VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1959, TÌNH HÌNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 1960 VÀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961

(Do ông Nguyễn Khang, Bộ trưởng Phủ
Thủ tướng trình bày tại kỳ họp thứ 2,
Quốc hội khoá II, ngày 12-4-1961)

 

Thưa các vị đại biểu,

Tôi xin thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1959, về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1960 và dự án ngân sách nhà nước năm 1961.

PHẦN THỨ NHẤT

TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1959

Trong kỳ họp Quốc hội thứ 12 của khóa I, tháng 4 năm 1960, Chính phủ đã báo cáo về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước năm 1959 và Quốc hội đã giao cho Chính phủ, qua công tác quyết toán ngân sách, tiếp tục nghiên cứu phân tích, thẩm tra kỹ các khoản thu chi để rút kinh nghiệm, nhằm tăng cường công tác xây dựng và quản lý ngân sách và kế hoạch nhà nước.

Việc thẩm tra và phân tích các quyết toán đã xác minh những nhận định đúng đắn trong bản báo cáo của Chính phủ cũng như trong bản thuyết trình của Tiểu ban ngân sách và trong quyết nghị của Quốc hội trước đây: ngân sách nhà nước năm 1959 đã thực hiện tốt, thu nhiều hơn chi, vốn nhà nước đã tập trung vào công cuộc kiến thiết kinh tế, phát triển văn hóa, bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước.

Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xét duyệt và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1959 với:

Số thu là       : 1.211.545.184 đ

Số chi là        : 1.138.367.385 đ

Thu hơn chi   :      73.177.799 đ

Tổng số thu trong nước đạt 990.782.506đ, tăng hơn dự trù đầu năm 23,1%, chiếm tỷ trọng 81,8% tổng số thu ngân sách.

Thu về viện trợ và vay là 211.858.607đ, chiếm tỷ trọng 17,5% ngân sách.

Tổng số chi năm 1959 là 1.138.367.385đ bằng 97,97% so với dự trù đầu năm, chủ yếu là do không hoàn thành được kế hoạch nhập thiết bị:

- Chi về kiến thiết kinh tế vượt dự trù đầu năm 1,7% so với năm 1958 tăng 40,8%.

- Chi về văn xã bằng 99,21% dự trù đầu năm so với năm 1958 tăng 15%.

- Chi về quốc phòng bằng 97,18% dự trù đầu năm.

- Chi về quản lý hành chính bằng 94,02% dự trù đầu năm.

- Chi về kiến thiết cơ bản so với năm 1958 tăng 56,7%.

Trong công tác quản lý tài vụ xí nghiệp, quản lý vốn kiến thiết cơ bản, quản lý kinh phí sự nghiệp văn xã và kinh phí hành chính năm 1959, các ngành, các cấp đều có nhiều tiến bộ: lập được quyết toán cả năm về các mặt sản xuất, kinh doanh, kiến thiết cơ bản và chỉ tiêu sự nghiệp; dựa vào đó, các Bộ đã phân tích đánh giá được kỹ hơn trước các hoạt động về kinh tế và tài vụ, rút ra được kinh nghiệm về lãnh đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân và ngân sách nhà nước.

So với các năm trước, công tác quản lý kinh tế tài chính năm 1959 có tiến bộ, nhưng tình trạng lãng phí còn phổ biến. Trình độ tổ chức, trình độ kỹ thuật, năng lực lãnh đạo, năng lực nghiệp vụ và nhất là tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp và cán bộ công nhân viên đối với công tác quản lý tài chính nhà nước chưa tiến kịp với đòi hỏi của tình hình. Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp lần thứ 12, khóa I nhằm tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính là rất kịp thời và đã có tác dụng chỉ đạo lớn trong việc thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1960.

 

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1960

Nhiệm vụ của ngân sách năm 1960 - như đã báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 12, khóa I là: “dựa trên cơ sở sản xuất nông nghiệp và công nghiệp được phát triển, lưu thông hàng hóa được mở rộng, phải ra sức phát huy những nhân tố thuận lợi, khai thác khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế quốc dân để tăng thu và tiết kiệm chi, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, bảo đảm thu chi thăng bằng và sử dụng vốn nhà nước một cách hợp lý và tiết kiệm nhất".

Năm 1960 là năm kết thúc việc thực hiện kế hoạch ba năm 1958-1960; cũng là năm phải thiết thực chuẩn bị để bước vào kế hoạch 5 năm một cách thuận lợi. Cho nên ngay từ đầu năm, ngân sách nhà nước rất là khẩn trương. Đã thế, trong quá trình chấp hành ngân sách, vụ đông xuân bị thất bát nặng đã ảnh hưởng đến nhiều mặt công tác và đến số thu của ngân sách. Một mặt khác, ngân sách phải chi thêm để thỏa mãn nhiều yêu cầu mới: giúp đỡ nông dân vượt qua những khó khăn trong sản xuất và đời sống, tăng thêm vốn cho ngân hàng mở rộng cho vay và thương nghiệp mở rộng ứng trước thu mua, bán chịu phân bón… cấp thêm vốn lưu động cho các xí nghiệp, cấp thêm kinh phí cho các địa phương làm thủy lợi…

Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; với sự nỗ lực công tác của cán bộ, công nhân, nhân viên; với nhiệt tình thi đua sản xuất và xây dựng của toàn thể nhân dân, kế hoạch thu chi của ngân sách năm 1960 vẫn căn bản đạt yêu cầu.

Về thu: kế hoạch đầu năm ghi 1.445tr thực hiện 1.430tr, bằng 98,9% kế hoạch, riêng phần thu trong nước bằng 104,4% kế hoạch.

Về chi: kế hoạch đầu năm 1.445tr thực hiện 1.432tr, bằng 98,4% kế hoạch.

Sau đây chúng tôi xin báo cáo một số nét chính về tình hình thu chi năm 1960.

I- VỀ THU

A. THU TRONG NƯỚC

Vụ đông xuân thất bát đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều khoản thu ngân sách làm giảm số thu trong nước khoảng 70tr nhưng nhờ nhiều khoản thu về xí nghiệp đã tăng lên nên số thu trong nước đã vượt dự trù ngân sách 4,4%.

1. Thu về xí nghiệp và sự nghiệp: thực hiện vượt dự trù 9,4%, so với năm 1959 tăng 29,2%.

Số thu về xí nghiệp vượt dự trù là nhờ sản lượng của nhiều ngành thực hiện vượt mức kế hoạch đầu năm: Bộ Công nghiệp vượt 8,8% so với kế hoạch nhà nước; sản lượng công nghiệp của Bộ Giao thông vượt 53,6%, khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách vượt 14%; về mặt phấn đấu hạ giá thành, hạ phí lưu thông cũng có nhiều tiến bộ: Bộ Công nghiệp nặng hạ 1,2%, giá thành đường sắt hạ 6%, ô tô hạ 8,67%, đường sông hạ 13,72%, phí lưu thông của Bộ Giao thông hạ 36,2%, của Bộ Nội thương hạ 4,6% so với kế hoạch.

Nhưng mặt khác thu vượt dự trù, một phần cũng là vì dự trù đầu năm của một số ngành còn thấp; việc nắm tình hình tài vụ của các Bộ thiếu chặt chẽ: công tác thống kê, kế toán chưa phản ánh chính xác và kịp thời hoạt động kinh tế và tài vụ của ngành; không nắm vững tồn kho đầu năm, giá một số mặt hàng tính trong dự toán thấp hơn giá thực tế.

Tổng số thu về xí nghiệp và sự nghiệp vượt dự trù 9,4% trong điều kiện năm 1960 có nhiều khó khăn, điều đó nói lên những tiến bộ trong công tác của các ngành. Trong phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nhiều xí nghiệp đã thu được kết quả tốt về mặt nâng cao công suất thiết bị. Tuy nhiên ở nhiều ngành, công suất thiết bị sử dụng còn thấp, có ngành chỉ đạt 40% như ngành khai khoáng hoặc 50% như ngành điện. Mặt khác, năng suất lao động ở nhiều xí nghiệp không thực hiện được tốt. Việc sử dụng nguyên vật liệu còn lãng phí. Do đó, kế hoạch hạ giá thành không thực hiện đầy đủ và nói chung giá thành còn cao. Tình hình đó cho thấy: nếu công tác quản lý được tăng cường hơn nữa, công suất của thiết bị máy móc được tận dụng, năng suất lao động được nâng cao hơn, việc sử dụng nguyên vật liệu được tiết kiệm hơn, thì khả năng thu của ngân sách còn tăng lên nhiều hơn nữa.

