một tăng thêm. Nhà nước đã chi những số tiền lớn vào việc xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện... Số tiền chi về văn hoá, xã hội hàng năm chiếm trên 10% ngân sách nhà nước. Trong ba năm 1958-1960, số tiền chi về xây dựng các công trình về văn hoá, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, sự nghiệp công cộng và nhà ở chiếm tới 14,2% của số vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và tăng 249% so với ba năm khôi phục kinh tế. Nhờ sản xuất phát triển, ở khắp nơi, nhân dân ta cũng đã góp sức mở mang các sự nghiệp phúc lợi để cải thiện đời sống.

Về mặt văn hoá, từ cuối năm 1958, ta đã căn bản xoá nạn mù chữ cho những người dưới 50 tuổi ở miền xuôi, tự do, phong trào bổ túc văn hoá phát triển rộng rãi trong các xí nghiệp, hợp tác xã, cơ quan, khu phố. Năm 1960, chúng ta đã hoàn thành việc phổ cập vỡ lòng ở miền xuôi cho tất cả các em đến tuổi đi học và đẩy mạnh phổ cập lớp 1 cho toàn dân. Năm 1960, trong 100 người dân đã có 18 người đi học (năm 1957 chỉ có 14 người; năm 1939, dưới thời pháp thuộc chỉ có khoảng 3 người). Trong năm học 1960-1961, chúng ta đã có 1.932.000 học sinh phổ thông, gấp gần 2 lần năm 1957, số học sinh trung cấp chuyên nghiệp năm 1960 đã lên tới 31.000 người (kể cả các lớp không chính quy) gấp gần 4 lần năm 1957; số sinh viên đại học lên tới 13.390 người (kể cả các lớp không chính quy) gấp 4 lần năm 1957. Chúng ta đã thực hiện bước đầu có kết quả việc xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, chú trọng giáo dục chính trị và tư tưởng, kết hợp học tập với lao động sản xuất. Các sự nghiệp văn hoá, văn nghệ khác cũng được đẩy mạnh. Năm 1960, chúng ta xuất bản 27,5 triệu cuốn sách, 53,7 triệu tờ báo và tạp chí. Các đội chiếu bóng, văn công cũng được phát triển một cách thích đáng và đi sâu phục vụ ở các xí nghiệp, nông thôn miền núi; năm 1960 bình quân mỗi người dân từ 7 tuổi trở lên đã được xem 4,6 lần chiếu bóng và biểu diễn nghệ thuật.

Công tác y tế cũng phát triển nhanh chóng. Năm 1960 đã có 263 bệnh viện và bệnh xá với 45.200 giường bệnh (kể cả phần dân lập), số giường bệnh tăng gấp trên 2 lần so với 1957. Phong trào thể dục và vệ sinh phát triển rộng rãi, đã góp phần nâng cao sức khoẻ của nhân dân, ảnh hưởng tốt đến sản xuất, xây dựng và công tác.

Những tài liệu trên chứng tỏ rằng: ở miền Bắc nước ta đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động đã được cải thiện rõ rệt so với trước. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy rằng mức sống đó còn thấp so với yêu cầu. Hiện nay do sản xuất nông nghiệp năm 1960 sút kém vì thiên tai gây ra cho nên ở một số nơi nhân dân đang gặp một số khó khăn về lương thực và một vài loại thực phẩm. Để giải quyết những khó khăn đó, Đảng và Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm ổn định đời sống của nhân dân, phát triển sản xuất.

Nhân dân ta đều hiểu rằng mục đích của chủ nghĩa xã hội là đưa lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình nâng cao không ngừng đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Tuy vậy trong điều kiện nền kinh tế còn lạc hậu sản xuất nông nghiệp chưa thật vững chắc, hễ gặp thiên tai nặng thì lâm thời khó khăn về từng mặt có thể tăng lên. Những lúc gặp khó khăn, nhân dân ta càng phát huy truyền thống phấn đấu anh dũng lao động cần cù, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Về phần các cơ quan nhà nước cũng phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải có ý thức chăm lo hơn nữa đời sống của nhân dân, hướng mọi hoạt động của các ngành kinh tế văn hoá vào việc phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Qua phần trình bày trên đây về tình hình kinh tế miền Bắc, chúng ta nhận định rằng kế hoạch ba năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá 1958-1960 đã được hoàn thành thắng lợi. Thắng lợi đó đã tạo nên những chuyển biến cách mạng sâu sắc trong nền kinh tế và trong đời sống nhân dân miền Bắc, có ảnh hưởng tốt đến sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà. Đó là những thắng lợi lớn về kinh tế và chính trị.

Chúng ta đã xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa, căn bản giải phóng xã hội miền Bắc khỏi quan hệ người bóc lột người, mở đường cho sức sản xuất phát triển nhanh chóng. Có thể nói rằng: trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đến đây, con đường xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Đi đôi với phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa, kinh tế quốc doanh đã lớn mạnh. Cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng thêm một bước, các ngành kinh tế điều tiến lên với nhịp độ nhanh và cân đối hơn trước.

Trong cuộc đấu tranh để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, ý thức làm chủ nước nhà, tinh thần của chủ nghĩa tập thể thái độ lao động xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa anh hùng mới ngày càng thấm sâu thêm vào quần chúng nhân dân lao động. Cùng với giác ngộ xã hội chủ nghĩa của nhân dân được nâng cao, phong trào thi đua yêu nước đang lan rộng trong khắp các ngành sản xuất, xây dựng và công tác. Khối đoàn kết nhất trí giữa Nhà nước và nhân dân được tăng cường thêm, Nhà nước dân chủ nhân dân được củng cố vững chắc thêm.

Từ khi hoà bình được lập lại đến nay, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta ở miền Bắc chỉ mới trải qua 6 năm, nhưng đã đạt được nhiều thành tích to lớn.

Nguyên nhân có tính chất quyết định của những thành tích đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của các nước anh em vào điều kiện cụ thể của nước ta, đề ra những chủ trương đường lối đúng đắn về cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Những thành tích đó là những kết quả của sức đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân. Nhân dân lao động nước ta giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, luôn tin tưởng và đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng và Chính phủ. Đồng thời, một nguyên nhân quan trọng là sự giúp đỡ to lớn và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trước hết là của Liên Xô và Trung Quốc.

Chúng ta vui mừng trước những thắng lợi to lớn đã giành được, những thắng lợi đã tạo nên cơ sở vật chất và tinh thần để chúng ta không ngừng tiến nhanh hơn nữa trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, chúng ta thấy rằng, trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn và có nhiều nhược điểm và khuyết điểm. Hiện nay, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã chiếm phần lớn trong nền kinh tế quốc dân, nhưng mở rộng chưa khắp và chưa được củng cố vững chắc; trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, công tác cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất chưa được đẩy mạnh, trình độ lãnh đạo và quản lý hợp tác xã chưa tiến kịp yêu cầu, trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa của xã viên cũng mới ở bước đầu. Trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, chiếm bộ phận lớn những cơ sở vật chất và kỹ thuật còn yếu, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; công nghiệp hiện đại còn nhỏ bé, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, lực lượng cán bộ và công nhân kỹ thuật còn ít, việc quản lý còn thiếu kinh nghiệm. Trong việc phát triển sản xuất, chúng ta có một nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chưa được sử dụng tốt.

Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, chúng ta còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm:

Trong khi lập kế hoạch, có một số chỉ tiêu đặt cao không thích hợp với khả năng thực tế của ta. Điều đó chứng tỏ chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, chưa quán triệt đầy đủ phương châm "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trong khi lập các chỉ tiêu kế hoạch. Sau khi kế hoạch đã được xây dựng, việc chỉ đạo thực hiện còn yếu. Trong khi tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta chưa kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh sản xuất và chưa dựa trên những nhân tốt mới của phong trào mà có biện pháp tích cực, kịp thời để thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong việc chỉ đạo nông nghiệp, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng rất to lớn của nông nghiệp, việc đầu tư vào thuỷ lợi còn ít, việc cho vay vốn, phục vụ nông nghiệp chưa được mở rộng một cách thích đáng; hướng dẫn về kỹ thuật còn kém. Đối với công nghiệp, công tác chỉ đạo chưa thật tập trung, việc giải quyết các vấn đề tổ chức quản lý, về nguyên liệu, về kỹ thuật còn chậm. Việc chỉ đạo thực hiện các kế hoạch xây dựng cơ bản, kế hoạch thương nghiệp... cũng còn nhiều khuyết điểm. Đáng chú ý là công tác quản lý của Nhà nước chưa theo kịp yêu cầu của việc phát triển kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội và còn yếu về nhiều mặt: lề lối, làm việc còn nặng quan liêu, giấy tờ; việc phân cấp quản lý chưa được giải quyết tốt; công tác kiểm tra đôn đốc còn kém; chế độ công tác chưa rõ ràng và kỷ luật công tác chưa thật chặt chẽ.

