VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

 

THUYẾT TRÌNH CỦA TIỂU BAN NGHIÊN CỨU
BÁO CÁO CHÍNH PHỦ VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
(Do ông Nguyễn Minh Vỹ, thay mặt Tiểu ban trình bày
tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá II, ngày 19-4-1961)

 

Thưa Quốc hội,

Tiểu ban chúng tôi đã nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trước Quốc hội.

Thay mặt Tiểu ban, tôi xin trình bày những ý kiến của Tiểu ban chúng tôi đối với bản báo cáo.

I- VỀ VẤN ĐỀ "NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ NHÂN DÂN
VÀ SỰ NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở MIỀN BẮC"

Chỉ cách nhau một kỳ họp, nhưng so với kỳ họp lần thứ nhất năm ngoái, kỳ họp của Quốc hội lần này đứng trước một tình hình đổi mới một cách căn bản trên miền Bắc nước ta; không những chúng ta đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm mà mùa xuân của 1961 đồng thời cũng là mùa xuân mới của kế hoạch 5 năm, mở đầu cho một thời kỳ cách mạng mới. Luồng gió "Đại Phong", ngọn triều "Duyên Hải" đang cổ vũ hàng triệu con người lao động được giải phóng trên miền Bắc chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta đã có đường lối chung do Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III đề ra, soi sáng cho chúng ta. Bản Báo cáo của Chính phủ đã nhắc lại những vấn đề cơ bản trong nghị quyết của Đại hội làm kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng như cho các công tác của Nhà nước. Tiểu ban chúng tôi thấy cần nói lên ngay ở đây lòng tin tưởng tuyệt đối của Quốc hội cũng như của toàn dân chúng ta vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối cách mạng do Đại hội Đảng lần thứ III đã đề ra bảo đảm cho những thắng lợi mà nhân dân ta chắc chắn sẽ đạt được trên bước đường đi tới một xã hội ngày càng no ấm, tươi vui hơn.

Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định trong bản báo cáo của Chính phủ về thắng lợi của kế hoạch ba năm, về nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 1961, cũng như về vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, về sự cần thiết phải tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân trước những biến chuyển cách mạng to lớn trong nền kinh tế quốc dân, nhất là về mặt quan hệ sản xuất và trong tình hình xã hội, trong cấu tạo giai cấp, v.v..

Tiểu ban chúng tôi đã đặc biệt chú trọng đến một số vấn đề như sau:

Đánh giá thắng lợi của kế hoạch 1958-1960.

2- Nhận thức về vị trí của năm 1961 và sự quan trọng của nông nghiệp trong tình hình nước ta.

3- Một số điểm cần chú ý trong vấn đề nhà nước và sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Sau đây là những ý kiến Tiểu ban chúng tôi trình với Quốc hội:

Vấn đề thứ nhất:

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ về những thắng lợi về mọi mặt của kế hoạch ba năm, nhất là những thắng lợi có tính chất quyết định trong nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch.

Thắng lợi của cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã căn bản xóa bỏ quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa (toàn bộ các cơ sở công nghiệp, thương nghiệp tư bản tư doanh đã trở thành công tư hợp doanh). Do chỗ đã căn bản hoàn thành cải tạo nền nông nghiệp cá thể, biến những người nông dân cá thể thành nông dân tập thể theo chủ nghĩa xã hội (85% tổng số hộ nông dân lao động với 75% tổng số ruộng đất) đưa gần 1/2 triệu người lao động thủ công và hơn 20 vạn người buôn bán nhỏ vào con đường hợp tác (75% tổng số hộ thủ công và 70% tổng số hộ tiểu thương cần hợp tác hóa), chúng ta đã căn bản xóa bỏ cơ sở sản sinh ra chế độ bóc lột và nguồn gốc sâu xa của cực khổ và nghèo đói.

Xã hội không còn người bóc lột người, điều ước mơ cao cả và mục tiêu phấn đấu của hàng chục triệu con người Việt Nam chúng ta trong bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh nay đã thành một thực tế sinh động trên miền Bắc nước ta. Điều đó khích lệ không những chân tay, trí óc và trái tim của 16 triệu đồng bào ta ở miền Bắc mà còn khích lệ cả hàng chục triệu đồng bào ta ở miền Nam! Cùng với những thắng lợi về mọi mặt của phe xã hội chủ nghĩa, chắc chắn thắng lợi của chúng ta cũng đã và đang khích lệ hàng trăm triệu người còn đang bị nô lệ hay vừa thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh.

Dựa trên quan hệ sản xuất ngày càng đổi mới, nền kinh tế quốc dân trong ba năm qua đã tiến những bước quan trọng. Nông nghiệp thoát dần tình trạng độc canh vươn lên theo phương châm toàn diện mạnh mẽ và vững chắc. Công nghiệp thoát dần tình trạng chỉ có khai khoáng, sửa chữa, đi vào chế tạo tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Nông nghiệp và công nghiệp đều phát triển với tốc độ nhanh. Song song với sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp, các ngành khác của kinh tế quốc dân như giao thông, vận tải, thương nghiệp, ngân hàng v.v., đều phát triển. Đồng thời chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, trong việc đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề.