2. Thu về thuế: Số thu về thuế năm 1960 so với năm 1959 tăng 2,1%.

Vụ đông xuân bị thiệt hại, ảnh hưởng nhiều đến số thu về thuế, nhưng mặt khác dự toán đầu năm chưa dự trù đầy đủ số thuế thu của những xí nghiệp mới bước vào sản xuất hoặc mới phát triển, trong quá trình thực hiện đã thu thêm, do đó số thu về thuế công thương nghiệp đã đạt 98,5% kế hoạch.

Sau khi cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư doanh đã căn bản hoàn thành, đối tượng chủ yếu của công tác thuế công thương nghiệp chuyển vào xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã. Nhưng nhược điểm hiện nay là nhiều ngành, nhiều xí nghiệp chưa thấy đầy đủ tác dụng của cơ quan thuế theo giá giám đốc hoạt động kinh tế của các ngành, thúc đẩy hạch toán kinh tế, cũng chưa thấy đầy đủ nhiệm vụ của xí nghiệp phải cộng tác chặt chẽ với cơ quan thuế và chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và kỷ luật nộp thuế cho Nhà nước. Về bản thân ngành thuế cũng chưa vươn lên làm đầy đủ nhiệm vụ của mình, tổ chức của ngành thuế, trước nhiệm vụ mới, ở nhiều địa phương còn yếu.

B. THU VỀ VIỆN TRỢ VÀ VAY

Thu về viện trợ và vay chỉ thực hiện được 81,9% kế hoạch là vì kế hoạch nhập thiết bị đầu năm xây dựng không sát; mặt khác vì ta đặt hàng chậm, nên nhiều thứ thiết bị về không kịp, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kiến thiết cơ bản.

Ngoài ra chế độ đặt hàng và quản lý kim ngạch cũng thiếu chặt chẽ, gây ra lãng phí ngoại tệ, ứ đọng vốn, ứ đọng vật tư. Những thiếu sót này cần được khắc phục để có thể sử dụng ngoại tệ một cách tiết kiệm nhất và tập trung vào những nhu cầu chính của sản xuất và xây dựng trong nước.

II- VỀ CHI

Tổng số chi, năm 1960 thực hiện là 1.423tr7, bằng 98,4% kế hoạch:

Chi về kiến thiết kinh tế: vượt kế hoạch 4,3%, tăng hơn năm 1959: 27,7% và chiếm tỷ trọng 60,9%, cao hơn tỷ trọng trong dự toán ngân sách (57,5%) và cao hơn tỷ trọng dành cho kiến thiết kinh tế trong năm 1959 (59,4%).

Trong tổng số chi về kiến thiết kinh tế số chi về công nghiệp vượt kế hoạch 8,4%, về thủy lợi vượt kế hoạch 10,8%; riêng về ngân hàng vượt kế hoạch 32%, chủ yếu là do cấp thêm vốn cho vay dài hạn để giúp các hợp tác xã phát triển sản xuất. Các ngành khác không đạt kế hoạch, nguyên nhân chính là vì đặt hàng chậm, thiết bị mua ngoài nước không về theo đúng kế hoạch, còn các khoản chi trong nước thì đều vượt kế hoạch.

Số chi về công nghiệp vượt kế hoạch 8,4% là vì ngân sách đã cấp một số tiền khá lớn để tăng thêm vốn lưu động cho các ngành và để thanh toán vật tư nhập về quá định mức vốn lưu động của các xí nghiệp.

Riêng kinh phí về sự nghiệp kinh tế năm 1960 cũng vượt kế hoạch 8,6% và tăng 51,1% so với năm 1959. Theo đà phát triển các hoạt động kinh tế của Nhà nước, chi về sự nghiệp kinh tế chủ yếu là để đào tạo cán bộ, nghiên cứu thí nghiệm, khảo sát địa chất, vì trước đây chưa được chú ý đúng mức, nên mấy năm nay đã tăng lên với tốc độ nhanh. Tốc độ tăng như vậy là cần thiết, nhưng điều đáng chú ý là chất lượng công tác chưa thật tốt và việc quản lý kinh phí còn thiếu chặt chẽ, chưa quy định được những tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ để chi tiêu, nhiều nơi còn quản lý theo lối cung cấp, gây ra lãng phí nhiều.

Chi về văn xã: thực hiện 98,7% dự trù, tăng 34,3% so với năm 1959 và chiếm tỷ trọng 11,2% trong ngân sách. Chi về văn xã ghi vào ngân sách hiện nay chỉ phản ánh những chi phí của các Bộ thuộc khối văn xã, còn nhiều khoản chi về văn hóa xã hội do các Bộ khác quản lý, đến nay vẫn ghi vào các loại chi về kinh tế hay hành chính, như chi về đào tạo huấn luyện cán bộ công nhân viên, chi về phúc lợi xã hội của cán bộ công nhân viên cơ quan nhà nước; nếu tính tất cả các khoản chi ấy vào thì tỷ trọng chi văn xã như sau: 1958: 17,3%; 1959: 18,2%; 1960: 20,7%. Tỷ trọng này nói lên sự quan tâm và sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và xã hội.

Chi về hành chính, quốc phòng:

Năm 1960, chi về hành chính và quốc phòng thực hiện 92,4% dự trù. Mấy năm nay tỷ trọng chi về hành chính và quốc phòng trong ngân sách giảm xuống như sau: 1957: 29,8%; 1958: 28,6%; 1959: 25,6%; 1960: 23%.

Tỷ lệ này thể hiện chính sách hòa bình và cần kiệm xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước ta:

Dưới đây xin báo cáo một số vấn đề cụ thể:

1. Vốn kiến thiết cơ bản

Số chi của ngân sách nhà nước về kiến thiết cơ bản năm 1960 ước thực hiện 96,8% dự trù, so với năm 1959 tăng 33,3%.

Số chi kiến thiết, cơ bản về công nghiệp tăng 57,3% so với năm 1959, về nông lâm (kể cả nông trường quân đội) tăng 21,4%, về thủy lợi tăng 37,5%, về giao thông bưu điện tăng 35,5%, còn về thương nghiệp thì chỉ bằng 62,5% năm 1959.

Trong tổng số vốn kiến thiết cơ bản năm 1960 thì 86,4% tập trung vào kiến thiết kinh tế, trong đó vốn kiến thiết cơ bản về công nghiệp chiếm tỷ trọng 39,1% cao hơn tỷ trọng năm 1959 (33,2%); vốn kiến thiết cơ bản về văn xã - chủ yếu là để làm thêm trường học, bệnh viện - tỷ trọng từ 5,5% năm 1959 lên 6,4% năm 1960; vốn kiến thiết cơ bản về hành chính từ 1,8% lên 2,3%, để làm thêm nhà ở và trụ sở cơ quan.

Từ mấy năm nay năng lực xây dựng cơ bản của chúng ta đã tiến lên không ngừng, khối lượng công trình hoàn thành hàng năm tăng lên khá nhanh: năm 1958 hơn năm 1957: 29,2% năm 1959 hơn năm 1958: 53,5%, năm 1960 hơn năm 1959: 31,7%. Một mặt do việc tăng cường thiết bị thi công, một mặt nhờ sự cố gắng của ngành xây dựng, sản lượng bình quân đầu người trong lực lượng xây dựng năm 1960 tăng hơn năm 1958: 57%.

Tuy nhiên trong công tác quản lý kiến thiết cơ bản còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm: việc quản lý kế hoạch, quản lý thi công còn thiếu chặt chẽ, chưa tập trung đúng mức vào các công trình trọng điểm; trong từng thời gian nhất định cùng một lúc, việc gì cũng muốn làm, ở đâu cũng muốn xây dựng nhanh, kết quả là năng lực thiết kế, thăm dò khảo sát, khả năng cung cấp nguyên vật liệu không theo kịp. Trên các công trường việc quản lý nhân lực, quản lý vốn chưa đi vào nền nếp. Phần lớn còn quản lý theo chế độ cung cấp. Tình hình đó đã gây lãng phí lớn; hạn chế hiệu lực kinh tế của vốn bỏ vào xây dựng, hạn chế tốc độ đưa các công trình vào sản xuất.