Trước những yêu cầu cách mạng to lớn hiện nay, các cơ quan nhà nước phải nâng cao quyết tâm và có biện pháp tích cực để khắc phục những nhược điểm và khuyết điểm đó, nâng cao hơn nữa công tác quản lý kinh tế để đạt tới những thắng lợi to lớn
hơn nữa.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây tôi đã trình bày những nét lớn của tình hình kinh tế miền Bắc sau kế hoạch ba năm 1958-1960, tình hình đó chứng tỏ những tiến bộ lớn lao của chúng ta, tăng thêm lòng phấn khởi và tin tưởng của chúng ta vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau những năm phấn đấu gian khổ với tinh thần cách mạng rất cao, lực lượng chúng ta về mọi mặt đã lớn, mạnh hơn và vững chắc hơn trước. Trên cơ sở vật chất và tinh thần đó, chúng ta bước vào kế hoạch năm 1961, mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

PHẦN THỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH
NHÀ NƯỚC NĂM 1961

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã đã đề ra đường lối chung của miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhằm tăng cường đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đưa miền Bắc nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hoá khoa học tiên tiến.

Trên cơ sở những thành tích to lớn về phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá đã giành được, căn cứ vào đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội Đảng đã vạch ra nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 mở đầu cho thời kỳ mới nhằm "phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" (Trích Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam).

Những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là:

a) Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, phát triển công nghiệp nhẹ, phát triển giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, chuẩn bị cơ sở để tiến lên biến nước ta thành một nước công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.

b) Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh tăng cường mối quan hệ giữa sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

c) Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ xây dựng kinh tế và công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ, công nhân và nhân dân lao động, đẩy mạnh công tác khoa học và kỹ thuật, đẩy mạnh thăm dò tài nguyên thiên nhiên và điều tra cơ bản, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và văn hoá.

d) Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân thêm một bước, làm cho nhân dân ta được ăn no, mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập; mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị.

đ) Đi đôi và kết hợp với việc phát triển kinh tế, cần ra sức củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự an ninh, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chúng ta bước vào năm 1961 trong khi ở miền Bắc kế hoạch 3 năm đã được hoàn thành thắng lợi, trong khi ở miền Nam, cuộc đấu tranh của đồng bào ta chống bè lũ Mỹ - Diệm đang phát triển ngày càng sâu rộng.

Dưới ánh sáng của đường lối đúng đắn của Đại hội Đảng, chúng ta bước vào năm 1961 lòng đầy tin tưởng và phấn khởi. Năm 1961 phải là năm đánh dấu một chuyển biến cách mạng mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta. Năm 1961 phải đem lại những tiến bộ về mọi mặt thực sự tạo nên một đà thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước năm 1961 là:

1. Củng cố và phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, củng cố và tăng cường lực lượng hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp về mọi mặt, ra sức đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; trước hết ra sức đẩy mạnh sản xuất lương thực, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển các ngành nông nghiệp khác; cây công nghiệp, chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, nghề phụ. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là xây dựng cơ sở vững chắc cho công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

Việc củng cố và phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải lấy việc phát triển sản xuất nông nghiệp một cách mạnh mẽ và toàn diện làm nội dung chủ yếu. Hai việc đó tác động lẫn nhau và thúc đẩy nhau tiến tới, hai việc điều phải làm tốt; đó là một nhiệm vụ rất quan trọng năm 1961.

2. Thực hiện một bước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp nhẹ.

Tận dụng mọi lực lượng cơ khí để sản xuất các loại thiết bị mà chúng ta có thể sản xuất, các loại máy móc và công cụ cải tiến để cung cấp cho các ngành kinh tế quốc dân: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thuỷ lợi, lâm nghiệp, ngư nghiệp... Ra sức làm tốt hơn nữa công tác quản lý công nghiệp (công nghiệp Trung ương và địa phương), đặc biệt coi trọng quản lý kỹ thuật; tích cực giải quyết vấn đề nguyên liệu; nâng cao hơn nữa năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, phấn đấu hạ giá thành.

Củng cố và phát triển hợp tác xã thủ công nghiệp. Phát huy mọi khả năng của các cơ sở thủ công nghiệp và xí nghiệp công tư hợp doanh; có kế hoạch sắp xếp các cơ sở và xí nghiệp ấy theo ngành nghề, thực hiện từng bước việc cải tiến quản lý sản xuất, cải tiến kỹ thuật.

3. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ bản. Tập trung lực lượng vào các công trình trọng điểm của kế hoạch 5 năm: gang thép, điện, phân bón..., bỏ vốn đúng mức vào nông nghiệp, thuỷ lợi; tranh thủ hoàn thành đúng thời hạn và sớm đưa vào hoạt động những công trình phải làm xong trong năm 1961.

Ra sức tăng cường công tác quản lý xây dựng cơ bản, nhằm đẩy mạnh hơn nữa tốc độ xây dựng, nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Thiết thực giúp đỡ xây dựng cơ bản của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề muối...

4. Đi đôi với đà phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp xây dựng cơ bản, phải đẩy mạnh hoạt động của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đẩy mạnh hoạt động của giao thông vận tải, của thương nghiệp (nội thương và ngoại thương), của tài chính và ngân hàng nhằm tích cực phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân. Giữ vững sự phát triển cân đối, nhịp nhàng giữa mọi ngành hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

5. Ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá. Đẩy mạnh điều tra cơ bản có trọng điểm; tích cực tiến hành việc thăm dò tài nguyên và thăm dò địa chất để phục vụ cho kế hoạch 5 năm.

Tích cực đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Có kế hoạch thiết thực phát triển khoa học và kỹ thuật; đào tạo cán bộ khoa học chuyên nghiệp.

6. Thiết thực cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị về mặt vật chất và văn hoá (về ăn, mặc, ở, học, bảo vệ sức khoẻ).

7. Tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân. Nâng cao cảnh giác; củng cố trật tự trị an, củng cố quốc phòng.

Phải ra sức hoàn thành những nhiệm vụ nói trên với ý thức kiên quyết thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiệm vụ trung tâm trong cả thời kỳ quá độ miền Bắc nước ta.

Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ nói trên, những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 1961 dự định như sau:

Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp và công nghiệp là 4.870 triệu đồng, tăng 28,8% so với năm 1960 và tăng 32,8% so với 1959. Riêng giá trị sản lượng nông nghiệp sẽ là 2.856 triệu đồng, tăng 28,6% so với năm 1960 và tăng 21,2% so với năm 1959; giá trị sản lượng công nghiệp sẽ là 2.014 triệu đồng, tăng 29,1% so với năm 1960.

Tỷ trọng của nông nghiệp và công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng nông nghiệp và công nghiệp năm 1961 sẽ là: công nghiệp chiếm 41,4%, nông nghiệp chiếm 58,6% (năm 1960, công nghiệp chiếm 41,3%, nông nghiệp chiếm 58,7%; năm 1959, công nghiệp chiếm 35,8%, nông nghiệp chiếm 64,2%).

Trong nông nghiệp sản lượng lúa sẽ là 5.563.000 tấn, tăng 7,1% so với năm 1959 và tăng 24,5% so với năm 1960; ngô sẽ đạt 312.000 tấn, khoai đạt 1.210.000 tấn, sắn đạt 642.000 tấn.

Trong công nghiệp, giá trị sản lượng nhóm A tăng 39,7% so với năm 1960 và nhóm B tăng 24,4%.

Khối lượng hàng hoá luân chuyển trong nước là 1.252 triệu tấn/cây số, tăng 35,4% so với năm 1960.

Tổng số vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước về kinh tế và văn hoá tăng 22,8% so với năm 1960.

Mức hàng hoá bán lẻ trong thương nghiệp xã hội là 1.778 triệu đồng, tăng 12,6% so với năm 1960.

Tổng số cán bộ, công nhân viên công tác trong các ngành tăng 11,5% so với năm 1960, quỹ tiền lương tăng 12,6% so với năm 1960.

Năng suất lao động ở một số ngành chủ yếu tăng như sau: xí nghiệp công nghiệp quốc doanh tăng 12,4%, nông trường quốc doanh tăng 20,5%, xây dựng cơ bản tăng 9%, thương nghiệp quốc doanh tăng 15,4%.