Chúng tôi xin phép nhắc lại đây một vài con số tiêu biểu: tổng sản lượng lương thực từ 3.900.000 tấn năm 1955 tăng lên 5.700.000 tấn năm 1959. Chỉ riêng về thóc năm 1959 miền Bắc đã đạt được 5.193.000 tấn, gấp trên hai lần năm 1939 là năm được mùa nhất trước chiến tranh và bằng 170% sản lượng của miền Nam cũng trong năm 1959, trong khi ở miền Nam điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn, diện tích cầy cấy lớn hơn. Năm 1960 vì thiên tai nặng, thu hoạch có sút kém, nhưng tính chung các loại cây lương thực cũng đạt khoảng 5.580.000 tấn. Tốc độ tăng hàng năm trên 11%. Sản lượng công nghiệp từ năm 1957 đến năm 1960 tăng 80,3%, bình quân hàng năm tăng 21,7%. Cơ sở của công nghiệp nặng của ta đang được xây dựng một bước, công nghiệp nhẹ của ta đã sản xuất được phần lớn hàng tiêu dùng. Suốt trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị nước ta, chúng chỉ xây dựng được hơn 30 xí nghiệp công nghiệp, chỉ trong ba năm vừa qua chúng ta đã xây dựng và đưa vào sản xuất và sử dụng 122 công trình công nghiệp, văn hóa, dân dụng, trong đó có 50 công trình công nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp đã từ 31,4% năm 1957 tăng lên 41,3% năm 1960. Đó là những sự thực không thể chối cãi, cho thấy rõ rằng chỉ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, miền Bắc nước ta một nước thuộc địa và nửa phong kiến lạc hậu mới có thể xây dựng cho mình một nền kinh tế độc lập và tự chủ, bảo đảm cho một nền độc lập chính trị thực sự và vững chắc được.

Những thắng lợi trong công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển kinh tế và văn hóa theo kế hoạch ba năm 1958 -1960 đã cải biến sâu sắc xã hội miền Bắc nước ta. Đó là một cái mốc đánh dấu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đó là nhân tố mới mẻ nhất xuất hiện đầu năm 1961, mở đường cho những thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Trên cơ sở sản xuất phát triển, mức sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động đã được nâng cao một bước rõ rệt.

Về vấn đề này, ngoài những con số đã nêu ra trong Báo cáo của Chính phủ, các vị đại biểu ở các địa phương đã cho biết thêm tình hình thực tế ở một số vùng miền đồng bằng, ven biển, miền núi, đô thị. Những con số, những tài liệu ấy càng chứng minh thêm nhận định của Chính phủ và giúp cho chúng ta khẳng định thành tích vĩ đại của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc nước ta.

Trước kia, nhiều vùng nông thôn bị nạn đói kinh niên, trong những ngày mùa mỗi người một bữa rưỡi cơm độn, mấy năm nay ngày hai, ba bữa cơm no. Ăn mặc đã lành lặn hơn và cũng đã đẹp hơn. Nhiều người làm nhà mới sân gạch…

Ở thành thị đời sống của công nhân, viên chức… cũng đã được ổn định…

Các vị đại biểu vùng dân tộc đã cho biết ngày nay, ở miền núi ngay cả ở một số vùng rẻo cao, nạn hữu sinh vô dưỡng đã căn bản được giải quyết.

Điều mà một số đại biểu đã nêu bật lên là chính trong tình hình miền Bắc nước ta về căn bản có những khó khăn đặc biệt, do chế độ cũ để lại hoặc do thiên tai hạn hán bất thường gây ra, như năm 1960 bị mất mùa nặng lại càng thấy tính hơn hẳn của chế độ ta, càng làm cho nhân dân tin tưởng, thiết tha yêu mến chế độ hơn. Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, người lao động được giải phóng, làm ăn tập thể, mới có đủ sức phấn đấu với thiên nhiên và hạn chế tác hại của thiên nhiên! Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước mới quan tâm đến đời sống của nhân dân và làm tất cả mọi việc có thể làm được để nâng cao mức sống của nhân dân, trên quan điểm cách mạng.

Nhiều đại biểu đã cho biết ở địa phương mình trong năm qua bị mất mùa đến 70%, 80%, nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề lương thực, nhưng nhờ sự quan tâm của Chính phủ đã có thể vượt qua được đói kém, tích cực sản xuất đạt mức kế hoạch.

Những thắng lợi trên đây là do đường lối của Đảng và Chính phủ hoàn toàn đúng, do tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân ta, nhờ sự giúp đỡ to lớn và vô cùng quý báu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội biểu dương lòng yêu nước và tinh thần lao động cần cù sáng tạo của nhân dân ta ở miền Bắc.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác đã và đang hết sức giúp đỡ nhân dân ta về mọi mặt với một tinh thần quốc tế vô sản cao cả.

Tất nhiên, chúng ta cũng nhất trí nhận định rằng mức sống của nhân dân ở miền Bắc còn thấp so với yêu cầu và hiện nay do sản xuất nông nghiệp năm 1960 sút kém vì thiên tai, cho nên ở một số nơi nhân dân đang gặp một số khó khăn về lương thực và một vài loại thực phẩm. Để giải quyết những khó khăn đó, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất. Tiểu ban chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ tích cực theo dõi, kiểm tra sự thực hiện các biện pháp ấy.

Miền Bắc nước ta phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một nền kinh tế vô cùng lạc hậu, di sản khốc hại của chế độ cũ. Mấy năm qua, đi đôi với việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã ra sức phát triển sản xuất và đạt thành tích to lớn nhưng thời gian chưa đủ để có thể cải biến một cách căn bản cơ sở lạc hậu của nền kinh tế.