Khối lượng kiến thiết cơ bản ngày càng lớn, nhân tài vật lực ngày càng tập trung vào công việc xây dựng cho nên cần phải ra sức khắc phục những nhược điểm và khuyết điểm trên, tăng cường việc quản lý kế hoạch, quản lý thi công và quản lý tài vụ kiến thiết cơ bản.

2. Vốn lưu động và dự trữ vật tư

Trong năm 1960 việc quản lý vốn lưu động trong các ngành đã có nhiều tiến bộ so với trước. Nhiều Bộ đã đề ra những định mức và chú ý điều hòa vốn lưu động nơi thừa sang nơi thiếu, nhờ vậy tiết kiệm được một phần vốn lưu động. Việc Ngân hàng Nhà nước mở rộng cho vay vốn lưu động trong định mức có tác dụng tăng cường vai trò giám đốc của Nhà nước đối với các hoạt động của xí nghiệp quốc doanh và tiết kiệm vốn lưu động. Năm 1960 vòng quay vốn lưu động của Bộ Công nghiệp nhanh hơn năm 1959: 17,8%, Bộ Giao thông 21,8%, Bộ Nội thương 15,3%.

Tuy nhiên trong công tác quản lý vốn lưu động hiện nay còn tình trạng nhiều xí nghiệp sử dụng vốn lưu động vượt quá định mức, để vật tư ứ đọng, gây ra lãng phí vốn, khó khăn cho tài chính nhà nước, đồng thời cũng không lợi cho sản xuất và xây dựng vì vật tư ứ đọng, không được đem ra sử dụng kịp thời ở những nơi cần thiết.

Sở dĩ như vậy là vì xí nghiệp chưa tính toán và chưa quản lý vốn được chặt chẽ; kế hoạch vật tư chưa ăn khớp với kế hoạch sản xuất và tài vụ, nơi nào cũng muốn dự trữ nhiều vật tư mà không tính đến nguồn vốn, tính đến giá thành sản xuất.

3. Ngân sách địa phương

Do vụ đông xuân thất bát, số thu của địa phương so với dự trù đầu năm chỉ đạt 96,4%. Để giúp đỡ các địa phương giải quyết khó khăn, ngân sách trung ương đã trợ cấp để bảo đảm những công tác thường xuyên, đồng thời cũng đã trợ cấp cho một số địa phương để làm thêm công tác thủy lợi phục vụ sản xuất đông xuân 1960 - 1961. Mặt khác trước những khó khăn chung về tài chính, nhiều địa phương đã soát lại kế hoạch chi tiêu, giảm bớt nhiều khoản chi về hành chính và tiết kiệm chi, nên đã bảo đảm được các yêu cầu chi trọng điểm như thủy lợi, đê điều, đường sá, công nghiệp địa phương, văn hóa, giáo dục…

So với năm 1959, số chi ngân sách địa phương năm 1960 tăng 32,9% và chiếm tỷ trọng 16,8% trong ngân sách nhà nước, bằng 20,5% tổng số thu trong nước (năm 1959 bằng 18,2%).

Chi về kiến thiết kinh tế tăng 45,4%, văn xã tăng 30,8%, quản lý hành chính tăng 8,3% so với năm 1959.

Số vốn bỏ vào công nghiệp trong ngân sách địa phương vượt dự trù 68,3%. Số chi về văn xã của các địa phương bằng 44% tổng số chi về văn xã của ngân sách nhà nước, điều đó nói lên khối lượng ngày càng quan trọng của công tác văn xã do địa phương trực tiếp làm.

Năm 1960, ở nhiều địa phương, nhờ ý thức phụ trách đối với công tác quản lý tài chính của cấp ủy và Uỷ ban nên việc quản lý ngân sách có những tiến bộ rõ rệt. Chấp hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường quản lý kinh tế và tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tham ô, một số địa phương đã chú ý đi sâu vào việc kiểm tra tài chính, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý tài chính ở địa phương.

Tuy nhiên, trước tình hình ngân sách địa phương ngày càng lớn (ngân sách địa phương năm 1960 gần bằng ngân sách toàn quốc năm 1955 là năm khôi phục kinh tế và tập kết chuyển quân), nhiều địa phương chưa chú ý đúng mức đến công tác quản lý tài chính. Việc dự trù ngân sách cũng như việc quản lý thường xuyên đều không tính toán chặt chẽ nhằm bảo đảm sử dụng vốn có hiệu quả nhất đối với sản xuất và dân sinh; công tác quản lý tài chính của một số địa phương chưa làm đầy đủ chức năng giám đốc, giúp đỡ các ngành, các xí nghiệp của địa phương cũng như của Trung ương; trình độ chính trị, nghiệp vụ của cán bộ tài chính và tổ chức cơ quan tài chính, tài vụ các ngành, các xí nghiệp địa phương còn yếu, nhưng chưa được chú ý tăng cường.

Việc chấp hành chế độ và kỷ luật tài chính hiện nay ở nhiều nơi còn lỏng lẻo do đó tình trạng lãng phí tham ô chưa khắc phục được có hiệu quả.

Thưa các vị đại biểu,

Tình hình tài chính nhà nước trong ba năm kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa 1958-1960 căn bản là tốt.

Tổng số thu và chi trong ba năm đều thực hiện vượt mức kế hoạch. Tổng số thu vượt 13,8% và tổng số chi vượt 9,7%.

Trong tổng số chi thì số chi về kiến thiết cơ bản tăng với tốc độ rất nhanh, bình quân một năm tăng 35,7%, trong khi tổng số chi ngân sách bình quân chỉ tăng 20,2%. Tỷ trọng chi về kiến thiết cơ bản trong ngân sách cũng tăng: năm 1957 là 37%, năm 1960 là 53,1%.

Số chi về văn xã cũng tăng lên khá nhanh; tính cả các khoản chi có tính chất văn xã thì từ năm 1958 đến năm 1960 bình quân tăng 37,9% và đến năm 1960 chiếm tỷ trọng 20,7% số chi ngân sách.

Qua việc chấp hành ngân sách năm 1960 và ba năm qua, có thể rút ra mấy nhận xét như sau:

1. Ngân sách năm 1960 từ đầu năm rất khẩn trương. Trong quá trình chấp hành, do vụ đông xuân thất bát, số thu bị hụt nhiều, ngân sách lại phải chi thêm để thỏa mãn nhiều yêu cầu mới, nhưng đến cuối năm kế hoạch thu chi căn bản giữ được thăng bằng, nền tài chính nhà nước trước những khó khăn vừa qua, nhờ dựa trên cơ sở vững chắc của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, nên vẫn vững vàng.

Kết quả việc chấp hành ngân sách năm 1960 chứng tỏ khả năng của nền kinh tế chúng ta rất lớn. Nhưng trong năm 1960 cũng như trong 2 năm trước, lúc dự trù ngân sách không đánh giá đầy đủ những khả năng đó, không thấy hết và thiếu kế hoạch khai thác những nhân tố tích cực để tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách. Mặt khác, trên phương hướng đúng đắn đã có, về mặt phân phối và sử dụng vốn thông qua ngân sách cũng còn tình trạng thiếu tính toán chặt chẽ nhằm tiết kiệm chi và đạt hiệu lực cao nhất của tiền vốn.

2. Về mặt phân phối và sử dụng vốn

Ba năm qua số thu về kiến thiết kinh tế và văn xã đã tăng lên không ngừng. Trong ba năm số chi về kiến thiết kinh tế chiếm 59% tổng số chi, tương đương với số thu về xí nghiệp và sự nghiệp, số chi về văn xã và chi về đào tạo cán bộ, phúc lợi xã hội trong các ngành kinh tế và hành chính chiếm 18,9% và số chi về kiến thiết cơ bản chiếm trên 50% ngân sách. Những con số trên đây nói lên sự cố gắng rất lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta trong sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa miền Bắc. Trong điều kiện chúng ta mới bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa và còn sử dụng một số khá lớn tiền viện trợ và tiền vay của các nước anh em để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tỷ lệ phân phối ngân sách, trong thời gian qua là thích hợp.

Tuy nhiên, xét về toàn bộ việc phân phối vốn nhà nước cũng như trong mỗi ngành: quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa yêu cầu của Nhà nước với yêu cầu của nhân dân, còn có những chỗ chưa thật là thỏa đáng.

Chúng ta phải dành phần lớn số vốn kiến thiết kinh tế để xây dựng cơ sở kinh tế quốc doanh, bảo đảm kinh tế quốc doanh và sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh là cần thiết, nhưng phần vốn dành để phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển, để làm công tác thủy lợi, để giúp đỡ hợp tác xã nói chung là còn thấp.