Giá thành ở một số ngành chủ yếu so với năm 1960 sẽ giảm như sau: xí nghiệp công nghiệp nặng giảm 6%, xí nghiệp công nghiệp nhẹ giảm 5,2%, xí nghiệp lâm khẩn giảm 4%, vận tải đường sắt giảm 9,6%, đường ô tô giảm 14,5%, đường sông giảm 18,4%, đường biển giảm 17,1%, giá thành nông trường quốc doanh giảm 35,2%, phí tổn lưu thông Bộ Nội thương giảm 8,4%, phí tổn lưu thông Bộ Ngoại thương giảm 3%. Số cán bộ chuyên nghiệp đại học đầu năm học là 17.950 người, tăng 34% so với năm 1960. Số cán bộ chuyên nghiệp trung cấp đầu năm học là 46.540 người, tăng 30% so với năm 1960. Số công nhân đào tạo là 28.900 người, tăng 23% so với năm 1960.

Số học sinh đầu năm học trong các trường phổ thông là 2.386.000 người, tăng 23% so với năm 1960, trong đó cấp I là 2.023.000 người, tăng 21% so với năm 1960, cấp II là 322.000 người, tăng 33%, cấp III là 41.000 người, tăng 32%.

Về văn hoá, số sách xuất bản tăng 20%. Về y tế, tổng số cơ sở điều trị tăng 26% so với năm 1960.

PHẦN THỨ BA

NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ CỦA KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961

1. Nông nghiệp

Trong năm 1961, chúng ta phải coi trọng hơn trước việc phát triển công nghiệp đồng thời phải ra sức phát triển hơn nữa nông nghiệp.

a) Trước hết, cần giải quyết tốt vấn đề lương thực. Trong việc phát triển sản xuất lương thực phải lấy sản xuất lúa làm chính, đồng thời ra sức phát triển rộng rãi ngô, khoai, sắn. Mức phấn đấu của chúng ta về lương thực năm nay là sản lượng bình quân đầu người phải cao hơn năm 1959 nhằm bảo đảm cung cấp cho nhu cầu của nhân dân và tăng mức dự trữ xã hội, riêng sản lượng bình quân đầu người về thóc thì ít nhất phải bằng năm 1959.

Để thực hiện mục tiêu đó, cần phải ra sức mở rộng diện tích trồng lúa và hoa màu bằng cách đẩy mạnh tăng vụ và khai hoang theo quy mô nhỏ, tích cực mở rộng diện tích lúa và hoa màu mùa thu coi vụ thu là một vụ chính, đồng thời đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, thực hiện thâm canh, tăng năng suất trên toàn bộ diện tích trồng cấy.

b) Đi đôi với phát triển sản xuất lương thực, việc đẩy mạnh chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt trong năm 1961. Chúng ta phải ra sức phát triển đàn trâu, bò (bò cày, bò thịt và bò sữa), ngựa phát triển mạnh chăn nuôi lợn và các loại gia súc khác như gà, vịt, thỏ, dê, tích cực bảo vệ và phát triển đàn gia súc sinh sản chú trọng chăm sóc trâu bò cầy; tích cực giải quyết vấn đề thức ăn cho gia súc. Cần tổ chức một cách vững chắc chăn nuôi tập thể của hợp tác xã, đồng thời khuyến khích giúp đỡ chăn nuôi của xã viên.

c) Phải có một chuyển biến mạnh về trồng cây công nghiệp, để bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy, cho các nghề thủ công, tăng thêm vật tư xuất khẩu. Chú trọng phát triển các thứ cây có sợi như bông, đay, gai, cói, dâu, nuôi tằm... đẩy mạnh các loại cây có dầu như: lạc, vừng, thầu dầu, đỗ tương, hồi, chẩu, dừa... Phải trồng nhiều mía, thuốc lá, chè, cà phê, hồ tiêu, các loại cây làm thuốc và các loại cây ăn quả. Nghiên cứu và thực hiện việc quy vùng trồng các cây công nghiệp chủ yếu. Chú trọng đặc biệt đến vấn đề chọn giống, chuẩn bị và bảo quản giống cho những năm sau. Cần tổ chức tốt việc cung cấp lương thực cho nông dân ở những vùng trồng cây công nghiệp.

Thời hạn trồng cây công nghiệp phần lớn tập trung vào vụ đông xuân, qua báo cáo gần đây thì thấy việc trồng cây công nghiệp tuy đã có nhiều tiến bộ so với năm ngoái nhưng đối với một số cây cần thiết cho sản xuất công nghiệp như bông, thuốc lá, mía, lạc, v.v.. vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc chuẩn bị giống làm kém, diện tích trồng chưa đạt mức kế hoạch. Cần tăng cường lãnh đạo việc trồng cây công nghiệp hơn nữa, khắc phục khuynh hướng chỉ chú trọng đến cây lương thực mà coi nhẹ cây công nghiệp.

d) Để tăng mức cung cấp thực phẩm cho nhân dân và tăng thu nhập cho nông dân, cần phát triển mạnh việc nuôi cá và nuôi các loại thủy sản, đẩy mạnh nghề đánh cá. Ở những vùng ven biển, phải chú trọng phát triển việc nuôi và chế biến các loại thuỷ sản. Phải có chính sách tích cực giúp đỡ các hợp tác xã ngư nghiệp về các mặt: cho vay vốn, cung cấp vật liệu, nhất là gỗ và các phương tiện, để phát triển mạnh nghề cá và tăng thêm thu nhập cho ngư dân. Hướng dẫn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mở rộng diện tích nuôi cá.

đ) Cần đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, khuyến khích nhân dân và các hợp tác xã trồng cây lấy gỗ đồng bằng. Phải chú trọng bảo vệ rừng, chăm sóc những cây đã trồng. Phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt, nhất là về giống để mở rộng việc trồng rừng trong các năm sau.

e) Cần chú trọng mở rộng và củng cố các nông trường quốc doanh sẵn có, đồng thời tích cực chuẩn bị mở thêm nông trường mới. Các nông trường quốc doanh phải coi trọng phát triển các cây công nghiệp nhiệt đới ngắn ngày và lâu năm, các cây ăn quả, cây làm thuốc đồng thời coi trọng chăn nuôi. Phải khéo kết hợp "lấy ngắn nuôi dài", triệt để lợi dụng đất đai để phát triển sản xuất. Phải phát huy tác dụng làm gương mẫu và hết sức giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp về các loại giống cây và giống gia súc, về kỹ thuật canh tác, về cách quản lý kinh doanh.

Để đưa nông nghiệp tiến lên một bước mới; phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc hơn các năm trước, từ năm nay, phải rất coi trọng việc cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp. Một là: áp dụng triệt để kỹ thuật canh tác liên hoàn: đủ nước, nhiều phân, cày sâu, giống tốt, cấy dày, chăm sóc đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh, làm đúng thời vụ; Hai là: cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp. Hai mặt cải tiến kỹ thuật nói trên đây đều phải được coi trọng. Phải vận động các hợp tác xã áp dụng đúng kỹ thuật canh tác liên hoàn, tiếp tục làm ruộng thí nghiệm để tích luỹ kinh nghiệm cải tiến kỹ thuật tốt. Đồng thời phải vận động, giúp đỡ và lãnh đạo các hợp tác xã ra sức cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp, mạnh dạn dùng công cụ thô sơ cải tiến, dần dần sử dụng công cụ nửa cơ giới và cơ giới; trước hết là dùng công cụ cải tiến trong việc cày, bừa, vận tải, cấy, v.v.., đó là cách xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, là khâu quan trọng bậc nhất hiện nay để nâng cao năng suất lao động, tăng thêm tích luỹ của hợp tác xã và thu nhập của xã viên.

Phải tiếp tục phát triển mạnh phong trào làm thuỷ lợi của nhân dân, quản lý tốt và nâng cao hiệu suất của các hệ thống thuỷ lợi sẵn có, ra sức làm thêm những công trình thuỷ nông hạng vừa và hạng lớn, phải tăng thêm nhiều máy bơm để tăng sức chống hạn và chống úng, ra sức bảo đảm cho lúa, tích cực giữ độ ẩm, cho hoa mầu và cây công nghiệp. Cần đẩy mạnh việc thăm dò, khảo sát, thiết kế các công trình thuỷ nông (hạng vừa và hạng lớn) để chuẩn bị cho các năm sau.

Đi đôi với công tác thủy lợi, cần phát động một phong trào mạnh mẽ làm phân, tích cực sản xuất và chế biến các loại phân, đồng thời cố gắng nhập thêm phân hoá học và hướng dẫn cụ thể cho các hợp tác xã dùng phân hoá học cho tốt.

Để bảo đảm diện tích gieo trồng và tăng năng suất, phải đặc biệt coi trọng việc sản xuất giống, lựa chọn và bảo quản giống. Nhà nước cần có cơ quan chuyên trách về việc sản xuất, lựa chọn, phổ biến giống, phải có kho dự trữ giống đồng thời phải đẩy mạnh việc chọn giống, dùng giống tốt và dự trữ giống trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Muốn phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, phải đặc biệt chú trọng việc củng cố và phát triển hợp tác xã.