Việc hoàn thành cải tạo quan hệ sản xuất là một chuyển biến cách mạng to lớn nhưng mới chỉ tạo ra những khả năng để đẩy mạnh sản xuất. Về nông nghiệp chẳng hạn, ngay sau khi cải tạo xã hội chủ nghĩa thì mỗi người nông dân chỉ có "vài ba sào đất, một cầy chìa vôi và một phần con trâu", kỹ thuật lạc hậu trên một mức độ rất lớn càng bị động, lệ thuộc thiên nhiên.

Chúng ta cần phải thấy hết những nguyên nhân sâu xa, khách quan ấy của tình trạng đời sống còn khó khăn ấy, để đứng trên quan điểm cách mạng mà ra sức phấn đấu với quyết tâm cao, với thái độ tích cực, thực tế. Đến nay, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi có tính chất quyết định thì nhiệm vụ phát triển sản xuất trở thành nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải chỉ xây dựng quan hệ sản xuất mới, mà điều cốt yếu là phát huy tác dụng tích cực của quan hệ sản xuất mới mà xây dựng một nền sản xuất hiện đại, trên cơ sở kỹ thuật cao, bảo đảm năng suất lao động không ngừng tăng lên một cách nhanh chóng cả trong công nghiệp và nông nghiệp do đó mà không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.

Quá trình phát triển sản xuất để thoát khỏi sự lạc hậu, để bảo đảm đời sống cao về vật chất và văn hóa của nhân dân là cả một quá trình phấn đấu gian khổ và lâu dài, đòi hỏi mọi người chúng ta phải nêu cao ý thức làm chủ, nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, ra sức lao động sản xuất.

Kinh nghiệm những năm vừa qua, kinh nghiệm còn nóng hổi của năm 1960 cho ta thấy rằng nếu mỗi người chúng ta nêu cao tinh thần cách mạng, vững vàng, tỉnh táo, quyết tâm phấn đấu gian khổ, vượt mọi khó khăn trong sản xuất và trong đời sống, đồng thời có sự chỉ đạo sát đúng, thì chúng ta có thể vững bước tiến lên, khắc phục khó khăn xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp cho chúng ta.

Trong hoàn cảnh vừa làm, vừa học, trong việc lãnh đạo, trong công tác chúng ta còn phạm một số khuyết điểm, ảnh hưởng không tốt đến phát triển sản xuất, chúng ta cần ra sức khắc phục để có thể vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Vấn đề thứ hai:

Toàn thể nhân dân chúng ta ở miền Bắc đều vô cùng phấn khởi tiếp thu những nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III về đường lối chung của miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đường lối chung của Đảng là biểu hiện tập trung và toàn diện những yêu cầu cơ bản của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là con đường đúng đắn nhất để đưa nhân dân ta đến một đời sống ấm no, hạnh phúc.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và là một bước rất quan trọng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1961 là năm bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, do đó có một ý nghĩa và vị trí rất quan trọng. Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của Chính phủ cho rằng "năm 1961 đòi hỏi chúng ta phải có những cố gắng và những tiến bộ phi thường để đáp ứng những yêu cầu mới và những nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng".

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhiệm vụ và phương hướng chung của kế hoạch đã nêu ra trong bản báo cáo của Chính phủ:

- Tích cực củng cố và phát triển hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất.

- Ra sức đẩy mạnh hơn nữa nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.

- Thực hiện một bước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ.

- Đẩy mạnh hơn nữa tốc độ xây dựng cơ bản, tập trung lực lượng vào các công trình trọng điểm.

- Đẩy mạnh hoạt động cân đối, nhịp nhàng của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa.

- Tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân.

Trong khi nghiên cứu, thảo luận Báo cáo của Chính phủ, Tiểu ban chúng tôi không đi sâu vào các chỉ tiêu cụ thể thuộc trách nhiệm của Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội, nhưng tất cả các đoàn cũng như Tiểu ban chúng tôi đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp.

Tiểu ban chúng tôi có mời vị đại diện Chính phủ cho biết rõ thêm về tình hình thực tế, trên cơ sở đó đã thảo luận và đi đến nhất trí về những điểm sau đây:

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội mấy năm qua ngày càng chứng minh sự đúng đắn của sự nhận định của Đảng và Chính phủ nói rằng trong xã hội ta, nắm vững quan hệ đúng đắn giữa công nghiệp và nông nghiệp là một trong những điểm cơ bản để làm tốt cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nông nghiệp là một trong hai ngành sản xuất chủ yếu của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Công nghiệp và nông nghiệp thúc đẩy lẫn nhau. Trong khi chúng ta lấy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm thì nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp. Vì thế chúng ta không một phút nào được xem nhẹ nông nghiệp. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề của Chính phủ "một tay nắm vững công nghiệp, một tay nắm vững nông nghiệp".

Nhờ đường lối đúng của Đảng, nhờ sự cố gắng tích cực của các cơ quan Chính phủ có trách nhiệm, nhờ sự nỗ lực phi thường của đồng bào nông dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn lao về mặt sản xuất nông nghiệp. Nhưng so với yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân, so với đòi hỏi ngày càng lớn lao của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải còn ra sức phấn đấu, ra sức nỗ lực hơn nữa, trong một thời gian khá lâu dài nữa thì mới có thể giải quyết vấn đề lương thực và vấn đề cây công nghiệp một cách căn bản.