Trong số vốn kiến thiết cơ bản thì số vốn dành để xây dựng những xí nghiệp hạng nhỏ, hạng vừa chưa được chú ý đúng mức. Trong việc phân phối tài chính nhà nước và trong việc sử dụng vốn của các ngành cũng như trong việc sử dụng vốn tín dụng của ngân hàng, hướng giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ hợp tác xã phát triển sản xuất cũng chưa thể hiện thật là đầy đủ.

Hiệu lực cao nhất của tiền vốn là phát triển sản xuất nâng cao đời sống và lòng tin tưởng, phấn khởi của nhân dân. Và đó là mục đích phấn đấu của tài chính nhà nước để phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới.

3. Vấn đề thăng bằng tài chính tín dụng và vật tư

Trong thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm thăng bằng ba mặt: tài chính, tín dụng và vật tư, theo hướng thăng bằng một cách tích cực. Đặc biệt năm 1960 sau vụ chiêm thất bát, chúng ta đã ra sức thúc đẩy hoạt động của các ngành phục vụ sản xuất phát triển, để từ trong lao động sản xuất mà tạo ra nguồn vật tư mới, bảo đảm yêu cầu của xã hội. Vốn cho vay của ngân hàng, vốn ứng trước thu mua và nhiều khoản chi khác để giúp nông dân sản xuất đều tăng lên. Thăng bằng về tài chính, tín dụng và vật tư căn bản bảo đảm được. Phương hướng phấn đấu như vậy là đúng.

Tuy nhiên trong năm 1960 ở từng nơi, trong từng lúc còn có hiện tượng vật tư và vốn ứ đọng, trong lúc có nhiều việc, vì thiếu vật tư hoặc thiếu vốn nên không làm được. Vốn nhàn rỗi không được huy động kịp thời, vốn cho vay không hết, nhưng nhiều cơ sở sản xuất không vay được nên gặp khó khăn. Trong phạm vi cả nước cũng như trong mỗi địa phương, trong mỗi xí nghiệp tình trạng thiếu vốn, hoặc ứ đọng vốn, tình trạng ứ đọng hoặc thiếu vật tư… đã hạn chế khả năng phát triển sản xuất và khả năng xây dựng.

Chúng ta cần phải ra sức phấn đấu để thực hiện thăng bằng tích cực giữa tài chính, vật tư và tín dụng nhằm mở rộng lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất và xây dựng theo một tốc độ nhanh, mạnh và vững chắc.

4. Vấn đề quản lý vật tư của Nhà nước và quản lý ngoại tệ

Sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nhu cầu vật tư rất lớn, một mặt khác sức sản xuất của ta phát triển cũng có khả năng tạo ra lực lượng vật tư ngày càng nhiều. Vấn đề quản lý vật tư có một vị trí rất quan trọng. Quản lý và sử dụng vật tư không tốt, thiếu kế hoạch dự trữ, phân phối và sử dụng vật tư đầy đủ, sẽ gây ra lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, đến kế hoạch kiến thiết cơ bản.

Nguồn vật tư chủ yếu của ta là sản xuất trong nước, nhưng phần phải nhập ở ngoài nước về cũng rất lớn. Trong điều kiện nước ta ở trong phe xã hội chủ nghĩa và đang kiến thiết hòa bình, sự hợp tác kinh tế giữa các nước anh em có một ý nghĩa trọng đại. Hướng cố gắng của chúng ta là phải ra sức phát triển sản xuất trong nước, tăng khả năng xuất khẩu để đổi lấy những thứ hàng trong nước không sản xuất được, dựa vào sự hợp tác anh em trong phe xã hội chủ nghĩa mà phát triển sản xuất trong nước với tốc độ nhanh. Mấy năm qua sự cố gắng về mặt tăng xuất và quản lý nhập đều không đầy đủ, sự cố gắng về mặt tăng cường tích lũy ngoại tệ và tiết kiệm chi tiêu ngoại tệ cũng chưa làm được đúng mức.

Quản lý vật tư và quản lý ngoại tệ, hai mặt liên quan mật thiết với nhau và cũng là hai mặt hiện nay quản lý còn yếu.

5. Về mặt quản lý tài vụ

Trong 3 năm qua, công tác tài vụ ở các ngành đã có nhiều tiến bộ so với trước nhưng nói chung chưa được chú trọng đúng mức. Công tác tài vụ và kế toán ở một số cơ quan và xí nghiệp chưa phản ánh được thật chính xác và kịp thời hoạt động kinh tế của các ngành, chưa phân tích được một cách đầy đủ hiệu lực của việc sử dụng vốn, sử dụng vật tư, do đó chưa phát huy được đầy đủ tác dụng của công tác tài vụ trong hạch toán kinh tế, tăng cường tiết kiệm chống lãng phí tham ô, bảo đảm tập trung tích lũy vốn cho Nhà nước.

Một số cán bộ phụ trách chưa quan tâm đầy đủ đến việc quản lý tài vụ trong xí nghiệp hay cơ quan của mình. Một mặt khác một số cán bộ chuyên trách về tài vụ và kế toán trong nhiều cơ quan, xí nghiệp, còn thiếu kinh nghiệm, tác dụng của quần chúng trong việc giám đốc tài chính cũng chưa được phát huy. Khâu quản lý tài vụ đáng lẽ phải là khâu mạnh nhất thì đang là một khâu cần phải được tăng cường.

Những nhược điểm trên đây là trở ngại lớn trong công tác quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước, cần phải ra sức khắc phục.

PHẦN THỨ BA

DỰ ÁN NGÂN SÁCH NĂM 1961

Năm 1961 năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, năm bắt đầu thực hiện nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà. Sau ba năm cải tạo và phát triển kinh tế, chúng ta có những thuận lợi rất lớn, mặt khác tình hình phát triển mới cũng đề ra những yêu cầu rất lớn.

Trên miền Bắc quan hệ sản xuất ở nông thôn cũng như ở thành thị đã căn bản thay đổi, lực lượng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lực lượng vận tải, lưu thông và trên nhiều mặt công tác, lực lượng nhà nước đã được tăng cường không ngừng. Nghị quyết Đại hội lần thứ III soi sáng và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta vươn lên hoàn thành nhiệm vụ mới. Đó là những thuận lợi căn bản.

Nhưng bên cạnh những thuận lợi đó chúng ta còn gặp phải nhiều khó khăn: năm 1960 là năm cuối của kế hoạch ba năm, vụ đông xuân thất bát, vụ mùa ở một số địa phương cũng bị thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Trong năm 1961 chúng ta phải ra sức giải quyết những khó khăn đó, bảo đảm kế hoạch năm 1961 và chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm 1962.

Nhiệm vụ của kế hoạch năm 1961 rất là nặng, nhu cầu chi của Nhà nước rất lớn. Để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, bảo đảm nhiệm vụ chính trị của kế hoạch năm 1961 và chuẩn bị cho kế hoạch những năm sau, nhiệm vụ tài chính nhà nước là phải ra sức khai thác mọi nhân tố tích cực, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, tăng cường tiết kiệm để tăng nguồn thu nhập tài chính nhà nước, nhằm thỏa mãn yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa, thiết thực góp phần củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng.

Về thu: Nguồn thu chủ yếu của tài chính nhà nước dựa vào khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa. Chỉ trên cơ sở sản xuất của nền kinh tế quốc doanh và hợp tác xã phát triển với tốc độ nhanh, lưu thông hàng hóa được mở rộng, mới bảo đảm được nguồn thu tài chính nhà nước tăng lên với tốc độ nhanh. Trong năm 1961 phải ra sức tăng cường hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp quốc doanh, kiên quyết đưa công tác quản lý vào chế độ và nguyên tắc chặt chẽ, nghiêm khắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tham ô, trên cơ sở phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm mà tăng tích lũy cho Nhà nước. Cần phải tăng cường công tác quản lý thu, cải tiến chế độ thu, phát huy tác dụng giám đốc của ngành tài chính và tín dụng đối với các xí nghiệp quốc doanh, thúc đẩy hạch toán kinh tế.

Cần phải tăng cường giúp đỡ các hợp tác xã trong công tác quản lý, trong việc sử dụng vốn một cách có kết quả, sử dụng lao động tốt và tiết kiệm, giải quyết tốt những vấn đề về chính sách, giải quyết tốt quan hệ giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích hợp tác xã, khuyến khích sản xuất phát triển, đồng thời bảo đảm nguồn thu cho tài chính nhà nước.