Trong năm 1961, phải tích cực củng cố và phát triển hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất, lấy việc "củng cố hợp tác xã, tăng cường quan hệ sản xuất mới bằng cách tăng cường lực lượng hợp tác xã về mọi mặt, mở rộng quy mô hợp tác xã và phát triển sản xuất" làm nhiệm vụ trung tâm; đồng thời đưa một phần hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao và tiếp tục đưa nông dân còn làm ăn riêng lẻ vào hợp tác xã, trên cơ sở đó mà động viên nông dân ra sức phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1961, làm cho nông nghiệp thật sự là cơ sở cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân, góp phần xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân thêm một bước.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, phải tích cực củng cố và tăng cường lực lượng hợp tác xã về mọi mặt. Ra sức cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất chú trọng áp dụng triệt để kỹ thuật canh tác liên hoàn và cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp; tổ chức và sử dụng hợp lý sức lao động, tăng năng suất lao động. Phải nâng cao hơn nữa trình độ quản lý hợp tác xã, thực hiện đúng quản lý dân chủ, tích cực bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã. Tiếp tục sửa chữa một cách triệt để và nghiêm chỉnh những khuyết điểm, sai lầm về việc chấp hành các đường lối chính sách hợp tác hoá nông nghiệp. Phải đẩy mạnh công tác chính trị, ra sức giáo dục tư tưởng nhằm nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa của xã viên; đẩy mạnh thi đua "bốn tốt" trong hợp tác xã. Gần đây, việc tổng kết kinh nghiệm và giới thiệu kinh nghiệm về phát triển sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật của hợp tác xã Đại Phong đã có một tác dụng tốt. Cuộc vận động học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong đang được nhiều hợp tác xã hưởng ứng và có triển vọng trở thành một phong trào sâu rộng. Chúng ta cần thấy rõ ý nghĩa chính trị và kinh tế to lớn của cuộc vận động đó, cần nắm vững mục tiêu cụ thể của cuộc vận động, tích cực và bền bỉ đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ.

Mặt khác, phải chú trọng mở rộng quy mô hợp tác xã, hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn hơn, làm cho hợp tác xã có thêm lực lượng để phát triển sản xuất. Chuyển một bộ phận hợp tác xã bậc thấp lên bậc cao và tiếp tục đưa nông dân còn làm ăn riêng lẻ vào hợp tác xã. Phải ra sức bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ cho các hợp tác xã hiện nay và chuẩn bị đào tạo cán bộ lâu dài cho những hợp tác xã quy mô lớn.

Để củng cố và phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tăng cường quản lý sản xuất mới. Nhà nước cần phải tích cực, giúp đỡ hợp tác xã về mọi mặt. Trong năm nay, Nhà nước chú trọng đào tạo hàng loạt cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho hợp tác xã; số vốn cho hợp tác xã vay để mua sắm trâu, bò, phân bón, cải tiến công cụ, làm thuỷ lợi... dự tính tăng trên 70% so với năm 1960. Số tiền chi phí về đài thọ cán bộ xã và giúp đào tạo cán bộ cho hợp tác xã tăng gần 4 lần. Số tiền thuê nông nghiệp để lại cho hợp tác xã cũng tăng hơn, nhằm giúp xây dựng và tăng cường quỹ chung của hợp tác xã.

2. Công nghiệp

Để thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, thực hiện việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp đối với các ngành kinh tế quốc dân, phải tận dụng mọi khả năng đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Phải hết sức tận dụng năng lực của những xí nghiệp hiện có và các xí nghiệp sẽ đưa vào sản xuất trong năm nay, củng cố các xí nghiệp công tư hợp doanh và các cơ sở thủ công nghiệp để đưa nhịp độ phát triển công nghiệp vượt xa các năm trước. Mặt khác phải mở rộng xây dựng cơ bản về công nghiệp, cố gắng hoàn thành và đưa vào sản xuất một số công trình quan trọng.

Giá trị tổng sản lượng toàn bộ công nghiệp phải đạt tới ít nhất là 2.014 triệu đồng tăng 29,1% so với năm 1960, trong đó công nghiệp nhóm A tăng 39,7%, công nghiệp nhóm B tăng 24,2%, công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng 41%, công nghiệp địa phương tăng 45%, công nghiệp công tư hợp doanh tăng 25,9%, thủ công nghiệp tăng 13% so với năm 1960.

Phải đặc biệt đẩy mạnh sản xuất của ngành công nghiệp cơ khí: Cung cấp đủ nông cụ cải tiến, một số máy bơm, máy chế biến nông sản, máy nông nghiệp theo máy kéo, máy thi công loại nhỏ và loại vừa, rơmoóc, toa xe, sà lan và máy phát lực nhỏ. Cố gắng sản xuất phụ tùng, dụng cụ, thiết bị lẻ mà trong nước có thể sản xuất được, đồng thời tích cực sản xuất từng bộ phận trong thiết bị toàn bộ, bảo đảm sửa chữa lớn các máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Muốn vậy phải kiên quyết thực hiện việc thống nhất quản lý ngành công nghiệp cơ khí, tăng cường công tác thiết kế và chỉ đạo kỹ thuật, cố gắng cung cấp đủ nguyên liệu cần thiết.

Về điện, phải tăng mức sử dụng thiết bị phát điện, triệt để tiết kiệm điện; đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy cần thiết để bảo đảm cung cấp điện cho xí nghiệp, công trường, trạm bơm, các cơ sở công nghiệp địa phương và bảo đảm mục tiêu dùng điện hợp lý cho nhu cầu sinh hoạt.

Tập trung lực lượng đẩy mạnh việc xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, tận dụng công suất và nâng cao chất lượng sản phẩm của các lò cao nhỏ hiện có, xây dựng thêm lò cao nhỏ.

Đẩy mạnh sản xuất gỗ, xi măng, bảo đảm cung cấp cho nhu cầu của nhà nước, giải quyết một phần nhu cầu của nhân dân, tăng mức xuất khẩu.

Về than: phải phấn đấu bảo đảm mức khai thác, đồng thời bảo đảm bốc đất đá, thực hiện đúng quy tắc kỹ thuật, đẩy mạnh việc thăm dò kỹ thuật, chuẩn bị công trình để tăng nhanh mức khai thác trong những năm sau.

Phát triển mạnh công nghiệp khai khoáng khác, nhất là thiếc, cờrôm, apatít.

Tăng mức sản xuất phân bón, hoàn thành và đưa vào sản xuất nhà máy supe lân, đẩy mạnh xây dựng nhà máy phân đạm, phát triển nhanh các cơ sở chế biến phân bón ở địa phương.

Về các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, phải tận dụng công suất các nhà máy hiện có, tích cực khắc phục khó khăn về nguyên liệu và tiêu thụ; phải xây dựng xong đúng thời hạn và đưa vào sản xuất các nhà máy đường Vạn Điểm, giấy Việt Trì. Phát triển mạnh công nghiệp thực phẩm, chú trọng công nghiệp và thủ công nghiệp chế biến nông sản, như: chế biến ngô, khoai, sắn, các loại thực phẩm có bột, các loại rau, thịt, cá...

Công nghiệp quốc doanh phải ra sức hoàn thành kế hoạch một cách toàn diện. Phải sử dụng tốt thiết bị, sử dụng tốt công suất của máy móc, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm mặt hàng mới, tăng thêm tích lũy cho Nhà nước.

Đi đôi với việc phát triển công nghiệp quốc doanh, phải đặc biệt chú trọng việc hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp và công nghiệp công tư hợp doanh.

Đối với thủ công nghiệp, phải tiếp tục hoàn thành hợp tác hoá thủ công nghiệp, đưa các tổ sản xuất và hợp tác xã cung tiêu sản xuất lên hợp tác xã sản xuất bậc vừa, chuyển một bộ phận hợp tác xã bậc vừa lên hợp tác xã bậc cao, đồng thời phải củng cố hợp tác xã cho tốt. Phải chú trọng việc giáo dục chính trị, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho quần chúng lao động thủ công.

Kết hợp chặt chẽ với việc tiếp tục hoàn thành hợp tác hoá, cần đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ, cải tiến tổ chức lao động, nhằm nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, mở rộng tích luỹ, tạo điều kiện tiến lên thực hiện nửa cơ giới hoá và cơ giới hoá sản xuất. Tăng cường sự giúp đỡ của xí nghiệp nhà nước và xí nghiệp công tư hợp doanh đối với ngành thủ công; có kế hoạch trang bị cho các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp.

Trong việc điều hoà, phân phối nguyên liệu, phải chiếu cố đúng mức các hợp tác xã thủ công nghiệp, đồng thời phải phát động quần chúng triệt để tiết kiệm nguyên liệu, để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất.

Cần giải quyết quan hệ giữa công nghiệp quốc doanh địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp cho tốt hơn.