Qua thực tế ở các địa phương đã được phản ảnh, qua báo cáo bổ sung của vị đại diện Chính phủ cho Tiểu ban, chúng tôi thấy rằng chính trong vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, mấy năm nay mặc dù thắng lợi to lớn, không phải mọi việc đều trôi chảy. Đã có lúc chúng ta chủ quan về khả năng giải quyết vấn đề lương thực. Chúng ta đang gặp nhiều mâu thuẫn, có nhiều vấn đề phức tạp cần phải thấy rõ, giải quyết đúng, kịp thời, nhằm đẩy mạnh một cách mạnh mẽ, vững chắc, căn bản hơn nữa.

Sức lao động còn thừa khá nhiều mà chưa sử dụng hết; khả năng tiềm tàng của đất đai, sông ngòi, đồi bãi, nguồn phân bón, khả năng sản xuất nông cụ cũng còn nhiều nhưng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta còn quá kém, nông cụ lao động còn lạc hậu, công cụ cải tiến còn chưa có mấy; hợp tác xã còn ở bậc thấp, quản lý còn yếu.

Trong quan hệ sản xuất ở nông thôn đã có chuyển biến căn bản, nhưng tư tưởng, tổ chức, chính sách của chúng ta chưa chuyển kịp, chính vì vậy mà chúng ta chưa vận dụng được triệt để những nhân tố thắng lợi mới do quan hệ sản xuất mới mang lại để ra sức phát triển sản xuất hơn nữa, nhất là cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, phát huy tính hơn hẳn của quan hệ sản xuất mới để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trái lại có nơi có lúc hầu như tách rời vấn đề hợp tác hóa với phát triển sản xuất.

Những vấn đề cơ bản, lâu dài trong nông nghiệp chưa được nghiên cứu một cách thật sâu sắc cụ thể. Ví dụ: thủy lợi là vấn đề rất quan trọng. Phương châm "ba chính" do Chính phủ đề ra về căn bản là đúng. Nhưng bên cạnh việc nhân dân làm là chính, thủy lợi nhỏ là chính, v.v., thì Nhà nước phải làm gì, nhằm vào những vùng nào, với những kế hoạch như thế nào cho sát với đặc điểm từng vùng, kịp thời vụ trồng trọt của nhân dân v.v.. Ví dụ nữa: muốn cho nhân dân dùng phân hóa học được tốt, một mặt phải định giá cả cho vừa phải, đồng thời phải nghiên cứu và chỉ dẫn cách sử dụng một cách chính xác tỉ mỉ, đất gì cây gì thì dùng phân gì, tỷ lệ, liều lượng bao nhiêu, thời gian dùng lúc nào v.v., mới làm cho đất tốt, cây tốt. Làm không đúng như thế thì sẽ xấu đất, chết cây v.v..

Mỗi một vấn đề trong nông nghiệp đều như thế. Muốn khuyến khích trồng cây công nghiệp đồng thời với việc tuyên truyền cổ động thì còn phải định giá cả thu mua, giải quyết vấn đề giống, chỉ dẫn về kỹ thuật, phải đưa chính sách thu mua, giá cả vào lúc nào cho đúng, không phải đưa chính sách khi sắp thu hoạch mà trước mùa mới có tác dụng khuyến khích một cách thiết thực v.v..

Hoặc như một vấn đề tỉ mỉ hơn: muốn khuyến khích nông dân bán lợn trên 50 cân chẳng hạn cũng cần phải hiểu vì sao, vì những nguyên nhân thực tế gì mà nông dân không thích nuôi lợn đến lứa ấy (quá lứa ấy thì lợn chậm lớn, ăn nhiều, nuôi tốn kém hơn v.v..). Do đó phải định giá như thế nào, có phương pháp thu mua như thế nào, có chính sách khuyến khích như thế nào mới có tác dụng thúc đẩy thực sự…

Cũng một ví dụ nữa: chính sách thu mua lương thực của Nhà nước căn bản là đúng hoặc chủ trương phân cấp chia vùng sản xuất cũng là đúng nhưng biện pháp cụ thể, phương pháp thi hành cũng phải đúng đắn, nếu không thì không khỏi xảy ra những lệch lạc khuyết điểm gây khó khăn cho nông dân, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Còn có thể kể rất nhiều ví dụ như thế, nói lên những điều chúng ta chưa giải quyết được thật tốt. Điều cần nhấn mạnh là nhận thức về sự quan trọng của nông nghiệp và vai trò của nông dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong tình hình riêng của nước ta còn chưa thật đầy đủ. Nhận thức ấy một khi có đủ còn phải được thể hiện trong toàn bộ các biện pháp chính sách cụ thể và sự chỉ đạo thực hiện các biện pháp chính sách cụ thể ấy. Chúng ta phải thấy hết tầm quan trọng và tính chất phức tạp của vấn đề để tích cực giải quyết.