Đối với các khoản thu về thuế và mọi khoản thu khác đều phải chú trọng, không bỏ sót.

Về chi: Khả năng thu có hạn mà yêu cầu chi thì rất lớn: đi đôi với cố gắng tăng thu phải ra sức tiết kiệm chi, phân phối vốn có trọng điểm, tập trung bảo đảm các nhiệm vụ chính trị và kinh tế quan trọng, đồng thời bảo đảm sự cân đối của kế hoạch kinh tế quốc dân và giải đáp các nhu cầu khác của Nhà nước; về kiến thiết cơ bản, phải dành số vốn khoảng 50% tổng số chi ngân sách nhà nước và tập trung khả năng để bảo đảm hoàn thành số công trình lớn của kế hoạch 3 năm chuyển sang, đồng thời xây dựng các công trình của kế hoạch 5 năm về công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi…

Năm 1961 Nhà nước phải dành một phần vốn để giúp đỡ cho hợp tác xã phát triển sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất mới, chủ yếu là giúp hợp tác xã trong việc cải tiến tư liệu sản xuất, tăng thêm thiết bị, khai hoang và trong việc đào tạo cán bộ. Một mặt khác, ngân sách phải bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng.

Các khoản chi về sự nghiệp văn hóa xã hội, về sự nghiệp kinh tế phải thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước theo nguyên tắc vừa tiết kiệm vừa bảo đảm chất lượng công tác tốt. Chi về hành chính cần phải hết sức tiết kiệm.

Căn cứ vào nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1961, căn cứ vào phương hướng và nhiệm vụ tài chính, tổng số thu dự toán là 1.690 triệu 021, tổng số chi là 1.690 triệu 021 thu và chi thăng bằng; so với năm 1960, số thu tăng 19,2%, số chi tăng 19,8%.

VỀ THU

Tổng số thu của dự toán nhà nước năm 1961 tăng 19,2% so với năm 1960, trong đó phần thu trong nước là 1.379 triệu 944, tăng 19,4% so với năm 1960.

Sau đây là các nguồn thu chủ yếu:

I- THU XÍ NGHIỆP VÀ SỰ NGHIỆP

Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về sản xuất, lưu thông hàng hóa… chỉ tiêu tăng năng suất lao động, hạ giá thành, hạ phí lưu thông,… tổng số dự thu về xí nghiệp và sự nghiệp năm 1961 là 948tr 048, so với năm 1960 tăng 17,9%.

- Thu về các xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nặng quản lý, tăng 54,5% so với năm 1960.

- Thu về các xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý, tăng 60% so với năm 1960.

- Thu về các xí nghiệp Bộ Giao thông bưu điện, tăng 36,6% so với năm 1960.

- Thu về nội thương tăng 0,5% so với năm 1960.

- Thu về ngoại thương tăng 3,9% so với năm 1960.

II- THU VỀ THUẾ

Tổng số thu về thuế năm 1961 là 398 triệu 396, tăng 19% so với năm 1960.

Về thuế công thương nghiệp, năm 1961 đối tượng chính là các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán, các tổ chức hợp tác thủ công và tiểu thương. Trên cơ sở giá trị sản lượng công nông nghiệp năm 1961 so với năm 1960 tăng 29%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 13,2%, số dự thu về thuế công thương nghiệp so với năm 1960 tăng 22,2%.

Về thuế nông nghiệp, năm 1961 dự trù thu tăng 9,8% so với năm 1960 là vì năm 1960 vụ chiêm thất bát, nhiều nơi được miễn giảm, mặt khác, có một số diện tích khai hoang từ trước, năm nay mới đến hạn tính thuế.

Năm nay hợp tác hóa nông nghiệp đã căn bản hoàn thành, thời hạn ổn định sản lượng ba năm cũng đã hết, chính sách thuế và sản lượng tính thuế cần phải thay đổi cho phù hợp với quan hệ sản xuất mới và với tình hình sản xuất mới. Nhưng hiện nay hợp tác xã mới được xây dựng, đại bộ phận còn ở cấp thấp, sản xuất còn gặp khó khăn, nên thuế nông nghiệp năm 1961 vẫn giữ nguyên chính sách hiện hành và tính trên cơ sở sản lượng cũ đã ổn định.

Trong các khoản thu của ngân sách, phần thu do xí nghiệp quốc doanh nộp chiếm một tỷ trọng lớn; hiện nay ta áp dụng hai hình thức thu là thuế công doanh và lợi nhuận xí nghiệp, để thu cho Nhà nước số thu nhập thuần túy của xã hội do các xí nghiệp quốc doanh làm ra.

Do trước đây chưa cải tạo xã hội chủ nghĩa, chính sách thuế công thương nghiệp của ta phải đồng thời áp dụng cho công doanh cũng như tư doanh, nên số thu về xí nghiệp quốc doanh dưới hình thức thuế công doanh chỉ chiếm không đầy 1/4 số thu nhập thuần túy của xã hội, còn thu dưới hình thức lợi nhuận xí nghiệp trên 3/4. Mặt khác do thu ở khâu sản xuất tương đối ít nên số lợi nhuận thu ở khâu thương nghiệp tương đối nhiều.

Với tình hình hiện nay cách thu như vậy không phản ảnh trung thực tình hình kinh tế: tuy sản xuất công nông nghiệp phát triển nhưng số thu của Nhà nước không tăng nhiều ở khâu sản xuất mà lại tập trung nhiều ở khâu thương nghiệp; đồng thời làm cho thu nhập tài chính tập trung cho Nhà nước chậm, giảm tác dụng giám đốc và thúc đẩy hạch toán kinh tế đối với các xí nghiệp quốc doanh. Vì vậy, chế độ thu đối với xí nghiệp quốc doanh cần sửa đổi.

Số thu nhập thuần túy của xã hội, chỉ cần để lại cho xí nghiệp một mức nhất định đủ để bảo đảm cho xí nghiệp mở rộng sản xuất, cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt cho công nhân trong xí nghiệp. Còn bao nhiêu đều thu cho Nhà nước dưới hình thức tạm gọi là “Thu quốc doanh”, gồm cả số thuế công doanh và một phần lợi nhuận xí nghiệp hiện nay và nộp cho Nhà nước ngay sau khi xí nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

*

*         *

Hiện nay, trong số thu về lợi nhuận xí nghiệp, một nguồn quan trọng là số “thu về chênh lệch ngoại thương”: chênh lệch giữa hệ thống giá cả trong nước và hệ thống giá cả quốc tế. Số chênh lệch này do đặc điểm tình hình và chính sách sản xuất và tiêu dùng của mỗi nước mà có. Quản lý chặt chẽ số chênh lệch này sẽ thúc đẩy ngành ngoại thương hạch toán kinh tế, phát triển ngoại thương.

Số chênh lệch ngoại thương, hiện nay do Bộ Ngoại thương tự bù lỗ lãi, còn lại bao nhiêu nộp cho tài chính, như vậy chưa thể hiện rõ ràng chính sách khuyến khích xuất khẩu dù có lỗ, đồng thời chưa thúc đẩy đầy đủ ngành ngoại thương cải tiến quản lý, giảm phí lưu thông để bớt lỗ, tăng lãi về từng mặt hàng kinh doanh. Ngoài ra, với chế độ thu hiện nay, thu nộp rất chậm, đọng nhiều vốn nhà nước ở khâu ngoại thương. Cho nên cần cải tiến phương pháp quản lý số chênh lệch ngoại thương như sau: toàn bộ số chênh lệch ngoại thương sẽ thông qua ngân sách nhà nước để thực hiện bù lỗ thu lãi. Cơ quan tài chính phải bù lỗ cho ngoại thương theo từng chuyến hàng có lỗ và thu chênh lệch ngoại thương theo từng chuyến hàng có lãi cho kịp thời và sát đúng.

III- THU VIỆN TRỢ VÀ VAY

Căn cứ vào kế hoạch kim ngạch năm 1961, số tiền viện trợ và tiền vay dùng để nhập thiết bị toàn bộ nhập năm nay tăng 38,7% so với năm 1960, gồm thiết bị của kế hoạch 3 năm còn lại và một số thiết bị của kế hoạch 5 năm.

Về thiết bị lẻ, nguyên vật liệu, hướng phấn đấu là triệt để sử dụng khả năng sản xuất trong nước để giảm nhập, mặt khác cố gắng tăng xuất khẩu để đổi lấy thiết bị lẻ và nguyên vật liệu. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất và xây dựng của năm 1961 nên còn dùng một phần tiền vay để nhập nguyên vật liệu và thiết bị lẻ.