Các xí nghiệp công tư hợp doanh, về căn bản đã là xí nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ hiện nay là củng cố quan hệ sản xuất mới, đẩy mạnh sản xuất nhằm làm cho xí nghiệp được củng cố về mọi mặt, trước hết và chủ yếu là về mặt chính trị. Để thực hiện nhiệm vụ đó, trong năm 1961, cần tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh theo quy hoạch toàn diện, có tính toán giữa nhu cầu và khả năng, theo phương hướng có lợi cho việc quản lý và phát triển kinh tế, lợi cho việc cải tạo xí nghiệp, cải tạo nhà tư sản. Giữa quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã phải thực hiện chế độ phân công hợp tác cho chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của quốc doanh.

Trong các xí nghiệp, phải tiến hành cải tiến quản lý xí nghiệp theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, chú trọng hai mặt, kiện toàn tổ chức xí nghiệp và kiện toàn chế độ quản lý xí nghiệp.

Trên cơ sở xí nghiệp được kiện toàn về các mặt, phải sửa đổi dần một số chính sách và chế độ áp dụng cho xí nghiệp công tư hợp doanh, có lợi cho việc phát triển sản xuất.

Để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng công nghiệp của các loại khoáng sản chủ yếu. Phải động viên và hướng dẫn nhân dân tham gia vào việc thăm dò địa chất, chú trọng giúp các địa phương trong việc thăm dò và khai thác quặng để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp địa phương.

Để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, cần tăng cường lãnh đạo công nghiệp. Phải nâng cao nhận thức của toàn dân đối với sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Phải kiện toàn các tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên lao động trong xí nghiệp. Phải đẩy mạnh cuộc vận động thi đua hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, mở rộng và phát triển phong trào thi đua học tập tiến kịp và vượt nhà máy cơ khí Duyên Hải trong các xí nghiệp, tích cực đào tạo và bồi dưỡng công nhân, chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động. Phải giải quyết tốt vấn đề cung cấp nguyên liệu, vật liệu, vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

3. Xây dựng cơ bản

Nhiệm vụ xây dựng cơ bản năm 1961 là phải tiếp tục sản xuất những công trình của kế hoạch ba năm chuyển sang, xây dựng xong một số công trình để kịp thời đưa vào sản xuất và bắt đầu khởi công một số công trình của kế hoạch 5 năm. Phải tập trung lực lượng vào những công trình trọng điểm: gang, thép, điện, thủy lợi, phân bón...

Căn cứ yêu cầu đó, chúng ta tập trung vốn cho công nghiệp (chiếm 46,2%) nông nghiệp (chiếm 15,7%), tăng thêm vốn cho các địa phương, đồng thời chú ý xây dựng một số trường học, nhà ở, cơ quan cần thiết.

Trong công nghiệp, cần tập trung vốn để xây dựng xong các nhà máy supe lân, xi măng mở rộng, giấy Việt Trì, đường Vạn Điểm, điện Thanh Hoá, và các đường dây dẫn điện Việt Trì - Đông Anh, Đông Anh - Thái Nguyên, đồng thời đẩy mạnh nhịp độ xây dựng các nhà máy gang thép, điện Thái Nguyên, phân đạm Bắc Giang, dệt Hà Nội.

Trong nông nghiệp, dành một phần lớn vốn cho việc mở rộng và củng cố các nông trường quốc doanh.

Vốn xây dựng cơ bản ở địa phương cần giành một tỷ lệ thích đáng cho xây dựng công trình thuỷ nông, công nghiệp địa phương và đường giao thông.

Trong việc thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản, phải bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản của Nhà nước, đồng thời phải chú ý lãnh đạo và giúp đỡ các hợp tác xã phát triển công tác xây dựng cơ bản, phải cố gắng cung cấp cho họ máy móc, công cụ, vật liệu xây dựng.

Đối với công tác xây dựng cơ bản của Nhà nước phải chấp hành đúng trình tự về xây dựng cơ bản; phải khắc phục tình trạng làm kế hoạch chậm, tình trạng thiếu chuẩn bị về các mặt thiết kế, địa điểm, vật liệu xây dựng trước khi đi vào khởi công, tăng cường công tác thiết kế, phải chú trọng cung cấp đủ và kịp thời vật liệu xây dựng. Trên các công trình, phải tích cực chống lãng phí, triệt để thực hành tiết kiệm về mọi mặt từ thiết kế đến thi công, ra sức phấn đấu hạ giá thành và nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Sử dụng rộng rãi các công cụ cải tiến, tăng thêm lực lượng thi công nửa cơ giới và cơ giới, cải tiến và tăng cường quản lý công trường.

4. Vận tải và bưu điện

Công tác giao thông vận tải phải được phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xây dựng, lưu thông hàng hoá, bảo đảm vận tải được nhanh, kịp thời và góp phần vào việc hạ giá thành sản xuất và xây dựng. Chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Để bảo đảm nhiệm vụ đó, phải tận dụng khả năng của phương tiện thiết bị sẵn có, thống nhất quản lý lực lượng vận tải, đồng thời phát triển thêm phương tiện vận tải đến mức độ cần thiết. Song song với việc sử dụng các phương tiện vận tải cơ giới, phải triệt để sử dụng và cải tiến các công cụ vận tải thô sơ, nhất là ở nông thôn và miền núi. Hết sức lợi dụng vận tải đường thuỷ, phát triển lực lượng vận tải quốc doanh đường sông, khéo kết hợp thuỷ lợi và giao thông để phát triển đường sá ở nông thôn.

Phải tích cực cải tiến công tác bốc dỡ, nghiên cứu để điều chỉnh hợp lý hệ thống giá cước vận tải.

Về bưu điện, phải tăng cường trục chính, bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên từ Trung ương đến huyện, chú trọng nâng cao chất lượng. Tăng cường bưu chính xã phục vụ nông thôn và miền núi.

5. Thương nghiệp

Công tác thương nghiệp phải phục vụ tốt hơn nữa việc sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân, vào việc tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, củng cố khối công nông liên minh. Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thu mua nông sản và các sản phẩm nghề phụ. Vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất và tiêu dùng hợp lý để tăng tỷ lệ nông sản hàng hoá.

Đối với công nghiệp, thương nghiệp cũng phải hướng dẫn sản xuất mặt hàng mới phù hợp với yêu cầu thị trường và phải tích cực đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Phải tăng cường cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp.

Phải mở rộng việc cung cấp hàng tiêu dùng theo chính sách tiêu dùng hợp lý, đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, đồng thời tiết kiệm tiêu dùng trong nước để tăng phần xuất khẩu. Đối với những loại hàng sản xuất chưa đủ nhu cầu, phải thực hiện chế độ cung cấp theo kế hoạch và tích cực cải tiến phương thức cung cấp.

Tiếp tục bình ổn vật giá, điều chỉnh một số giá cho phù hợp với quan hệ sản xuất mới, và khuyến khích phát triển sản xuất mới, tăng năng suất, hạ giá thành.

Phải thực hiện tốt sự phân công giữa mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, củng cố thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất; đồng thời chống khuynh hướng quản lý thị trường một cách máy móc; tích cực sắp xếp hệ thống thu mua, hệ thống cửa hàng cho hợp lý. Tích cực cải tiến quản lý kinh doanh, kiên quyết khắc phục tư tưởng kinh doanh đơn thuần trong một số cán bộ thương nghiệp. Phấn đấu hạ phí tổn lưu thông, chống quan liêu lãng phí tham ô. Củng cố và tăng cường quản lý những cơ sở công tư hợp doanh và các cửa hàng hợp tác, tiếp tục hoàn thành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với những người buôn bán nhỏ.

Về ngoại thương, phải khai thác mọi khả năng để mở rộng mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt chú trọng nông sản, lâm sản và những hàng công nghiệp mà trong nước có nhiều khả năng phát triển. Phải quản lý chặt việc nhập hàng, kiên quyết không nhập những thứ hàng trong nước có thể sản xuất được. Phải bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch nhập khẩu: nhập đủ hàng, kịp thời, đúng quy cách và phẩm chất.

6. Tài chính và tiền tệ

Nhiệm vụ của công tác tài chính năm 1961 là phải góp phần vào việc khai thác mọi nhân tố tích cực, bảo đảm thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hoá, tăng cường tiết kiệm, bảo đảm tăng thu nhập cho tài chính Nhà nước.

Phải ra sức tăng cường quản lý thu và cải tiến chế độ thu, tăng cường giám đốc tài chính, thúc đẩy hạch toán kinh tế.

Trong việc phân phối chi, phải tập trung vào việc mở mang xây dựng cơ bản, giúp đỡ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, bảo đảm mức chi tiêu cần thiết về sự nghiệp, hành chính..

Phải thực hiện tiết kiệm một cách nghiêm khắc, tăng cường quản lý tài chính; tổ chức một cách thiết thực một cuộc vận động chống lãng phí, tham ô, quán triệt tinh thần cần kiệm trong mọi việc.