Đây là một vấn đề được thảo luận sôi nổi trong các đoàn, cũng như trong Tiểu ban chúng tôi. Sau khi thảo luận, Tiểu ban chúng tôi nhất trí đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ một số vấn đề
sau đây:

a) Tăng cường giáo dục một cách sâu sắc nhằm làm cho mọi người quán triệt vị trí và vai trò rất quan trọng của nông nghiệp, những phương châm phát triển nông nghiệp trong thời kỳ quá độ xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong hoàn cảnh riêng của miền Bắc nước ta, một nước có nền kinh tế rất lạc hậu, nhưng đồng thời có nhiều thuận lợi lớn về thiên nhiên, về khí hậu, nhất là có quan hệ sản xuất mới mở ra những khả năng lớn lao cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, thấy hết khó khăn đồng thời cũng thấy hết thuận lợi để tin tưởng, cố gắng phấn đấu một cách liên tục, bền bỉ, kiên quyết.

b) Trên cơ sở nhận thức ấy, cần tổ chức nghiên cứu kế hoạch phát triển nông nghiệp một cách lâu dài, toàn diện hơn, nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản về đất đai, phân bón, thủy lợi, về tư tưởng cũng như về tổ chức, về chính sách cũng như về kỹ thuật, về lãnh đạo cũng như chỉ đạo cụ thể đối với từng vùng, từng ngành, từng loại, v.v., nhằm khắc phục thiên nhiên một cách lâu dài, có hiệu quả hơn, không phải chỉ chạy theo kế hoạch từng vụ.

c) Cần làm cho mọi ngành có ý thức phục vụ tích cực, cụ thể cho nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp với một tỷ lệ thích đáng.

Công nghiệp cần thấy nhiệm vụ phải trang bị cho nông nghiệp, có kế hoạch sản xuất máy móc, nông cụ cải tiến, phân bón cho nông nghiệp.

- Về khoa học - kỹ thuật cần hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, sử dụng nông cụ cải tiến, phân bón, thuốc trừ sâu.

- Về thủy lợi, cần có kế hoạch xây dựng các công trình đại, trung thủy lợi, đồng thời với việc thực hiện phương châm "hạ chính" trong thủy lợi;

- Thương nghiệp cần có chính sách giá cả tổ chức thu mua hợp lý, góp phần thúc đẩy nông dân tích cực sản xuất.

- Ngân hàng cần có chính sách cho vay (mức lãi, thể lệ thích đáng).

- Giáo dục cần tích cực mở trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho hợp tác xã, v.v..

- Các ngành văn học, nghệ thuật cũng cần có phương hướng và kế hoạch phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Điều cần nhắc lại ở đây là quan hệ sản xuất ở nông thôn đã đổi mới, nhân vật trung tâm ở nông thôn hiện nay là người xã viên hợp tác xã, cho nên cách nhìn và mọi chính sách, tổ chức cần phải chuyển cho kịp thời mới phục vụ tốt, kịp thời cho nông nghiệp.

Đối tượng của mọi chính sách là hợp tác xã nông nghiệp và việc xây dựng kế hoạh sản xuất, thu mua,… cũng đều phải dựa trên hợp tác xã.

Hiện nay một số chính sách có ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất nông nghiệp chưa được điều chỉnh cho kịp với sự chuyển biến của tình hình, đó là một thiếu sót quan trọng cần được chú ý đặc biệt, kịp thời khắc phục.

Tiểu ban chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đặt vấn đề "giúp đỡ hợp tác xã là một nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước" "tăng cường giúp đỡ về mọi mặt của Nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp" và hoan nghênh việc Chính phủ đề ra mọi chính sách và biện pháp về các mặt nhằm giúp đỡ hợp tác xã, đặc biệt là trong chính sách thu mua và cung cấp của ngành thương nghiệp, chính sách cho vay vốn của ngân hàng.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ tích cực theo dõi sự thực hiện các chủ trương hoàn toàn đúng đắn trên đây cho có kết quả tốt và mong rằng các cán bộ và cơ quan nhà nước sẽ rút ra được những bài học, những kinh nghiệm bổ ích trong khi kiểm điểm hoạt động của ngành mình trong thời gian kế hoạch ba năm vừa qua.

Đồng thời chúng tôi cũng thấy cần nhắc lại đây sự quan hệ giữa Nhà nước và hợp tác xã trên hai mặt: Nhà nước hết lòng hết sức giúp đỡ hợp tác xã, hợp tác xã và xã viên phải thi hành đầy đủ mọi chính sách của Chính phủ. Như thế để tăng cường sự nhất trí giữa Nhà nước và hợp tác xã, gây một luồng phấn khởi mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Về vấn đề thứ ba:

Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của Chính phủ về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trước những chuyển biến cách mạng về quan hệ sản xuất và cơ cấu kinh tế, trước những chuyển biến cách mạng về xã hội, về sự cần thiết phải tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân.

Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn tán thành cách đặt vấn đề của Chính phủ trên cả hai mặt: "trong lúc chúng ta giáo dục mọi người dân phải biết làm tròn trách nhiệm làm chủ của mình, chúng ta cũng đòi hỏi Nhà nước dân chủ nhân dân làm tròn trách nhiệm, thể hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân".