VỀ CHI

Căn cứ khả năng thu trình bày ở trên, tổng số chi dự toán là 1.690 triệu 021 tăng 19,8% so với năm 1960.

Vốn tích lũy là 993 triệu 403 tăng 11,9% so với năm 1960 chiếm tỷ trọng 58,8% trong ngân sách. Vốn tiêu dùng 642 triệu 811 tăng 23% so với năm 1960 và chiếm tỷ trọng 38% trong ngân sách. Tổng dự bị phí là 53 triệu 807, chiếm tỷ trọng 3,2%.

Vốn kiến thiết cơ bản: căn cứ vào khối lượng công trình kiến thiết cơ bản ghi trong kế hoạch nhà nước vốn cấp phát của tài chính tăng 13,4% so với năm 1960. Số vốn này bảo đảm tiếp tục xây dựng những công trình của kế hoạch ba năm chuyển sang đồng thời khởi công những công trình quan trọng của kế hoạch 5 năm.

Vốn lưu động: năm nay ngân sách nhà nước cấp thêm một số vốn lưu động bằng 87% năm 1960. Phương châm của ta là phải hết sức tiết kiệm vốn lưu động, dùng ít vốn với hiệu lực cao; dựa vào tăng cường quản lý đẩy mạnh tốc độ luân chuyển vốn, tăng hiệu lực của tiền vốn để giải đáp yêu cầu về phát triển sản xuất. Về vốn cho vay ngắn hạn của ngân hàng nhà nước chủ yếu là phải ra sức động viên vốn nhàn rỗi để thỏa mãn nhu cầu các ngành sản xuất, kinh doanh. Ngân sách nhà nước chỉ cấp thêm một phần nhất định.

Để giúp đỡ hợp tác xã phát triển sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất mới, ngoài những khoản đầu tư vào thủy lợi, phân bón, sản xuất nông cụ, nghiên cứu và phổ biến khoa học - kỹ thuật, Nhà nước còn có kế hoạch giúp đỡ hợp tác xã trong việc cải tiến công cụ sản xuất hướng dẫn kỹ thuật và nhất là đào tạo cán bộ.

1. Để hợp tác xã có thêm khả năng mua sắm nông cụ cải tiến, khai hoang, làm thủy lợi, năm 1961 cấp thêm 25 triệu và chuyển 10 triệu tiền thu hồi nợ phân bón để làm vốn cho vay dài hạn của ngân hàng. Về phần hợp tác xã, cần đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm để tăng thêm “quỹ tích lũy”, mở rộng sản xuất.

2. Nhà nước phát triển hệ thống các trạm máy móc nông nghiệp, nâng cấp dần các trạm này thành những trung tâm kỹ thuật, giúp nông dân sử dụng rộng rãi công cụ mới và kỹ thuật mới.

3. Hợp tác xã phát triển ngày càng lớn việc quản lý hợp tác xã ngày càng phức tạp; việc giúp cho hợp tác xã có một đội ngũ cán bộ có năng lực về quản lý và có khả năng về kỹ thuật trở thành yêu cầu rất cấp bách. Các ngành cần có kế hoạch đào tạo cán bộ dài hạn và giúp đỡ địa phương đào tạo cán bộ ngắn hạn. Trong kinh phí đào tạo cán bộ của các ngành nhất là ngành nông nghiệp, phải hướng một phần quan trọng của kế hoạch đào tạo cán bộ vào yêu cầu nói trên. Ngoài số cán bộ cần đào tạo ghi trong kế hoạch của các Bộ, trong năm 1961 phải đào tạo, chuẩn bị cho mỗi hợp tác xã lớn một số cán bộ được huấn luyện từ 3 đến 6 tháng về công tác quản lý.

4. Để bảo đảm công tác lãnh đạo ở nông thôn, chủ yếu là lãnh đạo phong trào hợp tác xã ngày càng lên cao và lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, đối với cán bộ xã trong thời gian sắp tới, một mặt phải ra sức bồi dưỡng nâng cao trình độ lãnh đạo và khả năng công tác, mặt khác cần phải giúp đỡ và giải quyết một phần khó khăn về sinh hoạt để có điều kiện phát huy năng lực phục vụ.

Căn cứ vào phương hướng nói trên, dự án ngân sách nhà nước năm 1961 phân phối:

 Chi về kiến thiết kinh tế là 1.017 triệu 023, tăng 14% so với năm 1960, chiếm tỷ trọng 60,2%.

Chi về văn xã là 192 triệu 978, tăng 20,2% so với năm 1960, chiếm tỷ trọng 11,4%, cao hơn năm 1960; kể cả các khoản chi có tính chất văn xã nằm trong các loại chi khác, thì tỷ trọng chi về văn xã năm nay là 21,3% ngân sách (năm 1960 là 20,7%).

Chi về quốc phòng và quản lý hành chính chiếm tỷ trọng 20,1% thấp hơn tỷ trọng năm 1960 là 23%.

Trên đây là những nét chính trong việc phân phối ngân sách 1961. Sau đây chúng tôi xin báo cáo về một số vấn đề cụ thể:

I- CHI VỀ KIẾN THIẾT CƠ BẢN

Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch nhà nước về kiến thiết cơ bản, năm 1961 số vốn đầu tư cơ bản về kinh tế tăng 12,6% so với năm 1960 và chiếm tỷ trọng 87,9% so với tổng số vốn kiến thiết cơ bản. Năm nay vốn kiến thiết cơ bản dành cho các Bộ Công nghiệp và cho công nghiệp địa phương chiếm 38% tổng số vốn kiến thiết cơ bản, tăng 8,3% so với năm 1960. Tỷ trọng vốn kiến thiết cơ bản về nông lâm, tăng lên nhiều: năm 1960 là 8,7%, năm 1961 là 12,6%. Vốn kiến thiết cơ bản về nông lâm tăng 64,1% so với năm 1960, chủ yếu là do vốn chi về nông trường quốc doanh tăng lên nhiều. Vốn kiến thiết cơ bản về thủy lợi tăng 73,4% so với năm 1960.

Vốn kiến thiết cơ bản về văn xã năm 1961 tăng 37,9% so với năm 1960, chủ yếu là để xây dựng nhà trường, bệnh viện.

Phân phối vốn kiến thiết cơ bản như trên là nhằm bảo đảm được tập trung vốn cho công nghiệp, tăng thêm vốn cho nông nghiệp. Mặt khác để bước đến giải quyết những khó khăn về nhà ở, ngân sách nhà nước năm 1961 đã dành số vốn cần thiết bảo đảm khối lượng xây dựng nhà ở 57 triệu 8, tăng 72% so với năm 1960.

Khối lượng kiến thiết cơ bản năm nay rất lớn, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc quản lý kiến thiết cơ bản, tăng cường quản lý tài vụ, phát huy đầy đủ hiệu lực của vốn bỏ vào xây dựng, thực hiện phương châm: nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

II- CHI VỀ VỐN LƯU ĐỘNG VÀ DỰ TRỮ VẬT TƯ

Năm 1961, sản lượng của các xí nghiệp quốc doanh tăng nhiều, khối lượng lưu thông hàng hóa được mở rộng, nhu cầu về vốn lưu động do đó cũng tăng thêm. Trước nhu cầu đó, các xí nghiệp, các ngành phải cố gắng tăng vòng quay của vốn, tăng sản lượng mà không tăng hoặc tăng ít vốn lưu động. Vấn đề mấu chốt là các xí nghiệp, các ngành phải ra sức cải tiến việc quản lý vốn lưu động.

Các cơ quan tài chính và ngân hàng cần tăng cường giám đốc việc sử dụng vốn lưu động của xí nghiệp, cần phát huy hơn nữa tác dụng giám đốc của ngân hàng thông qua công tác tín dụng ngắn hạn, công tác thanh toán và quản lý tiền mặt, quản lý quỹ tiền lương mà thúc đẩy xí nghiệp sử dụng vốn hợp lý và tiết kiệm, phát triển việc thanh toán qua ngân hàng không dùng tiền mặt và tăng cường hơn nữa quản lý tiền mặt.