Tiếp tục đẩy mạnh lưu thông tiền tệ; ra sức huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi, đẩy mạnh việc cho vay phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.

7. Đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề, công tác nghiên cứu khoa học

Phải chú trọng đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, kỹ thuật cho hợp tác xã nông nghiệp để góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển hợp tác xã. Phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ quản lý kinh tế nhằm nâng cao trình độ quản lý các ngành kinh tế, đồng thời tích cực đào tạo cán bộ kỹ thuật, khoa học, nghiệp vụ để phục vụ kịp nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm.

Để thực hiện phương châm đào tạo cán bộ "nhiều, nhanh, tốt, kiêm", phải cải tiến chương trình và nội dung giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa học tập và lao động sản xuất, giữa học tập và nghiên cứu khoa học. Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu rút ngắn thời gian học tập ở một số ngành. Phát triển mạnh các hình thức đào tạo theo lối không chính quy và nửa chính quy; phải tăng cường việc bồi dưỡng giáo sư, giảng viên.

Tăng cường việc phối hợp giữa các ngành trong việc đào tạo cán bộ, thành lập một hội đồng gồm các cơ quan có quan hệ đến công tác đào tạo cán bộ để giúp Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc đào tạo và phân phối, sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật.

Đi đôi với việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ xây dựng kinh tế, việc đặc biệt phải bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật là một yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện tốt trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm. Phải đặc biệt chú trọng đào tạo và bồi dưỡng công nhân về các mặt chính trị, văn hoá và kỹ thuật; phải lợi dụng nhiều hình thức đào tạo, kết hợp hình thức đào tạo theo lối chính quy và không chính quy, đào tạo lại các trường lớp và đào tạo theo lối kèm cặp. Phải đưa vào cơ sở sản xuất để đẩy mạnh việc đào tạo.

Năm 1961, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học. Phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, đẩy mạnh quản lý kỹ thuật, bước đầu xây dựng một hệ thống đo lường thống nhất, chủ yếu là về cân và đo để phục vụ cho sản xuất và thương nghiệp; xây dựng một số tiêu chuẩn của Nhà nước như tiêu chuẩn về nguyên liệu và vật liệu, về chế tạo cơ khí, bắt đầu nghiên cứu một số vấn đề kỹ thuật ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhằm bảo quản và sử dụng tốt các thiết bị máy móc, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản. Về khoa học nông nghiệp, phải nghiên cứu những biện pháp để tăng năng suất một số cây trồng, trước hết là lúa; nghiên cứu và thực hiện việc chia vùng nông nghiệp. Về y học phải nghiên cứu những phương pháp có hiệu quả đề phòng và chống dịch, phòng và chống bệnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân lao động.

Phải có kế hoạch phổ biến khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng, nhất là thanh niên công nhân, vận động quần chúng học tập khoa học - kỹ thuật; ra sức đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.

8. Biên chế, năng suất lao động và hạ giá thành

Phải ra sức kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, hết sức hạn chế việc tăng biên chế trong khu vực hành chính, tích cực hạn chế số người phụ đông. Trong khu vực sản xuất, phải thực hiện việc tăng sản lượng chủ yếu dựa vào tăng năng suất lao động. Ở những xí nghiệp cũ, phải cố gắng giảm bớt số công nhân dự phòng, giảm bớt tỷ lệ nhiệm vụ gián tiếp sản xuất. Ở những xí nghiệp mới phải quản lý việc tuyển công nhân, nhân viên cho chặt chẽ.

Để bảo đảm các ngành kinh tế phát triển với nhịp độ nhanh, bảo đảm tăng tích luỹ cho Nhà nước, phải ra sức phấn đấu tăng nhanh năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Muốn vậy, phải đẩy mạnh phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, hợp tác hoá sản xuất, phấn đấu đạt những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, nâng cao tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, rút ngắn thời gian sửa chữa thiết bị, xe cộ. Phải cải tiến tổ chức sản xuất, tăng cường kỷ luật lao động, hạn chế số ngày nghỉ ngoài kế hoạch.

Trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, phải tích cực phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và giảm phí tổn lưu thông thương nghiệp. Phải mở rộng dần việc thi hành chế độ hạch toán kinh tế.

9. Giáo dục, văn hoá, y tế và bảo vệ sức khoẻ

Về giáo dục, cần ra sức phát triển toàn diện và có kế hoạch, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục coi bổ túc văn hoá là nhiệm vụ hàng đầu; củng cố phát triển mạnh các lớp mẫu giáo và vỡ lòng; tích cực thực hiện phổ cập cấp I, phát triển mạnh các trường phổ thông cấp II và cấp III, các trường phổ thông có học nghề...

Phải chú trọng đưa sách, báo, phim ảnh đi sâu hơn nữa vào các cơ sở, dựa vào lực lượng các ngành, các đoàn thể, các hợp tác xã, phát triển mạnh mẽ công tác văn hoá, văn nghệ quần chúng. Phát triển mạnh mẽ lưới truyền thanh nhân dân.

Phải phát triển công tác thể dục và vệ sinh lên một bước; đặc biệt chú trọng tạo dần một nếp vệ sinh mới trong nhân dân nhất là trong nông thôn; ban hành luật vệ sinh. Chú trọng phát triển và nâng dần chất lượng các trạm y tế xã và công tác y tế vệ sinh ở các cấp hợp tác xã. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị ở các bệnh viện. Chuẩn bị và thực hiện tốt chủ trương tiêu diệt bệnh sốt rét, tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch về các bệnh xã hội khác như lao, phong, đau mắt hột.

Chú trọng hơn nữa việc bảo vệ các bà mẹ và trẻ em, mở rộng tổ chức giữa trẻ trong xí nghiệp, hợp tác xã, cơ quan... Nghiên cứu để sắp xếp hợp lý lực lượng lao động phụ nữ trong các ngành sản xuất sự nghiệp.

10. Phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi

Năm 1961, phải hết sức coi trọng việc phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi. Trên cơ sở củng cố và mở rộng hợp tác xã nông nghiệp, phải ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp ở miền núi một cách toàn diện; lấy sản xuất lương thực làm trọng tâm, đồng thời tích cực khuyến khích các hợp tác xã phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây làm thuốc và cây ăn quả. Ở những vùng có xí nghiệp công nghiệp và công trường, phải đẩy mạnh sản xuất lương thực và thực phẩm hơn nữa để có thể bảo đảm cung cấp.

Ra sức phát triển lâm nghiệp, hướng dẫn nhân dân khai thác hợp lý các nguồn lâm sản, thổ sản, tăng cường ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng và chống nạn làm cháy rừng.

Về công nghiệp, ngoài những xí nghiệp quốc doanh trung ương, phải phát triển mạnh công nghiệp địa phương, nhằm bảo đảm cung cấp tư liệu sản xuất cho nông nghiệp thích hợp với yêu cầu và tập quán canh tác từng nơi, đẩy mạnh việc chế biến các loại nông sản, lâm sản, thổ sản ở địa phương, phát triển các loại vật liệu xây dựng để cung cấp cho nhu cầu xây dựng của địa phương, phát triển mạnh các loại hàng tiêu dùng thích hợp với tập quán tiêu dùng của nhân dân địa phương. Phải chú trọng đào tạo công nhân địa phương, tổ chức dạy nghề thủ công cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Để thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh, phải chú trọng phát triển giao thông vận tải. Coi trọng việc phát triển những đường giao thông nhỏ, khôi phục và phát triển đường liên huyện, liên xã.

Về thương nghiệp, một mặt phải bảo đảm cung cấp hàng hoá cần thiết cho miền núi, mặt khác phải đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sự giao lưu giữa miền núi và miền xuôi, giữa vùng cao và vùng thấp.

Phải phát triển mạnh công tác văn hoá, giáo dục y tế ở miền núi. Đẩy mạnh việc thanh toán nạn mù chữ nhất là ở vùng cao, phát triển công tác bổ túc văn hoá và giáo dục phổ thông, đẩy mạnh việc dạy chữ dân tộc. Phải ra sức đào tạo cán bộ cho miền núi, chú trọng cán bộ người địa phương. Đẩy mạnh các công tác vệ sinh, phòng bệnh, tiếp tục chống bệnh sốt rét.

Để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi, đồng thời giải quyết hợp lý nhân lực ở đồng bằng, năm nay cần thực hiện việc đưa người ở đồng bằng lên miền núi để phát triển sản xuất, trước hết là phát triển nông nghiệp.

11. Nâng cao mức sống của nhân dân

Đường lối đúng đắn nhất và bảo đảm nhất để cải thiện đời sống là ra sức đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế văn hoá. Mọi hoạt động của các ngành kinh tế và văn hoá đều phải quán triệt phương châm phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân.