Đặt vấn đề như thế là toàn diện, đúng đắn. Chúng tôi thấy cần đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ đến một số vấn đề sau đây:

a) Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quản lý nhà nước, quản lý kinh tế nói chung, thực hiện sự chỉ đạo tập trung đồng thời sự phối hợp, điều hòa giữa các Bộ, các ngành, các đơn vị, các địa phương, giải quyết tốt những vấn đề khó khăn trước mắt do sự phát triển kinh tế nhanh chóng đặt ra như vấn đề nguyên vật liệu cho các xí nghiệp, công trường, vấn đề thi hành chế độ trách nhiệm trong công tác, chế độ hợp đồng, Luật công đoàn v.v..

b) Cần có kế hoạch toàn diện, lâu dài về đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, chú trọng dành một tỷ lệ thích đáng cho phụ nữ, có chính sách bồi dưỡng cán bộ xã;

c) Tăng cường việc kiểm tra về mọi mặt trong việc thi hành pháp luật nhà nước, các chế độ công tác, tài chính, tích cực hơn nữa trong việc chống quan liêu, lãng phí, tham ô.

d) Cán bộ phải đi đường lối quần chúng, thực hiện đúng quan điểm quần chúng, tôn trọng pháp chế dân chủ, kiên quyết chống tác phong quan liêu mệnh lệnh đối với nhân dân, luôn luôn nâng cao trình độ tư tưởng và nghiệp vụ của mình khiêm tốn học tập và áp dụng một cách sáng tạo kỹ thuật tiên tiến của Liên Xô và các nước anh em khác.

e) Ngoài những vấn đề trên đây, các vị nữ đại biểu Quốc hội trong Tiểu ban đã thiết tha đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ đến vấn đề giáo dục, nuôi dạy chăm sóc các cháu thiếu nhi tương lai của dân tộc. Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đề nghị ấy.

Tóm lại, đường lối chung đã có, trách nhiệm của Nhà nước là phải tăng cường tổ chức thực hiện.

Trong lúc quan hệ sản xuất và xã hội đã có những biến chuyển cách mạng sâu sắc, cần phải xây dựng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động những tư tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với chế độ chính trị và quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng.

Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc Đảng và Chính phủ đề ra đợt chỉnh huấn mùa xuân nhằm đạt các yêu cầu về tư tưởng như trên, làm cho cán bộ cơ quan nhà nước, các nhà khoa học - kỹ thuật hiểu rõ quy luật khách quan, các quan điểm cơ bản về xây dựng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó kiểm điểm tất cả hoạt động của ngành mình, phát huy ưu điểm, phê phán và khắc phục khuyết điểm sai lầm, trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình, tạo một đà phấn khởi mới đưa cách mạng ở miền Bắc tiến lên giành những thắng lợi mới.

 

II- VỀ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA ĐỒNG BÀO TA
Ở MIỀN NAM VÀ SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT TỔ QUỐC

Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định của Chính phủ về phong trào yêu nước ở miền Nam Việt Nam về những âm mưu và hoạt động phá hoại Hiệp định Giơnevơ một cách nghiêm trọng của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm.

Tiểu ban chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Chính phủ "kiên quyết phấn đấu để Hiệp định Giơnevơ được thi hành đầy đủ và nghiêm chỉnh", nhất là những điều khoản về việc thực hiện thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình theo tinh thần của Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thời gian qua, phong trào yêu nước của đồng bào ta ở miền Nam đã phát triển mạnh mẽ và rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân ở khắp các nơi với rất nhiều hình thức đấu tranh ngày càng phong phú nhằm thực hiện những quyền lợi cơ bản và cấp bách nhất của nhân dân ta ở miền Nam; quyền làm ăn sinh sống, quyền tự do dân chủ, quyền độc lập dân tộc, quyền hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chế độ thối nát và bất lực của Mỹ - Diệm đang ở trong tình trạng khủng hoảng kéo dài. Chế độ bán nước hại dân đó chẳng những bị toàn thể đồng bào ta ở miền Nam mà cũng bị nhân dân thế giới lên án.

Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với một cương lĩnh đấu tranh phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân ở miền Nam, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới ngày nay đánh dấu một bước tiến mới của phong trào. Dưới ngọn cờ của Mặt trận, các lực lượng yêu nước ở miền Nam chắc chắn sẽ tập hợp ngày càng đông đảo hơn nữa để phấn đấu cho những mục tiêu mà Mặt trận đã đề ra.

Trò tuyển cử Tổng thống bịp bợm của Mỹ - Diệm vừa kết thúc trong khủng bố, càn quét, gian lận ở miền Nam càng làm cho mọi người thấy rõ bản chất phản động của chúng và chẳng những không cứu vãn được mà còn thúc đẩy quá trình sụp đổ của chúng.

Cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm, thống nhất nước nhà của nhân dân ta đã và đang được sự đồng tình ủng hộ ngày càng rộng rãi của nhân dân và Chính phủ các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong lúc Tiểu ban làm việc chúng tôi được tin thêm là Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi họp ở Băng Đung cùng một lúc với kỳ họp này của Quốc hội ta sau khi nghe báo cáo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam, đã có quyết nghị "đòi đế quốc Mỹ chấm dứt ngay sự can thiệp vào miền Nam Việt Nam" và cũng lấy ngày 20-7-1961 làm "ngày toàn thể nhân dân Á - Phi đoàn kết tích cực với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước".

Chúng tôi đề nghị Quốc hội ta hoan nghênh những kết quả của khóa họp Hội đồng đoàn kết nhân dân Á - Phi, hoan nghênh nhiệt tình của các bạn Á - Phi đối với cuộc đấu tranh của ta. Chúng ta cũng tỏ lòng biết ơn Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa ra tuyên bố ngày 13-4-1961 ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào ta ở miền Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân ta để thống nhất đất nước.

Một lần nữa đó là những cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta, những bằng chứng hùng hồn về tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm, thống nhất nước nhà của nhân dân ta, bác bỏ một cách đích đáng những luận điệu xằng bậy của đế quốc Mỹ và những kẻ theo hùa với chế độ Mỹ vu khống phong trào đấu tranh của nhân dân ta.