Trước nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất và xây dựng, phải tăng cường quản lý vật tư để sử dụng các vật tư và hàng hóa ứ đọng ở các xí nghiệp, các ngành, giảm bớt, đi đến chấm dứt tình trạng ứ đọng. Nhiệm vụ tăng cường quản lý vật tư không chỉ đặt ra cho xí nghiệp cơ sở mà cũng đặt ra cho các ngành, cho các tổ chức cung tiêu của các Bộ và cho Tổng cục Vật tư Nhà nước. Trong công tác nhập hàng của ngoại thương cần phấn đấu cho việc nhập hàng ăn khớp với nhu cầu trong nước, về số lượng cũng như về thời gian sử dụng.

III- CHI VỀ SỰ NGHIỆP KIẾN THIẾT KINH TẾ

Năm 1961 nhu cầu về sản xuất và kiến thiết đều rất lớn, số chi về sự nghiệp kiến thiết kinh tế cũng phải tăng nhiều. Các công việc thăm dò địa chất, đào tạo huấn luyện cán bộ, thí nghiệm và nghiên cứu khoa học v.v., đều phát triển, số chi dành cho sự nghiệp kiến thiết kinh tế năm 1961 tăng 37,9% so với năm 1960.

Để tăng cường quản lý và sử dụng tốt số kinh phí sự nghiệp kiến thiết kinh tế, các chủ trương và biện pháp công tác sự nghiệp phải được các cấp lãnh đạo tính toán chặt chẽ, quán triệt phương châm tập trung kinh phí vào những việc cần nhất, chất lượng công tác phải đảm bảo, để thiết thực đẩy mạnh sản xuất; phát động quần chúng nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tiết kiệm, xây dựng và chấp hành các định mức tiêu chuẩn tiên tiến về chỉ tiêu sự nghiệp để làm cho công tác sự nghiệp được nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Đối với một số loại công tác sự nghiệp như thăm dò địa chất, trạm máy kéo, trạm máy bơm,… cần cố gắng tạo điều kiện để đưa dần vào hạch toán kinh tế.

IV- CHI VỀ SỰ NGHIỆP VĂN - XÃ

Dự toán chi về sự nghiệp văn - xã tăng 15,5% so với năm 1960.

1. Chi về sự nghiệp giáo dục tăng 23,7% so với năm 1960. Dự toán chi trên đây căn cứ vào chỉ tiêu phát triển giáo dục của kế hoạch nhà nước, đồng thời có tính đến khả năng tiết kiệm, khả năng hạ mức tiêu chuẩn chi tiêu đã thực hiện được trong năm 1960.

Trong sự nghiệp phát triển giáo dục, ngoài vốn của ngân sách nhà nước, phần tham gia của nhân dân về sức người, sức của cũng rất lớn. Cần ra sức quản lý tốt để nâng cao chất lượng và mở rộng sự nghiệp giáo dục.

2. Chi về sự nghiệp y tế tăng 13,3% so với năm 1960.

Các công tác nghiên cứu chống các bệnh xã hội và đào tạo cán bộ năm nay được tăng nhiều. Cần tiếp tục cải tiến quản lý các sự nghiệp y tế, quản lý bệnh viện, chú trọng bảo quản, sử dụng tốt dụng cụ và thuốc men.

3. Chi về sự nghiệp văn hóa tăng 21,3% so với năm 1960.

- Chi về văn hóa chủ yếu tăng về đào tạo, huấn luyện cán bộ. Đối với các đoàn văn công, hướng cố gắng là phải tăng thu đúng chính sách và tiết kiệm chi, mở rộng phạm vi phục vụ.

- Về công tác liên lạc văn hóa với nước ngoài, năm 1961 cần tiếp tục mở rộng để tăng cường hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mở rộng giao dịch với các nước khác. Cần đặt chương trình hoạt động thích hợp với khả năng của ta, chú ý bảo đảm chất lượng cao.

4. Chi cho thể dục thể thao tăng 4,6%, thông tấn truyền thanh tăng 8%. Đối với công tác nghiên cứu khoa học năm nay phát triển nhiều nhu cầu rất lớn nên kinh phí tăng 49,5% so với năm 1960.

V- NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Năm 1961, trước những nhu cầu mới rất lớn của Nhà nước, dự toán chi của địa phương được phân phối là 274 triệu 9, tăng 20,8% so với năm 1960, bằng 16,3% tổng số chi của ngân sách nhà nước và so với tổng số thu trong nước thì bằng 19,9%. Ngân sách địa phương năm 1961 tăng 20,8% trong khi ngân sách nhà nước tăng 19,8% là nhằm mục đích bảo đảm toàn bộ khối lượng kiến thiết cơ bản của địa phương đã ghi trong kế hoạch nhà nước, bảo đảm các kinh phí cần thiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, giúp đỡ công nghiệp địa phương,… đồng thời bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước về văn hóa, giáo dục, y tế…

Theo phương hướng như trên, ngân sách địa phương phân phối như sau: về kiến thiết kinh tế, tăng 26,2% so với năm 1960, về văn xã tăng 14,4%, về quản lý hành chính bằng 98% năm 1960.

Ngoài số vốn ngân sách phân phối trên đây, các địa phương còn được sử dụng số kết dư năm 1960 khoảng 6 triệu.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển mọi mặt công tác, các địa phương còn phải dựa vào khả năng của nhân dân là nguồn nhân tài vật lực phong phú để làm những việc lợi ích công cộng ở địa phương. Đối với ngân sách thì dựa vào tăng cường quản lý thu, ra sức tăng thu đúng chính sách để bảo đảm nguồn vốn dồi dào, quản lý chi chặt chẽ, phát huy cao độ hiệu lực đồng tiền chi ra, hết sức tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong ngân sách địa phương năm nay không bao gồm phần phụ thu thuế nông nghiệp, phần này đã dành riêng cho ngân sách xã. Cần nghiên cứu thêm nguồn thu cho ngân sách xã, thành lập ở xã một cấp tài chính có thu chi riêng, do Hội đồng nhân dân xã quản lý.

Thưa các vị đại biểu,

Đi đôi với kế hoạch thu chi tài chính nhà nước, công tác tín dụng và tiền tệ có một tác dụng rất lớn trong việc phục vụ sản xuất công nông nghiệp phát triển, tăng cường sự giám đốc qua đồng tiền đối với hoạt động kinh tế của các ngành.

Kinh nghiệm trong thời gian qua, một mặt xác minh vai trò rất quan trọng của công tác tín dụng tiền tệ trong nền kinh tế quốc dân, mặt khác cũng chứng tỏ là chúng ta có nhiều khả năng đẩy mạnh công tác tín dụng và tiền tệ làm đầy đủ nhiệm vụ đòn bẩy, thúc đẩy sản xuất và mở rộng lưu thông hàng hóa.

Đến nay nền kinh tế quốc doanh ngày càng lớn mạnh, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh đã căn bản hoàn thành, tình hình đó tạo ra nhiều thuận lợi rất căn bản cho công tác tín dụng và tiền tệ phát huy tác dụng, đồng thời cũng đề ra những yêu cầu lớn:

Ngành ngân hàng cần phải ra sức tăng cường việc huy động và tập trung nguồn vốn nhàn rỗi ở thành thị cũng như ở nông thôn mở rộng việc cho vay ngắn hạn và dài hạn, nhất là đối với các hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, giúp cho hợp tác xã sử dụng tốt khả năng lao động của mình, phát triển sản xuất một cách toàn diện. Mặt khác thông qua việc cho vay vốn lưu động mà góp phần giúp đỡ các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh sử dụng có hiệu quả các phương tiện vật chất và tiền tệ, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

Cần phải tăng cường công tác quản lý quỹ tiền lương trong khu vực sản xuất, đồng thời mở rộng và cải tiến công tác thanh toán và cho vay thanh toán, chấm dứt tình trạng nợ kéo dài giữa các cơ quan xí nghiệp đẩy mạnh việc thi hành chế độ hợp đồng kinh tế, góp phần củng cố chế độ hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp quốc doanh.

Công tác cho vay dài hạn năm 1961 có một tầm quan trọng rất lớn. Vốn cho vay dài hạn so với những năm trước tăng lên nhiều, nhưng so với yêu cầu giúp đỡ hợp tác xã củng cố quan hệ sản xuất mới thì số vốn hiện nay chưa phải là lớn: cần nghiên cứu khả năng để có thể tăng nguồn vốn cho vay dài hạn nhiều hơn. Mặt khác cần phải có biện pháp cụ thể bảo đảm cho vay được tốt, làm cho số vốn của Nhà nước có tác dụng thực sự giúp đỡ hợp tác xã tăng thêm khả năng mở rộng tái sản xuất, phát huy tinh thần lao động cần cù và tiết kiệm của xã viên để xây dựng hợp tác xã, không sinh ra ỷ lại. Cần nghiên cứu những vấn đề về chính sách, về phương hướng cho vay vốn và kế hoạch giúp đỡ hợp tác xã sử dụng tốt số vốn đó và có kế hoạch chuẩn bị cho những năm sau.