Đối với công nhân, cán bộ, viên chức, trên cơ sở chế độ tiền lương đã được cải tiến, phải tiếp tục mở rộng chế độ lương trả theo sản phẩm một cách có trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với việc tăng cường giáo dục chính trị. Phải tăng cường quản lý quỹ tiền lương. phải sử dụng tốt quỹ phúc lợi, tích cực giải quyết những yêu cầu chính đáng về đời sống như lập thêm nhà ăn, quán ăn, chuyển các nhà ăn tập thể sang cho quốc doanh phụ trách, xây dựng thêm nhà ở, nhà giữ trẻ, bệnh viện, thi hành chế độ bảo hiểm xã hội, chú trọng hơn nữa an toàn lao động. Phải tiếp tục sắp xếp việc làm cho những người chưa có việc làm trong gia đình công nhân, bộ đội, viên chức, cán bộ.

Đối với nông dân nhất là xã viên hợp tác xã, phải có kế hoạch sử dụng tốt và nhiều hơn sức lao động vào việc phát triển nông nghiệp toàn diện để vừa tăng thêm của cải cho xã hội, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân, phải hết sức giúp đỡ họ chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng thoả mãn nhu cầu về tư liệu sản xuất và những hàng tiêu dùng chủ yếu. Phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào vệ sinh phòng bệnh ở nông thôn, thực hiện ăn sạch, ở sạch, dùng nước giếng, xây giếng hợp vệ sinh, uống nước đun sôi và vận động chấm dứt việc dùng phân tươi để bón rau, bón ruộng. Phải đưa vào các hợp tác xã để xây dựng thêm các trạm y tế, tủ thuốc, lớp học, sửa sang đường sá, cầu cống... xây dựng dần dần nông thôn mới.

Đối với thợ thủ công cần giải quyết tốt vấn đề cung cấp nguyên liệu, bảo đảm sản xuất được điều hoà, có việc làm luôn, do đó, mà tăng thêm thu nhập. Đối với người buôn bán nhỏ cần sử dụng họ tốt hơn nữa trong việc thu mua, phân phối hàng hoá, đồng thời tiếp tục giúp đỡ một số chuyển sang sản xuất.

Vừa qua, do sản xuất nông nghiệp gặp thiên tai, chúng ta có khó khăn về lương thực và một số thực phẩm. Vì vậy, một mặt chúng ta phải ra sức đẩy mạnh sản xuất, làm tốt công tác thu mua và cung cấp lương thực. Mặt khác, cần tăng cường giáo dục cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng đắn tình hình trước mắt, nhận thức đúng đắn những nhiệm vụ và phương hướng của Đảng và Chính phủ đã đề ra, thấy rõ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ đưa lại những thắng lợi ngày càng to lớn. Nhưng muốn đạt thắng lợi, chúng ta phải không ngừng vượt qua mọi khó khăn, nâng cao hơn nữa ý thức làm chủ của nhân dân, nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, phấn khởi vươn tới trước, phấn khởi trong việc phát huy những thắng lợi đã giành được cũng như việc khắc phục các khó khăn tạm thời, ra sức lao động sản xuất góp phần vào việc cải thiện đời sống của nhân dân.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Từ đầu năm nay, phát huy thắng lợi của việc hoàn thành kế hoạch 3 năm và năm 1960, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương, ở khắp nơi trên miền Bắc nước ta, phong trào thi đua yêu nước đang có chuyển biến mới. Từ nông thôn đến thành thị, từ xí nghiệp đến công trường, nhân dân lao động đã bước vào năm 1961 với một khí thế cách mạng sôi nổi quyết tâm, đạt nhiều thành tích mới. Ở nông thôn, sau khi việc tổng kết kinh nghiệm ở hợp tác xã Đại Phong đã nêu lên những bài học và những nhân tố mới trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, phong trào thi đua "học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong" đã lan rộng nhanh chóng. Hàng vạn hợp tác xã đang xây dựng kế hoạch phấn đấu nhằm những mục tiêu thi đua cụ thể: cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất; tăng vụ và vỡ hoang; phát triển nhiều ngành nghề; cải tiến công tác quản lý; tăng cường công tác chính trị và tư tưởng trong hợp tác xã. Phong trào thi đua ở nông thôn đang được đẩy mạnh, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ hợp tác hoá năm 1961 với việc đẩy mạnh vụ đông xuân trước mắt. Từ đầu vụ đông xuân đến nay, diện tích cấy lúa chiêm chính vụ đã vượt kế hoạch 2,1% và vượt diện tích vụ chiêm năm 1960 trên một vạn ha, chưa kể số chiêm muộn; lúa Nam Ninh Xuân đang được đẩy mạnh. Diện tích trồng thầu dầu đã vượt kế hoạch, diện tích khoai và đậu tương xấp xỉ đạt kế hoạch. Việc khai hoang, tăng vụ được đẩy mạnh: các địa phương đã khai hoang được gần 30.000 ha, gấp 4 lần diện tích vỡ hoang năm 1960, nhiều nhất là ở Hải Dương, Phú Thọ, Nghệ An... Diện tích tăng vụ lên tới 22.000 ha, gấp đôi năm 1960. Nhờ phong trào trồng xen gối vụ, nhiều nơi đã thu hoạch hoa mùa sớm, giải quyết một phần khó khăn về lương thực. Đi đôi với việc trồng cấy, nhiều địa phương đang mở đợt thăm đồng, bón ruộng, làm cỏ, diệt sâu... Việc cải tiến công cụ lao động trong nông nghiệp cũng đã có những bước phát triển mới, các hợp tác xã bậc cao hầu hết đã dùng cày cải tiến. Việc cung cấp tư liệu sản xuất cho nông nghiệp được chú trọng hơn trước: cung cấp trâu, bò vượt kế hoạch 23,4%. Việc cho vay vốn đối với nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được mở rộng hơn trước: đối với nông nghiệp, số tiền cho vay dài hạn và ngắn hạn đều tăng nhiều, riêng tiền cho vay dài hạn trội hơn đã dự tính 80%.

Trong các xí nghiệp, cuộc vận động "hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật" đạt được nhiều thành tích, phong trào thi đua tiên tiến đang phát triển rộng rãi và có nhiều hình thức mới. Nhà máy Xi măng Hải Phòng có "phong trào Nguyễn Thị Lý", nhà máy Cơ khí Hà Nội có phong trào "đuổi và vượt năng suất cao", Công ty than Hồng Gai1 mở "hội diễn kỹ thuật mùa Xuân", khu gang thép Thái Nguyên có phong trào "đội kỵ binh"... đặc biệt là phong trào quần chúng sôi nổi và mạnh mẽ ở nhà máy Cơ khí Duyên Hải trong "hội thao diễn kỹ thuật mùa xuân" đã đưa lại nhiều thành tích về hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Phong trào quần chúng ở đây, tuy còn mới mẻ, nhưng đã nêu lên những bài học sinh động về vai trò làm chủ của công nhân, về quy luật tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội và về đường lối lãnh đạo, quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa. Trong phong trào thi đua sản xuất nhiều xí nghiệp đã tập trung lực lượng giải quyết những khó khăn về nguyên liệu, tổ chức sản xuất, về kỹ thuật. Một số xí nghiệp và công trường đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I năm 1961 như than Hồng Gai, apatít Lào Cai, cơ khí Duyên Hải, cơ khí Hà Nội, xi măng Hải Phòng, phốt phát Hải Phòng, Mỏ than Cọc 6, nhà máy cao su Sao Vàng, nhà máy ép dầu Vinh, thuốc lá Thăng Long... Toàn ngành công nghiệp quốc doanh trung ương đạt sấp xỉ kế hoạch quý, riêng nhóm A vượt kế hoạch 1,7% và tăng 35,7% so với quý I năm 1960.