"Ai là thủ phạm gây ra tình hình hiện nay ở miền Nam? Rõ ràng không phải là một "thiểu số người vũ trang" hay "miền Bắc" mà đích danh là đế quốc Mỹ và con chó săn trung thành của chúng là Ngô Đình Diệm. Bọn chúng đã đặt lên đầu nhân dân miền Nam một chế độ thuộc địa đen tối nhất, dã man nhất; dưới chế độ đó con đường sống còn duy nhất của mọi người dân bình thường là phải đấu tranh để cứu lấy mình, cứu nhà, cứu nước".

Đó là câu trả lời đanh thép của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhân dân miền Nam, trong lời Tuyên bố ngày 09-4-1961 về việc đế quốc Mỹ và khối xâm lược Đông Nam Á tăng cường can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đưa ra những con số nói lên tội ác tày trời của Mỹ - Diệm đối với nhân dân miền Nam "bắt giam 27 vạn người trong các nhà lao chính thức, giết chết 75.000 người, làm bị thương 16.625 người, bắt giam và tra tấn thành thương tật phế nhân rồi thả trên 50 vạn người". Đó là những con số vượt xa những con số mà từ trước đến nay chúng ta công bố trên miền Bắc.

Chúng ta cực lực phản đối những hành động khủng bố tàn sát cực kỳ dã man của bọn Mỹ - Diệm!

Chúng ta cực lực lên án những hành động vi phạm liên tiếp và ngày càng nghiêm trọng của chúng đối với tất cả các điều khoản chính trị và quân sự của Hiệp định Giơnevơ, gây tình trạng chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.

Chúng ta cực lực phản đối việc hội nghị của khối quân sự Đông Nam Á mới đây đã bàn đến cái gọi là vấn đề miền Nam Việt Nam có đại diện của chính quyền Ngô Đình Diệm tham dự, chúng ta coi đó là một sự can thiệp trắng trợn vào tình hình nước ta trái với Hiệp định  Giơnevơ.

Chúng ta tuyên bố rằng cuộc đấu tranh để giành quyền sống, để giành độc lập, dân chủ của đồng bào ta ở miền Nam là quyền thiêng liêng của đồng bào ta, một cuộc đấu tranh yêu nước chính nghĩa mà không một nước ngoài nào được can thiệp.

Chúng ta cũng tuyên bố rằng thống nhất Tổ quốc là nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, là trách nhiệm của chính quyền hai miền thực sự coi trọng quyền lợi của Tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân, không một nước ngoài nào được can thiệp vào ! Mọi vấn đề của dân tộc Việt Nam đều do dân tộc Việt Nam cùng nhau thương lượng, thảo luận để giải quyết, theo tinh thần của Bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phải tiến tới có sự hiệp thương giữa chính quyền hai miền theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ, phải lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền vì những lợi ích rất thiết thực của đồng bào ta ở hai miền!

Nhân dân Việt Nam trước sau như một kiên quyết phấn đấu để Hiệp định Giơnevơ được thi hành đầy đủ và nghiêm chỉnh, vì hòa bình thống nhất độc lập dân chủ của nước Việt Nam và vì hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam từ chỗ bị đánh phá ác liệt đã vùng dậy thành những làn sóng căm phẫn lôi cuốn hàng triệu người vào những cuộc đấu tranh to lớn, sôi nổi, làm thất bại một phần lớn các chính sách phản nước hại dân của Mỹ - Diệm, làm tan rã một phần lớn cơ sở chính quyền của chúng ở nông thôn, làm cho chúng ngày càng bị cô lập, suy yếu, làm cho nội bộ của chúng ngày càng thêm phân hóa sâu sắc. Sự vùng dậy của đồng bào miền Nam sau 6, 7 năm trời bị dìm trong máu lửa nói lên sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, một dân tộc kiên cường bất khuất.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội biểu dương tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng bất khuất của đồng bào miền Nam!

Nhân dân ta ở miền Nam nhất định sẽ đánh bại bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Miền Nam nước ta nhất định sẽ được giải phóng! Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất!

 

III- VỀ TÌNH HÌNH QUỐC TẾ VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI
 CỦA NƯỚC TA

Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đường lối và hoạt động ngoại giao của Chính phủ đã tiến hành trong thời gian qua và vui mừng nhận thấy rằng quan hệ đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được mở rộng, uy tín và địa vị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được nâng cao thêm một bước.

Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ bản Tuyên bố và Lời kêu gọi của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân tại Mạc Tư Khoa1 tháng 11 năm 1960.

Chúng ta phấn khởi nhận thấy rằng lực lượng của chủ nghĩa xã hội đang ngày càng tỏ rõ hơn hẳn lực lượng của chủ nghĩa đế quốc, hệ thống xã hội chủ nghĩa đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của thời đại ngày nay, phong trào giải phóng dân tộc lên mạnh đang làm cho chủ nghĩa thực dân tan rã không cứu vãn được. Chủ nghĩa đế quốc bước vào giai đoạn khủng hoảng mới. Tuy nhiên bản chất của chúng vẫn không thay đổi và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc nhất là đế quốc Mỹ là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp. Chúng ta cần phải luôn luôn đề cao cảnh giác, nâng cao ý chí chiến đấu để kiên quyết, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng của chúng ta.