*

*       *

PHẦN THỨ TƯ

BẢO ĐẢM THỰC HIỆN TỐT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1961

Trước yêu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống nhân dân, nhiệm vụ tài chính năm 1961 rất nặng.

Dự trù thu tính sát theo các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng của kế hoạch nhà nước.

Dự trù chi theo dự án ngân sách này rất khẩn trương: một số khoản chi chưa tính toán được đầy đủ còn có thể tăng lên, tình hình năm 1961 còn có thể có những yêu cầu chi mà hiện nay chúng ta chưa thấy hết; nhưng chúng ta chỉ dành được một số dự bị phí nhất định. Phương hướng phấn đấu có hiệu quả nhất là phải ra sức phát huy mọi nhân tố tích cực, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm để tăng thu và tiết kiệm chi cho ngân sách, tạo thêm những nguồn dự trữ mới đáp ứng mọi yêu cầu mới mà cách mạng có thể đề ra. Vì vậy, cần phải có sự cố gắng rất lớn của các ngành các cấp, tăng cường một cách có hiệu quả công tác quản lý kinh tế và tài chính.

Dự án ngân sách năm 1961 đề nghị trên đây là tính toán theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước. Trong điều kiện bảo đảm an toàn lao động, phải ra sức phấn đấu vượt chỉ tiêu về sản lượng, về năng suất lao động, về giá thành, về mở rộng lưu thông hàng hóa, trên cơ sở đó mà tăng thu cho tài chính nhà nước. Cần thay đổi chế độ thu quốc doanh để làm cho số thu tài chính nhà nước phản ánh được hoạt động kinh tế của các ngành, bảo đảm thu kịp thời và phát huy tác dụng giám đốc của tài chính nhà nước đối với các xí nghiệp quốc doanh, thúc đẩy hạch toán kinh tế. Phải thực hiện tiết kiệm chi, bảo đảm các chỉ tiêu kế hoạch với số kinh phí tiết kiệm nhất và kết quả công tác cao nhất.

Để bảo đảm việc chấp hành tốt ngân sách nhà nước năm 1961, cần áp dụng các biện pháp sau đây :

1. Phải đặc biệt tăng cường quản lý công tác kiến thiết cơ bản:

Khối lượng kiến thiết cơ bản năm 1961 rất lớn, về mặt cân đối của kế hoạch, về mặt bảo đảm nguyên vật liệu, thiết kế cũng như trong thi công, còn nhiều khó khăn.

Các ngành, các đơn vị phải triệt để chấp hành trình tự kiến thiết cơ bản nhà nước đã quy định, dự toán kiến thiết cần được xác định trên cơ sở những chế độ đã ban hành, chú ý những tiêu chuẩn định mức tiên tiến đạt được qua phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật ở các công trường trong thời gian qua, cần có biện pháp cụ thể để bảo đảm chi tiêu tiết kiệm, hạ giá dự toán; trong quá trình thi công phải chú ý tập trung vốn vào các công trình trọng điểm, trong mỗi công trình phải tập trung vào các hạng mục chính; cần ra sức đẩy mạnh hạch toán kinh tế làm cho mọi người quan tâm đầy đủ đến việc đưa nhanh công trình xây dựng vào sản xuất, hạ giá thành xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình tốt.

Mặt khác phải ra sức đưa các đơn vị thi công vào hạch toán kinh tế, phát huy tác dụng của quần chúng thực hiện giám đốc và tham gia quản lý công tác kiến thiết cơ bản ở cơ sở. Trong năm 1961 phải mở rộng cấp phát vốn kiến thiết cơ bản theo khối lượng cho đại bộ phận công trình, chấm dứt cấp phát theo lối cung cấp.

2. Đưa công tác quản lý ngoại tệ vào chế độ và kỷ luật chặt chẽ:

Để có thể sử dụng ngoại tệ một cách tiết kiệm và có hiệu lực nhất nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế, công tác quản lý ngoại tệ có một vị trí rất quan trọng. Hàng năm phải có kế hoạch thu chi ngoại tệ cân đối và phải dựa vào những quy định về chế độ và nguyên tắc sử dụng ngoại tệ của Nhà nước mà quản lý chặt chẽ kế hoạch đó.

3. Tăng cường công tác quản lý vật tư:

Để bảo đảm công tác quản lý vật tư được tốt, giải đáp yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng, trong thời gian tới, cần phải kiên quyết đưa công tác quản lý vật tư vào chế độ; phải có những quy định về tiêu chuẩn định mức, về nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, các ngành, các xí nghiệp trong việc dự trữ, bảo quản sử dụng vật tư và phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh các điều quy định ấy.

Trước mắt để giải quyết tình trạng vật tư ứ đọng, trong năm 1961 cần tiến hành sớm việc kiểm kê vật tư và có biện pháp quản lý, phân phối sử dụng những vật tư ứ đọng một cách có kết quả.

4. Tăng cường công tác tài vụ và kế toán:

Cần phải ra sức tăng cường quản lý tài chính trong các cơ quan, các ngành, các xí nghiệp, đặc biệt chú trọng khâu tài vụ và kế toán trong các xí nghiệp quốc doanh, các xí nghiệp công tư hợp doanh, các hợp tác xã, các công trường kiến thiết cơ bản. Phải ra sức phát huy tác dụng giám đốc qua đồng tiền của hệ thống tài chính và ngân hàng đối với mọi hoạt động kinh tế.

Các cán bộ phụ trách các cơ quan, các ngành, các xí nghiệp phải thực sự đi sâu vào nắm công tác tài vụ, coi nó là một công cụ có hiệu lực để kiểm tra và lãnh đạo mọi mặt công tác trong ngành, trong địa phương, trong xí nghiệp của mình. Mỗi Bộ, ngành, xí nghiệp phải chính thức chỉ định một người trong cấp lãnh đạo: bộ trưởng hay thứ trưởng, chánh phó cục trưởng, chánh phó giám đốc, chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm trực tiếp phụ trách công việc tài vụ.

Cần tăng cường việc bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách công tác tài vụ, công tác kế toán cũng như cán bộ chuyên trách kế hoạch, giao cho họ trách nhiệm rõ ràng và tạo cho họ đủ điều kiện để làm hết chức năng của mình.

Đồng thời phải phát huy đầy đủ tác dụng của quần chúng trong việc tham gia quản lý và giám đốc tài vụ, xúc tiến việc phân công, phân cấp quản lý giữa cơ quan tài chính và các ngành, giữa bộ chủ quản và xí nghiệp, giữa trung ương và địa phương.

5. Cần kết hợp với việc đẩy mạnh phong trào “cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất” trong xí nghiệp và thi đua “bốn tốt” trong hợp tác xã để làm tốt hơn nữa công tác quản lý lao động tiền lương trong các ngành kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, công tác phân phối và sử dụng lao động trong các hợp tác xã.

*

*        *

 

Để bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch kinh tế quốc dân và ngân sách nhà nước năm 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm làm đà cho các năm sau, cần phải có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng và toàn dân, vấn đề mấu chốt là làm tốt cuộc vận động chỉnh huấn mùa Xuân do Đảng đề ra, nhằm nâng cao ý thức làm chủ đất nước, xây dựng và bồi dưỡng quan điểm phục vụ sản xuất, cần kiệm xây dựng đất nước, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó đẩy mạnh phong trào quần chúng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, tăng cường công tác quản lý tài chính, tài vụ, mở rộng và nâng cao hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp quốc doanh, củng cố kỷ luật tài chính trong các ngành các cấp.

Thưa các vị đại biểu,

Kết quả việc chấp hành ngân sách các năm qua và dự án ngân sách nhà nước năm 1961 phản ánh tính chất hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, phản ánh đường lối hòa bình xây dựng miền Bắc phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân; nó thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc để mở đầu thắng lợi việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, với tinh thần phấn khởi thi đua sản xuất và tiết kiệm đang cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước năm 1961, chúng tôi tin tưởng rằng ngân sách nhà nước năm 1961 sẽ được chấp hành tốt, góp phần thắng lợi vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.