Nhờ đẩy mạnh việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện hạch toán ở các phân xưởng, trong quý I năm 1961, các xí nghiệp đã tăng được năng suất lao động một cách rõ rệt: toàn ngành công nghiệp quốc doanh đã thực hiện vượt mức kế hoạch tăng năng suất là 5,2%, tăng 17,4% so với quý I năm 1960; đặc biệt là nhóm A, năng suất lao động đã vượt kế hoạch 12,2% và tăng 26,9% so với quý I năm 1960. Trên các công trường xây dựng cơ bản, nhịp độ xây dựng, nhất là ở các công trình trọng điểm tăng nhanh: ở khu gang thép Thái Nguyên, khối lượng xây lắp tăng gấp rưỡi so với quý IV năm 1960. Ở một số công trường, có nhiều chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được thực hiện vượt mức từ 26% đến 126%. Các mặt công tác khác như: giao thông, vận tải, nội thương, ngoại thương, tài chính, ngân hàng... đều có những cố gắng và tiến bộ mới.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước mấy tháng qua, chúng ta cũng có những khuyết điểm. Trong nông nghiệp, việc chăm bón lúa còn yếu: phân bón còn ít, việc làm cỏ chưa được đẩy mạnh. Một số cây lương thực như sắn và đậu các loại chưa đạt mức kế hoạch; đáng chú ý là các loại cây công nghiệp như bông, lạc, mía, thuốc lá, tuy đã sắp hết thời vụ, nhưng diện tích đạt mức rất thấp. Chăn nuôi vẫn còn sút kém, một số trâu, bò bị chết vì thiếu chăm sóc, bồi dưỡng. Trong sản xuất công nghiệp tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cả năm còn thấp và còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu. Ở một số ngành quan trọng như điện, gỗ..., nhịp độ phát triển chậm, ảnh hưởng nhiều đến các ngành sản xuất và xây dựng. Việc tăng năng suất lao động không đi đôi với hạ giá thành; phẩm chất sản phẩm chưa được nâng cao. Công tác xây dựng cơ bản đạt mức thấp và gặp nhiều khó khăn, do việc điều động, phân phối vật liệu, nhất là gỗ chưa được tổ chức tốt. Ngành giao thông, vận tải không đạt kế hoạch về vận chuyển hàng hoá. Việc cung cấp lương thực và thực phẩm ở một số nơi đang còn gặp khó khăn. Nguyên nhân của những khuyết điểm đó một mặt do tư tưởng của cán bộ các cấp, các ngành chuyển biến còn chậm chạp, một mặt khác do việc tổ chức thực hiện kế hoạch của ta còn có nhiều khuyết điểm: tác phong, lề lối làm việc, kỷ luật công tác, chế độ kiểm tra, đôn đốc, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các xí nghiệp... còn có nhiều nhược điểm và khuyết điểm. Thực tế đã chỉ rõ, một khi lãnh đạo có chuyển biến mạnh, tư tưởng của quần chúng được phát động, chúng ta có rất nhiều khả năng để thực hiện kế hoạch: trong phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong, nhiều hợp tác xã đã làm được những việc trước đây tưởng không sao làm được; ở các xí nghiệp: cơ khí Duyên Hải, cơ khí Hà Nội, xí nghiệp toa xe Hải Phòng, các buổi thao diễn kỹ thuật đã đưa lại những kết quả tốt đẹp về hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, vượt được nhiều chỉ tiêu sản xuất cũ. Trong ngành vận tải, một điển hình đáng chú ý: do sự chú ý giúp đỡ và chỉ đạo tích cực của Bộ, chỉ trong 20 ngày ta đã vận chuyển được từ cảng Bến Thuỷ ra một số gỗ bằng cả tháng 1 và tháng 2 năm 1961 cộng lại. Những điểm đó chứng tỏ chúng ta có nhiều khả năng để thực hiện tốt kế hoạch. Điều quan trọng là cần phải giải quyết tốt những vấn đề trước mắt về tư tưởng tổ chức.

Cần làm cho nhân dân ta nhận rõ một cách toàn diện những thắng lợi về mặt cải tạo xã hội chủ nghĩa, về mặt phát triển kinh tế và văn hoá và cải thiện đời sống trong những năm qua, thấy rõ hơn nữa những chuyển biến sâu sắc đang diễn ra ở miền Bắc, thấy rõ những lực lượng và khả năng to lớn của chúng ta, đồng thời thấy rõ những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Mặt khác, cần nhận rõ những khó khăn, nhược điểm và khuyết điểm của chúng ta trong hoàn cảnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu để có quyết tâm khắc phục khó khăn, đưa cách mạng tiếp tục tiến tới. Đó là những khó khăn trên bước đường phát triển, trong khi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ngày càng đề ra những yêu cầu cao hơn trước.

Công tác quan trọng bậc nhất hiện nay là phải đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, nâng cao hơn nữa giác ngộ xã hội chủ nghĩa của toàn dân, nâng cao nhiệt tình cách mạng, làm cho tư tưởng của nhân dân lao động, cũng như của cán bộ các ngành, các cấp chuyển biến kịp theo yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang ngày càng tiến triển, gây một đà phấn khởi cách mạng mới, phát huy mọi lực lượng nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước.

Toàn dân ta hãy nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò làm chủ của mình, làm chủ Nhà nước, làm chủ quan hệ sản xuất mới, làm chủ đời sống kinh tế của xã hội. Ý thức đó phải được thể hiện ở thái độ lao động mới, ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, làm tròn nghĩa vụ của mình đối với tập thể, đối với xã hội. Tất cả mọi hoạt động phải nhằm mục đích phục vụ sản xuất phát triển, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, cố gắng tích luỹ để không ngừng mở rộng sản xuất. Phải quán triệt hơn nữa tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, dũng cảm phấn đấu khắc phục khó khăn, hăng hái lao động sản xuất, đồng thời phải hết sức tiết kiệm về mọi mặt, trong sản xuất, cũng như trong đời sống hàng ngày. Phải xây dựng nhiệt tình cách mạng sôi nổi, nắm vững quan điểm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, ra sức học tập cái mới, luôn luôn tìm tòi sáng tạo, luôn luôn phấn đấu vươn tới trước...

Đi đôi với công tác tư tưởng, phải giải quyết tốt những vấn đề thuộc về tổ chức thực hiện, coi đó là biện pháp mấu chốt bảo đảm thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như các chỉ tiêu kế hoạch. Phải tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với sự phát triển có kế hoạch của nền kinh tế quốc dân, tăng cường quản lý về các mặt tài chính, vật tư, nhân lực. Phải cải tiến tổ chức quản lý kinh tế, thực hiện phân cấp quản lý đúng mức, kết hợp chặt chẽ việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, của cơ sở với sự lãnh đạo thống nhất của trung ương. Phải tăng cường tác dụng chỉ đạo thực hiện kế hoạch của cơ quan nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; phải tăng cường năng lực của các đơn vị cơ sở; xí nghiệp, hợp tác xã... để làm tròn nhiệm vụ tổ chức, động viên quần chúng thực hiện kế hoạch nhà nước.

Đồng thời với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hoá, cần phải nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác trong cán bộ và trong nhân dân, củng cố trật tự trị an, củng cố quốc phòng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của Mỹ - Diệm và bọn tay sai, bảo vệ công cuộc xây dựng hoà bình ở miền Bắc.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch ba năm, chúng ta vô cùng phấn khởi trước những thành tích to lớn đã đạt được. Nhân dân lao động miền Bắc, với tinh thần lao động quên mình và sáng tạo, đã cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, anh dũng phấn đấu trên các mặt trận kinh tế và văn hoá. những thành tích đó cổ vũ mạnh mẽ chúng ta tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.

Chúng ta vô cùng phấn khởi trước những tiến bộ to lớn về mọi mặt kinh tế và văn hoá trong thời gian qua, đó là kết quả tốt đẹp của sức lao động sáng tạo của nhân dân lao động, kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chủ tịch kính mến, kết quả của sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.

Trong những năm sắp tới, các nước anh em sẽ tiếp tục giúp đỡ nước ta rất to lớn trong việc xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, vận tải và phát triển các công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế. Những hiệp định về tương trợ và hợp tác kinh tế, về mậu dịch, về hợp tác xã văn hoá, khoa học, kỹ thuật vừa được ký kết giữa các đoàn đại biểu của Chính phủ ta và Chính phủ các nước anh em có tác dụng quan trọng tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước anh em, đồng thời sẽ góp phần bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch năm 1961 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta. Cám ơn sâu sắc các nước anh em, nhân dân ta nhất định sẽ ra sức xây dựng tốt các công trình, quản lý tốt các xí nghiệp, học tập tốt các chuyên gia, biến sự giúp đỡ của các nước anh em thành những lực lượng của chính mình để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Với tinh thần tin tưởng và phấn khởi nói trên, theo yêu cầu của những biến chuyển cách mạng sâu sắc ở miền Bắc và những tiến triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ vẻ vang là phải hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước năm 1961, như Hồ Chủ tịch nói là "mùa Xuân của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất".

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Bản Tuyên bố của Hội nghị đại biểu 81 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân họp tại Mátxcơva trong tháng 11 năm 1960 đã vạch rõ cương lĩnh đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Trong nước ta, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã vạch rõ đường lối chung của miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, và nhiệm vụ phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã vạch rõ nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch nhà nước năm 1961. Dưới ánh sáng và sự động viên mạnh mẽ của các sự kiện lịch sử đó, toàn dân ta hãy nâng cao nhiệt tình yêu nước và tinh thần cách mạng, nâng cao quyết tâm, ra sức phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1961, làm đà tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

1. Nay gi là Hòn Gai (BT).

 

Về trang mục lục

Trở về đầu trang