Chúng ta vô cùng phấn khởi nhận thấy sự tăng cường đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho hòa bình thế giới.

Thành tựu tuyệt vời, kỳ diệu của nền khoa học Liên Xô trong việc phóng thành công con tầu vệ tinh "Phương Đông" với người công dân Xô viết Gagarin lên vũ trụ và trở về trái đất an toàn đã là một niềm phấn khởi chung cho toàn thế giới cũng như cho nhân dân ta, một tin vui đến đúng lúc Quốc hội ta họp. Việc người đầu tiên lên vũ trụ là một công dân Xô viết, người công dân một nước xã hội chủ nghĩa, người công dân của một nước trước đây không bao nhiêu năm kinh tế rất lạc hậu nhân dân "không có giầy đi, áo mặc" văn hóa rất kém “gần như hoàn toàn mù chữ", phải phấn đấu với muôn ngàn khó khăn gian khổ mới có ngày nay, trở thành nước đi đầu thế giới về khoa học - kỹ thuật là một điều cổ vũ lớn lao đối với chúng ta, nâng cao quyết tâm của chúng ta, khích lệ chúng ta khắc phục mọi khó khăn trước mắt, vững bước tiến lên theo con đường của những người "chọc trời", con đường hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, con đường quang vinh cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Một lần nữa chúng tôi đề nghị Quốc hội hoan nghênh kỳ công vĩ đại của nền khoa học Xô viết, của nhân dân Liên Xô, của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin bách thắng!

Chúng ta vui mừng nhận thấy một điều quý báu là mặc dầu bọn Mỹ - Diệm ra sức chạy vạy, bịp bợm, nhân dân châu Á, châu Phi và châu Mỹ latinh ngày càng nhận rõ rệt rằng Chính phủ ta, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người tiêu biểu những quyền dân tộc của cả nước ta, cả dân tộc ta, càng có cảm tình với sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước ta. Nước Việt Nam là Điện Biên Phủ, là Hồ Chí Minh, là tự do, độc lập, là hạnh phúc, hòa bình chúng không thể nào lừa bịp ai được.

Việc gần đây nước ta kiến lập quan hệ ngoại giao và quan hệ hữu nghị với các nước Á - Phi và Mỹ latinh, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á là một sự tiến triển quan trọng. Chúng ta kính gửi đến nhân dân châu Á và châu Phi và châu Mỹ latinh lời chào anh em nhiệt liệt và lòng biết ơn sâu sắc của mình.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đường lối của Chính phủ nhằm phát triển những mối quan hệ hữu nghị với Vương quốc Lào, ủng hộ Chính phủ hợp pháp của Lào do Hoàng thân Souvan Phouma làm Thủ tướng, ủng hộ nhân dân Lào anh em trong cuộc đấu tranh chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ và các nước tay sai. Chúng tôi tán thành chủ trương của Chính phủ đồng tình ủng hộ những cố gắng bảo vệ nền độc lập và thống nhất lãnh thổ của nhân dân Cônggô. Chúng ta vô cùng căm phẫn và nghiêm khắc lên án sự xâm lược trắng trợn của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa Cuba. Chúng ta nhiệt liệt ủng hộ cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân Cuba anh dũng.

Trước sau như một, nhân dân Việt Nam ta vẫn sẽ sát cánh với nhân dân toàn thế giới, kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại chống chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, tiếp tục tích cực góp phần vào sự nghiệp củng cố hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân các nước.

Thưa Quốc hội,

Chúng ta họp Quốc hội trong lúc ở khắp miền Bắc đang dâng lên một cao trào nhiệt tình lao động của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, trong lúc phong trào cách mạng ở miền Nam có những chuyển biến căn bản.

Chúng ta được cái may mắn họp kỳ họp này cùng với chuyến bay kỳ diệu đầu tiên của con người vào vũ trụ, con người đó lại là một công dân Xô viết, đi trong con tàu vũ trụ "Phương Đông", trong không khí tưng bừng phấn khởi của toàn nhân loại và nhất là của trên một nghìn triệu con người trong phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, chào mừng thành công vĩ đại của nền khoa học
Xô viết, của chủ nghĩa cộng sản, "Phương Đông" báo hiệu những thắng lợi mới, to lớn, tuyệt vời hơn nữa của Liên Xô, của phe ta, đồng thời cũng báo hiệu những thất bại, chua cay của đế quốc Mỹ, những thất vọng chua cay của những ai còn tin Mỹ, theo Mỹ. Hơn bao giờ hết chúng ta càng có thêm lý do, càng có thêm cơ sở để tin tưởng vào sự đúng đắn của đường lối của Đảng, tin tưởng vào những khả năng vô tận của chúng ta, những con người lao động được giải phóng trên miền Bắc đang có điều kiện để phát huy sức sản xuất đi đến chế ngự, chiến thắng thiên nhiên!

Chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, chúng ta còn nhiều nhược điểm, nhưng với lòng tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, ở đường lối chung của Đảng, với quyết tâm của toàn dân nhất định chúng ta sẽ thắng lợi trong kế hoạch 5 năm, trong kế hoạch 1961 cũng như chúng ta đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch ba năm.

Trong tinh thần tin tưởng, phấn khởi ấy. Tiểu ban chúng tôi nhất trí tán thành toàn bộ nhận định chủ trương trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua bản báo cáo ấy.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

1. Mátxcơva (BT).

 

Về trang mục lục

Trở về đầu trang